THỨ NĂM TUẦN V MÙA CHAY NĂM C
Ga 8,51-59
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
51 Khi ấy, Chúa Giêsu nói với người Do Thái rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. 52 Người Do Thái lại nói: “Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: ‘Ai giữ lời Ta, thì không bao giờ phải chết’. 53 Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao ? Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai ?”
54 Chúa Giêsu trả lời: “Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Đấng các ngươi xưng là Thiên Chúa của các ngươi. 55 Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. 56 Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng”.
57 Người Do Thái liền nói: “Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi sao ?” 58 Chúa Giêsu trả lời: “Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi: Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi”.
59 Bấy giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.
SUY NIỆM:
Sứ điệp: Chúa Giêsu không tự tôn vinh mình, nhưng chỉ tìm vinh quang từ nơi Chúa Cha. Đó là động lực giúp Người trung thành với sứ mạng. Và đó cũng phải là động lực cho đời sống Kitô hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con cúi mình trước sự khiêm tốn thẳm sâu của Chúa. Chúa quả quyết với người Do thái rằng: Chúa lớn hơn tổ phụ Ápraham, Chúa là Đấng Hằng Hữu. Nhưng dù vậy, Chúa không đi tìm vinh quang cho mình, không phô trương quyền lực, không tìm cách để cho người đời ca khen chúc tụng. Trái lại, làm gì hay nói gì, Chúa chỉ tìm cách làm rạng rỡ vinh quang của Chúa Cha và chờ đợi Chúa Cha tôn vinh Chúa. Con thấy trong suốt cuộc đời Chúa nơi trần gian, dù Chúa có bị người đời hiểu lầm, chê cười, chống đối, Chúa vẫn không nản lòng bỏ cuộc, một vẫn trung thành với sứ mệnh, vì Chúa chờ đợi Chúa Cha sẽ tôn vinh Chúa bằng sự phục sinh vinh hiển.
Lạy Chúa, xin dẫn dắt con theo đường lối Chúa để con chỉ đi tìm vinh quang của Chúa Cha. Con dễ thường theo thói đời đi tìm vinh quang cho mình bằng cách tự phụ, phô trương, khoe khoang, bắt người khác phục tùng mình. Con cũng dễ tìm vinh quang nơi người đời, tìm cách để họ chúc tụng khen thưởng, nên con dễ buồn lòng nản chí khi bị chê cười hoặc gặp thất bại.
Lạy Chúa, vinh quang người đời mau qua, đôi lúc nó đã làm con sống giả dối và mù quáng trước những lời nịnh hót. Xin Chúa giúp con làm mọi việc vì vinh danh Chúa Cha. Xin dạy con khiêm tốn để con sống thực lòng. Con xin trao phó trọn vẹn đời con cho tình thương và sự phán xét công minh của Chúa. Chỉ có Chúa mới thấu tỏ lòng con và ban thưởng vinh quang đời đời cho con. Con chỉ xin cho con được lòng trung thành luôn mãi. Amen.
Ghi nhớ: “Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta”.
TGM Giuse Nguyễn Năng
SUY NIỆM:
A- Phân tích (hạt giống...)
Lời Chúa hôm nay nói về Abraham và Chúa Giêsu:
1. Bài đọc 1: Thiên Chúa gọi Abram, giao ước cho ông là tổ phụ nhiều dân tộc và đổi tên ông là Abraham. Bởi đó, Abraham rất được người Do Thái ngưỡng mộ. Họ coi ông là tổ phụ của họ.
2. Phúc Âm: Chúa Giêsu cố gắng làm cho người Do Thái hiểu về Ngài. Trong bài trích Phúc Âm này, Ngài nói hơi xa xôi: Khi người Do Thái hỏi “Chẳng lẽ ông lại lớn hơn Cha chúng tôi là Abraham sao ?”, Ngài đáp “Khi Abraham chưa sinh thì đã có Ta rồi. Ý Ngài muốn họ hiểu Ngài là Thiên Chúa. Nhưng chẳng những họ không hiểu mà họ còn định lấy đá ném Ngài.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Trong cuộc đối thoại với người Do Thái, Chúa Giêsu càng lúc càng mặc khải thêm về thân thế của Ngài… Nhưng với cái nhìn và kiến thức cũng như kinh nghiệm cá nhân, người Do Thái không thể nhận biết thân thế của Chúa: Ông là ai ? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham sao ? Bây giờ chúng tôi mới biết rõ ông bị quỷ ám… Sự thật của Chúa đòi hỏi con người phải từ bỏ nếp sống cũ của tội lỗi, những mưu tính vụ lợi, những ganh tị tham lam (Mỗi ngày một tin vui).
2. Nhiều người thời nay cũng không thể chấp nhận sự thật về Chúa Giêsu. Họ không tin Ngài là Đấng Cứu Thế, càng không tin Ngài là Con Thiên Chúa. Bởi vì họ đã có quá nhiều thành kiến về đạo, trong đó cũng có những thành kiến do một số người có đạo tạo nên. Mỗi người hãy tự kiểm xem có khi nào vô tình khiến người ta có thành kiến với Chúa và với Giáo hội không ?
3. Một du khách mới tới Trung Hoa về báo cáo rằng giới trí thức Trung Hoa tuyên bố: “Không, việc truyền giáo của quý vị không bám rễ vào đất nước chúng tôi được đâu, vì các nhà truyền giáo của quý vị mới đến chưa hiểu gì đã tuyên bố là đạo của chúng tôi bị sai lạc”. Và một người Á Đông khác cũng nói: “Các ông muốn chúng tôi bỏ những gì mà chúng tôi tin và chấp nhận những gì mà các ông tin” Đi truyền giáo mà có định kiến thì thà ở nhà còn hơn. (Góp nhặt).
4. Ngày nọ, Đức Giám Mục Jonh Selwyn thấy một người con trai người bản địa cư xử thô bạo với kẻ khác, Ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những không chịu nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị Giám mục. Mọi người thấy vậy đứng chết trận. Nhưng vị Giám mục không cho họ làm gì. Rồi Ngài quay lưng ra và lặng lẽ bỏ đi.
Nhiều năm sau, một vị truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và xin được rửa tội. Khi nhà truyền giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp: “Xin đặt là John Selwyn, vì chính Ngài đã dậy cho tôi biết Đức Kitô là ai khi tôi đánh Ngài”. (Góp nhặt).
Lm. Carôlô Hồ Bạc Xái
SUY NIỆM:
Trong những cuộc đối thoại với người Do Thái, Chúa Giêsu kiên nhẫn mạc khải cho họ biết về thân thế của Ngài; cũng như về nếp sống phải có của những ai tin nhận Ngài. Nhưng với cái nhìn và kiến thức hạn hẹp và ỷ vào kinh nghiệm sống của mình, họ không thể nhận biết thân thế của Chúa Giêsu nên không chấp nhận sống theo Lời Chúa chỉ dạy.
Xin cho chúng ta đừng ỷ vào kiến thức và nếp sống đạo lâu nay của mình mà chối từ Lời chỉ dạy của Chúa và giáo huấn của Giáo Hội. Nhưng xin cho chúng ta biết khiêm tốn lắng nghe, thực hành lời Chúa và sự hướng dẫn của Giáo Hội để có được cuộc sống ngay chính.
Tin mừng hôm nay có hai điểm cần lưu ý:
– Thứ nhất, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối tương quan giữa Ngài với Chúa Cha.
– Thứ hai, Chúa Giêsu nói đến giá trị cao quý của việc tuân giữ Lời Chúa.
Tin mừng hôm nay thánh Gioan cho biết: Chúa Giêsu quả quyết Ngài biết Thiên Chúa Cha, nhưng những người khác thì không biết. Chính Chúa Cha sai Ngài đến trần gian. Những lời Ngài dạy bảo là Lời của Chúa Cha. Chúa Giêsu không hề tìm vinh danh cho chính mình mà chỉ tìm vinh danh cho Đấng đã sai mình. Vì thế mà Ngài được Chúa Cha tôn vinh.
Mà Lời của Chúa Cha chính là “Lời ban sự sống đời đời”, vì thế Chúa Giêsu cho biết: “Nếu ai tuân giữ Lời Ngài, thì sẽ không bao giờ phải chết”.
Người Do Thái tự hào là con cháu Abraham nên họ xứng đáng thừa hưởng lời chúc phúc mà Chúa đã hứa với tổ phụ Abraham trước đây. Nhưng Chúa Giêsu cho họ biết là con cháu Abraham thôi chưa đủ điều kiện, mà còn phải là con cháu có đức tin giống như Abraham mới xứng đáng thừa hưởng gia nghiệp nước trời.
Tin Chúa nên Abraham đã nghe Lời chỉ dạy của Chúa mà sẵn sàng ra đi, dù không biết đi đâu. Như thế tin Chúa thì phải nghe lời Chúa. Mà Lời Chúa thì mang lại sự sống đời đời, nên ai tuân giữ Lời Chúa thì không chết bao giờ. Giống như cành nho gắn liền với thân nho, cành nho được sống vì tiếp nhận nhựa sống từ thân nho nuôi dưỡng. Gắn kết với Lời Chúa ta sẽ được Chúa thông truyền sự sống. Mà Chúa là sự sống vĩnh cửu, nên ta sẽ được tham dự vào sự sống đời đời của Chúa.
Xin cho chúng ta xác tín được giá trị cao quý Lời của Chúa và cố gắng thi hành để đón nhận sự sống đời đời Chúa thương ban.
Lm. Seoka
SUY NIỆM: NGHE VÀ HIỂU:
Người Việt chúng ta có câu thành ngữ : “ông nói gà bà nói vịt”, như muốn diễn tả sự phức tạp xảy ra nơi người già : mắt không tinh tường, tai không thông suốt và trí óc dễ lẫn lộn… Nếu như già lão mà “xem gà hóa cáo”, hay nghe sấm sét mà nhầm tưởng là chiến tranh bùng nổ thì người ta chấp nhận được. Còn người trẻ có tai mắt tốt mà nghe nhầm hiểu sai, điều gì sẽ xảy ra, khó ai lường trước được mức độ nguy hại.
Thông thường người ta sẽ nghe bằng đôi tai, hiểu biết chính xác nhờ bộ não còn tốt ; thực ra, người ta còn nghe bằng “trái tim”, hiểu nhau bằng ngôn ngữ “không lời”, nhưng quan trọng là người ta có sử dụng lợi thế đó không ? Ngày nay nhiều thứ âm thanh đang xáo trộn ảnh hưởng đến cuộc sống, vì thế, người ta cần đến bộ lọc âm, cần đến kiến thức khôn ngoan để chọn lựa, nhưng đâu là “lời hay ý đẹp” ?
Để nói lên trọng tâm mà người đời luôn tìm kiếm, Đức Giêsu cho đám đông Do Thái biết đó chính là sự sống đời đời. Chỉ khi lắng nghe người ta mới hiểu, mới chấp nhận được lời căn dặn : “ai nghe và giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết”. Do quá tự mãn về khả năng hiểu biết của mình, nên khi Chúa Giêsu nói đến sự sống đời đời, đám đông Do Thái lại đặt “tầm ngắm” vào sự sống ở trần gian này. Khi nói tới liên hệ đức tin giữa Tổ phụ Abraham với Thiên Chúa, người Do Thái lại hiểu đến liên hệ dòng tộc máu mủ, họ cho rằng Chúa Giêsu chưa được 50 tuổi không thể nhìn biết Abraham là ai.
Mục đích hướng tới của con người là đạt tới kết quả tốt đẹp, người Do Thái khao khát hạnh phúc đời đời, Chúa Giêsu rất muốn mọi người hiểu và nhận ra Chúa Giêsu đến trần gian thực hiện sứ mệnh cứu độ. Nghe mà không hiểu có khi là đôi tai có vấn đề, có khi cố tình không muốn hiểu ! Người xưa có câu : “nước đổ lá khoai”, nghĩa là đổ mãi đồ hoài cũng không thể ướt được, mà lá khoai và người Do Thái lẽ nào lại giống nhau ! Vì không quan tâm Đức Giêsu là ai, nên người Do Thái nghe Chúa Giêsu “như vịt nghe sấm”, cố tình không thèm hiểu, do đó họ xúc phạm nói Đức Giêsu bị quỷ ám.
Người Do Thái có ý định ném đá Đức Giêsu, vì ngay từ ban đầu họ không thể tin Con Thiên Chúa xuất hiện dưới hình ảnh một em bé ở hang bò lừa, chứ không phải là một hoàng tử ở cung điện nhà vua. Đức Giêsu lớn lên trong gia đình con bác thợ mộc, mà không hề trưởng thành từ gia đình một tư tế. Đức Giêsu chiến thắng thế gian bằng khổ đau và cái chết thập giá. Vì thế mà người ta chỉ có thể nhìn thấy Thiên Chúa bằng con mắt đức tin, nghe được tiếng nói của Con Thiên Chúa bằng “cái tâm trong sáng”, và đặc biệt là nhận biết Đức Giêsu là Thiên Chúa bằng tình yêu và tinh thần khiêm tốn.
Người kitô hữu chúng ta hôm nay vẫn rất cần nghe và hiểu thánh ý Chúa để được sống và sống đời đời. Chúa Giêsu tiếp tục nói lên những căn bản về Thiên Chúa yêu thương, Thiên Chúa cứu độ; nhưng hẳn chúng ta phải đủ khiêm tốn, đủ khôn ngoan sử dụng tai mắt tự nhiên và tai mắt tâm hồn để nghe, để thấy Chúa Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật.
Lm. Jos DĐH, GP. Xuân Lộc
SUY NIỆM: NHẬN RA CHÚA
Trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đã nói với người Do Thái rằng: “Ông Ápraham là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy và đã mừng rỡ.” Thật vậy, tất cả mọi người Do Thái đều mong ngóng Đấng Mêsia của họ. Tuy nhiên, khi Đấng Mêsia là Đức Giêsu đến và đang hiện diện giữa họ, nhất là qua việc làm rất nhiều phép lạ cho họ, thì họ lại chối từ Người, coi Người là kẻ phạm thượng. Tệ hơn nữa, họ còn lượm đá để ném Người.
Ngày hôm nay chúng ta cũng đang “loay hoay” trong việc “tìm Chúa” và “nhận ra Chúa”. Tại sao chúng ta cứ mãi tìm Chúa mà vẫn không nhận ra Người? Có thể vì chúng ta chưa chịu mở lòng mình ra hay lòng chúng ta quá khô cứng, cái tôi quá lớn, sự ích kỷ quá cao, để rồi chúng ta cũng đang dần trở nên giống với dân Do Thái mà tác giả Gioan đã nói đến trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Nếu chúng ta mở lòng ra với với Chúa, với tha nhân, và mọi loài thụ tạo, chúng ta sẽ gặp được Chúa nơi thiên nhiên, nơi những con người nghèo khổ, bình dị, bất hạnh, hay nơi chính cõi lòng chúng ta.
Lạy Chúa, mở lòng ra với mọi người, nhất là những người mà con không ưa, là điều hoàn toàn không dễ. Xin Chúa giúp con biết dẹp bỏ tính ích kỷ, cái tôi cá nhân để con dần “mở mắt, mở tâm” hầu giúp con có thể nhận thấy Chúa hiện diện nơi chính tha nhân và để con sẵn sàng phục vụ họ cách vô vị lợi. Amen.
Tu sĩ Giuse Trần Văn Huyến, SVD