Thứ Bảy tuần 24 thường niên

Thứ sáu - 22/09/2023 04:21
Lời Chúa: Lc 8, 4-15

Khi ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".
Khi nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người, khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt, là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".

thu bay tuan xxiv mua thuong nien

Suy niệm 1: Với tấm lòng cao thượng
(Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.)


Đức Kitô hào phóng gieo vãi lời của Thiên Chúa khắp nơi.
Ngài như người gieo hạt giống, tung gieo trong gió,
có vẻ như chẳng để ý đến chuyện có hạt rơi vào đất cằn khô,
và một số hạt không bao giờ sinh huê lợi.
Các Kitô hữu sơ khai đã đọc dụ ngôn này và thấy nơi đó một lời nhắn nhủ.
Họ thấy mình chính là người đã nhận được hạt giống lời Chúa.
Nhưng không phải hạt giống nào cũng thành cây lúa trĩu hạt.
Có những hạt giống bị thui chột bởi những lý do bên ngoài và bên trong.
Làm sao để mọi hạt giống được gieo trong tim ta, đều sinh hoa trái?
Câu hỏi của Giáo hội sơ khai cũng là câu hỏi của Giáo hội bây giờ.
Thửa đất là trái tim con người xưa nay vẫn thế.
Hạt giống Lời Chúa hôm xưa và hôm nay cũng vẫn là một.
Cả bốn hạng người trong dụ ngôn đều đã nghe (cc. 12. 13. 14. 15),
nghĩa là đều đã đón nhận Lời Chúa vào trái tim, vào trung tâm đời mình.
Nhưng có Lời bị đánh cắp.
Quỷ đến và lấy Lời đã gieo ra khỏi trái tim người nghe
vì sợ họ tin mà được cứu độ (c. 12).
Quỷ giống như chim trời đến ăn mất hạt giống rơi xuống vệ đường (c. 5).
Tại quỷ hay tại trái tim con người như đất vệ đường quá cứng?
Hạt giống nằm chơ vơ, trở thành mồi ngon cho bao tấn công đe dọa.
Nhưng có Lời không mọc rễ.
Nghe Lời và vui vẻ đón nhận vẫn chưa đủ.
Hạt giống cần có nhiều đất để mọc rễ nuôi sống cây.
Đất nhiều sỏi đá chỉ cho một lòng tin nhất thời, khi mọi sự dễ dàng,
nhưng không đủ sức đứng vững khi thử thách ập tới.
Đã và đang có những Kitô hữu quỵ ngã trước những thách đố cam go,
vì Lời Chúa chưa bao giờ mọc rễ trong tim họ.
Thử thách của đời Kitô hữu làm lộ ra tình trạng “không rễ” của ta,
và đòi ta tránh gặp gỡ Lời Chúa một cách hời hợt, nông cạn.
Nhưng có Lời bị chết ngộp.
Ngộp vì những thứ trói buộc của cuộc đời phù vân này,
những lo âu trăn trở, những thèm muốn khoái lạc, giàu sang.
Cây lúa có mọc lên cũng bị chết ngộp bởi bụi gai ở ngay nơi tim tôi.
Cuối cùng có Lời được nắm giữ.
Dù thửa đất tốt là trái tim cao thượng và quảng đại,
Nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng đòi một nỗ lực không ngừng.
Bất chấp những tấn công từ bên ngoài, hay thèm muốn bên trong,
cần có thái độ kiên trì để vượt qua những khủng hoảng không tránh khỏi.
Xin được trân trọng nghe Lời Chúa trong thánh đường và trong cuộc sống.
Xin được khiêm tốn nghe Lời Chúa qua các bậc thầy và qua trẻ thơ.
Ước gì Lời Chúa giúp ta làm cho đất của tim mình xốp hơn và mềm lại,
bớt đá sỏi, thêm đất màu, bớt bụi gai, thêm ẩm ướt.
 
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh
cho một thế giới mới
Ước gì mồ hôi con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.
Ước gì máu con
hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.
Chúc tụng Chúa là Cha,
đã dẫn con đi đến cùng,
đến tận Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với tràn trề bình an và niềm vui. (ĐHY Roger Etchegaray)
 
Suy niệm 2: Gieo và gặt
(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)


Thật lạ lùng quá trình gieo và gặt. Quá trình mất và được. Từ bỏ và lấy lại. Chết và sống. Quá trình nảy sinh sự sống. Sự sống mới. Phong phú dồi dào. Và cao vượt. Mầu nhiệm sự sống tự nhiên đã kỳ diệu. Mầu nhiệm sự sống siêu nhiên còn kỳ diệu gấp bội.
Chúa Giê-su là người đi gieo Tin mừng. Thiên Chúa kiên trì gieo Lời Người xuống trần gian. Trải qua bao đời. Qua bao thất bại. Đến lúc phải gieo chính Ngôi Lời. Chúa Giê-su gieo chính mình. Người trở thành hạt giống. Mục nát đi để trổ sinh một mùa gặt mênh mông. Một nhân loại mới mọc lên từ Người. Giống như Người.
Nhưng để trở thành mùa gặt con người phải trở thành đất tốt. Phải cầy bừa con đường đi đã chai cứng. Phải nhặt đá sỏi. Phải nhổ bụi gai. Phải từ bỏ con người cũ. Con người của xác thịt. Con người của hời hợt nông cạn. Con người của dục vọng đam mê. Để sống theo Thần Khí. Phải gieo chính mình như Chúa Giê-su.
Đó là điều thánh Phao-lô mời gọi ta trong thư Cô-rin-tô. Ta cũng phải gieo chính mình. Phải trở thành hạt giống mục nát như Chúa. Phải từ bỏ con người cũ. Ta sẽ sống lại thành con người mới. Ta sẽ có mùa gặt mới: “Gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ, gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí”. Và thánh nhân giải nghĩa con người có sinh khí là con người của A-đam, con người theo xác thịt. Con người có thần khí là con người giống A-đam mới, là Chúa Ki-tô: “Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến” (năm chẵn).
Đây là một quá trình khó khăn. Phải mục nát đi. Phải từ bỏ chính mình. Vì thế phải quảng đại và kiên trì như lời Chúa giải thích: “Hạt rơi vào đất tốt: đó là những kẻ nghe Lời với tấm lòng cao thượng và quảng đại, rồi nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”. Theo thánh Phao-lô từ bỏ và kiên trì đó là: “hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống cho tinh tuyền, không chi đáng trách, cho đến ngày đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, xuất hiện” (năm lẻ).
Mùa gieo hạt như thế sẽ kéo dài suốt cả cuộc đời. Ta còn phải cầy bừa những con đường. Nhặt đá sỏi nông nổi hời hợt. Nhổ bụi gai đam mê xác thịt. Để hoàn toàn chết đi cho con người mới. Rồi mới có mùa gặt trong Chúa Ki-tô.

SUY NIỆM 3: ƠN HIỂU BIẾT VÀ TÍNH CHẤT DỤ NGÔN CỦA MẦU NHIỆM − LM. Giuse Nguyễn Trọng Sơn

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn để chúng nhìn mà không nhìn [thấy], nghe mà không hiểu.” (Lc 8,10) 
Vậy, phải chăng ơn hiểu biết các mầu nhiệm chỉ dành cho một số ít, còn “dân thường” thì không thể hiểu?! Vậy Lời Chúa để làm gì, nếu dân chúng không hiểu? Phải chăng Lời Chúa cũng chỉ dành cho số người tuyển chọn ấy?!
Hiểu biết các mầu nhiệm thần linh luôn là ân ban của Chúa, chứ không dừng lại ở bình diện trí tuệ. Và có những ơn hiểu biết của Thánh Thần chỉ dành cho một số ít, ví dụ như trường hợp của ông Phêrô. “Đức Giêsu nói với ông: ‘Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời.” (Mt 16,17). Tuy nhiên, ở bình diện khác, Lời Chúa là lời nói với con người, để đưa con người vào tương giao với Chúa và để họ sống Lời Ngài. Như vậy, mọi người cũng được Chúa ban cho ơn hiểu biết mầu nhiệm theo mức độ nào đó chứ! 
Ơn Chúa ban cho ai là tự do của Chúa, và Ngài không thiên vị ai. Nhưng vấn đề là người ta có biết đón nhận hay không! Ai đón nhận và dấn thân theo Lời Ngài, dám trả giá khi sống Lời ấy, thì sẽ càng ngày càng đi sâu vào mầu nhiệm thần linh. “Ai đã có thì được cho thêm” (Mt 13,12).
Tuy nhiên, với bất kỳ ai, Nước Trời vẫn luôn là mầu nhiệm, vẫn luôn mang tính chất dụ ngôn. Để hiểu dụ ngôn, cần biết suy nghĩ về cuộc đời, bởi vì Lời Chúa mạc khải cho con người biết mầu nhiệm của cuộc sống. Sống mà biết suy nghĩ cách sâu sắc; biết vượt qua những giận hờn, ghen tị nhỏ nhen; biết vượt qua những tự ti do bị tổn thương... thì người ta có thể bắt lấy chiều sâu của cuộc sống và khám phá những điều mới lạ và kỳ thú của mầu nhiệm Nước Trời ngay trong cuộc sống hàng ngày. 
Thánh Piô Pietrelcina (Piô Năm Dấu) là một người nghèo, để cho mình bị Thiên Chúa lột bỏ, nên cũng được đưa vào tương quan thần bí với Thiên Chúa.

SUY NIỆM 4: NGƯỜI ĐI GIEO - ĐGM. PHAOLÔ NGUYỄN THANH HOAN

    “Người gieo giống mang lúa di gieo...”
    Một hoạt cảnh đồng quê đơn sơ mộc mạc, nhưng đối với Chúa nó thâm thúy biết bao ý nghĩa để Chúa diễn tả mầu nhiệm Nước Trời. Số phận của những hạt giống khác nhau biết chùng nào!
    Có những hạt rơi trên đường, kẻ qua người lại đạp lên và chim trời đến nhặt hết. Hạt giống mất đi. Chúa như chia sẻ số phận thảm thương của chúng. Chúa nghĩ đến lời Chúa đang gieo, trở nên vô tác dụng với bao người, vì thế là mất tương lai.
    Có những hạt rơi trên đá, nắng nóng như thiêu, lấy độ ẩm đâu cho rễ mọc ra và bám vào đất sống. Sự thất thoát tương tự cũng gây cho Chúa nấ tượng lời Chúa đang rơi vào những tâm hồn chai đá, không đủ sức đón nhận hồng ân. Lòng người vô tình trước tìn thương lai láng của Chúa. Nghĩ mà xót thay!
    Có những hạt rơi vào bụi gai. Ôi cây lúa non mọc lên giữa những sức cản, những cảnh tranh của bụi gai, không mấy chốc cây lúa hết chỗ đứng, hết khí thở, hết ánh sáng mặt trời. Lúa sống như chết.
    Chùa thấy trước số phận ba phần tư số giống gieo ra, không đem lại kết quả nào cả. Người do thái đang chờ mong một thời Thiên sai chiến thắng như thời cực thỉnh của Davit. Chúa Giê su trái lại làm cho họ hụt hẫng. Nước Thiên Chúa đang được trình bày ở đây như những thất bại triền miên không thể tránh được. Nước Thiên Chúa tiến triển vô cùng khó khăn. Nước Thiên Chúa đòi kiên nhẫn.
    Nhưng “một phần lúa giống còn lại đã rơi vào đất tốt”. Và đây mới là hậu quả đợi chờ, thánh Luca ghi nhận: “Lợi tức đem lại là gấp trăm”. Khác với cái nhìn của Mattheu và Marco: hạt sinh ba mươi, hạt sinh sáu mươi, hạt một trăm. Sỡ dĩ có khác biệt vì Luca đang nhìn toàn bộ cục diện cứu độ từ thập giá đến vinh quang. Chính Chúa đã từng ví cái chết của Ngài như hạt lúa mì gieo xuống đất có mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt.
    Dầu sao Chúa đang đứng trước nhiều loại thính giả mà sự tiếp nhận Tin mừng của họ rất khác biệt, Chúa trọng tự do mọi người. Cho nên Ngài nói: “Ai có tai để nghe thì hãy nghe”.
    Lời Chúa đã có tác động gì trong đời sống tôi? Đã mất đi hay đã sinh hoa kết trái?
Cầu nguyện:
 Lạy Chúa, đã boa lần Chúa đã đi qua những cành đồng giữa mùa gieo tỉa. Chúa quan sát nông dân đang phấn khởi vừa gieo giống vừa hy vọng cho mùa màng tương lai. Chúa thấy những hạt giống từ từ rơi xuống và Chúa cũng đoán được những hạt giống bất hạnh và những hạt giống may mắn có cơ hội  mọc lên. Con tim Chúa không khỏi hồi hộp khi nghĩ hạt giống của lời Chúa cũng sẽ được gieo ra như vậy. Và số phận những lời đó không khác nào hạt giống đang được tung ra trên cánh đồng. Con đoán lúc đó Chúa suy nghĩ và cầu nguyện cho công trình gieo tỉa thiêng liêng của  mình sau nầy. Và Chúa phó thác cả tương lai bấp bênh đó trong tay Cha.
    Lạy Chúa, xin Chúa cho con biết sống tinh thần phó thác, tin yêu trong bàn tay nhân ái của Cha. Dù khi vui vẻ hay lúc gian nan con không ngừng phó thác.
    Lạy Chúa, ước chi lời Chúa mỗi lần được gieo vào lòng con, là con biết đến hồng ân Chúa, và con không để mất một lời nào mà không sinh  hoa trái thiêng liêng không biến đổi lòng con thêm tin cậy mến. Ước chi mỗi ngày cuộ đời con thành cây đèn cđể lời Chúa là ánh sáng thắp lên và con đem vào đời chiếu soi nhân loại. Ước chi con biết chia sẽ với anh  em con những thành quả của lời Chúa trong con. Và con cũng nhận được nhưng hoa tái của lời Chúa nơi kẻ khác.
    Lạy Chúa vào lời kinh cuối ngày này, con nhớ đến bao người đem lời Chúa đến cho con, và xin Chúa trả công bội hậu cho họ. Amen.

Tác giả: Truc Ho Si

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây