THỨ HAI TUẦN IV THƯỜNG NIÊN Mc 5,1-20

Chủ nhật - 02/02/2025 23:39
THỨ HAI TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
Mc 5,1-20

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
1 Đức Giê-su và các môn đệ sang tới bờ bên kia Biển Hồ, vùng đất của dân Ghê-ra-sa. 2 Người vừa ra khỏi thuyền, thì từ đám mồ mả, có một kẻ bị thần ô uế ám liền ra đón Người.
3 Anh này thường sống trong đám mồ mả và không ai có thể trói anh ta lại được, dầu phải dùng đến cả xiềng xích. 4 Thật vậy, nhiều lần anh bị gông cùm và bị xiềng xích, nhưng anh đã bẻ gãy xiềng xích, và đập tan gông cùm.
Và không ai có thể kiềm chế anh được. 5 Suốt đêm ngày, anh ta cứ ở trong đám mồ mả và trên núi đồi, tru tréo và lấy đá đập vào mình.
6 Thấy Đức Giê-su tự đàng xa, anh ta chạy đến bái lạy Người 7 và kêu lớn tiếng rằng: “Lạy ông Giê-su, Con Thiên Chúa Tối Cao, chuyện tôi can gì đến ông ? Nhân danh Thiên Chúa, tôi van ông đừng hành hạ tôi!”
8 Thật vậy, Đức Giê-su đã bảo nó: “Thần ô uế kia, xuất khỏi người này!” 9 Người hỏi nó: “Tên ngươi là gì ?” Nó thưa: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm.”
10 Nó khẩn khoản nài xin Người đừng đuổi chúng ra khỏi vùng ấy. 11 Ở đó có một bầy heo rất đông đang ăn bên sườn núi. 12 Đám thần ô uế nài xin Người rằng: “Xin sai chúng tôi đến nhập vào những con heo kia.”
13 Người cho phép. Chúng xuất khỏi người đó và nhập vào bầy heo. Cả bầy heo -chừng hai ngàn con- từ trên sườn núi lao xuống biển và chết ngộp dưới đó.
14 Các kẻ chăn heo bỏ chạy, loan tin trong thành và thôn xóm. Thiên hạ đến xem việc gì đã xảy ra. 15 Họ đến cùng Đức Giê-su và thấy kẻ bị quỷ ám ngồi đó, ăn mặc hẳn hoi và trí khôn tỉnh táo -chính người này đã bị đạo binh quỷ nhập vào. Họ phát sợ.
16 Những người chứng kiến đã kể lại cho họ nghe việc đã xảy ra thế nào cho người bị quỷ ám và chuyện bầy heo. 17 Bấy giờ họ lên tiếng nài xin Người rời khỏi vùng đất của họ.
18 Khi Người xuống thuyền, thì kẻ trước kia đã bị quỷ ám nài xin cho được ở với Người. 19 Nhưng Người không cho phép, Người bảo: “Anh cứ về nhà với thân nhân, và thuật lại cho họ biết mọi điều Chúa đã làm cho anh, và Người đã thương anh như thế nào.”
20 Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giê-su đã làm cho anh. Ai nấy đều kinh ngạc.

SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU CHỮA NGƯỜI BỊ QUỶ Ô UẾ ÁM Ở GHÊRASA
Câu chuyện
Bị cám dỗ, Samson vào bẫy của Philitin khi bị cạo trọc đầu, ông mất sức, không còn được sức mạnh như trước đó, nên bị quân Philitin bắt trói, khoét mắt, xiềng lại, bỏ tù và bắt xay cối xay (x. Tph 16,19-21).
Ma quỷ cũng vậy, chúng cám dỗ chúng ta theo chúng, rồi chúng khoét mắt đức tin của chúng ta. Và khi chúng ta không còn ánh sáng đức tin chiếu soi nữa, ma quỷ dẫn chúng ta dễ dàng đi trên con đường tội lỗi để sa xuống hỏa ngục với chúng.
Suy Niệm
Ngay từ thuở tạo thiên lập địa… khi ông bà nguyên tổ sa chước cám dỗ của con rắn là Satan, một thế lực đối nghịch với “Thiên Chúa – Đấng Thánh” và ảnh hưởng của chúng lan tràn trên cuộc sống con người.
Tin Mừng hôm nay cho thấy ma quỷ bị Chúa Giêsu vạch mặt chỉ tên là “thần ô uế”. Như thế, “thần ô uế” – ma quỷ là có thật, có thể gây ảnh hưởng trên con người như: quấy, phá, hành, hại, ám và nhập.
Chúa Giêsu Kitô là “Đấng Thánh” đến cứu vớt tất cả mọi người, đặc biệt những ai đang bị quyền lực Satan trói buộc. Ngài dùng uy quyền của mình xua đuổi “thần ô uế” cho người đang bị chúng khống chế được tự do.
Qua mọi thời, ma quỷ vẫn luôn tìm cách ảnh hưởng trên cuộc sống con người. Chúng là dối gian; hận thù; ghen ghét… Chúng ta chỉ thật sự thoát khỏi sự khống chế của “thần ô uế”, của ma quỷ, khi tin và phó thác hoàn toàn vào quyền năng Thiên Chúa – Đấng Thánh là ánh sáng chiến thắng bóng tối – Satan để người tin sống trong tự do hoàn toàn của con cái Thiên Chúa…
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

 SUY NIỆM: THẾ LỰC SỰ DỮ

Tường thuật của thánh sử Máccô trong đoạn Tin Mừng hôm nay làm cho độc giả phải rợn tóc gáy: Người bị quỷ ám bẻ gãy xiềng xích, đập tan gông cùm, không ai có thể khống chế anh ta được. Suốt đêm ngày anh ta ở trong mồ mả, tru tréo, lấy đá đập vào mình. Những hành động ấy chứng tỏ một điều, người bị quỷ ám đang bị Satan khống chế và điều khiển.
Sự thật chính Satan đang hành hạ người đàn ông này nhưng nó lại kêu van Đức Giêsu đừng hành hạ nó. Đây thực sự là một sự gian dối trắng trợn, đổi trắng thay đen, hay như thiên hạ vẫn thường nói “vừa ăn cướp vừa la làng”. Một chi tiết nữa làm cho người nghe không khỏi bàng hoàng sợ hãi, khi Đức Giêsu bắt Satan phải khai tên thì nó nói: “Tên tôi là đạo binh, vì chúng tôi đông lắm”. Qua đó chứng tỏ một sự thật, thế lực sự dữ không phải chỉ có một hoặc hai mà là vô số kể. Tuy nhiên, khi gặp Đức Giêsu chúng đã phải nhập vào đàn heo lao xuống biển, trở về với thế giới của sự chết, về với quỷ vương của chúng. Như thế, với quyền năng của Thiên Chúa, Đức Giêsu đã đẩy lui bóng tối sự dữ, của Satan và bè lũ của chúng.
Thực tế cho thấy, xung quanh chúng ta vẫn còn đó những đạo binh mang dáng dấp của Satan đang chi phối và hoành hành. Trước một tình trạng mà đâu đâu người ta cũng cảm thấy nơm nớp vì chân lý, sự thật không được tôn trọng, lời nói thật có thể bị cắt xén, hành động nghĩa hiệp có thể bị nghi ngờ, ngăn chặn và kết án. Phải chăng thế lực của Satan vẫn đang ngày đêm tìm cách cám dỗ, điều khiển và khống chế loài người chúng ta?
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết sống kết hiệp mật thiết với Chúa, ngõ hầu chúng con có đủ sức mạnh mà vượt thắng những thế lực của sự dữ, của satan đang ngày đêm rình rập. Amen.
Lm. Antôn Chu Văn Nhật, SVD
SUY NIỆM:
Ai sống trong cuộc đời này cũng có những chọn lựa cho đời mình. Có những chọn lựa để dấn thân và tiến bước vì lẽ sống, vì tương lai, vì hạnh phúc cho mình và cho người khác. Chính những chọn lựa đó đòi hỏi một sự hy sinh và từ bỏ, đòi hỏi vượt qua những rào cản giữa dòng đời, nhưng nó lại mang đến bình an và hạnh phúc cho cuộc đời. Cũng có những chọn lựa để lùi bước, để né tránh, để không ảnh hưởng đến hạnh phúc riêng cho bản thân. Với người Kitô hữu, chúng ta được mời gọi để chọn lối sống như chính Chúa Giêsu đã sống. Giữa những nẻo đường của cuộc đời, lời mời gọi để chọn sống theo Chúa, theo những điều Ngài đã dạy và đã sống là cả một hành trình từ bỏ và chấp nhận, có khi an vui nhưng cũng có những lúc thử thách và đau khổ, thế nhưng bước đường theo Chúa chính là lẽ sống của niềm vui, của bình an, của sự dấn thân cho đi một cách nhưng không, để rồi tất cả mọi người được cùng với nhau hưởng nếm nguồn hạnh phúc đích thực trong cuộc đời mình.
Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu cùng với các môn đệ đang trên đường tiến vào vùng đất của dân Ghê-ra-sa, là một vùng đất của dân ngoại. Khi nói đến dân ngoại và những gì thuộc về họ, thì người Do Thái luôn luôn tránh né, nếu không họ sẽ bị coi là ô uế. Thế nhưng hôm nay Chúa Giêsu đã vượt qua rào cản đó để đến vùng đất này và với những con người nơi đây. Không chỉ thế, chính nơi đây quyền năng của Thiên Chúa đã được tỏ lộ, đó là quyền năng của một Đấng không chỉ xua đuổi được thần dữ mà còn đưa con người trở về với một đời sống mới. Một người đã bị thần ô uế ám và suốt ngày chỉ ở trong đám mồ mả, nghĩa là ở trong bóng tối của sự dữ, hay cũng có thể nói là bóng đêm của sự tuyệt vọng, đau khổ của một kiếp người sống dưới gông cùm của sự dữ. Thế mà hôm nay, Chúa Giêsu đã cởi trói cho anh, cởi trói cho một quãng đời bất hạnh và đau khổ khi sự dữ chiếm đoạt lấy con người và cuộc đời anh. Quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện, nhưng trên hết còn là tình thương, là sự tha thứ và là sức sống để làm mới lại một cuộc đời: “Anh ta ra đi và bắt đầu rao truyền trong miền Thập Tỉnh tất cả những gì Đức Giêsu đã làm cho anh”. Đó là hành trình của một con người được đổi mới, được Chúa yêu thương và cứu chữa khỏi sự ràng buộc và sống trong bóng đêm của tội lỗi.
Phải chăng đó cũng chính là lời mời gọi cho mỗi người chúng ta? Lời mời gọi hãy ra khỏi rào cản của cái tôi sợ hãi, cái tôi ích kỷ, cái tôi sợ liên lụy để đến với những con người cùng khổ, đến với những tâm hồn đang bị tổn thương, đến với những bất hạnh và cả những khó khăn nơi các gia đình đang phải đối diện. Chúng ta được mời gọi để can đảm tiến bước không bởi bằng lý lẽ của sự khôn ngoan người đời, không phải bằng những tiện nghi vật dụng để ta trao ban, không phải bằng những sự cảm thương của sự bố thí, nhưng là bằng một tình yêu thao thức của Chúa, bằng tâm hồn biết rộng mở và đón nhận, bằng sự lắng nghe của con tim thấu hiểu, và bằng tình yêu thương không ngăn cách như tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người qua chính cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúng ta có dám vượt qua chủ nghĩa “Ma kê nô – Mặc kệ nó” để đến với người bên cạnh ta không? Có những cuộc đời đang lầm lũi bước đi trong bóng đêm của đau khổ, của thất vọng, của tội lỗi, của chán chường, của những khó khăn tuyệt vọng … Liệu rằng chúng ta có dám như Chúa Giêsu, vượt qua hàng rào của sự sợ hãi, của tính sợ liên lụy để đến bên họ, lắng nghe và giúp họ hay không? Thiên Chúa vẫn đến bên mỗi người chúng ta, để thức tỉnh, để yêu thương và để đưa ta trở về mới con đường của tình yêu, của sự sống tràn đầy bình an và hạnh phúc. Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy cùng Ngài đến bên những tâm hồn tổn thương cần được chữa lành, những phận đời đau khổ cần được ủi an, những tuyệt vọng chán chường cần được thắp lên niềm hy vọng. Đó chính là con đường của Chúa, con đường của niềm tin và lòng can đảm dám vượt ra khỏi sự ích kỷ của chính mình, khỏi những định kiến đẩy ta đến nỗi sợ hãi, để ta biết sống với và sống cho mọi người.
Lạy Chúa Giêsu! Chúa đã đến thế gian để tỏ bày tình yêu thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Một tình yêu cứu độ không loại trừ, nhưng là tình yêu dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người phận đời đau khổ, thấp hèn và tội lỗi. Xin cho chúng con cũng biết sống tình yêu đó không chỉ cho riêng mình, nhưng biết rộng mở cõi lòng để dám đến với mọi người và trao ban tình yêu, bình an cho những người chúng con cần phải gặp gỡ. Amen.
Phêrô Dương Hải Văn SDB

SUY NIỆM: SỨ VỤ CỦA ĐẤNG THIÊN SAI
Có những cái nhìn và lối suy nghĩ đã đi vào truyền kiếp. Nếu cái nhìn tích cực thì lối suy nghĩ cũng tích cực, nếu không thì ngược lại!
Người Do thái thời Đức Giêsu cũng vậy! Họ đã nhìn ai với cái nhìn khinh bỉ thì muôn đời, con người đó không có điểm nào tốt được!
Thật vậy, vào thời Đức Giêsu, dưới con mắt của người Do thái, dân ngoại là dân đáng bị miệt thị, là dân luôn sống trong tội lỗi và dưới ách thống trị của Ma Quỷ.
Tuy nhiên, khi Đức Giêsu đến, Ngài không còn phân biệt lằn ranh giữa Do thái hay dân ngoại, nhưng sứ vụ của Ngài là đem ơn cứu độ đến với muôn dân.
Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu đến vùng Ghêrasa và làm phép lạ xua đuổi Ma Quỷ ra khỏi người bị quỷ ám.
Qua phép lạ này, dưới con mắt người đời, thì đây là một sự thành công, vì người bị Quỷ ám có một sức mạnh phi thường, không ai đụng tới hắn được, bởi lẽ anh ta bị cả một cơ binh Quỷ nhập vào. Một cơ binh chính là tên gọi của một đạo quân Lamã thời ấy và có khoảng 6.826 người lính. Như vậy, số Quỷ nhập vào người này cũng đông vô số kể như vậy. Khi Ma Quỷ nhập vào người thanh niên này, anh ta mạnh khỏe phi thường.
Phép lạ này cho thấy, Đức Giêsu có quyền năng trên Ma Quỷ, Ngài đến để giải thoát con người khỏi bị ràng buộc bởi sự dữ. Đem lại cho họ cuộc sống tự do.
Nhưng cái giá mà Ngài phải chịu, chính là sự loại trừ của những Luật Sĩ và Pharisêu.
Suy nghĩ về sứ vụ và thân phận ngôn sứ của Đức Giêsu, một lần nữa chúng ta ý thức hơn về sứ mạng và số phận của mỗi người chúng ta trên hành trình sống đạo và loan báo Tin Mừng. Số phận của Thầy cũng là của trò. Muốn trở nên môn đệ đích thực của Thầy Giêsu, hẳn chúng ta phải lội ngược dòng. Đi ngược quy luật tự nhiên để hiểu được giá trị của những nghịch cảnh khi chúng ta bị người đời phản đối, khước từ, cho dù những việc làm của chúng ta là những hy sinh vô vị lợi!
Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời của Chúa đã không ngừng thi ân giáng phúc, nhưng Chúa đã không được người đời coi trọng, mà luôn bị khinh khi! Xin Chúa cho chúng con hiểu được sự thật này để chỉ tìm vinh danh Chúa và mong sao cho Nước Chúa được hiển trị muôn nơi, còn chuyện khen chê, xin cho chúng con không coi trọng nó mà ảnh hưởng đến sứ vụ được trao. Amen.
Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM: SỐ PHẬN CỦA CHÚA GIÊSU
Người Do thái thời Chúa Giêsu có một cái nhìn rất miệt thị đối với dân ngoại, họ xem dân ngoại là những kẻ sống dưới ách nô lệ của ma quỷ, do đó cũng cư trú trong những vùng nhơ bẩn chẳng kém gì bãi tha ma. Nhưng đối với Chúa Giêsu, ranh giới giữa Do thái và dân ngoại không còn nữa. Ngài không chỉ đến với dân Do thái, mà cả với dân ngoại nữa. Chính cho dân ngoại mà Chúa Giêsu cũng mang ơn cứu độ đến, và ơn cứu độ ấy được thánh Marcô mô tả bằng những hình ảnh rất sống động: Chúa Giêsu trục xuất cả một đạo binh ma quỷ ra khỏi người bị quỷ ám, nguyên một bầy heo lao mình xuống biển. Tin Mừng được loan báo cho dân ngoại qua miệng người vừa được chữa lành.
Thế nhưng, sự thành công của Chúa Giêsu dưới cái nhìn của Marcô thật là yếu ớt. Dường như tất cả những người mà Ngài tìm đến đều có thái độ dè dặt đối với Ngài. Chỉ có ma quỷ là kẻ duy nhất biết rõ Ngài là ai nhưng chẳng bao giờ có thể hoán cải được nữa. Các luật sĩ và biệt phái thì càng lúc càng tỏ ra chai lỳ, bà con thân thuộc thì chỉ nhìn về Ngài với những tính toán vụ lợi, đám đông dân chúng thì không nhận ra được ý nghĩa đích thực của sứ mệnh thiên sai của Ngài, còn dân ngoại thì nài nỉ Ngài quay trở lại quê hương Ngài để họ khỏi phải mang họa vào thân, và khi Chúa Giêsu chiến thắng được ma quỷ, thì đó cũng là lúc loài người tẩy chay Ngài. Trong một tình thế bi đát như vậy, cái chết trên Thập giá là chuyện tất yếu đối với Chúa Giêsu. Trong cái nhìn của Marcô, mỗi cuộc gặp gỡ của Chúa Giêsu với người đương thời của Ngài là một tiên báo về cuộc tử nạn của Ngài, Ngài là một con người triền miên bị khước từ.
Suy nghĩ về số phận của Chúa Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi nhìn lại thân phận của người Kitô hữu chúng ta trong trần thế. Là môn đệ Chúa Giêsu, là chấp nhận lội ngược dòng. Không thể đi theo Chúa Giêsu mà lại sống theo triết lý: người ta sao, tôi vậy. Làm chứng cho Ðấng đã từng bị khước từ, người Kitô hữu bị khước từ đã đành, mà ngay cả khi phục vụ một cách vô vụ lợi, họ cũng không hẳn được người đời thương mến. Nói như thánh Phaolô: bổ khuyết những gì còn thiếu trong cuộc Tử nạn của Chúa Giêsu, đó là số phận của người Kitô hữu trong trần thế này.
Nguyện xin Chúa ban thêm can đảm và sức mạnh, để chúng ta kiên trì trong mọi khổ đau vì Danh Ngài.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây