THỨ TƯ TUẦN V THƯỜNG NIÊN
Mc 7,14-23
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
14 Sau đó, Đức Giê-su lại gọi đám đông tới mà bảo: “Xin mọi người nghe tôi nói đây, và hiểu cho rõ: 15 Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ra ô uế. 16 Ai có tai nghe thì nghe!”
17 Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy.
18 Người nói với các ông: “Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao ? Anh em không hiểu sao ? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, 19 bởi vì nó không đi vào lòng, nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài ?”
Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch. 20 Người nói: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.
21 Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, 22 ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.
23 Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế.”
SUY NIỆM: NGUỒN GỐC CỦA TỘI
Người ta thường ví hành trình đức tin dương thế của người kitô hữu là một cuộc chiến đấu với 3 thù: thế gian, ma quỉ và xác thịt. Ba thế lực ấy luôn rình chờ và tấn công chúng ta trong mọi khoảnh khắc của ngày sống. Nó tựa như “con rắn” trong vườn địa đàng xưa, luôn dùng những lời ngon ngọt để quyến rũ mỗi người nuông chiều theo điều xấu.
Tuy nhiên, trong bài Tin hôm nay Chúa Giêsu cho biết, những quyến rũ bất chính đến từ thế gian, ma quỉ và xác thịt chưa phải là tội. Đó chỉ là những cơn cám dỗ của cuộc đời. Nó chỉ trở thành tội khi chúng ta nuông chiều theo những cơn cám dỗ đó.
Hay nói rõ hơn, tội là chính trong lòng mỗi người mà ra. Tà dâm, trộm cắp, phá thai, ngoại tình, tham lam, kêu ngạo… tất cả những tội trọng đó đều phát xuất từ lòng ham muốn, ưng thuận và những hành vi sai trái của mỗi người. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu luôn mời gọi chúng ta hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ.
Thông thường khi phạm tội, người ta hay đổ lỗi cho ma quỉ. Đừng đổ oan cho ma quỉ thưa anh chị em! Bởi vì có những tội ma quỉ chưa kịp cám dỗ thì chúng ta đã đâm đầu vào.
Có người thì khiêm tốn hơn, bảo rằng do phận người mong manh yếu đuối, không đủ sức chiến đấu với những cơn cám dỗ. Nếu biết mình yếu đuối trước những cơn cám dỗ về cờ bạc, thì đừng có tìm đến với những sòng bài, tụ điểm đá gà làm chi, đừng có truy cập vào các trang mạng cá độ bóng đá online làm gì. Nếu biết mình yếu đuối trước những cơn cám dỗ về điều răn thứ 6, thì đừng có xem phim ảnh xấu, đừng tìm đến với những quán bar, quán karaoke không lành mạnh. Còn nếu biết mình yếu đuối trước cơn cám dỗ ham muốn vợ chồng người khác, thì đừng hẹn hò riêng tư, đừng dắt nhau đi đây đi đó…
Tóm lại, lời Chúa hôm nay chỉ nhắc nhở chúng ta 2 điều:
Thứ nhất, cuộc sống quanh ta đầy dẫy những cám dỗ. Thánh Phêrô ví những cơn cám dỗ ấy tựa “như sư tử rảo quanh tìm mồi cắn xé”. Và ngài mời gọi mỗi người “hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự”.
Thứ hai, tội từ bên trong con người chúng ta phát xuất ra. Do đó, mỗi người cần phải làm chủ mọi cảm xúc, mọi ước muốn và đam mê bất chính. Phải biết mình đang làm gì và phải biết việc mình làm mang lại hậu quả nào cho bản thân, cho gia đình và cho người khác.
Nguyện xin Chúa là Đấng chiến thắng quyền lực của sự dữ ban ơn giúp sức cho mỗi người, để chúng ta không làm điều gì đáng chê trách, cho đến ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: « NHƯ VẬY LÀ NGƯỜI TUYÊN BỐ MỌI THỨC ĂN ĐỀU THANH SẠCH »
1. « Các môn đệ hỏi Người »
Khi nghe Đức Giê-su giảng dạy, và nhất là khi Ngài giảng bằng các dụ ngôn, không chỉ đám đông không hiểu, nhưng cả các môn đệ nữa :
Khi Đức Giê-su đã rời đám đông mà vào nhà, các môn đệ hỏi Người về dụ ngôn ấy. (c. 17 ; x. Mc 4, 10).
Cũng giống như chúng ta hôm nay, chúng ta nghe Lời Chúa mỗi ngày, nhưng không phải lúc nào chúng ta cũng hiểu, thậm chí có những lúc chúng ta cũng chẳng chú ý lắng nghe. Chính vì thế, Đức Giê-su hay kết thúc bài giảng bằng câu nói này : « Ai có tai để nghe, thì hãy nghe ! » Vậy, xin Thánh Thần làm cho đôi tai của chúng ta biết nghe Lời Chúa.
Các môn đệ không hiểu, nhưng thay vì bỏ qua hay bỏ đi, các môn đệ theo Đức Giê-su về nhà và hỏi Ngài về các dụ ngôn trong bầu khi thân mật. Đúng là Đức Giê-su có trách các môn đệ :
Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? (c. 18)
Nhưng Ngài vẫn luôn kiên nhẫn giải thích (x. Mc 4, 13-20). Vì thế, trong việc lắng Lời Chúa, và nhất là khi cầu nguyện với Lời Chúa, chúng ta cũng cần kiên nhẫn lưu lại với Chúa để nghe Ngài giải thích. Và Lời Chúa, khi được hiểu, sẽ giải thoát chúng ta khỏi những khuynh hướng lệch lạc, những hình ảnh sai lầm về Chúa, về mình và về người khác, khỏi chính sự dữ và mang lại kết quả gấp trăm, như Người đã nói : “Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, thì tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13, 23).
2. Ơn huệ lương thực
Thật vậy, Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay giải thoát chúng ta khỏi quan niệm lệch lạc về lương thực, đó là coi khinh lương thực, nhìn lương thực như một thứ cám dỗ, như dịp tội, hay như cạm bẫy. Vì thế, để đền tội hay trở nên thánh thiện, phải ăn chay, nhịn ăn nhịn uống[1]. Tuy nhiên, Đức Giê-su tuyên bố:
Mọi thức ăn đều thanh sạch. (c. 19)
Mọi thức ăn đều thanh sạch, bởi vì đó là ơn huệ Thiên Chúa ban từ thủa tạo thiên lập địa, như các trình thuật sáng tạo mạc khải (x. St 1 và 2), nhất là Thánh Vịnh 136:
Chúa ban lương thực cho tất cả chúng sinh. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. (Tv 136, 25)
Và ơn huệ lương thực nhắc nhớ những ơn huệ khác : trời đất, sự sống muôn loài, sự sống con người… Thật vậy, trong trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày”, hành động ban lương thực của Thiên Chúa, là điểm tới, là mục đích, hay ít nhất là hành động cuối cùng trong quá trình sáng tạo, vì thế sau đó, Thiên Chúa nói: “Rất tốt đẹp” (c. 31). Có thể nói, Thiên Chúa dựng nên muôn loài và con người là để “cho ăn”! Nghĩa là để làm cho sống. Và trong ơn huệ sự sống, đã chất chứa lời hứa trao ban sự sống, sự sống dồi dào rồi, “sự sống dồi dào”, không phải là sự sống “ăn no mặc ấm” và “êm trôi êm trôi”, nhưng là sự sống mạnh hơn sự chết. Đức Ki-tô đến để làm rõ và thực hiện lời hứa này (x. Ga 10, 10).
Chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để suy niệm, chiêm ngắm và cảm nếm ơn huệ lương thực. Của ăn của uống hằng ngày, nhất là các bữa ăn: chúng ta có đón nhận như ơn huệ của Thiên Chúa không? Và qua ơn huệ lương thực, chúng ta có đón nhận sự sống mỗi ngày ở mức độ căn bản nhất như là hồng ân, như lời diễn tả tình yêu và lòng bao dung của Chúa không, để cho mỗi ngày sống của chúng ta trở thành lời tạ ơn và ca tụng Chúa? Như lời mở đầu Giờ Kinh Sáng (trích Tv 51, 17), mời gọi:
Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Người.
Và Bánh Thánh Thể chính là điểm tới của ơn huệ lương thực, được Thiên Chúa ban cho loài người từ thủa tạo thiên địa và được hiện tại hóa mỗi ngày; bởi lẽ khi chúng ta cầu nguyện: “Xin cho chúng con lương thực hàng ngày” trong kinh Lạy Cha, Chúa không chỉ ban cho chúng ta lương thực làm cho chúng ta sống mỗi ngày, nhưng còn ban Lương Thực mang lại sự sống đích thực hôm nay và mãi mãi: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).
Lương thực chỉ trở nên cạm bẫy, khi chúng ta sử dụng như những sự vật nhằm thỏa mãn nhu cầu và lòng ham muốn ; và lòng ham muốn thì không cùng, không cần tương quan tình thương và mù quáng với tương quan tình thương.
3. Giải thoát khỏi lòng ham muốn
Chính tình yêu Thiên Chúa, tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta, nhất là tình yêu đến cùng của Người được thể hiện nơi Đức Giê-su Ki-tô, và tình yêu đến cùng chúng ta ước ao dành cho Chúa, chứ không thể là bất cứ điều gì khác, giúp mỗi người chúng ta giữ được lệnh truyền, nghĩa là làm chủ được lòng ham muốn. Bởi vì, theo thánh Phao-lô, lệnh truyền đặc trưng là « ngươi không được ham muốn » (Rm 7, 7).
Thế mà, ham muốn chính là đặc điểm của thú tính và là nguồn phát sinh ra mọi ý định xấu, như Đức Giê-su kể ra trong bài Tin Mừng : tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng.
Chính việc ghi nhớ ơn huệ sẽ làm phát sinh nơi con tim của chúng ta tình yêu và lòng ước ao đáp trả trong tâm tình tạ ơn, ca tụng và dâng hiến (x. Tv 104 và Tv 136).
Suốt cuộc đời tôi sẽ ca tụng Chúa, sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi. (Tv 104, 33)
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM: Ô UẾ - TRONG SẠCH
Nhiều người đi du lịch các nước Âu Mỹ, hoặc gần hơn là Singapore,…đều khen ngợi ở những nơi công cộng của nước họ rất sạch sẽ, không có rác rưởi. Ngược lại, tại quê nhà, nhiều đường phố, hoa viên, những nơi công cộng…rác xả bừa bãi, nhếch nhác.
Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến vấn đề ô uế - trong sạch. Chúa Giêsu nhận thấy các người biệt phái trách móc các môn đệ của Chúa không rửa tay trước khi ăn.
Đúng lời người xưa dạy rằng: “Chân mình cũng lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”, ý muốn nói bản thân mình đầy dẫy những thói hư tật xấu mà không nhận thấy, lại còn đi soi mói, bới móc người khác.
Chúa Giêsu muốn cho họ thấy thế nào là sạch và thế nào là dơ. Ngài nói: “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế."
Chúa muốn các môn đệ tránh xa lề thói giả hình bên ngoài của người Biệt phái. Ðiều quan trọng không phải là đồ ăn thức uống hay thân xác giữ cho sạch sẽ, mà cần giữ gìn tâm hồn luôn trong sạch, tinh tuyền.
Tâm hồn trong sạch là tâm hồn được trở nên giống Chúa Giêsu. Người sống công chính thánh thiện là người luôn sống theo luật Chúa, sống theo ánh sáng của Tin Mừng; Tâm hồn và cuộc sống của họ luôn qui hướng về Chúa, và sống đẹp lòng Chúa; Họ luôn biết sống tốt với mọi người, chân thành, bác ái, yêu thương tha nhân.
Người có đời sống tốt như thế, sẽ không để cho tâm hồn của mình chất chứa trong lòng sự hận thù, ghen ghét, vì những nết xấu đễ làm dơ bẩn cuộc đời. Họ cũng quyết liệt loại bỏ những thói xấu, đẩy xa những tội lỗi thấp hèn.
Chúng ta hãy đọc lại Tin Mừng, để xin Chúa luôn thanh tẩy những điều ô uế trong tâm hồn của ta, và giúp cho tâm hồn nên trong sạch tinh tuyền hơn: "Những gì ở trong người ta mà ra, đó là cái làm cho người ta ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho ngươì ta ô uế".
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là Đấng thấu suốt mọi tâm can của con người. Chúa nhìn thấy rõ bản chất con người của chúng con còn nhiều thói hư tật xấu, yếu đuối bất toàn. Xin Chúa là Đấng thương xót, thanh tẩy và tha thứ cho chúng con để chúng con nên giống Chúa mỗi ngày.
Xin Chúa đồng hành với người trẻ trong đời sống gia đình, giúp cho giới trẻ ý thức sống đạo, sống liên đới và hiệp thông trong gia đình, và cùng với gia đình xây dựng Hội Thánh. Xin Chúa thánh hóa giới trẻ: đừng coi trọng đồng tiền mà đánh mất lương tâm, biết tránh xa sự nguy hiểm của sự hưởng thụ vật chất, thỏa mãn những đam mê xác thịt, sống ích kỷ, giả dối, …
Lạy Chúa Giêsu, nhiều gia đình Công giáo chúng con lo kiếm sống, chạy theo nếp sống văn minh hưởng thụ, mà quên đi nền tảng đạo đức của gia đình Công giáo, đặc biệt, quên đi việc giáo dục con cái theo giáo lý của Hội Thánh. Xin Chúa canh tân các gia đình chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, năm cũ sắp kết thúc và năm mới sắp đến, xin Chúa thánh hóa chúng con nên hoàn thiện hơn để giống Chúa. Xin Chúa chúc lành cho các gia đình và xã hội hôm nay. Xin Chúa cứu giúp thế giới thoát khỏi con dịch bệnh Covid-19, và chữa lành những người bị nhiễm bệnh. Xin Chúa ban bình an và hạnh phúc trong năm mới cho chúng con. Amen.
Lm Duy Khang
SUY NIỆM: THAY ĐỔI TỪ BÊN TRONG
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã cho thấy “Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người ta xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế.” Người còn giải thích thêm: “Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu, ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng.”
Những lời của Chúa Giê-su giúp chúng ta hiểu rõ về hai điều. Thứ nhất, không gì từ bên ngoài có thể làm tổn thương hoặc làm cho tâm trí của chúng ta trở nên xấu, trừ khi chúng ta cho phép chúng xảy ra. Không phải những lời nói, cách ứng xử của người khác hay là các sự kiện xảy ra xung quanh chúng ta làm cho chúng ta trở nên người xấu, nhưng chính cách tiếp nhận, xử lý thông tin và phản ứng của chúng ta đối với những điều ấy làm cho chúng ta trở nên người xấu. Thứ hai, những tư tưởng xấu đều xuất phát từ trong tâm. Tâm tối đen thì sinh ra những tư tưởng và ước muốn đen tối.
Nếu những tư tưởng đen tối đều xuất phát từ tâm đen tối, thì những tư tưởng tốt đẹp sẽ xuất phát từ tâm trong sáng. Điều quan trọng là chúng ta phải biết thay đổi từ bên trong, từ chính cách suy nghĩ và cảm nhận cuộc sống của chính mình. Khi ta thay đổi thế giới sẽ đổi thay. Xin Chúa Giêsu ngự trị trong tâm hồn mỗi người chúng ta, giúp chúng ta thanh luyện và thay đổi lối suy nghĩa của mình, để tâm trong sáng phát xuất ra những tư tưởng và ước muốn tốt đẹp, góp phần thánh hóa thế giới hôm nay.
Lm. Giu-se Tạ Minh Quý
SUY NIỆM: CÁI THANH SẠCH VÀ CÁI Ô UẾ
1. Sau khi nói về tính cách vụ hình thức, bây giờ Chúa nói về sự thanh sạch và ô uế. Chúa Giê-su dạy cho dân chúng biết không có gì bên ngoài nhập vào mà làm cho người ta nhơ bẩn, nhưng chính cái bên trong con người mới làm cho họ ra nhơ bẩn. Các môn đệ không hiểu lời Chúa nói, nên khi về đến nhà, các ông xin Chúa giải thích điều đó. Người bảo: mọi vật bên ngoài nhập vào con người không thể làm cho họ nhơ bẩn, vì nó không vào trong lòng họ được chỉ vào trong bụng rồi tống ra ngoài. Chính lòng con người mới làm cho họ nhơ bẩn, vì từ đáy lòng họ phát xuất ra những ý tưởng xấu xa, như trộm cướp, gian dâm, độc ác…
2. Các luật sĩ và biệt phái nhấn mạnh đến sự thanh tẩy phần xác hơn là thanh sạch phần hồn; họ đặt nghi thức bên ngoài lên trên nhiệm vụ bác ái và công bằng xã hội.
Họ tỉ mỉ giữ luật rửa tay, lau chén trước khi ăn, vì cho rằng tay bẩn, chén bẩn làm cho người ta ra ô uế, trong khi lại coi nhẹ chính cõi lòng, nơi chất chứa bao tâm tình ghen tuông, thù ghét đối với tha nhân và đủ thứ toan tính phạm tội.
Chúa Giê-su đặt sự thanh sạch tâm hồn lên trên sự thanh sạch thân xác. Vì chính từ cõi lòng, con người xây dựng cuộc sống luân lý mình. Tâm hồn trong sạch hay không, không phải vì do những hoàn cảnh phụ thuộc bên ngoài, nhưng do những quyết định trong thâm tâm mình.
3. Chúa Giê-su giải thích cho các môn đệ về dụ ngôn những cái thanh sạch và những cái ô uế: không phải từ cái bên ngoài vào trong con người, nhưng cái từ trong con người mà ra, mới làm cho con người ra ô uế. Chúa dựa vào hình ảnh của việc ăn uống và tiêu hóa để diễn tả: mọi sự Chúa tạo dựng cho con người đều tốt đẹp, nhưng do những tư tưởng, ý định và tâm tình bất chính của con người, làm biến đổi thành những cái xấu.
Qua bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su cho các Tông đồ hiểu rằng khuôn khổ hẹp hòi của tôn giáo cũ không còn thích hợp với những đòi hỏi của một tôn giáo mới mà Người sẽ thiết lập. Bởi vì các ông sẽ được sai đi đến với mọi dân tộc, thuộc mọi nền văn hóa, rất khác biệt với môi trường Do thái. Khi đó các ông phải chú ý đến điều chính yếu, đừng lúng túng vì những cổ lệ là những cái làm cho người ngoại giáo thành tâm thiện chí, là những người không có tục lệ ăn uống giống như người Do thái, không thể nào gia nhập Giáo hội Chúa được.
4. Chúa Giê-su đã nói: không phải cái từ bên ngoài có thể làm cho người ta ra ô uế, mà chính là những cái phát xuất từ bên trong, từ lòng của con người như tham lam, tà dân, giết người, trộm cắp, độc ác, xảo trá, ganh tị… Chính những cái đó mới làm cho người ta ra xấu xa ô uế.
Ngày xưa Đức Khổng Tử có dạy các môn đệ của mình, một câu rất vắn gọn nhưng rất xúc tích. Câu ấy như thế này: ”Tư vô tà”: đừng nghĩ bậy.
Cổ nhân cũng thường hay nói đến chữ “Tâm”. Nếu con người có được cái tâm trong sáng thì cuộc sống ắt sẽ tốt đẹp, còn những kẻ “Tâm tà” thì dù cái mã bên ngoài có tốt đẹp đến đâu đi nữa sớm muộn rồi cũng bị lộ tẩy.
Người Tây phương cũng thường nói: ”Tư tưởng của bạn thế nào thì hành động của bạn sẽ như vậy”.
5. Truyện: Lối hành xử của hai vị sư.
Truyện thiền kể: Một buổi chiều kia, sau trận mưa đầu mùa, cảnh vật tươi mát hẳn lên, thiên nhiên càng thêm hữu tình, hai nhà sư Tandan và Êkinô cùng xuống núi, thong dong tản bộ dọc theo con đường dẫn vào một ngôi đền ở làng quê.
Tới một khúc đường quẹo, hai người gặp một cô gái xinh đẹp trong bộ Kimônô sặc sỡ và chiếc khăn quàng bằng lụa óng ả. Cô gái đứng bên vệ đường dáng vẻ băn khoăn vì không thể băng qua khúc đường lầy lội với một trang phục như thế. Nhà sư Tandan liền bảo:
– Đi lối này cô bé!
Rồi không để cô gái kịp xoay xở, Tandan nhanh tay bồng cô bé lên, bế cô gái qua vũng lầy và đặt cô xuống phía bên kia. Cô gái cúi đầu tỏ dấu cảm ơn, còn sư thì mỉm cười đáp lễ rồi tiếp tục cuộc đi dạo.
Thế nhưng, kể từ lúc ấy thì Êkino đổi hẳn thái độ. Anh không thèm nói một lời nào với người bạn nữa. Mãi cho đến khi hai người dừng chân trước một ngôi đền, thì lúc ấy Êkinô mới hậm hực nói với Tandan:
– Chúng ta là những nhà sư, không được phép gần đàn bà, nhất là phụ nữ trẻ đẹp. Nguy hiểm lắm! Sao anh lại dám làm như thế?
Tandan mỉm cười và thản nhiên đáp:
– Tôi đã bỏ nàng ở chỗ vũng lội rồi. Còn anh, sao anh vẫn mang nàng tới tận nơi đây?
Đúng là những cái bên ngoài không làm cho người ta ra ô uế, mà chính là cái phát xuất từ bên trong.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM: CHỌN LỰA
Thiên Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Đối với con người, Ngài hết mực yêu thương và muốn con người nhận thức được điều gì là tốt, điều gì là xấu cho bản thân cũng như trong mối tương quan với những người xung quanh. Quan trọng hơn, Ngài cho con người sự tự do để chọn lựa, nghĩa là cho con người sự tự do thực hiện thánh ý của Thiên Chúa.
Sự lựa chọn của con người xuất phát từ động cơ bên trong, từ đó làm cho các hành vi của con người trở nên tốt hay xấu như lời của Đức Giêsu: “Cái gì từ trong con người xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế. Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, ganh tỵ, kiêu ngạo, ngông cuồng…” (Mc 7,20-21). Ở đây, Chúa Giêsu muốn nói đến những tư tưởng, ý muốn, hành động là trong sáng hay vẩn đục, là tốt hay xấu, là đạo đức hay tội lỗi đều tùy thuộc vào cõi lòng của con người.
Những gì Thiên Chúa tạo dựng cho con người đều tốt đẹp, chỉ vì những ý định, tư tưởng tăm tối của con người mới làm cho nó trở nên xấu xa. Đối với chúng ta, Thiên Chúa cho chúng ta có sự tự do chọn lựa, hay khả năng phân biệt tốt xấu để thi hành thánh ý Người, đó là một ân huệ cao quý mà Thiên Chúa đã thương ban. Ân huệ tự do mà Thiên Chúa ban lại đòi hỏi chúng ta trách nhiệm phân định để chọn lựa điều đẹp lòng Người.
Để có thể chọn lựa điều đẹp lòng Thiên Chúa, có những lúc chúng ta phải đấu tranh với những lôi kéo nghiêng chiều về sự dữ. Tuy vậy, những ai đủ can đảm để dùng tiếng nói tự do mà Thiên Chúa đã đặt để trong lương tâm con người để chọn lựa điều ngay chính, thì họ sẽ được hưởng niềm an bình nội tâm, một sự tự do của con cái Thiên Chúa.
Lạy Chúa, vì sự yếu hèn và tội lỗi của bản thân, chúng con đã đánh mất ân sủng là sự tự do nội tâm. Xin ban cho chúng con sự khôn ngoan và can đảm biết chọn lựa thi hành thánh ý của Ngài để tâm hồn chúng con luôn được an bình, thư thái như con cái Chúa.
Tu sĩ Giuse Trương Vĩnh Tường, SVD