THỨ BA TUẦN V THƯỜNG NIÊN Mc 7,1-13

Chủ nhật - 09/02/2025 22:16

THỨ BA TUẦN V THƯỜNG NIÊN

Mc 7,1-13

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

1 Có những người Pha-ri-sêu và một số kinh sư tụ họp quanh Đức Giê-su. Họ là những người từ Giê-ru-sa-lem đến. 2 Họ thấy vài môn đệ của Người dùng bữa mà tay còn ô uế, nghĩa là chưa rửa.

3 Thật vậy, người Pha-ri-sêu cũng như mọi người Do-thái đều nắm giữ truyền thống của tiền nhân: họ không ăn gì, khi chưa rửa tay cẩn thận; 4 thức gì mua ngoài chợ về, cũng phải rảy nước đã rồi mới ăn; họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa như rửa chén bát, bình lọ và các đồ đồng.

5 Vậy, người Pha-ri-sêu và kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Sao các môn đệ của ông không theo truyền thống của tiền nhân, cứ để tay ô uế mà dùng bữa ?”

6 Người trả lời họ: “Ngôn sứ I-sai-a thật đã nói tiên tri rất đúng về các ông là những kẻ đạo đức giả, khi viết rằng:

Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta.

7 Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân.

8 Các ông gạt bỏ điều răn của Thiên Chúa, mà duy trì truyền thống của người phàm.” 9 Người còn nói: “Các ông thật khéo coi thường điều răn của Thiên Chúa để nắm giữ truyền thống của các ông.

10 Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử! 11 Còn các ông, các ông lại bảo: “Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là “co-ban” nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa” rồi, 12 và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa.

13 Thế là các ông lấy truyền thống các ông đã truyền lại cho nhau mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Các ông còn làm nhiều điều khác giống như vậy nữa!”

 

SUY NIỆM: YÊU MẾN TÔN THỜ CHÚA CHÂN THÀNH TẬN ĐÁY LÒNG

Sứ điệp: Chúa Giêsu dạy ta yêu mến tôn thờ Thiên Chúa cách chân thành, tận đáy lòng. Đừng vì những thói quen tập tục của loài người mà coi thường những giới răn của Thiên Chúa.

Cầu nguyện: Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, Chúa là Đấng cao cả trổi vượt vô cùng, nhưng đồng thời Chúa cũng ở trong lòng con, sâu thẳm trong con hơn chính con. Chúa thấu suốt mọi tư tưởng, mọi tâm tình, mọi ước muốn và việc làm của con. Con có thể giả dối với người đời nhưng không thể giả dối đối với Chúa. Tất cả cuộc đời con luôn xuất hiện rõ ràng trước Nhan Thánh Chúa, con chẳng thể che giấu Chúa điều gì.

Vậy lạy Chúa, xin Chúa tha thứ những điều giả dối hời hợt nơi con. Đã bao lần con tôn kính Chúa ngoài môi miệng mà lòng con lại xa Chúa. Khi đọc kinh, dự lễ, làm việc đạo đức và bác ái, con đã làm một cách miễn cưỡng, làm vì thói quen, làm vì sợ dư luận chứ không làm vì lòng mến Chúa. Bề ngoài có lẽ con không có gì đáng trách. Nhưng Chúa thấu tỏ lòng dạ con chưa chân thành hết tình với Chúa. Xin Chúa giúp con canh tân tâm hồn để từ nay con luôn dành cho Chúa một tình yêu chân thành nồng nàn.

Chúa đã ban cho con trái tim để yêu thương, yêu mến Chúa và yêu thương nhau, nhưng con lại bóp nghẹt con tim để làm cho đời con ra như cái xác không hồn. Dòng máu yêu thương trong con đã thành khô cạn và con chết cứng trong bệnh hình thức. Xin Chúa sưởi ấm trái tim con. Xin Chúa thúc đẩy con chạy đến với bí tích Thánh Thể để con được kín múc tình yêu từ nguồn mạch yêu thương của trái tim Con Chúa. Xin Chúa lôi kéo lòng con lại gần lòng Chúa, để từ lòng Chúa, con ra đi gieo rắc tình thương. Amen.

Ghi nhớ: “Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.

TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM: THÙNG RỖNG KÊU TO

Người Do Thái xưa coi việc rửa tay trước các bữa ăn là quan trọng. Họ ấn định điều đó là luật, và buộc mọi người phải thi hành. Họ tuân giữ rất nghiêm khắc, và sẵn sàng lên án, thậm chí là kết án những ai vi phạm. Cứ tưởng rằng, nếp sống cha truyền con nối như thế tốt đẹp, nhưng Chúa Giêsu lại cho đó là một lối sống đạo đức giả, với 2 lý do sau:

Lý do thứ nhất, “vì dân này thờ kính Ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng lại xa Ta”. Cái miệng và cái lòng phải tương đồng với nhau thưa anh chị em. Những thực hành đức tin mà trước giờ anh chị em vẫn thực hiện tựa như: Thánh lễ, kinh hạt, đọc lời Chúa trong gia đình, các giờ đạo đức của hội đoàn… là những điều rất tốt và phải tiếp tục gìn giữ. Nhưng chúng ta được mời gọi, khi làm những điều ấy thì hãy đặt tâm hồn của mình vào. Miệng đọc thì tâm thì phải suy. Bằng không, chúng ta cứ như “thùng rỗng kêu to” mà không mang lại ơn ích gì.

Lý do thứ hai, vì “dân này gạt bỏ điều răn của Chúa mà duy trì truyền thống của cha ông”. Để minh chứng cho điều này, Chúa Giêsu đã trưng dẫn điều răn thứ bốn là “Thảo kính cha mẹ”. Chúa dạy thảo kính cha mẹ là phải hiếu thảo, chăm sóc và phụng dưỡng bằng những nghĩa cử thiết thực. Nhưng những người Pha-ri-sêu lại lý giải rằng, chỉ cần thảo kính nơi đầu môi chóp lưỡi là đã chu toàn. Và coi chừng, có thể ngày nay chúng ta cũng đang chu toàn chữ hiếu theo tinh thần của những người Pha-ri-sêu hơn là theo điều răn của Chúa.

Có những người con nuôi cha nuôi mẹ chỉ vì sợ người đời dèm pha, chứ chẳng tha thiết gì. Nhiều bậc sinh thành có đến 5-7 đứa con, nhưng đứa nào nuôi là nuôi cả đời, còn những đứa khác thì cứ giả điếc làm ngơ. Đến khi phân chia tài sản thì về đòi quyền lợi.

Chúa muốn chúng ta đối với Chúa cũng vậy mà đối với các bậc sinh thành cũng vậy, đừng chỉ là đầu môi chóp lưỡi nhưng phải là tận cõi lòng, để chúng ta có được những hành động đầy ắp tình Chúa và tình người.

Xin Chúa chúc lành cho anh chị em, để đời sống của anh chị em trổ sinh những hoa trái như lòng Chúa mong ước. Amen. 

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM: TÔN KÍNH THIÊN CHÚA BẰNG CUỘC SỐNG

Bài Tin Mừng hôm nay được xem là bước chuẩn bị cho cuộc tranh luận về đề tài “ô uế và không ô uế.” Cao trào của cuộc tranh luận về đề tại này sẽ được tìm thấy trong chương 8 (11-21), khi những người Pharisêu đòi Chúa Giêsu cho họ xem dấu lạ để thử người về quyền bính Ngài có trong việc giảng dạy về đề tài này. Đoạn Tin Mừng hôm nay cũng nhằm mục đích chuẩn bị cho hành trình giảng dạy của Chúa Giêsu bên ngoài Galilê, trong những vùng đất mà người Do Thái xem là ô uế, những vùng đất của dân ngoại.

Như thường lệ, Thánh Máccô trong bài Tin Mừng hôm nay sử dụng nghệ thuật tương phản trong thái độ để chuyển tải sứ điệp của mình. Cuối chương 6, trong bài Tin Mừng ngày hôm qua (Mc 6:53-56), chúng ta thấy thái độ đón nhận Chúa Giêsu của dân chúng. Thái độ này hoàn toàn tương phản với thái độ từ chối của “những người Pharisêu và một số kinh sư.” Nếu chúng ta liên kết với đề tài tương phản giữa “giới răn Thiên Chúa” và “truyền thống của tiền nhân” mà bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến, chúng ta nhận ra rằng: Trong ý định ban đầu của Thiên Chúa, Ngài muốn “mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tim 2:4). Điều này được phản chiếu trong việc mọi người đón nhận Ngài; nhưng theo “truyền thống của những người Do Thái” chỉ những ai được tuyển chọn, là con cháu Abraham thì mới được hưởng ơn cứu độ. Điều này được phản chiếu trong thái độ của những người Pharisêu và một số kinh sư. Còn chúng ta: Chúng ta muốn mọi người được cứu độ, ngay cả những người chúng ta không thích, hay chúng ta chỉ muốn những người trong “nhóm” của chúng ta được cứu độ?

Như chúng ta đã chia sẻ ngày hôm qua, Giáo Hội chọn bài đọc 1 từ sách Sáng Thế để đưa chúng ta về với ý định ban đầu của Thiên Chúa. Điều này chúng ta thấy rõ trong cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người Pharisêu và một số kinh sư trong bài Tin Mừng hôm nay. Cấu trúc của bài Tin Mừng hôm nay gồm 2 phần. Phần 1 là thách thức của những người Pharisêu và một số kinh sư về việc các môn đệ Chúa Giêsu không rửa tay trước khi ăn theo truyền thống của tiền nhân (Mc 7:1-8); và phần 2 là việc Chúa Giêsu chỉ trích những người chống đối Ngài đã dùng truyền thống của con người để thay thế cho các giới răn của Thiên Chúa qua việc thực hành korban: “Quả thế, ông Mô-sê đã dạy rằng: ‘Ngươi hãy thờ cha kính mẹ’ và ‘kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử!’ Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Người nào nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ đều là ‘coban’ nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa’ rồi, và các ông không để cho người ấy làm gì để giúp cha mẹ nữa (Mc 7:10-12). Theo Chúa Giêsu, họ dùng truyền thống con người để tránh bổn phận của mình trước mặt Thiên Chúa cũng như biện minh cho những lỗi phạm của mình về luật bác ái. Ở đây, Chúa Giêsu một cách gián tiếp tuyên bố rằng: Ngài là Đấng có quyền giải thích luật. Đây chính là một khẳng định mang tính Kitô học. Tuy nhiên, điều chúng ta cần học ở đây là: Đừng tìm cách biện minh cho những lỗi phạm của chúng ta về việc thực hành bác ái.

Đi sâu hơn vào trong vấn đề tranh luận, chúng ta thấy cuộc tranh luận này bắt đầu với việc rửa tay, một hành vì mang tính cách bên ngoài và những người Pharisêu và một số kinh sư chỉ dừng lại ở đó. Nhưng Chúa Giêsu hướng những người chống đối Ngài vào yếu tố bên trong. Ngài trích lời của ngôn sứ Isaia để nói về điều này: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng,còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mc 7:6-7). Trong câu này, chúng ta thấy Chúa Giêsu muốn chúng ta phải trở về với ý định của Thiên Chúa khi thờ phượng Ngài. Ngài muốn chúng ta thờ phượng Ngài với cả con người của mình: trọn linh hồn và thân xác. Tóm lại, điều Thiên Chúa muốn chúng ta là không chỉ tôn thờ Ngài bằng môi bằng miệng, nhưng với trọn con tim. Nói cách khác, hãy đến với Chúa như là một “con người thống nhất – hồn và xác” chứ không phải chỉ thân xác như một “thây ma” hoặc chỉ linh hồn như một “bóng ma.”

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM: LÒNG CHÚNG THÌ XA TA

Trong Bài Tin Mừng hôm nay có năm từ truyền thống (cc. 3, 5, 8, 9, 13).

Đó là truyền thống của tiền nhân, truyền thống của người phàm,

truyền thống mà các ông Pharisêu nắm giữ và muốn người khác phải theo.

Sông song với truyền thống này là điều răn của Thiên Chúa (cc. 8, 9)

Đức Giêsu tố cáo người Pharisêu đã gạt bỏ, đã coi thường điều răn này

chỉ vì muốn khư khư giữ lấy truyền thống của họ (cc 8, 9, 13).

Đây là một điều đáng tiếc,

vì mục tiêu của người Pharisêu không phải là hủy bỏ lời của Thiên Chúa (c. 13).

Trái lại, họ muốn dân Do thái sống nghiêm túc hơn ơn gọi của mình,

sống như một dân tộc thánh thiện giữa một xã hội vàng thau thời Đức Giêsu.

Chính vì thế họ chẳng những muốn tuân giữ điều được viết trong Luật Môsê

mà còn muốn sống theo những truyền thống

dựa trên luật truyền khẩu được ban cho Môsê nữa.

Họ đòi cả dân chúng cũng phải sống theo các luật về thanh sạch của các tư tế.

Bởi vậy, họ than phiền chuyện vài môn đệ của Đức Giêsu

đã không rửa tay trước khi ăn.

Thật ra chẳng phải người Do thái nào cũng giữ luật rửa tay trước khi ăn.

Các sách Cựu Ước cũng không hề đòi hỏi chuyện này (x. Lêvi 11-15).

Đáng tiếc là khi tập trung vào chuyện sạch sẽ bên ngoài,

người Pharisêu có nguy cơ bỏ rơi hay lơ là chuyện trong sạch nơi trái tim.

Đây mới là điều quan trọng mà Đức Giê su muốn nhấn mạnh.

Theo truyền thống hội đường Do Thái, có cả thảy 613 điều răn,

365 điều cấm làm và 248 điều phải làm.

Cả một rừng điều răn này chi phối toàn bộ đời sống của người Do thái giáo.

Người Pharisêu cho rằng sự thánh thiện nằm ở chỗ chu toàn hết mọi luật này.

Còn Đức Giêsu coi sự thánh thiện nằm ở sâu nơi trái tim thuộc trọn về Chúa.

Ngài trích lời của ngôn sứ Isaia (29, 13):

“Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.”

Làm thế nào để trái tim của chúng ta gần với Chúa?

Làm thế nào chúng ta khỏi trở thành những kẻ đạo đức giả?

Làm thế nào chúng ta giữ luật Chúa và Giáo Hội với sự mềm mại, tự do, vui tươi?

Ước gì từng hành vi giữ luật của ta được chi phối bởi trái tim đầy yêu mến. 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,

xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,

nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,

mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,

không một biến cố nào làm xáo trộn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.

Xin cho quả tim con đủ lớn

để yêu người con không ưa.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm cả những người thù ghét con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

 

SUY NIỆM: ĐỪNG VỤ LUẬT MÀ XA LẠ VỚI TIN MỪNG! 

Tại đất nước Philippines hay tại Ấn Độ, người ta có thói quen ăn cơm bằng tay thay vì dùng muỗng nĩa như người Tây Phương hay đũa như người Việt Nam.

Khi dùng tay để ăn, họ buộc phải dùng tay phải để lấy cơm và thức ăn đưa vào miệng. Tay trái là điều cấm kỵ vì họ cho rằng tay trái là biểu tượng của sự dơ bẩn; hay tay trái là dấu chỉ của những người khó có thể được cứu độ! Chính vì vậy, mà những người thuận tay trái thường bị cho rằng sau này khó có thể được vào Nước Trời!

Tin Mừng thánh Máccô được trích đọc hôm nay ghi lại cuộc tranh luận giữa Đức Giêsu và những người Pharisêu về vấn đề rửa tay trước khi ăn.

Theo luật, buộc khách dự tiệc phải rửa tay trước khi ăn. Việc rửa tay trước khi ăn có ý nghĩa tôn giáo rất tốt lành, đó là ý muốn nói hay nhắc nhở mỗi người về sự trong sạch trong tâm hồn. Trước khi họ dâng lời chúc tụng, tạ ơn Chúa thì họ phải thanh tẩy tâm hồn cho xứng đáng. Còn về mặt xã giao, thì đây là biểu lộ sự kính trọng với người đồng bàn với mình.

Tuy nhiên, trải qua thời gian, khi người ta chỉ còn biết hình thức bên ngoài mà không hề khám phá hay sống ý nghĩa, giá trị bên trong, thì tập tục này trở nên thuần túy phô trương, hình thức. Chính vì lý do này mà khi thấy các môn đệ của Đức Giêsu không rửa tay trước khi ăn, nên những người Pharisêu đã thắc mắc!!! Nhân cơ hội này, Đức Giêsu nhắc lại lời ngôn sứ Isaia nói về sự giả hình nơi những người này, vì họ chỉ thờ Thiên Chúa bằng môi bằng miệng, còn lòng họ thì không. Vì thế, họ như cái thùng rỗng. Những lời dạy của họ trở nên trò hề khi họ chỉ cậy dựa vào tập quán của phàm nhân.

Ngày nay, nơi nhiều cộng đoàn, vẫn còn đó những lối suy nghĩ như những người Pharisêu khi xưa, đó là: tập trú vào hình thức bên ngoài quá nhiều mà không để ý đến ý nghĩa, sứ điệp ngang qua những hoạt động tôn giáo.

Nhiều khi chỉ biết đọc kinh mà không hề biết ý nghĩa của lời kinh! Hoặc nhiều khi giữ đạo từ nhỏ, nhưng nói về tinh thần huynh đệ, bác ái thì xem ra quá xa vời, bởi bấy lâu nay ta sống theo kiểu: “Đèn ai nấy rạng”.

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắc cho chúng ta thấy rằng: lời nói phải đi đôi hành động. Việc bề ngoài chỉ có giá trị khi nó được toát ra từ bên trong. Đừng chỉ lo loay hoay hình thức mà đánh mất đi nét đẹp của tâm hồn. Mất đi ý nghĩa này, mọi sự trở nên giả dối, trống rỗng và vô ích.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa vì đã dạy cho chúng con bài học về việc giữ luật. Xin cho chúng con ngày càng gắn bó với Chúa mật thiết để được sống trong tình yêu và chiếu tỏa tình yêu ấy cho tha nhân cách chân thành. Amen.

Giuse Vinh Sơn Ngọc Biển, S.S.P.

SUY NIỆM: TÌM CÁI CỐT YẾU

Nhiều tôn giáo lấy việc tẩy rửa làm một trong những nghi thức linh thiêng của Ðạo. Chẳng hạn người Ấn giáo tắm ở sông Hằng trước khi vào tế tự ở đền thờ, hoặc các thành viên Cộng đoàn Qumrân thời Chúa Giêsu lấy việc tắm rửa hằng ngày để diễn tả thái độ sẵn sàng của mình cho ngày Ðấng Mêsia đến; ngay cả Gioan Tẩy giả cũng coi việc dìm người xuống dòng sông Giođan rồi trồi lên khỏi nước như cử chỉ nói lên sự hoán cải tâm hồn, sẵn sàng gia nhập đoàn dân mới của Thiên Chúa khi Ngài ngự đến. Người Do thái còn đi xa hơn đến mức đưa nghi thức tẩy rửa ấy vào từng chi tiết đời sống thường ngày, như rửa tay trước khi ăn, rửa chén đĩa, bình lọ…

Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc đối chất giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái về vấn đề tập tục của tiền nhân. Ðối với người Do thái, việc rửa tay, rửa chén đĩa, rửa thực phẩm, không chỉ là một biện pháp vệ sinh nhằm phòng bệnh, mà còn là một nghi thức tôn giáo nói lên ước nguyện trở nên thanh sạch để có thể hiệp thông với Thiên Chúa là Ðấng Thánh. Ðây là điều tốt, nhưng người Biệt phái đã quá vụ hình thức mà bỏ quên điều thiết yếu, họ phán đoán một người tốt hay xấu dựa trên những hình thức bên ngoài. Chúa Giêsu đã trả lời cho thái độ vụ hình thức ấy như sau: “Các ông gạt bỏ giới răn của Thiên Chúa qua một bên, mà duy trì truyền thống của người phàm”. Chúa Giêsu muốn cho thấy các việc làm bên ngoài ấy, dù có tính cách tôn giáo đến đâu, cũng không thể thay thế cho một việc khác quan trọng hơn. Ðiều quan trọng là sự thanh sạch của tâm hồn, chứ không phải việc rửa tay, rửa vật dụng bên ngoài; đừng lẫn lộn tập tục của truyền thống phàm nhân với lề luật do chính Thiên Chúa ban bố.

Chúa Giêsu nhắc đến trường hợp những người Do thái nhân danh tập tục dâng cúng một số của cải vào Ðền thờ, gọi là copan, nghĩa là lễ phẩm đã dâng cho Chúa, để rồi biện minh cho sự thiếu sót bổn phận đối với cha mẹ. Tập tục dâng cúng là do con người, thảo kính cha mẹ là lệnh truyền của Thiên Chúa, thế nhưng trong trường hợp vừa kể, vì tinh thần sống vụ hình thức, những người Biệt phái đã bỏ luật của Thiên Chúa để tuân giữ tập tục loài người.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta trở về với điểm căn bản: hãy đặt Chúa vào chỗ thứ nhất và tuân giữ giới răn của Ngài. Chúa không chủ trương phá bỏ hình thức lễ nghi cơ cấu, nhưng chỉ muốn đặt chúng vào đúng vị trí. Xin cho chúng ta biết trân trọng và thực hiện điều chính yếu mà Chúa đang chờ đợi chúng ta, thay vì cứ loay hoay với những điều phụ thuộc do loài người đặt ra.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây