THỨ BA TUẦN III THƯỜNG NIÊN Mc 3,31-35 - NGÀY 29 THÁNG CHẠP – LỄ TẤT NIÊN

Thứ hai - 27/01/2025 04:53
THỨ BA TUẦN III THƯỜNG NIÊN
Mc 3,31-35

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.

Khi ấy, mẹ Chúa Giêsu và anh em Người đến và đứng ở ngoài sai người vào mời Chúa ra.
Bấy giờ có đám đông ngồi chung quanh Người và họ trình với Người rằng: “Kìa mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy”.
Người trả lời rằng: “Ai là mẹ Ta? Ai là anh em Ta?”
Rồi đưa mắt nhìn những người ngồi vòng quanh, Người nói: “Ðây là mẹ Ta và anh em Ta.
Vì ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”.
 
NGÀY 29 THÁNG CHẠP – LỄ TẤT NIÊN
 
SUY NIỆM: LỜI CHÂN THÀNH TẠ ƠN
Năm cũ cũng sắp qua và năm mới cũng sắp đến. Sẽ tuyệt đẹp, nếu giờ phút này chúng ta hợp với Đức Trinh Nữ Maria trong bài ca Magnificat, để tạ ơn Thiên Chúa về những điều vĩ đại mà Ngài đã thực hiện trên cuộc đời của mỗi chúng ta. Tạ ơn Chúa vì trong 1 năm qua, Ngài đã ban cho từng người, từng gia đình những ơn cần thiết để sống, để yêu thương, và để vững tin vào Ngài.
Tuy nhiên, chúng ta đừng chỉ tạ ơn Chúa về những điều tốt đẹp mình nhận được, nhưng cũng hãy tạ ơn Chúa về những khó khăn thử thách mà chúng ta đã gặp phải. Bởi trong những lần như thế, Chúa luôn ban cho mỗi người đủ ơn cần thiết để ta đối diện, đón nhận và vượt qua tất cả.
Thưa anh chị em, dẫu biết rằng sau 1 năm dài đầu tắt mặt tối và chân lấm tay bùn với cuộc sống mưu sinh, không phải ai cũng có kết quả như ai: có người thành công, nhưng cũng không ít người thất bại; có người dư dật đôi chút, nhưng cũng có người tay trắng về không; có người hân hoan về quê ăn tết trong tình thân hữu với gia đình bè bạn, nhưng cũng có người ngậm ngùi trở về như 1 quy luật tất yếu của thời gian, để rồi khi những ngày xuân qua đi, lại bắt đầu bằng sự cố gắng mới.
Thế nhưng, thành công hay thất bại trong cuộc sống không phải là lý do để ta tự hào hay thất vọng. Cái giàu cái nghèo về vật chất không đủ để làm thước đo giá trị của đời người. Tiền của cũng không là điểm tựa vững chắc cho đời sống kitô hữu của mỗi chúng ta, bởi nó vốn là cái nay còn mai mất.
Chúng ta không phủ nhận giá trị của tiền của, nhưng thành thật mà nói, kho báu của đời người không phải là của cải vật chất; nhưng là gia đình, là sức khỏe. Có thật nhiều tiền của mà gia đình bất thuận bất hòa, có thật nhiều tiền của mà bệnh tật ốm đau; thì nào có ích gì.
Chưa hết, là người con cái Chúa, chúng ta đừng quên mình còn có 1 kho báu thứ 3 không kém phần quan trọng, đó là đức tin.
Như thế, đức tin, gia đình và sức khỏe, mới chính là 3 lý do mà chúng ta cần phải tạ ơn Chúa hôm nay.
Thứ nhất, chúng ta hãy tạ ơn Chúa thật nhiều, vì sau bao tháng ngày bươn chải với cuộc sống, gánh nặng của cơm áo gạo tiền dường  như chi phối tất cả thời gian của chúng ta, khiến mỗi người phải “buông giầm, cầm chèo”, “làm ngày chưa đủ, tranh thủ làm đêm, rồi còn làm thêm cả ngày Chúa nhật”, nhiều lúc làm chúng ta mệt lả, muốn bỏ cả ăn nhưng chúng ta vẫn không bỏ Chúa. Dù thành công hay thất bại, chúng ta vẫn luôn trung thành trong đức tin của 1 người kitô hữu. Chúng ta không vì những lời lãi của thế gian mà đánh mất phần linh hồn của mình. Hãy tạ ơn Chúa về điều đó, hãy tiếp tục và mãi là những kitô hữu trung thành thưa anh chị em.
Thứ hai, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì chúng ta còn có 1 gia đình để trở về, để yêu thương. Gia đình muốn nói đến ở đây không phải là nhà cao cửa rộng, nhưng là những con người, đó là chồng, là vợ, là ông bà cha mẹ, con cái cháu chắt. Tất cả làm nên 1 tổ ấm mà mỗi khi sum vầy, chúng ta quên đi mọi gánh nặng và lo toan của cuộc sống, chúng ta cảm nhận được 1 niềm hạnh phúc mà không sao diễn tả bằng lời. Hãy trân quý những khoản thời gian ngắn ngủi bên gia đình trong những ngày xuân này, bởi đó chính là động lực, là sức mạnh giúp ta vững bước cho 1 năm kế tiếp.
Và thứ ba, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì dù cuộc sống có vất vả, có gian lao, dù dịch bệnh có hành hành dữ dội, nhưng chúng ta vẫn còn sức khỏe để sống, để làm việc và để thờ phượng Ngài. Chúng ta còn có thể lo cho bản thân và cho gia đình mình. Hay ít là, chúng ta còn có sức khỏe để cầu nguyện cho mình và cho con cháu.
Một khi nhận ra được đức tin, gia đình và sức khỏe là 3 yếu tố quan trọng hàng đầu trong đời người nói chung, và đời sống kitô hữu nói riêng, thì thiết nghĩ tất cả chúng ta đều có lý do để tạ ơn và phải tạ ơn Chúa hôm nay.
Tóm lại, thật chính đáng và phải đạo khi chúng ta hiệp lời tạ ơn Chúa trong Thánh lễ này. Tạ ơn Chúa không vì cái được cái mất về tiền của vật chất, nhưng tạ ơn về 1 đời sống đức tin trung thành, về một mái ấm yêu thương, về 1 sức khỏe cần và đủ cho chính mình. Mỗi người hãy tạ ơn Chúa cho bản thân và cho cả những người không hiện diện nơi đây.
Ước gì ngày này năm sau, mỗi người cũng mang lấy tâm tình tạ ơn của chính mình, và chúng ta cùng nhau đến trước tòa Thiên Chúa, để tiếp tục tấu lên bài ca tri ân cảm tạ Ngài. Xin Chúa đón nhận lời tạ ơn chân thành của mỗi người, và chúc lành cho tất cả chúng ta. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM: THÁNH LỄ TẠ ƠN TẤT NIÊN 
 Dẫn nhập đầu lễ:
Anh chị em thân mến,
Chiều hôm nay, cộng đoàn chúng ta họp nhau cử hành Thánh Lễ Tạ Ơn nhân ngày Tất Niên, ngày kết thúc một năm cũ, 365 ngày của năm cũ sắp đi qua mang theo bao nhiêu vui buồn sướng khổ, những giọt mồ hôi lẫn nước mắt, những nụ cười hoan vui lẫn xót xa cay đắng. Chúng ta xin dâng lên Thiên Chúa tất cả để hiệp cùng của lễ cực thánh là chính hiến Tế của Chúa Kitô làm thành Lời Ca Tụng Tạ Ơn tôn vinh Thiên Chúa, như chính Đức Kitô đã hiến dâng của lễ Tạ Ơn Chúa Cha là cả cuộc đời trong Hy Tế Thập Giá mà chúng ta đang tái diễn qua Thánh Lễ nầy.
Giờ đây, chúng ta hãy nhìn nhận tội lỗi chúng ta để xứng đáng cử hành Thánh Lễ.
Giảng Lời Chúa:
Đã lắm phen và bằng nhiều cách, Thiên Chúa đã dạy bảo loài người chúng ta phải biết sống thái độ tạ ơn. Qua bao nhiêu bài Thánh Vịnh, thánh thi trong cựu ước chúng ta gặp không biết bao nhiêu lời tạ ơn đã được cất lên: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ
Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương (Tv 136)
Lạy Chúa xin dâng lời cảm tạ
Ngài dã nghe lời miệng con xin (Tv 138)
Hãy dâng Chúa bài ca cảm tạ
Gảy khúc hạc cầm mừng Thiên Chúa chúng ta (Tv 147)
Ngay trong Bài Đọc 1 hôm nay, sứ ngôn I-sa-i-a đã thay lời Thiên Chúa nói với muôn thế hệ nhân loại rằng:
Tôi xin nhắc lại ân nghĩa Chúa, dâng lời ca tụng Chúa, vì tất cả những gì Chúa thực hiện cho chúng tôi, vì lòng nhân hậu lớn lao của người đối với nhà Ít-ra-en, vì những gì Người đã thực hiện, bởi lòng Người đầy lòng thương xót và lắm nghĩa giàu ân”.
Nhưng để có một lời Tạ ơn cao cả nhất, trọn vẹn nhất phải đợi đến khi Thiên Chúa sai Con Một mình! Vâng, chỉ có người Con nhân loại và chính là Con Thiên Chúa, đã đến để dẫn dắt con người đi vào quỹ đạo của tình yêu tạ ơn, đi vào thái độ hiếu nghĩa tin yêu dành cho Thiên Chúa một cách trọn hảo qua chính cuộc đời Ngài.
  1. Đức Kitô thiết lập nghĩa cử tạ ơn bằng cuộc đời vâng phục:
Nếu dân tộc của Giao ước cũ đã minh chứng niềm tin và lòng tri ân hiếu thảo đối với Thiên Chúa qua những của lễ chiên bò, hy sinh và tạ tội; thì trong trật tự của Giao Uớc Mới, của lễ tuyệt hảo nhất, lời tạ ơn trọn vẹn nhất dành cho Thiên Chúa lại chính là Con Người của Đức Kitô, là cuộc đời và toàn bộ cuộc sống của Ngài, một cuộc đời trọn vẹn vâng phục thánh ý Chúa Cha:
Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô đã nói: “Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: lạy Thiên Chúa, nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con.” (Dt 10,5)
Thật vậy, Đức Kitô đã đến giữa trần gian và đã biến cả vũ trụ trở nên một “đền thờ vĩ đại” và đã qui tụ toàn nhân loại chung quanh Ngài để làm nên một cuộc “đại thờ phượng”, một cuộc tạ ơn và phụng thờ Thiên Chúa vượt qua mọi biên giới không gian, xuyên suốt mọi thời gian. Bởi vì đó là cuộc thờ phượng Thiên Chúa trong Thánh Thần và Chân lý:
“Nầy chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi nầy hay tại Giê-ru-sa-lem…..Nhưng giờ đã đến – và chính là lúc nầy đây – giờ những người thờ phượng đích thức sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế.” (Ga 4,21-24)
Qua những chỉ dẫn của Tin Mừng, chúng ta còn biết được rằng: thái độ tạ ơn, tâm tình tri ân cảm tạ lại chính là thái độ cốt yếu của tinh thần “Tám mối Phúc thật”, tinh thần “nghèo khó, khiêm hạ, yêu thương…”, tinh thần luôn biết đưa tay hướng mắt về phía Thiên Chúa với niềm tin yêu phó thác của những con người như Bà Góa bị loạn huyết 18 năm xứ Canaan, của người phung hủi ngoại bang được chữa lành, của viên sĩ quan có người tôi tớ đau nặng, của người đàn bà tội lỗi khóc lóc ăn năn, của những người thu thuế bị loại trừ như Gia-kê, Lê-vi, của các trẻ thơ xúm quanh để chờ được chúc lành hay của người kẻ trộm sắp sửa đi về bên kia thế giới với hy vọng sẽ được cứu độ trong Vương quốc phục sinh…
Rồi cũng chúng ta cũng biết được rằng: trên môi miệng của Đức Kitô luôn vang lên lời tri ân cảm tạ: “Lạy Cha, con tạ ơn Cha, vì Cha đã dấu…”
Và còn hơn thế nữa Ngài đã tạ ơn bằng chính 1 cuộc đời vâng phục mà chỉ trọn vẹn khi Ngài nói lời “Con phó thác hồn con trong tay Cha”. Đó chính là lời tạ ơn trọn hảo nhất bằng Hy Tế Thập Giá mà hôm nay trên mọi bàn thờ chúng ta đang tái diễn mỗi ngày.
  1. Đức Trinh Nữ Maria và lời Tạ Ơn Magnificat:
Cảm tạ hồng ân của Thiên Chúa trong Đức Kitô, nhờ Đức Kitô và với Đức Kitô chính là con đường đức tin của Dân Chúa hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Và may mắn thay, trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại suốt 2000 năm nay, đã có một “bài ca tạ ơn”, đã có một “cuộc đời tạ ơn” theo cung cách ấy. Đó chính là bài ca “Magnificat”, đó chính là “cuộc đời của Trinh nữ Maria”. Quả thật cuộc đời của Đức Mẹ được phản ảnh qua bài Magnificat mà Tin Mừng hôm nay vừa nhắc đến là mô hình sống động, là mẫu gương sáng ngời để nhân loại bước đi trong “con đường tạ ơn” Thiên Chúa, trên nẽo đường đáp trả hồng ân.
– Tạ ơn: trước hết là như Đức Maria dâng lên lời ngợi khen Thiên Chúa và hân hoan vì hồng ân cứu độ Ngài đã ân ban: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa….”
– Tạ ơn: phải chăng như Đức Maria nhận ra “những việc lạ lùng Thiên Chúa đã thực hiện nơi tôi”.
– Tạ ơn phải chăng như Đức Maria luôn biết nhận ra bàn tay Thiên Chúa đưa ra nâng đỡ thân phận yếu hèn, lòng quảng đại Chúa mở ra để ban cho dư đầy ơn phúc.
-Tạ ơn phải chăng là luôn xác tín mãnh liệt và đầy lòng trông cậy vững vàng trước lời hứa và kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa: “Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta. Vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”.
Và Mẹ đã hoàn tất lời tạ ơn tuyệt diệu đó vào Chiều Thứ Sáu trên đồi Can-vê khi Mẹ thay cho nhân loại dâng hiến lễ Tạ Ơn đầu tiên cùng với Con yêu dấu trên bàn thờ Thánh Giá.
  1. Sống chiều kích Tạ Ơn trong nhỏ nhặt đời thường:
Qua lời kinh Tạ Ơn Magnificat của Đức Maria, và nhất là, qua cuộc đời đã trở nên Hy Tế TẠ Ơn của chính Đức Kitô, chúng ta cảm nhận được rằng:
– Thái độ Tạ Ơn, cuộc sống Tạ Ơn không chỉ là một hành vi mang tính “thời sự’, “cơ hội” đột xuất (như được khỏi cơn bệnh hiểm nghèo, thoát qua cơn hoạn nạn, tránh được hiểm nguy, làm ăn buôn bán trúng mánh, trúng số độc đắc…), nhưng “Tạ Ơn” phải là một thái độ, một nhịp sống, một cử hành thường xuyên, từng phút giây, mọi biến cố, trên mọi nẽo đường cuộc sống. Đó chính là cách ứng xử mà mấy ngàn năm trước, ông thánh Gióp đã từng nêu gương: “Chúa cho, Chúa cất lấy, xin cảm tạ ơn Chúa!”. Dĩ nhiên, có những thời điểm, có những biến cố dễ gợi mở tâm tình chúng ta hướng về Thiên Chúa trong thái độ tạ ơn đặc biệt…Nhưng không phải, chỉ tạ ơn trong những hoàn cảnh, những thời điểm đặc biệt thôi, còn ngoài ra thì “bàn tay ta làm nên tất cả”, có nhờ vả ai đâu, có khấn xin gì nào mà phải tạ ơn cám ơn…
– Bởi vì, chính khi chúng ta cử hành cuộc sống trong thái độ tạ ơn, chúng ta sẽ thấy cuộc đời mình nhỏ lại, khiêm hạ hơn, khó nghèo hơn, trái tim kiêu căng hợm hĩnh sẽ được biến đổi để trở nên nhỏ bé hiền lành, và từ đó con mắt tâm hồn sẽ khám phá ra muôn vạn hồng ân của Cha trên trời vây bọc xung quanh. Ngày hôm nay, hơn lúc nào hết, cái nảo trạng ‘đương nhiên” của chủ nghĩa duy vật vô thần đang âm thầm hay mãnh liệt len lỏi vào mọi ngỏ ngách của cuộc sống. Vì đã lý luận như thế: “đương nhiên trái cấm nầy thuộc về tôi, địa đàng nầy là của tôi, tôi cóc cần Thiên Chúa với những luật lệ của Ngài…” mà A-đam và E-Va đã đẩy nhân loại vào vũng lầy nguyên tội. Cũng vì lý luận như thế: tôi khỏi phung cùi chắc là do số phận run rủi, là tới lúc phải được như thế, chứ ông Giêsu nào có can thiệp gì đâu… nên chín người phung cùi được khỏi bệnh đã không thèm trở lại tạ ơn Chúa Giêsu! Còn chúng ta hôm nay thì sao. Có thấy được “phép lạ tình yêu của Thiên Chúa” ghi dấu ấn trên đời thường cuộc sống mỗi ngày để ngước mắt tạ ơn, hay chỉ là những thở dài oán trách Chúa vì đã van xin bao điều mà sao vẫn cứ hoài vô vọng. Có thấy bàn tay quan phòng của Thiên Chúa tế nhị ấp yêu trên mọi biến cố cuộc đời để cảm tạ tri ân, hay chỉ thấy mọi sự là “đương nhiên” để cóc cần phải tính sổ với Thiên Chúa.
Trong giờ phút thiêng liêng khi trời đất sắp sửa giao mùa, chúng ta có dịp ngồi lại với nhau trước mặt Chúa để nhờ ánh sáng của Lời Ngài mà nhìn lại cuộc sống, mà cảm nhận muôn vạn hồng ân Chúa đã ân ban trong suốt một năm. Và điều quan trọng hơn hết, phải chăng là chúng ta được cùng với Đức Kitô dâng Hy Tế Tạ Ơn nầy như một nghĩa cử của lòng hiếu thảo mến yêu, của tâm tình tri ân cảm mến; và cũng chính qua sứ điệp của lời kinh tạ ơn Magnificat của Đức Trinh Nữ Maria, chúng ta được gọi mời từ hôm nay, biết mở lòng đón nhận và khám phá muôn điều kỳ diệu Chúa đã làm, để từ đó biến cuộc sống trở thành “Lời ca khen cảm tạ Magnificat”:
Hồn tôi tán tụng Chúa Trời,
Lòng tôi hoan hỷ dâng lời tạ ơn,
Tạ ơn Chúa chuộc khoan nhân,
Thương người tỳ nữ, thương thân phận hèn.
Từ nay thiên hạ ca khen,
Rằng tôi có phúc, có duyên lạ lùng.
Rằng tôi bé mọn khiêm cung,
Được bàn tay Chúa oai hùng điểm trang,
Cho tôi nên trọng nên sang,
Cho Danh Thánh Chúa hiển vang muôn đời (SĐTT, NXV)
 Lm. Giuse Trương Đình Hiền

SUY NIỆM: LINH HỒN TÔI NGỢI KHEN THIÊN CHÚA

Có thể nói Phụng vụ Lời Chúa trong Thánh Lễ Giao thừa hôm nay là tổng hợp của những lời chúc phúc.
Theo truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vào những dịp lễ tết, người ta thường cầu chúc cho nhau những điều may lành, đặc biệt là trong dịp Tết Nguyên Đán là Tết lớn nhất trong năm. Bởi vì người ta quan niệm rằng, vào những thời khắc thiêng liêng của một năm, nếu nhận được những lời chúc lành, thì cả năm đó, gia đình sẽ được bình an thịnh vượng, người người sẽ được hạnh phúc, ấm no.
Không chỉ người Việt Nam chúng ta, mà từ xa xưa, trong Cựu Ước, dân Do Thái cũng đã có thói quen người trên chúc phúc lành cho người dưới, như Giacop và Exau phải tranh nhau để hưởng lời phúc lành từ cha là Tổ phụ Ixaac.
Trong bài đọc thứ nhất trích sách Dân Số hôm nay, Đức Chúa qua môi miệng của Môsê đã chúc phúc cho toàn thể dân tộc Israel với những lời cầu chúc thật ý nghĩa: “Nguyện ĐỨC CHÚA chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện ĐỨC CHÚA tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện ĐỨC CHÚA ghé mắt nhìn và ban bình an cho anh em !’ Chúc như thế là đặt con cái Ítraen dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng.” (Ds 6, 24-27).
Bài Tin Mừng hôm nay cũng là những lời chúc phúc đầy yêu thương mà Chúa dành cho những người nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, sống công chính, biết xót thương người, có lòng trong sạch, có công xây dựng hòa bình và bị bách hại vì chính đạo. (x.Mt 5,1-10).
Thử hỏi còn gì vui mừng và hạnh phúc hơn khi được chính Chúa là Thiên Chúa chúc phúc cho, bởi lời chúc phúc từ Thiên Chúa, không chỉ mang tính xã giao, nhưng là lời hiệu nghiệm. Vì Ngài là Đấng toàn năng và rất mực yêu thương con người, nên lời cầu chúc của Ngài cũng chính là phúc lành mà Ngài ban cho dân.
Đối với người Việt Nam, Giao thừa là thời khắc hết sức thiêng liêng và cao quý. Theo nguyên ngữ: “giao” là trao, còn “thừa” là nhận lãnh để tiếp tục. Năm cũ trao thời gian lại cho năm mới đón nhận và tiếp nối. Bởi vậy, khoảnh khắc giao thừa này là lúc rất thích hợp để chúng ta suy nghĩ về thời gian.
Chắc chắn lúc này, mỗi người trong chúng ta đều mang một suy nghĩ khác nhau với những cảm xúc không giống nhau, nhưng tất cả đều có một điểm chung, đó là tâm tình Tạ ơn và phó thác. Tạ ơn, vì Chúa đã cho chúng ta sống đến giờ phút này. Gia đình chúng ta vẫn còn được sum vầy bên nhau quanh mâm cơm ngày Tết, trong khi có rất nhiều gia đình trong năm qua đã phải chia lìa, li tán, mất đi những người thân yêu. Biết bao cuộc hỏa hoạn, những tại nạn giao thông, những thiên tai địch họa xảy đến cướp đi sinh mạng của bao người dân vô tội, trong khi đó, chúng ta vẫn sống bình an.
Trong năm qua, công ăn việc làm có thể không như chúng ta mong đợi, nhưng ngày ba bữa cơm, Chúa vẫn ban cho đầy đủ, trong khi nhiều người còn lâm vào cảnh thất nghiệp và nghèo đói. Mùa Đông với cái rét cắt da cắt thịt, ta vẫn có cái để mặc, trong khi ngoài kia còn có biết bao người chẳng có lấy một mảnh áo để che thân.
Một năm qua, ta gặp gỡ thêm biết bao nhiêu con người mới, thiết lập thêm bao mối tương quan, nhờ những sự trợ giúp cách nào đó của họ, mà chúng ta có thêm tin tưởng để bước tiếp hành trình dương thế này.
Suốt một năm qua, đã biết bao lần Chúa đã che chở cho ta cách âm thầm mà ta không hề biết. Đó là những khi Ngài giải thoát ta khỏi căn bệnh hiểm nghèo mà đáng lý ra chúng ta đã không qua khỏi; đó là những khi gia đình ta gặp những bất hòa, lục đục, cãi vã, tương quan vợ chồng đang trên bờ vực thẳm, nhưng rồi dưới sự chở che của Ngài, mọi sự đều đã qua đi.
Một năm qua, biết bao lần vì vô tình hay hữu ý, ta đã làm tổn thương đến người khác, lỗi nghĩa cùng Chúa, khiến cho cuộc sống của ta chẳng mấy khi bình an. Dường như ta thiếu sốt sắng trong việc đạo nghĩa, dường như ta có phần chểnh mảng trong việc tham dự Thánh lễ hay các giờ kinh nguyện… Nhiều khi, vì ích kỷ mà đã có những lúc ta chỉ chăm lo cho bản thân mình hơn là lo cho người bạn đời hay cho những đứa con yêu dấu; Biết đâu đã có vài lần ta đã nói những lời khiến cha mẹ phải phiền lòng; lắm khi vì mải chơi, mà chúng ta chưa cố gắng học tập cho nghiêm túc, còn sa đà vào những trò chơi vô bổ làm ảnh hưởng đến bản thân cũng như gia đình… Có lúc ta không kim nén được cảm xúc của mình mà gây gổ, to tiếng với người hàng xóm, khiến mối tương quan giữa hai gia đình trở nên căng thẳng, nặng nề… ; đã bao lần ta bỏ lỡ cơ hội làm một việc tốt, đã không dám đưa tay ra để giúp đỡ cho những anh chị em đau khổ, những người cần đến sự trợ giúp của chúng ta… Ta vẫn còn co cụm trong thế giới của riêng mình mà chưa dám mở lòng mình để nói một lời an ủi, một lời yêu thương với những người khổ đau, bất hạnh…
Nhìn lại một năm đã qua, đó không phải là khoảnh khắc ta lôi tất cả những gì chưa tốt đẹp trong quá khứ để dày vò bản thân hay để than trách một ai đó, nhưng là cơ hội để thêm một lần nữa, ta nhận ra hình ảnh của Chúa vẫn song hành bên ta trong từng bước đi của cuộc sống.
Trong thời khắc thiêng liêng này, còn gì thích hợp và ý nghĩa hơn khi chúng ta mặc lấy tâm tình của thánh Phaolô trong lời ngài nhắn nhủ với tín hữu Thêxalônica rằng: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu.” (1 Tx 5, 16-18).
Tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cũng là điều mà chúng ta không chỉ làm trong giờ phút Giao thừa này, mà là làm trong suốt cuộc đời. Bởi lẽ, tạ ơn là thái độ căn bản của người Kitô hữu đối với Thiên Chúa, vì tất cả những gì con người có đều là hồng ân Thiên Chúa ban cho.
Vậy giờ đây, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Mẹ Maria để hát lên bài ca Chúc tụng Chúa (Magnificat) rằng: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa… vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả. Ngài quyền năng và Danh Ngài là Thánh” (Lc 1, 29-55).
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên - http://giaophanthaibinh.org //

SUY NIỆM: LỜI CẢM TẠ TRI ÂN

Ngày cuối của một năm, thường con người vẫn có thói quen ngồi lại để tính sổ với Chúa, với đời xem mình đã làm được gì, chưa làm được gì và rồi con người dù thế nào đi nữa vẫn phải nói lên lời tạ ơn Thiên Chúa vì do tình thương của Ngài mà con người vẫn còn tồn tại.
CUỘC ĐỜI PHẢI LÀ LỜI CẢM TẠ:
Nhìn lại một năm với bao biến cố xẩy ra trong đời: buồn có, vui có, khó khăn có, may mắn có, con người vẫn tự nhủ tại sao mình còn hiện diện? Tại sao mình còn thở, còn sinh hoạt được, còn đi dứng, ăn uống, ngủ nghỉ được? Chắc chắn với lòng tin sẵn có, người Kitô hữu luôn ý thức Thiên Chúa đang tiếp tục làm phép lạ trong cuộc đời của mình. Như vậy, tâm tình của con người là tạ ơn. Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêsô đã viết:” Đàn hát lên! Nhờ Thánh Thần linh hứng, trót tâm tình, dâng Thiên Chúa là Cha. Luôn cảm ta Người, nhân danh Thánh Tử vì Người ban muôn phúc lộc chan hòa”(Eph 5, 19-20). Vâng, Thiên chúa đã ban cho nhân loại, cho mỗi người muôn vàn hồng phúc. Những ân huệ cao quí, Thiên Chúa tặng ban cho con người quả không kể xiết. Con người chỉ có thể hiểu được những điều quí hóa ấy khi họ biết hồi tỉnh, suy nghĩ và cầu nguyện. Hồi tỉnh để thấy mình đã lãnh nhận quá nhiều ân phúc mà chỉ Thiên Chúa mới có thể trao ban. Suy nghĩ để con người nhận ra họ được hạnh phúc có Thiên Chúa là Cha nhân từ không nỡ cho con người con bọ cạp hoặc hòn đá khi họ xin bánh ăn. Cầu nguyện để thân mật trao đổi và cám ơn Thiên Chúa vì tình thương vô biên Chúa đã tặng ban cho con người. Chính vì thế, con người phải luôn có tâm tình như Chúa Giêsu vì cuộc đời của Ngài là bài ca cảm tạ tri ân Thiên Chúa Cha. Chúa luôn cảm tạ Chúa Cha trong mỗi biến cố cuộc đời: khi làm phép lạ cho cá và bánh hóa nên nhiều, khi lập bí tích Thánh Thể, khi chọn các môn đệ và nhiều việc Chúa Giêsu làm trong đời của Ngài. Bao giờ, Chúa cũng nói lên lời tạ ơn Thiên Chúa Cha. Tạ ơn là điều tối hệ trọng trong đời Chúa Giêsu. Mẹ Maria cũng thế, Mẹ đã nói lên lời xin vâng và tạ ơn trong cả cuộc đời của Mẹ. Bài kinh Magnificat Mẹ cất lên hôm nay là một lời cảm tạ Thiên Chúa Cha. Mẹ mời gọi mỗi người Kitô hữu hãy cùng Mẹ hát bài tạ ơn vì chính Mẹ và con cái của Mẹ đã được Thien Chúa trao ban quá nhiều hồng phúc.
NGÀY CUỐI NĂM LUÔN LÀ LỜI TẠ ƠN:
Nhìn lại một quãng đời, suy nghĩ về một chặng đường đã qua, con người chỉ biết thốt lên như Mẹ:”…Đấng toàn năng đã làm cho Tôi biết bao điều kỳ diệu”. Đời con người là một huyền nhiệm. Chúa đã tạo dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, Ngài lại ban cho con người biết bao hồng phúc khiến con người không thể nào hiểu hết sự lạ lùng của Thiên Chúa. Con người chỉ có thể cùng với tác giả thánh vịnh:’ Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Đức Chúa”(Tv 115, 12-13)
Ngày cuối năm, người Kitô hữu luôn phải ngồi lại để suy nghĩ, điều chỉnh tâm hồn và nói lời tạ ơn Thiên Chúa. Đây là dịp rất tốt để con người hồi tỉnh xem điều gì mình đã làm được tốt, điều gì mình chưa làm tốt và điều còn thiếu xót để rồi chấn chỉnh điều chưa tốt và nhân lên càng nhiều càng tốt điều tốt lành mình đã làm được. Điều quan trọng con người cần phải xét tới xem mình đã có quan hệ thế nào đối với Thiên Chúa và có thái độ ra sao đối với tha nhân? Chúa luôn mời gọi mỗi người quay trở về với Thiên Chúa và làm hòa với anh em. Như thế, ngày cuối năm là dịp để hồi tỉnh, trở về với Chúa và thắp sáng đức tin cho anh em. Những việc làm tỏa sáng vẫn là những việc Chúa mời gọi con người thực hiện để làm vinh danh Chúa và nối kết anh em. Ngày cuối năm cũng là ngày tạ lỗi Chúa và tạ lỗi mọi người. Tạ lỗi là nói lên lòng sám hối, ăn năn và tạ ơn.
Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, trong suốt cả năm nay, Chúa đã thương ban phù trợ cho hồn xác chúng con an toàn. Giờ đây năm cũ sắp qua, chúng con cùng họp nhau dâng lên Chúa lời cảm tạ tri ân, và xin Chúa thứ tha tội lỗi, để chúng con được thư thái bình an trước thềm năm mới (Lời nguyện nhập lễ, lễ tất niên).
Lm. Jos. Nguyễn Hưng Lợi
Suy Niệm :“Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
Bản văn Tin Mừng có thể chia làm ba đoạn: (A) Mẹ của Người (c. 31-32); (B) “Ai là mẹ tôi?” (c. 33); và (A’) Gia Đình mới (c. 34-35). Chúng ta có thể so sánh hai đoạn A và A’ để tìm ra những tương đồng và khác biệt. Vì đó chính là các yếu tố giúp trả lời cho câu hỏi của Đức Giê-su : “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
(A) Mẹ của Người (c. 31-32)
(B) “Ai là mẹ tôi?” (c. 33)
(A’) Gia Đình mới (c. 34-35)
Thật vậy, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra năng động thiêng liêng Lời Chúa trong bài Tin Mừng: từ tương quan thân thuộc với Đức Giê-su do máu huyết: “Mẹ và anh em Đức Giê-su (c. 31) trở thành tương quan thân thuộc do việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa: “Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi” (c. 35).
Tuy nhiên, tương quan ruột thịt không bị loại bỏ, nhưng được củng bố, sinh hoa kết quả và đạt tới sự viên mãn trong kế hoạch thông truyền chính Sự Sống của Thiên Chúa ; như trường hợp của hai cha con Abraham và Isaac. Tương quan thân thuộc dựa trên việc thi hành ý muốn của Thiên Chúa làm nên “Gia Đình Mới” dành cho tất cả mọi người, mà Đức Giê-su rao giảng, xây dựng và trao ban chính sự sống của mình để nuôi dưỡng và làm cho hoàn tất tương quan huyết thống và mọi tương quan khác.
Dấu chỉ cho việc mở rộng đến vô hạn là chữ “chị” được Đức Giê-su thêm vào, khi nói về Gia Đình mới: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi.”[1]
1. Mẹ của Người
Đức Giêsu đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo : « Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! ». Chúng ta có thể hình dung ra đám đông đứng chung quanh Đức Giê-su đông đến độ, Mẹ và anh em của Ngài không thể đến gần được. Như Tin Mừng kể lại, Ngài không tạm ngưng việc giảng dạy để ra gặp Mẹ và người thân; và Đức Giê-su không chỉ không ra gặp, nhưng còn nói những lời như muốn từ chối mẹ và anh em của mình:
Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi? (c. 33)
Chúng ta hãy đi vào tâm hồn của Đức Maria: Mẹ muốn nói gì với Đức Giê-su khi đến; và khi sau khi nghe lời của Ngài, Mẹ hiểu và cảm như thế nào? Chúng ta chỉ biết rằng, các Tin Mừng không còn nhắc đến Đức Maria nữa, cho đến khi Đức Giê-su đi vào con đường Thập Giá (x. Ga 19, 25-27; và một cách gián tiếp trong Lc 23,27).
Chắc chắn Mẹ đã ghi nhớ lời này của Đức Giê-su, suy đi nghĩ lại trong lòng và đã hiểu, nên Mẹ đã đi theo Đức Giê-su cách khiêm tốn như một người môn đệ trong tương quan mới và trong Gia Đình Mới của Người, và cũng là Gia Đình mới của Mẹ nữa, vì Mẹ là Mẹ của Đức Giê-su « cách duy nhất » đến độ, Mẹ cũng là Mẹ của mọi người môn đệ Đức Giê-su, trong đó có chúng ta.
2. “Ai là mẹ tôi? Ai là anh em tôi?”
Đang giảng cho đám đông, thì có người chạy vào báo : « Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy! », Đức Giê-su đã mượn cơ hội rất đời thường này để nói cho mọi người và cho chúng ta hôm nay về một kế hoạch thật lớn lao, đó là xây dựng một « Gia Đình Mới », gia đình này không đặt nền trên tương quan huyết thống, nhưng trên việc « lắng nghe và thực hành Lời Thiên Chúa » (Lc 8, 21). Thực vậy, khi đó Người rảo mắt nhìn những người đang vây quanh lắng nghe Lời Thiên Chúa, nói ra từ miệng của Người, và nói:
Đây là mẹ tôi, đây là anh em tôi. Ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa,
người ấy là anh em chị em tôi, là mẹ tôi. 
(c. 34-35)

Như thế, Đức Giê-su đâu có từ chối Mẹ, ngược lại còn tôn vinh Mẹ, bởi vì trong Gia Đình Mới mà Đức Giê-su đang gầy dựng, Đức Maria có một vị trí duy nhất : Đức Maria vừa là mẹ sinh ra Đức Giê-su, vừa là mẹ Đức Giê-su, vì đã lắng nghe và sống Lời Chúa, không chỉ một lần nhưng suốt đời. Mẹ Maria là Mẹ Đức Giêsu hai lần: ơn huệ này là duy nhất, chỉ một mình Mẹ có mà thôi, được làm Mẹ của Đức Giê-su hai lần.
Giáo xứ và nhất là cộng đoàn tu trì, hay rất cụ thể, tất cả chúng ta đang hiện diện nơi đây, chính là hình ảnh Gia Đình Mới của Đức Giê-su : chúng ta không phải là ruột thịt, nhưng bởi việc lắng nghe và sống Lời Chúa, qua đó chúng ta đón nhận Ngôi-Lời vào trong cuộc đời của chúng ta (bởi vì Lời Chúa và Ngôi Vị của Chúa là một), như Đức Maria, chúng ta trở thành anh chị em của Đức Giê-su, và như thế trở thành con của cùng một Mẹ, là Mẹ Maria. Sự qui tụ đang lớn dần ở trong Giáo Hội và nhất là trong mỗi xứ đạo hay trong Hội Dòng của chúng ta là một hình ảnh rất đẹp và cụ thể, nói lên Gia Đình Mới của Đức Giê-su. Vậy, nếu chúng ta xây dựng gia đình mới, xây dựng nhóm, cộng đoàn của chúng ta trên một điều gì khác với Lời Chúa, thì có thể nói, chúng ta đang xây nhà trên cát (x. Mt 7, 24-27).
Ước gì, sự sống mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, khởi đi từ con tim biết lắng nghe Lời của Ngài, trong cầu nguyện. Và như thế, như Đức Mẹ, chúng ta sẽ trở thành « người thân » đích thực của Đức Giê-su.
3. Gia Đình Mới
Nhưng, trong thực tế, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, trở thành anh chị em của nhau trong Chúa qua việc nghe và sống Lời của Ngài, điều này quả không dễ dàng, nhưng có đầy những khó khăn, thách đố, thậm chí những ngang trái, đau đớn nữa. Tuy nhiên, những khó khăn là điều không thể tránh được, vì giữa những người ruột thịt còn khó khăn, huống hồ là chúng ta, vốn từ những gia đình khác nhau, gốc gác, nguyên quán, giáo dục và não trạng khác nhau. Nhưng đó là một lý tưởng rất đẹp và cao quí, đáng cho chúng ta dấn thân và dâng hiến cả cuộc đời để xây dựng.
Để trở thành người con trong một gia đình, chúng ta phải sinh ra. Cũng vậy, để trở thành thành viên trong gia đình mới của Đức Giê-su, chúng ta cũng phải được tái sinh. Và như chúng ta biết, sinh ra đã không dễ, tái sinh càng khó hơn. Hơn nữa, chúng ta không thể tự mình tái sinh được, cũng như chúng ta đã không tự mình sinh ra.
Nghe và sống Lời Chúa không chỉ là điều kiện, nhưng còn có nguồn sự sống làm cho chúng ta tái sinh, bởi vì Lời Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, vẫn đang tạo dựng chúng ta và sẽ tái tạo dựng chúng ta để chúng ta trở thành tạo vật mới trong Gia Đình mới của Thiên Chúa. Lời Chúa, Mình và Máu của Chúa, những ơn huệ và nhất là ơn tha thứ bởi lòng thương xót của Chúa, tái sinh chúng ta, tái tạo con tim chúng ta và làm cho chúng ta trở thành con người mới trong Gia Đình Mới của Chúa. Những ơn huệ này Chúa vẫn ban cho chúng ta cách quảng đại nơi Thánh Lễ, để tái sinh chúng ta mỗi ngày cho Chúa và cho những người thân yêu của Chúa, trong đó Đức Maria, Mẹ của chúng ta.
Lời bài hát « Như hơi thở mong manh » (Comme un souffle fragile), của Pierre Jacob diễn tả rất hay ơn tái sinh bởi Lời Chúa :
Lời Chúa là sự sinh ra, như ta ra khỏi chốn tù đày. Lời Chúa là hạt giống nhỏ, hứa hẹn cả mùa gặt bao la[2]. 
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM: AI LÀ MẸ TA
Khổng Tử có một người cháu tên là Khổng Liệt và một người học trò tên là Bật Thứ Thiên, cả hai ra làm quan cùng một thời. Một hôm Khổng Tử hỏi người cháu:
– Từ khi ra làm quan đến giờ, ngươi đã được điều gì và mất điều gì?
Khổng Liệt trả lời:
– Từ khi làm quan, tôi chưa được điều gì, mà đã mất ba điều: không có giờ học tập vì thế trình độ vẫn thấp, lương bổng không đủ giúp người thân, công việc bề bộn nên không có giờ thăm viếng bạn bè.
Nghe thế, Khổng Tử rất buồn lòng.
Một ngày nọ, Khổng Tử cũng hỏi Bật Thứ Thiên cùng một câu như đã hỏi Khổng Liệt, Bật Thứ Thiên đáp:
– Từ khi ra làm quan, tôi chưa mất điều gì, mà đã được ba điều: Những điều đã học nay đem ra thực hành, vì thế việc học được rõ ràng thêm; lương bổng tuy ít nhưng cũng có thể giúp người thân phần nào, do đó mà thân thiện hơn; công việc tuy nhiều, những cũng bớt chút thời giờ thăm bạn bè khiến tình bạn càng thân thiết.
Câu trả lời của Bật Thứ Thiên được Khổng Tử khen là chí lý và thực là câu trả lời của người quân tử.
Câu trả lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay, thoạt nghe người ta dễ hiểu lầm là từ khi bắt đầu đời công khai, Chúa Giêsu đã đánh mất gia đình và người thân của mình. Thật vậy, khi Chúa đang ngồi giảng giữa một đám đông, có kẻ nói với Ngài: “Thưa Thầy, có mẹ và anh em Thầy đang tìm Thầy”. Chẳng những Chúa Giêsu không ra gặp mẹ, mà Ngài còn nói: “Ai là mẹ Ta, ai là anh em Ta? Chính những ai thi hành ý muốn của Thiên Chúa, người ấy là mẹ Ta và là anh em Ta”.
Thật ra, qua câu nói này, Chúa Giêsu gián tiếp khen ngợi Mẹ Ngài, bởi vì Mẹ là người hoàn toàn tuân theo ý Chúa. Mẹ đã hiểu rõ sứ mạng của Chúa Giêsu, con của Mẹ. Như thế câu nói của Chúa Giêsu cho thấy Ngài đặt quan hệ tình nghĩa trên nền tảng đức tin, thể hiện niềm tin của mình bằng việc thực thi thánh ý Chúa.
Chúa Giêsu là Con Một Thiên Chúa, đồng bản tính với Chúa Cha; còn chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần, và nhờ tình yêu Chúa, chúng ta được liên kết với nhau trong một quỹ đạo mới, một tình nghĩa mới, cao đẹp hơn tình nghĩa cha mẹ, anh chị em ruột thịt.
Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta luôn biết sống theo thánh ý Chúa, để chúng ta được nối kết trong tình nghĩa với Chúa, với Mẹ và với tất cả mọi người.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui)
 
SUY NIỆM: LÀ ANH CHỊ EM VÀ LÀ MẸ TA
Câu chuyện
Thánh Gioan Vianney, lúc còn là một chủng sinh, học hành rất chậm chạp, tưởng chừng như ngài không có đủ khả năng để tiến tới chức Lm. Ngày kia, thừa lệnh giám mục giáo phận, một vị giáo sư thần học, đã đến khảo sát Vianney, tội nghiệp Vianney đã không thưa được câu nào. Không giữ được bình tĩnh, vị giáo sư đã đập bàn quát lớn: “Vianney, anh dốt như lừa. Với một con lừa như anh, Giáo hội sẽ làm được gì?”
Vianney khiêm tốn bình tĩnh trả lời: “Thưa thầy, ngày xưa Samson chỉ dùng có một cái hàm của một con lừa, để đánh bại được ba ngàn quân Philitinh, vậy với cả một con lừa này, Thiên Chúa không làm được gì sao?” (Theo Cử hành Phụng vụ Chúa nhật, tr. 42).
Suy niệm
Tình huyết nhục là tình rất thân thiết của con người. Ðức Giêsu như bao nhiêu người con có hiếu, không bao giờ chối gia đình.
Khi khẳng định: “Ai làm theo ý Thiên Chúa, thì người ấy là anh chị em và là mẹ Ta”, Ðức Giêsu không coi nhẹ tình gia đình, cũng như không phải lãnh đạm với mẹ và anh em Ngài. Đức Giêsu muốn đề cao hơn mối liên hệ thiêng liêng dựa trên Lời Chúa mà Ngài đang mang sứ mạng rao truyền, sẽ dệt nên niềm tin và lòng yêu mến cho người lãnh nhận. Ngài khẳng định trong tương quan với nước Ngài, quan hệ máu mủ ruột thịt không quan trọng bằng niềm tin khi biểu lộ thực thi ý Chúa. Đại gia đình thiêng liêng mà các thành viên đều mang tiêu chuẩn nghe và thi hành ý Thiên Chúa.
Qua sự khẳng định, mẹ và anh em Ngài chính là người nghe và thực hành Lời, Chúa Giêsu không phải là không muốn nhìn nhận mẹ của mình – Đức Maria. Hơn thế nữa, Chúa muốn cho mọi người thấy Mẹ Maria chính là người lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành hơn ai hết.
Thật thế, Mẹ Maria là người đầu tiên đã lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành khi Mẹ thưa vâng với sứ thần đến truyền thánh ý Chúa trong cuộc đời Mẹ: “Này tôi đây là nữ tỳ của Thiên Chúa, xin hãy thực hiện nơi tôi điều Ngài truyền”, lời xin vâng đã khai mở ơn cứu rỗi và của sự sống mới cho thế giới. Mẹ đã trở nên gương mẫu cho mọi người Kitô hữu: lắng nghe và thực hành Lời Chúa dạy.
Chính Mẹ cũng đã đi trước nêu gương và muốn cho chúng ta sống như Mẹ đã sống. Nơi tiệc cưới Cana, Mẹ truyền: “Hãy làm theo lời Ngài truyền”, hành động đó đã dọn sẵn mọi sự để Chúa làm phép lạ mang đến niềm vui cho những người chung quanh… Trên phương diện gia đình đức tin: Nghe và thực hành Lời Chúa, Đức Maria xứng đáng là Mẹ hơn ai hết.
Xin Chúa giúp chúng ta ý thức thực sự là anh chị em với Chúa, khi nghe và thực thi ý thánh Chúa.
Ý lực sống:
“Lạy Chúa, này con đến để thi hành thánh ý Chúa” (Dt 10,7).
 Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM: THI HÀNH LỜI CHÚA, LÀ THÂN NHÂN CỦA NGÀI
Không có bà mẹ nào mà lại không thương con, nhất là những đứa con bị khiếm khuyết cách này hay cách khác!
Hôm nay Tin Mừng thuật lại việc Đức Mẹ và người thân của Đức Giêsu đến tìm Ngài và khuyên Ngài từ bỏ con đường sứ vụ để trở về, vì có tin đồn đoán rằng Đức Giêsu bị điên!
Ôi một sự thật đau lòng! Vì yêu thương, Đức Giêsu làm tất cả mọi việc miễn làm sao để cho Thiên Chúa được vinh quang và con người được hạnh phúc, thế nhưng người Pharisêu lại phao tin Ngài bị điên! Họ muốn đánh vào uy tín của Đức Giêsu, và, đứt dây đương nhiên đụng đến rừng, tức là nếu Đức Giêsu bị điên thì mẹ của Ngài sẽ như thế nào khi sinh ra một đứa con điên? Anh em của Ngài sẽ còn uy tín gì nữa không khi trong dòng tộc của mình lại xuất hiện một kẻ khùng! Và, nhất là những lời giảng của Đức Giêsu từ nay không còn khả tin nữa, bởi vì không ai dại gì mà đi nghe theo lời của một người điên!
Đây là một đòn thâm hiểm mà những người Pharisêu đánh vào Đức Giêsu và thân nhân của Ngài.
Tuy nhiên, khi thấy Mẹ và anh em đến tìm mình, Đức Giêsu đã thốt lên và chỉ vào những người đang ngồi quanh Ngài mà nói rằng: ai là mẹ tôi, ai là anh chị em tôi? Thưa chính là những người thực hành ý muốn của Cha tôi, người đó là mẹ tôi và anh chị em tôi.
Một câu nói nhằm mặc khải cho mọi người biết một thực tại khác vượt lên trên suy nghĩ thuần túy của con người. Sự gắn bó với Thiên Chúa và thi hành Lời của Người là điều quan trọng, và chính trong mối liên hệ này mà chúng ta được trở nên nghĩa thiết, thân tình với nhau. Mặt khác, Đức Giêsu cũng ngầm giới thiệu cho mọi người xung quanh biết rằng: chính Đức Maria là người đã thi hành thánh ý Thiên Chúa, nên Mẹ xứng đáng trở thành mẫu gương cho chúng ta về việc thực thi Lời Chúa.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy chú tâm đến việc thực thi Lời Chúa hơn là những chuyện bề ngoài. Khi đã thực thi thánh ý Chúa, chúng ta không quan trọng chuyện người ta nói này hay nói kia để bêu dếu, làm mất thanh danh tiếng tốt của ta. Ngược lại, chỉ có một điều đáng làm cho chúng ta sợ, đó là khước từ Lời Chúa và chạy đua những thứ mau qua, chóng hết ở đời, làm cho chúng ta xa dời hạnh phúc đích thực là sự sống vĩnh cửu.
Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết lắng nghe Lời Chúa; đồng thời biết đem Lời Chúa ra thực hành, dù có phải chịu khốn khổ vì Lời Chúa thì vẫn một mực trung thành. Amen.
Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM: TÔI LÀ ANH EM CỦA AI?
Từ câu hỏi của Đức Giêsu “ai là anh em tôi?”, tôi tự hỏi chính mình: “Tôi là anh em của ai?” Câu hỏi này một mặt gợi mở cho những ai nghe và tin nhận Người bổn phận rao truyền Lời Chúa, mặt khác, nó đặt ra cho tôi yêu cầu dám đón nhận người khác vào gia đình đức tin, nghĩa là một chiều kích khác trong tương quan: tôi chọn ai làm anh em của tôi?
Thế giới bao la còn nhiều người mong ước nhận biết Chúa và khao khát Lời Cứu Độ, nhưng một phần vì người môn đệ hôm nay lo sợ sứ vụ, điều này dẫn đến việc trốn tránh. Sự trốn tránh sứ vụ này có thể suy ra như là một sự khước từ anh chị em vào nhà mình. Nỗi lo sợ đến từ nhiều phía và với những lý lẽ khác nhau, song điều cốt yếu là người môn đệ hôm nay chưa đủ nhiệt huyết tông đồ, ngại khó khăn, ngại gian khổ do phải đón nhận những con người khác biệt làm anh em của mình cũng như không dám làm người con bé nhỏ trong một gia đình khác biệt về nhiều khía cạnh, văn hoá, ngôn ngữ, địa vị.
Tôi chỉ thuộc về Chúa nếu tôi lắng nghe và thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Người khao khát theo Chúa thì cũng khát khao sống và thi hành ý muốn của Thiên Chúa; mà ý muốn của Thiên Chúa là muôn dân được cứu độ. Vậy có một mối dây kiên kết trong những điều Đức Giêsu giảng dạy trong Bài Tin Mừng hôm nay: Ai là mẹ tôi, ai là anh em tôi? Mẹ tôi, anh chị em tôi là những người lắng nghe lời Thiên Chúa và thực hành những lời ấy. Người môn đệ đón nhận sứ vụ, ra đi là sống chính lời kêu gọi của Con Thiên Chúa. Việc ra đi, sống và rao giảng để  nhiều người được nghe Lời Chúa. Nhờ đó, sẽ có thêm những người được đón nhận vào gia đình đức tin. Khi dấn thân cho sứ vụ, tôi dám từ bỏ những gì thân quen, dám chấp nhận sự khác biệt, dám đón nhận những người anh em khác như là người thân của mình, dù họ khác biệt, dù sứ vụ tôi đón nhận có nhiều trắc trở.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con hôm nay biết quảng đại lắng nghe Lời Chúa với lòng khao khát được là anh chị em của Chúa. Xin Thần Khí Chúa soi dẫn, đốt lên trong chúng con lòng tin yêu và nhiệt huyết để có thêm can đảm chấp nhận những anh chị em với rất nhiều khác biệt, khó ưa vào trong gia đình của Chúa. Amen.
Tu sĩ Gioan Baotixita Phan Lĩnh, SVD
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây