THỨ NĂM TUẦN II THƯỜNG NIÊN
Mc 3,7-12
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
7 Khi ấy, Đức Giê-su cùng với các môn đệ lui về phía Biển Hồ. Từ miền Ga-li-lê, người ta lũ lượt đi theo Người. Và từ miền Giu-đê, 8 từ Giê-ru-sa-lem, từ xứ I-đu-mê, từ vùng bên kia sông Gio-đan và vùng phụ cận hai thành Tia và Xi-đôn, người ta lũ lượt đến với Người, vì nghe biết những gì Người đã làm.
9 Người đã bảo các môn đệ dành sẵn cho Người một chiếc thuyền nhỏ, để khỏi bị đám đông chen lấn.
10 Quả thế, Người đã chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến tất cả những ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người.
11 Còn các thần ô uế, hễ thấy Đức Giê-su, thì phủ phục trước mặt Người và kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa!”
12 Nhưng Người cấm ngặt chúng không được tiết lộ Người là ai.
SUY NIỆM: ÔNG LÀ CON THIÊN CHÚA
Mọi người bệnh tật đến với Chúa để được chữa lành. Không phải chỉ dân Do thái, nhưng cả dân ngoại. Không phải chỉ miền Ga-li-lê, nhưng cả miền Giu-đê. Không phải chỉ trong nước, nhưng cả miền I-đu-mê, Tyr và Si-don. Không phải chỉ bệnh thể lý, nhưng cả những người bị tâm thần, bị quỉ ám. Dân chúng chỉ biết có sức mạnh từ nơi Người phát ra. Họ chỉ cần chạm vào áo Người lập tức được khỏi. Nhưng ma quỉ biết rõ nên kêu lên: “Ông là Con Thiên Chúa”.
Là Con Thiên Chúa nhưng mặc xác phàm ở giữa loài người, Chúa Giê-su trở thành người trung gian tuyệt hảo. Muôn dân phải qua Người đến với Chúa Cha.
Hình ảnh thái tử Gio-na-than phần nào diễn tả vai trò trung gian này. Gio-na-than thân phận là thái tử nhưng rất yêu thương Đa-vít. Coi Đa-vít không chỉ như bạn thân thiết mà còn như chính bản thân mình. Đến nỗi bảo vệ bênh vực Đa-vít dù Đa-vít có thể chiếm mất ngai vàng của Gio-na-than. Vì là con vua Sau-un nên Gio-na-than dùng tình yêu và địa vị can thiệp với vua cha cho Đa-vít. Nhiều lần cứu Đa-vít thoát chết (năm chẵn).
Thư Do thái cho thấy vai trò trung gian của Chúa Giê-su là tuyệt hảo. Vì Người yêu thương nhân loại. Trở nên một con người ở giữa loài người, Người trở nên đại diện cho toàn dân. Của lễ của Người toàn hảo vì Người thánh thiện vô song. Hơn nữa Người dâng chính bản thân mình. Địa vị của Người toàn hảo vì Người là Con yêu dấu của Chúa Cha. Ở bên hữu Chúa Cha nên lời chuyển cầu của Người thần thế được Chúa Cha nhận lời. Là Con Thiên Chúa nhưng cũng là Con Loài Người, Chúa Giê-su là trung gian duy nhất. Là giải pháp duy nhất cho thế giới (năm lẻ).
Thế giới hôm nay quá nhiều bế tắc, nhiều vấn đề, nhiều chia rẽ, nhiều đau khổ. Vấn đề lớn lao nhất là ma quỉ đang thao túng, đang tàn phá, thống trị con người và thế giới. Sự dữ khắp nơi. Khủng bố. Phá thai. Tham nhũng. Hối lộ. Nhưng sự dữ lớn lao nhất là con người đánh mất lương tâm và lương tri. Coi sự dữ là sự lành.
Ta không thể giải quyết vấn đề. Hãy noi gương người thời xưa chạy đến với Chúa Giê-su. Người là trung gian duy nhất. Người là cứu cánh duy nhất. Người là giải pháp duy nhất cho con người và cho thế giới. Chỉ cần chạm vào gấu áo Người ta sẽ được khỏi.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
SUY NIỆM: TÔI ĐI TÌM CHÚA
Bài Phúc Âm hôm nay nằm trong bối cảnh những ngày đầu rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu. Thế nhưng, Thánh Maccô cho biết, có 1 điều bất ngờ đã xảy ra, là dân chúng khắp miền Thập Tỉnh đã ồ ạt tìm đến với Ngài. Đối với các tông đồ, thì đây là một tín hiệu đáng mừng, nhưng Chúa Giêsu thì lại tìm mọi cách để tránh né đám đông. Tại sao lại như thế?
Lý do là vì dân chúng đã nghe đồn về những phép lạ mà Chúa Giêsu đã làm trước đó. Họ lũ lượt tìm đến với Ngài như một hiệu ứng đám đông, vì tò mò, vì thị hiếu, chứ không phải vì tin Ngài. Bằng chứng là về sau đám đông đã lần lượt rời bỏ Chúa Giêsu. Cuối cùng, họ cũng quay lại, nhưng không phải để tôn vinh Ngài là Đấng Mêsia, mà là để kết án và đóng đinh Ngài vào thập giá. Quả là một sự thật hết sức phũ phàng!
Chính vì thế, ở cuối bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã cấm không cho các thần ô uế tiết lộ Ngài là Con Thiên Chúa. Bởi Chúa Giêsu biết rõ điều mà đám đông đang tìm kiếm và mong muốn lúc này là gì. Họ không phải là đi tìm ơn cứu độ, cho bằng họ đang tìm một người có thể đáp ứng những nhu cầu vật chất của họ, một người có thể làm thỏa mãn những khát vọng nhân sinh của kiếp người.
Thưa anh chị em, hành trình theo Chúa của người Kitô hữu chúng ta cũng có lúc phải cần dừng lại để nhìn lại, nhìn lại để mỗi người tự hỏi mình rằng: tôi theo Chúa để làm gì, với mục đích gì? Tôi theo Chúa để được sự sống đời đời làm gia nghiệp, hay để được Chúa ban cho điều này điều nọ theo ý mình muốn?
Nếu đúng là như vậy, thì coi chừng chúng ta đang hạ thấp giá trị của Thiên Chúa. Chúng ta vô tình coi Chúa như các thần tài, thổ địa vậy: tìm đến khấn vái, xin xỏ; được thì tiếp tục, không được thì quay đầu. Đó là một sự “mê tín ngầm” và là một cám dỗ rất lớn trong đời sống đức tin của chúng ta thưa anh chị em.
Ngay như Thánh Phêrô được chính Chúa Giêsu tuyển chọn, được Ngài đặt làm tông đồ trưởng, và từng thề non hẹn biển với Chúa. Thế nhưng có lần ông cũng đã hỏi Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, con đã bỏ hết mọi sự mà theo Thầy, rồi con sẽ nhận lại được cái gì?” (Mc 10,28). Đó là một sự tính toán sòng phẳng theo kiểu con người và rất đời.
Chắc lúc ấy Chúa Giêsu cũng đã đắng lòng biết là chừng nào, nhưng rồi Ngài cũng trả lời với Phêrô và cho cả chúng ta hôm nay như sau: “Con sẽ được gấp trăm ở đời này và sự sống vĩnh cửu đời sau” (Mc 10,30). Chúa chúng ta là như thế đó thưa anh chị em. Ngài sẽ không để cho chúng ta phải thiệt thòi bao giờ. Ngài sẽ làm cho chúng ta được sống và sống dồi dào. Do đó, mỗi người hãy an tâm trên hành trình bước theo Chúa. Ngài chỉ nơi cần nơi chúng ta một điều này mà thôi, đó là lòng chân thành và niềm cậy trông phó thác. Còn tất cả những cái khác rồi Ngài sẽ ban cho.
Ước gì ánh sáng lời Chúa hôm nay sẽ soi lòng mở trí chúng ta, để mỗi người có một niềm hy vọng chính xác trên cuộc hành trình bước theo Chúa, và có thể đạt tới hạnh phúc Nước Trời. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: BIẾT VỀ CHÚA
Nơi trang Tin mừng hôm nay, Thánh Marcô trình bày cho chúng ta nhiều phản ứng hay đúng hơn nhiều nhận thức khác nhau về con người Chúa Giêsu. Trước hết là con người từ đám đông các nơi tìm đến với Chúa Giêsu, họ nghe và chứng kiến nhiều phép lạ Người thực hiện. Nhưng trong nhận định của Marcô, đám đông chỉ tìm đến để được ăn no nê, để được chữa trị khỏi các bệnh tật, chứ không phải để hoán cải; đám đông chỉ thấy cái trước mắt là phép lạ, mà không đọc ra được ý nghĩa của phép lạ là dấu chỉ của Nước Trời mà Chúa Giêsu đã loan báo. Nói tắt, đám đông không biết gì về Chúa Giêsu, và đây là lý do tại sao Chúa Giêsu tỏ ra dè dặt đối với đám đông, Ngài thường lẩn tránh họ. Duy chỉ có ma quỷ mới biết Chúa Giêsu là ai, nhưng sự hiểu biết của ma quỷ không đồng nghĩa với yêu mến, mà là hận thù.
Đặt vào đúng văn mạch, thì Tin Mừng hôm nay muốn trình bày cho chúng ta nhiều thứ hiểu biết về Chúa Giêsu : ma quỷ biết Chúa Giêsu, nhưng biết trong thù hận ; đám đông thì tìm đến với Ngài vì mục đích trục lợi ; bà con thân thuộc của Ngài chỉ có về Ngài một sự hiểu biết hời hợt, thiếu chiều sâu ; những người biệt phái thì hoàn toàn mù quáng về con người Chúa Giêsu ; chỉ có nhóm Mười Hai về sau này mới có một hiểu biết chính xác về Ngài. Nhưng đối với Chúa Giêsu, biết ngài không chỉ là một nhận thức của trí tuệ, mà đi vào tương quan mật thiết với Ngài, đi theo Ngài sống theo giáo huấn của Ngài. Đó là lý do tại sao sau khi Phêrô đại diện nhóm Mười Hai tuyên xưng Ngài là Đức Kitô - Con Thiên Chúa hằng sống, Ngài liền loan báo về cuộc Tử nạn của Ngài và mời gọi họ vác lấy Thập giá mỗi ngày và đi theo Ngài. Và đó chính là sự hiểu biết về Ngài mà Chúa Giêsu đang chờ đợi nơi mỗi ky-tô hữu chúng ta. Biết và tuyên xưng trên môi miệng mà thôi chưa đủ, biết Ngài thật sự là sống theo lời Ngài và nên một với Ngài đến độ thốt lên như Thánh Phaolô: “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà chính là Chúa Giêsu Kitô sống trong tôi”. Ước gì tâm tình và xác tín của thánh Phaolô cũng thấm nhập và hướng dẫn chúng ta trong từng phút giây của cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin Chúa giúp mỗi người chúng con luôn biết học hỏi giáo lý và Kinh Thánh để chúng con thêm hiểu biết và yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn. Xin Chúa giúp chúng con cũng biết sống theo những gì Chúa dạy để chúng con nên giống Chúa mỗi ngày một hơn. Amen.
Lm. J.P
SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU GIẢNG DẠY UY QUYỀN
Câu chuyện
Tokichi Ishi-I, một tên giết người không gớm tay, đã hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi. Hắn ta tàn nhẫn hạ sát đàn ông, phụ nữ kể cả trẻ em. Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng hắn cũng bị bắt và bị kết án tử hình.
Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ làm công tác tông đồ thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ cũng không làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với một cặp mắt dữ tợn như một hung thú.
Cuối cùng, mất hết kiên nhẫn hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân ước, với một hy vọng mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động khi tiếng nói con người trở nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. Ishi-I đã đọc và những câu chuyện trong Tân ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc tử nạn của CHÚA GIÊSU. Câu CHÚA GIÊSU cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá: “Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm”, đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó Ishi-I thuật lại: “Ðọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu hay tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin”.
Những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ Ishi-I đi hành quyết ngạc nhiên tột độ. Họ đã không gặp được tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa nhã, lễ độ. Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh (Theo Lẽ Sống, Radio Véritas).
Suy niệm
Đức Kitô giảng dạy uy quyền, Lời Ngài vẫn luôn mang sức mạnh. Dân chúng kinh ngạc lời giảng dạy với giáo lý mới mẻ của Ngài, vì Lời Ngài giảng dạy có uy quyền. Sự uy quyền của Ngài chỉ một lời khiến thần ô uế đã phải vâng lệnh, ra khỏi người mà hắn quấy phá.
Thần ô uế (x. Mc 1,23) cũng như quỷ (x. Mc 1,32; 3,11a.15.22) luôn tượng trưng quyền lực sự dữ, luôn đối địch với Thiên Chúa và là sự chẳng lành với sức khỏe thể xác và tâm linh cho con người. Ðức Giêsu dùng uy quyền và phán một lời ra lệnh cho quỷ phải xuất khỏi nạn nhân bị ám. Lập tức, nó liền lay mạnh người ấy, rồi thét lên một tiếng rùng rợn trước khi xuất khỏi người ấy (x. Mc 1,26). Sự hiện diện của Đức Kitô uy quyền với lời giảng dạy đầy uy quyền, khiến ma quỷ, tà thần phải khuất phục Ngài. Lời đó đã làm cho niềm tin của dân chúng đặt vào Ngài – Đấng giảng dạy đầy uy quyền. Đấng Uy quyền đó là Đấng mà sách Đệ Nhị Luật 18,15-20 đã nói về lời hứa của Thiên Chúa dành cho dân, đó là tất cả niềm hy vọng của họ: Ðấng Thiên Sai cứu thế sẽ đến. Người sẽ là vị tiên tri trổi vượt trên hết mọi tiên tri. Thật thế, Người chính là Ðức Giêsu Kitô đã khiến cho người ta phải kinh ngạc.
Qua mọi thời, Đức Kitô vẫn luôn hiện diện đầy uy quyền, sức mạnh giáo huấn qua lời của Ngài vẫn mang quyền năng, văn sĩ Origene khẳng định rằng: “Nếu sách Thánh là sự thật, Thiên Chúa đã không chỉ nói trong Đại hội của người Do Thái, Ngài còn đang nói trong các Đại hội của chúng ta, trong các cuộc họp mặt của ngày hôm nay. Ngài giảng dạy không chỉ cho chúng ta và cho tất cả những người khác và trên toàn thế giới, những người tìm kiếm tất cả mọi phương tiện để lắng nghe lời của Ngài”.
Ngày hôm nay chúng ta vẫn còn những thần ô uế và sự dữ đang hoành hành trong thế giới, đó là chiến tranh, bệnh hoạn, bất công hiện diện khắp mọi nơi… Vẫn còn thần ô uế trong chính bản thân của mỗi người chúng ta: Đó là những tư tưởng xấu, những sự hận thù, những mưu toan chà đạp anh em, những tính toán gây hại đến người khác… Chúng ta cần chạy đến với Đấng có đầy uy quyền là Đức Giêsu Kitô. Chúng ta đến bên Ngài không chỉ để chiêm ngưỡng, ngạc nhiên và ngưỡng mộ Đấng Quyền năng như dân Do Thái xưa nghe Ngài giảng và thấy uy quyền trên thần ô uế, cũng như đã mở lòng đón nhận Lời quyền uy như Thánh Vịnh 130,5 dạy:
“Mong đợi Chúa, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người”.
Ý lực sống: “Ngài ra tay chặn đứng,
lấy tay uy quyền giải thoát con” (Tv 138,7c).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM: KHIÊM TỐN THẲM SÂU
Tin Mừng hôm nay thánh sử Maccô trình bày sơ lược lại hoạt động công việc của Đức Giêsu và thành quả mà Đức Giêsu thu về là sức thu hút. Quả là tầm ảnh hưởng, sự nổi trội mà dân chúng dành cho Đức Giêsu rất mãnh liệt. Điển hình là một số lượng lớn dân chúng từ nhiều nơi kéo về mà Tin Mừng ghi lại. “Từ miền Giuđê, Giêrusalem, từ xứ Iđumê, vùng bên kia sông Giođan, từ vùng phụ cận 2 thành Tia và Xiđôn người ta lũ lượt kéo đến với Người vì nghe biết những gì Người đã làm” (Mc 3,8).
Thế đó, chúng ta thấy sức lan toả của Đức Giêsu dữ dội thế nào? Và có thể nói rằng trình độ và khả năng ăn nói của Đức Giêsu là rất đỉnh mới có thể thu hút được với một số lượng dân chúng đông đảo như thế. Hơn nữa xét theo khía cạnh về chuyên môn nghề y của Người cũng rất đẳng cấp đấy chứ? Đến nỗi mọi thứ bệnh hoạn cũng được Người chữa lành: “Người chữa lành nhiều bệnh nhân, khiến ai ai có bệnh cũng đổ xô đến để sờ vào Người” (Mc 3,10). Thế đó, tin đồn và sự thật của Người đã được dân chúng tín thác. Đến nỗi họ chỉ mong sờ vào Người là được chữa lành, chứ đừng nói chi là Người trực tiếp dùng tay chữa cho họ.
Thế nhưng Đức Giêsu có mãi hoan hỉ, có mãi bộn bề với những thành công, với danh tiếng và quyền lực của mình chăng? - Không! Thật sự là không. Dù một chút cũng không có: ‘Đức Giêsu đã cấm ngặt các thần ô uế không được tiết lộ Người là ai?’. Dù cho quyền phép của Người còn làm cho các thần quyền thế lực của sự dữ là các thần ô uế phải khiếp sợ, phải tháo lui. Tin Mừng ghi lại: ‘Còn các thần ô uế hễ thấy Đức Giêsu là sấp mình dứi chân Người và kêu lên: “Ông là con Thiên Chúa” (Mc 3,11). Các thần ô uế cũng nhận ra uy quyền của Đức Giêsu và Đức Giêsu cũng có quyền ra lệnh cho chúng câm ngặt không tiết lộ về danh thế của Người cho ai biết cả.
Và thiết nghĩ, trong cương vị của Đức Giêsu lúc này với quyền phép và có sức ảnh hưởng như Người thì Người lấy làm hãnh diện, sung sướng hả hê. Vì Người có lý và có lý vì đó là khả năng là tài sức của Người nên Người có quyền ngẩng cao đầu. Hơn nữa, với lí do chính đáng là Người đang phục vụ cho dân chúng cách quảng đại. Người đã chữa lành cho mọi người bằng chính thực lực và tình yêu thương tận tình dành cho họ. Thế thì Người tự cho mình cái quyền được tung hô, tự cho mình có nhiều “fan” hâm mộ và thậm chí biết đâu như giới trẻ ngày nay, Người xứng đáng cũng sẽ có những : fan cứng, fan cuồng. Quả thật, những điều ấy xứng đáng dành cho Người vì Người là Thiên Chúa là Đấng Tạo thành trời đất, là Đấng cứu độ nhân loại, là Đấng duy nhất đáng được nhân loại và thọ tạo tung hô tán dương, khen ngợi, đáng được tôn kính bái quỳ. Thế mà Đức Giêsu không vin vào điều ấy. Người từ bỏ tất cả, Người khiêm tốn đến thẳm sâu, Người muốn ẩn mình và ẩn danh chỉ để phục vụ xong rồi lui vào cõi riêng tư của mình (x.Mc 6, 30-34). Người thầm lặng phục vụ đều xuất phát từ lòng thương xót
Lạy Chúa Giêsu dấu ái! Chúng con chân nhận rằng chúng con là những thụ tạo bất toàn, tội lỗi và ích kỷ. Thế nhưng chúng con vẫn mong cho bản thân mình được nổi trội, được ca tụng bởi người xung quanh. Đôi lúc chúng con làm bác ái, chúng con hy sinh bé tí mà chúng con mong cho mọi người biết đến lòng nhân ái của chúng con. Đôi lần chúng con giúp đỡ một ai đó thì chúng con muốn “tay trái biết việc tay phải” làm. Nhìn vào gương sống của Chúa, chúng con xấu hổ và ước muốn được Chúa chữa lành hồn xác chúng con, để chúng con ngày một xứng đáng với tình yêu mà Chúa ban tặng cho chúng con. Amen!
Tân Quang
SUY NIỆM: ĐI THEO CHÚA VÌ MỤC ĐÍCH GÌ?
Có nhiều thái độ đi theo Đức Giêsu. Có người đi theo Đức Giêsu chỉ vì hiếu kỳ; có người vì trục lợi; lại có người theo vì hiệu ứng đám đông; nhưng cũng có người theo Đức Giêsu vì lòng mến. Tuy nhiên, con số này chỉ là thiểu số, đếm trên đầu ngón tay. Còn lại đa số họ theo Ngài vì thực dụng.
Hôm nay, Bài Tin Mừng thánh Máccô thuật lại việc Đức Giêsu được đám đông lũ lượt đi theo Ngài, đến nỗi Ngài phải ngồi trên một chiếc thuyền mà giảng dạy.
Họ đến với Ngài vì nghe danh tiếng và việc làm của Ngài khá nhiều. Thấy họ, Đức Giêsu lại một lần nữa chạnh lòng thương và ra tay tế độ cho họ bằng việc chữa lành nhiều thứ bệnh hoạn tật nguyền và xua trừ Ma Quỷ.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy biết chạy đến với Chúa để được Ngài chữa lành bệnh tật thiêng liêng và nhất là kín múc được nguồn ân sủng phong phú từ tình yêu của Ngài. Đồng thời cũng biết chọn Chúa làm lý tưởng, lẽ sống của cuộc đời, chứ không chỉ thực dụng trước mắt mà thôi.
Hơn nữa, ngang qua những hành động của Đức Giêsu, chúng ta cũng được mời gọi chạnh lòng thương đến người anh chị em chúng ta như chính Chúa đã chạnh lòng thương đến ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chọn Chúa làm lý tưởng, lẽ sống và mục đích của cuộc đời. Xin trái tim của Chúa luôn là sự cuốn hút chúng con đến say mê, để chúng con luôn biết rung động trước sự khốn cùng của anh chị em chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP