Thứ sáu tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.
"Chúa Giêsu đến, cầm bánh và cá trao cho họ ăn".
Lời Chúa: Ga 21, 1-14
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: Simon Phêrô, Tôma cũng gọi là Điđymô, Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông". Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào.
Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không". Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được". Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu, liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó". Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây". Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn". Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi: "Ông là ai?" Vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế.
Đây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
SUY NIỆM 1: Chúa đó
Suy niệm :
Bảy môn đệ trở về với nghề xưa,
trở về Biển Hồ quen thuộc đầy ắp kỷ niệm thầy trò.
Dù đã chối Chúa, Phêrô vẫn được coi là thủ lĩnh.
Ông không ra lệnh, nhưng đưa ra lời mời kín đáo:
“Tôi đi đánh cá đây.”
Các bạn khác hiểu ngay và mau mắn đáp lại:
“Chúng tôi cùng đi với anh.”
Có một bầu khí dễ chịu, đầm ấm trong nhóm.
Ðây quả thực là một nhóm bạn lý tưởng.
Họ ở với nhau, làm việc với nhau cả đêm,
và lặng lẽ cùng nhau chia sẻ một thất bại.
Tuy nhiên, họ cũng là những người có tính tình khác nhau.
Người môn đệ được Ðức Giêsu thương mến
thì nhạy cảm hơn, nhận ra Chúa Phục Sinh đứng trên bờ.
Nhưng sau đó, ông cứ điềm nhiên ngồi lại trong thuyền.
Còn Phêrô thì nồng nhiệt hơn, vội vã mặc áo,
nhảy tùm xuống nước bơi vào, vì nóng lòng muốn gặp Chúa.
Hai phản ứng khác nhau nhưng cùng diễn tả một tình yêu.
Có thể coi nhóm môn đệ trên là hình ảnh của Hội Thánh.
Hội Thánh hiệp nhất ngay giữa những khác biệt.
Sự hiệp nhất lại làm nổi bật bản sắc mỗi người.
Ðây không phải là một nhóm bạn khép kín,
nhưng là nhóm bạn được Chúa Phục Sinh sai ra khơi.
Chính sự hiện diện và lệnh truyền của Ngài
là bảo đảm cho thành công của những lần buông lưới.
Hội Thánh là một nhóm nhỏ được sai vào thế giới.
“Không có Thầy anh em chẳng làm gì được.” (Ga 15,5).
Nhưng có Thầy, anh em sẽ được những mẻ cá lớn.
Nhóm bạn được sai đi cũng là nhóm bạn được quy tụ,
được sai đi bởi Chúa và được quy tụ bên Chúa.
Chúa Phục Sinh trở thành người dọn bữa ăn sáng.
Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông.
Cử chỉ này gợi cho ta về những thánh lễ.
Chúng ta thường quên thánh lễ là một bữa ăn.
qua đó Chúa Phục Sinh nuôi ta bằng con người Ngài.
Chúng ta được mời dùng bữa trong niềm hân hoan vui sướng.
Hội Thánh truyền giáo phải được nuôi bằng Thánh Thể.
Hội Thánh vừa lan rộng khắp nơi, vừa tập trung nơi thánh lễ.
Ðó là nhịp thở đều đặn và cần thiết cho Hội Thánh.
Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông và nói: “Anh em đến mà ăn” (c.12).
Chúa phục sinh vẫn đến với chúng ta giữa đời thường,
giữa những vất vả lo âu, giữa những thất bại trống vắng.
Chúa vẫn đứng trên bờ mà ta cứ tưởng người xa lạ.
Ngài vẫn nhẹ nhàng chạm đến nỗi đau của ta: “Các con không có gì ăn ư?”
Ngài vẫn mời ta bắt đầu lại dù mệt nhọc và thất vọng:
“Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền.”
Chúa phục sinh quyền năng vẫn phục vụ như xưa.
Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay bây giờ nhen lửa và nướng cá.
Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly
bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.
Hãy nếm bầu khí huynh đệ của buổi sáng hôm ấy bên bờ hồ.
Các môn đệ ngồi vòng tròn quanh Thầy xưa.
Họ hết mệt, hết đói vì có cá và bánh.
Họ được hong ấm nhờ lửa than hồng, và nhất là nhờ được gần Thầy.
Hôm nay tôi cũng được mời sống cho người khác như Đấng phục sinh.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa Giêsu phục sinh
lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,
xin hãy gọi tên chúng con
như Chúa đã gọi tên
chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.
Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,
xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài
như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.
Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,
xin hãy đến và đứng giữa chúng con
như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.
Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,
xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con
như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.
Lúc chúng con vất vả suốt đêm
mà không được gì,
xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,
như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh,
xin tỏ mình ra
cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,
để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,
và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM 2: Tìm lại được bản thân
Tiền của, quyền bính, danh vọng, không đương nhiên mang lại cho con người hạnh phúc. Một lần nữa thế giới lại học biết chân lý ấy qua kinh nghiệm con người giàu có và danh tiếng nhất nước Mỹ hiện nay, là ông Tonner, nhà tỉ phú sáng lập hệ thống truyền hình CNN. Trong một phỏng vấn mới đây dành cho tạp chí The New York, nhà tỉ phú này cho biết rằng mình thất vọng đến nỗi đã có lúc nghĩ tới việc tự tử. Con người đã từng được xem là một trong những người quyền thế nhất nước Mỹ, nhất là sau khi ông đã tặng hàng tỉ Mỹ kim cho tổ chức Liên Hiệp Quốc, giờ đây tự nhận mình là nạn nhân của một cuộc chiến tranh đủ mọi mặt, từ công việc kinh doanh, đời sống gia đình và ngay cả niềm tin tôn giáo. Thất bại trong đời sống gia đình là điều thê thảm nhất đối với ông. Ông và nữ tài tử Folda đã ly dị nhau sau tám năm chung sống. Lý do chính khiến cho hai người chia tay nhau là vì Folda đã trở thành một tín hữu Kitô. Tonner đã có lần nói rằng Kitô giáo là tôn giáo dành cho những người thua cuộc và gọi Ðức Gioan Phaolô II là một tên ngu ngốc. Với tất cả những gì mình đang có trong tay, ông đã có lý khi gọi các tín hữu Kitô là những người thua cuộc. Nhưng cái nghịch lý lớn nhất của Kitô giáo mà con người giàu có và quyền thế này không thể hiểu được chính là thua để thắng, mất để được, chết để sống. Lẽ ra, trong nỗi thất vọng ê chề khiến ông chỉ còn nghĩ tới một lối thoát duy nhất là tự tử, Tonner phải hiểu được lời nhắn nhủ của Chúa Giêsu: "Chiếm được cả thế gian mà đánh mất chính bản thân, nào được ích gì?"
Chỉ sau khi được Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra, các môn đệ của Ngài mới hiệu được cái nghịch lý vĩ đại ấy của Kitô giáo. Khi Thầy mình bị treo lên thập giá, giấc mộng công hầu khanh tướng của các môn đệ cũng tan thành mây khói. Trong nỗi thất vọng ê chề, họ đã buồn bã quay về với nghề cũ để rồi vất vả thâu đêm mà không bắt được con cá nào. Ðó là hình ảnh của một cuộc sống trống rỗng chán chường mà nhiều người vẫn tiếp tục lao mình vào. Có tất cả trong tay mà vẫn thấy thiếu thốn, hưởng mọi sự mà vẫn không thỏa mãn, được bảo đảm trong mọi sự mà vẫn không có được bình an. Hiện ra với các môn đệ sau khi các ông đã vất vả thâu đêm mà không bắt được con cá nào và cho các ông được mẻ cá lạ lùng, Chúa Giêsu muốn cho các ông thấy rằng không có Ngài, các ông không thể làm được gì và một cuộc sống thiếu vắng Ngài là thiếu tất cả.
Lần đầu tiên những người chài lưới đã bỏ mọi sự mà đi theo Chúa Giêsu, lần này họ không những bỏ mọi sự mà còn bỏ chính bản thân mình. Họ hiểu rằng chỉ khi trút bỏ cuộc sống con người của mình, họ mới thực sự được lấp đầy bởi chính Ðấng là Ðường, là Sự Thật và là Sự Sống. Với Ngài, họ tìm lại được bản thân và có được điều mà không một của cải nào trên trần gian này có thể mua sắm được, đó là sự bình an trong tâm hồn. "Bình an cho các con", đó là điều mà Chúa Kitô Phục Sinh luôn chào chúc cho các môn đệ mỗi lần hiện ra cho các ông.
Ước gì chúng ta cũng biết sẵn sàng trút bỏ mọi sự để cảm nếm được sự bình an đích thực của Ðấng Phục Sinh.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM 3: Đức tin mai sau
Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các mên đệ không nhận ra đó là Đức Giêsu, Người nói với các ông: “Này các chú không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không.” Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. (Ga. 21, 4-6)
Ngày nay, điều gắn bó tôi với Tin mừng chính là thái độ của các môn đệ. Sau khi đã trông thấy Đức Giêsu sống lại, đã tin vào Người, đã cảm nghiệm rõ ràng lạ lùng, các ông không làm gì khác mà chỉ biết trở về quê đi đánh cá. Rõ ràng các ông không biết phải xử thế nào, phải sống ra sao vì các ông thất nghiệp và chỉ biết theo sở thích và thói quen cũ là nghề đánh cá, các ông đi ra khơi.
Mai sau đức tin của chúng ta cũng quy tụ những người như thế đó. Chúng ta sẽ thấy mình có sự thay đổi nồng nhiệt theo chân Đức Kitô, sau một cuộc tĩnh tâm, sau một cao điểm nguyện ngắm hay một cuộc đại lễ lạ lùng, chúng ta thấy mình không biết làm gì, cư xử ra sao. Chúng ta cũng như mấy môn đệ bên bờ hồ nhỏ với ý nghĩ này: “Này bây giờ, chúng ta hãy trở về sống đời thường, dù nó vô ích vô vị”.
Mai sau đức tin của chúng ta gặp nhiều khó khăn, trở ngại vì phải chấp nhận kiểm thảo luôn, không thể hành trang một mình được, cần phải đón nhận một người vô danh nào đó chỉ hướng cho đi hướng nào, làm ở đâu: “Hãy thả lưới bên phải”. Còn cần phải tiếp nhận được nuôi dưỡng, ngồi xuống chia sẻ của ăn, trong Tin mừng hôm nay, những con cá các môn đệ ăn không phải do các ông đánh bắt. Trước khi các ông kéo thuyền vào bờ, cá và bánh đã được nướng rồi.
Đức Giêsu như muốn cho các ông hiểu rằng các tông đồ phải biết nương tựa đến tột đỉnh: Người bảo với các ông đánh cá ở đâu, và Người cho các ông đầy cá, chứ các ông đánh thâu đêm chẳng được gì cả. Cá và bánh đã được Người dọn sẵn rồi.
Mai sau đức tin của chúng ta sẽ có thể dễ thấm nhuần nếu chúng ta không quên điều đã diễn ra trên bờ hồ mà Đức Giêsu đã ra dấu chỉ và chúng ta biết chấp nhận lãnh lấy của nuôi do chính Người đã dọn sẵn cho chúng ta, ước mong chúng ta biết ngồi xuống lãnh nhận ơn Ngài ban.
C.G
SUY NIỆM 4: Chúa Hiện Ra Trên Biển Hồ Tibêria.
Một người da đỏ rời bỏ nơi cư trú ở thôn quê để về thành phố thăm lại người bạn da trắng. Anh nhìn thấy cuộc sống náo nhiệt và xô bồ của thành phố đã tạo cho anh không ít ngạc nhiên và thích thú. Lúc hai người đang dạo chơi trên đường phố, thình lình người da đỏ chợt dừng lại và đập nhẹ vào vai người bạn da trắng và nói nhỏ: "Chúng ta hãy dừng lại tí chút, anh có nghe thấy gì không?" Người da trắng quay lại và mỉm cười nói với bạn: "Tiếng máy nổ, tiếng còi, tiếng gầm của xe buýt, tiếng bước của người qua lại. Còn anh, anh nghe thấy gì?" "Tôi nghe thấy tiếng kêu của một chú dế mèn gần đâu đây đang gáy". Anh bạn da trắng đứng lại, lắng tai và chăm chú nghe kỹ hơn, nhưng rồi lắc đầu đáp: "Tôi nghĩ là anh đang đùa, làm gì mà có dế mèn ở đây. Mà dù cho có đi nữa thì làm sao anh có thể nghe được tiếng nó gáy giữa muôn vàn náo động của thành phố sầm uất nhộn nhịp này". Người da đỏ nghiêm trang trả lời: "Có mà. Tôi nghe tiếng nó gáy chỉ đâu đây thôi". Nói rồi anh bước lại gần bức tường cách đó vài thước, một dây nho dại đang bò trên vách tường, dưới gốc nho là một bụi cỏ và vài chiếc lá khô đủ để cho một chú dế ẩn nấp và đang cất tiếng gáy.
Cuối cùng anh bạn da trắng cũng thấy được con dế. Bấy giờ anh gật đầu thán phục: "Lỗ tai của người da đỏ các anh quả thật là thính hơn bọn da trắng chúng tôi nhiều". Thế nhưng, người da đỏ lắc đầu đáp lại: "Chẳng phải vậy đâu. Tôi sẽ chứng minh cho anh thấy". Ðoạn anh ấy rút trong túi ra một đồng tiền và cho lăn nhẹ trên vệ đường, tiếng va chạm leng keng của đồng tiền cũng thật nhỏ, tưởng chừng như mất hút giữa những tiếng động ồn ào của thành phố. Vậy mà như có một hiệu lệnh, đồng tiền lăn trên đây thì mọi chiếc đầu, mọi cặp mắt đều quay về đó. Lượm đồng tiền lên và cho vào túi, người da đỏ mỉm cười với bạn mình. Vì thế, lỗ tai của người nào cũng nghe rõ như nhau, nhưng có khác chăng là nó chỉ nghe quen với âm thanh và những điều người ta lưu tâm đến.
Anh chị em thân mến!
Thông thường thì khả năng nghe biết của mọi người như nhau và có những giọng nói thật giống nhau. Tuy nhiên, giữa những giọng nói giống nhau đó, có giọng được cất lên, có giọng lại như chìm vào trong thầm lặng.
Thật vậy, trong ba năm theo Thầy trên đường rao giảng Tin Mừng, chắc hẳn các môn đệ đã quá quen thuộc với giọng nói của Thầy mình. Thế mà vì những nhọc nhằn suốt đêm chẳng bắt được một con cá nào, các ông đã không nhận ra Ngài, chỉ có lòng mến sắt son mới cho phép thánh Phêrô nhận ra Thầy mình, và ông đã thốt lên bằng một câu nói thật vắn gọn: "Thầy đó".
Trước đây, chỉ vì lòng mến đã thôi thúc Gioan chạy đến mồ trước, nhưng ông lại đợi Phêrô để cả hai cùng vào để xác nhận việc Thầy mình đã sống lại. Cũng chính do lòng mến mộ mà các ông đã giới thiệu cho các bạn hữu biết việc Chúa Kitô Phục Sinh.
Ðây là điều mà Kitô hữu ở mọi thời đại đều phải bắt chước gương của các tông đồ. Vì đến với Chúa là một điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu có nhiều người khác nữa cùng đến với Ngài.
Lạy Chúa, trong cuộc sống con không dám xin Chúa cất đi những nhọc nhằn, vì đó là thân phận tội lỗi của con người. Con chỉ xin Chúa ban cho con lòng Tin Mến, để giữa những nghịch cảnh cuộc đời, con có thể nhận ra được sự hiện diện của Chúa, tìm được niềm vui và hy vọng trong Chúa. Từ đó, con có thể đem Chúa đến cho người khác, hầu cho họ luôn tin yêu vào sự Phục Sinh vinh quang của Chúa. Amen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)
SUY NIỆM 5: “CHÚA ĐÓ!” (Ga 21,1-14)
Xem lại Chúa nhật III Phục sinh C.
Sau khi nhận tin báo từ Maria Madalêna là các ông sẽ được thấy Đức Giêsu phục sinh tại Galilê (x. Mt 28,10). Tuy nhiên, ngày và giờ thì không biết, nên trong khi chờ đợi, các ông đã tranh thủ đi đánh cá. Tuy nhiên, lần ra quân đầu tiên của các ông đã thất bại.
Thánh sử Gioan trình thuật: họ thức suốt đêm để đánh cá, nhưng tới sáng, họ vẫn trắng tay, không bắt được con cá nào!
Vì thế, họ sửa soạn giặt lưới để đi nghỉ sau một đêm vất vả cực nhọc. Đúng lúc ấy, Đức Giêsu hiện ra và đứng trên bãi biển gọi các ông với những từ rất thân thương, gần gũi: “Này các chú, không có gì ăn ư”. Khi họ đáp không có, Đức Giêsu truyền lệnh cho họ thả lưới bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Kết quả đúng như lời Đức Giêsu nói. Tổng tất cả là 153 con. Ngay lập tức, người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nhận ra Thầy của họ và reo lên: “Chúa đó!”.
Tin Mừng chúng ta vừa nghe, tác giả cho biết đây là lần thứ ba Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ. Tuy nhiên, lần này có những điểm đặc biệt vì ngoài việc củng cố niềm tin, chúng ta thấy có những tình tiết khác:
Thứ nhất, vâng lời Chúa thì sẽ được thành công cách mỹ mãn hơn cả suy tính của con người. Có Chúa mọi chuyện sẽ được êm đẹp. Thuyền đầy cá và lưới không rách chứng minh điều đó.
Thứ hai, qua mẻ cá lạ với 153 con, muốn nói lên các ông sẽ là lưới người như lưới cá và ơn cứu độ phải được loan đi đến với hết mọi người, mọi nơi và mọi thời.
Thứ ba, công cuộc truyền giáo là của mọi người, không riêng rẽ. Vì thế, sự hiệp nhất để cùng nhau thi hành sứ vụ là điều cần thiết. Một mình không thể chu toàn. Lưới đầy cá và phải nhờ các thuyền khác cùng kéo lên cho thấy đặc tính này.
Cuối cùng, yêu mến thì sẽ nhận ra Chúa và đi vào mối tương quan mật thiết với Ngài cách đặc biệt như Gioan.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tin tưởng vào quyền năng của Chúa. Sống tín thác vào Ngài ngay trong những biến cố đau buồn, thất vọng nhất của cuộc đời. Sống tình hiệp nhất, yêu thương và làm chứng cho Chúa trong thời đại chúng ta hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu Phục Sinh, xin ban thêm đức tin cho chúng con. Xin củng cố lòng mến và ban cho chúng con những ơn cần thiết để chúng con chu toàn trách nhiệm Chúa trao phó trong cuộc đời. Amen.
Ngọc Biển SSP
Friday (April 17): “Jesus revealed himself again to the disciples”
Scripture: John 21:1-14 1 After this Jesus revealed himself again to the disciples by the Sea of Tiberias; and he revealed himself in this way. 2 Simon Peter, Thomas called the Twin, Nathanael of Cana in Galilee, the sons of Zebedee, and two others of his disciples were together. 3 Simon Peter said to them, “I am going fishing.” They said to him, “We will go with you.” They went out and got into the boat; but that night they caught nothing. 4 Just as day was breaking, Jesus stood on the beach; yet the disciples did not know that it was Jesus. 5 Jesus said to them, “Children, have you any fish?” They answered him, “No.” 6 He said to them, “Cast the net on the right side of the boat, and you will find some.” So they cast it, and now they were not able to haul it in, for the quantity of fish. 7 That disciple whom Jesus loved said to Peter, “It is the Lord!” When Simon Peter heard that it was the Lord, he put on his clothes, for he was stripped for work, and sprang into the sea. 8 But the other disciples came in the boat, dragging the net full of fish, for they were not far from the land, but about a hundred yards off. 9 When they got out on land, they saw a charcoal fire there, with fish lying on it, and bread. 10 Jesus said to them, “Bring some of the fish that you have just caught.” 11 So Simon Peter went aboard and hauled the net ashore, full of large fish, a hundred and fifty-three of them; and although there were so many, the net was not torn. 12 Jesus said to them, “Come and have breakfast.” Now none of the disciples dared ask him, “Who are you?” They knew it was the Lord. 13 Jesus came and took the bread and gave it to them, and so with the fish. 14 This was now the third time that Jesus was revealed to the disciples after he was raised from the dead. |
Thứ Sáu 17-4 Đức Giêsu mặc khải về mình một lần nữa cho các môn đệ
Ga 21,1-14 1 Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này.2 Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau.3 Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông: “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp: “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.4 Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su.5 Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư? ” Các ông trả lời: “Thưa không.”6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.7 Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô: “Chúa đó! ” Vừa nghe nói “Chúa đó! “, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.9 Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa.10 Đức Giê-su bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây! “11 Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách.12 Đức Giê-su nói: “Anh em đến mà ăn! ” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai? “, vì các ông biết rằng đó là Chúa.13 Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy.14 Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết. |
Meditation:
Why didn’t the apostles immediately recognize the Lord when he greeted them at the Sea of Tiberias? John gives us a clue. He states that Peter had decided to return to his home district of Galilee, very likely so he could resume his fishing career. Peter was discouraged and didn’t know what to do after the tragedy of Jesus’ death! He went back to his previous career out of despair and uncertainty. The other apostles followed him back to Galilee. The gift of faith opens our eyes to recognize the risen Lord Jesus in our midst When was the last time Peter was commanded to let down his net after a futile night of fishing? It was at the beginning of Jesus’ ministry in Galilee when the Lord dramatically approached Peter in his fishing boat after a futile night of fishing and commanded him to lower his nets (see Luke 5:4-11). After the miraculous catch, Jesus told Peter that he would be ‘catching people” for the kingdom of God. Now Jesus repeats the same miracle. John, the beloved disciple, is the first to recognize the Lord. Peter impulsively leaps from the boat and runs to the Lord. Do you run to the Lord when you meet setbacks, disappointments, or trials? The Lord is ever ready to renew us in faith and to give us fresh hope in his promises. Skeptics who disbelieve the resurrection say the disciples only saw a vision of Jesus. The Gospel accounts, however, give us a vivid picture of the reality of the resurrection. Jesus went out of his way to offer his disciples various proofs of his resurrection – that he is real and true flesh, not just a spirit or ghost. In his third appearance to the apostles, after Jesus performed the miraculous catch of fish, he prepared a breakfast and ate with them. John’s prompt recognition of the Master – It is the Lord! and Peter’s immediate response to run to the Lord – stands in sharp contrast to Peter’s previous denial of his Master during the night of Jesus’ arrest. The Lord Jesus reveals himself to each of us as we open our hearts to hear his word. Do you recognize the Lord’s presence in your life and do you accept his word with faith and trust?
“Lord Jesus, you are the Resurrection and the Life. Increase my faith in the power of your resurrection and in the truth that you are truly alive! May I never doubt your life-giving word nor stray from your presence.” |
Suy niệm:
Tại sao các Tông đồ đã không lập tức nhận ra Chúa khi Người chào đón họ ở bờ biển Tibêria? Gioan cho chúng ta câu trả lời. Gioan kể rằng Phêrô quyết định trở về nhà ở Galilê, dường như ông muốn trở lại nghề đánh cá của mình. Phêrô chán nản và không biết làm gì sau thảm kịch cái chết của Ðức Giêsu! Ông quay lại nghề cũ trước kia vì thất bại và băn khoăn. Các môn đệ khác cũng theo ông trở về Galilê.
Ân huệ đức tin mở mắt chúng ta để nhận ra Chúa Giêsu sống lại giữa chúng ta Khi nào là lần cuối cùng Phêrô được lệnh thả lưới sau một đêm vất vả vô ích? Đó là lúc khởi đầu sứ mệnh của Ðức Giêsu ở Galilê khi Người đột ngột đến gần Phêrô trong thuyền đánh cá của ông, sau một đêm đánh cá vô ích và ra lệnh cho ông thả lưới (Lc 5,4-11). Sau mẻ cá lạ lùng, Ðức Giêsu nói với Phêrô rằng ông sẽ trở thành người “bắt người ta” cho vương quốc của Thiên Chúa. Giờ đây, Ðức Giêsu lập lại cùng phép lạ đó. Gioan, người môn đệ được yêu mến, là người đầu tiên nhận ra Chúa. Phêrô lập tức nhảy khỏi thuyền và đến với Chúa. Bạn có chạy đến với Chúa khi bạn gặp những khó khăn, thất bại, hay thử thách không? Chúa luôn sẵn sàng canh tân chúng ta trong đức tin và ban cho chúng ta niềm hy vọng mới vào những lời hứa của Người. Những người hoài nghi không tin vào sự sống lại nói với các môn đệ chỉ nhìn thấy hình bóng của Ðức Giêsu. Tuy nhiên, các Tin mừng cho chúng ta một bức hình sống động về thực tại của sự sống lại. Ðức Giêsu đã đích thân đến để cho các môn đệ những bằng chứng khác nhau về sự sống lại của Người – rằng Người có thân xác thực sự, không phải là hình bóng hay ma quái. Trong lần hiện ra thứ ba của Người với các tông đồ, sau khi Ðức Giêsu làm phép lạ bắt được nhiều cá, Người đã chuẩn bị bữa sáng và ăn với họ. Sự nhận ra nhanh chóng của Phêrô về Thầy và thốt lên “Chính là Chúa!” đối nghịch với sự chối bỏ Thầy mình trước đó, trong tối hôm Người bị bắt. Chúa Giêsu mặc khải chính mình cho mỗi người chúng ta khi chúng ta mở lòng đón nhận Lời Người. Bạn có nhận ra sự hiện diện của Chúa trong đời mình và bạn có đón nhận Lời Người với lòng tin không? Lạy Chúa Giêsu, Chúa là sự Sống lại và là Sự sống. Xin gia tăng niềm tin của con vào sức mạnh của sự sống lại của Chúa và vào chân lý Chúa thật sự đang sống! Chớ gì con không bao giờ nghi ngờ Lời ban sự sống của Chúa và cũng không lạc xa sự hiện diện của Chúa. |
Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ
SUY NIỆM
Phần 1. “Anh em hãy đến và ăn” (c. 1-14)
A“Không bắt được gì cả” (c. 1-3)
B. Lời Chúa và mẻ cá lạ: “Chúa Đó” (c. 4-8)
A’. “Anh em hãy đến mà ăn” (c. 9-14)
Phần 2. Tình yêu và sứ mạng:
“Hãy theo Thầy” (c. 15-19)
A. Ơn huệ lương thực (c. 15a)
B. Tình yêu và sứ mạng (c. 15b-17)
A’. Tôn vinh Thiên Chúa – “Hãy theo Thầy”
Tình yêu của thánh Phê-rô dựa trên tình yêu và lòng thương xót của chính Đức Ki-tô: bữa ăn trên bãi biển: “Anh em hãy đến mà ăn”, nhắc nhớ bữa ăn hàng ngày: “Người ban cho tất cả chúng sinh. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 25), Chúa ban từ thuở tạo thiên lập địa và suốt dòng lịch sử, và nhất là bữa ăn Thánh thể, và hướng tới bữa ăn Nước Trời.
Sứ mạng được Chúa trao dựa trên tình yêu dành cho Chúa; và chúng ta sống và thi hành sứ mạng là để diễn tả tình yêu dành cho Chúa, với tư cách là tôi tớ, nữ tỳ.
Và để sống “tình yêu và sứ mạng” và để “tôn vinh Thiên Chúa”, chúng ta được Chúa mời gọi “HÃY THEO THẦY!”
Phần I
“Anh em hãy đến mà ăn”
Cuộc Thương Khó diễn ra ở Giêrusalem, nhưng Đức Giêsu Phục Sinh lại chọn Biển Hồ làm nơi hẹn cho cuộc gặp lần cuối này (c. 1). Biển Hồ với biết bao kỉ niệm vui buồn trong tương quan với nhau, với Thầy Giêsu và với nhiều người khác nữa trong sứ vụ. Bao kỉ niệm chợt về, thật sống động và cũng thật xúc động. Nhưng, các môn đệ được mời gọi sống lại những kỉ niệm này với Ánh Sáng mới, Ánh Sáng của Đấng Phục Sinh; với một sự Hiện Diện mới, Hiện Diện vượt không gian và thời gian; và với một tương quan mới, tương quan mến thương vượt qua sự có mặt hữu hình. Để hướng về tương lai và đảm nhận tương lai, Chúa cũng mời gọi chúng ta nhớ lại và sống lại “kỉ niệm” như thế đấy, những kỉ niệm trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi, trong những kì tĩnh tâm và những thời gian đặc biệt.
Chúng ta hãy dừng lại nhìn ngắm từng khuôn mặt: Simôn Phêrô, Tôma, Nathanael… (c. 2). Các ông có cả một cuộc hành trình chung với nhau, nhưng mỗi người đến từ những “vùng quê” khác nhau, gia nhập nhóm theo những cách thức khác nhau và với những hoài bão khác nhau, mỗi người gặp những thách đố khác nhau… Và cũng khó khăn cho nhau nữa.
“Tất cả đang ở với nhau”, trao đổi rất ít. Chúng ta chỉ nghe được tiếng gió, tiếng sóng thôi. Nhưng tâm tình và tâm tư thật nhiều, thật nhiều như chính nhóm hay cộng đoàn của chúng ta lúc này đây. Chúng ta có thể nhìn lại mình và nhìn ngắm nhau; và nhất là lắng nghe sự thinh lặng.
1. “Không bắt được gì cả” (c. 1-3)
Các tông đồ rủ nhau đi đánh cá, đúng hơn là mọi người tình nguyện làm theo ông Phêrô: “chúng tôi cùng đi với anh”. Chúa Giê-su từng liên kết, khi gọi Phê-rô, việc đánh cá với việc làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Ngài (Lc 5, 10). Vì thế, hình ảnh này đã loan báo cho chúng ta cuộc sống và sứ vụ của Giáo Hội sẽ được khai sinh từ sức sống của Đức Ki-tô phục sinh. Những gì diễn ra sau đó, Tin Mừng thuật lại chỉ với nửa câu: “Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì ca” (c. 3b). Nhưng thời gian của kinh nghiệm này là suốt đêm, “suốt đêm thâu”.
Chúng ta có thể dành thời giờ để chiêm ngắm (nhìn và nghe) những gì diễn ra trên con thuyền nhỏ bé suốt đêm thâu. Đã có lúc, hoặc đã có cả một giai đoạn, mỗi người chúng ta, cả nhóm chúng ta, cả Cộng Đoàn chúng ta hành động như thế đấy, sống như thế đấy: tự mình dự tính, tự mình làm lụng, tự mình loay hoay mà không cần có Thầy. Đức Giêsu đã từng nói: “không có Thầy, chúng con chẳng làm gì được”. Dĩ nhiên, Chúa không muốn nói chuyện “đánh cá”, nhưng nói đến sứ vụ làm sinh hoa kết qua cho vinh danh Chúa Cha. Xét cho cùng, không có Thầy chúng ta cũng làm được điều gì đó; nhưng rất tiếc đó không phải là “điều gì đó” cho “Nước của Thiên Chúa”, không phải cho “Sự Sống” mà Đức Giêsu muốn làm cho lan tỏa giữa chúng ta, giữa loài người chúng ta, không phải cho “Ngọn Lửa” mà Đức Giêsu muốn thổi bùng lên, không phải là tình thương mà Chúa ước ao làm lan tỏa giữa chúng ta.
Kinh nghiệm này vẫn có thể lập lại. Nhưng điều quan trọng là chúng ta đừng bao giờ quên có “Ai Đó” đứng ở “trên bờ” chờ đợi chúng ta không biết từ khi nào.
2. Lời Chúa và mẻ cá lạ: “Chúa Đó” (c. 4-8)
Trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển. Chúng ta có thể dừng lại chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này: Một Dáng Hình hài hòa vào trong Ánh Sáng. Ngài ở đó từ bao giờ? Trong cuộc sống của chúng ta, luôn có Ai đó hiện diện, dù đó là đêm đen, hay vào những lúc chúng ta thấy mình cô độc, không nhận ra có “Ai Đó” bên mình. Chúa chính là “Ai Đó” vẫn luôn hiện diện với lòng trìu mến và thương cảm.
Như trong tất cả các trình thuật về hiện ra, chẳng hạn trình thuật về Maria Magdala và trình thuật Emmau, Đấng Phục Sinh cho nhận ra, thì người ta mới nhận ra. Ở đây, Đấng Phục Sinh cho các môn đệ đang mệt mỏi và thất vọng nhận ra Ngài bằng cách lên tiếng. Chúa cũng lên tiếng với chúng ta hằng ngày đấy thôi. Câu hỏi của Chúa là một câu hỏi thương cảm: “Này các chú, không có gì ăn ư?”
Khi làm theo Lời của Chúa, thì sẽ đạt được kết quả “viên mãn” như thế đó: “lưới đầy những cá”. Chính kết quả viên mãn này làm cho “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến” nhận ra Chúa: “Chúa đó!” Nhưng còn có một kinh nghiệm thiết thân hơn làm cho môn đệ này nhận ra Đấng Phục Sinh. “Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến”, chúng ta thường hiểu đó là môn đệ Gioan, chắc là đúng; nhưng môn đệ Gioan lại thích xưng mình như thế. Điều này có nghĩa là ai trong chúng ta cũng được mời gọi nhận ra mình là”Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến”, dù chúng ta có như thế nào. Chính kinh nghiệm “được thương mến” làm Gioan tin Thầy mình đã sống lại, và bây giờ kinh nghiệm này làm cho Gioan nhận ra “Chúa đó”, vẫn luôn hiện diện hướng dẫn mình, hướng dẫn nhóm của mình. Xin cho chúng ta có được sự nhạy bén thiêng liêng như “người môn đệ được Chúa thương mến”, để qua mỗi ngày sống, chúng ta có thể nói: “Chúa đó”.
Hình ảnh của tông đồ Phêrô cũng rất tuyệt vời và thật đúng với cá tính của ông: biết được đó là Chúa, thì bỏ hết, cả thuyền, cả cá, rồi nhảy ùm xuống biển đầy hiểm nguy để đến gặp gỡ Thầy. Điều này làm chúng ta nhớ lại biết bao điều về ông; tí nữa, sau bữa ăn, Chúa còn nhắc khéo thêm một vài chuyện! Theo Chúa là như thế, mình vẫn là mình, chỉ cần mến Chúa thôi.
3. “Các con đến mà ăn” (c. 9-14)
Chúng ta hãy hiện diện thật cụ thể trong bữa ăn sáng rất “thơ mộng” ngay ở bãi biển này, bữa ăn của Chúa, nhưng có phần đóng góp của các môn đệ: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” Nhưng phần đóng góp của các ông cũng vẫn là ân huệ. Chúng ta có thể “áp dụng ngũ quan”:
Một bữa ăn như thế, Chúa vẫn ban cho chúng ta hằng ngày; nhưng chúng ta dường như chưa chịu nhìn, nghe, ngửi, đụng và thưởng thức với tất cả con người của chúng ta; chúng ta chưa nhận ra sự hiện diện của Chúa bằng ngũ quan của mình trong các bữa ăn: trong bữa tiệc Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa; trong những bữa ăn hằng ngày và nhất là trong những bữa ăn đặc biệt. Nếu chúng ta nhận ra Chúa hiện diện giữa chúng ta, bầu khí nhóm và cộng đoàn của chúng ta cũng sẽ ấm cúng như thế. Những bữa ăn như thế cứ lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng năm, để làm cho chúng ta hy vọng một Bữa Ăn ở đó chúng ta quây quần bên Chúa và bên nhau mãi mãi và trong niềm vui khôn tả.
Phần II
Tình yêu và sứ mạng
HÃY THEO THÂY
(c. 15-19)
Trước khi, tường thuật cuộc đối thoại “riêng tư” (x. Ga 21, 20) về tình yêu và sứ mạng của Đức Giê-su và ông Phê-rô, thánh sử Gioan cẩn thận nhắc lại ơn huệ bữa ăn trên bãi biển:
Khi các môn đệ ăn xong. (c. 15a)
Bữa ăn trên bãi biển nhắc nhớ bữa ăn hàng ngày của Đức Giê-su và các môn đệ: “Người ban cho tất cả chúng sinh. Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 25). “Bánh Hằng Ngày”, Chúa ban từ thuở tạo thiên lập địa và trong suốt dòng lịch sử. Cách đặc biệt, “Ơn Huệ Bánh” nhắc nhớ tình yêu đến cùng” của Đức Ki-tô Thánh Thể và Chịu Đóng Đinh.
Như thế, Tình yêu của thánh Phê-rô dành cho Đức Giê-su chịu đóng đinh và phục sinh, dựa trên tình yêu và lòng thương xót của chính Người.
2. Tình yêu và sứ mạng (c. 15b-17)
a. Tình yêu
Dùng bữa xong, Đức Ki-tô phục sinh muốn “tâm sự” với ông Phê-rô. Ngài gọi ông bằng tên “cúng cơm”, có gốc có nguồn rõ ràng: “Simon, con ông Gioan”. Cách gọi này đã diễn tả lòng bao dung của Chúa rồi: Ngài đón nhận con người của ông cách trọn vẹn và tận gốc rễ, cho dù ông đã trải qua những thăng trầm hay những lỗi lầm nào.
Có thể hai người đã tách riêng ra khỏi nhóm để tâm sự, vì sau đó, theo lời kể của thánh sử Gioan: “Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau”. Và có thể, hai người đã tâm sự với nhau một lúc, Đức Ki-tô mới đặt những câu hỏi liên quan đến tình yêu của ông dành cho Ngài.
Ai cũng hiểu, ba lần hỏi của Chúa ứng với ba lần chối Thầy của Phêrô. Điều này quả thực đã đụng đến “vết thương lòng”, nên nghe hỏi lần thứ ba về cùng một điều, ông Phêrô “buồn” (c. 17). Đức Giêsu còn “thâm” hơn khi kín đáo nhắc lại một chuyện khác, một thứ “bệnh” khác không kém nghiêm trọng của Phêrô trong câu hỏi đầu tiên: “Này anh Simon, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông Phêrô đã từng so sánh lòng gắn bó của mình đối với Đức Giêsu hơn những anh em khác: “dù mọi người sa ngã vì Thầy, con sẽ không sa ngã!”
Ông Phêrô đã hiểu “thâm ý“ của Thầy, nên trong câu trả lời, ông không còn dám so sánh tình yêu của mình với tình yêu của các anh em khác: “Thưa Thầy vâng, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Không chỉ là tình yêu đậm đà lúc này, nhưng quá khứ thăng trầm của tình yêu này và tương lai đầy bất trắc của tình yêu này (truyền thuyết Quo vadis).
Tại sao Chúa lại khơi ra “vết thương” quá khứ làm đau lòng ông Phêrô, đúng vào lúc nên quên đi tất cả, xí xóa tất cả để hướng về tương lai? Bởi vì tình yêu của chúng ta đối với Chúa phải khởi đi từ chính những gì chúng ta là trong sự thật. Gợi lại quá khứ, gợi lại những gì chúng ta đã là, thật là đau lòng, nhưng đó lại là “liều thuốc đắng” có khả năng chữa lành chúng ta. Bởi vì tình yêu của chúng ta có với Chúa, việc chúng ta được gọi theo Chúa, việc chúng ta được trao sứ mạng, là hoàn toàn dựa vào lòng thương xót của Chúa, vào tình yêu nhưng không và bao dung của Chúa.
Giáo Hội được xây dựng trên đá tảng Phêrô, nhưng tảng đá Phêrô lại dựa trên lòng thương xót. Điều này cũng hoàn toàn đúng cho chúng ta, các linh mục và tu sĩ nam nữ của Giáo Hội. Quên điều này, chúng ta sẽ không thể chu toàn được sứ mạng, hay ít nhất là không thể chu toàn theo cách mà Đức Giêsu ước mong.
Chúa hỏi riêng mỗi người chúng ta: “con có mến Thầy không?” Ai cần bao nhiều lần, Chúa cũng sẽ hỏi chừng ấy lần! Sau mỗi lần tuyên xưng lòng mến – Ở đây, Chúa cần tuyên xưng lòng mến hơn là “tuyên xưng đức tin” ở bình diện kiến thức – Chúa mới trao sứ mạng, mỗi người một sứ mạng. Bởi vì chúng ta chỉ có thể lãnh nhận và đảm nhận sứ mạng của Chúa bằng tình yêu chúng ta dành cho Chúa mà thôi, một tình yêu đã trải qua bao thăng trầm, một tình yêu chỉ biết cậy vào lòng thương xót của Chúa, như tình yêu của thánh Phê-rô.
Trong câu hỏi của Đức Giêsu, Người dùng cả hai động từ “mến” (agapas) và “yêu mến” (phileis). Qua đó, chúng ta có thể hiểu rằng, tình yêu người môn đệ dành cho Chúa phải là một tình yêu trọn vẹn, một tình yêu xuất phát từ tình yêu của chính Thiên Chúa, được bày tỏ ra cách viên mãn nơi Đức Ki-tô, một tình yêu vượt trên mọi tình yêu, không phải để loại trừ nhưng mang lại ý nghĩa, định hướng và làm cho viên mãn mọi tình yêu.
b. Sứ mạng
Sứ mạng: chăm sóc chiên con của Thầy; chăn dắt chiên của Thầy (sát nghĩa: hãy là mục tử cho chiên của Chúa); và chăm sóc chiên của Thầy. Chúa chú ý trước tiên đến “chiên con”; trong thực tế chiên con là những ai, thành phần nào, trong hoàn cảnh nào? Những ai là “chiên con” mà chúng ta được Chúa giao phó để chăn dắt? Chúng ta có thể dừng lại để đi vào ý nghĩa của hai động từ: chăm sóc, hãy là mục tử. Cách tốt nhất là chiêm ngắm Chúa, cách Chúa đã chăm sóc ta, là mục tử của ta.
Đoàn chiên, chiên con và chiên lớn, là của Chúa; chứ không phải của mình. Chúng ta nữ tì là tôi tớ thôi. Vì thế, để chu toàn không gì có thể thay thế được tương quan thiết thân với Chúa, tình yêu đối với Chúa. Và lòng mến Chúa đến từ hành trình dài và khó như thế, lòng mến đầy bất ổn, lòng mến chỉ dựa vào lòng thương xót và tin tưởng nhưng không của Chúa.
3. “Hãy theo Thầy” (c. 18-19)
Sau ba lần đặt câu hỏi về lòng mến đối với Người, Đức Giê-su nói về số phận của thánh Phê-rô:
Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tùy ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn. (c. 18)
Và thánh sử Gioan giải thích lời này của Đức Ki-tô: “Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa.” Như thế, Chúa biết hết về những gì ông Phê-rô sẽ trải qua, và đến lượt chúng ta, chúng ta cũng sẽ trải qua.
Chúa biết, đơn giản là vì Chúa đã trải qua tất cả, đã mang lấy tất cả, vác lấy tất cả để tôn vinh Thiên Chúa, để làm cho con người nhận ra rằng Thiên Chúa là Tình Yêu và chỉ là Tình Yêu mà thôi. Và điều Ngài muốn mời gọi ông Phê-rô, và mỗi người chúng ta bây giờ là:
“Hãy theo Thầy !” (c. 19)
Chúng ta được mời gọi theo Chúa trong tình yêu tín thác, vì Chúa biết mọi sự (tình yêu và cuộc đời sẽ đến của chúng ta), và Chúa cũng đã trải qua mọi sự, để có thể yêu thương và bao dung chúng ta.
Mùa Phục Sinh 2020
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn