THỨ SÁU TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN

Thứ năm - 07/11/2024 04:08
THỨ SÁU TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN
Lc 16,1-8

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
1 Đức Giê-su còn nói với các môn đệ rằng: “Một nhà phú hộ kia có một người quản gia. Người ta tố cáo với ông là anh này đã phung phí của cải nhà ông. 2 Ông mới gọi anh ta đến mà bảo: ‘Tôi nghe người ta nói gì về anh đó ? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!’ 3 Người quản gia liền nghĩ bụng: ‘Mình sẽ làm gì đây ? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. 4 Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!’
5 “Anh ta liền cho gọi từng con nợ của chủ đến, và hỏi người thứ nhất: ‘Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy ?’ 6 Người ấy đáp: ‘Một trăm thùng dầu ô-liu.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.’ 7 Rồi anh ta hỏi người khác: ‘Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy ?’ Người ấy đáp: ‘Một ngàn giạ lúa.’ Anh ta bảo: ‘Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.’
8 “Và ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo. Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại.

SUY NIỆM: TỈNH THỨC THEO TIN MỪNG
Chúng ta đang sống trong những ngày của thánh Mười Một, tháng vừa dành riêng để cầu nguyện cho các linh hồn, vừa là dịp để chúng ta suy gẫm về mầu nhiệm cái chết, trong đời sống đức tin của người kitô hữu chúng ta.
Làm người ai cũng phải chết. Đó là chân lý bất di bất dịch. Ai cũng biết. Thế nhưng chết lúc nào? Điều đó vẫn còn là một dấu chấm hỏi đối lớn với nhân loại mọi thời. Có người vì không biết mình sẽ chết lúc nào nên tranh thủ ăn chơi hưởng thụ, kẻo sợ phí cả cuộc đời. Người khác thì tranh thủ thu góp thật nhiều thứ. Có người thấy mình còn trẻ nên cứ từ từ, chẳng có gì phải nóng vội. Người đời thường quan niệm như thế!
Là những kitô hữu, anh chị em quan niệm như thế nào trước sự bất ngờ của cái chết? Còn đối với Chúa Giêsu, vì chúng ta không biết là ngày nào giờ nào Con Người sẽ đến, nên Ngài mời gọi “hãy tỉnh thức và sẵn sàng, vì lúc anh em không ngờ thì Con Người sẽ đến”.
Tuy nhiên, tỉnh thức theo Tin mừng không phải để tích lũy và thu góp, nhưng là để hy vọng và phó thác. Chúa Giêsu từng khuyên chúng ta rằng: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu." (Lc 12,15). Đối với Chúa Giêsu, thật là một sự dại dột cho những ai cứ xây cho thật nhiều kho lẫm để tích trữ, vì nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai?” (Lc 12,20).
Tỉnh thức theo Tin mừng cũng không phải để tranh thủ hưởng thụ, nhưng là để khỏi sa chước cám dỗ. Bài đọc 1 cho biết, Thánh Phaolô đã từng phải rơi lệ với các tín hữu ở Philipphê, vì họ chỉ biết lo cho cái bụng, chỉ lo hưởng thụ thân xác, mà không lo tỉnh thức trước những mưu mô chước quỷ của ba thù.
Thánh Phêrô nhấn mạnh với chúng ta rằng: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé”. (1Pr 5,8). Hơn ai hết, có lẽ ít là một lần mỗi người cũng từng có kinh nghiệm về sự yếu đuối của bản thân mình trước những cám dỗ. Tỉnh thức trước ma quỷ vẫn luôn là một cuộc chiến đấu cam go của người tín hữu. Do đó, mỗi người cần phải “mặc áo giáp là đức tin và đức mến, đội mũ chiến là niềm hy vọng vào ơn cứu độ” (1Tx 5,8) để chiến đấu.
Tỉnh thức theo Tin mừng càng không phải là để tính toán, chạy chọt, lươn lẹo, lấy bên này đắp bên kia theo cái khôn ngoan của người đời, như hình ảnh của người quản lý bất lương trong bài Tin mừng hôm nay, vì mục đích không thể biện minh cho việc mình làm; nhưng tỉnh thức là để cầu nguyện, để tích lũy các nhân đức. Chúa Giêsu mời gọi: “Anh em hãy canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.” (Mc 14,38). Còn Thánh Phaolô khích lệ chúng ta như sau: “Những ai bền chí làm việc thiện mà tìm vinh quang, danh dự và phúc trường sinh bất tử, thì Thiên Chúa sẽ cho họ được sống đời đời” (Rm 2,7).
Tóm lại, đứng trước sự bất ngờ của cái chết, người kitô hữu được mời gọi đừng tích lũy thu góp, đừng tính toán hơn thua, cũng đừng tranh đua hưởng thụ; nhưng hãy luôn tỉnh thức để hy vọng, tỉnh thức để khỏi sa chước cám dỗ, tỉnh thức để cầu nguyện và làm những việc lành.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta vừa cầu nguyện cho các linh hồn nơi luyện ngục sớm được hưởng nhan thánh Chúa, vừa cầu nguyện cho mỗi chúng ta, có những chọn lựa và cách sống phù hợp với lời mời gọi của Tin mừng, để mỗi người luôn sống trong tinh thần tỉnh thức và sẵn sàng. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: PHẢI LO TÌM HẠNH PHÚC ĐỜI SAU
1. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại dụ ngôn người quản lý bất lương để trình bày bài học phải biết khôn ngoan sử dụng tiền của đời này để mưu ích cho phần rỗi đời đời. Thật thế, con người ngày nay rất khôn khéo khi tính toán để tìm hạnh phúc đời này. Nhưng sự khôn ngoan đích thực thì ít có ai tìm được, hay cố gắng đi tìm. Cũng như người quản lý trong Tin Mừng hôm nay, ông đã dùng sự khôn khéo gian manh để tìm hạnh phúc cho đời sống của ông. Qua đó, Đức Giê-su muốn dạy chúng ta phải biết dùng sự khôn ngoan của mình để sử dụng gia tài Chúa ban: sức khỏe, thời gian, tiền của… mà tìm lấy cho mình hạnh phúc vĩnh cửu.
2. Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nên lưu ý: Đức Giê-su không khen việc lỗi đức công bằng này, vì việc làm này là gian lận của chủ, đây là cái lỗi. Tuy nhiên, Chúa khen anh vì biết tận dụng tất cả những khả năng và điều kiện, địa vị sẵn có, để có lợi cho về sau của mình. Anh khôn khéo vì biết tận dụng những ngày cuối cùng còn lại trong nhiệm vụ, để lấy lòng người khác, để tạo một ảnh hưởng và chỗ dựa sau này, biết tận dụng thời gian và những điều kiện có sẵn để lo cho số phận tương lai của mình. Dụ ngôn chỉ dừng lại với ý nghĩa là, tất cả những gì chúng ta có là do Chúa ban và là của Chúa, điều quan trọng là chúng ta biết dùng những ân huệ Chúa ban để giúp đỡ tha nhân, và chính điều này sinh lợi cho chúng ta khi chúng ta không còn được quản lý thân xác và những ân huệ đó nữa.
3. Mặc dầu người quản lý trong dụ ngôn này không tốt lắm, nhưng Đức Giê-su đã rất khéo lấy hình ảnh người quản lý đang nắm trong tay, chúng ta chỉ là người quản lý thôi, còn chính Chúa mới là chủ. Đã là quản lý thì phải sử dụng của cải của chủ theo đúng ý chủ chứ không phải theo ý riêng mình. Rất nhiều người tưởng lầm mình là chủ của những tiền bạc trong túi mình nên họ đã sử dụng chúng không theo ý của Chúa. Hãy biết noi gương người quản lý này về việc sử dụng tiền của một cách khôn khéo, bằng cách cho đi của cải hiện tại để đổi lấy sự bảo đảm cho tương lai.
4. Mọi sự trần thế không theo chúng ta về đời sau! Chính vì thế, Đức Giê-su dạy chúng ta một điều vô cùng khôn ngoan, là hãy “dùng tiền bạc và những giá trị trần thế để mua lấy bạn hữu để sau này họ sẽ đưa chúng ta về nơi an nghỉ đời đời”.
Kho Tàng Nước Trời của mỗi người chúng ta tùy thuộc việc chúng ta sử dụng kho tàng trần thế của mỗi người chúng ta như thế nào. Khi chúng ta tiêu xài cho riêng mình thì Kho Tàng Nước Trời của chúng ta trống rỗng! Trái lại, khi chúng ta cho đi, cho những người bất hạnh, tàn tật, khổ đau là Kho Tàng Nước Trời của chúng ta tăng gấp bội! Tất cả mọi người đều là những người thủ quỹ của Thiên Chúa! Mọi khả năng, sức khỏe, thời giờ, địa vị… tất cả đều của Chúa trao ban, chúng ta hãy trở thành người quản lý tốt, để đời sống chúng ta đem lại vinh quang.
5. Qua câu chuyện trên đây, Đức Giê-su muốn nói với chúng ta rằng nếu người đời có sự khôn ngoan và mánh khóe, thì các môn đệ cũng phải có sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy trước hết phải được thể hiện qua chính mục đích họ theo đuổi trong cuộc sống. Đâu là mục đích và lẽ sống của người Ki-tô hữu? Nếu mục đích của cuộc sống chỉ là tiền của, quyền bính, danh vọng, lạc thú và những gì sẽ qua đi, thì điều đó có đáng cho con người đầu tư cả cuộc đời không?
Với người môn đệ Chúa Ki-tô, sự khôn ngoan ấy cũng được tỏ lộ qua thái độ của họ đối với của cải trần thế. Họ là những người khôn ngoan thực sự, khi họ luôn ý thức rằng của cải trần thế này không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện để đạt tới cùng đích. Sống như thế nào để của cải trần thế không trở thành một chủ nhân sai khiến và biến mình thành nô lệ. Sống như thế nào để xuyên qua mọi thực tại chóng qua của đời này biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu, sống như thế mới thực sự là sống khôn ngoan (Mỗi ngày một tin vui).
6. Truyện: Ông Mạnh Thường Quân.
Mạnh Thường Quân nhà giàu, cho vay mượn nhiều. Một hôm sai Phùng Nguyên sang đất Tiết đòi nợ. Khi đi, Phùng Nguyên hỏi:
– Ngài có định mua gì về không?
– Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.
Khi đến đất Tiết, Phùng Nguyên cho gọi dân đến bảo rằng: ”Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.
Khi trở về, Phùng Nguyên nói với Mạnh Thường Quân rằng:
– Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết cho ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.
Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Nguyên:
– Đó hẳn là cái ân nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM: SỬ DỤNG TÀI NĂNG CHÚA BAN ĐỂ PHỤC VỤ TIN MỪNG
Phụng vụ hôm nay muốn chất vấn chúng ta một vấn đề: "Tại sao chúng ta biết dùng sự tài khéo để sinh lợi cho trần gian tạm thời chóng qua này, trong khi lại không biết sinh lời cho đời sau vĩnh cửu".
1.      Con cái đời này.
    Ngay từ đầu trình thuật đã cho khán giả biết đây là một quản gia không tốt, và đó là lý do tại sao anh bị thất nghiệp. . Vì thế, chủ mới gọi anh ta đến mà bảo: "Tôi nghe người ta nói gì về anh đó? Công việc quản lý của anh, anh tính sổ đi, vì từ nay anh không được làm quản gia nữa!”
    Và anh ta bắt đầu nghĩ cho tương lai: "Mình sẽ làm gì đây? Vì ông chủ đã cất chức quản gia của mình rồi. Cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi. Mình biết phải làm gì rồi, để sau khi mất chức quản gia, sẽ có người đón rước mình về nhà họ!”
   Và anh ta bắt đầu nghĩ ra kế, dùng tài sản chủ như là phương tiện cho mục đích tương lai:"Bác nợ chủ tôi bao nhiêu vậy?” Người ấy đáp: "Một trăm thùng dầu ô-liu.” Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, ngồi xuống mau, viết năm chục thôi.” Rồi anh ta hỏi người khác: "Còn bác, bác nợ bao nhiêu vậy? Người ấy đáp: "Một ngàn giạ lúa.” Anh ta bảo: "Bác cầm lấy biên lai của bác đây, viết lại tám trăm thôi.”
   Điểm sáng của Tin mừng nơi người quản gia bất lương đó là: Anh biết nhận định cuộc sống cho ngày mai. Anh biết dùng của cải mua lấy bạn hữu, biết chia sẻ nỗi khổ của bạn hữu để khi mình khổ đau thì bạn hữu sẽ chia sẻ nỗi khổ của mình, và biết đặt chữ tình trên chữ tiền.
   Giáo lý của Chúa Giêsu. Con người phải biết khôn ngoan lo cho hậu mệnh của mình". Vậy nếu biết dùng khôn khéo để kéo dài sự ưu đãi chóng qua ở trần gian này, thì tại sao lại không biết dùng khôn ngoan để đạt được sự sống vĩnh cửu đời sau. Vì thế Chúa Giêsu nhận xét: "Quả thế, con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại".
2.      Con cái sự sáng.
   Mỗi người chúng ta đều là người quản gia về sức khỏe, thời gian, tài năng và ơn Chúa. Sứ mệnh của chúng ta là để phục vụ Tin mừng, và bài đọc hai cho chúng ta thấy mẫu ngương của thánh Phaolô biểu hiệu của con cái sự sáng như thế nào.
 Phục vụ Thiên Chúa: "(Tôi) làm người phục vụ Đức Giêsu Kitô giữa các dân ngoại, lo việc tế tự là rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa, để các dân ngoại được Thánh Thần thánh hoá mà trở nên một lễ phẩm đẹp lòng Thiên Chúa."
  Phục vụ tha nhân cho Nước Chúa chứ không tìm lợi ích cá nhân: Lời nói của Phaolô có thể khó thuyết phục khán giả; nhưng việc ông làm mọi người đều có thể nhìn thấy. Phaolô muốn chứng minh ông làm tất cả là cho Nước Chúa; chứ không vì bất kỳ lợi nhuận cá nhân nào. "Nhưng tôi chỉ có tham vọng là loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa được nghe nói đến danh Đức Kitô. Tôi làm thế vì không muốn xây dựng trên nền móng người khác đã đặt. Trái lại, như có lời chép: Những kẻ đã không được loan báo về Người, sẽ thấy, những kẻ đã không được nghe nói về Người, sẽ hiểu."
Tam Thái
SUY NIỆM
Câu chuyện
Mạnh Thường Quân là người giàu có, cho vay mượn nhiều. Một hôm ông sai Phùng Huyên sang đất Tiết Thành đòi nợ. Khi đi, Phùng Huyên hỏi:
  Ngài có định mua gì về không ?
  Xem thứ gì nhà ta chưa có thì mua.
Khi đến đất Tiết Thành, Phùng Huyên cho gọi dân tới bảo rằng: “Các ngươi nợ bao nhiêu, Mạnh Thường Quân đều cho cả”, rồi chẳng tính gì gốc lãi, đem đống văn tự ra đốt sạch.
Khi trở về, Phùng Huyên nói với Mạnh Thường Quân:
  Nhà ngài không thiếu thứ gì, có lẽ chỉ thiếu ơn nghĩa. Tôi đã trộm phép mua ở đất Tiết Thành cho Ngài rồi. Tôi chắc là đẹp ý ngài.
Về sau, Mạnh Thường Quân bị bãi quan, về ở đất Tiết Thành. Dân ở đây nhớ ơn xưa ra đón rước đầy đường. Mạnh Thường Quân ngoảnh lại bảo Phùng Huyên:
  Đó là cái ân nghĩa mà ông đã mua cho tôi ngày trước...
Suy niệm       
Trọng tâm câu chuyện là sự khéo léo xoay xở của một người quản lý. Thánh Luca không nói mọi chi tiết về người quản lý này bất lương ở chỗ nào. Không biết ông có tham nhũng ăn chặn của được giao trách nhiệm, vơ vét vào túi riêng như các tham quan hôm nay hay không, chỉ biết rõ là ông bị chủ bãi chức vì phung phá của nhà chủ. Như thế, cái tối thiểu của người quản lý là anh đã không chu toàn bổn phận: Bảo toàn và sinh lợi trên gia sản mà anh có trách nhiệm được giao
Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, thời đó ở Palestine, người quản gia thay thế gia chủ quản lý tất cả tài sản và làm một cách tốt nhất để tài sản đó được sinh lợi. Người quản gia không có lương nên có quyền cho người khác vay tài sản của chủ mình vừa làm lợi cho chủ vừa làm lợi cho chính mình. Cho nên, trong lúc thỏa thuận, ông có thể ghi số lượng lời trội hơn, vì phần lời cho chủ và phần lời cho chính ông như là lương của ông. Nhờ đó, khi thu số vốn cho vay ngoài phần lời phải có cho chủ, ông được phép thu số dư làm của riêng mình. Cho nên, khi biết mình sắp bị bãi nhiệm, người quản gia trong dụ ngôn tính lại cho những người vay mượn phần của mình, chỉ ghi lại số lượng ông chủ phải thu hồi. Do đó, người chủ không bị thiệt mà người nợ lại biết ơn người quản gia. Người quản gia sửa đổi số lượng ít đi, không phải vì ông đã làm hại cho chủ, mà ông chịu thiệt thòi phần của chính ông để khôn khéo xếp đặt dự tính cho tương lai chính mình. Như vậy, người quản gia này trước đó không chỉ hoang phí tài sản của chủ không biết vào mục đích gì (có thể vào túi riêng: Tham nhũng) nhưng lợi dụng chức vụ bóc lột người nghèo quá mức. Tuy nhiên, ông đã biết “sửa sai” trong giờ chót, biết “nhả ra chút ít của bất chính” để mong tìm được con đường hậu vận khi bị bãi chức. Dưới góc độ tính toán, ông được khen vì xử lý kịp hoàn cảnh lúc “không ổn” của mình để tìm bãi đáp và hạ cánh an toàn.
Giữa những thực tế hoang tàn vì tham nhũng trong xã hội, Lời Chúa đang văng vẳng bên tai chúng ta về tư cách người quản lý: “Ai trung tín trong việc rất nhỏ, thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất lương trong việc rất nhỏ, thì cũng bất lương trong việc lớn” (Lc 16,10). Ngài mời gọi chúng ta trở nên người quản lý theo Tin Mừng: Quản lý của cuộc sống riêng mình; quản lý tốt với những gì chúng ta có: tài năng, khuyết điểm... như người chủ biết tận dụng cái cũ, cái mới trong kho cuộc đời (x. Mt 13,52) để làm cho cuộc đời thêm phong phú và quản lý việc công nếu được giao trách nhiệm gánh vác: Hết lòng với nhiệm vụ được giao, thể hiện sự trung tín của mình với Thiên Chúa, vì trong đức tin, tôi và bạn là người quản lý được Thiên Chúa giao trách nhiệm công vụ.
Ý lực sống
“Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (Lc 16,13).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ

SUY NIỆM: HÃY KHÔN NGOAN THEO TIN MỪNG 
Khi nói đến Đức Giêsu, chúng ta biết Ngài là Đấng Chân Thật, vì thế, Ngài luôn bênh vực sự thật và tố cáo bất công, gian tham… Ấy vậy mà bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa cho chúng ta ngỡ ngàng khi Đức Giêsu đề cao thái độ gian lận, giả dối của tên quản lý bất trung!
Tin Mừng kể lại: khi hắn biết chắc mình không còn được trọng dụng nữa vì những thất thoát mà hắn gây nên. Người quản gia này đã sử dụng mánh khóe theo kiểu: “Dùng phương tiện xấu để đạt được mục đích tốt”. Vì thế, anh ta đã gọi từng con nợ của chủ đến hỏi về số nợ, rồi lấy văn tự ra, viết giảm số nợ đi. Đây là một hình thức biển lận của chủ mà tên quản lý bất lương gỡ gạc vào những giờ phút chót trước khi bị sa thải.
Sau khi kể dụ ngôn này, nhiều người chưng hửng khi thấy ông chủ đã khen người quản lý bất lương đó khôn ngoan, nhanh nhạy khi hành động cách khôn khéo!
Tuy nhiên, Đức Giêsu không hề có thái độ tôn vinh hay chấp nhận hành vi bất chính của người quản gia này, nhưng ngang qua hành vi đó, Đức Giêsu muốn dạy các môn đệ và cho mỗi chúng ta rằng: phải khôn ngoan, biết nhìn xa trông rộng, biết tận dụng mọi cơ hội và biến cố để loan báo Tin Mừng, biết chuẩn bị cho tương lai, biến chúng thành những cơ may để gặp gỡ Chúa, ngõ hầu đạt được Nước Trời làm gia nghiệp.
Nếu người quản gia kia đã khôn khéo và mánh khóe thì mỗi chúng ta hôm nay cũng phải có sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan ấy trước hết phải được thể hiện qua chính mục đích chúng ta đang theo đuổi trong cuộc sống.
Vậy đâu là mục đích và lẽ sống của chúng ta? Hẳn không phải là tiền của, quyền bính, danh vọng, lạc thú… Những thứ đó không phải là mục đích, điểm đến của người Kitô hữu. Nhưng mục đích tối hậu của chúng ta chính là Nước Trời. Vì thế, ngay giây phút này, mỗi chúng ta hãy biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị vĩnh cửu mai ngày trên Thiên Quốc.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chọn Chúa làm gia nghiệp của đời chúng con. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
 
SUY NIỆM: SỰ HÀO PHÓNG CỦA KẺ THAM LAM
Thật khó lý giải ý nghĩa của dụ ngôn “người quản gia bất lương” nếu chúng ta không xác định nhóm thính giả mà Chúa Giêsu trực tiếp nói với khi kể dụ ngôn này. Theo mạch văn Tin Mừng Luca phần tiếp theo (Lc 16,9-15) thì nhóm thính giả ở đây là các môn đệ và nhóm người Pharisêu. Thánh sử ghi rõ: “Người Pharisêu vốn ham hố tiền bạc, nên nghe những điều ấy, thì cười nhạo Chúa Giêsu” (c.14). Như thế chúng ta có thể nhận ra trọng tâm của câu chuyện dụ ngôn là cảnh báo lòng tham lam của tiền. Chính Chúa Giêsu sau kể chuyện dụ ngôn thì đã giải thích rõ ràng: “Không gia nhân nào có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi tiền của được” (c.13).
Tham lam tiền của thì muôn hình vạn trạng. Tuy nhiên một trong các kiểu dạng tham lam của tiền đáng cẩn trọng với bản thân và rất cần cảnh giác trước tha nhân đó là “sự hào phóng”. Dùng sự hào phóng để phục vụ cho lòng tham của mình thì rất dễ qua mặt người ta và nhiều khi lương tâm dần dà sẽ lệch lạc mà bản thân chẳng ngờ.
Với nhiều con nợ của chủ thì anh quản gia “bất lương” trong câu chuyện dụ ngôn quả là quá hào phóng. Chỉ cần vẽ vài nét bút, chỉ với một chữ ký của anh quản lý, thế là rất nhiều người được nhẹ gánh, thở phào, sung sướng vì được hưởng mối lợi khó mơ. Cái sự bất lương của anh quản gia này là hào phóng cái không phải thuộc sở hữu của mình nhưng lại để phục vụ cho lợi ích của mình.
Chuyện hào phóng cách bất lương vẫn nhan nhản trước mặt thiên hạ, nhất là trong quan trường. Có được chút quyền lực thì người ta rất dễ lợi dụng để hào phóng công quỹ mà mục đích cuối cùng là phục vụ cho danh lợi của bản thân. Ở các xã hội văn minh và có nền dân chủ cao thì người ta canh phòng hiện tượng này khá nghiêm nhặt bằng nhiều thể chế, luật lệ và nhất là công luận. Đã từng có nhiều vị nguyên thủ quốc gia khi về vườn và có vị ngay khi đương nhiệm đã từng bị chất vấn, thậm chí truy tố về cái khoản “hào phóng” thiếu lương thiện này.
Ở đây xin mạn phép nghĩ suy về một hiện tượng đáng buồn của lịch sử Giáo hội. Chúng ta phải khiêm nhu và thành thật chân nhận rằng một trong những nguyên nhân gây ra sự ly khai của anh em Tin lành đó là “sự hào phóng ân sủng”. Dù với mục đích gì đi nữa thì thật khó biện minh vì đằng sau sự hào phóng ấy chính là những đồng tiền thu vào.
Dưới cái nhìn đức tin thì chỉ có Thiên Chúa mới thực sự là chủ của mọi thực tại, mọi hiện hữu. Chúng ta chỉ là những người quản lý những gì mình đang có, ngay cả sự sống của mình. Chức phận này, vai vị kia, tài năng nọ… thảy đều thuộc quyền của Đấng Tối Cao. Chính vì thế đã là người quản lý thì khi hành xử phải luôn tham vấn ý của Người Chủ đích thực.
Nếu giả như có hào phóng cách vượt quyền mà chỉ vị thiện ích của người lãnh nhận thì rất có thể được người chủ xí xóa, bỏ qua. Tuy nhiên nếu có hậu ý tham lam tiền bạc hay danh tiếng thì chắc chắn sẽ có cái giá phải trả, phải đền. Xin đừng quên rằng đằng sau sự hào phóng ân sủng luôn có đó chước cám dỗ buôn thần, bán thánh. Đã là người, thật khó làm chủ cái lòng tham vô đáy. Đến đây chúng ta mới hiểu được lời cảnh giác nghiêm nghị của Chúa Giêsu: Anh em không thể làm tôi hai chủ…
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây