THỨ BA TUẦN XXXIII THƯỜNG NIÊN
Lc 19,1-10
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
1 Sau khi vào Giêrikhô, Đức Giêsu đi ngang qua thành phố ấy. 2 Ở đó có một người tên là Dakêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có.
3 Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giêsu là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. 4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giêsu, vì Người sắp đi qua đó.
5 Khi Đức Giêsu tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Dakêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông!”
6 Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. 7 Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”
8 Ông Dakêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.”
9 Đức Giêsu mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. 10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
SUY NIỆM: HÃY ĐƯA CON TRỞ VỀ
Bài Tin mừng hôm nay kể về cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người thu thuế tên Da-kêu. Trong con mắt của người dân đương thời, thì việc làm này của Chúa Giêsu bị coi là khác thường, nhưng đối với người ki-tô hữu chúng ta hôm nay, thì đó là một hành động hết sức phi thường. Vậy phi thường ở chỗ nào?
Chúa Giêsu biết rõ Da-kêu làm nghề thu thuế. Ngài cũng thừa biết người Do Thái xem những nhân viên thuế vụ là những người tội lỗi. Ngài biết theo luật Mô-sê, ai tiếp xúc với những thành phần này đều bị coi là ô uế. Ngài cũng biết dư luận sẽ xầm xì về Ngài như thế nào. Nhưng Chúa chúng ta không quan tâm đến những điều ấy. Ngài đã chủ động bắt chuyện với Da-kêu. Ngài còn đến và ở lại nhà ông như một người bạn.
Sở gì Chúa Giêsu làm như thế chỉ vì một lý do duy nhất, đó là sứ mạng của Ngài khi đến trần gian là “để tìm và cứu chữa những gì đã mất”.
Thưa anh chị em, không riêng gì người Do Thái năm xưa, có lẽ ngày nay nhiều người cũng từng bị sốc, khi thấy một số anh chị em vốn đạo đức thánh thiện lại đi kết giao và tiếp xúc với những con người tội lỗi, khô khan nguội lạnh. Có lẽ anh chị em cũng từng ngạc nhiên khi thấy cha xứ hay cha phó giao du với những thành phần bị coi là “đầu trộm đuôi cướp, thân hình xăm trổ, xì ke ma túy, cá độ đá gà, ly thân ly dị….”
Có lần Chúa Giêsu nói với chúng ta như thế này: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ những người đau ốm mới cần”. Mà đúng là như vậy thưa anh chị em, nếu như Chúa Giêsu không chủ động gặp Da-kêu, và không chủ động ở lại nhà ông, thì làm gì có được một người thu thuế dám thay đổi mình 180 độ, thay đổi từ trong suy nghĩ, cách sống và cả hành động; làm gì có một người thu thuế nào dám lấy một nửa tài sản của mình mà cho người nghèo; và làm gì có một nhân viên thuế vụ nào dám dõng dạc tuyên bố: “Nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì thì tôi xin đền gấp bốn”.
Chúa Giêsu muốn chúng ta hãy có những hành động như Ngài. Chỉ có những hành động phi thường như thế, mới lôi kéo được những tâm hồn lầm đường lạc lối quay trở về mà thôi thưa anh chị em.
Để kết thúc, chúng ta cùng lắng nghe lại lời khẳng định sau của Thánh Giacôbê tông đồ: “Kẻ nào làm cho một tội nhân bỏ đường lầm lạc mà trở về, thì cứu được linh hồn ấy khỏi chết và che lấp được muôn vàn tội lỗi của mình.” (Gc 5,20). Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM
“Tình yêu đáp đền tình yêu, ân tình đền đáp ân tình” (Tc), câu chuyện Tin mừng hôm nay là câu chuyện hoán cải tận căn của một con người – một con người đã được đụng chạm tới tình yêu Giê-su. Cũng như muôn ngàn định nghĩa về tình yêu thì “tình cho không biếu không” vẫn là định nghĩa triệt để nhất. Tình vốn dĩ là cho không biếu không – bất chấp cả dư luận, bất chấp của cải, bất chấp danh dự, bất chấp tội lỗi, bất chấp xấu xa, khiếm khuyết…bất chấp tất cả. Câu chuyện Tin mừng hôm nay là câu chuyện tình yêu tuyệt vời; người tung, kẻ hứng thật đồng điệu và đã mang lại kết quả tốt đẹp.
Tình yêu luôn có sáng kiến và đi bước trước: Trong trình thuật Tin mừng, chúng ta thấy lòng mộ mến một Rabbi Giê-su lý tưởng đã khiến Ông Gia-kêu, một quan chức đứng đầu thuế vụ, giàu có, chạy lên trước đám đông và trèo lên cây sung để được thấy Người. Ông trèo lên cây, nấp trong đám lá, không biết ông đang đắc ý về diệu kế cho vóc người thấp bé của ông hay đang hồi hộp sợ có ai phát hiện, nhưng có lẽ là cả hai. Ông ngồi trên cao và nhìn xuống. Về hình thức, tưởng chừng như Ông là người đi bước trước, nhưng nội dung câu chuyện đã cho thấy người đi bước trước là Chúa Giê-su – Người đã biết Gia-kêu từ trước. Người đã biết những mặc cảm cũng như những khát khao trong lòng Gia-kêu.
Tình yêu và lòng thương xót đã khiến Chúa Giê-su ngước lên nhìn Ông đang trốn mình trong tán lá – Hai thái độ – hai nội dung trái ngược: Gia-kêu tìm Chúa: thay vì ngước mắt lên trời, Ông lại ở ‘vị trí của mình trên cao’ nhìn xuống. Chúa Giê-su tìm Gia-kêu: Ngài ở dưới ngước nhìn lên; Thực ra, tình yêu và lòng thương xót của Người đã cúi xuống, chiếu cố đến Gia-kêu – con người thấp bé về hình vóc, nghèo nàn về phẩm hạnh trong mắt người Do-thái. Tuy nhiên, xuyên suốt qua cái gì là bề ngoài giới hạn ấy, Chúa Giê-su đã nhìn thấy giá trị đích thực với những phẩm chất cao quí của con người – một con người mang hình ảnh của Đấng Tạo hóa. Chúa Giê-su đã đi bước trước trong việc cởi bỏ những mặc cảm tự tôn, tự ti trong lòng Gia-kêu để Ông mở rộng lòng mình đón nhận Chúa trong tình yêu chân chất. Ngài gọi Ông xuống, trở lại vị trị để sẵn sàng làm một cuộc hoán cải.
Tình yêu luôn cảm thông, bất chấp dư luận: Gia-kêu có thể bất chấp dư luận chê cười, khi ông – một quan chức có thế giá – lại leo lên một cây sung để nhìn trộm như một đứa trẻ. Có lẽ Đức Giê-su cũng rất thú vị với chất trẻ thơ nơi ông (Chúa đã chẳng hứa nước trời cho những ai nên giống trẻ thơ là gì!). Tuy nhiên, cao cả hơn thế, Đức Giê-su đã bất chấp dư luận, không kể gì đến thân phận cao quí của một Rabbi nổi tiếng để kết giao với Gia-kêu – một kẻ tội lỗi, bị gạt ra bên lề trong xã hội Do-thái. Người đến trọ trong nhà Gia-kêu, ngôi nhà mà người Do-thái không dám bước vào vì sợ ‘ô uế’, để viếng thăm, đồng bàn và ăn uống với ông. Bởi vì mục đích của Ngài đến không phải để kiếm tìm người công chính mà là kẻ tội lỗi. Ngài là thầy thuốc không phải tìm chữa những kẻ khỏe mạnh mà là những người đau yếu. (Mt 2,17)
Tình yêu kết trái: Gia-kêu khát khao được nhìn thấy Đức Giê-su có lẽ vì những tiếng tăm tốt lành của Người khiến lòng Ông mộ mến và mong đợi một điều gì đó(?) Chúa Giê-su tìm Gia-kêu như “người chăn chiên đi tìm một con chiên lạc” (Mt 18,12 – 14), như người đàn bà đi tìm đồng bạc đã mất” (Lc 15, 8 -10), như “người cha nhân hậu chờ đợi người con đi hoang trở về” (Lc 15, 11 – 32). Tuy đã được nghe nhiều về Chúa Giê-su, nhưng Gia- kêu không ngờ ông lại được vinh dự và yêu thương như vậy. Và từ trái tim đã đụng chạm đến trái tim. Tình yêu được đáp đền bằng tình yêu đã nảy sinh hoa trái tốt đẹp: “8Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Thật là niềm vui tràn vỡ vì “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.10 Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Cũng như Phao-lô, ông Gia-kêu đã cảm nghiệm được món lời hậu hĩ vì được biết Chúa Giê-su (Pl 3, 8 – 9).
Vì thế, của cải đối với ông bây giờ không còn quan trọng nữa. Trước đây ông ra tay bóc lột, tích góp bao nhiêu, thì bây giờ ông sẵn sàng cho đi tất cả. Thật là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời! Một bước hoán cải tuyệt diệu!Thật là niềm vui tràn vỡ vì “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Ápraham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.” Cũng như Phao-lô, ông Giakêu đã cảm nghiệm được món lời hậu hĩ vì được biết Chúa Giêsu (Pl 3, 8 – 9). Vì thế, của cải đối với ông bây giờ không còn quan trọng nữa. Trước đây ông ra tay bóc lột, tích góp bao nhiêu, thì bây giờ ông sẵn sàng cho đi tất cả. Thật là một cuộc gặp gỡ tuyệt vời! Một bước hoán cải tuyệt diệu!
Nơi con người tội lỗi Giakêu vẫn còn một khát vọng hướng về Chúa: ông muốn nhìn xem Chúa Giêsu đi qua, và đây là yếu tố căn bản để được Chúa thi ân. Từ một khát khao gặp Chúa đến việc ăn năn trở lại không có khoảng cách không vượt qua được, vì Chúa Giêsu có thể vượt qua khoảng cách này một khi con người đã có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của Giakêu có thể khuyến khích chúng ta trở về với Chúa. Ông đã thể hiện sự trở lại của mình bằng một hành động cụ thể thiết thực: phân chia nửa phần tài sản cho người nghèo và đền bù gấp bốn cho những thiệt hại ông đã gây ra cho kẻ khác.
Ta được mời gọi chạy đến với Chúa Giêsu để được giải thoát và chữa lành, cụ thể qua bí tích Giao hòa. Bởi chưng, sứ mệnh của Chúa Giêsu là tha thứ còn việc của chúng ta là sám hối.
Huệ Minh
SUY NIỆM: LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA CHÚA
Mang thân phận tội lỗi, mỗi người chúng ta cần biết nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, can đảm trỗi dậy và thay đổi tâm hồn và cuộc sống của mình để nên thánh thiện và đạo đức hơn.
1. Giakêu, người thủ lãnh các người thu thuế
Câu chuyện của Bài Tin Mừng hôm nay nhắc đến ông Giakêu, thủ lãnh của những người thu thuế.
Ông là người làm nghề thu thuế lâu năm, hẳn cũng đã thu lợi được khá nhiều. Bản thân ông đầy kinh nghiệm để làm giàu, kiếm sống cho mình.
Dưới con mắt của những người Do Thái, ông là hạng người tội lỗi. Ông Giakêu bị nhiều người phê phán, chỉ trích. Ông bị xa lánh, ghét bỏ. Bởi, công việc của ông là tiếp tay với ngoại bang, thu thuế của người Do thái dân tộc ông cho đế quốc Rôma.
Ông rất buồn về điều đó, dù ông làm lớn, nhiều tiền và giàu có. Chính vì thế, ông đã đắn đo suy nghĩ và muốn thay đổi cuộc sống.
2. Sự hoán cải của Giakêu
Ông Giakêu đã nghe nói nhiều về Chúa Giêsu. Ông trèo lên cây sung để xem Chúa đi ngang qua nhà ông. Ông muốn tìm kiếm Ngài, muốn gặp Ngài. Ông nhìn thấy Chúa để biết Chúa là ai. Tuy nhiên, ông tưởng mình thoáng nhìn được Chúa là đủ cho ông, mà hơn thế nữa, chính Chúa nhìn lên cây và ngỏ lời gọi ông: “Giakêu, xuống mau, hôm nay Ta muốn lưu lại tại nhà ông.”
Cơ hội được gặp Chúa, gần gũi với Chúa, ông mời Chúa vào nhà ông, vào chính cõi lòng của ông, một tâm hồn xấu xa tội lỗi, nhưng được ơn Chúa hoán cải. Ông muốn quay trở về với Chúa, và sẵn sàng đền bù những của cải bất công để bày tỏ lòng thống hối ăn năn về quá khứ bất hảo của ông cho Chúa: "Lạy Ngài, tôi xin bố thí nửa phần của cải tôi cho kẻ khó, và nếu tôi có làm thiệt hại cho ai điều gì, tôi xin đền gấp bốn".
Với những người còn ở trần gian, không có sự sám hối nào là quá trễ. Con đường đến với lòng thương xót của Thiên Chúa vẫn rộng mở. (Thánh Siprianô).
3. Chúa thương xót, tha thứ và biến đổi Giakêu
Câu chuyện cho thấy: Chúa Giêsu hoán cải người thu thuế. Chúa đến tìm gặp Giakêu và cứu chữa những gì đã hư mất trong chính con người tội lỗi của ông, và Ngài giúp ông biết mở lòng đón nhận Chúa.
Chúa Giêsu thương xót ông Giakêu, đến thăm viếng nhà của ông, cư ngụ trong linh hồn tội lỗi của ông và biến đổi ông hoàn toàn. Từ nay, ông có một cuộc sống mới: được trở nên con cái của Chúa.
Chúa là Đấng giàu lòng thương xót, không muốn loại trừ một ai, trái lại, muốn cứu độ tất cả mọi người. Chúa sẵn sàng tha thứ tội lỗi của con người, nếu biết nhận ra tình thương xót của Chúa, biết sám hối ăn năn và biết thay đổi cuộc sống.
Đúng như Thánh Phêrô đã viết: “Tình yêu khỏa lấp muôn vàn oti65 lỗi” (I Pr 4,8).
4. Chẳng phải chỉ mình ông Giakêu tội lỗi, mà mỗi người trong chúng ta cũng là tội nhân bất xứng.
Cần tránh thái độ của những người Do Thái lẩm bẩm than trách Chúa tiếp xúc với ông Giakêu. Ta không nên phán xét, phê bình, chỉ trích người khác, dù họ có xấu xa tội lỗi. Trái lại, biết đón nhận nhau, và giúp nhau thăng tiến, sửa đổi và hoán cải. Ta học nơi Chúa lòng thương xót để có cái nhìn tích cực với bất cứ một ai khác.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đến gặp ông Giakêu, thủ lãnh các người thu thuế và bị liệt vào hạng tội lỗi, xấu xa. Nhưng Chúa không có cái nhìn tiêu cực, loại bỏ một ai, nhất là khi biết chính họ là kẻ bất xứng. Chúa giàu lòng thương xót tất cả mọi người, đặc biệt yêu thương những kẻ tội lỗi. Vì thế, Chúa đến gặp và biến đổi người thu thuế này nên người tốt.
Xin Chúa cho con biết từ bỏ những tội lỗi bất xứng trong linh hồn con. Xin Chúa giúp con biết hoán cải, trở về với Chúa, và biến đổi tâm hồn và cuộc sống của con.
Xin Chúa cũng cứu giúp các tội nhân còn cứng cỏi, để họ biết mở lòng ra đón nhận Chúa, nhờ sức mạnh tình yêu của Chúa và ân sủng của Chúa, qua Bí tích Hòa Giải.
Xin cho con được trở nên con cái Chúa, xứng đáng với ơn cứu độ Chúa ban. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Duy Khang
SUY NIỆM: THỦ LÃNH NGƯỜI THU THUẾ
Gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô luôn luôn là một biến cố hồng phúc cho con người, nếu người đó không lo sợ hay tránh né cuộc gặp gỡ này với những lý do này, lý do nọ. Hôm qua, chúng ta cùng nhau suy niệm về thái độ khiêm tốn của anh mù ăn xin bên vệ đường gần thành Giêrikhô, nhưng vội vàng nắm lấy vận may khi nghe biết Chúa Giêsu đi ngang qua và chân thành cầu xin: "Lạy con vua Ðavít, xin thương xót con. Xin cho con được nhìn thấy". Và anh đã được nhìn thấy ơn lành của Chúa và ca tụng Ngài.
Hôm nay, Giáo Hội trình bày cho chúng ta một cuộc gặp gỡ khác nữa, cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, người thu thuế. Cuộc gặp gỡ này đã mang đến cho ông Dakêu ơn ăn năn trở lại và sự an vui trong tâm hồn mà ông hằng mong ước.
Trong cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Dakêu, chúng ta thấy có hai thái độ:
- Thái độ của những kẻ tự cho mình là công chính mà khinh dễ kẻ khác, không muốn cho kẻ khác gặp được Chúa, được ơn lành của Ngài và ăn năn trở lại. Ðó là thái độ mà chúng ta nhìn thấy nơi những kẻ lẩm bẩm trách Chúa đến trú ngụ và chia sẻ tình thân với ông Dakêu qua bữa tiệc: "ông này trú ngụ tại nhà người tội lỗi và là tội lỗi nặng, đã bị cộng đồng chối từ loại bỏ". Thái độ của họ cũng giống như thái độ của những người ngăn trở không cho anh mù ăn xin bên vệ đường đến gặp Chúa Giêsu. Họ ngăn cản anh, bảo anh hãy im đi. Liệu chúng ta có có thái độ giống như vậy hay không?
Chúng ta có thể tự phụ mình là người công chính mà khinh dể anh chị em chung quanh. Xét đoán anh chị em là kẻ tội lỗi và không đáng gặp Chúa Giêsu, không đáng lãnh nhận ơn lành Ngài ban, không đáng được thông cảm để trở về với Chúa và canh tân đời sống tốt đẹp hơn. Chúng ta có thái độ tự phụ như vậy không? Không ai xấu xa mãi mãi đến độ không đáng hưởng nhận lòng nhân từ và sự tha thứ của Chúa.
- Thái độ thứ hai là thái độ của ông Dakêu, người thu thuế trưởng và giàu có. Hai chi tiết này không nhằm mô tả địa vị xã hội của ông, mà mô tả tình trạng tinh thần của ông. Người thu thuế là kẻ tội lỗi công khai, tội phản bội quê hương, tội cộng tác với ngoại bang đế quốc Rôma thống trị và tội gian lận tham nhũng tiền thuế, vì người thu thuế có quyền do người Rôma thống trị ban cho là thu thuế cao mà chỉ góp cho chính quyền Rôma theo mức qui định thấp hơn để có thể có lợi cho mình. Ông Dakêu là người thu thuế trưởng và giàu có. Sự giầu có chứng minh là ông đã có hành vi bất chính để làm giàu, đó là thu nhiều nộp ít để làm giàu. Ðối với người đồng hương của ông, hay những kẻ tự phụ cho mình là người công chính mà khinh dễ kẻ khác, ông Dakêu là con người tội lỗi, và tội của ông ta không thể tha thứ được nữa.
Nhưng đối với Chúa Giêsu, Ngài vốn đến là để cứu chữa những gì đã hư mất, thì ông Dakêu lại là nơi để thể hiện tình thương nhân từ của Ngài. Nơi con người tội lỗi Dakêu, còn có một khát vọng hướng về Chúa. Ông chỉ mong ước được nhìn xem Chúa đi qua. Ðây là yếu tố căn bản mà Chúa thi ân cho con người. Từ khao khát gặp được Chúa đến việc ăn năn trở lại, không có khoảng cách không vượt qua được. Chúa Giêsu có thể vượt qua được khoảng cách này một khi con người có sẵn thái độ chờ mong Ngài đến. Thái độ của ông Dakêu có thể khuyến khích chúng ta trên con đường trở về với Chúa. Ông Dakêu đã thể hiện sự trở lại của mình bằng hành động cụ thể, phân phối một nửa của cải cho anh chị em để thể hiện tình liên đới bác ái và đền bù gấp bốn những thiệt hại đã gây ra. Liệu chúng ta có can đảm như vậy hay không?
Lạy Chúa,
Chúng con đã nhiều lần dốc lòng với Chúa sẽ làm điều này, làm việc kia để chứng tỏ đã được trở về với Chúa. Nhưng có thể chúng con không can đảm, không nghiêm chỉnh đủ để làm như ông Dakêu đã làm. Xin cho chúng con đừng bao giờ đùa giỡn hay lạm dụng lòng nhân từ của Chúa. Ơn Chúa mạnh hơn tội lỗi nhưng chúng con phải cộng tác với ơn Chúa.
Lạy Chúa,
Xin thương giúp chúng con trở về với Chúa.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM: GIAKÊU, MỘT CON LỪA CHUI QUA LỖ KIM
Ông Da-kêu thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, này đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo.”Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất. (Lc. 19, 8b-10)
Ông Gia-kêu thân hình thấp bé, đứng đầu những người thâu thuế ở thành Giê-ri-cô, những đoàn người buôn bán từ Ả-rập qua thành đều phải chịu thuế nhập thị. Như thế, ông là người rất giàu, nhưng bị người Do thái khinh chê là hạng người tội lỗi công khai và cộng tác với quân xâm lăng. Tuy nhiên, chính ông là người được Thiên Chúa gửi Thánh Thần đến lôi kéo ông về cùng Đức Giêsu.
Ông “Sếp” trở nên trẻ nhỏ
Các trẻ nhỏ sẵn lòng trèo lên cây cao quá tầm đám đông để xem. Ông Gia-kêu, mặc dầu là “xếp”, địa vị cao và giàu sang đã nên giống trẻ nhỏ. Ông không sợ thiên hạ nhạo cười và hạ nhục. Được tiếng nội tâm thúc đẩy, ông tò mò trèo lên cây nhìn xem Đức Giêsu bất kể ra sao thì sao.
Đức Giêsu vị ngôn sứ tuyệt vời, rất nhạy bén với hành động của Thánh Thần nơi người khác. Người nhìn lên và thấu suốt tận con tim của Gia-kêu. Người gọi tên ông, đó là tiếng gọi của tình yêu. Người ra lệnh cho ông: “Hãy xuống mau đi, vì hôm nay tôi ở lại nhà ông”. Sứ điệp của Đức Giêsu đã kêu gọi ông. Người phải dắt đưa chiên lạc của nhà Ít-ra-en về.
Đoàn hành hương theo Đức Giêsu chẳng hiểu gì sứ điệp của Người. Đức Giêsu vừa tỏ quyền phép của Thiên Chúa chữa người mù được thấy và bây giờ tự mời mình vào ở nhà một người tội lỗi. Vậy Người không thể là Đấng Thiên sai Cứu thế. Người trong sạch không thể đồng cư với kẻ ô uế. Như thế, Đức Giêsu đã nên cớ cho người ta vấp phạm trong suốt cuộc đời cứu thế của Người đúng như ông Si-mê-on nói tiên tri: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm cớ cho nhiều người Ít-ra-en vấp ngã hay được chỗi dậy” (Lc. 2, 34).
Và tự hủy mình đi
Niềm vui đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa để trở về thật chứa chan, Gia-kêu đã vui mừng đón rước Đức Giêsu vào nhà. Ông vui mừng chính thức công bố trở về và hứa bồi thường đầy đủ gấp bốn lần luật buộc, cùng hiến nửa gia tài làm việc bác ái giúp người nghèo. Ơn Chúa đầy tràn, ông đáp lại bằng tấm lòng thiện chí đầy tràn.
Đức Giêsu quay lại phía đám đông giúp họ hiểu rằng Gia-kêu đã tỏ ra xứng đáng là con cháu thật của tổ phụ Áp-ra-ham, có lòng quảng đại đặc biệt, mặc dầu nghề nghiệp ông thuộc lớp người tội lỗi. Đức Giêsu đem ơn cứu độ đến nơi nào biết tiếp đón Người đến ở.
RC
SUY NIỆM:
3. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn.4 Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó.
• Đức Giêsu đi ngang qua Giê-ri-khô và Da-kêu đã muốn gặp Ngài nhưng lại bị cản trở bởi nguyên nhân khách quan: dân chúng quá đông và chủ quan: bản thân ông lùn. Điều quan trọng không phải là những cản trở nhưng là ông đã vượt qua cản trở đó như thế nào để gặp gỡ Thiên Chúa.
• Chính lòng khao khát của ông mà Chúa thưởng cho ông một cây sung để ông có khả năng gặp gỡ Ngài. Cây sung chính là giải pháp giúp ông vượt trở ngại bên ngoài của đám đông nhưng đồng thời cũng giúp ông vượt qua mặc cảm của thân phận thấp bé.
• Đức Giêsu cứu con người từ trên cao của Thập Giá. Chính khi lên cao, con người được giải thoát, được thấy rõ mọi sự. Da-kêu khi lên cao đã có thể nhìn rõ một Đức Giêsu mà ông hằng khao khát nhưng Đức Giêsu con đi xa hơn điều ông mong ước đó là Ngài muốn đến ở lại nhà ông.
→ Lời Chúa luôn bất ngờ cho từng người chúng ta. Khi chúng ta dám lên cao, dám vượt qua những cản trở, chúng ta sẽ gặp thấy Ngài. Tôi sẽ vượt qua những cản trở trong đời tôi để gặp Chúa như thế nào?
→ Lạy Chúa, xin cho con luôn dõi theo ánh mắt Ngài.
Br. Vincent SJ
SUY NIỆM: TÌM VÀ CỨU
Qua cuộc gặp gỡ với Giakêu, Chúa Giêsu đã cho thấy rõ sứ mạng của Ngài là tìm và cứu các tội nhân. Ngài đến không phải để kết án hoặc trừng phạt, nhưng Ngài đến để đưa mọi người trở lại với Thiên Chúa. Niềm vui và hạnh phúc của Thiên Chúa là thấy con người từ bỏ tội lỗi trở lại đời sống thánh thiện. Thiên Chúa luôn biết rõ bên trong của từng người, nên Ngài không chỉ thấy tội lỗi trong họ mà còn nhận thấy sự đáng thương khi họ lầm đường mà không tìm được lối thoát. Chúa Giêsu đến trần gian để mở ra con đường cho các tội nhân tìm được ánh sáng sự sống đời đời của Thiên Chúa.
Chúng ta đang loay hoay, bận rộn đi tìm Thiên Chúa hoặc thế gian. Những mối bận tâm hoặc đam mê sẽ cho mỗi người biết mình đang tìm điều gì. Thiên Chúa thì luôn đi tìm và cứu chữa chúng ta khỏi tội lỗi, còn chúng ta tìm cách tránh né Thiên Chúa để sống trong tội lỗi của mình. Vì thế, tâm hồn ngập tràn những lo lắng, bất an, u sầu vì chúng ta đã đặt mục đích đời mình sai chỗ. Hãy trở lại và tìm Chúa như Giakêu để khi Chúa đến ngỏ lời đi vào cuộc đời từng người, chúng ta sẵn sàng mở lòng đón Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn tìm đến Chúa để được Chúa tha thứ, vì ngoài Chúa ra chúng con chẳng tìm đâu được hạnh phúc và bình an đích thật. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
SUY NIỆM: ĐỤNG CHẠM ĐẾN TÂM HỒN
Ông Dakêu là một người giàu có và quyền lực nhưng lại bị người Do Thái coi là người tội lỗi vào thời ấy. Họ khinh thường, xa lánh và bị cô lập về tinh thần; ông chịu nỗi đau dai dẳng trong tâm hồn tưởng chừng như bế tắc. Vậy mà cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông khi Người chạm tới tâm hồn ông.
Khi Chúa Giêsu ngỏ lời muốn vào nhà ông, “Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Chúa Giêsu” (Lc 19,6). Niềm vui của ông không chỉ dừng lại ở đó mà ông còn thể hiện ra ở hành động: “ Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi đền gấp bốn” (Lc 19,8). Cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu đã đụng chạm đến tâm hồn của ông Dakêu và làm nên một sự biến đổi kỳ diệu, một sự thức tỉnh của tâm hồn.
Câu chuyện về ông Dakêu thúc đẩy tôi nhìn lại tương quan của tôi với Chúa và với anh em. Khi gặp Chúa Giêsu, ông Dakêu đã được biến đổi hoàn toàn để biết chia sẻ cho người nghèo và đền bù những thiếu sót trong quá khứ. Chỉ khi tôi để cho Chúa đụng chạm đến tâm hồn tôi, tôi mới thật sự được biến đổi để biết sống cho anh em mình hơn. Những ích kỷ nhỏ nhen, ghen ghét, bất hòa, chia rẽ hay bất mãn trong đời sống cộng đoàn sẽ được hóa giải nếu tôi để cho Chúa đụng đến trái tim tôi và biến đổi thành con tim biết sống và hy sinh cho người khác.
Lạy Chúa, sự đụng chạm tâm hồn đúng lúc của Chúa đã làm thay đổi cuộc sống của ông Dakêu. Xin Ngài cũng cho con cảm nhận được sự đụng chạm đó của Chúa trong cuộc sống hằng ngày của con, để con có thể biến đổi bản thân theo ý Chúa muốn và biết sống vì tha nhân.
Tu sĩ Phêrô Nguyễn Hữu Liêm Chánh, SVD