THỨ SÁU TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
Lc 17,26-37
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
26 “Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng sẽ xảy ra như vậy. 27 Thiên hạ ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thuỷ ập tới, tiêu diệt tất cả. 28 Sự việc cũng xảy ra giống như vậy trong thời ông Lót: thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất. 29 Nhưng ngày ông Lót ra khỏi Xơ-đôm, thì Thiên Chúa khiến mưa lửa và diêm sinh từ trời đổ xuống tiêu diệt tất cả. 30 Sự việc cũng sẽ xảy ra như thế, ngày Con Người được mặc khải.
31 “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại. 32 Hãy nhớ chuyện vợ ông Lót. 33 Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống. 34 Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 35 Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. 36 Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại.”
37 Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, ở đâu vậy ?” Người nói với các ông: “Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó.”
SUY NIỆM: HÃY TỈNH THỨC VÀ SẴN SÀNG
“Nước Trời” là 1 trong các đề tài chủ đạo trong hành trình 3 năm rao giảng Tin mừng cứu độ của Chúa Giêsu. Và Chúa Giêsu cho biết, ngày ấy Triều Đại Thiên Chúa sẽ ngự đến để phán xét kẻ sống và kẻ chết, sẽ tách “Chiên” sang một bên còn “Dê” sang một bên, sẽ tách biệt “Lúa” và “Cỏ lùng”: Lúa thì cho vào kho lẫm, còn cỏ lùng thì quăng vào lửa mà đốt đi.
Khi nghe những lời mạc khải ấy của Chúa Giêsu, người ta cứ thắc mắc và theo gạ hỏi Chúa Giêsu rằng: Ngày ấy là ngày nào? Có cách nào để nhận ra ngày ấy hay không?
Chúa Giêsu chỉ cho biết “ngày ấy là ngày chúng ta không ngờ, là giờ chúng ta không biết”. Chúa Giêsu ví ngày ấy tựa như 1 “chiếc lưới” bất ngờ chụp xuống chúng ta, ngày ấy tựa như “tên trộm” mà chúng ta không biết chúng sẽ đến vào lúc nào…
Chúa Giêsu khuyên chúng ta rằng, một khi chúng ta tin có ngày quang lâm, ngày phán xét, thì mỗi ngày chỉ cần ghi nhớ 1 điều này mà thôi, đó là hãy luôn tỉnh thức và sẵn sàng: tỉnh thức như người đầy tớ đợi chủ trở về trong đêm khuya, và sẵn sàng như 5 cô trinh nữ khôn ngoan dầu đèn luôn cháy sáng…
Vậy chúng ta cần tỉnh thức để làm gì?
Trước tiên, tỉnh thức là để chúng ta nhận ra ý Chúa qua những dấu chỉ của thời đại. Thiên tai, dịch bệnh, những biến cố vui buồn trong cuộc sống…, những lần như thế, hãy nghiệm xem Chúa muốn nói gì với tôi qua những biến cố này?
Kế đến, tỉnh thức là để chúng ta có thể đứng vững trước những cơn cám dỗ của 3 thù: thế gian, ma quỷ và xác thịt. Chúa Giêsu khuyên chúng ta, “anh em chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời” (x.Lc 21,34); cũng “đừng sống như dân chúng thời ông Nôê, cứ mãi lo chuyện ăn chuyện uống, lo dựng vợ gã chồng, rồi khi cơn hồng thủy bất ngờ ập đến tiêu diệt tất cả” (x.Lc 17, 26-17).
Sau cùng, tỉnh thức là để chúng ta cầu nguyện. Chúa Giêsu cho biết, “Tuy tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối.” (Mc 14,38), và chỉ có cầu nguyện thì chúng ta mới “có đủ sức thoát khỏi những điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người" (Lc 21,36).
Ước gì mỗi người biết sống theo lời mời gọi của Tin mừng hôm nay, là là tỉnh thức và sẵn sàng, để khi Triều Đại Thiên Chúa đến, mỗi người đều được nghe Chúa nói với mình rằng: “Hãy vào mà hưởng niềm vui với Ta trên thiên đàng”. Amen.
Lm Antôn
SUY NIỆM:
1. Ngày của Con Người
Trong những tuần cuối của năm Phụng Vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe Lời Chúa nói về “Ngày của Con Người” (c. 26 và 30). Lời của Đức Giêsu nói về “Ngày của Con người” có thể làm cho chúng ta khiếp sợ. Bởi vì Ngài so sánh ngày này với Trận Đại Lụt thời ông Nô-ê; khi đó, cả nhân loại bị hủy diệt, đúng hơn là sự sống trên mặt đất bị hủy diệt. Khi Thiên Chúa sáng tạo, Ngài đã tách nước ra, ở trên và ở dưới để cho sự sống phát sinh. Tuy nhiên, nước phía trên và nước phía dưới cứ chực ập lại để phá hủy sự sống. Trong sáng tạo, Thiên Chúa đã tách đất ra khỏi nước phía dưới, nhưng biển cả cứ muốn trào lên nuốt trửng mặt đất. Khối nước hung dữ, chính là hình ảnh của sự dữ!
Trong những năm vừa qua, và cả trong những ngày này ở Việt Nam và ở một số nơi trên thế giới, chúng ta như chứng kiến những dấu chỉ loan báo “Ngày của Con Người”: núi lửa hoạt động, những đợt sóng thần, những cơn động đất, nước từ trời trút xuống, nước từ sông biển dâng lên, gió bão hung hãn…
Những gì xẩy ra trong thiên nhiên hoàn toàn khớp với những gì con người đang làm cho con người: đó là khủng bố, đó là bạo động, đó là giết hại mầm sống và chính sự sống nhân linh từ trong giai đoạn hình thành kì diệu nhất, tham lam, làm ăn gian dối khắp nơi và trong mọi lãnh vực, đó là làm thiệt hại và hãm hại người khác, đó là dò xét và lên án, đó là cấm cản giam hãm, đó là áp đặt bằng quyền bính bất chấp ngôi vị, đó là nghi ngờ, không tin tưởng và thiếu tôn trọng người khác.
Xét cho cùng, như ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm, những thái độ và cách hành xử như thế, cho dù là nhân danh sự sống, nhân danh lợi ích của tập thể, nhưng thực ra là phá hủy sự sống một cách nghiệm trọng nhất, bởi lẽ đó là cách hành xử của chính Sự Dữ.
2. “Ai liều mạng sống mình…”
Nhưng Thiên Chúa vẫn tin tưởng chúng ta, Thiên Chúa vẫn tôn trọng chúng ta. Dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa bao dung vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày. Đó chính là sự sống hằng ngày:
Con nằm xuống và con thiếp ngủ, rồi thức dậy vì Chúa đỡ nâng con. (Tv 3, 6)
Và nhất là ơn huệ Lời và Mình Đức Kitô, được ban cho chúng ta mỗi ngày. Chúng ta là ai, là gì để được Chúa ban cách quảng đại và nhưng không như vậy? Chúng ta hãy cảm nghiệm thật sâu xa và trong máu thịt điều này, vì chỉ có tình yêu Thiên Chúa mới chữa lành mỗi người và cả loài người khỏi nọc độc của Sự Dữ.
Lời của Đức Giêsu còn nêu ra nhiều chuyện nữa rất khủng khiếp: lửa từ trời thiêu đốt tất cả như trường hợp thành Xơ-đôm (vừa nãy là nước, bây giờ là lửa; cả hai đều có sức tàn phá vô địch); cứ hai người, thì một được đem đi (như vậy là bị mất 50%, nghĩa là rất nhiều). Tuy nhiên, Đức Giêsu cũng chỉ cho chúng ta con đường để vượt qua những biến cố như thế:
Ai liều mạng sống mình sẽ bảo tồn được mạng sống. (c. 33)
Ơn gọi Ki-tô hữu và nhất là ơn gọi dâng hiến của chúng ta hôm nay, một cách chính xác và chính yếu, được mời gọi sống con đường này và làm chứng về con đường này: con đường đánh liều sự sống mình, đánh liều đời mình (qua ba lời khấn), đánh liều chính mình, con đường của hạt lúa mì, con đường của tấm bánh, con đường “Vượt Qua”.
3. Con đường “Vượt Qua”
Khi nghe những lời này, các môn đệ hốt hoảng hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy ở đâu vậy?”; Ngài trả lời: “xác nằm đâu, diều hâu tụ đó”. Chắc chắn, câu trả lời như thế này đã làm cho các môn đệ càng “hoảng hốt” thêm nữa.
Tuy nhiên, dưới ánh sáng của lời hứa: “Ai liều mạng sống mình, sẽ bảo tồn được mạng sống”, lời nói của Đức Giê-su về sự chết sẽ làm cho chúng ta bình an hơn; bởi lẽ, ai lựa chọn sự chết, sống cho sự chết, tin tưởng nơi sự chết và đồng hòa mình với sự chết, sẽ thuộc về sự chết.
Đức Giê-su chỉ cho chúng ta con đường liều mạng sống để đi đến sự sống; Ngài không chỉ vạch ra con đường, những chính Ngài đã đi con đường Ngài chỉ cho chúng ta, vì đó là Con Đường của “Em Bé sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ” (Lc 2, 1-20) trong mầu nhiệm Nhập Thể, và của Người Con Vô Tội chịu đóng đinh trong mầu nhiệm Vượt Qua.
Đó là con đường duy nhất làm cho chúng ta vui mừng chờ đón Ngày của Con Người, thay vì sợ hãi.
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM: THỰC TẠI CÁNH CHUNG
Trong những cuốn phim giả tưởng do trung tâm điện ảnh Holywood sản xuất trong thời gian gần đây, gây nhiều ấn tượng nhất có lẽ là cuốn phim: "Ngày Tận Cùng Của Trái Ðất". Cũng giống như thời Noê, chỉ có 50 người chuẩn bị kịp, họ đã đi vào trong một phi thuyền đặc biệt và tránh được thiên tai xẩy ra cho trái đất, họ đã đi đến một hành tinh khác, và như vậy bảo đảm cho sự trường tồn của nhân loại. Với những xảo thuật tân tiến, cuốn phim đã có thể tạo ra những ấn tượng mạnh trên người xem.
Tuy nhiên, cũng như tất cả những lời đe dọa do nhiều giáo phái tung ra, những hình ảnh của cuốn phim dù khủng khiếp đến đâu, cũng chỉ là những hình ảnh, nghĩa là mời gọi người xem, suy nghĩ về một thực tại khác sâu xa hơn, thường được gọi là thực tại cánh chung. Kinh Thánh là Lời của Thiên Chúa nói với con người. Thiên Chúa không những nói về con người, mà còn nói với con người về chính con người. Kinh Thánh nói với con người: nó từ đâu đến? sẽ đi về đâu? Cứu cánh hay cùng đích của con người là một trong những mạc khải nền tảng của Kinh Thánh. Do đó, bằng một lối văn đặc biệt, Kinh Thánh thường dùng rất nhiều hình ảnh để nói về những thực tại cánh chung ấy.
Cũng theo truyền thống ấy, khi nói về những thực tại cánh chung, Chúa Giêsu đã dùng rất nhiều hình ảnh vốn quen thuộc với người Do thái, nhưng tựu trung chính cái bất ngờ vượt khỏi mọi phạm trù và trí tưởng tượng của con người vẫn là những nét chính của thực tại cánh chung ấy. Tất cả những hình ảnh và thí dụ được Chúa Giêsu sử dụng trong Tin Mừng hôm nay cho thấy rằng thực tại cánh chung, ngày tận thế, ngày của Chúa, vốn là một thực tại mà không ai biết trước được. Bằng nhiều hình ảnh và cách diễn tả khác nhau, Kinh Thánh luôn khẳng định tính bất ngờ của ngày thế mạt; do tính bất ngờ này, các Kitô hữu luôn được mời gọi để sống tỉnh thức.
Thật ra, ngày của Chúa hay thời cánh chung đã thực sự khởi đầu với chính cuộc Phục sinh của Chúa Giêsu. Chúng ta đang thực sự đi vào trong ngày ấy, nếu chúng ta sống kết hiệp với Ngài và trở thành nhân chứng của Ngài trong lịch sử. Chúa Giêsu đã đến để đổi mới mọi sự như thánh Gioan Tông đồ đã viết trong sách Khải huyền, hoặc như thánh Phaolô đã viết trong thư 2Cor: "Ai ở trong Chúa Kitô cũng đều trở thành một tạo vật mới, cái cũ đã qua và cái mới đã có đây rồi". Chúa Kitô Phục sinh đang có mặt và tác động trong lịch sử loài người; chính Ngài đang phơi bày sức mạnh của tội lỗi là hận thù, ích kỷ, bạo động, và khơi dậy cũng như nâng đỡ những sức mạnh của chân lý, công bằng, liên đới, yêu thương. Bất cứ ai sống theo Ngài, người đó sẽ cảm thấy mình là tạo vật mới có sức thắng vượt quyền lực của sự dữ và tăm tối.
Giáo Hội đang làm chứng cho thế giới thấy rằng Giáo Hội đang làm chứng cho thời cánh chung, nghĩa là sống trong ngày của Chúa. Dấu chứng ấy khả tín hay không là tùy ở cuộc sống có khả tín hay không của các Kitô hữu. Cuộc sống lương thiện, công bằng, yêu thương, phục vụ, quảng đại của các Kitô hữu chắc chắn sẽ tạo một dấu cho mọi người thấy rằng họ là những tạo vật mới, rằng Chúa Kitô Phục sinh đang sống trong họ.
Nguyện xin Chúa Kitô Phục sinh sống trong chúng ta và hướng dẫn mọi tâm tư hành động của chúng ta.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM: LUÔN XẢY RA NHƯ TÀU TITANIC
Và cũng như thời ông Nô-ê, sự việc đã xảy ra cách nào, thì trong những ngày của Con Người, sự việc cũng xảy ra như vậy, thiên hạ ăn uống cưới vợ lấy chồng, mãi cho đên ngày ông Nô-ê vào tàu, và nạn hồng thủy ập tới, tiêu diệt tất cả. (Lc. 17, 26-27)
Biết chắc phải chết, nhưng người ta vẫn thích ăn chơi cho đã đời. Ăn uống, cưới hỏi, mua bán, gieo gặt, xây cất … cuồng nhiệt hoạt động đến mức sống tràn trề thỏa mãn trước khi tận diệt.
Phải lo tiên liệu
Ngày Con Người đến không chỉ là ngày ân thưởng, mà còn là ngày đe dọa xao xuyến sợ hãi. Người ta không thấy hạn kỳ ấn định, không ai biết được mình còn sống, không biết được đời sống tương lai. Nó hoàn toàn tùy thuộc vào sự ăn năn sám hối và mong đợi Chúa đến hàng ngày của mình.
Vậy phải coi chừng lo chuẩn bị trước: lịch sử cứu độ để lại cho chúng ta ít nhất là hai biến cố đầy ấn tượng mạnh mẽ. Đại hồng thủy thời ông No-e và lửa sinh diêm đốt thành Sô-đô-ma. Nước và lửa ai cũng biết là sức mạnh tàn phá kinh khủng. Biết bao lần nước và lửa tiêu hủy một cách tàn bạo bất ngờ. Vậy phải luôn luôn tỉnh thức phòng cháy, thoát lụt.
Ai có thể được cứu thoát?
Ngày ấy, phải bỏ lại tất cả bất cứ cái gì dù cần thiết cho đời sống. Vợ ông Lót miễn cưỡng đi theo chồng, nhưng lòng luôn luyến tiếc những cái phải bỏ lại. Bà là thứ tâm hồn không có lòng tin. Bất cứ lúc nào, ai không có thể từ bỏ của cải vật chất đời này, chắc chắn hư mất đời đời.
Chỉ có một điều cần thiết cho ngày ấy để có thể đứng trước mặt Chúa trong ngày phán xét là những ai làm việc hàng ngày với con mắt hướng nhìn lên Chúa, “không nhìn lại đàng sau” như vợ ông Lót, mới “thích hợp với nước Thiên Chúa”. Kẻ ru ngủ mình trong chè chén say sưa, chỉ nghĩ tìm những điều theo dục vọng “thì sẽ mất”. Cũng vậy, người đàn bà xay bột chỉ nghĩ đến tấm bánh ngon, thì sẽ bị thiêu đốt.
Các môn đệ hỏi: “Lạy Chúa, ở đâu vậy?”, cũng giống như câu hỏi của biệt phái hỏi bao giờ triều đại nước Thiên Chúa đến. Đức Giêsu cũng trả lời các môn đệ tương tự như trả lời biệt phái.
Ngày đó sẽ là ngày phán xét tất cả. Tất cả vũ trụ sẽ bị phán xét và người ta không thể trốn đi bất cứ đâu được. Không còn phao, xuồng cấp cứu nữa!
RC
SUY NIỆM: SỐNG TRỌN VẸN TỪNG GIÂY PHÚT CHO CHÚA
Sống sự thật luôn là một trong những lời mời gọi của Tin Mừng và cũng là một thách đố cho con người qua mọi thời đại. Trong bài đọc 1, Thánh Gioan nói về mối tương quan giữa sự thật và mệnh lệnh yêu thương: Những người sống trong sự thật là những người sống điều răn “đã nhận được từ Chúa Cha” (2 Ga 4). Điều răn này không phải được con người đưa ra, nhưng có nguồn gốc ở nơi Thiên Chúa, “đó là: chúng ta phải yêu thương nhau. Yêu thương là sống theo các điều răn của Thiên Chúa. Như anh em đã được nghe từ lúc khởi đầu, điều răn này là: anh em phải sống trong tình thương” (2 Ga 5-6). Trong những lời này, Thánh Gioan trình bày cho chúng ta nghe một sự thật, đó là tự bản chất con người sinh ra để yêu và được yêu; tự bản chất, con người được Thiên Chúa ghi khắc mệnh lệnh yêu thương trong tận thâm sâu của con tim. Nhưng con người nhiều khi để cho những kẻ mê hoặc hay phản Kitô lôi kéo, để rồi không còn sống theo mệnh lệnh yêu thương. Mệnh lệnh mà được Thiên Chúa diễn tả cách trọn vẹn nhất qua chính sự nhập thể của Đức Kitô: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nổi ban Con Một của Ngài” (Ga 3:16). Niềm tin vào mầu nhiệm nhập thể là vấn nạn mà những tín hữu trong cộng đoàn của Thánh Gioan đang đối diện. Thánh Gioan kêu gọi các tín hữu trong cộng đoàn đứng vững trong niềm tin của mình, vì chỉ qua Đức Kitô, họ mới có thể đến được với Thiên Chúa: “Phàm ai đi quá xa, không ở lại trong giáo huấn của Đức Kitô, thì không có Thiên Chúa. Còn ai ở lại trong giáo huấn, thì người ấy có Chúa Cha và Chúa Con” (2 Ga 9). Niềm tin vào nhập thể mời gọi chúng ta biến tình yêu của mình dành cho người khác bằng những hành động cụ thể chứ không còn là những lời nói suông như gió thoảng bay.
Bài Tin Mừng hôm qua trình bày cho chúng ta việc ngày của Con Người sẽ đến bất ngờ. Còn bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta thấy thái độ không sẵn sàng và không chuẩn bị cẩn thận cho ngày của Con Người của nhiều người môn đệ. Chúng ta có đang sống trong thái độ sẵn sàng chờ đón Chúa đến không hay chúng ta vẫn đang nô lệ cho những lo lắng của những công việc hằng ngày? Chúng ta có thể chia bài Tin Mừng ra làm hai phần: Phần 1 (Lc 17:26-30) trình bày cho chúng ta những ví dụ và hậu quả của những người không chuẩn bị cho ngày của Con Người; phần 2 (Lc 17:31-37) nói về những điều cần phải làm và những điều sẽ xảy ra trong ngày của Con Người.
Trong phần 1, Chúa Giêsu trình bày cho các môn đệ những ví dụ cụ thể về những người không chuẩn bị cho ngày của Con Người. Họ là những người cùng thời với ông Nôê. Trong khi ông Nôê “đóng tàu” để chờ đón Ngày đó [đây là hình ảnh của người làm theo huấn lệnh của Thiên Chúa], thì những người đồng thời với ông “ăn uống, cưới vợ lấy chồng” (Lc 17:27). Hành vi này cũng được tìm thấy nơi những người ở Xơđôm: “thiên hạ ăn uống, mua bán, trồng trọt, xây cất” (Lc 17:28). Những người không chuẩn bị đều có cùng một kết cục, đó là tất cả đều bị tiêu diệt (x. Lc 17: 27, 29). Qua những lời này, Chúa Giêsu muốn khuyến cáo các môn đệ phải cảnh thức, đừng để cho những lo lắng của cơm áo gạo tiền thay thế sự mong chờ ngày Ngài đến cách chủ động và cá vị. Hãy tránh thái độ làm việc để cho xong việc. Nhưng hãy làm với thái độ cộng tác với Chúa và mong chờ Ngài tỏ mình ra trong những gì mình đang làm. Những ai làm việc với tâm trí và con tim hướng về Thiên Chúa thì sẽ nhận ra Ngài khi Ngài đến [dù ban ngày hay đêm khuya].
Phần 2 trình bày cho chúng ta những điều sẽ xảy ra trong ngày của Con Người và những điều chúng ta phải làm. Trong phần này, chúng ta có thể rút ra những điều sau để suy gẫm: Thứ nhất, khi Con Người đến, các môn đệ phải làm gì? “Ngày ấy, ai ở trên sân thượng mà đồ đạc ở dưới nhà, thì đừng xuống lấy. Cũng vậy, ai ở ngoài đồng thì đừng quay trở lại” (Lc 17:31). Qua những lời này, Chúa Giêsu khuyến cáo các môn đệ rằng, họ chỉ sẵn sàng cho việc Ngài đến khi họ từ bỏ sự lệ thuộc vào của cải vật chất. Họ đang ở chỗ nào, thì theo Ngài ở chỗ đó chứ không tiếc nuối những gì bỏ lại đằng sau. Nói cách khác, những người sẵn sàng theo Chúa là những người từ bỏ thái độ “nhớ củ hành củ tỏi bên Ai Cập” – tức là không so đo, tính toán. Họ chỉ còn có một bận tâm, đó là đi theo Chúa khi Ngài đến, còn những thứ khác không quan trọng. Chúng ta đã sống thái độ từ bỏ này như thế nào? Mong rằng chúng ta không đặt của cải vật chất lên trên niềm vui theo Chúa.
Thứ hai, các môn đệ sẽ làm gì khi đối diện với sự chống đối và bắt bớ? Trong tình huống đó, Chúa Giêsu dạy các môn đệ rằng: “Ai tìm cách giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình, thì sẽ bảo tồn được mạng sống” (Lc 17:33). Câu này chỉ được hiểu trong bối cảnh lời tiên báo của Chúa Giêsu về việc bị người khác loại bỏ và việc Ngài đã chiến thắng khải hoàn. Như Chúa Giêsu, các môn đệ sẽ bị chống đối vì họ đi theo Ngài. Khi đối diện với sự chống đối và bắt bớ, người môn đệ được cảnh báo rằng họ phải luôn suy gẫm về ý nghĩa cuộc sống dương thế này hệ tại điều gì: Có phải họ từ chối Ngài để kéo dài mạng sống thêm một vài gang tấc hay để làm vui lòng con người? Hoặc có phải họ sẽ từ chối vinh hoa phú quý ở đời để làm chứng cho Ngài? Ý nghĩa cuộc sống dương thế này chỉ tìm thấy khi nó đưa chúng ta về với sự sống vĩnh cửu.
Thứ ba, điều gì xảy ra khi Con Người đến? “Thầy nói cho anh em biết: đêm ấy, hai người đang nằm chung một giường, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn bà đang cùng nhau xay bột, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại. Hai người đàn ông đang ở ngoài đồng, thì một người sẽ được đem đi, còn người kia bị bỏ lại” (Lc 17:34-36). Những lời này chỉ được hiểu trong bối cảnh của phần 1, đó là bối cảnh của ông Nôê và ông Lót. Nói cách cụ thể hơn, khi gặp tai ương, bắt bớ, có người sẽ được đưa ra khỏi sự huỷ diệt, nhưng có người lại không. Chi tiết này cũng cho thấy sự gần gũi giữa các thành viên trong cuộc sống này không phải là yếu tố bảo đảm cho điều kiện sinh tồn của cộng đoàn khi Con Người đến. Điều làm cho cộng đoàn sinh tồn là việc mỗi thành viên phải liều mất mạng sống mình cho Con Người. Chi tiết này mời gọi chúng ta xét lại các mối tương quan của mình. Nhiều lần, chúng ta có những tương quan rất gần gũi với người khác trong cuộc sống này. Nhưng sự gần gũi đó không bảo đảm cho chúng ta cuộc sống đời sau.
Cuối cùng, Chúa Giêsu khẳng định ngày của Con Người sẽ xảy đến cách chắc chắn: “Các môn đệ lên tiếng hỏi Đức Giêsu: ‘Thưa Thầy, ở đâu vậy?’ Người nói với các ông: ‘Xác nằm đâu, diều hâu tụ đó” (Lc 17:37). Chúa Giêsu sử dụng một hình ảnh tự nhiên để nói về sự hiển nhiên của ngày Con Người đến. Nói cách khác, việc Con Người đến thì hiển nhiên như xác chết hiện diện ở nơi đâu, chim diều hâu tụ họp ở đó. Chúa đã đến, đang đến và sẽ đến với mỗi người chúng ta. Đây là một điều hiển nhiên, đáng tin cậy. Đừng bỏ cuộc khi Ngài “chậm đến” với chúng ta.
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM:
Nếu con người mải mê với những thế sự trần gian, thì khi ngày của Con Người đến họ sẽ mất tất cả, giống như 2 câu chuyện trong Cựu ước mà Đức Giêsu nói đến trong bài Tin mừng hôm nay. Gia đình ông Nô-ê và ông Lot được cảnh báo về tình trạng tội lỗi của dân thành mà họ đang sống. Chắc chắn không phải chỉ một mình gia đình họ, mà mọi người đều được cảnh báo, chỉ có điều những người biết nghe lời Thiên Chúa qua lời loan báo của các ngôn sứ, họ thi hành, nên họ được cứu.
Thời đại nào cũng vậy, Thiên Chúa luôn luôn nhắc nhở con người bằng nhiều cách khác nhau để họ biết ăn năn sám hối, nhưng lúc nào cũng thế, cũng có những con người biết đón nhận, và những con người khước từ, họ vẫn “ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mua bán, trồng trọt, xây cất”, nghĩa là họ không quan tâm đến giá trị tâm linh, họ không màng đến Thiên Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa, xin cho con biết sám hối để chuẩn bị hành trang cho một cuộc vượt qua như ông Nô-ê và ông Lót là chính là biết bỏ đi những gì không cần thiết, để lại và cất cẩn thận tài sản của mình, trưng bày ra những nhu yếu phẩm để sử dụng cho cuộc hành trình… Muốn thế con phải luôn luôn quản lý cuộc đời mình cách chặt chẽ để không phải hối hận khi giờ Con Người đến. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn