THỨ TƯ TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN
Lc 14,25-33
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
25 Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ: 26 “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. 27 Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được. Từ bỏ hết những gì mình có.
28 “Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không?
29 Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: 30 'Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.'
31 Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng ?
32 Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. 33 Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.
SUY NIỆM: TỪ BỎ HẾT
Sống là chấp nhận từ bỏ.
Có những điều xấu phải từ bỏ
như tật nghiện thuốc lá, ma tuý, rượu chè, trụy lạc…
Cũng có điều tốt phải bỏ, để chọn một điều tốt hơn:
chọn nghề, chọn trường, chọn chỗ làm, chọn bậc sống…
Từ bỏ thường làm ta sợ và tiếc.
Bỏ chiếc giường êm để thức dậy đi lễ sáng.
Tắt tivi vì đến giờ đọc kinh tối gia đình.
Dành Chúa Nhật để học giáo lý và làm việc xã hội.
Nếu từ bỏ vì yêu, ta sẽ thấy nhẹ hơn, dễ hơn.
Người mẹ thức trắng đêm để đan nốt chiếc áo cho con.
Người mẹ “là mẹ hơn” qua những hy sinh vất vả.
Từ bỏ vì yêu chẳng bao giờ thiệt thòi, mất mát.
Cuộc sống văn minh cho ta nhiều chọn lựa.
Con người dễ chọn cái tầm thường hơn cái cao cả,
chọn khoái lạc phù du hơn hạnh phúc vững bền,
chọn lợi ích cho cá nhân tôi hơn là cho tập thể.
Xem ra con người thích cái dễ dãi hơn.
Kitô hữu là người đã chọn theo Ðức Giêsu.
Làm môn đệ Ngài là chọn đi vào đường hẹp, cửa hẹp.
Ngài đòi ta đặt tất cả dưới Ngài, yêu Ngài trên mọi sự,
trên những người thân yêu, trên của cải tinh thần, vật chất,
trên mạng sống mình, trên cả hiện tại tương lai.
Những thụ tạo trên thật đáng trân trọng,
nhưng chúng chỉ có giá trị tương đối
khi sánh với Ðức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người.
Kitô hữu là người sống từ bỏ như Ðức Giêsu.
Ngài đã bỏ vinh quang thần linh để làm người như ta,
đã sống và đã hiến mạng sống vì yêu Cha và nhân loại.
Từ bỏ là đi vào cửa hẹp cùng với Ðức Giêsu.
Phép Rửa đã cho chúng ta trở thành môn đệ Ðức Kitô.
Nhưng để là môn đệ đích thực của Ngài,
chúng ta cần từ bỏ mãi cho đến khi nhắm mắt.
Từ bỏ phải là thái độ nội tâm cần gìn giữ luôn.
Chúng ta dễ nghiêng như tháp Pisa.
Ðiều hôm nay chưa dính bén, mai đã thấy khó gỡ.
Ðiều đã bỏ từ lâu, nay lại bất ngờ hấp dẫn.
Từ bỏ điều tôi có, và cứ có thêm mỗi ngày
thật là một cuộc chiến lâu dài và gian khổ.
Chúng ta không được nửa vời, lừng khừng, thỏa hiệp.
Tháp đã bắt đầu xây, cuộc chiến đã khai mào.
Không còn là lúc ngồi xuống mà tính toán nữa.
Cần đầu tư để xây tháp, cần dồn sức để tiến quân.
Cần từ bỏ mọi vướng víu để tiếp tục trung tín.
Vẫn có những Kitô hữu chịu dở dang và bại trận,
vì họ không dám sống đến cùng ơn gọi làm môn đệ.
Từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu.
Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả.
Ước gì chúng ta vui khi gặp viên ngọc quý là Ðức Giêsu,
dám bán tất cả để thấy mình giàu có.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
sống cho Chúa thật là điều khó.
Thuộc về Chúa thật là một thách đố cho con.
Chúa đòi con cho Chúa tất cả
để chẳng có gì trong con lại không là của Chúa.
Chúa thích lấy đi những gì con cậy dựa
để con thực sự tựa nương vào một mình Chúa.
Chúa thích cắt tỉa con khỏi những cái rườm rà
để cây đời con sinh thêm hoa trái.
Chúa cương quyết chinh phục con
cho đến khi con thuộc trọn về Chúa.
Xin cho con dám ra khỏi mình,
ra khỏi những bận tâm và tính toán khôn ngoan
để sống theo những đòi hỏi bất ngờ của Chúa,
dù phải chịu mất mát và thua thiệt.
Ước gì con cảm nghiệm được rằng
trước khi con tập sống cho Chúa
và thuộc về Chúa
thì Chúa đã sống cho con
và thuộc về con từ lâu. Amen.
Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.
SUY NIỆM:
Để theo Chúa, chúng ta sẽ bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Đức Giê-su đòi những ai tin Người phải sẵn sàng vượt lên và thậm chí trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khoát chọn Chúa và bước theo Người
Lời của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay khẳng định sự chọn lựa dứt khoát ấy. Chúa mời gọi vượt qua mọi ràng buộc cá nhân để sống tương quan với Chúa bằng các tương quan đức ái với tha nhân. Chúng ta dừng lại suy niệm ở hai điểm chính:
1. Thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn
Chúa Giê-su đã đưa ra một đòi hỏi quyết liệt và dứt khoát:
“Ai đến với tôi mà không bỏ cha mẹ, vợ con, anh em và cả mạng sống mình thì không thể làm môn đệ tôi”.
Phải chăng Chúa Giê-su đặt ra một điều kiện của Chúa quá khó?
Sở dĩ Người đưa ra điều kiện như vậy để nói lên một sự dứt khoát chứ không phải nửa vời. Người không khuyến khích việc vô ơn bất hiếu với cha mẹ, hoặc phải sống vô tâm vô tình với người thân, nhưng là Người muốn nhấn mạnh đến sự ưu tiên chọn Chúa là trên hết và Người đòi hỏi sự so sánh hơn kém khi phải chọn lựa. Nếu phải chọn lựa giữa Đức Giê-su với cha mẹ và người thân, thì những người quyết tâm theo Chúa phải dám chọn Chúa Giê-su là gia nghiệp. Bỏ cha mẹ, vợ con, anh em là bỏ những cái gì ngoài mình, nhưng Chúa còn đòi hỏi hơn nữa là dám bỏ cả mạng sống nếu phải làm chứng cho Chúa.
Thời bách hại mà các thánh tử đạo đã thực hiện trọn vẹn theo nghĩa chặt đã qua, nhưng ngày hôm nay, chính mỗi Ki-tô hữu cũng vẫn luôn phải đứng trước một chọn lựa: một bên là chọn Chúa và một bên là chọn những thứ thuộc vật chất. Nếu để ý một chút, chúng ta dễ nhận thấy, hiện chúng ta đang ưu tiên dành cho bên nào hơn.
Điều khó từ bỏ hơn cả là “bỏ mình”, nghĩa là bỏ chính cái tôi ngầm ý hay minh nhiên tham vọng địa vị và lợi lộc cho mình, muốn biến mình làm trung tâm và làm cho sự hướng thiện không còn chỗ đứng trong tâm hồn của mình nữa.
Chúa không đòi chúng ta phải vác thập giá của Chúa, cũng không buộc chúng ta phải vác thập giá của anh em, mà Chúa muốn chúng ta vác thập giá của chính mình. Thập giá của mình là những hoàn cảnh, những khó khăn, những giới hạn của riêng mình, là trách nhiệm trong bậc sống của mình.
Từ bỏ không phải một lần là đủ, mà nó sẽ là một cuộc chiến liên tục trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta luôn bị cám dỗ tìm kiếm hơn là từ bỏ, thu tích, giữ chặt những gì chúng ta có, hơn là cho đi, chúng ta còn bị cản trở, níu kéo bởi bao nhiêu thứ tình cảm khiến chúng ta chưa sẵn sàng để theo Chúa.
2. Cân nhắc suy nghĩ trước khi lựa chọn
Theo Chúa và trở thành môn đệ của Người không phải là một sự ngẫu hứng nhất thời, hay một quyết định nông nổi, mà phải là một quyết định có suy nghĩ, cân nhắc và dứt khoát giống như một người dự định xây nhà, xây tháp thì phải biết đánh giá và tính toán kinh phí cùng với khả năng tài chánh, để khi đã quyết định rồi thì phải thực hiện cho bằng được, không để dang dở, cũng không để thất bại. Hay một người đi thi thì cũng phải biết lượng sức mình liệu có đạt không mới đăng ký thi, chứ không phải phó mặc cho may mắn mà chính mình không vất vả cố gắng đèn sách…
Là môn đệ của Đức Ki-tô, mang danh là Ki-tô hữu, nhưng nhiều người lại ngại ngùng với lời mời gọi thập giá. Nhiều người muốn tìm kiếm một Đức Giê-su dễ dãi không đòi hỏi, không điều kiện, không thập giá, và sẽ không bao giờ có thể có một Đức Giê-su như thế. Trái lại, khi đã chấp nhận làm học trò của Chúa Giê-su là phải chấp nhận dành cho Chúa mọi sự ưu tiên tuyệt đối, là dám hy sinh và sống chết vì Chúa.
Những ai chọn bước theo đời tu, họ phải suy xét kỹ và cầu nguyện xin ơn soi sáng, để xem mình có đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của Chúa qua linh đạo của các dòng hay tu hội.
Còn mọi Ki-tô hữu, đứng trước một chọn lựa, mà lương tâm và lề luật cho ta biết điều chúng ta sắp làm là không đẹp lòng Chúa, chúng ta có dám từ bỏ không, dù điều đó sẽ làm đẹp lòng cha mẹ, vợ con, anh chị và có lợi cho danh vọng chúng ta, nhưng lại có hại cho linh hồn?
Riêng các bạn trẻ, Chúa mời gọi các bạn từ bỏ sự lôi kéo mời chào hấp dẫn hào nhoáng giả tạo mà xã hội đang bày ra để làm lạc hướng các bạn. Hãy can đảm từ bỏ lối sống dễ dãi buông thả của người trẻ, để biết sống có kỷ luật đối với bản thân, có trách nhiệm với chính mình, với gia đình và với quê hương.
Lạy Chúa Giê-su, bước đường theo Chúa đòi hỏi chúng con một sự chọn lựa dứt khoát là chỉ chọn Chúa và sống tương quan với Ngài bằng tương quan đức ái với tha nhân. Xin cho chúng con biết từ bỏ những vướng bận làm cản trở việc chúng con đến với Chúa, để chúng con luôn được thanh thoát và trung kiên theo Chúa đến cùng. Amen
Hiền Lâm
SUY NIỆM: SỐNG SIÊU THOÁT
Trang Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy Chúa Giêsu có nhiều người hâm mộ đi theo. Chắc hẳn Chúa Giêsu rất nổi tiếng lúc bấy giờ, bởi vì Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ, giảng dạy Lời Chúa rất lôi cuốn và thu hút đám đông. Tin Mừng thuật lại như sau : “Khi ấy, có đông người đi theo Chúa Giêsu lên Giêrusalem.” Chúng ta biết rằng bối cảnh xã hội lúc đó rất phức tạp. Đất nước Do Thái bị đế quốc Rôma đô hộ, chiếm đóng. Khát vọng của dân chúng lúc đó là muốn có một Đấng Cứu Thế – Messia xuất hiện để lãnh đạo dân chúng dùng sức mạnh quân sự để giải phóng dân tộc khỏi nô lệ Đế Quốc Rôma, và làm cho dân tộc Do Thái trở nên bá chủ thế giới. Trong những nhân vật nổi tiếng thời đó, thì Chúa Giêsu là số một, vì thế khi Chúa Giêsu lên Giêrusalem thì dân chúng đi theo Người rất đông, vì họ hy vọng Chúa Giêsu sẽ làm phép lạ để lật đổ chế độ đế quốc Rôma. Chính vì có nhiều người quan niệm sai lầm khi đi theo Chúa Giêsu như vậy, nên Chúa Giêsu phải lên tiếng nói sự thật rằng : “Ai theo Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được.”
Như thế chúng ta thấy rằng, theo Chúa là vác thập giá, là từ bỏ tất cả để chọn lựa Chúa Giêsu là Đấng Tuyệt Đối của đời mình. Chính vì lý do đó nên ai mà đi theo Chúa Giêsu để tìm kiếm vật chất, quyền bính, sự an nhàn là một sai lầm. Trong 12 tông đồ, thì Giuđa là hình ảnh của một người thất bại. Giuđa theo Chúa để được quyền và tiền nên cuối cùng Giuđa đã thất bại và tự tìm đến cái chết. Còn 11 tông đồ còn lại, chúng ta thấy các ngài đã từ bỏ mọi sự để đi theo Chúa đến cùng. Các tông đồ đã can đảm tử đạo để nói lên lòng trung thành yêu mến của mình với Chúa Giêsu. Các ngài đã can đảm đón nhận đau khổ thập giá để đạt tới vinh quang phục sinh.
Ngày hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giêsu vẫn rất nổi tiếng vì có rất nhiều người hâm mộ, rất nhiều người tận hiến cả cuộc đời mình để trở thành môn đệ đích thực của Chúa Giêsu. Lời Chúa hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về con đường chúng ta đang đi. Chúng ta là những môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải vác thập giá bổn phận hàng ngày để đi theo Chúa. Công việc này khó khăn và trọng đại ví như là việc xây một ngọn tháp và như là đi đánh trận. Vì thế, Chúa Giêsu khuyên chúng ta phải cầu nguyện, tính toán, chuẩn bị chu đáo và cẩn thận khi quyết định đi theo Chúa trong tinh thần tự do thanh thoát.
CẦU NGUYỆN
Lạy Chúa, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con được bước theo Chúa. Chúng con biết rằng bản chất của con người là yếu đuối, vì thế tự sức mình chúng con sẽ không thể làm được gì. Xin Chúa dạy chúng con biết cậy dựa vào sức mạnh của Chúa, sự khôn ngoan hướng dẫn của Chúa và can đảm cộng tác với ơn Chúa. Xin Chúa hoàn tất những điều tốt đẹp mà Chúa đã khởi sự nơi mỗi người chúng con. Amen.
Lm. J.P
SUY NIỆM: ĐƯỜNG VÀO SỨ MẠNG, ĐƯỜNG THẬP GIÁ CHỨA CHAN HẠNH PHÚC
Đó là con đường phải bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, và cả mạng sống;
Bỏ, có nghĩa là – đem đặt tất cả trên đôi tay quyền năng của Thiên Chúa.
Phải vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Giê-su.
Một hành trình với những bước đi đến cùng, dù phải chia tay những người thân;
Một công trình phải thực hiện đến cùng;
Một trái tim của một tình yêu đến cùng.
Mỗi người tùy theo hoàn cảnh.
Cuộc đời là tiếng gọi.
Có những cuộc đời tưởng như lang thang vô định, nhưng vẫn tràn ngập tiếng gọi.
Chúng ta thử lần theo bước chân của một người:
Sáu tuổi mồ côi mẹ, giữa vùng quê nghèo xa xưa, mấy ai có đủ cơm ăn, ở nhà không xong, qua ở với bác và sau đó “ở đợ” hết nhà này tới nhà kia.
Lớn lên đi lính, vì tính chậm chạp, nên được giao cho nhiệm vụ phụ bếp.
Hết thời gian quân ngũ, khoảng năm 1947, về ở với cậu, ngay trong nhà xứ Thái Nguyên.
Thế là sau hơn 25 năm lưu lạc, tứ cố cô thân, trải qua bao mùa đói rét, chàng trai nay đã có điểm dừng.
Hành trang chẳng có gì ngoài một con tim hiền lành với tấm thân đơn nghèo,
“nơi anh không có gì gian dối”.
Chỉ nhiêu đó thôi, vậy mà đi tới đâu cũng được mọi người thương mến, giúp đỡ.
Vì cả hai cậu cháu đều độc thân, có thể ở ngay trong nhà xứ Thái Nguyên, lo vườn tược nhà xứ và nấu cơm cho các cha, cha xứ bấy giờ là cha chính Quảng.
Mãi tới giai đoạn tiêu thổ kháng chiến, khi ấy nhà thờ và nhà chung đều bị gỡ bỏ, cậu cháu mới kéo nhau ra dựng nhà ở ngay khu đất cuối nhà thờ.
Đến lúc này, ông cậu mới lấy vợ, một bà trước đó đã có chồng tu xuất nhưng đã chết.
Còn chàng trai cũng lấy vợ, tuổi đời năm đó xấp xỉ 38, không ở chung với cậu, nhưng theo bà con đi khai phá ruộng cấy lúa.
Khổ nỗi mặc dù đã cố học theo mọi người, nhưng vẫn không thể ra dáng một anh nông dân, đành phải ngày ngày tìm đến nhà cậu nhận giã gạo thuê để kiếm chút cám và gạo dư, còn vợ thì kiếm củi, mò cua bắt ốc đem bán.
Một mái tranh nghèo, nghèo nhất vùng, của ăn còn thiếu, lấy đâu ra của để. Vậy mà vẫn là một mái nhà an vui nhất vùng, sớm tối cả nhà quây quần chỉ biết cất cao lời kinh khẩn nguyện.
Mặc cho ai bám đất bám rừng để sống, vợ chồng con cái nhà này cứ “bám vào Chúa mà sống”.
Trong Chúa, mọi người vui sống, không hờn ai cũng chẳng trách ai và cũng chẳng than thân trách phận, đặc biệt người cha lúc nào cũng chậm rãi, có vội mấy thì cũng hít điếu thuốc lào đã.
Thế rồi một ngày giông bão năm 1968, trong một chuyến đò, chị bị đuối nước, để lại cho anh cảnh gà trống nuôi con, với 3 đứa con thơ nếm mùi mồ côi mẹ, trong khi đứa chị lớn mới lên mười.
Khi ôm xác vợ đặt vào lòng đất mẹ, anh cảm nhận thánh giá hằng ngày từ nay sẽ nặng hơn. Một thoáng lo âu khi nghĩ về ngày mai, không biết cha con sẽ xoay sở sao đây?
Thực ra, khi cha con đã quen với cảnh đơn nghèo, và khi con tim vẫn hết lòng cậy trông thì gian khó nào cũng vượt qua.
Vai mang thập giá mà mắt luôn hướng lên trời cao, chứ không cúi mặt lầm lũi, thì cả nhà luôn tìm được sức mạnh và an vui trong Chúa.
Cũng may, cô con gái dù mới 10 tuổi nhưng sớm hôm tần tảo, nhặt nhạnh từng củ khoai, gom góp từng bát cám đổi lấy chén cơm, phụ với cha, nuôi cả nhà.
Các cụ xưa có câu: “nhà nó khó thì con chị nó khôn”,
cái khôn ngoan học được từ tấm lòng hiền lành chân chất của cha,
và đôi tay tận tụy cũng như cái miệng thật thà và mau mắn của mẹ, ai gặp cũng dễ có cảm tình. Nhờ vậy, vào cái thời buổi buôn bán thứ gì cũng phải lén lút, mà gia đình vẫn đủ sống, rồi còn trả nợ được cho mẹ và bà ngoại nữa, thì đúng là phúc đức gia đình rồi.
Cô gái 10 tuổi rồi cũng lớn khôn, sớm tới ngày thành hôn, nhà trai cũng đáng mặt lắm, nhưng ngặt nỗi ngoại đạo, con trưởng và là “người lính”, con gái mình lỡ thương rồi thì đạo ai nấy giữ chứ biết sao đây.
Đám cưới, cô dâu vui bước về nhà chồng, trong khi người cha xuyến xao.
Ngọn tháp tình yêu xây dựng cho con gái cha đã tính đủ, nhưng vào việc lại thấy thiếu thiếu gì đó:
phần xác thì không lo, chỉ lo phần linh hồn của con thôi!
Phần hồn, với cha thì nhẹ nhàng, vì bao năm nay vẫn sống trọn mối phúc Chúa dành cho người nghèo, nhưng với con gái lúc này, như lao vào một trận chiến không cân sức.
Và người cha có thể làm gì hơn nếu không phải là đem đặt trọn gia đình mới của con trong tay Chúa.
Người đời thường nhắc bảo nhau: “phúc bất trùng lai”, đấy là khi mái nhà vắng bóng Thiên Chúa, chứ còn bước đường của người bao năm hết lòng trông cậy thì “muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”,
Vì thế, mặc dù sau đó ít năm,” người chồng ra đi trong một trận chiến, để lại vợ hiền với 2 con thơ,
và người cha cũng phải chia lìa con cái như “lá rụng về cội”, về với Đấng đã chăm sóc ông qua bao thăng trầm, và đáp lại, ông đã hết lòng tin yêu.
Đã đến lúc người mẹ góa phải đưa vai nhận lấy trọn thập giá mình hằng ngày là cuộc sống 3 mẹ con với gia đình cậu em. Khó đấy!
“Cái khó nó ló cái khôn”, hình như vậy.
Những năm sau này buôn bán dễ dàng, chị quay ra mở cửa hàng, cả cô con gái và cậu con trai, khi đã thành gia thất, cũng theo nghề của mẹ.
Được cậu con rể và cô con dâu rất ngoan, cả hai gia đình hòa hợp, chung nhau một cửa hàng, không những làm chung mà còn ăn chung nữa, mâm cơm gia đình bữa nào cũng vui lắm.
Cuối tháng, trừ ăn uống, chi tiêu, còn lại bao nhiêu thì chia đều cho nhau, dĩ nhiên là luôn cò phần cho mẹ ở nhà, vui với 4 cháu nội và 2 cháu ngoại.
“Phúc bất trùng lai”, không phải thế.
Bởi lẽ, khi mọi người trong gia đình cùng bước đi theo Chúa đến cùng,
khi mọi người cùng hết lòng tin tưởng với một tình yêu đến cùng,
thì gia đình là ân huệ,
hạnh phúc lai láng, mái nhà đầy ắp tiếng cười,
hôm nay và cho con cháu mãi về sau.
MM Tân, SJ.
SUY NIỆM: TỪ BỎ – LÀM MÔN ĐỆ CHÚA
rở thành môn đệ của Đức Kitô đó chính là ơn gọi của mọi Kitô hữu. Tất cả chúng ta đều được mời gọi bước theo Người trên hành trình đời sống đức tin của mình. Vậy, làm thế nào để có thể trở thành môn đệ Đức Kitô? Ngang qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã cho thấy điều kiện đầu tiên của người môn đệ đó là “từ bỏ”.
Quả thật, bước theo Đức Kitô luôn có một đòi hỏi tiên quyết đó chính là việc từ bỏ. Đức Giêsu đã nói cách rõ ràng: “Ai đến với Tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em và cả mạng sống mình, thì không thể làm môn đệ Tôi được. Ai không vác thập giá mình mà theo Tôi, thì không thể làm môn đệ Tôi được” (Lc 14,26-27).
“Từ bỏ” được hiểu ở đây chính là không lệ thuộc vào bất cứ điều gì hay bất cứ ai, mà chỉ còn lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa. Đức Giêsu muốn chúng ta hướng cùng đích cuộc đời mình vào Thiên Chúa, không bị chi phối bởi bất cứ điều gì từ vật chất, lối sống cho đến các mối tương quan nhân loại. Việc từ bỏ được bắt đầu từ con đường vác thập giá. Đức Giêsu mời gọi người môn đệ hãy tập vác thập giá của mình, vì đó là cách mà họ có thể bước theo Người trọn vẹn nhất.
Thập giá giờ đây chính là sự hy sinh từ bỏ, không chỉ là sự lệ thuộc vào vật chất nhưng còn là lối sống cũ với những đam mê xấu và thói hư tật xấu. Và qua việc từ bỏ, chúng ta đang thể hiện sự tự do tuyệt hảo mà Thiên Chúa ban tặng.
Lạy Chúa, trở thành môn đệ của Ngài là một vinh dự và hạnh phúc cho tất cả chúng con. Thế nhưng, thật khó để có thể từ bỏ mọi thứ mà bước theo Ngài. Xin đồng hành và thêm sức mạnh, giúp chúng con có thể vượt thắng sự yếu đuối của mình để luôn trung thành bước theo Ngài. Amen.
Tu sĩ Martinô Nguyễn Hoàng Vũ, SVD