THỨ BẢY TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN

Thứ sáu - 15/11/2024 03:42
THỨ BẢY TUẦN XXXII THƯỜNG NIÊN
Lc 18,1-8

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
1 Đức Giê-su kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. 2 Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. 3 Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ 4 Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, 5 nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.’”
6 Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! 7 Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi?
8 Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?”

SUY NIỆM: NGHỆ THUẬT CẦU NGUYỆN
Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu kể về 1 ông quan tòa nọ “chẳng kính sợ Thiên Chúa mà cũng chẳng coi ai ra gì”. Và rồi có 1 bà góa ngày ngày đến thưa thưa kiện kiện, xin ông minh xét. Mặc dầu ông ta cố giả điếc làm ngơ, nhưng sau 1 thời gian khá lâu cứ lặp đi lặp lại mãi như thế, nên ông ta tự nhủ rằng: “Thôi ta xét xử cho rồi, kẻo mụ góa này cứ đến hoài làm mình nhức đầu nhức óc”. Rồi Chúa Giêsu kết luận: Ngay cả tên quan tòa ngông cuồng ấy mà còn làm như thế, “vậy chẳng lẽ Thiên Chúa không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu Người sao?”
Qua hình ảnh ấy, và qua lời kết luận trên, Chúa Giêsu nhắn nhủ chúng ta rằng, là “hãy phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”.
Thế nhưng trên thực tế, có những lúc chúng ta xin mà không được, chúng ta tìm mà không thấy, chúng ta gõ cửa mà chẳng thấy Chúa mở cho. Vậy phải chăng Chúa không lắng nghe được lời cầu khẩn của chúng ta? Hay Chúa nghe mà Chúa không nhậm lời?
Để hiểu được lý do tại sao, thì khi cầu nguyện anh chị em hãy xác tín những điều này:
Về phía bản thân mình, anh chị em cần lưu ý 4 điểm:
Thứ nhất, khi cầu nguyện phải có niềm tin và niềm hy vọng. Đừng bao giờ cầu nguyện với tư tưởng “được thì được, không được thì thôi”. Cầu nguyện mà không có niềm tin và niềm hy vọng, thì chỉ là cầu may cầu rủi mà thôi. Mà nếu là cầu may cầu rủi thì sẽ không bao giờ được ơn đâu thưa anh chị em.
Thứ hai, khi cầu nguyện hãy xin những điều mình cần chứ đừng xin những điều mình muốn. Cần là cần cho đời sống đức tin của mình, cần cho hạnh phúc gia đình mình, cần cho hoàn cảnh mà mình đang gặp phải… Còn lòng muốn của con người thì vô đáy, được cái này lại muốn cái kia: “được voi lại muốn đòi tiên”, được no cơm ấm áo lại muốn giàu sang phú quý, được giàu sang phú quý lại muốn hưởng thụ xa hoa. Cầu nguyện mà chỉ đòi những điều mình muốn thì đến Chúa cũng phải “bó tay” thưa cộng đoàn.
Thứ ba, khi cầu nguyện đừng theo kiểu “tiền trao cháo múc”: con xin là Chúa phải nhậm lời, con nói là Chúa phải cho ngay. Thưa anh chị em, xin là chuyện của chúng ta, còn cho là chuyện của Chúa. Khách hàng mới là thượng đế, còn chúng ta chỉ là môn đệ của Chúa mà thôi.
Và thứ tư, khi cầu nguyện đừng làm “thầy” của Chúa, tức là đừng chỉ bày cho Chúa là phải ban cho con như thế này, ban cho con như thế kia. Chúa biết hết mọi sự. Chúa biết chúng ta đang cần gì, cần bao nhiêu, cần lúc nào. Và Ngài đã có cách của Ngài.
Đó là về phía chúng ta. Còn về phía Thiên Chúa thì anh chị em cũng hãy xác tín 4 điều này:
Một là, Thiên Chúa biết rõ điều chúng ta xin hơn cả chính chúng ta. Trước khi chúng ta nói gì, xin gì thì Ngài đều biết hết cả rồi. Và Ngài đã có cả 1 kế hoạch để trợ giúp và nâng đỡ chúng ta.
Hai là, trước một vấn đề nào đó, ta chỉ thấy 1 nhưng Chúa lại thấy 10. Vào những năm 1995-1997, khi còn khó khăn, ai cũng nhắm đến việc xin Chúa cho cuộc sống khá giả lên đôi chút để bớt khổ hơn. Nhưng anh chị em đâu ngờ rằng, khi giàu có lên thì chính con cái của chúng ta bị rơi vào những cám dỗ và cạm bẫy; khi giàu có lên thì đời sống đức tin và luân lý của con em chúng ta bị sa sút một cách trầm trọng. Chúng ta chỉ thấy và muốn cái lợi trước mắt, còn Chúa thì thấy cả những mối nguy hại ở phía sau.
Ba là, Chúa sẽ ban cho ta theo cách của Ngài, chứ Ngài không ban theo cách của chúng ta. Và hãy tin rằng, cách của Chúa thì hoàn hảo hơn nhiều so với cách của chúng ta.
Và bốn là, có đôi lúc Chúa muốn thử thách lòng kiên nhẫn của chúng ta. Và Thánh Phaolô cho biết, không một thử thách nào đã xảy ra cho chúng ta mà lại vượt quá sức chịu đựng của mỗi người. Thiên Chúa sẽ không để chúng ta bị thử thách quá sức; nhưng khi để chúng ta bị thử thách, thì Người sẽ cho kết thúc tốt đẹp”.
Như vậy thì không có chuyện Thiên Chúa không lắng nghe lời cầu khẩn của ta, cũng không có chuyện Thiên Chúa không nhậm lời ta. Ngài lắng nghe hết. Ngài nhậm lời hết. Và Ngài ban ơn theo cách thức của Ngài và vì phần rỗi linh hồn của ta.
Tóm lại, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy siêng năng cầu nguyện: cầu nguyện với trọn niềm tin cậy, cầu nguyện với lòng chân thành, và đừng bao giờ sờn lòng nản chí; rồi mọi sự Chúa sẽ ban cho. Amen.
Lm Antôn

SUY NIỆM: CẦU NGUYỆN KHIÊM TỐN, LIÊN LỈ VÀ VÂNG PHỤC
Dụ ngôn về vị quan tòa bất chính và bà góa được Chúa Giêsu kể cho các môn đệ với mục đích khuyên dạy các ông “phải cầu nguyện luôn và không được nản chí”. Cầu nguyện là một thực hành rất quen thuộc của những người có niềm tin tôn giáo, nhất là người Kitô hữu, bởi lẽ cầu nguyện cần thiết cho linh hồn cũng như hơi thở cần thiết cho cuộc sống. Tuy nhiên, dẫu là việc quen thuộc và đơn giản như hít thở, nhưng nếu được thực hiện theo những kỹ thuật nhất định sẽ đem đến những hiệu quả không ngờ. Một cách nào đó, cầu nguyện cũng thế, dẫu không phải là những kỹ năng cao siêu nhưng nếu chúng ta nắm vững một vài yếu tố căn bản thì việc cầu nguyện sẽ đem đến nhiều hiệu quả hơn cho đời sống thiêng liêng của chúng ta, thay vì chúng ta cầu nguyện cách máy móc mà không hề ý thức hay đặt đủ tâm tình vào đó. Lời Chúa hôm nay chỉ ra cho chúng ta một vài yếu tố sau đây.
Trước hết, hãy cầu nguyện với tâm tình khiêm tốn. Như bà góa chẳng thể làm gì và chẳng biết cậy nhờ ai ngoài vị quan tòa bất chính, chúng ta cũng chỉ có thể cầu nguyện cách tin tưởng và liên lỉ khi thấy mình hoàn toàn bất lực và chỉ có thể cậy trông nơi một mình Thiên Chúa nhân từ mà thôi.
Thứ đến, hãy cầu nguyện mọi nơi mọi lúc. Như người bà góa không ngần ngại làm phiền vị quan toà, chúng ta cũng đừng ngại liên lỉ chạy đến làm phiền Chúa. Không phải vì Chúa là Đấng quan liêu hay hống hách, nhưng vì Người muốn nhìn thấy sự cố gắng và thiện chí của chúng ta, cũng muốn thiết lập một sự giao tiếp với chúng ta.
Và sau cùng, hãy cầu nguyện với tâm tình vâng phục. Như người bà góa nài nỉ vị quan toàn “minh xét” cho mình, khi cầu nguyện, chúng ta cũng hãy vui vẻ đón nhận sự minh xét khôn ngoan của Thiên Chúa thay vì áp đặt ý muốn của chúng ta cho Người. Chúng ta đừng chỉ cầu nguyện để được nhận lời, nhưng hãy cầu nguyện với mong muốn duy nhất là nhận ra thánh ý khôn ngoan của Thiên Chúa.
Ước gì nhờ đời cầu nguyện và lời cầu nguyện đúng cách, chúng ta ngày càng ham thích việc cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng. Và chắc chắn, một khi chúng ta ham thích cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng, chúng ta sẽ tiến nhanh và tiến xa trong đời sống thiêng liêng, kết hiệp mật thiết với Chúa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng sức mạnh duy nhất chúng con có chính là lời cầu nguyện để chúng con không bao giờ lơ là hay xem nhẹ việc cầu nguyện. Xin cho chúng con biết cầu nguyện cách khiêm tốn và liên lỉ trong tâm tình hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa. Amen.
Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ

SUY NIỆM: PHẢI CẦU NGUYỆN LUÔN, KHÔNG ĐƯỢC NẢN CHÍ”
Trong bài Tin Mừng theo thánh Luca của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su kể dụ ngôn “Bà góa bị ăn hiếp và ông quan tòa bất chính”, để dạy các môn đệ và qua các môn đệ dạy chúng ta hôm nay, “phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (c. 1).
Hiểu dụ ngôn của Đức Giê-su với hai nhân vật chính bà góa và ông quan tòa, trong tương quan với việc cầu nguyện kiên trì, phải làm cho chúng ta ngạc nhiên.
1. Bà góa bị ăn hiếp
Điều gây ngạc nhiên đầu tiên, là hình ảnh bà góa “bị ăn hiếp". Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn và không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh người bệnh, người già, người nghèo, một đấng bậc, nhưng dùng hình ảnh người phụ nữ góa bụa! Hình như Đức Giê-su thương các bà góa cách đặc biệt, chẳng hạn bà góa thành Na-in có đứa trai nhỏ duy nhất bị chết sớm (x. Lc 7, 12), bà góa bỏ vào thùng tiền quên góp trong Đền Thờ, tất cả những gì mình có, là hai đồng tiền nhỏ (x. Lc 21, 2).
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su đề cao hình ảnh bà góa, có lẽ đó là vì người phụ nữ là hình ảnh đẹp nhất và đúng nhất để nói lên cung cách cầu nguyện liên lỉ, tín thác và cầu nguyện đến quên mình. Và hình ảnh người phụ nữ cầu nguyện tuyệt vời nhất, chính là Đức Maria; và ở bình diện xã hội, Mẹ cũng là một bà góa!
Tuy nhiên, lí do quan trọng nhất của sự kiện Đức Giê-su thích dùng hình ảnh bà góa, đó là vì hình ảnh này nói lên tốt nhất thân phận của loài người chúng ta. Giống như bà góa trong dụ ngôn, yếu thế trước sức mạnh của những người muốn hãm hại và trục lợi, loài người chúng ta cũng yếu thế trước sức mạnh của của Tội Lỗi, của Sa-tan, của Sự Dữ. Chính vì thế, điều khiến bà góa nhiều lần đến với ông quan tòa kêu xin sự minh xét, chính là tình cảnh bị ăn hiếp, chứ không phải là những nhu cầu, những yếu kém hay những khó khăn khác.
Trong thành đó, cũng có một bà goá.
Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: “Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho”. (c. 3)
Bị sự dữ ăn hiếp, như lúc con rắn, biểu tượng của sự dữ, ăn hiếp bà Eva trong vườn E-đen, chính là tình cảnh của cả loài người và của từng người chúng ta. Tình cảnh này cho thấy rằng sự dữ mạnh chúng ta, và chúng ta thật đáng thương trước mặt Thiên Chúa, hơn là đáng bị lên án và trừng phạt.
Như thế, chúng ta cần Thiên Chúa biết bao để được thương xót, được minh xét, được giải thoát khỏi tội lỗi, ma quỉ và sự dữ, vì nếu sự dữ mạnh hơn chúng ta, thì Thiên Chúa mạnh hơn sự dữ.
2. Ông quan tòa bất chính
Điều gây ngạc nhiên thứ hai, là chính là hình ảnh ông quan tòa bất chính. Để dạy các môn đệ bằng một dụ ngôn, phải cầu nguyện luôn, không được nản chí, Đức Giê-su không dùng một hình ảnh thật đẹp đẽ, thật đạo đức thánh thiện, nhưng lại dùng hình ảnh ông quan tòa bất chính:
Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa,
mà cũng chẳng coi ai ra gì.
(c. 2)

Nhất là thái độ này của ông được nói tới hai lần trong lời kể của Đức Giê-su (c. 2 và 4). Và điều càng gây ngạc nhiên hơn nữa, khi Đức Giê-su không ngần ngại so sánh ông quan tòa này với chính Thiên Chúa!
Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? (c. 6-7)
Người chưa hoàn thiện như chúng ta, người bất chính như ông quan tòa, còn biết đối xử tốt với người khác, huống hồ là Thiên Chúa tình yêu, nhân hậu và giàu lòng thương xót. Như thế, hình ảnh ông quan tòa bất chính được Đức Giê-su dùng trong dụ ngôn, chính là để làm bật lên sự tương phản tuyệt đối giữa:
Ø Một bên là vị quan tòa bất chính, còn bên kia là Thiên Chúa vô cùng công chính và thánh thiện, vô cùng bao dung và thương xót.
Ø Một bên là bà góa xa lạ đối với vị quan tòa, còn bên kia là “những người Thiên Chúa đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người” (c. 7), là người thân của Chúa, là chính chúng ta; vì như thánh Phao-lô nói, chúng ta được tuyển chọn làm nghĩa tử từ trước muôn đời trong Đức Ki-tô.
Ø Một bên vị quan tòa minh xét cho bà góa để khỏi bị quấy rầy, còn bên kia, Thiên Chúa đoái nghe và minh xét cho những người Ngài đã tuyển chọn, không phải để đừng bị quấy rầy, nhưng vì tình thương và lòng thương xót.
Vẫn chưa hết, như chúng ta đều biết và thậm chí có kinh nghiệm, các vị quan tòa xét xử chưa chắc đã công minh và tôn trọng sự thật. Nhưng Thiên Chúa thì không bao giờ như thế, bởi vì Thiên Chúa là sự thật, và còn hơn cả sự thật, Ngài là Tình Yêu thương xót.
3. “Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh”
Hai hình ảnh bà góa và ông quan tòa đã làm cho chúng ta ngạc nhiên, mời gọi chúng ta nhớ lại hình ảnh Đức Giê-su Ki-tô chịu đóng đinh, là hình ảnh diễn tả cho chúng ta khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa, và mãi mãi phải làm cho chúng ta ngạc nhiên.
Thật vậy, Thiên Chúa đã  minh xét cho chúng ta rồi bằng tình yêu và lòng thương xót, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh trên Thánh Giá, như thánh Phao-lô nói:
Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ ra nơi Đức Ki-tô.(Rm 8, 39)
Chúng ta chỉ cần kêu xin ơn giải thoát, đón nhận và sống tín thác đến cùng trong những thử thách của cuộc đời và của đời người.
Nhưng vẫn còn điều đáng ngạc nhiên thứ ba nữa, đó là câu nói sau cùng của Đức Giê-su trong bài Tin Mừng: Nhưng khi Con Người ngự đến,
liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa không?
(c. 8)

Đáng ngạc nhiên, vì phải chăng Đức Giê-su lo ngại rằng, lòng tin sẽ mai một đi nơi chúng ta và những thế hệ tương lai? Nếu là như vậy, chúng ta được mời gọi hiểu và sống (hơn là biết như kiến thức) mạnh mẽ hơn lòng tin của chúng ta bằng đời sống cầu nguyện liên lỉ. Nhất là với những hoa trái Chúa ban cho Giáo Hội và cho từng người chúng ta trong Năm Thánh về Đức Tin và Năm Thánh về Lòng Thương Xót, chúng ta được mời gọi để cho Chúa và Lòng Thương Xót của Người đi vào trong tâm hồn và trong cuộc sống của chúng ta, nhất là trong lựa chọn, và chúng ta được mời gọi lưu truyền lòng tin này cho mọi người hôm nay.
Bởi vì lòng tin nơi lòng thương xót của Chúa có sức mạnh cứu độ, như chính Đức Giê-su đã nói:
Lòng tin của con đã cứu con. (Lc 7, 50)
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc

SUY NIỆM: ĐỪNG BỎ CUỘC TRONG ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN
Trong bài đọc 1 hôm nay, Thánh Gioan mời gọi Gaiô phải luôn đưa đức tin của mình vào trong những hành động hằng ngày, dù hành động đó được thực hiện cho những người cùng niềm tin, quen thuộc hay những người không cùng niềm tin và xa lạ. Đời sống thấm nhiễm đức tin là đời sống làm chứng về đức ái. Hay nói cách khác, những người sống theo đức tin Kitô giáo là những người có một đức ái tuyệt hảo vì trung tâm điểm của Kitô giáo là đức ái. Theo Thánh Gioan, người Kitô hữu là người đồng hành với những người khác trên con đường về thiên quốc. Họ không chỉ sống xứng đáng trước mặt Thiên Chúa mà còn giúp cho những người đồng hành với họ sống xứng đáng với Thiên Chúa qua chính đời sống gương mẫu của mình: “Anh sẽ làm một việc nghĩa, nếu anh giúp đỡ cho chuyến đi của họ cách xứng đáng trước mặt Thiên Chúa. Quả thật, chính vì danh Chúa, họ đã ra đi mà không nhận gì của người ngoại” (3 Ga 6-7). Tình yêu của người Kitô hữu là tình yêu vô điều kiện, không loại trừ bất kỳ ai. Người Kitô hữu luôn sẵn sàng đón tiếp mọi người, nhất là những người muốn cộng tác vào việc truyền bá sự thật Nước Thiên Chúa qua đời sống bác ái. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại con tim mình: chúng ta có loại trừ ai ra khỏi tình yêu của mình không? Chúng ta có làm gương sáng về đời sống đức tin và đức ái cho người khác không?
Chúng ta đã nghe đoạn Tin Mừng này trong Chúa Nhật tuần XXIX  vừa qua. Chúng ta thấy mục đích của dụ ngôn này được nêu ra ngay trong câu đầu tiên: “Khi ấy, Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18:1). Những lời này cho chúng ta biết thính giả của dụ ngôn là các môn đệ Chúa Giêsu và mục đích của dụ ngôn là “để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.” Tại sao cầu nguyện là điều quan trọng đối với người môn đệ Chúa Giêsu? Chúng ta phân tích hai nhân vật trong dụ ngôn để rút ra những bài học cần thiết cho đời sống cầu nguyện của mình.
Trong phần dụ ngôn, Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh của người quan toà để ám chỉ về ngày cánh chung. Điều đáng ngạc nhiên ở đây là thái độ “cứng đầu” của người quan toà. Ông là người không sống theo giới răn mến Chúa, yêu người: “Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì” (Lc 18:2). Hay nói cách khác, ông là một người dân ngoại. Dù không sống theo giới răn yêu thương, nhưng sự quấy rầy của bà goá, người đến với ông để đòi sự “công bình.” Chúng ta có thể nói rằng, động lực thúc đẩy ông phân xử cho bà goá không đến từ tình bác ái, nhưng mang tính rất tự nhiên, đó là sợ bị làm phiền (x. Lc 18:4-5). Điều này cho thấy, tự trong bản chất con người có một “tia sáng” của tình yêu [tình yêu hướng về chính mình – sợ bị quấy rầy]. Chi tiết khác chúng ta đáng suy nghĩ là cả hai nhân vật đều sống trong cùng một thành (x. Lc 18:2-3). Chi tiết này cho thấy cả hai có sống trong sự hiệp thông: Hành động của người này ảnh hưởng đến người kia. Nói cách cụ thể, hành động của người quan toà mang lại công lý cho bà goá, và hành động của bà goá quấy rầy ông quan toà. Điều này mời gọi chúng ta phải luôn cẩn thận trong “cách ăn nết ở” của mình. Mỗi lời nói và hành động của chúng ta ảnh hưởng đến người khác.
Đi từ kinh nghiệm của con người, kinh nghiệm của ông quan toà và bà goá, Chúa Giêsu đưa các môn đệ đến một kinh nghiệm cao hơn, đó là kinh nghiệm về tình yêu của Thiên Chúa. Ông quan toà, dù là người bất chính (x. Lc 18:6), đã đáp lại lời cầu xin của bà goá. Làm sao các môn đệ lại không có niềm tin vào Thiên Chúa, Đấng “chậm giận và giàu tình thương.” Điều này được Chúa Giêsu diễn tả cách đầy yêu thương như sau: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ” (Lc 18:7-8). Quả thật, Thiên Chúa luôn lắng nghe và đáp lại những gì mà những người tuyển chọn của Ngài kêu xin. Ngài sẽ nhanh chóng minh xét cho họ. Điều kiện cần thiết của người môn đệ khi chờ đợi để được Thiên Chúa minh xét là niềm tin. “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18:8). Điều này khuyến cáo chúng ta rằng đừng vội đánh mất niềm tin của mình khi chưa nhận được những gì mình cầu xin. Đời sống cầu nguyện phải được nâng đỡ bởi đức tin sâu đậm. Nói cách hình tượng hơn, đức tin là dầu còn cầu nguyện là tim đèn. Như tim đèn sẽ không cháy lâu nếu không có dầu, thì cầu nguyện sẽ lụi tàn nếu không có đức tin.
Lm. Ngọc Dũng, SDB

SUY NIỆM: HÃY KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN
Lời cầu nguyện cũng phải xuất phát từ một tấm lòng chân thành, mong điều tốt đẹp đến với bản thân và những người xung quanh. Có nhiều người chỉ nghĩ đến Chúa khi cầu nguyện cho mình trúng số độc đắc, hoặc thăng quan tiến chức, hay thắng kiện trong những vụ tranh chấp. Cũng có người cầu nguyện mong điều ác xảy đến cho một người đang thù ghét mình.
Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về sự cầu nguyện, dạy các tông đồ cầu nguyện, đặc biệt trong kinh Lạy Cha. Chắc chắn các Tông đồ cũng gặp khó khăn trong việc cầu nguyện, thậm chí các ông có thể “nản chí”, nên hôm nay, Chúa Giêsu đã khuyên các ông: ”Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí”(Lc 18,1). Phải cầu nguyện liên tục và kiên trì.
Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ: “Phải cầu nguyện luôn, không được nản chí” (Lc 18,1). Người muốn các tín hữu chúng ta phải kiên trì cầu nguyện noi gương bà goá bị oan ức đã kiên trì xin ông quan toà “vốn không tin Chúa mà cũng chẳng kiêng nể người đời” minh oan cho bà. Nhờ biết kiên trì mà cuối cùng bà đã được ông thẩm phán minh oan.
Mỗi người chúng ta cũng phải kiên trì cầu nguyện, cả những lúc xem ra Chúa im lặng không đáp ứng các yêu cầu chính đáng của chúng ta với lòng tín thác cậy trông vào quyền năng và tình thương cùa Chúa như lời Đức Giêsu: “Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không bênh vực những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người, dù Người có trì hoãn ? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng bênh vực họ” (Lc 18,7-8a).
Không được đòi hiệu quả tức thời: Khi cầu nguyện, chúng ta tin chắc Chúa sẽ đáp lời cầu xin của chúng ta. Nhưng Ngài không ban lập tức theo ý riêng của chúng ta, mà ban vào thời gian và cách thức nào đó có lợi nhất cho chúng ta. Thời gian Chúa nhậm lời có thể kéo dài lâu hơn chúng ta nghĩ và cách Ngài ban ơn cũng có thể khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng thích hợp nhất và hữu hiệu nhất cho phần rỗi đời đời của chúng ta.
Phải biết cầu xin theo ơn Thánh Thần soi dẫn: Thánh Phaolô đã dạy: “Chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nhưng chính Thần Khí sẽ cầu thay nguyện giúp cho chúng ta… theo đúng thánh ý Thiên Chúa” (Rm 8, 26-27). Như thế, cầu nguyện không phải là chỉ biết xin ơn cách vụ lợi của chúng ta, cũng không phải là bản liệt kê những nhu cầu để yêu cầu Chúa ban theo ý của ta. Nhưng cầu nguyện là cuộc đối thoại với Thiên Chúa, trong đó, chúng ta kể ra các nhu cầu về thể xác và tinh thần của mình, và xin Ngài ban ơn theo thánh ý của Ngài, noi gương Chúa Giêsu đã cầu xin Chúa Cha trước cuộc khổ nạn: “Cha ơi! Nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26, 39).
Tuy nhiên con người vốn yếu đuối dễ nản chí, nên Đức Giêsu đã cảnh báo: “Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng ?” (Lc 18, 8).
Hẳn ta còn nhớ câu chuyện xảy ra trong thời kỳ Xuất Hành: khi dân Ítraen vượt qua sa mạc trong thời gian 40 năm để về tới Đất Hứa dưới quyền lãnh đạo của ông Môsê. Khi tới nơi, dân Ítraen còn phải giao chiến với các dân đang định cư trong miền đất đó.
Trong một trận chiến với quân Amaléc, ông Môsê đã trao trách nhiệm cho tướng Giôsuê trực tiếp giao chiến, còn ông Môsê thì ở trên núi giang tay cầu xin Đức Chúa ban ơn trợ giúp. Bao lâu Môsê còn giang tay cầu nguyện thì quân Ítraen thắng thế; Ngược lại khi ông mỏi mệt xuôi tay xuống thì quân Ítraen lại bị thua. Bấy giờ người ta để Môsê ngồi lên một tảng đá, rồi cử hai ông Aharon và Hur đỡ hai tay ông Môsê, để ông có thể giang tay cầu nguyện lâu giờ. Cuối cùng quân Ítraen đã toàn thắng. Qua đó cho thấy chiến thắng của quân Ítraen không những do sức mạnh chiến đấu của họ, mà còn nhờ vào sự phù trợ đắc lực của Đức Chúa do ông Môsê cầu xin.
Cuộc đời thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu kính ngày 1/10 hằng năm cũng cho thấy sự cần thiết phải cầu nguyện cho công cuộc rao giảng Tin Mừng. Từ năm 15 tuổi vào dòng kín và trong suốt chín năm tu luyện, Teresa đã không giảng đạo cho một người nào. Hằng ngày chị chỉ âm thầm hy sinh hãm mình để cầu nguyện cho các vị thừa sai và cho công cuộc rao giảng Tin Mừng của Hội Thánh, thế mà Hội Thánh đã đánh giá cao lời cầu nguyện của Têrêsa, tôn ngài lên làm thánh tiến sĩ của Hội Thánh và đặt ngài làm bổn mạng các xứ truyền giáo, ngang hàng với thánh Phanxicô Xaviê, là người đã dành suốt cả đời đi giảng đạo tại các miền đất thuộc Châu Á.
Thế nhưng rồi chúng ta cũng phải hiểu rằng đôi lúc Chúa trì hoãn, và việc trì hoãn đáp ứng lời cầu xin của chúng ta cũng có lý do mà chỉ Ngài biết. Chúng ta không nên tìm kiếm hiệu quả tức thì. Chúa sẽ đáp lời chúng ta lúc nào và cách thức nào có lợi nhất cho chúng ta, theo như thánh ý nhiệm mầu của Ngài. Thời gian Chúa nhậm lời có thể sẽ lâu hơn chúng ta tưởng, cách thức Ngài ban ơn có thể sẽ khác với ước nguyện của chúng ta, nhưng bao giờ cũng là lúc thích hợp nhất cho linh hồn chúng ta, bao giờ cũng là cách hữu hiệu nhất cho hạnh phúc vĩnh cửu cho mọi người.
Người có tâm tình cầu nguyện không chỉ xin những ơn cho riêng mình, nhưng còn để ý đến lợi ích của cộng đoàn và những người xung quanh. Đó là lời khuyên của Thánh Phaolô đối với môn sinh của mình là Timôthê. Ngài khuyên ông, hãy can đảm cậy trông, hãy kiên trì nhẫn nại để rao giảng Lời Chúa, lúc thuận tiện cũng như lúc không thuận tiện, nhằm mục đích giúp cho các tín hữu được trưởng thành trong đức tin.
Huệ Minh
SUY NIỆM:
Mục đích của dụ ngôn này được Luca ghi rất rõ ràng: “để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí.” Như vậy trước hết Đức Giêsu dạy ta phải cầu nguyện, vì cầu nguyện chính là sự nối kết con người với Thiên Chúa. Nếu không cầu nguyện chúng ta không thể có sự hiệp thông với Chúa.
Kế đến chẳng những cầu nguyện mà còn phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Vì thực tế có những người đã nản chí sờn lòng khi họ cầu nguyện mà không đạt được kết quả.
Về vấn đề này cần phải lưu ý đến việc mục đích của việc cầu nguyện là gì? Có phải là để bắt Chúa làm theo ý của ta? Có phải là để Chúa can thiệp ngay hoàn cảnh tang thươn, mất mát? Có phải là để Chúa cho ta hết bệnh ngay tức khắc?… Thưa không phải thế, vì tất cả mọi sự diễn ra đều không ngoài thánh  ý Chúa. Cầu nguyện là để ta thêm sức mạnh và vượt qua những khó khăn gian khổ, vì tin chắc một điều Chúa ở bên ta để cùng ta vượt qua cảnh khổ này.
Chính vì thế thay vì xin Chúa làm điều này điều nọ, thì xin Chúa cho ta luôn biết trung thành với Chúa.
Cầu nguyện :
Lạy Chúa dẫu cuộc đời có lắm nỗi chông gai và tương lai có mịt mù tăm tối, thì xin cho con biết rằng Chúa là vầng thái dương đang chờ con phía trước. Con cứ mạnh dạn tiến bước trong sự đồng hành nâng đỡ của ơn Chúa, thì chắc chắn con sẽ đến miền ánh sáng. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn


 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây