THỨ BA TUẦN XXXI THƯỜNG NIÊN
Lc 14,15-24
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
15 Nghe vậy, một trong những kẻ đồng bàn nói với Đức Giê-su: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!” 16 Người đáp: “Một người kia làm tiệc lớn và đã mời nhiều người. 17 Đến giờ tiệc, ông sai đầy tớ đi thưa với quan khách rằng: ‘Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn.’ 18 Bấy giờ mọi người nhất loạt bắt đầu xin kiếu.
Người thứ nhất nói: ‘Tôi mới mua một thửa đất, cần phải đi thăm; cho tôi xin kiếu.’ 19 Người khác nói: ‘Tôi mới tậu năm cặp bò, tôi đi thử đây; cho tôi xin kiếu.’ 20 Người khác nói: ‘Tôi mới cưới vợ, nên không thể đến được.’
21 “Đầy tớ ấy trở về, kể lại sự việc cho chủ. Bấy giờ chủ nhà nổi cơn thịnh nộ bảo người đầy tớ rằng: ‘Mau ra các nơi công cộng và đường phố trong thành, đưa các người nghèo khó, tàn tật, đui mù, què quặt vào đây.’
22 Đầy tớ nói: ‘Thưa ông, lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ.’ 23 Ông chủ bảo người đầy tớ: ‘Ra các đường làng, đường xóm, ép người ta vào đầy nhà cho ta. 24 Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.’”
SUY NIỆM: DỰ BÀN TIỆC NƯỚC TRỜI
1. Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài mở rộng cửa để đón tiếp mọi người vào dự bàn tiệc Nước Trời. Lời mời gọi có tính cách rộng rãi, Ngài mời gọi mọi người không trừ ai, dù tốt dù xấu, miễn là phòng tiệc phải đầy người. Tuy thế, lời mời gọi đó còn chờ sự đáp ứng của từng người, mỗi người có quyền tự do, họ có thể chấp nhận hay từ chối. Trong thực tế nhiều người đã từ chối lời mời gọi thật tình đó với đủ mọi lý do. Hôm nay, Đức Giê-su muốn nói đến lòng thương xót của Chúa Cha đối với mọi người, đặc biệt những người Do thái. Nhưng họ đã không đón nhận và đánh mất tình thương ấy, vì thế, ân lộc bị cất đi khỏi họ.
2. Hình ảnh đặc biệt của đoạn Tin Mừng hôm nay là một “bữa tiệc”. Trong Thánh Kinh, bữa tiệc thường quy hướng về hạnh phúc do Thiên Chúa ban cho (Is 25,6).
Tin Mừng hôm nay thuật lại: Hôm ấy, Đức Giê-su đang ngồi ăn chung với nhiều người khác trong một bữa tiệc do một thủ lãnh biệt phái khoản đãi. Bữa tiệc này làm cho một trong những thực khách được mời liên tưởng đến bữa tiệc thiên quốc, nên đã buột miệng nói ra “Phúc cho ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”(Lc 14,15).
Nghe thấy vậy, Đức Giê-su dùng ngay một dụ ngôn để trả lời cho người ấy. Đại khái, Ngài cũng đồng ý với người đó cho rằng, được hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa là một hạnh phúc thật lớn. Nhưng rồi Ngài đặt vấn đề. Vấn đề là người ta có sẵn sàng nhận lời mời vào Nước ấy hay không?
3.Tại Pa-lét-ti-na, mỗi khi có tổ chức một bữa tiệc lớn, thì khách luôn luôn được mời trước, và người chủ tiệc cũng nhận được câu trả lời của khách trước. Khi tiệc rượu đã sẵn, ông chủ sai các đầy tớ đi báo cho người được mời để họ đến dự. Bởi thế, một lời từ chối vào phút cuối quả là một tổn thương lớn cho người chủ tiệc.
Thiên Chúa là ông chủ của bữa tiệc Nước Trời cũng đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn cho Ít-ra-en. Các Tiên tri được sai đi gọi mời, và khách được mời cũng sống trong tâm tình chờ đợi. Nếu có sách các Tiên tri để loan báo về bữa tiệc thì cũng có các Thánh vịnh nói lên tâm tình tin tưởng và đợi chờ Thiên Chúa. Thế nhưng, khi giờ đến, lúc tiệc rượu đã chuẩn bị sẵn sàng thì khách được mời lại từ chối.
4. “Omnia parata sunt”: mọi sự đã sẵn sàng. Hạnh phúc Nước Trời luôn được Thiên Chúa chuẩn bị sẵn tất cả cho ta, cũng như cỗ bàn được ông chủ trong dụ ngôn chuẩn bị chu đáo (giáo huấn Tin Mừng, Giáo hội, bí tích, ơn Chúa…). Thế nhưng, tại sao lại có nhiều người không đến dự tiệc? Thưa, vì họ không muốn từ bỏ những thứ đang quyến rũ họ: một thửa đất mới, năm cặp bò mới tậu, một người vợ mới cưới. Những người đó đã không sai khi coi trọng những thứ vừa kể, nhưng họ sai vì coi chúng trọng hơn Nước Trời. Đức Giê-su đã dạy: ”Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Ngài. Tất cả những thứ kia Ngài sẽ thêm cho” (Mt 6,33) (Mỗi ngày một tin vui).
5. Chúng ta tự hỏi tại sao trước lời mời gọi đầy vinh dự của ông chủ giàu có mà khách mời lại có quá nhiều lý do để từ chối! Mà lại là từ chối vụng về bằng những lý do nhỏ nhặt không xứng tầm với “bữa tiệc lớn”. Ấy là chưa nói địa vị, vai vế của người chủ tiệc hẳn cũng đáng cho họ nể trọng. Chẳng lẽ họ ghen với ông vì ông giàu có; hay tại họ mặc cảm vì mình nghèo. Kể dụ ngôn này, hiển nhiên Đức Giê-su muốn nói tới “bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa” mà Cha Ngài chính là chủ tiệc. Quả thật đây là một nan đề cho thái độ lựa chọn của con người: mọi lý do để từ chối đều trở nên bất xứng trước lời mời như thế của Thiên Chúa. Từ chối là dấu chẳng còn tình nghĩa gì với Ngài. Bởi vì nếu yêu thì đã chấp nhận lời mời (5 phút Lời Chúa).
6. Truyện: Hai bữa tiệc.
Có người đã tưởng tượng ra thiên đàng và hỏa ngục như hai bàn tiệc thịnh soạn được bầy ra.
Bàn tiệc dưới hỏa ngục cũng mâm cỗ đầy, thế nhưng khách dự tiệc thì ngồi ủ rũ buồn thiu, bởi vì mỗi người cầm một đôi đũa dài đến độ gắp được thức ăn nhưng không thể đưa thức ăn ấy vào miệng của mình được.
Bàn tiệc trên thiên đàng thì cũng y hệt như vậy, nhưng khác một điều thay vì gắp thức ăn cho vào miệng mình, thì người ta lại gắp thức ăn đưa vào miệng cho người đối diện. Thế là vui vẻ cả nhà vì ai cũng được ăn no nê.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM: LỜI MỜI DỰ TIỆC
Một trong những hình ảnh Kinh Thánh dùng để nói về Nước Thiên Chúa, đó là bữa tiệc. Sách Cách Ngôn đã mô tả bữa tiệc của Ðấng Khôn Ngoan như một giá trị cứu rỗi. Ngôn sứ Isaia nói đến một bữa tiệc Thiên Chúa dọn ra cho dân khi thời Cứu thế đến, tất cả mọi người đều được mời đến dụ, không phân biệt ai. Ðó cũng là bữa tiệc mà Chúa Giêsu dùng để nói về Vương Quốc của Ngài.
Tại Palestina, mỗi khi có tổ chức một bữa tiệc lớn, thì khách luôn luôn được mời trước, và người chủ tiệc cũng nhận được câu trả lời của khách trước. Khi tiệc rượu đã sẵn, ông chủ sai các đầy tớ đi báo cho người được mời để họ đến dự. Bởi thế, một lời từ chối vào phút cuối quả là một tổn thương lớn cho người chủ tiệc.
Thiên Chúa là ông chủ của bữa tiệc Nước Trời cũng đã chuẩn bị một bữa tiệc lớn cho Israel. Các Tiên tri được sai đi gọi mời, và khách được mời cũng sống trong tâm tình chờ đợi. Nếu có các sách Tiên tri để loan báo về bữa tiệc thì cũng có các Thánh vịnh nói lên tâm tình tin tưởng và đợi chờ Thiên Chúa. Thế nhưng, khi giờ đến, lúc tiệc rượu đã chuẩn bị sẵn sàng thì kháck được mời lại từ chối.
Bàn tiệc Nước Trời vẫn được dọn ra và khách được mời hôm nay không ai khác hơn là mỗi người chúng ta. Bí tích Rửa tội là tấm thiệp cho phép chúng ta tham dự bàn tiệc này. Nhưng khi giờ đã đến, chúng ta lại để mình bị lôi cuốn bởi của cải vật chất, bởi thú vui trần thế, mà bỏ qua lời mời gọi đến tham dự bàn tiệc thánh.
Thiên Chúa vẫn mời gọi và chờ đợi chúng ta. Ước gì chúng ta hiểu đúng giá trị của bữa tiệc Ngài dọn sẵn cho chúng ta mỗi ngày, để với tất cả lòng yêu mến biết ơn, chúng ta tham dự, ngõ hầu chúng ta được mạnh sức tiến tới bàn tiệc vĩnh cửu trên Thiên quốc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
SUY NIỆM: CHỦ BỊ Ế MẶT
Đầy tớ nói: “Thưa ông lệnh ông đã được thi hành mà vẫn còn chỗ. Ông chủ bảo người đầy tớ: Ra các nẻo đường, dọc theo bờ rào bờ giậu, ép người ta vào đầy nhà cho ta. Tôi nói cho các anh biết: Những khách đã được mời trước kia, không ai sẽ được dự tiệc của tôi.” (Lc. 14, 22-24)
Một người đồng bàn nghe Đức Giêsu nói về ngày sống lại của những người công chính liền bình luận: “Phúc thay cho ai được dự tiệc trong nước Thiên Chúa”. Kẻ ấy chắc chắn được cứu độ và được hưởng hạnh phúc. Để lay chuyển quan niệm sai lầm về định mệnh vững chắc của họ, như thường lệ, Đức Giêsu dùng một câu chuyện tiếp tục liên quan đến một bữa tiệc lớn để đem áp dụng vào tiệc nước trời.
Khách từ chối vinh dự.
Quý khách đã được giấy mời dự đại tiệc và chủ biết ai sẽ đến. Trước bữa tiệc, như thường lệ, chủ sai đầy tớ đi mời lần nữa: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn”. Quý khách đã nhận lời trước, đến phút chót lại từ chối, làm chủ nhục nhã ế mặt quá. Những lời từ chối cho chủ thấy rõ: Họ quan tâm đến công việc của họ hơn đến dự tiệc với chủ mời. Xin kiếu vì mới mua thửa đất, mới tậu bò, mới cưới vợ.
Tất cả mọi người Ít-ra-en đều được Thiên Chúa mời dự tiệc nước trời. Bây giờ, Đức Giêsu đến mời lần chót. Cần phải ăn năn sám hối trở về vì đây là ngày cứu độ. Biệt phái từ chối lời mời của Người vì họ lo việc riêng của họ, quay mặt đi chỗ khác không lưu tâm đến Thiên Chúa. Họ phỉ báng và kiêu ngạo từ chối quà tặng vinh quang của Thiên Chúa.
Tặng ban cho những người bất hạnh.
Ông chủ lúc đó sai đi mời vào dự đại tiệc tất cả mọi người đã bị cộng đồng dân thánh Ít-ra-en loại bỏ. Vẫn còn nhiều chỗ trống trong đại tiệc, đầy tớ lại đi mời tất cả mọi dân tộc dân ngoại một cách tha thiết, khẩn khoản dù họ luôn luôn bị coi là thứ ô uế như cộng đồng Ít-ra-en khinh bỉ họ. Họ được thuyết phục để họ thấy mình thật sự được mời dự đại tiệc.
Trước sự chai đá của biệt phái đã từ chối tin vào Đức Giêsu, Người muốn nhấn mạnh để họ suy nghĩ rằng: Họ đã tự ý tách khỏi nước trời, trong khi Thiên Chúa vô cùng thương yêu đã kêu gọi những người nghèo khó và tội lỗi, dù họ cảm thấy họ là kẻ bất xứng nhất.
RC
SUY NIỆM: HẠNH PHÚC CHỈ CÓ ĐƯỢC KHI TA ĐẾN DỰ TIỆC
Xem thêm CN 28TN A (Mt 22,l-14) và thứ Năm tuần 20 TN
Nói theo ý hướng chủ quan: ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, ấy là lúc chúng ta tạm cầm chiếc vé để vào Nước Trời, tuy nhiên, điều đó có thành hiện thực hay không lại phụ thuộc vào thái độ, cung cách sống kế tiếp của chúng ta.
Tại sao lại thế? Thưa là vì nhiều người lầm tưởng rằng: đã lãnh Bí tích Rửa Tội là chắc chắn được vào Nước Trời, nên không hề lo lắng gì đến chuyện sống ra sao và phải làm những gì? Những người như thế, họ chẳng khác gì những cô trinh nữ khờ dại có đèn mà không có dầu; hay như những người đầy tớ ngủ mê nên không biết ngày nào, giờ nào chủ họ sẽ về; hoặc như gia chủ không tỉnh thức nên đã để kẻ trộm đào ngạch khoét vách và lấy đi những thứ trong nhà…
Họ thật giống những người Dothái hôm nay khi được mời dự tiệc, họ đã không thèm đếm xỉa tới lời mời thịnh tình của Chủ, nên cuối cùng họ đã không đến, mà ngược lại, những người tội lỗi, nghèo khổ, những người thấp cổ bé họng, những người bên lề xã hội lại được vào chung vui tiệc cưới của ông Chủ.
Ngày nay, sự dửng dưng vô cảm với bàn tiệc Nước Trời vẫn còn đó nơi người Kitô hữu chúng ta. Vì thế, không lạ gì khi vẫn có những người thích ăn chơi, nhậu nhẹt, chè chén say xưa; hay vẫn tin vào những chuyện mê tín dị đoan; hoặc những chân lý nửa vời nên không màng chi đến chuyện đạo đức, lễ lạy…, nên người ta dễ bỏ qua những việc bác ái, đạo đức thường ngày… Chúng ta nhiều khi sẵn sàng đặt để vai trò của Chúa xuống hàng thứ yếu, nhưng khi được hỏi thì vẫn nói là mến Chúa trên hết mọi sự! Ôi thật là một sự giả hình!
Tin Mừng hôm nay cho thấy, chủ tiệc đã dọn sẵn cỗ bàn để đãi khách. Thiệp mời cũng đã được gửi đi, nhưng niềm vui chỉ có được khi khách đến hiện diện nơi bàn tiệc mà thôi.
Thật thế, những người được mời đâu đoái hoài gì đến thiện ý của Chủ tiệc, nên đã đặt những chuyện cá nhân lên trên và viện cớ: nào là đi tậu đất, thăm trại, mua bò và mới cưới…
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta một mặt hãy có lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng yêu thương hết thảy mọi người, không phân biệt họ là ai… đồng thời cũng dạy cho chúng ta bài học về sự mau mắn đáp lại lời mời gọi của Chúa và thi hành những điều Chúa dạy để được sống đời đời. Niềm vui sẽ nên trọn khi chúng ta để cho tình yêu của Thiên Chúa phủ lấp trên mình và chi phối nơi cuộc sống của chúng ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin tha thứ vì những lần chúng con khước từ tình yêu của Chúa dành cho chúng con. Xin cho chúng con biết mau mắn đáp lại lời mời gọi yêu thương của Chúa để được hưởng sự sống đời đời. Amen.
Giuse Vinhsơn Ngọc Biển SSP
SUY NIỆM: XIN KIẾU
Nếu muốn, người ta tìm cách; còn không muốn, người ta tìm lý do, câu nói đó thật đúng với những vị khách mời được đề cập đến trong trình thuật Tin Mừng hôm nay. Được ông chủ mời đến dự tiệc lớn và có nhiều quan khách, đó là một niềm vui lớn lao. Thế nhưng, một số người đã xin kiếu với những lý do chẳng thoả đáng chút nào.
Trình thuật Tin Mừng cho chúng ta thấy bữa tiệc được ông chủ chuẩn bị một cách chu đáo: chuẩn bị tiệc lớn, mời nhiều quan khách (x. Lc 14,16). Không những vậy, trước giờ khai tiệc, ông chủ còn sai đầy tớ đến với quan khách: “Mời quý vị đến, cỗ bàn đã sẵn” (Lc 14,17). Đáp lại thái độ trân trọng và sự chuẩn bị chu đáo của ông chủ, một số khách được mời đã xin kiếu. Tuy nhiên, điều đáng nói ở đây là lý do mà họ đưa ra: “mới mua một thửa đất cần phải đi thăm”; “mới tậu năm cặp bò nên đi thử”; “mới cưới vợ nên không thể đến” (x. Lc 14,18-20). Những lý do ấy chứng tỏ họ đã chẳng muốn đến tham dự tiệc của ông chủ. Quả vậy, hình ảnh bữa tiệc trong dụ ngôn hôm này ngụ ý nói đến bữa tiệc trong Nước Thiên Chúa. Được vào dự tiệc Nước Thiên Chúa là một niềm hạnh phúc, thế mà nhiều người vẫn chối từ. Thật vậy, Thiên Chúa dọn sẵn tiệc Nước Trời và mời gọi con người dự phần nhưng không phải ai cũng muốn dự tiệc ấy. Thế nên, Đức Giêsu mới nói: “Phúc thay ai được dự tiệc trong Nước Thiên Chúa” (Lc 14,15).
Mỗi người Kitô hữu cũng được Thiên Chúa mời gọi đến dự bàn tiệc Thiên Quốc. Thế nhưng, không ít lần, chúng ta đã chối từ vì những bận tâm sự đời hoặc mải mê chạy theo những đam mê trần thế,… Thái độ đó làm chúng ta lỡ mất niềm hạnh phúc Nước Trời. Thế nên, ước mong, qua sứ điệp Tin Mừng hôm nay, mỗi người nhận ra lời mời gọi của Thiên Chúa và mau mắn đáp trả.
Lạy Chúa, thật hạnh phúc cho chúng con khi được mời tham dự bữa tiệc Thiên Quốc. Xin Chúa giúp chúng con can đảm gạt bỏ những gì cản trở hầu chúng con sẵn sàng và hân hoan vào dự tiệc mà Thiên Chúa đã dọn sẵn. Amen.
Tu sĩ Giuse Nguyễn Đình Trường, SVD