LỄ THÁNH GIUSE THỢ NHÀ HƯU DƯỠNG CÁC LINH MỤC PHAN THIẾT - 01/05/2024

Thứ tư - 01/05/2024 23:37


LỄ THÁNH GIUSE THỢ
NHÀ HƯU DƯỠNG CÁC LINH MỤC PHAN THIẾT - 01/05/2024

Trong bối cảnh mừng Kim Khánh 50 năm thành lập Giáo phận Phan Thiết, cả Giáo phận chúng ta dành ngày thứ tư đầu tháng để hướng về các linh mục cao niên trong Giáo phận. Thật trùng hợp, hôm nay cũng là ngày lễ Thánh Giuse Thợ, chúng ta tụ họp tại Đồi Thánh Giuse này để tôn vinh Thánh Giuse, bác thợ mộc làng Nazaret là người bảo vệ và nuôi sống Thánh Gia Thất. Xin Thánh Giuse cũng bảo vệ các linh mục cao niên trong giáo phận và chuyển cầu cho công trình xây dựng Nhà Hưu dưỡng này sớm hoàn thành tốt đẹp. Đó là lời mở đầu lễ của Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng khi ngài chủ tế thánh lễ chiều nay ngày 01/05/2024.
Cùng đồng tế với ngài có quý cha Tu đoàn Anh Em Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ và quý cha trong Giáo phận; có quý tu sĩ nam nữ, quý chủng sinh và rất đông quý bà con giáo dân cùng tham dự.
Khi bước vào mảnh đất nhà hưu dưỡng chúng ta nhìn thấy tượng Thánh Giuse được đặt trên một ngọn đồi, mặt quay về hướng đông âu yếm nhìn nhà hưu dưỡng có mặt tiền quay về hướng tây và giang rộng đôi tay để nâng đỡ quý cha hưu dưỡng. Nhìn ngắm một hình ảnh đẹp và tràn đầy ý nghĩa như vậy trong bầu không khí tĩnh lặng của buổi chiều hoàng hôn kết hợp với những tia nắng vàng nhẹ, thỉnh thoảng có vài cơn gió tươi mát đã làm tăng thêm sự nhẹ nhàng, an bình cho tất cả mọi người đang hiện diện nơi đây.
Trước giờ lễ, toàn thể cộng đoàn cùng nhau quy tụ tại lễ đài trước Đồi Thánh Giuse để   dành chút thời gian dâng lên Thánh Giuse những tâm tình và lời kinh nguyện đơn sơ.
Mở đầu bài giảng Đức cha Giuse đã chia sẻ: ngày lễ Thánh Giuse Thợ được Đức Thánh Cha Pi-ô XII xác định vào ngày 1.5; đó cũng là ngày toàn thế giới mừng ngày Lao Động Quốc Tế. Trong ngày này Thánh Giuse được tôn kính nhưng cũng qua đó Giáo Hội muốn nhắc nhớ đến giá trị lao động của con người. Lao động có ý nghĩ khi con người sử dụng sức lực và trí óc của mình để làm việc, họ nuôi dưỡng, bảo vệ và phát triễn đời sống của mình, của gia đình và làm cho đời sống đó được hạnh phúc và có ý nghĩa, sống xứng đáng với nhân phẩm con người. Qua thánh lễ này, người kitô hữu được mời gọi ý thức rằng chính họ nhận sự lao động này từ Thiên Chúa và phải quy hướng mọi lao động về Thiên Chúa.
Kế đến, Đức cha Giuse đã dùng đoạn Lời Chúa trong sách Sáng Thế (St 1,26-2,3) để nhắc đến kế hoạch nhiệm mầu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của Ngài, ban cho họ nhiệm vụ cao quý làm chủ trái đất. Thông qua món quà là công việc lao động, nhân loại tham gia vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa. Con người được mời gọi để cùng với Thiên Chúa sáng tạo, bảo vệ và góp phần phát triển vũ trụ và con người, là cao điểm của công trình sáng tạo.
Với đoạn Tin Mừng theo Thánh Matthêu (Mt 13,54-58) Đức cha gợi lên cho chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa làm người trong hình ảnh của một người lao động mà mọi người quen gọi là “con bác thợ mộc Giuse của làng Nagiarét”. Tước hiệu Thánh Giuse Thợ có vẻ hơi lạ, hình ảnh Giuse Thợ thật tầm thương, nhưng Giáo Hội muốn dùng tước hiệu và hình ảnh này để nói đến “giá trị của một bác thợ mộc, nghèo hèn, nhỏ bé”. Thánh Giuse đã nên thánh bằng những giọt mồ hôi và lao nhọc của mình trong cuộc sống thường ngày.
Lao động chân tay thường được coi là việc làm của những kẻ hèn hạ. Chúa Giêsu đã bỏ ra 30 trong số 33 năm ở trần thế để lao động; tại xứ sở Nagiarét Chúa Giêsu con Thiên Chúa đã học nơi Thánh Giuse người cha nuôi của mình giá trị của lao động, của việc tham dự vào chương trình sáng tạo của Thiên Chúa và việc Giáo Hội mừng kính Thánh Giuse Thợ là lời nhắc nhở chúng ta tôn trọng giá trị của lao động, đặc biệt là lao động tay chân và nhất là tôn trọng những người thợ công nhân nghèo hèn.
Đức cha tiếp tục kể lại câu chuyện Chúa Giêsu trở vể quê hương Nagiarét và giảng dạy trong hội đường. “Sự khôn ngoan và quyền làm phép lạ” của Ngài đã khiến cho những người đồng hương phải ngạc nhiên. Nhưng sự ngạc nhiên này không dẫn họ đến đức tin, bởi còn một chướng ngại ngăn cản, đó là xuất thân của Ngài : vì người ta biết quá rõ cha mẹ anh em Ngài đều là những người nghèo hèn quê mùa cho nên người ta không tin Ngài là Messia. Do người ta không tin, nên Chúa Giêsu không làm nhiều phép lạ. Những lời này đang mời gọi chúng ta hôm nay kiểm lại đức tin của mình.
Bài Phúc âm nhắc lại lời bình phẩm của người Nagiarét “nào ông ấy không phải là con bác thợ mộc hay sao?” Trong số các thành kiến của chúng ta, có thứ thành kiến “cha nào con nấy”, cha mẹ dở thì con không thể giỏi, cha mẹ xấu thì con không thể tốt. Đành rằng, di truyền cũng có ảnh hưởng phần nào đó, nhưng không phải là tất cả. Có biết bao tấm gương về những đứa con tài giỏi thánh thiện xuất thân từ cha mẹ tầm thường.
Là một người thợ ở làng Nagiarét, Thánh Giuse là mẫu gương người kitô hữu phải noi theo để chu toàn các bổn phận nghề nghiệp, vì Thánh Giuse đã làm việc trong tâm tình liên kết với Chúa Giêsu. Lao động thì vất vả nhưng cũng đem lại niềm vui. Lao động phục vụ con người nhưng cũng giúp đưa tới gần Thiên Chúa, đó là điều ta học được nơi trường học Nadarét.
Chính Thánh Giuse đã huấn luyện người con của mình là Đức Giêsu nơi “xưởng mộc Nagiarét”. Qua sự phục vụ trần thế của mình, Chúa Giêsu đã thánh hoá những công việc thông thường trong cuộc sống hằng ngày, xác nhận sự trọng đại của lao động và giá trị của công việc lao động.
Đức Giêsu phải đối mặt với những thách thức và sự hiểu lầm trong cuộc đời của mình. Mặc dù sự khôn ngoan và quyền năng kỳ diệu của mình, Đức Giêsu đã gặp sự không tin và từ chối tại quê nhà. Danh tính “là con trai của một bác thợ mộc” đã gây nghi ngờ trong lòng những người làng quê Nagiarét. Tuy nhiên, trước mặt khó khăn, cả Chúa Giêsu và Thánh Giuse vẫn kiên định trong cam kết với công việc bổn phận của mình: nuôi sống gia đình và phục vụ những người chung quanh qua những công việc lao động vất vả.
Kết thúc bài giảng Đức cha Giuse nói: mừng lễ Thánh Giuse Thợ hôm nay chúng ta được mời gọi để bắt chước Thánh Giuse và Chúa Giêsu qua việc: chấp nhận ơn gọi của mình với sự khiêm nhường và sự tận tâm. Ơn gọi đó là một công nhân, là một người nội trợ, một người cha, người mẹ, một tu sĩ, một linh mục. Dù chúng ta đang tham gia vào lao động thủ công hay các hoạt động trí tuệ, hãy nhận ra sự trọng đại tự nhiên của công việc của chúng ta và cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình với sự chính trực và tình yêu mến, nhằm thánh hóa đời sống của mình và đóng góp vào việc xây dựng Vương quốc của Thiên Chúa trên trần thế này.
Thánh lễ kết thúc lúc 18 giờ 15 trong trang nghiêm và sốt sắng.
Mượn tâm tình của Đức cha chủ tế thay cho lời kết: Thánh Giuse đã rất tích cực trong công việc bảo vệ Chúa Giêsu và Thánh Gia Thất, chắc chắn Thánh Giuse cũng sẽ tiếp tục bảo vệ Giáo Hội, đặc biệt Giáo Hội Việt Nam của chúng ta. Trong năm thánh này, đặc biệt mỗi thứ tư đầu tháng chúng ta quy tụ về mảnh đất này để tỏ lòng tôn kính đặc biệt với Thánh Cả Giuse như chúng ta đang tôn kính Đức Mẹ Tapao vậy.  
Ban truyền thông Giáo phận Phan Thiết.
Một số hình ảnh


  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây