Thứ Sáu tuần 19 thường niên.

Thứ năm - 12/08/2021 08:34

Thứ Sáu tuần 19 thường niên.

"Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy".

 

Lời Chúa: Mt 19, 3-12

Khi ấy, có những người biệt phái đến cùng Chúa Giêsu và hỏi thử Người rằng: "Có được phép rẫy vợ vì bất cứ lẽ gì không?" Người đáp: "Nào các ông đã chẳng đọc thấy rằng: Từ thuở ban đầu, Tạo Hoá đã dựng loài người có nam có nữ, và Người đã phán: Bởi thế nên người nam sẽ bỏ cha mẹ mà kết hợp với vợ mình, và cả hai sẽ nên một thân xác? Cho nên họ không còn là hai, nhưng là một thân xác. Vậy điều gì Thiên Chúa đã kết hợp, thì loài người không được phân ly". Họ hỏi lại: "Vậy tại sao Môsê đã truyền cấp tờ ly hôn mà cho rẫy vợ?" Người đáp: "Vì lòng chai đá của các ông mà Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy. Tôi bảo các ông rằng: Ai rẫy vợ, trừ nố gian dâm, và đi cưới vợ khác, thì phạm tội ngoại tình. Và ai cưới người đã bị rẫy, cũng phạm tội ngoại tình".

Các môn đệ thưa Người rằng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì tốt hơn đừng cưới vợ". Người đáp: "Không phải mọi người hiểu được điều ấy, nhưng chỉ những ai được ban cho hiểu mà thôi. Vì có những hoạn nhân từ lòng mẹ sinh ra, có những hoạn nhân do người ta làm nên, và có những người vì Nước Trời, tự trở thành hoạn nhân. Ai có thể hiểu được thì hiểu".

 

Suy niệm 1: Một xương một thịt

Suy niệm :

“Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phép phân ly.”

Lời của Đức Giêsu đã vang vọng qua hai mươi thế kỷ,

và vẫn thường được chọn để in trên thiệp cưới.

Phải chăng người ta ngầm nhắc nhau rằng

ly dị là từ không nên có trong từ điển của các đôi vợ chồng.

Tiếc thay số vụ ly hôn nơi các Kitô hữu đã gia tăng đáng kể.

Sống với nhau đến đầu bạc răng long trở thành một giấc mơ.

Trong xã hội Do Thái giáo thời Đức Giêsu,

người phụ nữ không được bình đẳng với nam giới.

Người vợ là một thứ tài sản của người chồng,

nên chỉ người chồng mới có quyền ly dị vợ, có khi chỉ vì một lý do cỏn con.

Trước câu hỏi: “Chồng có được phép ly dị vợ vì bất cứ lý do nào không?”

Đức Giêsu đã kiên quyết nói không (c. 6).

Ngài bênh vực các bà vợ bị áp chế.

Họ không phải là một món hàng bỏ đi khi không cần hay không ưng.

Lập trường của Ngài đi ngược với nền văn hóa và tôn giáo thời đó.

Điều này khiến chính các môn đệ bị sốc (c. 10).

Hóa ra các ông vẫn cho mình có quyền bỏ vợ khi họ muốn.

Người Pharisêu trích sách Đệ Nhị Luật (24, 1)

để biện minh cho việc được phép ly dị đúng theo Luật Môsê (c. 7).

Còn Đức Giêsu lại trích sách Sáng Thế (2, 24)

để nhấn mạnh cho sự hiệp nhất vĩnh viễn giữa đôi vợ chồng.

“Cả hai thành một xương một thịt” không chỉ về mặt thân xác,

mà còn trở nên một lòng, một ý, một ước mơ, một hành động.

Ngài khẳng định điều này đã có từ thuở ban đầu (cc. 4. 8)

và nằm trong ý định nguyên thủy của Thiên Chúa.

Việc Môsê cho phép ly dị chỉ là một nhượng bộ tạm thời (c. 8).

Đức Giêsu đến để hoàn chỉnh Luật Môsê

và khai mở ý muốn trọn vẹn của Thiên Chúa về hôn nhân.

Hôn nhân không phải chỉ là chuyện của hai người yêu nhau và lấy nhau.

Trong Lễ Cưới có sự hiện diện của Thiên Chúa là Đấng phối hợp.

Ngài tiếp tục bảo vệ tình yêu, cả khi hai người cùng muốn chia tay.

Hôn nhân không phải là một bản hợp đồng

mà hai bên được phép xé bỏ khi muốn.

Chung thủy mãi mãi là chuyện khó đối với con người thời nay.

Khi thịnh vượng, lúc gian nan, khi mạnh khỏe, lúc đau yếu,

khi buồn chán và thất vọng về nhau, khi yếu đuối và vấp ngã,

khi đổ vỡ quá lớn tưởng như không sao hàn gắn được,

khi đời sống vợ chồng thành như hỏa ngục trần gian…

khi ấy người ta cần Thiên Chúa để tiếp tục yêu thương và kính trọng nhau.

Xin bớt một chút ích kỷ tự ái, thêm một chút khiêm hạ yêu thương,

bớt một chút tự do đam mê, thêm một chút hy sinh tha thứ…

để gìn giữ tình nghĩa vợ chồng như quà tặng mong manh của trời cao.

 

Cầu nguyện :

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,

xin Cha nhìn xuống

những gia đình sống trên mặt đất

trong những khu ổ chuột tồi tàn

hay biệt thự sang trọng.

Xin thương nhìn đến

những gia đình thiếu vắng tình yêu

hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,

những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ

hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.

Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục

vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.

Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,

những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương

những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,

những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,

những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.

Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ

từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,

từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.

Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu

đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình;

nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ

hạnh phúc luôn ở trong tầm tay

của từng người chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: Giao ước

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Thiên Chúa muốn dựng nên con người giống hình ảnh Người. Thiên Chúa là tình yêu nên Thiên Chúa dựng nên con người để biểu lộ tình yêu của Người. Để biểu lộ tình yêu con người không phải chỉ là nam hay nữ nhưng là nam và nữ. Vì thế ơn gọi gia đình là cơ bản. Như Ba Ngôi nhưng chỉ một Chúa, gia đình tuy hai nhưng “họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt”. Như Ba Ngôi Thiên Chúa hoàn toàn dâng hiến cho nhau, vợ chồng cũng phải hiệp thông trong hoàn toàn trao ban và nhận lãnh: “Vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình”. Tình yêu Thiên Chúa trên trời còn cao siêu trừu tượng nên Thiên Chúa đã thực hiện cụ thể trong lịch sử đối với dân Ít-ra-en, để con người có thể chiêm ngưỡng và noi theo tình yêu trung tín của Người.

Gio-suê nhắc lại tất cả những việc Thiên Chúa làm để bày tỏ tình yêu với Ít-ra-en: đã tuyển chọn Áp-ra-ham; đã đưa ông vào đất Ca-na-an; đã đưa dân ra khỏi Ai-cập; đã chiến thắng tất cả các dân để thừa hưởng đất Ca-na-an: “Ta đã thả ong bầu bay đi trước các ngươi; chính ong bầu chứ không phải cung kiếm của các ngươi đã đuổi chúng. Ta ban cho các ngươi đất các ngươi đã không vất vả khai phá, những thành các ngươi đã không xây mà được ở, những vườn nho và vườn ô-liu các ngươi đã không trồng mà được ăn” (năm lẻ).

Tình yêu của Thiên Chúa đối với Ít-ra-en được Ê-dê-kiên ví như tình yêu giữa một người con trai và một người con gái. Người con gái xấu xí bị vứt bỏ và chê cười. Chúa đã cứu về, nuôi sống, và làm cho trở nên xinh đẹp. “Giữa muôn dân nước, ngươi được nổi tiếng vì nhan sắc của ngươi; nhan sắc đó tuyệt vời nhờ ánh huy hoàng của Ta chiếu toả trên ngươi”. Nhưng khi được xinh đẹp người con gái liền phản bội. “Thế mà ngươi đã cậy có nhan sắc, ỷ vào danh tiếng của ngươi đề đàng điếm và hoang dâm với mọi người khách qua đường”. Tuy thế Chúa vẫn trung tín và yêu thương. Vì đã giao ước. “Còn Ta, Ta sẽ nhớ lại giao ước đã lập với ngươi thời ngươi còn thanh xuân. Ta sẽ thiết lập với ngươi một giao ước vĩnh cửu” (năm chẵn).

Chúa muốn hôn nhân là hình ảnh của Chúa. Hình ảnh tình yêu. Hình ảnh giao ước. Hình ảnh trung tín. Chỉ có tình yêu thật mới trung tín với giao ước đến muôn đời. Chỉ có tình yêu thật mới tha thứ mãi mãi. Tình yêu thật chỉ có trong Chúa. Và như Chúa. “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em”(Ga 15,12).

 

SUY NIỆM 3: Vấn Ðề Ly Dị

Vào thời Chúa Giêsu, dựa trên luật Môsê được ghi lại trong sách Tl 14, 1-4, thì mọi trường phái giải thích luật đều phải nhìn nhận việc ly dị, nhưng có điểm khác nhau về lý do ly dị. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, còn trường phái Shammai gắt gao hơn, chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình mà thôi.

Những người Biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay, không phải về việc có được phép ly dị hay không, nhưng về lý do của việc ly dị: họ muốn Chúa Giêsu phải chọn một trong hai lập trường: hoặc cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, hoặc chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không theo lập trường của con người, không đứng về nhóm nào, nhưng Ngài kêu gọi trở về với chương trình nguyên thủy của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: "Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly". Ðời sống hôn nhân và gia đình giữa người nam và người nữ là một định chế do chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, chứ không do con người thiết định. Môsê cho phép ly dị vì chiều theo lòng dạ chai đá của dân chúng, chứ ngay từ đầu không có như vậy.

Chứng kiến cuộc đối thoại giữa Chúa Giêsu và những người Biệt phái, các môn đệ phản ứng: "Nếu sự thể việc vợ chồng là như thế, thì thà đừng lấy vợ còn hơn". Trong câu trả lời, Chúa Giêsu cho các ông biết là cần phải có ơn Chúa, con người mới có thể hiểu rõ ơn gọi cao cả của đời sống hôn nhân cũng như của đời sống độc thân trinh khiết vì Nước Trời. Bậc sống độc thân hoặc lập gia đình, không phải thuần túy tùy thuộc ý định con người, nhưng là một ơn ban đến từ Thiên Chúa. Nếu không tin có Thiên Chúa và bị ảnh hưởng của tinh thần thế tục, con người sẽ không hiểu giá trị cũng như không thể sống trọn vẹn ơn gọi độc thân hoặc lập gia đình. "Ai có thể hiểu được thì hiểu", ơn ban của Thiên Chúa tùy thuộc tự do của con người. Con người thời nay đã lạm dụng tự do để quyết định những điều nghịch lại chương trình của Thiên Chúa. Con người đã trần tục hóa cả bậc độc thân lẫn bậc hôn nhân và gia đình. Tất cả đều được phép, kể cả việc hai người cùng phái tính được luật pháp cho phép sống với nhau như vợ chồng, để rồi tình thương của cha mẹ đối với con cái trong trường hợp nào cũng bị hạ thấp.

Người Kitô hữu chúng ta đừng để mình bị cám dỗ chạy theo tâm thức trần tục. Giải pháp cho vấn đề không phải là luật lệ do con người đặt ra, nhưng là tình thương, là trở về với Thiên Chúa và chương trình nguyên thủy của Ngài khi tạo dựng con người. Ðiều này đòi hỏi nhiều cố gắng hy sinh, nhưng đó là bí quyết để con người sống trọn ơn gọi của mình và đạt hạnh phúc vĩnh cửu. Chúng ta đừng sợ cố gắng hy sinh, bởi vì Thiên Chúa sẽ trợ giúp chúng ta, nếu chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận Ngài và để Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng ta.

Xin Chúa canh tân tình yêu chúng ta, cho tình yêu chúng ta hòa nhập vào tình yêu thần thiêng của Chúa, để chúng ta sống trọn vẹn ơn gọi của chúng ta theo đúng chương trình của Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Thủy Chung Trong Hôn Nhân (Mt 19,3-12)

Cách đây vài năm, không những hai miền nam bắc Triều Tiên mà có lẽ cả thế giới cùng khóc trước cảnh tượng hai trăm người già của từ hai miền của đất nước bị chia cắt từ năm mươi năm nay gặp lại nhau, ôm chầm lấy nhau, chan hòa trong tiếng khóc và niềm vui đoàn tụ. Theo thống kê, có khoảng ít nhất bảy triệu gia đình Nam Hàn có liên hệ máu mủ với Bắc Hàn. Trừ một số nhỏ đã được đoàn tụ tại những nước thứ ba, phần lớn các gia đình Triều Tiên đều bị ly tán kể từ cuộc chiến tranh nam bắc hồi năm 1953. Gia đình đổ vỡ và ly tán vẫn là một trong những nỗi đau lớn nhất trong cuộc sống con người.

Không riêng gì chiến tranh, nạn ly dị mà chúng ta đang chứng kiến trong hầu hết các xã hội đương đại đã và đang là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vết thương khó hàn gắn nhất trong lòng người. Gia đình đứng vững, xã hội mới ổn định. Nhưng gia đình chỉ có thể đứng vững khi được xây dựng trên ý muốn của Ðấng Tạo Hóa về định chế hôn nhân mà thôi. Ðây là đạo lý mà Giáo Hội muốn mời gọi chúng ta cùng nhau ôn lại qua đoạn Tin Mừng hôm nay.

Câu hỏi mà những người biệt phái đặt ra cho Chúa Giêsu gợi lại cuộc tranh luận giữa các trường phái Do Thái về luật cho phép ly dị được Môsê qui định trong sách giới luật. Luật Môsê cho phép người đàn ông bỏ vợ, nếu tìm thấy nơi vợ một thứ tì ố kín đáo nào đó. Các trường phái có khuynh hướng phóng khoáng giải thích rằng nếu một người chồng gặp một người đàn bà khác đẹp hơn và nhận thấy vợ mình xấu xí đến độ nhờm tởm, người đàn ông ấy được phép bỏ vợ. Những người có chủ trương nhiệm nhặt thì cho rằng một tì ố đáng khinh tởm nơi người vợ chỉ có thể là hành động ngoại tình mà thôi.

Như vậy, đặt câu hỏi cho Chúa Giêsu, các biệt phái chỉ có ý gài bẫy Ngài, họ muốn Ngài phải đứng hẳn về một trong hai lập trường trên đây. Nhưng Chúa Giêsu đã tránh được cái bẫy do các biệt phái cài ra khi tuyên bố rằng Ngài hoàn toàn chống lại việc ly dị, dù bất cứ lý do nào. Trích dẫn sách Khởi Nguyên, Chúa Giêsu chứng minh rằng ngay từ đầu, Thiên Chúa muốn rằng vợ chồng phải nên một với nhau như một thể xác. Ðây là ý muốn minh thị của Chúa. Không có quyền bính nào trên trần gian này có thể đảo lộn ý muốn ấy của Ðấng Tạo Hóa. Qua khẳng định này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng hôn phối không chỉ là một giao ước giữa người nam và người nữ, mà còn là một thể hiện của chính ý muốn của Ðấng Tạo Hóa. Duy chỉ có ý muốn của hai người phối ngẫu chưa đủ để làm nên hôn phối, mà còn phải có ý muốn của chính Thiên Chúa. Nên vợ nên chồng không phải là nên một với nhau, mà còn là nên một với Thiên Chúa, hay đúng hơn, chỉ trong Thiên Chúa, hai người phối ngẫu mới thực sự nên một với nhau. Do đó, phá vỡ hôn ước, ly dị không chỉ là xé bỏ giao ước giữa hai con người, mà chính là chối bỏ chính Thiên Chúa.

Tựu trung, ly dị hay ngoại tình là phản bội chính Thiên Chúa; Khi Thiên Chúa bị loại ra khỏi tâm hồn thì dĩ nhiên con người cũng sẽ dễ dàng phản bội và loại trừ người khác. Và ngược lại, mỗi lần chúng ta phản bội hay loại trừ tha nhân, chúng ta cũng xúc phạm đến chính Thiên Chúa. Con người mang lấy hình ảnh của Thiên Chúa một cách thâm sâu đến độ xúc phạm đến con người là xúc phạm đến Thiên Chúa; và chối bỏ Thiên Chúa cũng đồng nghĩa với chối bỏ con người. Suy gẫm về sự thủy chung trong đời sống hôn nhân, chúng ta cũng nghĩ đến tình yêu trong mọi quan hệ giữa người với người. Về điểm này, lời của thánh Gioan nên được chúng ta tâm niệm và đem ra thực hành: Thiên Chúa là Tình Yêu, ai sống trong tình yêu, người đó sống trong Thiên Chúa.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 5: Người ngoại tình.

Những người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giêsu để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, cò được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?” Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ,” Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.” (Mt. 19, 3-4. 6)

“Những người biệt phái này điên rồ” Ôbelix nói thế. Từ khi họ thử gài bẫy Đức Giêsu, họ biết họ thất bại vì Đức Giêsu luôn trưng Thánh Kinh để trả lời họ.

Hạng đực rựa. (Le mâle)

Đoạn này cho ta thấy xã hội đực rựa thời đó. Chỉ có đàn bà là kẻ phạm tội ngoại tình, bị dãy bỏ. Đàn ông không có tội gì! giờ đây Đức Giêsu nhắc nhở họ phải tôn trọng người nữ, bình đẳng trước pháp luật và đàn ông cũng phải có trách nhiệm “ Kẻ dẫy vợ cũng phạm tội như kẻ cưới người đàn bà bị dẫy bỏ.”

Người ta thấy các tông đồ phản ứng: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ thì hơn.”

Ngày nay cũng không khác gì thời Đức Giêsu người ta không nói đến dẫy vợ nữa, nhưng nói đến ly dị, không bàn tán đến kết hôn nữa, nhưng nói đến tự do sống chung.

Người nam.

Giáo huấn của Đức Giêsu chính là luật tự nhiên. Sự kết hợp giữa hai người để xây dựng tốt hơn: hoàn toàn tôn trọng nhau. Đàn ông hay đàn bà không phải là máy móc để hành lạc hay con rối kỳ cục để thỏa mãn. Thời các tông đồ phản ánh ít nhiều thế. Chúa đã nhắc nhở họ nhớ đến phẩm giá là người. Thời đại chúng ta hầu như theo cái thứ luân lý buông thả. Chúa nhắc nhở chúng ta nhớ đến luật thương yêu tôn trọng lẫn nhau.

Chúa còn đi xa hơn về đời sống độc thân tự nguyện, phải kính trọng người khác và bản thân mình! Chúa không nghĩ phải khấn bậc tu trì. Nhưng, thời người đã có những người đáp lại tiếng gọi trở nên chứng nhân của đời sống vĩnh cửu, trường tồn.

J.M

 

Suy niệm 6: HÃY SỐNG CHUNG THỦY TRONG TÌNH YÊU (Mt 19, 3-12)

Xem lại CN 27 TN B, Thứ Sáu tuần 7 TN.

 “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?"                                    

Đây là một câu hỏi rất thâm độc của những người Pharisêu. Họ dùng phương pháp: “Nhất tiễn diệt song điêu”, tức là gài bẫy Đức Giêsu. Cái bẫy mà hôm nay họ đưa ra cho Ngài rất giống chuyện người đàn bà phạm tội ngoại tình mà họ nhờ Đức Giêsu phân xử, hòng tìm cách bắt Ngài.

Tại sao vậy? Thưa: Khi hỏi Đức Giêsu:  “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không?". Câu hỏi này được cất lên lại nằm trong vùng địa lý, đặc trị của Hêrôđê Antipas. Ông vua này mới ly dị vợ để lấy Hêrôđia, vợ của anh mình là Philipphê I. Ông ta đã bị Gioan Tẩy Giả phản đối và cuối cùng Gioan đã bị giết chết dưới sự độc ác của vua. Ý tưởng thâm độc của họ là: nếu Đức Giêsu đồng ý cho ly dị, thì trái ngược với Gioan và dân chúng sẽ phản đối vì họ rất tôn kính Gioan. Còn Nếu Đức Giêsu phản đối luật ly dị, thì sẽ bị chặt đầu như Gioan, và đồng thời nghịch lại với luật Môsê.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã không vướng vào cái bẫy của họ. Nhưng qua đây, nhân cơ hội này, Ngài đã giải thích cho họ hiểu vì sao luật Môsê cho phép ly dị. Câu trả lời của Ngài đã dựa vào Kinh Thánh: "Thuở ban đầu, Ðấng Tạo Hóa đã làm ra con người có nam có nữ, và Người đã phán: ‘Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt’. Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Còn việc tại sao ông Môsê cho phép ly dị là vì: ‘các ông lòng chai dạ đá, nên ông Môsê đã cho phép các ông rẫy vợ’”. Cũng nhân cơ hội này, Đức Giêsu đã tái xác định luật hôn nhân: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly".

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích Hôn Nhân trong Giáo Hội. Luật này do chính Chúa đặt ra chứ không phải do con người. Hơn nữa, hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và thủy chung với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Giáo Hội và không bao giờ xa lìa Giáo Hội.

Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa se kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi. Vì vậy, Đức Giêsu nói rõ ràng rằng: “Trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực, rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình".

Lạy Chúa Giêsu, xin làm cho đời sống hôn nhân ngày nay được ấm êm và hạnh phúc. Xin cho chúng con hiểu rằng: vì yêu thương mà Chúa đã chết vì chúng con, đến lượt chúng con cũng phải yêu thương nhau như Chúa yêu thương Giáo Hội. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Bất khả phân ly của ơn gọi hôn nhân

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu khẳng định tính cách bất khả phân ly của ơn gọi hôn nhân. Chúa cũng mời gọi sống độc thân để phục vụ Nước Trời. Ngài mời gọi ta hãy sống chứng nhân trong bậc sống mình.

Cầu nguyện: Lạy Cha, thật là hồng ân lớn lao khi trong xứ đạo có bao gia đình công giáo sống hạnh phúc ấm êm. Cha mẹ hy sinh quên mình, yêu thương lo lắng cho con cái, những người con ngoan hiền yên vui dưới mái ấm gia đình, đặc biệt vợ chồng trung thành với nhau suốt đời: đó là nét son nổi bật làm rạng rỡ cho ơn gọi hôn nhân công giáo. Họ là những đóa hoa tươi đẹp đáng khâm phục điểm tô cho Hội Thánh và nhân loại. Họ là ngọn hải đăng soi đường cho con thuyền của các gia đình khác.

Lạy Cha, các gia đình chúng con đang chịu áp lực của xã hội tiêu thụ, của khuynh hướng tự do khoái lạc, của khuynh hướng thế tục. Những đổi thay đang làm cho những giá trị truyền thống của gia đình bị chao đảo lung lay. Những rối loạn ấy đang phá vỡ kế hoạch của Cha về ơn gọi gia đình.

Xin cho các vợ chồng công giáo chúng con biết sống trung thành yêu thương nhau suốt đời. Xin Cha ban ơn giúp chúng con biết quên mình, biết nhịn nhục và tôn trọng nhau, biết chấp nhận và tha thứ cho những lỗi lầm thiếu sót của nhau.

Xin dạy con biết nhìn hoàn cảnh của những gia đình đổ vỡ với trái tim cảm thông cứu giúp, chứ không lên án loại trừ. Xin Cha giúp họ sớm hàn gắn vết thương và tìm lại được niềm vui.

Và từ gia đình, Cha mời gọi một số người hiến thân trong đời sống tu trì để chuyên lo việc phục vụ Nước Trời. Họ là những điểm sáng ánh lên tình yêu của Cha giữa trần thế. Xin cho các tu sĩ luôn trung thành với ơn gọi cao cả ấy. Amen.

Ghi nhớ: “Vì lòng chai đá của các ngươi mà Môsê đã cho phép các ngươi rẫy vợ; nhưng từ ban đầu thì không có như vậy”.

 

Suy Niệm 8: Không được phân ly

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Khi Đức Piô X đắc cử giám mục Mantua, một ngày kia ngài về thăm mẹ. Chuyện trò vui vẻ một hồi lâu và trong khi nói chuyện, ngài vui cười chỉ cho mẹ thấy chiếc nhẫn của giám mục.

Bà mỉm cười, đưa bàn tay chai cứng phô chiếc nhẫn cưới mỏng manh, mộc mạc. Bà nói: “Không có chiếc nhẫn này sẽ chẳng có chiếc nhẫn giám mục của con”.

Suy niệm

Tình yêu hôn nhân được nuôi dưỡng sẽ hợp nhất giữa hai người nam và nữ, tình yêu này bền vững trăm năm khi được Thiên Chúa chúc phúc và ràng buộc: “Sự gì Thiên Chúa đã liên kết, loài người không được phân ly” (Mt 19:6).

Thánh Phaolô còn nhấn mạnh: “Sự kết hợp này là một mầu nhiệm cao cả; như tôi muốn nói về Đức Kitô và Hội Thánh” (Ep 5,32). Tình yêu của một người nam và một người nữ, được chỉ thị bởi Chúa Kitô, tham dự vào chính tình yêu của Ngài dành cho Giáo hội và trở nên một dấu chỉ của tình yêu này giữa thế gian (x. Ep 5,21-33). Đó là sự ràng buộc thánh khiến họ gắn kết với nhau như lời tuyên thệ hôn nhân: Hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em (anh), khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi yếu đau cũng như lúc mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng em (anh) mọi ngày suốt đời tôi.

Nghĩa là dù ở tình trạng sức khỏe như thế nào, sự chung thủy vẫn tồn tại nơi tâm hồn của những người mang nghĩa vợ tình chồng. Chính vì cao đẹp như thế tình yêu gia đình là dấu chỉ của tình yêu vĩ đại nơi Thiên Chúa Ba Ngôi như Giáo hội khẳng định: ”Gia đình diễn tả cho các thành viên của mình mầu nhiệm của tình yêu Ba Ngôi ở giữa lòng thế giới. Nó có thể được gọi là một “Bí Tích” của tình yêu Thiên Chúa…, nơi mà người ta trước hết có kinh nghiệm về yêu thương và học biết cách yêu thương và cầu nguyện” (Tông huấn Ecclesia in Asia, số 46). Dù được Thiên Chúa chúc phúc và ràng buộc, nhưng tình yêu phải được gìn giữ dưỡng nuôi bên hai người bằng sự dấn thân hết mình vì tình yêu. Vì hạnh phúc của gia đình, điều cần thiết và là nền tảng: Người chồng trong cách đối xử luôn tế nhị và yêu thương, nâng đỡ chia sẻ những niềm vui và thất bại của cuộc sống với vợ mình thể hiện qua câu ca dao:

Cơm này nửa sống nửa khê

Vợ đơm chồng nếm chẳng chê cơm này.

Điều này rất hợp với lời dạy của thánh Phaolô: “Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ” (Cl 3,19). Ngược lại, người vợ là niềm vui và nỗi chia sẻ nặng nhọc lo âu của chồng qua cử chỉ chăm sóc, nụ cười tình yêu làm những nỗi nặng nhọc lo âu nơi người chồng tan biến:

Ra đường lắm chuyện bực mình

Về nhà gặp vợ cười tình cũng vui.

Những gì trên đây mà cha ông ta dạy về gia đình rất hài hòa với giáo huấn của thánh Phaolô khuyên các gia đình “anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại... chịu đựng và tha thứ... và trên hết mọi sự, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3,12-14)

Nghĩa vợ chồng luôn được vun trồng nơi cả người vợ lẫn người chồng, cả hai cùng vượt qua những vui buồn trong cuộc sống. Những khó khăn gian nan không hề làm cạn nghĩa vợ tình chồng. Bí quyết để nghĩa vợ chồng luôn bền vững là trao cho nhau tình yêu như lời dạy và gương sống của Đức Kitô: “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã hy sinh mạng sống mình vì bạn hữu” (Ga 15,13).

Ý lực sống :

Đã rằng là nghĩa vợ chồng

Dầu cho nghiêng núi, cạn sông chẳng rời. (Ca dao)

 

Suy Niệm 9: Chung thủy trong hôn nhân

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Đức Giêsu khẳng định luật nguyên thuỷ của hôn nhân là một vợ một chồng: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly”, thế mà con người ngày nay đang đi ngược với luật Chúa. Biết bao cảnh gia đình tan rã, vợ chồng phân ly không ngừng diễn ra trên thế giới. Điều đó cho thấy con người đang đánh mất dần ân sủng và hiệu quả của Bí tích Hôn phối. Đức Giêsu còn nhấn mạnh tự nguyện sống độc thân trọn vẹn để phục vụ Nước trời. Đó chính là ơn gọi sống đời dâng hiến, một ơn gọi cao quí Thiên Chúa ban riêng cho người Chúa chọn.

Vào thời Chúa Giêsu, dựa trên luật Maisen được ghi trong sách Thứ luật 14,1-4, thì mọi trường phái giải thích luật đều phải nhìn nhận việc ly dị, nhưng có điểm khác nhau về lý do ly dị. Trường phái Hillel cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, còn trường phải Shammai gắt gao hơn, chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình mà thôi. Những người biệt phái đến chất vấn Chúa Giêsu như được ghi lại trong Tin mừng hôm nay, không phải về việc có được phép ly dị hay không, nhưng về lý do của việc ly dị: họ muốn Chúa Giêsu phải chọn một trong hai lập trường: hoặc cho phép ly dị vì bất cứ lý do gì, hoặc chỉ cho phép ly dị trong trường hợp ngoại tình.

Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không theo lập trường của con người, không đứng về nhóm nào, nhưng Ngài kêu gọi trở về với chương trình nguyên thuỷ của Thiên Chúa khi tạo dựng con người: “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly”. Đời sống hôn nhân và gia đình giữa người nam và người nữ là một định chế do chương trình của Thiên Chúa khi tạo dựng con người, chứ không phải do con người thiết định. Maisen cho phép ly dị vì chiều theo lòng dạ chai đá của dân chúng, chứ ngay từ đầu không có như vậy (Mỗi ngày một tin vui).

Đọc trong Tân ước chúng ta thấy thánh Phaolô đã không ngần ngại coi mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người như một hôn ước, và Thiên Chúa cũng được mô tả như một người chồng chung thuỷ. Như vậy, dù sống trong bậc vợ chồng hay khấn giữ độc thân, bất cứ ai cũng được mời gọi sống chung thuỷ với Thiên Chúa. Khi vợ chồng phản bội nhau, họ không những thất tín với nhau, mà còn phản bội với Thiên Chúa nữa. Khi một người khấn giữ độc thân vì Nước trời, lỗi lời thề hứa của họ là họ đã phản bội Thiên Chúa. Vậy nếu hình ảnh Thiên Chúa đã được khắc ghi trong con người, thì mỗi lần con người chối bỏ hình ảnh ấy, con người đã phản bội Thiên Chúa. Con người có thể chối bỏ hình ảnh Thiên Chúa nơi chính mình, cũng như phản bội lại Thiên Chúa khi bắt tay với thần dữ, để phạm tội hoặc xúc phạm đến nhân phẩm của người khác (R.Veritas).

Lời bài hát “Chúa vẫn trung thành mãi, dù thời gian bao năm đổi thay, dù tình ta nghi nan hững hờ, thì muôn ngàn đời, Chúa vẫn trọn tình thương” nhắc nhở ta điều vẫn diễn ra trong lịch sử cứu độ đầy yêu thương của Chúa: con người dù có luôn bất tín và phản bội, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn tín trung thực hiện giao ước của Ngài đã ký kết để cứu độ dân Ngài. Sự trung tín của đôi vợ chồng trong giao ước hôn nhân được đặt nền tảng trên lòng trung tín của Thiên Chúa như mẫu mực. Đến lượt họ, qua việc sống chung thuỷ yêu thương nhau trong đời sống vợ chồng, họ lại trở thành chứng nhân loan báo sự trung thành của Thiên Chúa Tình yêu (5 phút Lời Chúa).

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy ý thức tính bất khả phân ly của Bí tích hôn nhân trong Giáo hội. Luật này do chính Chúa đặt ra chứ không phải do loài người. Hơn nữa, hình ảnh người nam, người nữ kết hợp và chung thuỷ với nhau diễn tả hình ảnh Đức Kitô yêu thương Giáo hội và không bao giờ lìa xa Giáo hội. Vì thế, nguyện ước sống chung, không phải do loài người đặt ra, nhưng chính Thiên Chúa sẽ kết người nam và người nữ, để yêu thương, giúp đỡ nhau, sống trung thành với nhau đến trọn đời. Chỉ có cái chết của một bên mới cho phép bên kia được tái hôn mà thôi. Vì vậy, Chúa Giêsu nói rõ ràng rằng: “Trong lúc mối dây hôn nhân vẫn còn hiệu lực, rẫy vợ mà lấy vợ khác là phạm tội ngoại tình”.

Truyện: Chung thuỷ trong hôn nhân

Catarina Yaguello là vợ của bá tước Vasa, người Phần Lan. Vì bị buộc tội phản loạn, vua Phần Lan xử Vasa với bản án tù chung thân.

Khi hay tin này, nữ bá tước Vasa là Catarina Yaguello đã đến xin phép nhà vua cho bà được chia sẻ số phận tù đày với chồng bà.

Vua Phần Lan lúc đó là Hériste đã ngạc nhiên trước lời xin của Catarina. Nhà vua đã dùng mọi lý lẽ để thuyết phục Catarina bỏ ý định điên rồ kia. Nhà vua hỏi bà:

- Ngươi có biết rằng, chồng ngươi sẽ không bao giờ nhìn thấy ánh sáng mặt trời nữa không?

- Thưa hoàng thượng có.

- Và ngươi có biết rằng, nay thì chồng ngươi không còn được đối xử như một bá tước nữa, mà bị đối xử như một tên phản loạn không?

- Thưa hoàng thượng biết, cho dù có được tự do hay tù tội, có tội hay vô tội, đức lang quân này vẫn là chồng của tiện nữ.

Đức vua ngắt lời bà:

- Nhưng mà giờ đây, còn điều gì ràng buộc ngươi với hắn nữa đâu? Ngươi được tự do mà.

Nữ bá tước Vasa tháo chiếc nhẫn cưới đang đeo ở tay ra đưa cho nhà vua và nói:

- Xin hoàng thượng đọc cho.

Trên mặt chiếc nhẫn chỉ khắc vỏn vẹn có hai chữ “mors sola”, nghĩa là chỉ có cái chết mà thôi.

Thế là Catarina được nhà vua cho phép chia sẻ với số phận tù đày với chồng, sống trong ngục, chịu cảnh khổ đau nhục nhã trong suốt 17 năm trường, cho đến khi vua Hériste qua đời. Lúc đó hai vợ chồng bá tước Vasa mới được trả tự do.



 

SUY NIỆM

1. “Có được phép rẫy vợ mình…”?

Một số người Pharisiêu đến hỏi Đức Giêsu: “chồng có được phép rẫy vợ không?” Ngày nay, cả hai vợ chồng đều được mời gọi chia sẻ bổn phận lo cho đời sống gia đình, tùy theo khả năng và hoàn cảnh; vì thế, câu hỏi này phải được nói lại như sau: vợ chồng có được phép bỏ nhau không? Bởi vì, ngày nay, người vợ cũng có thể chủ động bỏ chồng của mình!

Những người Pharisiêu hỏi như thế là để thử Đức Giê-su. Thử, nghĩa là đặt người khác vào trong một tình huống khó khăn, để xem người này có nói sai hay hành động sai hay không nhằm kết án. “Thử” ở đây tương đương với hành động giăng bẫy. Và câu hỏi của những người Pharisiêu thực sự là một cái bẫy chết người; thực vậy, nếu Ngài trả lời không được phép, Ngài sẽ nói ngược với Luật Môsê, mà Luật Mô-sê đến từ chính Thiên Chúa; nếu trả lời được phép, Ngài sẽ trở thành người đồng lõa với tệ nạn lạm dụng sự cho phép của Lề Luật để bỏ nhau, một cách vô trách nhiệm và gây hậu quả sâu rộng, trong thực tế.

2. Sự Dữ và Lề Luật

Quả thật, có điều luật, được viết trong sách Đệ Nhị Luật, đòi buộc phải làm giấy li hôn, trong trường hợp li dị (x. Đnl 24, 1). Đặt vào bối cảnh lịch sử, thực ra, đó là một luật tiến bộ, đặc biệt theo hướng tôn trọng người phụ nữ: thay vì đuổi vợ bừa bãi, thì người chồng phải viết chứng thư, trao tận tay để nàng có thể làm lại cuộc đời. Nhưng Đức Giêsu, một cách thật bất ngờ, mặc khải cho người nghe thực trạng mà từ đó luật được ban hành, thực trạng mà Đức Giêsu gọi là “lòng chai dạ đá” của con người. Luật được ban, điều này có nghĩa là “cái xấu”, sự dữ đã có mặt. Chẳng hạn luật cấm giết người, điều này có nghĩa là người ta đã giết người trong thực tế! Điều này đúng cho mọi Lề luật, xưa cũng như nay, đời cũng như đạo.

Như thế, Lề Luật chỉ giới hạn và ngăn cản, như cái đê chắn sóng nước hung dữ, chứ không thể giải quyết tận căn sự dữ có trong lòng con người, gây tai hại cho đời sống con người, trong đó có đời sống hôn nhân và gia đình; hơn nữa, trong thực tế, chính khi nại đến Luật, để biết được phép hay không được phép, thì giao ước, tình yêu, lòng trung thành, tương quan hiệp nhất đang bị tổn thương và có nguy cơ rạn nứt và đổ vỡ. Khi nói đến Luật, thì sự dữ đã có đó rồi, tương tự như khi người ta thiết lập luật li dị hay nói đến luật li dị. Điều lạ lùng là khi có lề luật, cái xấu không bớt, nhưng lại càng sinh sôi (x. Rm 7, 7-13), như chúng ta thấy hiện nay trong mọi lĩnh vực, bởi vì tương quan tình yêu, tình bạn, tình đồng bào và đồng loại đã bị đỗ vỡ (hay nghiêm trọng hơn, không được xây dựng từ khởi đầu) ngay trong lòng con người.

3. Trở về nguồn gốc: ơn sủng và tình yêu

Đức Giê-su quan tâm đến cái xấu đang có mặt trong lòng con người, và mời gọi chúng ta giải quyết tận căn bằng cách trở về với nguồn gốc.

  • Ở nguồn gốc, không có lề luật, chỉ có ơn sủng nhưng không tuyệt đối: người phụ nữ là một tuyệt tác của Thiên Chúa, Đấng Tạo hóa, ban không cho người đàn ông; và ngược lại, người đàn ông, vốn là tác phẩm đầu tay của Thiên Chúa, được ban không cho người phụ nữ. Người phụ nữ là tuyệt tác, vì được dựng nên từ xương thịt con người, vốn là tinh hoa của sáng tạo; trong khi đó, người đàn ông được dựng nên từ bùn đất. Vì thế, người phụ nữ được gọi là phái đẹp và tượng trưng cho sự dịu dàng.
  • Ở nguồn gốc, là tình yêu hai người dành cho nhau một cách quảng đại và nhưng không, cùng với lời cam kết thuộc về nhau vĩnh viễn, vì cả hai một cách tự do, trở nên “một xương một thịt”.

Nguồn gốc của sáng tạo là ơn sủng và tình yêu, và ở ngọn nguồn của mỗi đôi hôn nhân cũng như vậy, cũng là ơn sủng và tình yêu. Bởi vì người con trai hay người con gái đã làm gì cho người kia, mà người này lại tự nguyện thuộc về mình suốt đời, tự nguyện cho đi, trao vào tay người kia cuộc đời mình? Xóa bỏ hay quên đi tình yêu nhưng không ban đầu này, đời sống hôn nhân sẽ không còn nền móng, và sẽ mau chóng đổ vỡ. Bởi vì, đời sống hôn nhân không thể chỉ đặt nền tảng trên lề luật, cho phép hay không cho phép, nhưng đặt nền tảng trên ơn sủng, ơn sủng nhưng không của Thiên Chúa ban người kia cho mình, ơn sủng nhưng không của người này trao ban cho người kia; và từ đó phát sinh lời cam kết vĩnh viễn thuộc về nhau, cho dù cuộc đời bể dâu.

Vợ chồng chọn nhau, nhưng còn được mời gọi đón nhận nhau như quà tặng yêu thương của Thiên Chúa, trong một Giao Ước được Thiên Chúa đóng ấn vĩnh viễn. Tình yêu và Giao Ước của Thiên Chúa mới là đá tảng vững bền cho đời sống hôn nhân và gia đình. Bởi lẽ, cảm xúc của chúng ta hay giao động và không ổn định.

Và ơn gọi dâng hiến cũng cò cùng một nền tảng: ở ngọn nguồn là ơn huệ sự sống, tái tạo sự sống và ơn gọi nhưng không Chúa ban, và chúng ta liều mình đáp lại vĩnh viễn và qua từng ngày sống, với lòng cảm mến, với tâm tình tạ ơn và ca tụng: “Chúa ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả” (Thánh I-nha-xiô, Kinh Dâng Hiến).

*  *  *

Lời cam kết tình yêu của Thiên Chúa là Chân Lý, nghĩa là luôn luôn đúng. Lời cam kết của chúng ta, trong giao ước hôn nhân cũng như trong lời tuyên khấn, cũng được mời gọi trở nên “chân lí”, nghĩa là luôn luôn đúng, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
 

Điều gì Thiên Chúa đã liên kết – SN Song ngữ ngày 13.8.2021

 

 

Friday (August 13):
What God has joined together

 

Scripture:  Matthew 19:3-12

3 And Pharisees came up to him and tested him by asking, “Is it lawful to divorce one’s wife for any cause?” 4 He answered, “Have you not read that he who made them from the beginning made them male and female, 5 and said, `For this reason a man shall leave his father and mother and be joined to his wife, and the two shall become one flesh’? 6 So they are no longer two but one flesh. What therefore God has joined together, let not man put asunder.” 7 They said to him, “Why then did Moses command one to give a certificate of divorce, and to put her away?” 8 He said to them, “For your hardness of heart Moses allowed you to divorce your wives, but from the beginning it was not so. 9 And I say to you: whoever divorces his wife, except for unchastity, and marries another, commits adultery.” 10 The disciples said to him, “If such is the case of a man with his wife, it is not expedient to marry.” 11 But he said to them, “Not all men can receive this saying, but only those to whom it is given. 12 For there are eunuchs who have been so from birth, and there are eunuchs who have been made eunuchs by men, and there are eunuchs who have made themselves eunuchs for the sake of the kingdom of heaven. He who is able to receive this, let him receive it.”

 

Thứ Sáu  13-8
Điều gì Thiên Chúa đã liên kết Mt 19,3-12

 

3 Có mấy người Pha-ri-sêu đến gần Đức Giê-su để thử Người. Họ nói: “Thưa Thầy, có được phép rẫy vợ mình vì bất cứ lý do nào không? “4 Người đáp: “Các ông không đọc thấy điều này sao: “Thuở ban đầu, Đấng Tạo Hoá đã làm ra con người có nam có nữ”,5 và Người đã phán: “Vì thế, người ta sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt.”6 Như vậy, họ không còn là hai, nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly.”7 Họ thưa với Người: “Thế sao ông Mô-sê lại truyền dạy cấp giấy ly dị mà rẫy vợ? “8 Người bảo họ: “Vì các ông lòng chai dạ đá, nên ông Mô-sê đã cho phép các ông rẫy vợ, chứ thuở ban đầu, không có thế đâu.9 Tôi nói cho các ông biết: Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình.” 10 Các môn đệ thưa Người: “Nếu làm chồng mà phải như thế đối với vợ, thì thà đừng lấy vợ còn hơn.”11 Nhưng Người nói với các ông: “Không phải ai cũng hiểu được câu nói ấy, nhưng chỉ những ai được Thiên Chúa cho hiểu mới hiểu.12 Quả vậy, có những người không kết hôn vì từ khi lọt lòng mẹ, họ đã không có khả năng; có những người không thể kết hôn vì bị người ta hoạn; lại có những người tự ý không kết hôn vì Nước Trời. Ai hiểu được thì hiểu.”

Meditation:
What is God’s intention for our state in life, whether married or single?

Jesus deals with the issue of divorce by taking his hearers back to the beginning of creation and to God’s plan for the human race. In Genesis 2:23-24 we see God’s intention and ideal that two people who marry should become so indissolubly one that they are one flesh. That ideal is found in the unbreakable union of Adam and Eve. They were created for each other and for no one else. They are the pattern and symbol for all who were to come. Jesus explains that Moses permitted divorce as a concession in view of a lost ideal. Jesus sets the high ideal of the married state before those who are willing to accept his commands.

 

 

 

 

 

Whether married or single – be consecrated for the Lord

Jesus, likewise sets the high ideal for those who freely renounce marriage for the sake of the kingdom of heaven. Both marriage and the single life are calls from God to live a consecrated life, that is to live as married couples or as singles who belong not to themselves but to God. Our lives are not our own, but they belong to God. He gives strength, joy, and blessing to those who seek to follow his way of holiness in their state of life. Do you seek the Lord Jesus and his grace for your state of life?

 

 

 

Lord Jesus Christ, your call to holiness extends to all in every state of life. Sanctify our lives – as married couples and as singles – that we may live as men and women who are consecrated to you. Make us leaven in a society that disdains life-long marriage fidelity, chastity, and living single for the Lord.”

Suy niệm:

Ý định của Thiên Chúa cho bậc sống của chúng ta, dù lập gia đình hay độc thân là gì?

Đức Giêsu giải quyết vấn đề ly dị bằng cách đưa người ta trở lại với thuở ban đầu tạo dựng, và kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Trong sách Sáng thế 2,23-24, chúng ta thấy ý định và quan niệm của Thiên Chúa là hai người kết hôn với nhau sẽ ràng buộc vĩnh viễn đến nỗi họ trở nên một xương một thịt. Ý tưởng đó là nền tảng trong sự hiệp nhất bền vững của Ađam và Evà. Họ được tạo dựng vì nhau chứ không cho ai khác. Họ là kiểu mẫu và biểu tượng cho tất cả thế hệ mai sau. Đức Giêsu giải thích rằng ông Môisen cho phép người ta ly dị như một sự nhượng bộ bởi vì ý tưởng đã mất. Đức Giêsu đưa tình trạng hôn nhân lên một địa vị cao trọng trước những ai sẵn sàng chấp nhận các giới răn của Người.

Dù lập gia đình hay độc thân – phải nên thánh vì Chúa

Đức Giêsu, cũng đề cao lý tưởng cho những ai tình nguyện từ bỏ đời sống hôn nhân để sống vì nước Trời. Cả hai bậc sống: hôn nhân và độc thân đều là ơn gọi từ Chúa để sống một đời sống thánh thiện, nghĩa là sống như đôi vợ chồng với nhau hay như những người sống độc thân, không phải sống cho mình nhưng sống cho Thiên Chúa. Sự sống của chúng ta không phải là của riêng mình, nhưng nó thuộc về Chúa. Người ban ơn sủng và sức mạnh cho những ai muốn bước theo đường lối thánh thiện của Người trong bậc sống của mình. Bạn có tìm kiếm Đức Kitô và ơn sủng của Người cho bậc sống của bạn không?

Lạy Đức Giêsu Kitô, lời mời gọi nên thánh của Chúa dành hết cho mọi bậc sống. Xin thánh hóa đời sống chúng con, hôn nhân cũng như độc th13ân, để chúng con có thể sống như những con cái được thánh hiến cho Chúa. Xin cho chúng con nên men trong một xã hội coi rẻ tính chung thủy của bậc sống hôn nhân, đức trong sạch, để chúng con sống cho một mình Chúa mà thôi.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây