Kh 11,19a; 12,1-6a.10ab - 1 Cr 15,20-27 - Lc 1,39-56
HƯỚNG VỀ TRỜI VỚI MẸ, VẪN KHÔNG QUÊN SỨ VỤ - Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
HOAN CA ĐỨC MẸ - Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
ÂN HUỆ “NHƯNG KHÔNG” - Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
SAU LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI, SẼ HẾT DỊCH… - PM. Cao Huy Hoàng
NHỮNG NGƯỜI THUỘC VỀ CHÚA KITÔ - Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
ĐỨC MARIA HỒN XÁC LÊN TRỜI NHÂN TÍNH VÀ THIÊN TÍNH CỦA MẸ - Bs. Nguyễn Tiến Cảnh, MD
NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CỦA THẾ GIỚI - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
HỌC THEO GƯƠNG NHÂN ĐỨC CỦA MẸ MARIA - Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD
Thơ: MẸ LÊN TRỜI - Micael Cao Danh Viện
Thơ: NHIỆM MẦU THÁNG TÁM - Viễn Dzu Tử
Thơ: NIỆM KHÚC LA VANG - Trầm Thiên Thu
Thơ: MỪNG LỄ MẸ LÊN TRỜI - (Thế Kiên Dominic)
Thơ: ĐỨC MARIA HIỂN VINH THIÊN QUỐC - Anna Têrêsa Thuỳ Linh
Thơ: LỜI CẦU ĐẠI DỊCH - Giuse Nguyễn Thanh Hà
Mục đích chính của lễ Đức Mẹ linh hồn và xác lên trời không chỉ nhằm tôn vinh Đức Mẹ, nhưng là tôn vinh Thiên Chúa, vì cuộc đời Đức Mẹ là một chuỗi những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện. Chiêm ngưỡng vinh quang của Đức Mẹ, chúng ta tạ ơn Chúa đã ban cho Đức Mẹ những điều kỳ diệu ấy, đồng thời xin cho chúng ta luôn noi gương Đức Mẹ trong cuộc đời dương thế, mặc dù còn nhiều thử thách gian nan.
Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, khi sinh thời đã nói: “Khi nói về Đức Trinh nữ Maria, phải trình bày Đức Mẹ như một nhân vật mà chúng ta có thể bắt chước và một Đức Maria như các tác giả Phúc Âm muốn trình bày”. Thánh nữ cho rằng, nếu chỉ nói đến những điều cao siêu vĩ đại mà thôi, thì chúng ta chỉ cung kính ca tụng mà không noi gương bắt chước Đức Mẹ.
Trong ngày lễ Đức Mẹ về trời hôm nay, chúng ta chú ý tới cả hai khía cạnh: tôn vinh Đức Trinh nữ Maria và noi gương bắt chước Đức Mẹ.
Thánh Gioan Tông đồ được thấy trong thị kiến một người phụ nữ lạ kỳ: mình khoác áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao. Mẹ như trung tâm của vũ trụ. Mọi tinh tú đều quy hướng về Mẹ. Mặt trăng êm đềm như thế, chỉ là bệ đặt chân của Mẹ, mặt trời chói lọi dường bao, chỉ là áo khoác của Người. Những gì mà các dân ngoại coi là thần linh, dưới cái nhìn của Kitô giáo, chỉ là đồ trang điểm để làm nổi bật vinh quang mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Là một tạo vật, Chúa đã ban cho Đức Mẹ muôn vàn ân sủng. Mẹ là người cộng tác với ơn Chúa, để cùng Ngài làm nên những điều kỳ diệu trong cuộc đời Mẹ và trong lịch sử Cứu độ. “Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc”. Quả vậy, rất nhiều tác phẩm âm nhạc, hội hoạ, văn chương, điện ảnh mang chủ đề suy tôn Đức Trinh nữ Maria là người diễm phúc.
Mẹ Maria diễm phúc vì Mẹ đã tin những gì Chúa nói cùng Mẹ sẽ thành hiện thực. Đó là lời chào, cũng là lời khen ngợi của bà Elisabét, khi hai người phụ nữ gặp nhau. Hai người cũng đang mang thai, Elisabét mang thai Gioan Tẩy Giả, người sau này sẽ giới thiệu Đấng Cứu độ; Maria mang thai Đức Giêsu, Đấng Cứu độ muôn dân. Cả hai cùng là những người có phúc, vì họ đã tin vào Thiên Chúa và vào sự trung tín của Ngài. Cuộc gặp gỡ được diễn tả trong niềm vui mừng hân hoan, niềm vui của hai người mẹ và cũng là niềm vui của hai hài nhi đang được cưu mang trong lòng.
Khi đọc bài Tin Mừng kể lại việc Đức Mẹ đi thăm bà Elisabét, Phụng vụ muốn cho chúng ta noi gương bắt chước Đức Mẹ. Thánh Luca ghi rõ: “Maria vội vã lên đường”. Cuộc đời của Mẹ luôn hướng về Chúa và hướng về tha nhân. Mẹ muốn thể hiện lòng yêu mến Chúa một cách cụ thể, qua việc phục vụ tha nhân. Trong cuộc viếng thăm này, mặc dù đường xa dặm thẳm, Đức Maria không ngần ngại. Mẹ phó thác cho Thiên Chúa và cho sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Mẹ tin chắc những gì Chúa đã có sáng kiến khởi sự, thì Ngài cũng lo liệu để những điều ấy diễn tiến trong an bình và trật tự.
Nếu tác giả sách Khải huyền mượn mặt trời, mặt trăng và các tinh tú để diễn tả vẻ đẹp bề ngoài của Đức Mẹ, thì thánh Luca lại diễn tả Đức Mẹ với sự thánh thiện và niềm hân hoan trong tâm hồn: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng”. Đức Trinh nữ được trình bày như trong một cuộc xuất thần. Đây là tâm trạng của các thánh, vào lúc các ngài cảm nghiệm sâu xa sự hiện diện của Thiên Chúa, như thể hồn đã lìa khỏi xác để kết hợp với Đấng Tối cao. Trong niềm vui xuất thần này, Đức Mẹ hát lên bài ca Tạ ơn, vì những ơn trọng đại Chúa đã làm cho dân tộc Israel và cho cuộc đời của Mẹ.
Chính Chúa Thánh Thần đã gợi hứng cho Trinh nữ Maria hát lên bài ca tạ ơn tuyệt diệu. Chúa Thánh Thần cũng đang làm lan toả niềm vui siêu nhiên đến mỗi người chúng ta và đến toàn thể Giáo Hội trong ngày lễ trọng này. Giáo Hội hân hoan, không chỉ vì những ơn lạ Chúa ban cho Đức Trinh nữ thành Nagiarét, mà còn vì Giáo Hội thấy nơi Đức Mẹ hình ảnh của chính mình trong tương lai. Vâng, Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội phải được hoàn thành (Lời Tiền tụng Thánh lễ). Người phụ nữ trong sách Khải Huyền vừa là hình ảnh của Đức Trinh nữ, vừa là hình ảnh của Giáo Hội. Giáo Hội của Chúa phải đương đầu với con Mãng xà mang nhiều hình dạng khác nhau, trong mọi thời đại, nhưng cũng là Giáo Hội thánh thiện, không vết nhơ, xứng đáng với vị Hôn Phu là Đức Giêsu Kitô.
Chúa Giêsu đã về trời. Đức Maria cũng đã về trời. Trời là đích điểm và lý tưởng của người Kitô hữu. Mầu nhiệm Chúa Giêsu về trời và tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời là hy vọng cho chúng ta. Đó cũng là câu trả lời cho những vấn nạn về sự chết, về đời sau. Thánh Phaolô đã quả quyết, những ai tin vào Đức Kitô thì cũng sẽ được sống lại vinh quang với Người (Bài đọc II).
Cũng như Chúa Giêsu tuy đã về trời nhưng vẫn ở cùng chúng ta cho đến ngày tận thế, Đức Maria luôn hiện diện giữa Giáo Hội. Mẹ ở đây với chúng ta để lắng nghe, thấu hiểu và chăm sóc chúng ta với tình mẫu tử thiêng liêng. Là tín hữu, chúng ta hãy tôn vinh Mẹ và xin Mẹ chuyển cầu cho chúng ta được những ơn cần thiết, để luôn vững tin trong hành trình cuộc đời. về mục lục
+ ĐTGM. Giuse Vũ Văn Thiên
HƯỚNG VỀ TRỜI VỚI MẸ, VẪN KHÔNG QUÊN SỨ VỤ
Trong khi mừng lễ Mẹ Lên Trời hôm nay, cùng với tòan thể Hội Thánh, lòng chúng ta mừng rỡ hân hoan. Vì, như một xác phàm với tất cả yếu đuối của bản thân, Mẹ đã chấp nhận để cho Thiên Chúa làm các việc thật diệu kỳ đến nỗi Mẹ không còn vuơng vấn một chút tục lụy nào của thế gian, để được đưa về Trời cả hồn lẫn xác. Một hồng ân cao quí mà Mẹ chúng ta đã nhận được, và chúng ta là những người con của Ngài cũng hy vọng được về trời với Mẹ.
Vi thế, cho dù tin chắc rằng Mẹ Lên Trời như một bảo đảm cho việc sống lại vinh hiển của chúng ta sau này; nhưng ngay trong thời điểm này và giống như các Thánh Tông đồ trong ngày Lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta cũng đuợc mời gọi trở về với cuộc sống hằng ngày, đối diện với những biến động bởi đại dịch do các biến thể Covid-19 gây ra, bằng một con tim mới, con tim biết rung động trước nhu cầu của người khác, con tim rộng mở để yêu thuong và đón nhận, con tim đã nếm huởng hạnh phúc vĩnh cửu để thực hiện sứ mạng “…làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” (Mt 28: 19-20)
Vì thế, chúng ta hân hoan mừng Lễ Mẹ lên trời, nhưng vẫn không quên nhiệm vụ được trao ban. Đó không chỉ là chủ đề của bài suy niệm hôm nay, nhưng còn là tiêu chuẩn trong cuộc sống dấn thân của chúng ta nữa.
Anh chị em thân mến,
Trước tiên, xin gửi đến anh chị em một kinh nghiệm. Đó là trong thời gian làm việc tại Keysborough, vào mỗi sáng thứ Sáu hàng tuần, tôi và một số anh chị em trong hội Legio đã đến các nhà duờng lão để thăm các cụ đang đuợc chăm sóc tại các nơi đó. Đây là một trong những công tác mà tôi ưa thích nhất. Ngòai những câu chào hỏi, chúng tôi cùng nhau cầu nguyện và kết thúc là việc trao Mình Thánh Chúa cho họ. Đây là giây phút cảm động nhất mà tôi ghi nhận đuợc.
Như anh chị em đều biết, những người được nhận vào các trung tâm hưu dưỡng thuờng là các cụ lớn tuổi, con cái không có đủ điều kiện và phuơng tiện để phụng duỡng tại nhà; một số khác bị bịnh mất ký ức (dementia); số khác bị tai biến mạch máu não làm cho bộ óc, giọng nói hay việc đi lại của họ bị ảnh huởng. Tuy hòan cảnh về thể lý bị suy giảm; nhưng mỗi khi các cụ chiêm ngưỡng Thánh Thể Chúa, mắt họ liền sáng rực, chăm chú theo dõi các lời kinh nguyện và đón nhận Chúa vào trong tâm hồn bằng một cử chỉ thật cung kính và tôn nghiêm.
Dường như các cụ đã cảm nghiệm và tin rằng những điều Đức Giêsu nói trong bài Phúc Âm Chúa Nhật 20 hôm nay đã trở thành hiện thực trong cuộc sống niềm tin của họ. Và đây là Lời Chúa phán: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Tin vào sức mạnh của Lời Chúa, các cụ đã không còn đặt vấn đề làm sao Chúa có thể cho chúng ta ăn thịt của Người nữa, mà đây chính là của ăn, là sự sống đích thật nuôi dưỡng các cụ.
Kính thưa anh chị em,
Những lần viếng thăm và chứng kiến sự tác động của Thiên Chúa thực hiện trong cuộc sống của các cụ mà tôi vừa chia sẻ nói trên giúp tôi nhớ lại cuộc viếng thăm của Mẹ dành cho người chị họ mình: bà Y-sa-ve mà chúng ta vừa nghe trong bài Phúc Âm mừng Lễ Mẹ về trời hôm nay.
Đây không phải là sự trao đổi lịch sự giữa hai người phụ nữ có họ hàng với nhau. Nhưng qua đó, các Ngài đã bộc lộ cho chúng ta biết cuộc viếng thăm của Thiên Chúa dành cho họ truớc. Thiên Chúa đến trong lòng Mẹ như một nhà tạm sống đông, cưu mang hài nhi Giêsu. Mẹ đã không giữ niềm vui cho riêng mình, vội vã lên đường giới thiệu Đức Giê-su và chia sẻ niềm hạnh phúc này với nguời chị họ mình: bà Y-sa-ve.
Và diệu kỳ làm sao! Vừa gặp Mẹ, bà Y-sa-ve đã nhận ra sự vĩ đại của ơn gọi mà Mẹ vừa được trao ban nên đã thốt lên rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc… Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” Nhưng phần Mẹ lại khác, với tấm lòng khiêm tốn Mẹ đã không chấp nhận lời ca ngợi của Y-sa-ve dành cho mình. Trái lại, Mẹ dâng lời tạ ơn Thiên Chúa, Đấng đã họat động và thực hiện những việc diệu kỳ trong cung lòng Mẹ. Mẹ biết rằng tất cả những gì Mẹ có được như hôm nay, hòan tòan phát sinh từ Lòng Thuơng Xót của Thiên Chúa.
Đây chính là bài học thứ nhất của Mẹ.
Mỗi khi hiện diện truớc tôn nhan Thiên Chúa, chúng ta hãy nhớ và nhận ra sự nghèo hàn của mình; và tất cả những gì có đuợc hòan tòan là do kỳ công của Thiên Chúa, như Đức Trinh Nữ Maria vậy. Và từ đó, chúng ta sẽ nhìn thấy mình như Thiên Chúa nhìn chúng ta! Và, nếu là như thế thì chúng ta còn có gì để tự hào, để vinh vang và cũng chẳng có gì để hãnh diện trong lúc tiếp cận và gặp gỡ nhau. Tất cả đều là quà tặng của Thiên Chúa, Đấng muốn dùng chúng ta để trao ban cho người khác.
Và bài học thứ hai mà Đức Mẹ dạy chúng ta hôm nay là thái độ của Mẹ trước mặt Thiên Chúa. Tiêu chuẩn và cách thức sống của Mẹ hòan tòan trái ngược với tiêu chuẩn và lối sống của thế gian.
Xã hội, môi trường mà chúng ta đang sống dựa trên một hệ thống, trong đó đề cao giá trị về sự xuất sắc của cá nhân. Hơn nữa, người mạnh được tôn trọng, người giàu được ngưỡng mộ, người nghèo và người yếu đuối bị coi thuờng. Thế giới chúng ta đang sống dựa trên thành quả và khả năng. Trong khí đó, qua lời hứa, Mẹ đã giới thiệu một cách sống mới, cách cư xử hòan toàn trái ngược với các tiêu chuẩn của xã hội đề ra.
Lời của Mẹ là một cuộc cách mạng:
Kho Tàng và báu vật của cuộc sống chúng ta không phụ thuộc vào sự giàu có. Tiền tài, thế lực, uy quyền, địa vị không phải là mục đích tối hậu của cuộc sống. Nhưng nó là một phần thật nhỏ bé trong các quà tặng mà Thiên Chúa ban cho. Các điều đó cũng chỉ là một phần không đáng kể nếu so với các mối quan hệ dựa trên tình yêu trong cuộc sống; và chỉ có trong các mối quan hệ đó, chúng ta mới tìm đuợc một kho báu quí giá và bền vững nhất; hòan tòan không dựa vào thế lực, uy quyền và sức mạnh.
Vì thế, qua thái độ và lối sống, Mẹ đã dậy chúng ta biết rằng: Chỉ có con đuờng khiêm tốn và thừa nhận rằng tất cả những gì chúng ta có, đang có và sẽ có… tất cả đã đến, đang đến và sẽ đến… là những món quà quý báu của Thiên Chúa, không phải cho chính mình; nhưng phát sinh từ lòng quảng đại của Thiên Chúa cho tha nhân.
Vì vậy, chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa vì món quà nơi bản thân của mỗi người; và tiếp tục dâng lời cầu nguyện, qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria để chúng ta mãi mãi đến với nhau, kết nối, giao tiếp, an ủi và chia sẻ cuộc sống cho nhau mà làm cho vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện. Và có như thế, chúng ta mới xứng đáng chia sẻ phần phúc của người tín hữu như một quà tặng của Thiên Chúa khi đến viếng thăm dân của Người như Mẹ thể hiện hôm nay, và sau cùng chúng ta sẽ được chia sẻ vinh quang với Mẹ trên cõi trời vinh phúc đến muôn đời. Amen. về mục lục
Lm. Giuse Mai Văn Thịnh, DCCT
Cuộc đời Đức Mẹ đầy đau khổ nhưng lại là khúc hoan ca tuyệt vời, vì Đức Mẹ luôn tín thác và tuân phục tuyệt đối. Đức Mẹ được về trời cả hồn xác, nên Đức Mẹ cũng muốn mọi người cũng được về trời với Mẹ. Tại Fátima, Đức Mẹ nhắn nhủ: “Nếu loài người biết vĩnh cửu là gì thì họ sẽ làm mọi thứ để thay đổi cuộc đời.”
Cái gì cũng có cái giá nhất định, thậm chí rất đắt. Đại dịch cúm Tàu nhắc nhở về cái chết bất ngờ, và cũng là lời nhắc nhở về sự sống đời đời. Cầu chúc mọi người luôn biết hướng thượng, luôn “ái mộ những sự trên trời” để “được chết lành trong tay Đức Mẹ” và sẽ “được thưởng cùng Đức Mẹ trên Thiên Đàng.”
Đức Mẹ về trời là dấu chỉ chắc chắn có Thiên Đàng, các thánh đã tái xác nhận điều đó, đúng như Chúa Giêsu đã hứa: “Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy LẠI ĐẾN và ĐEM anh em VỀ VỚI THẦY, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó. Và Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi.” (Ga 14:2-4) Chúa Giêsu nói rõ ràng là VỀ trời chứ không LÊN trời bình thường.
Về trời là niềm hy vọng lớn nhất và là hoài bão cuối cùng của những người tin vào Đức Giêsu Kitô. Về trời không là chuyện viễn vông như chú Cuội lên cung trăng, cũng không như kiểu tham quan mặt trăng, khám phá một hành tinh nào đó, mà về trời để hưởng phúc trường sinh với Thiên Chúa, sau khi chúng ta được sống lại.
Ngày xưa, trong lúc ông Êlia đang nói chuyện với ông Êlisa thì xuất hiện “một cỗ xe đỏ như lửa và những con ngựa đỏ như lửa tách hai người ra, và ông Êlia LÊN TRỜI trong cơn gió lốc.” (2 V 2:11) Thời Tân Ước, tướng cướp Dismas cả đời gian ác, không coi ai ra gì, bị đóng đinh bên Chúa Giêsu, nhưng nhờ sám hối chân thành, Dismas đã được Chúa Giêsu tha thứ và cho về trời ngay: “Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 22:43) Đặc biệt là Đức Mẹ được về trời qua một “giấc ngủ” – chết mà như ngủ (dormition).
Theo Lm Pohle và Lm Scheeben, mấy thế kỷ đầu không có dấu tích gì về lòng tin Đức Mẹ Maria lên trời. Nhưng một cái quách (sarcophagus) đầu thế kỷ IV ở nền nhà thờ Santa Engracia tại TP Saragossa (Tây Ban Nha) có bức chạm trổ hình Đức Mẹ lên trời. Chứng tích của Thánh Epiphanô cho biết người ta tin Đức Mẹ Maria bất tử và thân xác Mẹ vinh quang, niềm tin này đã được truyền bá sâu rộng trong một ít giáo đoàn như ở Antiokia. Do xác tín và ngợi khen “Chức Phẩm Thiên Mẫu” và “Đức Đồng Trinh” của Mẹ là hai căn nguyên. Thánh Epiphanô mở đường cho lòng tin và sự xác quyết của các Giáo phụ, các Giáo hoàng, các Giám mục, các thần học gia và toàn thể Giáo hội. Trước thời Hoàng đế Constantinope đã diễn ra một cuộc lễ trong nhà thờ trên núi Cây Dầu tại Giêrusalem, truyền thống gọi là lễ “Đức Mẹ An Giấc.”
Đức Alexanđrô III nói: “Mẹ Maria thụ thai không bị xấu hổ, sinh con không bị đau đớn, từ trần không bị hư hoại trong mồ, vì theo lời Thiên thần, Mẹ đã được đầy ơn.” Đức Piô XII nối tiếp các vị tiền nhiệm về niềm tin đó. Trong Thông điệp “Corporis Mystici” (29-6-1943), ngài viết: “Chúng ta hãy nài xin Mẹ rất thánh của mọi phần tử của Chúa Kitô mà Ta đã tín thác hiến dâng loài người cho Trái tim Mẹ. Ngày nay ở trên trời, thân xác và linh hồn Mẹ toả sáng trong vinh quang, hiển trị cùng với Con của Mẹ.”
ĐGH Piô XII gởi Thông điệp “Deiparae Virginis” (1-5-1946) tới các giám mục khắp thế giới, cho biết rằng từ năm 1840 đến năm 1940, số đơn thỉnh nguyện xin Toà Thánh định tín Mẹ Maria hồn xác lên trời đã đóng thành hai cuốn sách. Ngày 30-10-1950, Đức Thánh Cha gửi tông thư cho Cơ Mật Viện, loan báo vào ngày mồng 1-11-1950 là một biến cố quan trọng và là niềm vui lớn lao cho toàn thế giới Công giáo: Công bố tín điều Đức Mẹ hồn xác lên trời. Đó là nhờ ơn soi sáng tác động của Chúa Thánh Thần và ơn trợ lực của Thiên Chúa.
Cuối cùng, ngày 1-11-1950, Thánh Ý Chúa thể hiện qua ĐGH Piô XII với Thông điệp “Munificentissimus Deus” – Thiên Chúa Quảng Đại: “Sau khi chúc tụng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đã yêu thương quan phòng làm êm dịu những khổ đau, đem lại niềm an vui cho các dân tộc, Đức Thánh Cha nêu cao sự kiện ơn Chúa thương, dù giữa thời buổi nhiều người sai lạc chân lý và nhân đức, vẫn có nhiều cách biểu lộ đức tin, lòng sùng mến Mẹ Maria và những con cái Mẹ vẫn được khuyến khích chiêm niệm những đặc ân của Mẹ. Thật vậy, từ muôn đời, Thiên Chúa đã đặc biệt yêu thương Mẹ và rồi ban cho Mẹ dạt dào những đặc ân mà Giáo hội đã nhận biết và khám phá ra. Nhưng thời đại của chúng ta đã được dành riêng để chiêm ngưỡng đặc ân Đức Mẹ hồn xác lên trời.”
Hòm Bia là dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện, rất quan trọng. Trình thuật 1 Sb 15:3-5 cho biết: “Thời Cựu Ước, vua Đa-vít triệu tập toàn thể Israel về Giêrusalem để rước Hòm Bia của Đức Chúa lên chỗ vua đã dọn sẵn. Vua cũng tập hợp con cháu ông Aharon và các thầy Lêvi: trong hàng con cháu ông Cơhát, có ông Uriên chỉ huy, và các anh em của ông, tất cả là một trăm hai mươi người.” Hòm Bia “được làm bằng gỗ keo, dài một thước hai, rộng bảy tấc rưỡi và cao bảy tấc rưỡi, được bọc bằng vàng ròng cả trong lẫn ngoài, phía trên có một đường viền chung quanh bằng vàng.” (Xh 25:10-11)
Luật xưa nghiêm túc: Khi khiêng Hòm Bia phải dùng đòn, đã xỏ đòn vào thì không được rút ra. (Xh 25:15) Kinh Thánh cho biết thêm: “Con cháu Lêvi mang Hòm Bia Thiên Chúa đúng như ông Môsê đã truyền theo lệnh của Đức Chúa, là dùng đòn mà khiêng trên vai. Vua Đavít truyền cho những người đứng đầu các thầy Lêvi bố trí các ca viên, anh em của họ, để những người này dùng nhạc khí như đàn sắt, đàn cầm, não bạt mà tấu khúc hoan ca.” (1 Sb 15:15-16)
Còn nữa, 1 Sb 16:1-2 cho biết: “Người ta đưa Hòm Bia Thiên Chúa vào đặt giữa Lều vua Đavít đã dựng sẵn. Rồi họ dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an trước nhan Thiên Chúa. Khi đã hoàn tất việc dâng các lễ toàn thiêu và lễ kỳ an, vua Đavít nhân danh Đức Chúa chúc phúc cho dân.” Người ta đặt Chứng Ước của Thiên Chúa vào Hòm Bia, (Xh 25:16) do đó gọi là Hòm Bia Giao Ước.
Thánh Vịnh cho biết: “Này đây, khi ở Épratha, chúng tôi đã nghe nói đến hòm bia, chúng tôi tìm thấy hòm bia đó tại cánh đồng Giaa. Nào ta tiến vào nơi Chúa ngự, phủ phục trước bệ rồng.” (Tv 132:6-7) Chỉ nơi nào có Thiên Chúa thì mới là nơi vĩnh phúc đích thực, nơi mà ai cũng hướng tới với niềm khao khát cháy bỏng. Thánh Vịnh gia khát vọng: “Ước chi hàng tư tế của Ngài mặc lấy sự công chính, kẻ hiếu trung với Ngài được cất tiếng hò reo. Vì vua Đa-vít, trung thần của Chúa, xin đừng xua đuổi đấng Chúa đã xức dầu phong vương.” (Tv 132:9-10) Muốn vậy thì chính bản thân phải biết hướng thượng và sống tốt càng ngày càng tiến bộ hơn, chứ không thể giậm chân tại chỗ, không thể ù lì hoặc gặp chăng hay chớ.
Thuở xưa, chính Đức Chúa đã chọn Sion, đã thích lấy chốn đó làm nơi Ngài ngự, như Ngài công khai tuyên phán: “Đây là chốn Ta nghỉ ngơi đến muôn đời, Ta sẽ ngự nơi này, vì Ta ưa thích.” (Tv 132:14) Nhà Chúa là Nhà Cầu Nguyện của mọi dân tộc. (Mt 21:13; Mc 11:17; Lc 19:46)
Đức Maria là Nhà Tạm đầu tiên, vì Đức Mẹ là Đấng-Mang-Thiên-Chúa (Theotókos, God-Bearer). Thực sự chúng ta cũng đã và đang được diễm phúc tương tự mỗi khi chúng ta rước lễ, chúng ta được mang chính Đấng Cứu Thế trong lòng và hòa tan để kết hiệp mật thiết với Ngài, dù chúng ta chỉ là những tội nhân hoàn toàn bất xứng.
Thánh Phaolô nói: “Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng!” (1 Cr 15:54) Chiến thắng cái chết để được phục sinh và trường sinh. Cùng với Đức Kitô và Đức Mẹ, cùng với Thánh Phaolô, chúng ta có thể dõng dạc vặn hỏi tướng quỷ Luxiphe: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật.” (1 Cr 15:55-56) Ước gì mỗi chúng ta đều khả dĩ như vậy!
Là Thiên Chúa, nhưng Thầy Giêsu vẫn có hiếu với Đức Mẹ. Điều này “nhắc nhở” chúng ta về chữ hiếu thảo. Ngài xác định một mối phúc đặc biệt: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” (Lc 11:28) Kỳ lạ quá, “nghe và giữ Lời Chúa” mà còn có phúc hơn người cưu mang Ngài. Có lẽ chúng ta không dám tin, nhưng đó lại là sự thật. Điều đó chứng tỏ rằng việc sống Lời Chúa vô cùng quan trọng.
Đức Mẹ là thụ tạo đặc biệt của Thiên Chúa. Ngay cả Hồi giáo cũng tôn trọng Đức Mẹ, coi Đức Mẹ là phụ nữ cao cả nhất trong Kinh Koran (Kinh Thánh của Hồi giáo). Có rất nhiều tôn danh dành cho Đức Mẹ: Nữ vương Hòa bình, Đức Nữ Trinh Vương, Đức Mẹ Phù Hộ các Giáo Hữu, Đức Mẹ Ban Ơn, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Thương Xót, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ Hoa Hồng,... và Đức Mẹ còn gắn liền với các địa danh trên khắp thế giới, riêng Việt Nam cũng có Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Giang Sơn, Đức Mẹ Mằng Lăng, Đức Mẹ Sao Biển, Đức Mẹ Trà Kiệu, Đức Mẹ Núi Cúi, Đức Mẹ Bãi Dâu,...
Thánh Vịnh gia đã ca tụng: “Hàng cung nữ, có những vì công chúa, bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai, trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy. Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ. Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái, hãy vào phục lạy: Người là Chúa của bà.” (Tv 45:10-12) Chắc hẳn phàm ngôn không thể đủ để diễn tả về Đức Mẹ cho xứng đáng, chúng ta chỉ biết dùng những ngôn từ nào cao trọng nhất để tôn xưng Đức Mẹ mà thôi.
Ai trong chúng ta cũng là tội nhân, thế nên mọi người đều phải bước qua “ngưỡng cửa sự chết” theo luật sinh tử. Nhưng chết không là chấm hết, mà là biến đổi, như Thánh Phanxicô Assisi xác định: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.” Chết đi để được sống lại. Chính Đức Kitô cũng đã chết và phục sinh để bảo đảm về chuyện đời sau. Chết là trực tiếp gặp Thiên Chúa, gặp Đức Kitô, và cũng gặp Đức Mẹ nữa.
Niềm hy vọng của Kitô hữu thật lớn lao và tuyệt vời, nhưng Thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta đặt hy vọng vào Đức Kitô chỉ vì đời này mà thôi, thì chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1 Cr 15:19) Niềm hy vọng của chúng ta không như vậy, bởi vì “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu. Vì nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” (1 Cr 15:20-22) Niềm hy vọng của Kitô hữu vượt ngoài thế gian này.
Kẻ trước người sau, như lá rụng về cội, dù lá còn xanh hay đã vàng. Thánh Phaolô giải thích: “Mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha.” (1 Cr 15:23-24)
Tất cả đều xảy ra đúng theo trật tự Thiên Chúa đã ấn định, như chúng ta thường nói là Thiên Chúa an bài. Chúng ta không thể hiểu thấu, nhưng sự thật là vậy: “Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người. Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết.” (1 Cr 15:25-26) Chính Đức Kitô đã dùng thập giá để chiến thắng tất cả, và cũng chính trên thập giá, Ngài đã tiêu diệt sự thù ghét (x. Ep 2:16) để minh chứng tình yêu vô biên và sâu thẳm, là Lòng Thương Xót mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Hoan Ca Maria chỉ xuất hiện trong trình thuật Lc 1:42-55. Thánh sử Luca cho biết: Hồi ấy, Cô em Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. Cô vào nhà Anh Dacaria và chào hỏi Chị Êlisabét. Chị Êlisabét vừa nghe tiếng Dì Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và Chị Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần, liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.”
Một cuộc gặp gỡ lịch sử giữa hai phụ nữ đặc biệt, theo sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa. Một người là mẹ Thiên Chúa, còn một người là Mẹ của Vị Tiền Hô Gioan. Thấy Em họ Maria đến, Chị Êlisabét vui mừng thốt lên những lời đầy Thần Khí. Sau đó, Đức Maria cũng rất vui mừng và dâng lời Kinh Ngợi Khen (Magnificat), vừa như thơ vừa như nhạc:
Đức Mẹ đã chứng tỏ lòng yêu thương với tha nhân khi vội vã đi thăm Chị Êlisabét, và cũng muốn chứng tỏ tình yêu thương đó qua việc ở lại giúp đỡ người chị đang mang thai trong ba tháng đầu của thai kỳ. Đức Maria ở lại với Chị Êlisabét độ ba tháng, rồi mới trở về nhà.
Đường về dù xa hay gần, đường đi có thể gập ghềnh nhiều nỗi, nhưng có Đức Mẹ đồng hành thì chúng ta an tâm. Cứ bám chặt vào áo Mẹ thì không lo lạc đường, chắc chắn sẽ đi đến nơi về đến chốn. Thánh Birgitta Thụy Điển cho biết: “Dù trong tình trạng thù nghịch với Thiên Chúa đến đâu đi nữa, không tội nhân nào trên trần gian này lại không thể quay về với Ngài và được phục hồi ơn thánh, nếu họ chạy đến nương nhờ và cầu xin Đức Mẹ Maria hộ phù.”
Lạy Thiên Chúa, chúng con tạ ơn Ngài vì Ngài đã ban cho mỗi chúng con có hai người mẹ – một người mẹ trần gian tuyệt vời, và đặc biệt là một Người Mẹ Thánh là Đức Maria, để nâng đỡ chúng con về thể lý và tâm linh. Xin giúp chúng con luôn biết sống xứng đáng với những gì chúng con lãnh nhận.
Lạy Mẫu Nghi cao cả, đồng hành và nâng đỡ chúng con luôn, xin dẫn chúng con đến với Chúa Giêsu, Con Yêu Dấu của Mẹ, để chúng con cũng được đoàn tụ trong Đại Gia Đình Thiên Chúa trên Thiên Quốc. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen. về mục lục
Thomas Aq. Trầm Thiên Thu
Dự án “Thương quá Sài Gòn ơi” của Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam đã và sẽ tiếp tục trao 24.000 “Tấm vé nghĩa tình” với tổng giá trị 8 tỷ đồng cho người lao động khó khăn, người nghèo khổ trong đại dịch Covid-19 tại hơn 10 Quận / Huyện trên địa bàn Sài gòn thông qua chương trình Siêu Thị Mini 0 đồng. Mỗi ngày STMN 0 đồng phục vụ cho 200 người có phiếu. Mỗi người được tự do lựa chọn các sản phẩm mình thích trong số hơn 30 mặt hàng thiết yếu đã được các nhân viên đặt trên kệ hàng…(x.tgpsaigon.net).
Giữa bao khó khăn của những ngày đại dịch, đã xuất hiện nhiều siêu thị 0 đồng, chợ 0 đồng, gian hàng rau củ quả 0 đồng, quán cơm 0 đồng, bánh mỳ 0 đồng, xăng 0 đồng và chuyến xe 0 đồng… âm thầm hoạt động, nhằm trợ giúp đồng bào đang thiếu thốn hay đang về quê được ấm lòng. Trước kia, mọi thứ đều phải mua bằng tiền. Nhưng nay, có nhiều thứ không mang giá trị của đồng tiền mà là giá trị của tình thương, nghĩa đồng bào.
Có thể nói, những cái 0 đồng ấy là ân huệ “nhưng không” của đồng bào trao tặng nhau. Cho đi mà không cần báo đáp. Cho đi chỉ vì yêu thương. Đơn giản thế thôi mà nghĩa tình thật cao cả.
***
“Nhưng không” là từ ngữ nhà Đạo.Theo Từ điển Công Giáo: nhưng không là không có chi cả, vô điều kiện. Tính nhưng không là đặc tính của việc Thiên Chúa ban ân huệ cho con người một cách vô điều kiện mà không đòi một sự báo đáp. Việc tạo dựng từ hư vô, được sinh ra làm người là những ơn hoàn toàn nhưng không (x.GLHTCG 338). Thiên Chúa cứu rỗi con người cũng hoàn toàn do tình yêu nhưng không của Ngài (x.GLHTCG 218;1699). Tính nhưng không đó được biểu lộ cách đặc biệt trong Bí tích Thánh tẩy cho trẻ em (x.GLHTCG 1250).Trong trường hợp này, các trẻ nhỏ vốn chưa có thể tự mình lựa chọn, vẫn có thể nhận được ơn cứu rỗi. Thiên Chúa còn ban cách nhưng không vinh phúc vĩnh cửu, làm cho con người “được ‘thông phần bản tính Thiên Chúa’ (2Pr 1,4) và sự sống muôn đời” (GLHTCG 1721).
Đức Trinh Nữ Maria đã được Thiên Chúa ban những “Ân huệ nhưng không” qua bốn đặc ân hồng phúc: Mẹ Thiên Chúa, Vô Nhiễm Nguyên Tội, Trinh Khiết Trọn Đời, Hồn Xác Lên Trời. Những hồng phúc này không do công lao Mẹ lập được, mà do tình thương của Thiên Chúa: “Phận nữ tì hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới. Từ nay hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Ngài thật chí thánh chí tôn” (Lc 1,48-49). Bốn hồng phúc này liên kết với nhau. Vì sinh Chúa Giêsu là Thiên Chúa nên Mẹ Maria được làm Mẹ Thiên Chúa. Địa vị cao trọng ấy xứng đáng để Mẹ được Thiên Chúa giữ gìn, hồn không vương nguyên tội, xác trinh khiết vẹn toàn. Và khi kết thúc cuộc sống trần gian, Mẹ được Chúa đưa về trời cả hồn lẫn xác.
Hôm nay, Giáo hội mừng kính Đức Maria được khải hoàn bước vào quê hương Thiên Quốc.
Bầu khí phụng vụ đượm sắc thái vui tươi với những lời ngợi khen và chúc tụng Đức Trinh Nữ lên trời hiển vinh. Từ đây Đức Mẹ nắm giữ vai trò quan trọng nhất là Nữ Vương trời đất. Từ nay, Đức Mẹ đảm nhận một địa vị cao cả nhất và cũng thật gần bên Thiên Chúa. Kể từ nay, Đức Mẹ trổi vượt trên mọi tạo vật với địa vị làm Mẹ Thiên Chúa và làm Mẹ nhân loại.
Quyền năng và tình yêu Chúa tràn đầy trên Mẹ làm cho Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi... khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Quyền năng và tình yêu Chúa đong đầy trọn vẹn nhất trong khoảnh khắc lịch sử, Mẹ lên trời cả hồn cả xác. Đặc ân cao trọng này chính là triều thiên sáng chói bao phủ lên Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).
Giáo hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Đó là những lời tán tụng ngợi ca Thiên Chúa phát xuất từ sâu thẳm lòng Mẹ trong ngày thăm viếng người chị họ Isave. Magnificat là lời kinh thấm đẫm chất thơ. Thánh vịnh là thi ca cầu nguyện của dân tộc Do thái. Hàng ngày Đức Mẹ cầu nguyện với Thánh Vịnh.
Những lời ngợi ca Magnificat nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống.
Những lời ca ngợi Magnificat nói lên hết ý nghĩa và tâm tình của Mẹ đối với Thiên Chúa toàn năng và yêu thương.
Mẹ cảm thấy thân phận tôi tớ hèn mọn này lại được cất nhắc cao trọng trong giây phút lên trời: “Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”.
Mẹ cảm nghiệm được quyền năng và tình yêu vô biên của Chúa trong giây phút Chúa hiển dương Mẹ về trời: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả...Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người”.
Đức Mẹ được lên trời hồn xác là do đặc ân Chúa ban cho Mẹ và đồng thời cũng là do cuộc sống thánh thiện của Mẹ hằng luôn hợp tác với ơn Chúa. Hồn xác lên trời là một hồng ân cao cả mà Thiên Chúa ban cho Mẹ. Mẹ là người diễm phúc nhất trong mọi người nữ. Mẹ có tên gọi đẹp nhất là “Đấng đầy ơn phúc” vì “Thiên Chúa ở cùng bà”. Mẹ được hết mọi đời khen là diễm phúc chính vì “Đấng toàn năng đã làm cho Mẹ biết bao điều cao cả”. Điều cao cả nhất là làm Mẹ Chúa Cứu Thế. Mẹ là cây sinh quả phúc và nhờ quả phúc ấy mà Mẹ được biết đến và được ca tụng. Mẹ là cây trường sinh mang quả đầu mùa mà Thiên Chúa đã trồng trong vườn địa đàng mới hầu đem lại sự sống đời đời cho mọi thế hệ loài người. Chính vì thế mà Thiên Chúa muốn cho cây mang quả trường sinh ấy được nhân lên trong vườn địa đàng mà Người muốn mở rộng diện tích tới tận cùng trái đất.
Mẹ lên trời không phải để cách xa cuộc sống nhân loại, nhưng trên đỉnh vinh quang thiên đàng, đó là lúc Mẹ có điều kiện phù hợp để gần gũi che chở đỡ nâng mọi người một cách rộng rãi và thuận lợi hơn.
Trong kỹ thuật hàng không, máy bay cần có 3 thông số quan trọng: bộ phận định hướng tốt, làm nhẹ thân tàu và tăng cường sức đẩy động cơ. Mẹ về Trời, đó là định hướng cho mỗi người theo Mẹ. Càng nhẹ nhàng khi trút bỏ cồng kềnh vật chất, mỗi người sẽ thênh thang cuộc sống nhẹ bay lên cao trong đời sống thiêng liêng. Mỗi tín hữu cần trang bị đời mình qua việc đón nhận hồng ân và cộng tác tích cực sống đạo hạnh, như thế sức đẩy động cơ sẽ mạnh lên. Thực hiện 3 thông số ấy, mọi người sẽ gặp gỡ nhau trên quê hương vĩnh phúc với Mẹ Đầy Ơn Phúc.
Đức Mẹ được vinh hiển hồn xác trên trời là hình ảnh và là khởi đầu bảo đảm cho tương lai của chúng ta sau này cũng sẽ được như vậy, miễn là bây giờ chúng ta biết noi gương Mẹ mà sống thánh giữa đời, qua những chặng đường vui, sáng, thương, mừng của cuộc sống (x. LG 68).
Trong cuộc hành hương nội tâm hay lữ hành nơi dương thế, chúng ta tin rằng, có Mẹ Maria luôn cầu bầu che chở; với niềm hy vọng sẽ được về trời với Mẹ, chúng ta nhìn lên Mẹ như mẫu gương của lòng cậy trông, tin yêu phó thác nơi lòng thương xót Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
SAU LỄ ĐỨC MẸ LÊN TRỜI, SẼ HẾT DỊCH…
Dịch, dịch, dịch.. và lần bùng dịch này là lần thứ tư rồi. Ba lần trước nhè nhẹ thôi, lần này, nặng quá! Ba lần trước thắng dịch dễ dàng. Lần này, khó quá. Không những khó, mà còn đau thương quá. Không chỉ Việt Nam, Sài Gòn, mà các nước láng giềng, và cả thế giới, đang phải căng mình chống dịch.
Vâng, đại dịch bởi con coronavirus bé xíu xiu, mà cả khối óc nhân loại chưa tìm được cách ngăn chận nó, hủy diệt nó. Vaccine chưa kịp ra đời, thì nó đã biến thể. Không có vaccin nào theo kịp bước biến thể của nó. Nó thách thức văn minh nhân loại. Chưa kịp tiêu diệt nó, nó đã tiêu diệt con người chúng ta.
Trước hết, nó tiêu diệt nền hòa bình nhân loại, làm rạn nứt sự hiệp nhất thế giới, vì các dân nước nghi ngờ nhau, rằng, có kẻ làm ra con virus này với ý đồ thống trị nhân loại này! Thật đáng sợ cho lòng người!
Và Covid do con người làm ra kia, hai năm nay đã gây ra cho nhân loại bao đau thương, tang tóc và đe dọa sự tồn vong của cả nhân loại trên hành tinh này. Cả nhân loại đang đối diện với nghèo đói, đau khổ, bệnh tật, chết chóc và tương lai nhân loại bỗng u ám, kinh hoàng… Cả những người làm ra nó cũng khóc đứng khóc ngồi cũng tang thương vong mạng, cũng đứng bên bờ của sự hủy diệt, bên bờ của thời tận mạt!
Hóa ra, covid không phải là sự trừng phạt của Thiên Chúa, mà là tự lòng kiêu căng của con người muốn sát hại lẫn nhau.
Các khoa học gia vùi đầu nghiên cứu dịch, nghiên cứu vaccine chống dịch, diệt dịch để cứu vãn cả và nhân loại này. Nước lớn, nước nhỏ, khắp năm châu mong diệt dịch! Người giàu có, kẻ nghèo hèn, ai cũng mong mơ cho hết dịch! Ai cũng ước mơ: “Thế giới sẽ chiến thắng Covid. Việt nam sẽ chiến thắng đại dịch. Sài Gòn sẽ an yên. Con người sẽ trở lại những ngày vàng son, oanh liệt…”
Phải chăng đó chỉ là ước mơ? Và ước mơ ấy khởi đi từ sự nuối tiếc những ngày hạnh phúc ảo, bên nồi thịt thơm tho mùi hư nát của miền đời tạm bợ này? Chưa thấy có tín hiệu nào cho biết đó là một ước mơ đổi đời, đổi khái niệm sống, đổi mục đích sống, nhờ bài học quý giá mà em covid xíu xíu kia để lại?
Bởi qua biến cố đại dịch covid, con người có thể thấy: chưa có khi nào cuộc đời rõ nét phù vân như lúc này! Tình nghĩa vợ chồng có gắn bó keo sơn, tình gia đình có êm đềm thắm thiết, người giàu có lộng lẫy hay bần cùng khốn khổ…và có thế nào đi nữa… thì ai rồi cũng một mình đi về phía nhà hỏa táng, về phía tro bụi, không cái vẫy tay, không lời đưa tiễn..
Bởi qua biến cố đại dịch covid, con người có thể hiểu: Chúa muốn mời gọi con người hãy sống giữa thế gian này, mà không để lòng thuộc về thế gian này nữa, nhưng lại thuộc về Thiên Chúa trong cõi sống đời sau vinh hiển.
Bởi qua biến cố đại dịch covid, con người có thể lắng nghe: lời yêu rất thật của Thiên Chúa, lời mời gọi con người sám hối, Tin vào Tin Mừng và sống Theo Tin Mừng, để khi thế giới này an yên trở lại, nhân loại sẽ sống hòa bình yêu thương nhau, và cùng nhau nhắm đến mối lợi lớn lao là cuộc sống vĩnh cửu trong Nước Thiên Chúa.
Với các Ki-tô hữu Công giáo, thiết tưởng, đã nhận ra rằng ước mơ cuộc sống an yên trở lại để được hưởng thụ cuộc đời trần gian này, là không đẹp ý Chúa!
Và hơn thế nữa, nếu chỉ là ước mơ, rồi ngồi chờ sung rụng, thì rõ là một ước mơ hão huyền…
Phải biến ước mơ thành một niềm hy vọng vững chắc. Nhưng dựa vào đâu để chúng ta có thể có niềm hy vọng vững chắc hơn là một ước mơ.
Hôm nay, Chúa nhật 19 thường niên B (15/8), nhớ lại ngày 8/8 lễ thánh Đa-minh. Tham dự thánh lễ trực tuyến xong, tôi dạo trước sân nhà. Vừa bước đến bên góc vườn tôi, cạnh nhà bà Tư, tôi chẳng cố ý hóng chuyện nhà người ta, nhưng bà Tư nói lớn, đành được nghe
“Tụi con hy sinh đi. Đau với nỗi đau của đồng bào đi.
Ở yên trong nhà không phải để lãng phí thời giờ xem phim bộ, hát karaoke, lên phây, vào mạng, hay nhậu nhoẹt vô bổ. Cũng không phải hết lo ăn sáng rồi lại lo trưa lo tối, ngồi đó mà chờ hết dịch như chờ sung rụng. Hãy dùng thời gian này mà ăn năn đền tội đi, mà siêng năng lần chuỗi Mân Côi cho nhiều đi….Sau lễ Đức Mẹ Lên Trời, sẽ hết dịch”
Tôi đứng lặng người một chút. Chưa có ai dám tuyên bố thời gian hết dịch! Chỉ mới nghe bà Tư quả quyết với con cháu nhà bả!
Bà Tư lại nói tiếp. “Hồi xưa, Đức Mẹ hiện ra với Thánh Đa-minh, và dạy thánh Đa-minh loan báo cho mọi người trong Giáo Hội rằng hãy lần chuỗi Mân Côi, sẽ chiến thắng được bè rối Albigeois đó. Và quả thực, con virus giết hại các linh hồn kia đã bị hủy diệt!”
Tôi ngẫn ngơ về phòng làm việc.
Con bé đi xe đạp điện lên nhà thờ đổi nước, về. Tôi hỏi: “Sao lâu vậy con?”. Bé trả lời: “Dạ con ghé viếng thánh Giuse, xin cho hết dịch”. “Ngài nói gì không con?” “Dạ có, Ngài nói: “Cha nghe rồi, con yên tâm, sẽ hết dịch. Con nói gì với Mẹ Maria đi”. Rồi con quay sang Mẹ Maria, chưa kịp nói gì… nghe Mẹ nói: “Chúa Giê-su bảo gì, thì các con hãy làm theo”.
Hôm ấy là Chúa nhật ngày 8 tháng 8. Tôi định viết bài này ngay với hai mẩu chuyện trong ngày lễ thánh Đa-minh. Nhưng trong lòng ngần ngại…
Sáng nay, 10-8, có cuộc điện thoại của Cô Út: “Anh Bốn ơi, đêm qua em mơ thấy Đức Mẹ ôm quả địa cầu, khóc. Mẹ bảo em lần chuỗi Mân Côi. Mẹ sẽ cứu thế giới. Mẹ sẽ cứu Sài gòn! Giật mình dậy, em vội đi tìm tấm ảnh năm nào… Có rồi, em để trên bàn thờ rồi…Mẹ ôm quả địa cầu! Mẹ ôm Sài gòn! Tấm ảnh còn ghi rõ “Sài gòn 30-10-2005”.
Đã đến lúc mà mọi người phải cúi mình và tôn phục Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng thương xót. Con người thật bé nhỏ mong manh. Đừng nghĩ mình vĩ đại nữa. Đừng vì sĩ diện nữa. Mỗi chúng ta, cứ nghĩ đến, cứ nhìn đến các lò hỏa táng kia đi, thì sẽ hiểu ra mình có đáng là gì mà sĩ diện! Cúi mình trước mặt Chúa mà sợ mất sĩ diện, còn cúi mình trước một đàn anh gian ác thì không mất sĩ diện sao? Thật vô lý. Khác gì một đứa con hư đốn không thể cúi mình trước mặt cha nó mà nói một lời xin lỗi, nhưng có thể quỳ mọp dưới chân đại ca gian ác, để xin nửa điếu thuốc thừa, nửa tô canh cặn. Không tự thấy điều vô lý ấy sao?
Đã đến lúc mà mọi Ki-tô hữu phải sám hối, ăn năn, phải cải thiện đời sống theo Tin Mừng, phải tin tưởng yêu mến Mẹ Maria, phải siêng năng lần hạt Mân Côi, như lời mời gọi của Mẹ Maria hiện ra ở Fatima năm nào. Và hơn thế nữa, không chỉ cầu nguyện cho cuộc canh tân của chính mình, mà còn phải hy sinh cầu nguyện cho cả và thiên hạ, cho mọi người trong đất nước Việt Nam thân yêu này “sám hối và Tin vào Tin Mừng Chúa Giê-su”, để được cứu rỗi, để được cùng sum họp một Nước Việt Nam vinh quang trên trời.
Các Ki-tô hữu Công Giáo sẽ cộng tác với Thiên Chúa làm nên phép lạ vĩ đại này, bằng cách thực thi đức bác ái với tất cả mọi người đang cơn cùng khốn, đồng thời liên lỉ sám hối, canh tân, cầu nguyện với chuỗi Mân Côi, tha thiết nhỏ to với Thánh Giuse đầy thần thế, và nhất là nghe và sống Tin Mừng Chúa Giê-su dạy.
Các Ki-tô hữu Công Giáo sẽ không ước mơ vu vơ hay hão huyền, nhưng là đặt một niềm hy vọng vững chắc, một đức Trông Cậy vững vàng vào Thiên Chúa quyền năng và giàu lòng xót thương, nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria, Thánh Cả Giuse và các thánh trên trời. Bấy giờ, cơn đại dịch sẽ chấm dứt, virus corona sẽ bị tiêu diệt.
Xin cảm ơn Đức Thánh Cha luôn mời gọi chúng con Lần Chuỗi Mân Côi.
Xin cảm ơn các Cha, các Hiệp Hội, các chương trình đã tổ chức cho chúng con những buổi Lần Chuỗi Mân Côi trực tuyến.
Hôm nay lễ Mẹ Lên Trời rồi.
Ước gì, hết thảy mọi người sẽ Lần Chuỗi Mân Côi, chung, riêng, bất cứ lúc nào có thể.
Xin cảm ơn Bà Tư già, đã nhắc nhớ.
Sau lễ Đức Mẹ Lên Trời…sẽ hết dịch.
Và sẽ hết dịch…..để mọi người thờ phượng Chúa cho nên… về mục lục
PM. Cao Huy Hoàng
NHỮNG NGƯỜI THUỘC VỀ CHÚA KITÔ
Gọi là lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Nhưng sau khi nghe ba bài Kinh Thánh, ta chẳng hề thấy có nội dung nào là Đức Mẹ về trời. Vậy những bài đọc Kinh Thánh muốn nói gì?
Bài đọc I trích sách Khải huyền kết thúc: "Nay sự cứu độ, quyền năng, uy quyền của Đức Kitô đã được thực hiện". Còn bài đọc II, thánh Phaolô gọi Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, sau đó mới đến những người thuộc về Chúa Kitô. Bài Tin Mừng lại càng rõ nét hơn. Chính Đức Mria ca ngợi Chúa rằng: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, lòng tôi hoan hỷ trong Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi".
Lễ Đức Mẹ được triệu hồi về trời, Hội Thánh lại mời gọi ta hướng về Chúa Kitô. Bởi dù là Mẹ Thiên Chúa, Đức Mẹ vẫn chỉ nhờ đến ơn cứu độ do một mình Chúa Kitô thực hiện. Hôm nay, dù Đức Mẹ có được đưa lên trời hồn xác, thì tác nhân chính của ân huệ cao cả này là Chúa Giêsu.
Chính lời nguyện đầu lễ xác nhận: "Chúa đã đưa lên trời cả hồn xác Đức Maria". Còn kinh Tiền tụng trong lễ này cũng không đi ngoài nội dung ấy: "Mẹ được Thiên Chúa đưa về trời".
Những kiểu nói: "Chúa đã đưa", "được đưa" nghĩa là gì, nếu không phải là chính ơn Thiên Chúa ban, là chính nhờ cuộc khổ nạn, phục sinh, lên trời của Chúa Kitô, Đức Mẹ mới được đưa về trời cả hồn lẫn xác.
Cùng là người như chúng ta, Đức Mẹ không thể tự mình về trời hồn xác. Bởi đó, trong thánh lễ này, Hội Thánh hướng về Thiên Chúa mà tuyên xưng những hành động kỳ diệu Chúa đã thực hiện nơi Đức Mẹ.
Chính Đức Mẹ chứ không phải ai khác, là người đầu tiên tuyên xưng hành động cứu độ của Thiên Chúa: "Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Đấng Cứu độ tôi". Đức Mẹ quy hướng ơn cứu độ về Thiên Chúa và ngợi khen Đấng Cứu độ mình. Chỉ nhờ Đấng Cứu độ, chỉ trong Đấng Cứu độ, Đức Mẹ mới được đưa lên trời hồn xác, vì Đấng ấy đã cứu độ Đức Mẹ.
Lời ca ngợi quy về Thiên Chúa của Đức Mẹ, còn được hỗ trợ bởi nhiều lời Kinh Thánh khác. Chẳng hạn thánh Phaolô trong bài đọc II: “Hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, rồi mới đến những người thuộc về Đức Kitô”.
Có ai thuộc về Chúa Kitô bằng Đức Maria. Bởi vậy, nếu Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, đã về trời cả hồn xác, thì Đức Mẹ, người thuộc về hoa quả ấy cách trọn vẹn, cũng được đưa về trời hồn xác, không là điều khó hiểu.
Vì thế, khi khẳng định Đức Mẹ không thể tự mình về trời nếu không có Chúa, không hạ thấp vai trò của Đức Mẹ. Trái lại, ta tuyên xưng đúng vị trí mà Đức Mẹ được Chúa thưởng ban.
Trong chính ngày lễ Đức Mẹ hồn xác về trời, bằng các bài Kinh Thánh, bằng các lời nguyện, bằng kinh tiền tụng, Hội Thánh hướng chúng ta về Thiên Chúa, để cùng Đức Mẹ mà ca ngợi Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”.
Tuy nhiên, để có được ơn vinh quang về trời, Đức Mẹ đã sống đức tin trọn vẹn. Ngay cả khi đứng bên thập giá, nhìn con chết tức tưởi, nhục nhã, Đức Mẹ vẫn tin, vẫn ngợi khen Thiên Chúa, Đấng Cứu độ của mình.
Còn chúng ta, sống giữa biển đời, biết bao nhiêu lần va chạm thử thách, bao nhiêu bi thương ập đến, có khi như muốn vùi lấp cuộc đời mình, những lúc như vậy, ta có còn tin Chúa? Có đủ trông cậy để cất lời ca ngợi: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi” như Mẹ của mình?
Câu hỏi này xin gởi đến bạn và cũng là nói với chính bản thân tôi, để tất cả chúng ta tự tra vấn đức tin của mình đối với Thiên Chúa.
Nếu Đức Mẹ đã ca ngợi Chúa bằng cả cuộc đời thế nào, thì suốt cuộc đời của bạn và tôi, cũng phải là lời ca ngợi Thiên Chúa liên lỷ như vậy.
Dù trong hoàn cảnh nào, dù cuộc đời có thương đau như một người mang thai “kêu la chuyển bụng, và đau đớn sinh con”, hay nỗi bất hạnh, lao đao, hoặc ngay cả tai họa ập đến dữ dội như con rồng khổng lồ đang đe dọa hãi hùng mà sách Khải huyền diễn tả, chúng ta vẫn một lòng tin tưởng tín thác đời mình cho Chúa như Đức Mẹ.
Thánh Phaolô nói, Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, rồi mới đến những người thuộc về Chúa Kitô. Đức Mẹ đã thuộc về Chúa Kitô, và chúng ta cũng thuộc về Chúa Kitô.
Nếu biết sống đức tin mạnh mẽ như Đức Mẹ, chúng ta cũng được hồn xác về trời như Đức Mẹ. Những gì Chúa đã thực hiện nơi Đức Mẹ, Chúa cũng sẽ thực hiện nơi từng người.
Mãi mãi xác tín, Chúa Kitô là hoa quả đầu mùa, rồi sẽ đến lược chúng ta, những kẻ thuộc về Chúa Kitô. Một khi niềm xác tín của ta đạt đến mức độ cao như Đức Mẹ, chắc chắn cả cuộc đời ta cũng sẽ là cuộc đời ca khen Thiên Chúa cùng Đức Mẹ, hiệp thông với Đức Mẹ: “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa, Đấng Cứu độ tôi”. về mục lục
Lm. JB. Nguyễn Minh Hùng
Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Đồng Trinh Hồn Xác Lên Trời vào ngày 15 tháng 8 hằng năm. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là dấu chỉ an ủi và hy vọng của chúng ta. Nhìn lên Mẹ thấy muôn thiên thần ca hát vui mừng, cuộc sống loài người như nở hoa để vươn tới một viễn tượng hạnh phúc vĩnh cửu. Chết không phải là hết mà là bước vào một cuộc sống mới không bao giờ chết. Chúng ta là nghĩa tử của Đức Giêsu và Mẹ Maria, chúng ta cũng được thông phần nhờ những ân huệ Chúa ban qua Đức Maria. Đức Mẹ không phải là một người bình thường. Vậy Đức Mẹ khác người thường thế nào?
ĐỨC MẸ KHÔNG VƯỚNG TỘI TỔ TÔNG
Người Công giáo tin Đức Mẹ Lên Trời, đồng thời cũng tin Mẹ sinh ra không vướng tội tổ tông. Đức Maria không mắc tội là do ân huệ đặc biệt Chúa ban, do đó Mẹ cũng không bị ảnh hưởng bởi những hậu quả của tội. Chúng ta tin rằng vì sự vâng lời và lòng trung thành của Đức Mẹ nên vào cuối đời, Mẹ đã được Thiên Chúa đem cả hồn lẫn xác lên thiên đàng hưởng phúc vinh quang.
LỊCH SỬ XÁC ĐỨC MẸ LÊN TRỜI
Ở Giáo Hội sơ khai, trong nhiều thế kỷ, không thấy có giáo phụ nào nhắc tới việc Đức Mẹ hồn xác lên trời. Irenaeus, Jerome, Augustine, Ambrose và nhiều giáo phụ khác cũng không đả động gì về vấn đề này cả. Trong bài viết vào năm 377, giáo phụ Epiphanius còn quả quyết là chẳng ai biết Mẹ Maria chết ngày nào.
Thế rồi, vào đầu thế kỷ V, lễ Đức Mẹ Lên Trời được mừng ở Syria. Thế kỷ V và VI, các ngụy thư cho thấy Giáo Hội đã bỏ ý nghĩ là xác Mẹ Thiên Chúa còn nằm trong mồ. Vào thế kỷ VI thì lễ được mừng ở Jerusalem và có lẽ ở cả Alexandria.
Các bản khảo chính thức tham khảo Lễ Mẹ Lên Trời đều của những tác giả sống từ thế kỷ VI đến thế kỷ VIII. Trong những bài giảng của các thánh Andrew đảo Crete, thánh Gioan Damascene, thánh Modestus thành Jerusalem và nhiều thánh khác đều có nhắc đến lễ này. Ở Tây phương thì thánh Gregory thành Tours là người đầu tiên nói đến lễ này. Ngài sống ở thế kỷ VI, còn thánh Gioan Damascene ở thế kỷ VIII.
Vào thế kỷ IX, lễ Mẹ lên Trời được mừng ở Y Pha Nho. Từ thế kỷ X đến XII thì không thấy bàn cãi gì nữa về việc mừng lễ này ở Giáo Hội Tây Phương. Thế kỷ XII thì lễ được mừng tại chính Rôma và Pháp.
Từ thế kỷ XIII đến nay thì hiển nhiên không còn bàn cãi gì nữa; trên khắp Giáo Hội hoàn vũ người ta tin là Mẹ đã lên trời cả Hồn và Xác. Năm 1950 Đức Piô XII ra luật bất khả ngộ bằng Tông Thư Munificentissimus Deus: “Mẹ Maria, đã có trọn vẹn cuộc sống trần thế, đã được lên Trời vinh hiển cả hồn lẫn xác.”
ĐỨC MẸ LÊN TRỜI HAY ĐỨC MẸ NGỦ?
Có một thời người ta tin rằng Mẹ Maria không chết mà chỉ ngủ giấc ngủ ngàn thu. Vậy thì Đức Mẹ lên trời hay Đức Mẹ ngủ? Giáo Hội Công Giáo mừng lễ Mẹ Lên Trời vào ngày 15 tháng 8; Chính Thống Giáo Đông Phương và Công Giáo Đông Phương mừng lễ Đức Mẹ Thiên Chúa Ngủ cũng đâu đó cùng ngày. Chính Thống Giáo tin rằng Đức Mẹ chết tự nhiên và linh hồn được Chúa Kitô nhận lúc Mẹ chết; xác Mẹ đã sống lại sau ba ngày và được đem về Trời hưởng phúc phục sinh hoàn toàn. Mộ mẹ thấy trống vào ngày thứ ba. Ngày nay mọi người có thể viếng mộ Mẹ Trinh Nữ Chính Thống Giáo ở Jerusalem, gần ngôi thánh đường chung của mọi quốc gia và vườn Gethsemane.
DẤU CHỈ NƯỚC TRỜI
“Người phụ nữ mặc áo mặt trời” được mô tả trong sách Khải Huyền (Kh 11:19a; 12:1-6a, 10) là dấu chỉ nước trời, cho thấy bà “có thai… đang kêu la đau đớn vì sắp sinh con” (12:2). Vì như Chúa Kitô phục sinh đã về trời luôn luôn mang những vết thương cứu chuộc do sự chết, thì Mẹ Người cũng đời đời mang “đau khổ” và “quằn quại để sinh con”(12:2). Chúng ta có thể nói rằng Mẹ Maria, như là một ‘Eva mới’ sẽ tiếp tục sinh ra con người mới xuyên suốt thế hệ này qua thế hệ khác, “được tạo thành giống hình ảnh Thiên Chúa để sống thật sự công chính và thánh thiện” (Ep 4:24). Đó là hình ảnh thời cánh chung của Giáo Hội, hiện diện và sống động nơi Đức Mẹ Maria đồng trinh.
NẾU CHÚA KITÔ KHÔNG SỐNG LẠI….
Thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côrintô (1Cr 15:20-26) đã đề cập đến vấn đề là họ không tin xác loài người sống lại (c.12) vì lẽ họ không thể tưởng tượng được làm sao xác người đã chết mà có thể sống lại và hiện hữu (c.35). Thánh Phaolô đã quả quyết cả việc thể xác sống lại lẫn chuyện tương lai của nó. Câu trả lời của ngài đi theo 3 tiến trình: Ngài nhắc lại những “giảng huấn loan tin” căn bản về việc Chúa Giêsu phục sinh (15:1-11), chứng minh việc từ chối xác loài người sống lại là mâu thuẫn và không đúng lý luận (c.12-34), và cách thức kẻ chết sống lại dưới khía cạnh thần học (c.35-58).
Không công nhận xác loài người sống lại (15:12) là lý luận mâu thuẫn và bất nhất. Lý luận căn bản đã được nhắc lại 2 lần, là nếu xác loài người không sống lại thì chính Chúa Giêsu cũng không sống lại. Do dó hậu quả mà các tín hữu Côrintô lãnh chịu sẽ rất trầm trọng: Cả hai việc ‘Tội lỗi được tha thứ và ơn cứu chuộc’ trở thành mây khói. Niềm tin của họ chẳng cứu được họ, nếu Chúa Kitô không sống lại.
Việc Chúa Kitô toàn thắng sự chết do tội Ađam đã đi vào lịch sử nhân loại, nay rực sáng nơi Đức Maria trên thiên đàng. Chính Chúa Kitô, một Ađam “mới”, là người đã chinh phục sự chết, tự hiến mình hy sinh trên thập giá ở núi Calvary vì vâng lời Chúa Cha. Bằng cách đó, Người đã cứu chúng ta khỏi nô lệ tội lỗi và ác quỉ. Nhờ Mẹ Maria khải hoàn toàn thắng, Giáo Hội tôn vinh Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ được Thiên Chúa Cha chọn làm mẹ thực sự của con độc sanh của Thiên Chúa, khiến Mẹ trở thành hiệp công cứu chuộc nhân loại.
QUYỀN NĂNG THIÊN CHÚA VƯỢT SỨC CON NGƯỜI
Bài phúc Âm hôm nay theo Luca (Lc 1:39-56) kể lại câu chuyện rất đặc biệt của hai người phụ nữ chia sẻ với nhau về niềm tin, hy vọng và hạnh phúc khi họ chuẩn bị làm mẹ. Đây là cơ hội để hai người chúc mừng nhau, một người đã luống tuổi và hiếm muộn là Elizabeth và một người là vị hôn thê, một trinh nữ trẻ đẹp tên Maria. Câu chuyện nói về quyền năng của Thiên Chúa vượt sức con người. Thiên Chúa có thể tạo ra sự sống, bằng cách cho phép những bà già hiếm muộn sinh con (Lc 1:36-37; Kn 21:1-3) và làm cho kẻ chết sống lại (Lc 7:14-16; Ga 1:43-44). Hành động Mẹ Maria vội vã lên đường đi về miền núi đồi xứ Giudea là một biểu tượng Nước Trời sắp đến.
Mẹ Maria là khuôn mẫu cho mỗi người chúng ta, việc Mẹ về trời nhắc nhở chúng ta, anh và tôi đều có quyền hy vọng. Điều xẩy ra cho người con gái đồng trinh thành Nazareth vào cuối đời nơi dương thế cũng có thể xẩy ra cho mỗi người chúng ta nếu chúng ta có lòng tin, trung thành và biết vâng lời như Mẹ Maria.
Nơi thiên đàng, mẹ Maria hướng dẫn cho chúng ta cách gặp Chúa, biết cách sống và biết đường tìm về thiên quốc. Mẹ chỉ cho những con của mẹ đã chịu phép thánh tẩy trong Chúa Kitô và tất cả những ai lòng thành. Mẹ mở rộng những cách thức đó cho các trẻ thơ bé nhỏ và người nghèo khó, những kẻ biết mở rộng lòng mình đón nhận tình Chúa thương xót. Nữ Vương Thế Giới biểu dương cho từng cá nhân, từng quốc gia, sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa, dẹp tan những kẻ kiêu căng, hạ bệ những kẻ quyền thế, nâng cao những kẻ khiêm nhường, cho no đầy những ai đói nghèo và làm tay trắng những kẻ giầu sang (Lc 1:51-53).
BA GIAI ĐOẠN CỦA MẸ MARIA
Chúng ta mừng ba giai đoạn lớn của cuộc đời mẹ Maria, giống như cuộc đời của tất cả chúng ta. Khi Đức Piô IX tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội năm 1854 với sắc chỉ “Ineffabilis Deus”, ngài dẫn chứng rõ ràng bằng câu chuyện Phúc Âm thánh Luca nói về thiên thần Gabriel truyền tin cho Mẹ Maria (Lc 1:26-38). Sứ thần chào Mẹ: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”. Câu này phải được hiểu là Mẹ Maria luôn luôn tinh tuyền, không bao giờ nhiễm tội lỗi. Thiên Chúa đã hiện diện và hoạt động trong Mẹ ngay từ những giây phút khởi đầu sự sống. Ơn sủng của Chúa thì to lớn hơn cả tội lỗi, quyền lực đó bao chùm vượt qua cả tội lỗi và sự chết. Nhờ vô nhiễm nguyên tội, Mẹ Maria được kêu gọi lãnh sứ mệnh đặc biệt.
Giai đoạn hai là nhập thể. Qua việc Mẹ Maria sinh ra Chúa Giêsu mà còn đồng trinh thì chúng ta phải hiểu là quyền năng Thiên Chúa cũng đã hoạt động trong cuộc sống của chúng ta. Câu trả lời của chúng ta cho giai đoạn này là phải khiêm tốn, công nhận, biết ơn, cởi mở và đón chào. Qua việc nhập thể, Mẹ Maria sinh ra Ngôi Lời bằng xương bằng thịt thực sự.
Giai đoạn ba là cuộc hành trình sau cùng của Mẹ Maria đi về Vương quốc Thiên Chúa một cách trọn vẹn với tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời do Đức Piô XII ban năm 1950. Như vây từ khởi đầu cũng như lúc kết thúc cuộc sống của Mẹ, Thiên Chúa đã hoàn thành nơi Mẹ tất cả những lời hứa mà Người đã hứa với chúng ta. Do đó chúng ta cũng sẽ được đưa lên thiên đàng như Mẹ vậy. Trong Mẹ Maria, chúng ta có hình ảnh nhân tính và thiên tính. Thiên Chúa thực sự thoải mái trong chúng ta và chúng ta cũng khoan khoái trong Thiên Chúa. Mẹ Maria lên trời ở một chỗ danh dự đặc biệt đã có sẵn trong ý của Thiên Chúa từ muôn thuở….
LỜI KẾT: MẸ MARIA THEO BƯỚC CHÂN CỦA CHÚNG TA
Để kết thúc, xin được nêu lên ít lời của ĐGH Biển Đức XVI suy tư về Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời trong buổi triều yết chung hàng tuần tại Castel Gandolfo ngày 16-8-2006.
“Nhờ chiêm ngưỡng sự vinh quang của Mẹ Maria trên thiên quốc, chúng ta hiểu được trần thế không phải là quê hương thực của chúng ta, và nếu chúng ta luôn luôn chăm chú để mắt nhìn vào những của cải vĩnh cửu thì một ngày kia chúng ta sẽ được chia sẻ cùng một vinh quang ấy, và trần thế sẽ trở nên tươi đẹp hơn. Vì vậy chúng ta sẽ không mất bình thản và an bình giữa hàng ngàn khó khăn mỗi ngày. Những tia óng ánh của Mẹ được mang về trời sẽ chiếu rọi rực rỡ hơn khi bóng tối sầu buồn của đau khổ và bạo động như lu mờ ở chân trời.
“Chúng ta có thể chắc chắn về điều đó: Từ trên trời cao Mẹ Maria theo rõi những bước chân đi của chúng ta với niềm ưu tư nhẹ nhàng, đánh tan những băn khoăn sầu muộn trong những lúc đen tối và buồn nản, bảo đảm cho chúng ta yên tâm qua bàn tay dịu hiền của mẹ. Biết được như vậy, chúng ta hãy tiếp tục đi trên đường quyết tâm của người Kito hữu bất cứ khi nào Chúa quan phòng dẫn đưa chúng ta. Chúng ta hãy tiến bước trong cuộc sống của chúng ta dưới sự dìu dắt của Mẹ Maria.” về mục lục
Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD
NIỀM VUI VÀ HY VỌNG CỦA THẾ GIỚI
Mừng lễ Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời hôm nay, chúng ta cùng với Mẹ lặp lại lời Kinh Ngợi Khen mà Mẹ đã từng cất lên : “Linh hồn tôi ngợi khen Ðức Chúa và thần khí tôi hoan hỉ trong Chúa Ðấng cứu độ tôi” (Lc 1, 46-47).
Quả thật, lễ Mẹ lên Trời là lễ của niềm vui hoan hỉ trọn cả xác hồn. Mẹ được ân thưởng về Trời cả hồn lẫn xác mang đến cho chúng ta niềm phấn khởi tươi vui và một bầu trời hy vọng. Mẹ giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa đã cho Mẹ hồn xác về Trời, Ngài cũng sẽ làm như thế cho chúng ta.
Vui vì sự chết bị tiêu diệt
Sách Khải Huyền trình bày cho chúng ta về Người Nữ, “đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12,1). “Bà sinh một con trai” (Kh 12,5). “Con trai” của Người Nữ ám chỉ Đấng Mêssia, “Đấng sẽ dùng roi sắt mà cai trị muôn dân” (Kh 12,5).
Mặt đối mặt giữa Người Nữ đang chuẩn bị sinh con đại diện cho sự cứu rỗi nhân loại được bảo đảm bởi chiến thắng của Thiên Chúa, và bên kia là con Rồng, được mô tả như là mầm mống của sự chết chóc, biểu tượng của Satan và ác thần đứng “ rình người nữ sắp sinh con để nuối lấy đứa trẻ” (Kh 12, 4) ám chỉ việc vua Hêrôđê đã cố gắng giết Hài Nhi Giêsu (x. Mt 2,16).
Lời loan báo : “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta, và uy quyền của Đức Kitô của Người đã được thực hiện” (Kh 12,10) mạc khải rõ niềm hy vọng và sức mạnh tương lai, báo trước sự chiến thắng của đức tin trước các thế lực sự dữ. Đứa trẻ “Con Bà được mang về cùng Thiên Chúa, đến tận ngai của Người” (Kh 12, 5) thể hiện sự hiển trị của Thiên Chúa, và khẳng định rằng tương lai nhân loại không bị thống trị bởi cái ác, nhưng là Thiên Chúa. Do bởi đặc ân khôn tả mà “Người Nữ mặc áo mặt trời, chân đạp mặt trăng, đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1) được hiểu là Đức Maria. Mẹ lên Trời, một chân trời hy vọng và cuộc sống hạnh phúc trong tương lai đã mở ra.
Chiến thắng của Đức Kitô trên sự chết giúp chúng ta đối mặt với thử thách cuối cùng, vì “kẻ thù cuối cùng sẽ bị tiêu diệt là sự chết” (1 Cr 15,6). Chúa Kitô đã tiêu diệt sự chết “bởi Người đã bắt mọi sự quy phục dưới chân Người” (1 Cr 15,6). Chúa Kitô đã chiến thắng sự chết, chúng ta thật hỉ hoan vui mừng.
Mừng vì Mẹ được đưa lên Trời cả hồn xác
Mừng lễ Đức Maria hồn xác về Trời hôn nay, chúng ta hay gia tăng lòng sùng kính và biết ơn Mẹ. Nếu ngày truyền tin con Thiên Chúa nhập thể, Mẹ đã vui lòng đón nhận Chúa Giêsu đến cho trần gian, đem niềm vui cho nhân thế, đây là ơn cao trọng nhất. Thì ngày lễ Đức Mẹ lên Trời cả hồn lẫn xác mang đến cho chúng ta một bầu trời hân hoan hy vọng. Mẹ giúp chúng ta hiểu rằng Thiên Chúa muốn cứu độ tất cả mọi người trọn vẹn cả hồn lẫn xác.
Chúa Giêsu Con Mẹ, Đấng là trưởng tử mọi loài thọ sinh đã sống lại với thân xác đã nhận lãnh từ mẹ mình là Đức Maria. Thân xác đã được Chúa Giêsu mặc lấy, sống, chết và sống lại, rồi đưa về Trời với Chúa Cha, cùng với nhân tính được biến đổi của Người. Như thế, Đức Maria không thể tự lên trời một mình được. Chính Thiên Chúa đã chọn “đảm nhận” Mẹ, cả thể xác lẫn linh hồn, bằng cách đoàn tụ Mẹ với Chúa Giêsu Con Mẹ mà không cần đợi đến sự sống lại trong ngày sau hết. Mẹ biết rằng, thế nào Thiên Chúa cũng hợp nhất thể xác và linh hồn của Mẹ với con Mẹ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Việc Ðức Maria, một thụ tạo ưu tuyển đầu tiên được ân thưởng về Trời cả xác hồn, giúp chúng ta ngay từ cõi đời này sống tin tưởng và hy vọng, vì số phận của Đức Maria thế nào thì số phận chúng ta của chúng ta cũng thế ấy.
Sống niềm tin và hy vọng
Hôm nay, chúng ta cảm tạ Chúa cùng với Mẹ Maria ! Vì nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô Con Mẹ, Đấng là trưởng tử những người đầu tiên sinh ra từ kẻ chết. Mẹ là người đầu tiên trong số những người được cứu, nay được rước lên Trời cả hồn lẫn xác để lãnh nhận triều thiên chiến thắng. Ngôi mộ không thể cầm giữ được Mẹ, nhà tạm đầu tiên của Chúa Giêsu, Đấng hằng sống. Nơi Mẹ, toàn thể con cái Mẹ được hưởng nếm trước niềm vui phục sinh.
Lời tiên tri trong sách Khải Huyền thật rõ: chiến thắng của Người Nữ trước con Rồng liên quan đến Giáo hội mà Đức Maria là hình ảnh, là biểu tượng và là hiện thân của Giáo Hội.
Trong đoạn Sách Khải Huyền 11,19a; 12,1-6, các hình ảnh chen lấn và ăn khớp với nhau. Tất nhiên, đứa trẻ được sinh ra là Chúa Giêsu Kitô, nhưng tất cả chúng đều là con cái của Giáo hội. Người Nữ là Đức Maria, nhưng cũng chính là Giáo hội đang sống trong mình nỗi đau đớn khi sinh nở. Nơi chúng ta, Mẹ vẫn còn phải đau đớn vì tội lỗi, đang phải chiến đấu chống lại cái ác và sự chết. Mẹ giúp chúng ta giành chiến thắng trước cái ác. Mẹ lên Trời, niềm vui tỏa bay trong Giáo hội, báo trước sự khải hoàn chung cuộc Thiên Chúa dành cho chúng ta.
Trong ngày lễ trọng này, toàn thể Giáo hội cám ơn Mẹ vì tất cả những gì Mẹ đã làm trên trái đất này, từ lúc đón nhận lời Thiên Sứ Truyền Tin cho tới khi hoàn tất cuộc đời dương thế : Mẹ là người môn đệ gương mẫu hoàn hảo trong việc lắng nghe lời Con Mẹ và thực hành thánh ý Chúa Cha. Mẹ chỉ cho chúng ta thấy rằng con đường dẫn đến vinh quang là con đường theo ý Chúa. Những điều ấy nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta hoàn thiện bản thân không phải bằng cách làm những gì đẹp lòng chúng ta, nhưng là làm những gì đẹp thánh ý Chúa. Cùng với Mẹ chúng ta thưa : Xin Chúa hãy thực hiện nơi con những gì Chúa muốn!
Nữ Vương linh hồn và xác lên Trời. Cầu cho chúng con. Amen. về mục lục
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
HỌC THEO GƯƠNG NHÂN ĐỨC CỦA MẸ MARIA
Giáo Hội mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, tôi muốn chia sẻ với bạn vài điều quan trọng sau đây:
• Sự khác biệt giữa Tước Hiệu & Tín Điều về Đức Maria.
• Một vài nét lịch sử của ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời.
• Học hỏi và thực hành hai nhân đức tuyệt vời của Đức Mẹ.
SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TƯỚC HIỆU & TÍN ĐIỀU: Tước Hiệu (hay Danh Hiệu) thì khác với Tín Điều. Tước Hiệu của Đức Mẹ thì có nhiều lắm. Ví dụ như Nữ Vương Hòa Bình, Đức Mẹ Fatima, Đức Mẹ Lộ Đức, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Ban Ơn, Đức Mẹ Lavang, Đức Mẹ Tà Pao ... nhưng Tín Điều về Đức Mẹ thì chỉ có bốn mà thôi. Sau đây là bốn Tín Điều được trình bày theo thứ tự thời gian:
• Tín điều Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Được Công Đồng Ê-phê-sô công bố vào năm 431.
• Tín điều Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh. Được công bố vào năm 649 bởi Công Đồng Latêranô.
• Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Do Đức Giáo Hoàng Piô IX công bố vào ngày 8 tháng 12 năm 1854.
• Tín điều Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời: Do Đức Giáo Hoàng Piô XII công bố vào ngày 1 tháng 11 năm 1950.
LỊCH SỬ CỦA NGÀY LỄ: Ngay hồi thế kỷ thứ V, Giáo Hội đã mừng lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, nhưng lúc bấy giờ chỉ gọi là Lễ Ngôi Mộ Trống. Qua đến thế kỷ thứ 7, lễ này được mừng rộng rãi ở bên Anh, Đức và Pháp. Nhưng mãi đến ngày 1 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo Hoàng Piô XII mới chính thức công bố, Ðức Maria Hồn Xác Lên Trời là một Tín Điều, nghĩa là các tín hữu bắt buộc phải tin. Ngài tuyên bố như sau: "Do uy quyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và với thẩm quyền của Ta, Ta phán quyết, tuyên ngôn, và định tín là tín điều đã được mạc khải rằng: Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác.
THỰC HÀNH HAI NHÂN ĐỨC CỦA ĐỨC MẸ: Mừng Lễ Mẹ Hồn Xác Về Trời, bạn và tôi hãy học hỏi và noi gương Đức Mẹ hai nhân đức tuyệt vời này của Mẹ.
- Thứ nhất là biết QUAN TÂM tới người chung quanh. Thánh Luca ghi lại rằng, Mẹ Maria khi nghe tin bà chị họ đã già rồi mà vẫn có thai, thì Mẹ đã vội vã lên đường đến thăm và ở lại giúp đỡ cho bà Ê-li-sa-bét.
- Thứ hai là đem niềm vui đến cho mọi người. Khi vừa gặp bà chị họ của mình, thì lập tức bà Ê-li-sa-bét và cả thai nhi trong lòng bà, cũng đã cảm nghiệm được một niềm vui khôn tả. "Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên. Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng."
Xin hãy quan tâm và cố gắng đem niềm vui đến cho mọi người, bắt đầu từ ở trong gia đình mình bằng cách:
• Để ý đến nhiệt độ trong phòng ngủ của ông bà, của cha mẹ, xem thử có ấm áp, có mát mẻ đủ hay không?
• Là chủ nhân, xin hãy khích lệ, khen tặng, động viên thợ thuyền, nhân công, những người làm việc cho mình.
• Quý ông và quý anh, xin hãy nói một lời khen, một lời động viên, khi bà xã nấu một món ăn ngon, và vui vẻ giúp cho vợ dọn bàn ăn, rửa chén, đổ rác, lau nhà, hút bụi...
• Vợ chồng xin hãy thường xuyên nói với nhau những câu cám ơn, xin lỗi, làm ơn… Thánh Teresa thành Calcutta đã nói: "Những lời nói [thank you, sorry, pardon me...] ngắn lắm nhưng hiệu quả của nó thì vô tận."
• Cầu nguyện, đến an ủi, thăm viếng, động viên, chăm sóc, trao Mình Thánh Chúa…các bệnh nhân.
• Cầu nguyện và giúp đỡ cho các dòng tu, cho các chủng viện có phương tiện đào tạo chủng sinh & tu sĩ…
• Sống lạc quan, vui vẻ, hòa nhã với mọi người và cố gắng mỗi ngày nghĩ tốt, nói tốt và làm tốt cho họ.
Tôi chắc tin rằng, khi bạn và tôi biết nhìn vào gương nhân đức của Mẹ Maria, biết quan tâm tới những người chung quanh, luôn tìm cách đem niềm vui đến cho mọi người, thì đời sống của chúng mình sẽ có ý nghĩa hơn, hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn, và nhất là Đức Mẹ sẽ vui hơn, vì Mẹ thấy đoàn con của Mẹ đang đạt tới đỉnh cao của Đức Bác Ái như Mẹ.
Tôi cũng xin bạn cầu nguyện cho ngày Lễ Thánh Hiến Ngôi Thánh Đường Giáo Xứ Đức Mẹ Lavang (Hoa Kỳ) của chúng tôi vào ngày lễ Bổn Mạng, Mẹ Hồn Xác Về Trời. Xin cho mọi sự diễn ra trong bình an, thuận lợi, và xin cho mọi người đến đây tìm được niềm vui, và nhận được muôn ơn lành hồn xác của Chúa ban cho qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria. Xin chân thành cám ơn, và cầu chúc bạn cũng như gia đình bạn một tuần lễ mới vui khỏe, hạnh phúc và bình an. về mục lục
Lm. Đaminh Phạm Tĩnh, SDD
Micae Cao Danh Viện
Không gian Tháng Tám lặng im
Vì cơn dịch bệnh lây lan bất thường
Mùa Thu nắng nhẹ sắc hồng
Mà mây xám phủ bâng khuâng cõi đời
Đêm ngày lạc mất niềm vui
Xót xa nhân thế chơi vơi kiếp này
Nỗi buồn – bài học rất hay
Để mà biết cảm thương ai khó nghèo
Biết dừng lại thói tự kiêu
Biết thôi hống hách, biết yêu khiêm nhường [*]
Lặng thầm soi bóng trong gương
Hằng ngày cùng Mẹ trên đường dấn thân
Nương theo nhân đức đi lên
Không ngừng hy vọng tới Miền Vĩnh Sinh
Bình an cặp bến Thiên Đình
Đời đời cùng Mẹ tôn vinh Chúa Trời
Nỗi buồn Tháng Tám chẳng xui
Bởi vì vẫn có niềm vui lạ lùng
Mầu Nhiệm Mùa Mừng hợp xướng tín nhân
Cầu xin sống lại linh hồn
Chết lành để được thưởng trên Nước Trời
Hoan ca yêu mến chung lời
Cùng Mẹ muôn đời bên Chúa vinh quang. về mục lục
Viễn Dzu Tử
[*] Lc 1:51-52 – “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.”
Hướng về Mẹ La Vang
Rạo rực miền Tháng Tám
Niềm vui của Dân Thánh
Mừng kính Mẹ về trời.
Kính mừng Mẹ Chúa Trời
Được triệu về Thiên Quốc
Chúc tụng Mẹ phúc đức
Ôi, vĩ đại Nữ Tỳ!
Nhớ xưa Mẹ hiện ra
Yêu thương Mẹ đã dạy
Cây Lá Vằng cứ lấy
Làm phương thuốc cứu sinh. [1]
Lá rừng hóa thuốc linh
Cứu dân khỏi bệnh lạ
Vùng Hải Lăng, Quảng Trị
Trở nên vùng đất thiêng.
Tây Sơn bắt đạo nghiêm
Khiến tín nhân khốn khổ
Phải lánh nạn vì sợ
Nhưng có Mẹ chở che. [2]
Nay dân Việt sầu lo
Vì dịch bệnh lây nhiễm
Chúng biến chủng nguy hiểm
Xin Đức Mẹ chữa lành.
Trầm Thiên Thu
[1] Theo truyền thuyết, dưới thời vua Cảnh Thịnh, nhà Tây Sơn có chính sách chống đạo Công giáo. Để tránh sự trừng phạt của nhà Tây Sơn, nhiều giáo dân vùng Quảng Trị đã chạy lên vùng đất này. Đây là khu vực đồi núi hẻo lánh nên để liên lạc với nhau được thì họ phải “la” lớn và có tiếng “vang.” Thế là có tên La Vang. Một truyền thuyết tương tự về chữ La Vang có từ đặc tính của âm thanh chuyển thành địa danh, người ta nói rằng nơi chốn rừng rú này xưa kia có nhiều cọp beo hại người. Do đó, những người đi rừng nếu ở lại đêm thường phải chia phiên nhau thức canh, thấy động thì “la vang” lên để mọi người đến tiếp cứu.
[2] Cảnh Thịnh tên thật là Nguyễn Quang Toản, con thứ của vua Quang Trung, lên ngôi tháng 09-1792 (Nhâm Tý). Ông ra chiếu chỉ cấm đạo toàn quốc ngày 17-8-1798, giáo dân phải tìm nơi lánh nạn tại vùng núi Lá Vằng – tức là La Vang. Trong cảnh thiếu thốn, dân lâm bệnh nhiều mà không có thuốc chữa. Họ họp nhau bên gốc cây đa cổ thụ để lần chuỗi Mân Côi cầu xin Đức Mẹ cứu giúp. Đức Mẹ hiện ra trong ánh sáng ngời rực rỡ, tay bồng Chúa Hài Đồng, có hai thiên thần cầm đèn chầu. Một hôm, Đức Mẹ an ủi và động viên họ chịu đau khổ, cố gắng giữ vững Đức Tin, rồi dạy họ hái lá Vằng ở xung quanh đó mà nấu nước uống (màu như trà, hơi đắng) thì sẽ khỏi các chứng bệnh. Đức Mẹ nói: “Các con hãy tin tưởng, hãy vui lòng chịu đau khổ, hễ ai chạy đến cầu khẩn cùng Mẹ ở chốn này, Mẹ sẽ nhậm lời và ban ơn theo ý nguyện.” Đức Mẹ còn hiện ra nhiều lần khác để an ủi và nâng đỡ các giáo dân trốn cơn bách hại đạo. Năm 1972, chiến tranh khốc liệt – gọi là “Mùa Hè Đỏ Lửa,” nhưng đài Đức Mẹ La Vang vẫn không bị bom đạn làm hư hỏng chút nào. Thật là kỳ lạ vô cùng!
Vua Cảnh Thịnh trị vì 10 năm. Sau khi kinh đô Phú Xuân thất thủ, ông chạy ra Bắc nhưng bị Gia Long Nguyễn Phúc Ánh bắt và giết vào ngày 07-10-1802 (Nhâm Tuất). Trước khi chết, vua Cảnh Thịnh phải chứng kiến cảnh thi thể của vua Thái Đức (Nguyễn Nhạc), Quang Trung (Nguyễn Huệ) cùng vợ con và nhiều người khác bị quật lên, ghép xương cốt lại thành hình người rồi bỏ vào bồ lớn; quân lính nhà Nguyễn được lệnh đi tiểu vào đó rồi mang xương bỏ vào cối giã vụn. Cuối cùng, Cảnh Thịnh bị bịt mồm bằng giẻ rách để khỏi kêu la, tay chân cột căng bằng dây vào 4 con voi, rồi người ta thúc voi chạy về 4 phía, xé nát thân thể vua làm 4 mảnh. Thịt da sau đó bị róc, xương bị chặt làm 5 phần đem phơi bày tại 5 chợ trong kinh thành vừa để trả thù, vừa để khủng bố tinh thần những người còn ủng hộ nhà Tây Sơn. Đó là cái chết của ác vương bách hại Công giáo rất thảm khốc! về mục lục
(Thế Kiên Dominic)
ĐỨC MARIA HIỂN VINH THIÊN QUỐC
Anna Têrêsa Thuỳ Linh
Giuse Nguyễn Thanh Hà
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn