Thứ Năm tuần 19 thường niên.

Thứ tư - 11/08/2021 08:07

Thứ Năm tuần 19 thường niên.

"Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy".

 

Lời Chúa: Mt 18,21 - 19,1

Khi ấy, Phêrô đến thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, khi anh em xúc phạm đến con, con phải tha thứ cho họ mấy lần? Có phải đến bảy lần không?" Chúa Giêsu đáp: "Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy.

"Về vấn đề này, thì Nước Trời cũng giống như ông vua kia muốn tính sổ với các đầy tớ. Trước hết người ta dẫn đến vua một người mắc nợ mười ngàn nén bạc. Người này không có gì trả, nên chủ ra lệnh bán y, vợ con và tất cả tài sản của y để trả hết nợ. Người đầy tớ liền sấp mình dưới chân chủ và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, và tôi sẽ trả lại cho ngài tất cả". Người chủ động lòng thương, trả tự do và tha nợ cho y.

"Khi ra về, tên đầy tớ gặp một người bạn mắc nợ y một trăm bạc: Y tóm lấy, bóp cổ mà nói rằng: "Hãy trả nợ cho ta". Bấy giờ người bạn sấp mình dưới chân và van lơn rằng: "Xin vui lòng cho tôi khất một kỳ hạn, tôi sẽ trả hết nợ cho anh". Y không nghe, bắt người bạn tống giam vào ngục, cho đến khi trả nợ xong. Các bạn y chứng kiến cảnh tượng đó, rất khổ tâm, họ liền đi thuật với chủ tất cả câu truyện. Bấy giờ chủ đòi y đến và bảo rằng: "Tên đầy tớ ác độc kia, ta đã tha hết nợ cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta; còn ngươi, sao ngươi không chịu thương bạn ngươi như ta đã thương ngươi?" Chủ nổi giận, trao y cho lý hình hành hạ, cho đến khi trả hết nợ. "Vậy, Cha Thầy trên trời cũng xử với các con đúng như thế, nếu mỗi người trong các con không hết lòng tha thứ cho anh em mình".

Khi Chúa Giêsu nói những lời đó xong, thì Người bỏ xứ Galilêa mà đến Giuđêa, bên kia sông Giođan.

 

 

Suy niệm 1: Bảy mươi lần bảy

Suy niệm :

Có khoảng cách rất lớn giữa mười ngàn yến vàng với một trăm quan tiền.

Mười ngàn yến vàng bằng một trăm triệu quan tiền.

Vậy mà người vừa được tha món tiền cực lớn ấy,

lại không tha được cho bạn của mình một món tiền tương đối nhỏ.

Thái độ độc ác này khiến tôi nhìn lại mình và tự hỏi tại sao.

Tại sao tôi không tha cho anh em tôi những điều nhỏ mọn hàng ngày,

trong khi Chúa vẫn tha cho tôi những món nợ rất lớn?

Dù một trăm quan tiền là hơn ba tháng lương của người lao động,

nhưng nó chẳng là gì so với món tiền lớn tôi mắc nợ Chủ tôi.

Tôi mắc nợ Ngài sự hiện hữu của tôi trên đời và tất cả những gì tôi có.

Tôi mắc nợ Ngài vì tình yêu bao la Ngài dành cho tôi.

Món nợ lớn vô cùng, vì tôi là thụ tạo, còn Ngài là Tạo Hóa.

“Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” (cc. 26. 29).

Cả hai người đầy tớ đều sấp mình van xin như thế

khi cả hai đều không thể nào trả ngay được món nợ.

Nhưng hai câu trả lời nhận được lại khác nhau.

Chỉ vị vua mới biết chạnh lòng thương xót và tha toàn bộ số nợ (c. 27).

Còn người đầy tớ vừa được tha món nợ lớn, lại không có lòng thương xót này.

Anh ta thích dùng sức mạnh và quyền lực để giải quyết.

Túm lấy, bóp cổ, tống bạn mình vào ngục cho đến khi trả xong.

Lẽ ra anh ta phải cư xử với bạn mình như ông chủ đã cư xử với anh.

Đó chính là nội dung lời buộc tội của ông chủ giận dữ:

“Ngươi không phải thương xót đồng bạn,

như chính ta đã thương xót ngươi sao ?” (c. 33).

Lòng thương xót anh nhận được đã không trở thành dòng suối mát

chảy đến với người bạn đang cần chút xót thương.

Chính vì thế sự tha thứ mà anh nhận được từ chủ

phút chốc bị rút lại, bị xóa sạch.

Anh lại bị trở về tình trạng trước đây,

bị quân lính hành hạ, bị tù đầy cho đến khi trả hết (c. 34).

Sự tha thứ và lòng thương xót của Thiên Chúa đối với chúng ta

chỉ ở lại với điều kiện là nó được chuyển đi, chứ không giữ lại.

Giữ lại đồng nghĩa với bị rút lại.

Món quà tôi nhận được từ Cha phải trở thành món quà tôi trao cho anh em.

Trong cuộc sống, chúng ta là con nợ của nhau, người này nợ người kia.

Trước những xúc phạm của người anh em trong cộng đoàn,

Phêrô nghĩ phải chăng nên tha đến bảy lần.

Đức Giêsu mời ta tha đến bảy mươi lần bảy, nghĩa là tha đến vô cùng.

Ngài mời ta đi vào chỗ sâu nhất trong trái tim Thiên Chúa.

Sự tha thứ bắt nguồn từ tấm lòng, từ trái tim (c. 35).

Một trái tim tàn nhẫn chỉ biết đến một sự công bằng cứng cỏi.

Thế giới hôm nay cần một trái tim tha thứ hơn bao giờ.

Những nước nghèo mong chờ được tha những món nợ lớn.

Có những mối thù cần được tha giữa các sắc tộc, quốc gia, tôn giáo…

Người Kitô hữu chúng ta giúp gì cho sự tha thứ trong thế giới hôm nay?

 

Cầu nguyện :

Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,

xin dạy con biết phục vụ âm thầm.

Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,

xin dạy con biết yêu thương tự hiến.

Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,

xin dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.

Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,

xin dạy con biết coi mọi người như anh em.

Lạy Chúa Ba Ngôi,

Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,

xin cho các Kitô hữu chúng con

trở thành tình yêu

cho trái tim khô cằn của thế giới.

Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,

biết sống nhờ và sống cho tha nhân,

biết quảng đại cho đi

và khiêm nhường nhận lãnh.

Lạy Ba Ngôi chí thánh,

xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa

ở sâu thẳm lòng chúng con,

và trong lòng từng con người bé nhỏ.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

Suy niệm 2: Tha thứ

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Tha thứ một điều cần thiết nhưng lại khó khăn biết bao. Cần thiết vì nếu không tha thứ ta không thể sống với ai được. Con người là bất toàn. Luôn sai lỗi. Nếu ta không tha thứ thì cuối cùng chỉ còn mình ta với ta. Và ta cũng bất toàn. Nếu người khác không tha thứ thì ta cũng không sống nổi. Nhưng trên hết ta phải tha thứ để được Chúa thứ tha. Vì Chúa là Đấng hay tha thứ.

Chúa là Đấng từ bì thương xót. Luôn tha thứ lỗi lầm của con người. Lịch sử của con người là lịch sử của tình thương. Thiên Chúa yêu thương con người. Tạo dựng nên con người. Cứu chuộc con người. Sau Mô-sê đến lượt Gio-suê hướng dẫn dân Chúa ra khỏi Ai cập tiến vào Đất Hứa. Ra khỏi nô lệ khổ cực tiến vào tự do yêu thương. Ra khỏi đất ăn nhờ ở tạm vào đất sở hữu vĩnh viễn. Chúa yêu thương cho dân vượt qua Biển Đỏ. Hôm nay lại cho dân vượt qua sông Gio-đan khô chân. Qua sông qua biển. Đó là tình yêu thương của Chúa (năm lẻ).

Biết bao tình yêu thương Chúa bày tỏ với dân Ít-ra-en. Nhưng họ luôn cứng đầu cứng cổ. Phản loạn. Tội lỗi. Chúa phải sai các tiên tri đến cảnh tỉnh họ. Sửa chữa họ. Trừng phạt họ. Để họ tỉnh ngộ. Ê-dê-kiên trở nên dấu chỉ báo trước hình phạt Chúa giáng xuống ông hoàng và dân cư Giê-ru-sa-lem. “Tôi là điềm báo cho các ông. … Họ sẽ phải đi tù, đi đày. Ông hoàng đang ở giữa họ sẽ vác hành lý lên vao lúc trời tối và sẽ ra đi; họ sẽ khoét một lỗ trên tường cho ông chui qua. Ông sẽ che mặt để chính mắt khỏi nhìn thấy xứ sở” (năm chẵn). Chúa cảnh báo để họ sám hổi, để được tha thứ.

Nhưng rồi Chúa lại tha thứ tất cả. Để tha thứ Chúa gửi Con Một xuống trần gian. Chịu mọi đau khổ để đền tội cho con người. Để đưa con người vượt qua biển trần gian. Để con người được vào không phải đất hứa ở trần gian, nhưng vào đất hứa trên thiên đàng. Để tha thứ cho ta Chúa phải chịu khổ nhục thiệt thòi như vậy. Chúa dạy ta phải tha thứ cho anh em. Tha như Chúa. Tha mãi mãi. Tha không giới hạn. Đó là điều kiện để ta được Chúa tha thứ. Đó là cách thế để cứu thế giới. Thế giới tràn đầy tội lỗi. Không thể tồn tại nếu thiếu lòng tha thứ. Hơn nữa ta phải tha thứ để làm chứng cho Chúa. Làm sáng lên lòng nhân từ tha thứ của Chúa. Để nhân loại nhận biết Chúa. Đây là thời đại cuối cùng. Đây là lúc biểu lộ tình thương. Đây là thời kỳ của ân sủng. Ơn tha thứ. Lòng thương xót cho con người. Ta hãy cũng Chúa đem ơn tha thứ cho thế giới bằng chính sự khoan dung tha thứ của ta.

 

Suy Niệm 3: Tha Thứ

Một đôi vợ chồng nọ đưa nhau ra tòa xin ly dị. Vị luật sư biện hộ cho quan tòa biết: đôi vợ chồng này sống hoàn toàn yên lặng với nhau trong suốt 12 năm liên tiếp. Họ cũng không muốn gặp nhau nữa, nếu cần cho nhau biết điều gì, thì họ chỉ cần viết vào một mảnh giấy để sẵn trên bàn cho người kia đọc. Ðôi vợ chồng này trước đây đã sống hạnh phúc với nhau trong vòng 18 năm, đã nuôi nấng con cái khôn lớn, nhưng rồi không rõ vì lý do gì, hai người đã không thèm nói chuyện với nhau, và giờ đây họ không nhớ đã giận nhau vì lý do gì.

Những hờn giận, phiền muộn xẩy ra trong sinh hoạt hằng ngày, nếu không được nghiêm chỉnh giải quyết, vượt qua, thì sẽ dễ dàng chồng chất làm thành những bức tường ngăn cách giữa cha mẹ với nhau, hay giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em trong gia đình, hoặc giữa bạn bè thân thích. Những tâm tình phiền muộn tiêu cực mỗi ngày một ít cũng đủ ảnh hưởng đến cả cuộc sống, làm chúng ta không còn vui sống và bình an nữa.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ luôn luôn. Nhưng tại sao phải tha thứ? Vì tha thứ là một điều cần thiết trong đời sống xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể; vì tha thứ là đặc điểm của tình yêu: trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hòa bình. Cuộc đời là một cuộc hành trình, nếu chúng ta cứ để mình mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được. Do đó chúng ta hãy luôn sống tha thứ để tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui.

Một nhà tâm lý người Mỹ đã đưa ra nhận định như sau: Trên bình diện nhân bản, nếu suy nghĩ cho cùng, thì tha thứ là giải pháp tốt nhất cho người tha thứ và kẻ được tha thứ: sự tha thứ khai mở năng lực tinh thần con người và có tác dụng làm cho con người sống lành mạnh vui tươi hơn. Trên bình diện thiêng liêng, sự tha thứ có giá trị tích cực, chứng tỏ tình thương làm phát sinh nguồn an ủi trong tâm hồn; nếu chúng ta không thật lòng tha thứ cho nhau, thì Cha trên trời cũng không tha thứ cho chúng ta.

Xin Chúa cho chúng ta luôn biết tha thứ cho những ai xúc phạm đến chúng ta, và như vậy chúng ta trở thành khí cụ đem niềm vui đến cho mọi người.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Bản Sắc Của Người Kitô Hữu

Cuộc xung đột đẫm máu giữa người Do Thái và Palestin tại Trung Ðông cũng như những người công giáo và tin lành tại Bắc Ailen, hay giữa những chủng tộc khác nhau tại nhiều nơi khác trên thế giới cho chúng ta thấy rằng oán thù luôn sinh ra oán thù, bạo động luôn kéo theo bạo động, thế giới sẽ chẳng bao giờ có được hòa bình đích thực khi con người chưa biết tha thứ cho nhau.

Tin Mừng hôm nay một lần nữa mời gọi chúng ta đi vào cốt lõi của Tin Mừng là sự tha thứ, đây là tuyệt đỉnh của giáo huấn của Chúa Giêsu. Ngài sẽ chỉ là một kẻ lừa bịp và tòa giáo huấn của Ngài sẽ sụp đổ nếu trong giây phút cuối đời, từ trên thập giá, Ngài đã không tha thứ cho những kẻ đang hành hạ mình. Lời cầu xin tha thứ của Chúa Giêsu là bảo chứng của những lời Ngài rao giảng. Suy niệm về sự tha thứ, trước hết chúng ta phải hướng về tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Toàn bộ Kinh Thánh là lịch sử của những cử chỉ tha thứ của Thiên Chúa và sự bắt đầu lại của con người. Mỗi một lần con người vấp ngã là mỗi lần Thiên Chúa thực thi lòng thương xót. Ngay từ trang đầu tiên của Kinh Thánh, chúng ta đã thấy được sự tha thứ của Thiên Chúa. Sau khi ông bà nguyên tổ phạm tội, Thiên Chúa đã không bỏ mặc hay trừng phạt, mà trái lại còn hứa ban ơn cứu rỗi. Xuyên suốt Kinh Thánh Cựu Ước, Thiên Chúa trải dài tình yêu nhẫn nhục tha thứ cho dân riêng của Ngài. Qua Chúa Giêsu, lòng tha thứ của Chúa Cha đã bộc bạch một cách trọn vẹn. Những trang cảm động nhất trong Tân Ước hẳn phải là những trang về lòng tha thứ của Thiên Chúa được thể hiện qua lời nói, cử chỉ của Chúa Giêsu.

Còn bức tranh nào đẹp và cảm động cho bằng phiên tòa xử người đàn bà phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang. Từ buổi sáng tinh mơ, trong khi đám đông do các luật sĩ và biệt phái động viên đang hậm hực sẵn sàng ném đá người đàn bà khốn khổ, Chúa Giêsu đã giữ thinh lặng, và cuối cùng, khi đám đông đã rút lui, Ngài chỉ ôn tồn nói với chị: "Chị hãy về đi, Ta không kết án chị".

Còn áng văn nào đẹp cho bằng dụ ngôn về người con hoang đàng được ghi lại trong Tin Mừng theo thánh Luca. Còn lời nào dịu ngọt hơn lời tha thứ của Chúa Giêsu dành cho người được mệnh danh là kẻ trộm lành chịu đóng đinh bên hữu Ngài, và dĩ nhiên còn cử chỉ nào hào hùng và cao thượng hơn lời cầu xin tha thứ cho những kẻ lý hình trước khi trút hơi thở cuối cùng.

Thiên Chúa giàu lòng thương xót, chậm giận và hay tha thứ. Ðó là tuyệt đỉnh của mạc khải Kitô giáo. Thiên Chúa mà Chúa Giêsu tỏ bày cho chúng ta qua lời giảng dạy và cách cư xử của Ngài là Thiên Chúa hay thương xót và tha thứ. Lòng thương xót và tha thứ thiết yếu là của Thiên Chúa, con người không thể tự mình tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã không tự mình tha thứ, Ngài cầu xin Chúa Cha tha thứ. Thiên Chúa thực thi lòng tha thứ qua con cái Ngài. Tự mình tha thứ không phải là điều tự nhiên đối với bản tính con người. Chính vì thế mà Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kêu cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác: "Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con".

Cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu của cả một đời người nhưng đó cũng là cuộc chiến làm nên bản sắc của người tín hữu Kitô. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là tín hữu Kitô khi họ biết tha thứ mà thôi.

 

Suy Niệm 5: Sáng và tối.

Bấy giờ ông Phê-rô đến gần Đức Giêsu mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt. 18, 21-22)

Ý nghĩa hai dụ ngôn này đã rõ ràng. Chúng ta không thể khước từ tha thư cho người khác vì Thiên Chúa cũng tha thứ cho mỗi người chúng ta hơn thế nhiều. Chúng ta cũng không thể không biết rằng thái độ của chúng ta đối vời anh em lân cận. Thì không có lý gì chúng ta sẽ tránh khỏi Thiên Chúa không xử với chúng ta như vậy. Chúng ta là nạn nhân của chính lối cư xử và hành động chúng ta.

Tối.

Thường những dụ ngôn của thánh Mát-thêu cũng như câu chuyện nhỏ này mang nặng bi quan. Nó phác họa những con người, những cách đối xử với nhau đáng buồn và kết thúc bằng kết án đầy tớ độc ác kèm theo sự đe dọa của hình phạt đối với kẻ không biết tha thứ. Chắc là bi quan rồi, nhưng như thế có sai lầm không? Chúng ta có cư xử cách khác đối với anh em ta không? Người ta nói: “Người là chó sói đối với người”

Ở đây nói về các môn đệ Chúa Giêsu, nói về mỗi người chúng ta, chúng ta có cư xử với nhau như thế không? có độc ác như thế không? có dã man không? dụ ngôn này Đức Giêsu không chỉ nói với các môn đệ hình như đã sống không có tình yêu huynh đệ, nó còn nói với chúng ta hiện nay nữa.

Sáng

Xuyên qua câu truyện dụ gôn này có thấy sáng lên hình bóng của nhà vua. Lòng thương xót của nhà vua biểu lộ qua những cách cư xử ban đầu làm cho dụ ngôn này một vẻ tươi sáng, nhưng rồi lại tuôn đi. Lối cư xử của đầy tớ ban đầu có vẻ lành mạnh: Nó lăn xả vào tay Chúa. Chúa không bắt buộc nó nữa. Người Cha của đầy tớ van xin này là người cha của đứa con phung phá. “Một người phủ đầy tội lỗi luôn được quan tâm ưu ái, đó là cái đích cho lòng thương xót nhắm bắn” Lê-on Bloy nói thế.

Nơi pháp trường người tội lỗi như món nợ vô phương đền trả, được trông thấy một người tiến lại cứu giúp. Gảii thoát nó hoàn toàn! Lòng tha thứ đưa đến một chân trơì mới, đến đời sống mới và gắn bó lòng thương xót tha thứ lẫn nhau.

J.M

 

Suy niệm 6: THA THỨ VÀ YÊU THƯƠNG KHÔNG GIỚI HẠN (Mt 18, 21; 19, 1)

Xem lại CN 24 TN A, Thứ Ba Tuần 3 MC.

Toàn bộ Tin Mừng được gói trọn trong hai điều răn là: “Mến Chúa và yêu người”; nói cách khác: “Mến Chúa và yêu người là hai mặt của một thực tại”, nó như hai mặt trên cùng một bàn tay. Thật vậy, nếu nói mến Chúa mà không yêu người thì là người nói dối vì sự thật không ở trong người đó. Vì thế, luật Tin Mừng đòi hỏi mến Chúa và yêu người phải luôn đi đôi với nhau như hình với bóng.

Hôm nay, Đức Giêsu dạy cho Phêrô một bài học về sự tha thứ khi ông đến hỏi: "Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?". Đức Giêsu liền nói: "Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy". Điều đó cho thấy rằng: tha thứ triền miên, tha thứ không giới hạn…

Nhưng muốn tha thứ trong tự do và đem lại hạnh phúc, thì điều quan trọng là nhận ra mình không là gì cả, nhưng vẫn được Chúa yêu thương. Mình đáng phải chết mà Chúa đã cứu sống và tha thứ. Vì thế, mình phải có trách nhiệm cứu giúp và yêu thương anh chị em đồng loại như Chúa đã thương mình. Dụ ngôn “tên mắc nợ không biết thương xót” là điều mà con người hay mắc phải. Tức là chỉ cầu cứu Thiên Chúa tha thứ cho mình, còn người khác khi có lỗi với mình, mình tìm mọi cách triệt tiêu và đóng đinh họ cho bằng được.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết sống trong tình yêu của Chúa. Biết yêu thương như Chúa đã yêu thương chúng con. Đồng thời sẵn sàng tha thứ cho những thiếu xót, bất toàn của anh chị em chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

Suy Niệm 7: Tha thứ vô điều kiện

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúng ta phải tha thứ cho nhau vô điều kiện, bởi vì Thiên Chúa nhân lành luôn thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm cho ta trước.

Cầu nguyện: Lạy Cha, con chúc tụng tình thương độ lượng hải hà mà Cha đã thực hiện nơi nhân loại và nơi bản thân yếu đuối của con. Chúa không nhìn đến lòng phản trắc đáng phải chết khi nguyên tổ chúng con sa ngã phạm tội, Cha đã tha thứ và gọi tên A-đam, E-và, để loan báo chương trình cứu thoát. Từ lời hứa ấy, Cha đã từng bước thực hiện ơn cứu độ và hoàn thành trong Đức Giêsu Tử Nạn và Phục Sinh. Cha còn tiếp tục ban lại cho con sự sống của Cha cách dồi dào hơn nữa trong Ngôi Thánh Linh. Vâng, nhân loại đáng chết đã được hưởng lòng thương xót thứ tha của Cha. Con sẽ mãi ca tụng Cha nhân từ trọn đời sống con.

Lạy Cha là Đấng luôn tha thứ và hay thương xót, xin cho con biết học bài học rộng lượng, khoan dung để con đối xử như thế với mọi người anh em. Xin cho con biết vì Cha mà tha thứ tất cả cho mọi người có điều xích mích, bất hòa với con, không giới hạn, không điều kiện. Con ý thức được rằng con tha thứ cho anh em không phải vì con cao thượng hay vì con nhân đức, cũng không phải vì người anh em nhận ra lỗi và hạ mình van xin. Nhưng lạy Cha, chỉ vì một lý do là Cha muốn con tha thứ, như Cha đã tha thứ cho con trước. Xin cho mỗi lần con cố gắng tập tha thứ, là con trở nên giống Cha và giống Đức Giêsu đã tha thứ cho kẻ giết hại mình.

Con cầu xin cho mọi anh chị em con cùng sống theo lời Chúa Giêsu chỉ dạy: hãy tha thứ để được thứ tha. Amen.

Ghi nhớ: “Thầy không bảo con phải tha đến bảy lần, nhưng đến bảy mươi lần bảy”.

 

Suy Niệm 8: Trả thù: cách của người công giáo

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau. Ngày kia một trong hai người gặp đứa con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Tên ấy liền bắt cô bé, lấy dao chặt hai ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy về vừa khóc, bàn tay máu chảy ròng ròng. Còn tên hung thủ vừa đi vừa la lớn: “Trả được thù rồi”.

 Ngày qua tháng lại, thấm thoắt mười mấy năm, cô gái đã có chồng con. Một hôm, có một tên ăn mày tới xin ăn. Người đàn bà nhận ra đó là kẻ chặt ngón tay mình, vội vàng trở vào nhà bảo đầy tớ đem sữa bánh ra cho ăn. Khi kẻ kia ăn no rồi, người đàn bà đưa bàn tay cụt hai ngón ra cho hắn xem và nói: “Tôi cũng đã trả được thù rồi”. Tên ăn mày xúc động khóc ngất. Riêng bà kia vì đã trở lại đạo nên hiểu rằng: “Nếu kẻ thù mình đói, hãy cho nó ăn, khát hãy cho nó uống...” (Rm 12,20) .

Hai cách trả thù: Cách của người ngoại giáo và cách của người công giáo (Trích “Phúc”).

Suy niệm

Trong nỗ lực đưa nhân loại đến với đức ái trọn hảo, Chúa Giêsu đã dạy con người phải biết tha thứ không ngừng cho nhau qua con số tha thứ bảy mươi lần bảy tức là luôn tha thứ. Chính Ngài là tấm gương sống động khi cất lời xin Cha tha thứ cho những kẻ thi hành án tử với Ngài (x. Lc 23,34). Tấm gương tha thứ ngay lúc họ gây cho Ngài đau khổ nhất, phản chiếu khuôn mặt nhân từ như Ngài kêu gọi: “Phải có lòng nhân từ” (Lc 6:36).

Hơn nữa, tha thứ là điều kiện để chính mình được thứ tha như Ngài dạy trong kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con nhưng chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12). Sách Huấn Ca nhấn mạnh kẻ thù hận là người không có lòng yêu thương và không đáng được tha tội: “Nó chẳng biết thương người đồng loại, mà lại dám xin tha tội cho mình! Nó chỉ là người phàm mà để tâm thù hận, thì ai sẽ xin tha tội cho nó ?” (Hc 28,4-5). Cho nên, sách Huấn Ca đã dạy trước: “Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Hc 28,2).

Chính vì lẽ đó Chúa Giêsu kêu mời mọi người: “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ... Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6:36-37).

Tha thứ, khuyến khích người được thứ tha trở về với con đường chính lộ và nảy sinh tình yêu khi sống trong vòng tay nhân ái, đó là động lực để họ dấn thân trong yêu thương: Ai được tha nhiều sẽ mến nhiều, ai được tha ít sẽ mến ít (x. Lc 7,47b). Sống tha thứ là giải thoát chính chúng ta khỏi những xiềng xích của cảm xúc giận hờn đè nặng, làm cho cuộc sống được thư thái tự do, sức khỏe thăng tiến. Tha thứ làm thêm cho cuộc sống tâm linh: tiến tới đức ái trọn hảo theo gương Chúa Kitô, cũng làm cho cuộc sống thêm nhân văn: Sức khỏe được bảo vệ.

Tuy nhiên, con đường dẫn đến thứ tha cũng đầy gian nan dù chỉ nói một lời tha thứ. Mỗi chúng ta có cảm nghiệm: Để đến và hòa giải được quả thật không đơn giản, nhất là những ai gây tổn thất nặng về tinh thần và thể xác. Tha thứ luôn đòi hỏi vừa có sự nỗ lực cố gắng nơi con người, vừa cần trợ giúp ân sủng đến từ Thiên Chúa, Đấng tỏa sáng gương mặt bao dung, yêu thương, chậm giận và giàu lòng xót thương.

Con sẽ cố gắng tha thứ, xin cho con được ân sủng thứ tha của Thiên Chúa ở trong con, để con có thể can đảm tha thứ cho anh em.

Ý lực sống:

“Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (Mt 6,12).

 

Suy Niệm 9: Hãy tha thứ cho nhau

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

Cuộc sống cộng đoàn cũng thường có nhiều va chạm nên Chúa Giêsu dạy thêm bài học về tha thứ: phải tha thứ luôn như Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Những gì chúng ta tha thứ cho nhau, thì không là gì cả so với sự tha thứ của Thiên Chúa với chúng ta. Thật thế, “Thiên Chúa là Tình yêu”, bản chất của Thiên Chúa chính là tình yêu. Tình yêu của Người không bờ bến, nên Người cũng muốn chúng ta trao cho nhau tình yêu vô điều kiện, không giới hạn.

Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta phải tha thứ và tha thứ luôn. Nhưng tại sao phải tha thứ? Vì tha thứ là một điều cần thiết trong đời sống xã hội, trong gia đình, trong các đoàn thể; vì tha thứ là đặc điểm của tình yêu: trong tình yêu Chúa, chúng ta tha thứ cho nhau như Ngài đã tha thứ cho chúng ta. Tha thứ như thế không phải là yếu nhược, mà là sức mạnh của tình yêu, là khí cụ của hoà bình. Cuộc đời là một cuộc hành trình, nếu chúng ta cứ để mình mang nặng gánh ưu tư, phiền muộn thì làm sao có đủ sức để đạt tới đích được. Do đó, chúng ta hãy luôn sống tha thứ, để tâm hồn chúng ta được nhẹ nhàng thanh thoát trên đường đời với niềm hy vọng và an vui (Mỗi ngày một tin vui).

Người Do thái cũng được dạy cho biết phải tha thứ cho nhau, nhưng các tôn sư không đồng ý với nhau là phải tha đến lần thứ mấy mới thôi. Có ý kiến cho rằng chỉ có thể tha thứ tối đa là bốn lần, người Việt Nam chúng ta thì nói “sự bất quá tam” hay “quá tam ba bận” là cùng, bước sang lần thứ tư là coi như đã vượt chỉ tiêu. Do đó, ông Phêrô đã thắc mắc và hỏi Chúa Giêsu. Chúa cho biết phải tha thứ luôn, phải tha thứ mãi, không giới hạn số lần. Và để làm sáng tỏ vấn đề, Chúa dùng một dụ ngôn. Dụ ngôn này có nghĩa là chúng ta mắc nợ với Chúa thì nhiều lắm: tội lỗi chúng ta xúc phạm đến Chúa vừa nhiều vừa rất nặng nề, dường như không thể tha thứ được, nhưng Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Trong khi đó những lỗi phạm của anh em với ta, dù thế nào chăng nữa, cũng không đáng gì so với tội lỗi chúng ta đã phạm đến Chúa, thế mà chúng ta chấp nhất, ti tiện, không tha thứ. Nếu vậy, chúng ta đừng hòng mong Chúa tha thứ cho chúng ta. Phải thực hiện lời Chúa dạy: “Xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con” (kinh Lạy Cha).

Chân phước Maurice Tornay nói: “Chúng ta phải tha thứ cho nhau vô điều kiện, bởi vì Thiên Chúa nhân lành, luôn thương xót và tha thứ mọi lỗi lầm của chúng ta trước”.

Hôm nay Chúa Giêsu dạy ông Phêrô phải tha thứ cho người khác bảy mươi lần bảy. Ở đây, Chúa Giêsu không có ý nói ông Phêrô hãy đếm số lần tha thứ: một lần, hai lần... nhưng điều Chúa Giêsu muốn nói là ông phải tha thứ mãi mãi, tha thứ không tính toán, tha thứ tất cả. Tại sao vậy? Bởi vì trong văn hóa Israel con số 7 tượng trưng cho sự hoàn hảo, thành toàn, nên kiểu nói 70 lần 7 ở đây hàm nghĩa sự viên mãn tròn đầy. Vì vậy, khi Chúa Giêsu nói tha thứ 70 lần 7 nghĩa là tha thứ mãi mãi, tha thứ tất cả.

Để diễn tả tình yêu thương của Chúa hầu khích lệ chúng ta tha thứ cho nhau đã trình bày về dụ ngôn người đầy tớ mắc nợ không biết thương xót.

- Mỗi nén vàng thời xưa là sáu ngàn quan tiền, tương đương với sáu ngàn ngày công, và mười ngàn nén bạc, trị giá khoảng một trăm ngàn lượng vàng.

- Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu có ý làm nổi bật sự khác biệt giữa hai món nợ và hai thái độ, để cho thấy lòng nhân từ quảng đại của Thiên Chúa và sự vô lý của lòng dạ con người, khi không sẵn sàng tha thứ cho kẻ khác.

- Điều cần lưu ý là trong dụ ngôn này, lý do thúc đẩy ta tha thứ cho anh em chính là tình thương hải hà của Thiên Chúa đối với chúng ta, chứ không phải vì anh em biết điều mà xin lỗi, cũng chẳng phải vì chúng ta cao thượng hay nhân đức không chấp lỗi lầm (Lm. Trần Hữu Thành).

Chúa Giêsu dạy chúng ta phải kêu cầu ơn tha thứ của Thiên Chúa. Chỉ khi nào chúng ta cảm nhận được ơn tha thứ của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể tha thứ cho người khác: “Xin Cha tha cho chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

Cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa và sẵn sàng tha thứ cho người khác, đó là cuộc chiến đấu của cả một đời người, nhưng đó cũng là cuộc chiến đấu làm nên bản sắc của người tín hữu Kitô. Người tín hữu Kitô chỉ thực sự là tín hữu Kitô khi họ biết tha thứ mà thôi.

Truyện: Tha thứ cho kẻ thù

Một hiệp sĩ dũng cảm tên là Hildebrand bị một bạn đồng nghiệp tên là Bruno nhục mạ nặng nề. Hildebrand thề sẽ trả thù đích đáng. Ông suy nghĩ và chuẩn bị kỹ lưỡng chương trình hành động. Cuối cùng ông chọn địa điểm và thời gian thuận lợi.

Ông thức dậy nửa đêm, một mình võ trang đầy đủ đi đến nơi thanh vắng mà ông biết là Brunô sẽ đi ngang qua. Trên đường đi ông gặp thấy một nhà nguyện nhỏ mở cửa. Ông vào đó để chờ sáng, và trong khi chờ đợi, ông tiêu khiển bằng cách nhìn các bức tranh trong nhà nguyện.

Bức thứ nhất vẽ Đấng Cứu Thế mặc áo choàng đỏ, đầu đội mão gai, phía dưới có ghi bằng tiếng La tinh câu này: “Bị lăng nhục, Ngài không đáp trả lại lăng nhục”. Bức thứ hai nhắc lại cảnh đau buồn khi bị đánh đòn, với hàng chữ: “Khi chịu những khổ đau như thế, Ngài không hề đe doạ”. Và cuối cùng bức thứ ba trình bày Chúa Giêsu trên Thập giá, hàng chữ là: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”.

Nhìn liên tiếp ba bức tranh như thế, tâm hồn Hildebrand bị xúc động mạnh. Ông quì gối xuống và bắt đầu cầu nguyện. Dần dần cơn hận thù giảm đi, rồi biến mất. Ông còn ngồi lại đó chờ kẻ thù của ông đến, nhưng chờ gặp để tha thứ và để làm hoà với nhau (Góp nhặt).

 

 SUY NIỆM

Nội dung bản văn Tin Mừng được sắp xếp theo cấu trúc song song đối xứng như sau:

A (c. 21-22): Tha thứ. Chúa mời gọi thánh Phê-rô không chỉ tha thứ 7 lần nhưng 70 lần 7.

B (c. 23-34): Dụ ngôn “Đức Vua và người đầy tớ độc ác”. Được Đức Vua chạnh lòng thương xóa nợ 10.000 yến vàng, nhưng người đầy tớ này lại đi xiết nợ 100 quan tiền với người bạn của mình.

A’ (c. 35): Tha thứ. Cha Trên Trời sẽ đối xử với chúng ta “như thế”, nghĩa là như dụ ngôn diễn tả. Thiên Chúa tha cho chúng ta những món nợ không lồ, để chúng ta cũng biết tha cho nhau những món nợ nhỏ bé.

*  *  *

Nếu chúng ta gặp khó khăn trong nỗ lực sống lời mời gọi “tha thứ bảy mươi lần bảy” của Đức Giê-su, thì chính kinh nghiệm đích thân được tha thứ, mà dụ ngôn diễn tả, sẽ mở rộng con tim của chúng ta để cũng có thể tha thứ cho nhau đến vô hạn. Nếu không, chúng ta sẽ tự làm cho mình trở thành bất xứng với ơn tha thứ đã nhận được hay với ơn tha thứ mà chúng ta xin Chúa thương ban cho chúng ta mỗi ngày với Kinh Lạy Cha: “Xin tha nợ chúng con, như chúng ta con cũng tha kẻ có nợ chúng con”.

1. Từ “bảy lần” đến “bảy mươi lần bảy” (c. 21-22)

Trước hết, chúng ta hãy chú ý con số đầu tiên, là con số 7. Tại sao lại là 7? Bởi vì con số 7 đối với người Do Thái cũng giống như con số 9 của chúng ta: 7 là hoàn hảo rồi; còn chúng ta, 9 “nút” là chắc ăn! Chúng ta phải thán phục thánh Phêrô, vì ngài sẵn sàng tha thứ cho người anh em xúc phạm đến mình, không chỉ đôi ba lần, nhưng còn dự kiến tha thứ đến bảy lần. Bảy lần, phải chăng là đã quá nhiều? Chúng ta cứ nhớ lại kinh nghiệm sống của mình, để nhận ra rằng, bảy lần không quá nhiều như chúng ta tưởng; nhất là sự xúc phạm trong thực tế được tiến hành và được cảm nhận một cách rất tinh vi. Bởi vì, chúng ta xúc phạm đến người khác, không chỉ bằng hành động hay lời nói, nhưng còn bằng ánh mắt, bằng thái độ bắt nguồn từ những ý nghĩ không tốt về người khác. Thật vậy, tha thứ 7 lần không quá nhiều,

– khi người anh em hay chị em là người sống trong cùng một nhà, cùng một cộng đoàn, nghĩa là ngày nào chúng ta cũng phải đối diện ;

– khi người người anh em, hay chị em, là người mình có thành kiến hay mình không ưa ;

– khi bản thân chúng ta là người chi li và thích dò xét ;

– khi vấn đề phạm lỗi, trong thực tế, thường được giải thích một cách chủ quan ;

– khi mà người anh em không biết mình phạm lỗi với cái anh đó, hay chị đó.

Như thế, người anh em hay chị em trong thực tế có thể phạm lỗi đối với mình hơn 7 lần và đôi khi trong một thời gian rất ngắn; thậm chí, bản thân của người anh em, tự thân, là một lỗi đối với tôi, là một xúc phạm đối với tôi. Hơn nữa, chúng ta cứ đếm mà xem : 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7. Chúng ta đếm hết 7 lần rất nhanh ; và sau đó là không tha nữa ! Sống với nhau mà không tha thứ cho nhau, thì loài người chúng ta không thể tồn tại, không thể tồn tại từ trong trứng nước, nghĩa là từ trong gia đình của chúng ta. Chúng ta cứ nhớ lại mà xem, để chúng ta sống được như hôm nay, cha mẹ đã tha thứ cho chúng ta bao nhiều lần. Chắc chắn là không thể đếm được. Nhưng nếu chỉ tha 7 lần thôi, thì tiếp theo là chuyện gì xảy ra? Ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm rồi: đó là tai họa, là loại trừ, là đỗ vỡ, là đoạn tuyệt, là nghỉ chơi, là không còn tương lai cho đời sống chung nữa.

Chính vì thế, Đức Giêsu dùng chính con số mà thánh Phêrô đưa ra để đẩy nó tới một con số rất lớn : 70 mươi lần 7 bằng 490 lần. Vừa nãy chúng ta đếm rất nhanh đến số bảy; bây giờ có ai trong chúng ta có can đảm đếm cho mọi người nghe 490 lần! Nếu đếm theo nhịp đồng hồ, thì sẽ mất hơn 8 phút! Còn nếu rải đều ra trong thực tế: giả sử, ngày nào cũng tha 1 lần, thì sẽ kéo dài 1 năm 4 tháng! Về phương diện số học, đó là một con số hữu hạn, nhưng trong thực tế, chỉ có lòng bao dung vô hạn mới tha thứ được nhiều như thế. Và nếu ai đã tha được đến 490 lần thì chắc chắn cũng có khả năng tha đến 490 lần nữa ! Nghĩa là cứ tha thứ thôi, không thèm đếm nữa, tha thứ đã trở thành lẽ sống đem lại bình an và niềm vui rồi. Bởi vì một tâm hồn chấp nhất, không tha thứ, sẽ bị ô nhiễm bởi sự bực dọc, tức tối, phẫn nộ và cả báo thù nữa.

Lời của Đức Giêsu dạy chúng ta phải tha thứ cho người khác nhiều như thế, phải chăng là ảo tưởng, phải chăng là không thực tế ? Không ảo tưởng chút nào ; nhưng ngược lại là rất thực tế, vì đời sống của gia đình, của cộng đoàn, của giáo xứ và rộng hơn là giáo phận, là Giáo Hội, là xã hội, là cá nhân loại, cần lòng bao dung vô hạn như thế, để tồn tại.

Hiểu như thế và chắc ai cũng đồng ý, nhưng làm sao thực hành được ? Làm sao mà tha thứ nhiều như thế và tha thứ mãi như thế được. Nhiều khi một lần thôi cũng không được. Chúng ta hãy nhớ lại mà xem, có ai đó đã xúc phạm đến chúng ta như thế nào đó, phản ứng đầu tiên là tha thứ hay muốn trả đũa, và trả đũa một cách thích đáng ?

2. Mười ngàn yến vàng và một trăm quan tiền (c. 23-34)

Dụ ngôn của Đức Giêsu sẽ giúp chúng ta mở rộng con tim hẹp hòi của chúng ta. Theo dụ ngôn, ai trong chúng ta cũng “xúc phạm” đến Chúa rất nhiều lần. “Nhiều lần” ở đây không chỉ ở bình diện đếm được ; giống như khi chúng ta chuẩn bị đi xưng tội, chúng ta cố đếm những hành vi lỗi phạm ; nhưng “nhiều lần” còn có nghĩa là chúng ta đã xúc phạm đến hình ảnh Thiên Chúa có ở nơi mỗi người chúng ta : chúng ta được dựng nên, được ban sự sống, được sinh ra theo hình ảnh Thiên Chúa ; nhưng nội tâm, ý nghĩ, lời nói, cách sống, lối sống của chúng ta đã bao lần đi ngược với hình ảnh Thiên Chúa có nơi chúng ta ? Ở bình diện, này thì chúng ta chịu thua, không thể đếm được ; bởi vì đó là cả một năng động sống xúc phạm đến chính Thiên Chúa, và đó cũng là gốc rễ của những hành vi phạm lỗi bên ngoài.

Cũng như người kia, trong dụ ngôn, mang một món nợ khổng lồ đối với Đức Vua : 10 ngàn yến vàng ! Theo một nhà chuyên môn, 10 ngàn yến vàng tương đương với 100 ngàn lượng vàng. Và với một người thợ thời đó, phải mất cả trăm đời người mới có thể tích lũy được số vàng lớn như thế[1]. Giống như con số 490 lần, số nợ 10 ngàn yến vàng muốn diễn tả món nợ khổng lồ không thể trả nổi ; mà món nợ khổng lồ, thì cần đến lòng thương xót khổng lồ, nghĩa là lòng thương xót vô bờ vô bến.

Thật vậy, chỉ vì chạnh lòng thương mà Đức Vua tha hết món nợ khổng lồ của người đầy tớ. Đây chính là Tin Mừng rất lớn đối với chúng ta. Thiên Chúa thương xót và tha thứ chúng ta một cách vô hạn ; và đây chính là động lực để chúng ta biết tha thứ cho nhau, tha cho nhau những món nợ thật nhỏ bé, giống như hình ảnh 100 quan tiền, so với số nợ khổng lồ, 10 ngàn yến bạc, mà chúng ta được Chúa tha.

Dụ ngôn có nói tới sự nghiêm khắc của Đức Vua, nhưng sự nghiêm khắc đến sau sự độc ác của người đầy tớ; sự nghiêm khắc của Đức Vua là hậu quả của sự độc ác. Trong khi đó, vị vua tỏ lòng nhân hậu trước. Chính người đầy tớ đã tự biến thành bất xứng đối với ơn tha thứ vô hạn mà mình đã lãnh nhận. Ngoài ra, sự độc ác còn làm khổ mình và làm khổ người khác, làm khổ cả Đức Vua: thay vì tỏ lòng biết ơn Đức Vua và hành động theo lòng biết để làm cho Đức Vua vui lòng, thì sự độc ác của anh làm khổ Đức Vua: “Tôn chủ nổi cơn thịnh nộ” !

3. Cha của Thầy ở trên trời (c. 35)

Chúng ta được tha thứ vô hạn, thì chúng ta cũng sẽ có khả năng tha thứ cho người anh em hay chị em vô hạn. Nếu chúng ta chưa tha thứ được, đó là vì chúng ta giống người tôi tớ tồi tệ kia : quên ơn, vô ơn và trục lợi lòng thương xót của Thiên Chúa.

Chính chúng ta cũng được Thiên Chúa tha trước : tha thứ tất cả và luôn luôn tha thứ ; và nếu chúng ta không sẵn sàng tha thứ cho nhau, chúng ta sẽ tự biến mình trở thành bất xứng với ơn tha thứ đã lãnh nhận. Như Chúa nói: “Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”. Đây chính là một trong những lời nguyện xin trong Kinh Lạy Cha mà chúng ta đọc nhiều lần trong ngày và nhất là trong Thánh Lễ : “Xin tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha, kẻ có nợ chúng con”.

*  *  *

Thực ra, lòng thương xót vô hạn của Thiên Chúa đã được gói ghém ngay trong lời mời gọi tha thứ đến 70 lần 7 rồi. Bởi lẽ, Ngài không thể mời gọi chúng ta thực hiện điều chính ngài đã không thực hiện, đang thực hiện và sẽ thực hiện mãi mãi, đó là ơn tha thứ tội lỗi Chúa Cha ban cho chúng ta, nơi Đức Ki-tô chịu đóng đinh ; bởi vì

Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa, thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 39)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

———— 

[1] Claude Tassin, Tin Mừng Mat-thêu (L’Evangile de Matthieu, commentaire pastorale), Paris, Centurion, 1991, bản dịch Việt ngữ trang 301.

 

Lạy Chúa, con phải tha thứ cho anh em mấy lần? – SN song ngữ 12.8.2021

 

 

Thursday (August 12): “Lord, how often shall I forgive my brother?”

 

Scripture:  Matthew 18:21-19:1

21 Then Peter came up and said to him, “Lord, how often shall my brother sin against me, and I forgive him? As many as seven times?” 22 Jesus said to him, “I do not say to you seven times, but seventy times seven.23 “Therefore the kingdom of heaven may be compared to a king who wished to settle accounts with his servants. 24 When he began the reckoning, one was brought to him who owed him ten thousand talents; 25 and as he could not pay, his lord ordered him to be sold, with his wife and children and all that he had, and payment to be made. 26 So the servant fell on his knees, imploring him, `Lord, have patience with me, and I will pay you everything.’ 27 And out of pity for him the lord of that servant released him and forgave him the debt. 28 But that same servant, as he went out, came upon one of his fellow servants who owed him a hundred denarii; and seizing him by the throat he said, `Pay what you owe.’ 29 So his fellow servant fell down and besought him, `Have patience with me, and I will pay you.’ 30 He refused and went and put him in prison till he should pay the debt. 31 When his fellow servants saw what had taken place, they were greatly distressed, and they went and reported to their lord all that had taken  place. 32 Then his lord summoned him and said to him, `You wicked servant! I forgave you all that debt because you besought me; 33 and should not you have had mercy on your fellow servant, as I had mercy on you?’ 34 And in anger his lord delivered him to the jailers, till he should pay all his debt. 35 So also my heavenly Father will do to every one of you, if you do not forgive your brother from your heart.”  19:1 Now when Jesus had finished these sayings, he went away from Galilee and entered the region of Judea beyond the Jordan.

Thứ Năm     12-8                Lạy Chúa, con phải tha thứ cho anh em mấy lần?

 

Mt 18,21-19,1

21 Bấy giờ, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không? “22 Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.”23 Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách.24 Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng.25 Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y cùng tất cả vợ con, tài sản mà trả nợ.26 Bấy giờ, tên đầy tớ ấy sấp mình xuống bái lạy: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết.”27 Tôn chủ của tên đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.28 Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ ấy gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao! “29 Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống năn nỉ: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh.”30 Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.31 Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện.32 Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta,33 thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? “34 Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông.35 Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình.” 1 Khi Đức Giê-su giảng dạy những điều ấy xong, Người rời khỏi miền Ga-li-lê và đi đến miền Giu-đê, bên kia sông Gio-đan.

Meditation: 

 

Does mercy overlook justice? Justice demands that everyone be given their due. So when is it right to show mercy and pardon to those who have acted unjustly or wrongly? The prophet Amos speaks of God forgiving transgression three times, but warns that God may not revoke punishment for the fourth (see Amos 1:3-13; 2:1-6). When Peter posed the question of forgiveness, he characteristically offered an answer he thought Jesus would be pleased with. Why not forgive seven times! How unthinkable for Jesus to counter with the proposition that one must forgive seventy times that. 

No limit to granting forgiveness and pardon 

Jesus makes it clear that there is no limit to giving and receiving forgiveness. He drove the lesson home with a parable about two very different kinds of debts. The first man owed an enormous sum of money – millions in our currency. In Jesus’ time this amount was greater than the total revenue of a province – more than it would cost to ransom a king! The man who was forgiven such an incredible debt could not, however, bring himself to forgive his neighbor a very small debt which was about one-hundred-thousandth of his own debt.The contrast could not have been greater! 

Jesus paid our ransom to set us free from the debt of sin

No offense our neighbor can do to us can compare with our own personal debt to God for offending him! We have been forgiven an enormous debt we could not repay on our own. That is why the Father in heaven sent his only begotten Son, the Lord Jesus Christ, who freely and willing gave up his life for our sake to ransom us from slavery to sin, Satan, and death. Paul the Apostle states, “you were bought with a price” (1 Corinthians 7:23 ) and that price was Jesus’ death on the cross. Through the shedding of his blood on the cross, Jesus not only brought forgiveness and pardon for our offenses, but release from our captivity to Satan and bondage to sin. 

Set free from futile thinking and sinful living

The Lord Jesus sets us free from a futile mind and way of living in sin and spiritual darkness. “You were ransomed from the futile ways inherited from your fathers …with the precious blood of Christ” (1 Peter 1:18). Christ “gave himself to redeem us from all iniquity” (Titus 2:14). Iniquity describes the futile ways of wrong thinking, sinful attitudes and wrong behavior, and disregarding or treating God’s commandments lightly. We have been forgiven an enormous debt which we could never possibly repay. We owe God a debt of gratitude for the mercy and grace he has given us in his Son, Jesus Christ.

Forgiving others is a sacred duty

If God has shown mercy to us in granting us pardon for our sins, then we, in turn, must show mercy and forgiveness towards every person who has offended us. The willingness to forgive those who offend us is a sacred duty. If we expect God to pardon us and show us his mercy when we sin and disobey his commandments, then we must be willing to let go of any resentment, grievance, or ill-will we feel towards our neighbor. Jesus teaches us to pray daily for the grace and strength to forgive others in the same measure in which God has forgiven us (Matthew 6:12,14-15). If we do not show mercy and forgiveness to our fellow human beings, how can we expect God to forgive us in turn? The Apostle James says that “judgment is without mercy to one who has shown no mercy” (James 2:13). 

 

Mercy seasons justice and perfects it

Mercy is the flip-side of God’s justice. Without mercy justice is cold, calculating, and even cruel. Mercy seasons justice as salt seasons meat and gives it flavor. Mercy follows justice and perfects it. Justice demands that the wrong be addressed. To show mercy without addressing the wrong and to pardon the unrepentant is not true mercy but license. C.S. Lewis, a 20th century Christian author wrote: “Mercy will flower only when it grows in the crannies of the rock of Justice: transplanted to the marshlands of mere Humanitarianism, it becomes a man-eating weed, all the more dangerous because it is still called by the same name as the mountain variety.”  If we want mercy shown to us we must be ready to forgive others from the heart as God has forgiven us. Do you hold any grudge or resentment towards anyone? Ask the Lord to purify your heart that you may show mercy and loving-kindness to all – and especially to those who cause you grief and ill-will.

 

 

 

“Lord Jesus, you have been kind and forgiving towards me. May I be merciful as you are merciful. Free me from all bitterness and resentment that I may truly forgive from the heart those who have caused me injury or grief.”

Suy niệm:

 

Phải chăng lòng thương xót vượt trổi đức công bằng? Đức công bằng đòi buộc người ta phải công bằng với mọi người. Như vậy khi tỏ lòng thương xót đối với những người có những hành động sai trái hay bất công có đúng không? Ngôn sứ Amos nói về sự tha thứ của Chúa không quá ba lần, với lời cảnh báo rằng Thiên Chúa sẽ giáng phạt ở lần thứ bốn (Am 1,3-13; 2,1-6). Khi Phêrô đặt câu hỏi về sự tha thứ, ông nghĩ câu trả lời của ông đưa ra sẽ làm Chúa hài lòng. Tại sao không tha thứ đến bảy lần! Thật không thể tưởng tượng được khi Đức Giêsu chống lại lời đề nghị người ta phải tha thứ đến bảy lần như thế.

 

Tha thứ không giới hạn

Đức Giêsu tuyên bố rõ ràng rằng không có sự giới hạn có thể đếm được trong sự tha thứ. Người trích dẫn bài học với một dụ ngôn về hai người có những món nợ khác nhau. Người đầu tiên có số nợ khổng lồ, hàng triệu triệu đồng tiền hiện nay. Trong thời Đức Giêsu số tiền đó còn lớn hơn cả số tiền thu nhập của một tỉnh, lớn hơn số tiền chuộc cho một vị vua! Tuy nhiên người được tha hết số nợ khổng lồ không thể tưởng tượng đó lại không thể cho phép mình tha thứ cho người anh em của hắn với một số nợ quá ít, ước chừng khoảng một phần trăm ngàn số nợ của hắn. Không có sự nghịch lý nào lớn hơn thế!

Đức Giêsu trả giá chuộc để giải thoát chúng ta khỏi món nợ tội lỗi

Không có sự xúc phạm nào của tha nhân đối với chúng ta có thể so sánh được với số nợ của chúng ta đối với Thiên Chúa! Chúng ta được tha một món nợ khổng lồ mà chúng ta không thể tự mình trả được. Đó là lý do tại sao Cha trên trời sai Con một yêu dấu là Chúa Giêsu Kitô, Đấng tự hiến mình cho phần rỗi chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi ách nô lệ cho tội lỗi, Satan, và sự chết. Thánh Phaolô tông đồ nói rằng: “Chúng ta được mua bằng một giá” (1Cor 7,23) và cái giá đó chính là cái chết của Đức Giêsu trên thập giá. Qua việc đổ máu trên thập giá, Đức Giêsu không chỉ đem lại ơn tha thứ cho những xúc phạm của chúng ta, mà còn giải thoát chúng ta khỏi sự trói buộc của Satan và nô lệ của tội lỗi.

Thoát khỏi sự suy nghĩ vô ích và đời sống tội lỗi

Chúa Giêsu giải thoát chúng ta khỏi cách suy nghĩ vô ích và lối sống trong tội lỗi và bóng tối thiêng liêng. “Anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại bằng giá máu châu báu của Đức Kitô” (1Pr 1,18). Đức Kitô “ban tặng chính mình để cứu thoát chúng ta khỏi mọi điều phù phiếm” (Tt 2,14). Điều phù phiếm mô tả những đường lối vô ích của suy nghĩ sai trái, các thái độ tội lỗi và hành vi sai trái, và phớt lờ hay coi thường các mệnh lệnh của Thiên Chúa. Chúng ta đã được tha thứ một món nợ khổng lồ mà chúng ta không bao giờ có thể đền trả. Chúng ta mắc nợ Thiên Chúa món nợ của lòng biết ơn đối với lòng thương xót và ơn sủng Người đã ban cho chúng ta nơi Con của Người là Đức Giêsu Kitô.

Tha thứ người khác là một bổn phận thánh

Nếu Thiên Chúa đã tỏ lòng thương xót đối với chúng ta qua việc ban ơn tha thứ tội lỗi cho chúng ta, thì đến lượt chúng ta cũng phải tỏ lòng thương xót và tha thứ cho mọi người đã xúc phạm đến chúng ta. Sự sẵn sàng tha thứ những ai xúc phạm tới chúng ta là 1 nghĩa vụ thánh. Nếu chúng ta mong đợi Thiên Chúa tha thứ cho mình và tỏ lòng thương xót khi chúng ta phạm tội và bất tuân các mệnh lệnh của Người, thì chúng ta phải sẵn sàng xóa bỏ mọi oán hận, bất bình, hay ác ý đối với tha nhân. Đức Giêsu dạy chúng ta cầu nguyện mỗi ngày cho ơn sủng và sức mạnh để tha thứ người khác giống như Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta  (Mt 6,12, 14-15). Nếu chúng ta không tỏ lòng thương xót và tha thứ cho người anh em đồng loại, thì làm sao chúng ta mong đợi Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta. Thánh Giacôbê tông đồ nói rằng: Thiên Chúa sẽ xét xử không thương xót đối với những ai không có lòng thương xót (Gc 2,13).

Lòng thương xót giảm bớt công bình và hoàn thiện nó

Lòng thương xót cho thấy sự công bình của Thiên Chúa. Không có thương xót công bình chỉ là lạnh lùng, tính toán, và thậm chí độc ác. Lòng thương xót làm giảm bớt sự công bình như muối làm dịu thịt và cho nó vị thơm. Lòng thương xót theo sau đức công bình và kiện toàn nó. Công bình đòi hỏi rằng người sai trái phải bị nhắc nhở. Tỏ lòng thương xót mà không nhắc nhở người sai trái và tha thứ cho người ngoan cố không phải là lòng thương xót thật sự, nhưng là sự bao che. C.S. Lewis, một tác giả Công giáo ở thế kỷ 20 viết rằng: “Lòng thương xót chỉ nở hoa khi nó lớn lên trong những vết nứt của hòn đá Công bình: được cấy với đất bùn của chủ nghĩa nhân đạo, nó trở thành loại nha phiến ăn thịt người, tất cả càng thêm nguy hiểm bởi vì nó vẫn còn được gọi cùng một tên như trạng thái khác nhau của đồi núi”. Nếu chúng ta muốn được lòng thương xót, chúng ta phải sẵn sàng tha thứ cho người khác tự trong lòng như  Thiên Chúa đã tha thứ cho chúng ta. Bạn có chất chứa thù hận hay oán ghét người nào không? Hãy cầu xin Chúa thanh tẩy lòng bạn để bạn có thể bày tỏ lòng thương xót và nhân hậu yêu thương với mọi người – đối với cho những ai gây cho bạn đau khổ và ác ý.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã đại lượng và tha thứ cho con. Xin cho con có lòng thương xót giống như Chúa hay thương xót. Xin Chúa giải thoát con khỏi mọi chua cay và oán giận, để con có thể thật sự tha thứ tự đáy lòng cho những người xúc phạm đến con hay gây đau khổ cho con.

 

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây