Thứ Bảy tuần 1 thường niên.

Thứ sáu - 15/01/2021 07:28

Thứ Bảy tuần 1 thường niên.

"Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".

 

LỜI CHÚA: Mc 2, 13-17

Khi ấy Chúa Giêsu đi dọc theo bờ biển, toàn dân đến cùng Người và Người giảng dạy họ.

Khi vừa đi qua, Người thấy ông Lêvi con của Alphê, đang ngồi nơi bàn thu thuế. Người bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông liền đứng dậy theo Người. Và xảy ra là khi Người dùng bữa tại nhà ông, nhiều người thu thuế và tội lỗi cùng đồng bàn với Chúa Giêsu và các môn đệ của Người, vì đã có nhiều kẻ theo Người. Những luật sĩ và biệt phái thấy Người ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi?"

Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo họ: "Những người khoẻ mạnh không cần gì đến thầy thuốc, nhưng là những người đau yếu. Ta không đến để kêu gọi những người công chính, mà kêu gọi những người tội lỗi".

 

 

Suy Niệm 1: Kêu gọi người tội lỗi

Suy niệm:

Trong bài Tin Mừng hôm qua, Đức Giêsu đã tha tội cho anh bất toại.

Và chuyện này đã bị các kinh sư coi là phạm thượng (Mc 2, 6).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ngài lại tiếp tục bị tấn công,

vì làm những điều dưới mắt các kinh sư là gai chướng.

Trước hết là việc chọn ông Lêvi vào số các môn đệ.

Như bốn môn đệ đầu tiên, khi được gọi Lêvi cũng đang làm việc.

Lúc đó ông đang ngồi nơi bàn thu thuế, bận bịu với tiền bạc và sổ sách.

Ánh mắt của Thầy Giêsu chụp lấy ông và lôi cuốn ông.

Lời mời của Thầy thật rõ ràng và ngắn gọn: “Anh hãy theo tôi.”

Lêvi có ngỡ ngàng không?

Ông đang làm một nghề bị mọi người coi là ô uế

vì phải tiếp xúc với dân ngoại và dính dáng đến dối trá tham lam.

Ông bị coi là tội nhân, bị gạt ra khỏi cộng đoàn Dân Chúa.

Bây giờ ông được Thầy mời vào nhóm môn đệ của mình

Đức Giêsu có liều lĩnh không?

Ngài có sợ uy tín nhóm bị giảm sút vì sự có mặt của Lêvi không?

Đức Giêsu không định thành lập một nhóm gồm toàn những người hoàn hảo,

nên ngài đã chọn sự có mặt của Lêvi.

Như thế ranh giới giữa “môn đệ” và “tội nhân” đã bị xóa.

Môn đệ chính là tội nhân được kêu gọi để chia sẻ tình bạn và sứ vụ.

Lêvi diễn tả niềm vui của người được gọi bằng một bữa tiệc,

trong đó ông mời các bạn bè đồng nghiệp đến để chia tay.

Đức Giêsu và các môn đệ cũng được mời tham dự.

Ngài đã vui vẻ nhận lời, đã đến nhà và ăn với họ, dù đây là điều bị cấm.

Để biện minh cho thái độ này, ngài coi tội nhân như người đau ốm.

Người đau thì cần thầy thuốc, cần sự lại gần để săn sóc của lương y.

Họ cần chữa lành và đón nhận, chứ không cần phán xét và lên án.

Đức Giêsu chính là vị lương y đến để kêu gọi người tội lỗi (c. 17).

Nhưng có ai trong chúng ta lại không là tội nhân?

Có ai trong chúng ta lại công chính thánh thiện

đến độ không cần phải sám hối (Mc 1, 15)?

Hôm nay Đức Giêsu vẫn đi ngang qua đời tôi, tưởng như tình cờ,

vẫn thấy tôi và gọi tôi, vẫn mời tôi ra khỏi chỗ ngồi vững chãi của mình,

và bỏ lại tất cả sau lưng.

Xin được như Lêvi đứng lên ngay để theo Ngài.

 

Cầu nguyện:

Lạy Cha,

thế giới hôm nay cũng như hôm qua

vẫn có những người bơ vơ lạc hướng

vì không tìm được một người để tin;

vẫn có những người đã chết từ lâu

mà vẫn tưởng mình đang sống;

vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,

ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;

vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,

bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;

vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,

dù không phải là người phong...

Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ

và biết chạnh lòng thương như Con Cha.

Nhưng trước hết,

xin cho chúng con

nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

 

Suy Niệm 2LỜI THIÊN CHÚA

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Lời Chúa thật mạnh mẽ. Có sức biến đổi cuộc đời. Không chỉ Lê-vi mà cả bạn bè của ông cũng theo Chúa. “Có nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Chúa Giêsu và các môn đệ, vì họ đông và đi theo Người”.

Lời Thiên Chúa thay đổi số phận con người vì Thiên Chúa quá yêu thương, quá tin tưởng con người. Quá yêu thương nên trong ánh mắt Người không ai là xấu xa, đáng ghê tởm. Trái lại, mọi người đều có chỗ trong trái tim Người. Càng yếu hèn, tội lỗi, bị bỏ rơi lại càng được Thiên Chúa yêu thương, quan tâm giúp đỡ. Vì “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần”. Còn hơn thế nữa, đó là mục tiêu của Người: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”. Thật là một tình yêu không thể hiểu được với trí óc con người.

Quá tin tưởng nên Người tin rằng mọi người đều có thể thay đổi, có thể nên tốt. Quá tin tưởng nên Người không nhìn về quá khứ mà chỉ nhìn về tương lai. Quá tin tưởng nên dù quá khứ có xấu xa đến đâu Người vẫn mở cho kẻ tội lỗi một cánh cửa tương lai. Hôm nay, Lê-vi nhận được một lời mời gọi bất ngờ: “Hãy theo Thầy”. Một người thu thuế bị coi là tội lỗi công khai được mời gọi không chỉ thay đổi đời sống mà còn nên tông đồ đi rao giảng Tin mừng, viết sách Tin mừng truyền lại Tin mừng cho đến ngàn sau. Lòng Thương Xót của Chúa là vô bờ bến.

Quả thật Chúa Giê-su là vị Thượng Tế “biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội”. Vậy nên “ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (năm lẻ).

Xót thương nên Chúa sẵn sàng ban cho Ít-ra-en một vị vua để đứng đầu, dù Sa-mu-en không muốn. Xót thương nên phán bảo, chỉ dẫn Sa-mu-en từng chi tiết trong đời sống. Xót thương nên tuyển chọn Sa-un làm vua đầu tiên của Ít-ra-en. Dù ông thuộc chi tộc nhỏ bé nhất trong Ít-ra-en (năm chẵn).

Lạy Chúa con yếu hèn tội lỗi. Xin phán một lời để thay đổi con người con. Lạy Chúa, xin hãy phán. Vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chúa có lời ban sự sống đời đời.

 

Suy Niệm 3: Kêu gọi người tội lỗi

Ơn gọi của Lêvi được coi là khác thường và gây ngạc nhiên hơn ơn gọi của các Tông đồ khác, bởi vì ông là một người tội lỗi công khai. Lêvi sau này được gọi là Matthêu, một trong bốn thánh sử, ông làm nghề thu thuế cho đế quốc Rôma, lúc đó đang cai trị xứ Palestina. Những người làm nghề thu thuế được hưởng lợi tức cao, nhưng bị dân chúng ghét bỏ vì thường xảy ra những vụ gian lận hoặc lạm thu.

Ðối với người Do thái, những người thu thuế là gương mù cần phải tránh xa, xét về phương diện tôn giáo và xã hội, vì hai lý do: thứ nhất, vì họ cộng tác với chính quyền ngoại quốc; thứ hai, vì họ có bàn tay dơ bẩn bởi tiền của dơ bẩn. Ðối với những vị có trách nhiệm về luật Môsê và về phụng tự, thì người thu thuế bị loại trừ khỏi ơn cứu độ, vì họ bị coi như không thể từ bỏ con đường xấu xa, cũng không thể sửa lại những gian lận trong nghề được. Do đó, tiền của người thu thuế dâng cúng vào đền thờ không được nhận; họ không có quyền dân sự, không thể làm thẩm phán hoặc chứng nhân, tất cả những tiếp xúc với họ đều bị coi là nhơ uế.

Nhưng đó không phải là thái độ của Chúa Giêsu, bởi vì Ngài đến để kêu gọi những người tội lỗi. Việc Chúa kêu gọi Lêvi, một người thu thuế tội lỗi và ghi tên ông vào số các Tông đồ, đã bị những người Biệt phái chỉ trích và bị coi như một gương mù: "Sao ông ấy lại ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi". Chúa Giêsu nghe những lời chỉ trích này và Ngài giải thích: "Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, chỉ có người đau ốm mới cần. Tôi đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi".

Cũng như thời Chúa Giêsu, ngày nay không thiếu những kẻ giả hình, tự cho mình là nhân đức, thánh thiện, nhưng lại khinh thường kẻ khác. Cần phải sống kinh nghiệm tình yêu thương của Thiên Chúa để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay. Không gì an ủi hơn việc khám phá ra tình thương của Thiên Chúa đối với người tội lỗi. Thiên Chúa đã so sánh mình với vị Mục Tử nhân lành dám bỏ 99 con chiên để đi tìm một con chiên lạc, và khi tìm được Ngài vác nó trên vai đưa về đàn chiên. Việc Thiên Chúa yêu thương người tội lỗi không có nghĩa là Ngài dung thứ tội lỗi. Tình yêu thương của Thiên Chúa không miễn trừ việc nhìn nhận lỗi lầm của con người, cũng không cho phép con người lạm dụng lòng nhân hậu của Ngài. Chúa Giêsu đã đến để giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Ngài thấu hiểu sự yếu đuối của con người và sẵn sàng tha thứ, với điều kiện là con người thành thật nhìn nhận tội lỗi của mình và trở lại với Ngài.

Hãy để ơn Chúa tha thứ, cứu rỗi và giải thoát chúng ta. Như Lêvi xưa, xin Chúa cho chúng ta biết lắng nghe tiếng Chúa và mau mắn chỗi dậy theo Chúa, ngay lúc này đây, sợ rằng ơn Chúa qua đi mà không trở lại. "Hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, các ngươi đừng cứng lòng nữa".

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

Suy Niệm 4: Kìa Người đến dùng bữa!

Đức Giêsu lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ. Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi thu thuế ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mc. 2, 13-14)

Chúa Giêsu thường bị những con mắt hay soi bói và đả kích Người bám theo. Mọi cử chỉ của Người đều bị họ rình mò, giải thích và sàng lọc theo luật lệ của những người Pharisiêu. Các kinh sư là những người rất quen với công việc này; và họ cũng thường có cơ hội dễ dàng.

Hạng người rình mò như thế vẫn còn, bởi lẽ tất cả chúng ta tự bản tính vốn dễ dàng xếp loại mọi người, phân cách người lành với kẻ dữ và nhất là muốn dựng lên bức vách ngăn giữa cái gì là khả kính với bất kính, ít nữa là xét theo quy tắc và quan điểm của ta.

Thực ra Giáo hội vẫn còn là một tập hợp những con người đáng trọng cũng có và không đáng kinh cũng có, nơi đây Chúa Giêsu đến cư ngụ, bởi vì ngay lúc ban đầu, từ những con người tội lỗi mà Chúa đã lập nên Giáo hội vậy.

Giáo Hội là một tập hợp đủ thứ

Theo cái nhìn của những người trí thức Mác-xít tích cực, thì Giáo hội thường quy tụ những con người yếu hèn, bất lực trong việc tự giải quyết lấy thân phận con người và xã hội của mình, nên mới chạy đến với những cái nạng gọi là “Thiên Chúa” hay “đức tin” vậy.

Nơi đây có Chúa cư ngụ

Thực ra, hơn nơi nào khác, Chúa Giêsu chỉ thích tìm cư ngụ nơi những con người đã không tìm được ở nơi mình bất cứ một lý lẽ nào để biện minh cho sự công chính của mình, nơi những kẻ không có lấy một sự đáng tôn đáng kính nào khác, ngoài chuyện họ sống trung thực, can đảm và sẵn sàng thú nhận mình là kẻ tội lỗi.

Quả thực, người tội lỗi là người sống trung thực, vì người ấy biết rõ mình. biết nơi mình không có được tất cả sự bền bỉ cần thiết để sống trọn phẩm giá con người, và để được như thế, cần phải có ơn Chúa. Người có tội không gian lận với mình.

Người tội lỗi cũng là người can đảm. Có người đã viết điều này: có can đảm hay không ở tại biết làm cho sự thật phải yên lặng hoặc không làm cho sự thật yên lặng? Quả quyết mình dốt nát hay dấu nhẹm sự ấy, đàng nào can đảm hơn? Tỏ ra run sợ trước Thiên Chúa thánh thiện và siêu phàm, phải chăng kém can đảm hơn là trốn chạy khỏi tôn nhan Người?

Sau cùng con người tội lỗi luôn ở tư thế chuẩn bị sẵn; người ấy biết rõ rằng điều tốt nhất đang ở phía trước, nên sẵn sàng lại lên đường.

Có thế ta mới hiểu được tại sao Chúa Giêsu thích lui tới hạng người này và tại sao chúng ta không được vấp phạm vì hành động của Giáo hội mẹ ta và vì những ai thường đến chung sống với họ vậy.

 

Suy Niệm 5: Nhạy bén với tình thương của Chúa (Mc 2, 13-17)

Ơn gọi luôn luôn đến từ Chúa. Chúa muốn gọi và chọn ai tùy ý Ngài. Tuy nhiên, nếu chỉ có Chúa gọi và con người không đáp trả thì không trở thành một ơn gọi.

Hôm nay, Chúa gọi Mátthêu, người thu thuế. Dù là con người tội lỗi vì mang trong mình cái tội phản quốc, tức là trù dập dân, o ép người đồng hương, để hưởng lợi nhuận trên xương máu của đồng bào.

Tuy nhiên, khi nhận ra mình tội lỗi ngập đầu như vậy, và được Đức Giêsu yêu thương trìu mến chọn và gọi mình, thì Mátthêu đã không ngần ngại thả lỏng cây bút chuyên ghi chép những chuyện phi nhân, bất nghĩa và sẵn sàng buông mình vào bàn tay từ ái của vị Thầy dễ thương để tùy Ngài hướng dẫn, ngõ hầu sau này dùng ngòi bút mới để viết lên những trang Tin Mừng mang đậm tình thương của Thiên Chúa cho nhân loại, mà chính ông là người được yêu thương cách nhiệm mầu và cảm nghiệm cách đặc biệt.

Nhiều khi trong cuộc sống, chúng ta bỏ lỡ nhiều cơ hội được Chúa yêu thương, một phần do kiêu ngạo như những người Pharisêu, luôn coi mình là hạng người ưu tuyển, nên không nhạy bén trước tình yêu của Thiên Chúa; mặt khác, không giống như Mátthêu, nhiều khi chúng ta lại quá tự ty đến độ không dám đến với Thiên Chúa vì cho rằng mình không xứng đáng.

Tất cả những lý do đó hoàn toàn không phù hợp với Tin Mừng, vì Đức Giêsu đến không phải để kêu gọi người công chính, mà là kêu gọi người tội lỗi, bởi vì người đau yếu mới cần thầy thuốc, người khỏe mạnh thì không cần.

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta hay có thái độ khinh thường những người tội lỗi và tự mãn vì mình là người đạo đức, nhưng không chừng, con cái trong nhà lại bị loại ra ngoài, còn phường tội lỗi và gái điếm lại vào Nước Trời trước chúng ta!

Xin Chúa Giêsu ban cho mỗi người chúng ta mặc lấy cái nhìn của Chúa, luôn yêu thương những người tội lỗi, đồng thời biết mau mắn đáp trả lời mời gọi của Ngài để ra đi chia sẻ tình thương của Chúa cho anh chị em xung quanh. Amen.

Ngọc Biển

 

Suy Niệm 6: Chúa Giêsu gọi Lêvi-người thu thuế

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Phaolô - vị tông đồ dân ngoại. Ban đầu là một biệt phái hăng say bắt bớ Giáo hội của Chúa. Trên đường Đamas, Thiên Chúa đã cho Phaolô té ngựa và bị mù ba đêm ngày. Ông đã trở vào làng, âm thầm cầu nguyện, lắng nghe tiếng Chúa và tuân theo ý Ngài. Phaolô đã nhận ra thiên ý và đã tuân theo ý: Từ một thái độ hung hăng, bắt bớ Giáo hội, Ngài đã trở nên vị tông đồ nhiệt thành, làm chứng cho Chúa Kitô (x. Cv 26,4-18).

Trở thành môn đệ, Phaolô đã hết mình với sứ vụ: “Vì tình yêu của Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,15). Tình yêu của Chúa giúp Phaolô vượt qua mọi thử thách, mọi cam go và ông đã trung thành với sứ mạng đến nỗi quên mọi hiểm nguy, quên mọi thử thách để chỉ nghĩ tới việc đem dân ngoại trở lại.

Suy niệm

Người thuế vụ trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu luôn bị anh em đồng bào mình khinh miệt vì hai lý do: Thu thuế ăn chặn của dân và làm tay sai cho đế quốc Rôma để bóc lột dân mình... Với người Do Thái, thu thuế là hình ảnh của những gì là xấu xa nhất, tội lỗi nhất, đáng khinh miệt nhất bị coi đồng hạng với những kẻ cắp và phụ nữ ngoại tình.

Theo phong tục của người Do Thái, một người ngoan đạo, không được giao du với những người bị coi là tội lỗi. Lại càng không bao giờ ăn uống cùng bàn với họ để khỏi bị lây nhiễm hoặc bị ô uế… Thế nhưng, Chúa Giêsu lại gọi người thu thuế Lêvi theo Ngài. Gọi một người tội lỗi làm môn đệ, một hành động khiến người Do Thái không thể hiểu được. Ngài lại còn đồng bàn với những kẻ thu thuế khác như là những người đồng hội, đồng thuyền với quân tội lỗi… Trong Tin Mừng đã ghi lại những khoảnh khắc của Đức Kitô đã ngồi cùng bàn với phường thu thuế, tiếp xúc với bọn đĩ điếm, kẻ tội lỗi (x. Mt 9, 10-13; Mc 2,15-17; Lc 5,10; 7,36-50; 15,1-2; 19,7). Cùng đồng bàn với họ, Đức Giêsu đã hòa mình với tội nhân để gắn bó sẻ chia... Sứ mạng của Ngài là để cứu độ tất cả, chữa những người bất hạnh, trong đó có cả những tội nhân. Ngài là vị thầy thuốc đến cứu chữa (x. Mt 9,12-13) như Ngài tuyên bố “Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

Tội nhân là người bệnh người mang vết thương, Đức Giêsu đến chữa lành cho họ. Ngài sẵn sàng đồng bàn, nghĩa là cùng chia sẻ gánh nặng tội lỗi trên thân thể Ngài, mang nó lên thập giá và tiêu diệt nó nhờ cuộc Phục sinh vinh hiển của Ngài (x. 1Cr 15,26). Trên thập giá, Ngài xin ơn tha thứ những kẻ đóng đinh Ngài (x. Lc 23,34).

Khi nghe tiếng gọi của Đức Kitô, người thu thuế Lêvi đã bỏ tất cả để cất bước theo Chúa Kitô, bỏ cả một nghề nghiệp đang hốt bạc, bỏ cả một quá khứ tội lỗi để Chúa Kitô thánh hiến trở thành môn đệ Matthêu, ngài cất bước chia sẻ với anh em mình trên con đường cứu độ. Bao nhiêu quá khứ không đẹp như những vết thương được Chúa Giêsu chữa lành nên con người tông đồ của Tin Mừng.

Ý lực sống: “Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất” (Lc 19,10).

 

Suy Niệm 7: Chúa gọi ông Lêvi

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Chúa Giêsu đi dọc bờ biển giảng dạy dân chúng. Người thấy ông Lêvi (Matthêu) đang ngồi thu thuế. Người gọi ông, ông liền theo Người, và dọn tiệc thiết đãi Người với các kẻ thu thuế và nhiều người tội lỗi. Thấy vậy, nhóm luật sĩ và biệt phái hỏi môn đệ Chúa: Sao Thầy các ông ăn uống với phường thu thuế và kẻ tội lỗi ? Chúa nghe thấy vậy thì đáp: Thầy thuốc không cần cho người khỏe mạnh mà chỉ cần cho kẻ yếu đau. Cũng thế, Ta không đến để kêu gọi  người lành thánh mà đến để kêu gọi người tội lỗi ăn năn thống hối.

2. Theo tục lệ đế quốc La Mã thời bấy giờ, chính phủ cho người ta đứng ra thầu thu thuế. Nộp tiền thầu cho chính phủ xong, những người thu thuế được độc quyền đánh thuế nặng nhẹ tùy ý. Làm một nghề dễ kiếm ăn như thế, mấy ai kiêng giữ được những sự tham lam nhũng nhiễu dân chúng ? Vì thế, người Do thái có ác cảm với bọn thu thuế không chỉ vì tội tham lam mà còn vì họ là tay sai cho đế quốc La Mã nữa.

Lêvi là người tội lỗi công khai (làm nghề thu thuế). Trong khi mọi người khinh dễ ông, khai trừ ông và tránh xa ông, coi như đồ ghê tởm, thì Chúa Giêsu không chê ông mà còn chọn ông làm môn đệ Ngài.

3. Việc Chúa Giêsu chọn một người thu thuế như Lêvi làm môn đệ đã đem lại sự vui sướng chẳng những cho chính Lêvi mà còn cho những người thu thuế khác. Vì thế họ dọn một bữa tiệc để ăn mừng. Xưa nay họ chỉ thấy mới có một mình Chúa Giêsu không chê họ mà còn chọn một người trong bọn họ làm môn đệ.

Bữa ăn hay bữa tiệc thường được diễn tả sự gần gũi thân tình. Ở đây Đức Giêsu và các môn đệ đến dùng bữa tại nhà ông Lêvi cùng với nhiều người thu thuế và các người tội lỗi, chứng tỏ Chúa bầy tỏ tình thương đối với những người tội lỗi. Chính tinh thần này lôi kéo những người tội lỗi đến với Người.

4. Việc Chúa Giêsu gọi Lêvi là người thu thuế đi theo Người lại là cớ gây ra sự phê bình và chỉ trích của người Do thái, nhất là các luật sĩ và biệt phải.

Họ vốn có quan niệm chật hẹp, khép kín và khinh rẻ đối với những người tội lỗi, nên khi thấy Chúa Giêsu và các môn đệ tiếp xúc thân tình với những người tội lỗi, thì họ đã tỏ ra khó chịu nên họ đã phê bình và chỉ trích Chúa.  Họ đã hỏi các môn đệ:”Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi” (Mc 2,16) ?

5. Để sửa lại quan niệm hẹp hòi của luật sĩ, Chúa Giêsu đã trả lời cho họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2,17).  Chính vì Lêvi ý thức thân phận tội lỗi bất xứng của mình cho nên anh rất mừng khi được Chúa gọi, và quảng đại bỏ tất cả để theo Người.

Truyện: Chính vì ham mê cờ bạc mà anh hàng xóm của tôi, sau khi tiêu hết tài sản của gia đình, đã dùng những viên thuốc ngủ để kết thúc cuộc đời, ngay trong lúc đứa con thứ hai của anh chào đời. Thế nhưng anh đã không chết.

Sau khi từ bệnh viện trở về, tôi thấy anh sống trong im lặng, lầm lũi như một kẻ độc hành, lòng mang nặng mặc cảm tội lỗi, yếu hèn.

Sau một tháng suy nghĩ và do dự, tôi quyết định đến thăm anh, và chỉ sau mấy lời tôi hỏi  thăm, anh đã bật khóc.

Tôi đã quyết định đúng và đã bước đến với anh khi anh đang cần chia sẻ và cảm thông. Nhưng không phải lúc nào tôi cũng làm như vậy, trong khi có biết bao người đang cần đến nụ cười thông cảm của tôi.

Lạy Chúa, Chúa đã không kết án người tội lỗi. Xin cho con biết thông cảm và đừng bao giờ xét đoán hay lên án anh em (Epphata).

6. Truyện: Xanh vỏ đỏ lòng.

Hai người bạn vào trong một tiệm nữ trang. Sau khi nhìn và chiêm ngưỡng nhiều viên đá quí, họ để ý đến viên ngọc sần sùi không được bóng láng cho lắm.

- Viên đá này không có gì đáng lưu ý cả - một người nói, làm sao lại để nó đây ?

Người chủ tiệm kim hoàn bèn cầm nó lên và nắm chặt trong lòng bàn tay. Vài phút sau, viên đá mờ đục không bóng láng đó trở nên lóng lánh muôn mầu cách kỳ diệu.

- Làm sao có thể như vậy – hai người bạn hỏi.

- Đây là một viên đá mắt mèo, được gọi là viên đá thiện cảm. Nó cần có sự đụng chạm với một bàn tay nóng ấm để các tia sáng của nó hiện lộ ra – người chủ tiệm trả lời.

Chúa Giêsu cũng thế! Ngài có một cái nhìn đặc biệt về Lêvi mà những người khác không có. Chúa đã nhìn thấy trong Lêvi có một thiện chí. Ngài đã gọi ông và quả thực Ngài đã không lầm. Cuộc đời sau này của Lêvi – Matthêu cho chúng ta thấy rõ điều đó.

 

SUY NIỆM

Bức tranh « Ơn Gọi của Mát-thêu » rất nổi tiếng của họa sĩ Caravage, sinh năm 1571 tại Milan, Nước Ý, và qua đời năm 1610 ; bức tranh hiện đang được treo tại một nhà thờ nhỏ ở Roma.

*  *  *

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay mở đầu và kết thúc với « ơn kêu gọi ». Và Đức Giê-su không kêu gọi « những người công chính », nhưng kêu gọi « những người tội lỗi », là chính chúng ta, là mỗi người chúng ta. Và trong trường hợp của thánh Mát-thêu, đó không phải là ơn gọi « chung », nhưng là ơn gọi tông đồ, là tông đồ thánh sử :

Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (c. 13)

Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. (c. 17)

1. « Anh hãy theo tôi ! »

Cách Đức Giê-su gọi Mát-thêu và cách ông đáp lại thật quá đột ngột, vì theo lời kể của thánh sử Mác-cô và của thánh sử Mát-thêu nữa (x. Mt 9, 9), không hề có điều gì chuẩn bị cho biến cố này. Do đó, chúng ta thường suy đoán rằng, Tin Mừng chỉ kể tóm tắt thôi, nhưng trong thực tế cần có sự quen biết và nhất là tìm hiểu trong một thời gian nào đó, để Đức Giê-su đi đến quyết định gọi ông Mát-thêu, và để ông Mát-thêu đi đến quyết định bỏ tất cả đi theo Đức Giê-su. Giống như một bạn trẻ đi tìm hiểu ơn gọi nơi một Hội Dòng, và cũng giống như hai bạn trẻ nam nữ tìm hiểu nhau một thời gian nào đó, trước khi đi đến quyết định “theo nhau” suốt đời. Các bộ phim về cuộc đời Đức Giê-su thường theo hướng này, nghĩa là cho thấy có sự quen biết trước, khi tái hiện ơn gọi của Mát-thêu. Trong thực tế, có thể đã xảy ra như thế, nhưng tại sao các thánh sử không kể rõ ra ? Chắc chắn, các vị có sứ điệp gì đặc biệt muốn nói với chúng ta ; và để truyền đạt một sứ điệp như là Lời Chúa, thì không cần phải kể hết mọi sự. Tương tự như khi họa sĩ vẽ tranh.

Thật vậy, trình thuật Tin Mừng mời gọi chúng ta vượt qua bình diện sự kiện để chiêm ngắm mầu nhiệm ơn gọi đến từ tình yêu nhưng không của chính Đức Giê-su : Đức Giêsu kêu gọi Mát-thêu như ông đang là, đang loay hoay với công việc, với những bận tâm của riêng mình. Cũng giống như khi Ngài gọi hai anh em Phêrô và An-rê, hai anh em Giacôbê và Gioan; Ngài gọi khi họ đang lay hoay với lưới với thuyền cùng với những người thân, khi họ đang bận tâm với những vấn đề của cuộc sống (x. Mc 1, 16-20). Ngài dường như không cần chuẩn bị lâu dài các ông rồi mới gọi; tiếng gọi của Đức Giêsu thật nhưng không, đặt hết lòng tin nơi người nghe.

Chúng ta đừng bao giờ để phai nhạt đi sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi nhưng không của Đức Giê-su dành cho chúng ta: tại sao Chúa lại gọi con? Tại sao Chúa lại chọn con? Tại sao lại dẫn con đi trên con đường này? Tại sao Chúa lại sai con? Tại sao Chúa lại trao cho con sứ mạng này? Tại sao Chúa lại trao cho cho “chén” này?… Chúng ta hãy luôn làm mới lại sự ngỡ ngàng đối với tiếng gọi của Đức Giê-su, vì đó là động lực giúp chúng ta làm mới lại lời đáp của chúng ta[1]. Và Chúa không chỉ kêu gọi chúng ta ở một thời điểm nào đó trong cuộc đời, nhưng ngay từ « TRONG BỤNG MẸ », như thánh Phao-lô xác tín : « Thiên Chúa đã dành riêng tôi ngay từ khi tôi còn trong lòng mẹ, và đã gọi tôi nhờ ân sủng của Người » (Gl 1,15). Ân sủng tuyệt đối nhưng không này phải làm cho chúng ta “ngỡ ngàng” hơn nữa.

Và lời kêu gọi của Đức Giê-su mạnh đến độ làm bật tung Mát-thêu ngay tại nơi ông làm việc, nơi ông gắn bó, nơi nuôi sống ông và gia đình, nơi là sự nghiệp của ông, là cuộc đời của ông. Chúng ta còn chậm chạp và dây dưa trong cách đáp lại, chính là vì chúng ta chưa thực sự nghe được tiếng gọi của Người. Vì thế, chúng ta hãy ước ao và xin đích thân nghe được tiếng Chúa gọi với tất cả sức mạnh của Lời Chúa, không chỉ một lần, nhưng hằng ngày và suốt đời. Lời Chúa sẽ đụng chạm đến chốn sâu thẳm nhất nơi con người của chúng ta, sẽ biến đổi chúng ta, vì Lời Chúa là Lời tạo dựng nên chúng ta[2].

Ơn gọi thiết yếu là một tương quan, dù đã khởi đầu như thế nào và do hoàn cảnh ngoại tại hay nội tại như thế nào: Chúa gọi và chúng ta đáp lại, như thánh Mát-thêu đã nghe, “đứng dậy và đi theo Người”. Cách Đức Giê-su gọi Mát-thêu và cách ông đáp lại chính là nền tảng của mọi ơn gọi; và nền tảng thì luôn luôn hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong mỗi ngày sống và nhất là mỗi khi chúng ta lựa chọn. Ơn gọi hiểu như thế, thì không thể chỉ là một biến cố đã qua, nhưng phải được sống và hiện tại hóa hằng ngày, thậm chí phải diễn ra hằng ngày. “Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó”. Ngài đi ngang qua đời ta mỗi ngày, và lúc nào ngài cũng thấy chúng ta đang loay hoay làm cái gì đó, bận tâm chuyện gì đó. Ngài gọi chúng ta thật bao dung và quảng đại; và chúng ta được mời gọi đáp lại cách bao dung và quảng đại như lời đáp đầu tiên của chúng ta trong bước đường đi theo Đức Ki-tô trong một ơn gọi.

 2. Đức Giêsu và những người tội lỗi

Ông Mát-thêu đi theo Đức Giê-su, nhưng sau đó Ngài đi theo ông Mát-thêu về nhà ông! Mọi người dùng bữa và chắc chắn đó là một bữa ăn “say sưa”, vì chỉ toàn đàn ông và vì họ là “bọn thu thuế và quân tội lỗi”. Vì đây là một bữa ăn, nên khi cầu nguyện với bài Tin Mừng này, chúng ta không chỉ nhìn và nghe, nhưng còn được mời gọi ngửi, nếm và đụng nữa :

  • Chúng ta hãy cảm nhận không chỉ hương vị của các món ăn, nhưng còn hương vị của của tình bạn : tình bạn của mọi người dành cho Đức Giê-su và của Đức Giê-su dành cho mọi người.
  • Chúng ta được mời gọi thưởng thức không chỉ bữa ăn, nhưng còn thưởng nếm sự đón nhận và sự gần gũi Đức Giê-su dành cho những người tội lỗi.
  • Và chúng ta hãy để cho lòng mình được « đụng chạm » và được « tái sinh » bởi lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Giê-su.

Như thế, khi kêu gọi Mát-thêu, Ngài không chỉ muốn gặp ông ở nơi công cộng, nơi ông làm việc, nhưng còn muốn gặp ông nơi riêng tư nhất, nơi tất cả những gì làm nên con người ông: nhà của ông, gia đình của ông, bạn bè của ông; và đó là những tương quan diễn tả con người đích thật của ông, làm nên con người của ông.

Chúng ta thường nghĩ đi theo Chúa là phải đoạn tuyệt với gia đình, bạn bè, với quá khứ, với cuộc đời đã qua. Nhưng làm thế, chúng ta đâu còn là chính mình nữa! Và cũng không thể làm được vì tất cả những điều này làm nên con người hiện tại của chúng ta. Đức Giêsu muốn gặp gỡ và phải “băng qua” (x. Ga 4: “Ngài phải băng qua Samari”) tất cả những điều đó nữa, tất cả những gì thuộc về chúng ta, Ngài muốn gọi và gặp chúng ta như chúng ta là một cách hiện thực và trong sự thật. Tất cả sẽ được Đức Giêsu “hoàn tất”, chữa lành, tái tạo, chứ không phải bị loại bỏ (x. Mt 5, 17).

 3. « Tôi đến để kêu gọi… người tội lỗi »

Cách tương quan của Đức Giê-su đối với Mát-thêu, với các đồng nghiệp của ông và những người tội lỗi làm bật ra những ý nghĩ thầm kín của những người Pha-ri-sêu:  Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi!” Sự « đồng bàn » này của Đức Giê-su, Con Thiên Chúa nhập thể, sẽ mãi mãi khó được chấp nhận, không chỉ bởi những người Pha-ri-sêu, nhưng bởi con người thuộc mọi thời, trong đó có chính chúng ta, ngấm ngầm hay công khai. Như những người Pha-ri-sêu, chúng ta muốn « nhốt » Chúa vào trong một khuôn khổ tư tưởng,cơ chế định sẵn hay ảo tưởng không tì vết. Trong cuộc Thương Khó, Đức Giê-su còn đi xa hơn nữa : Ngài để mình bị bắt như một tội nhân, bị xét xử và lên án như một tội nhân, bị hành hình như tội nhân và ở giữa các tội nhân. Loài người chúng ta mãi mãi không thể thấu hiểu, tại sao Người lại phải đi con đường điền rồ và sỉ nhục như vậy, và thường hiểu theo cơ chế của Lề Luật.

Những người Pha-ri-sêu tế nhị không nói thẳng với Đức Giêsu, nhưng Đức Giêsu thì nói thẳng với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi”; và trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, Người còn thêm :

Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9, 13)

Ngài ví mình như thầy thuốc, và đề nghị họ học một câu Kinh Thánh nói về điều Thiên Chúa ưa thích nhất. Để chúng ta sống nhân từ với nhau, Thiên Chúa luôn luôn nhân từ với chúng ta trước, và lòng nhân từ của Thiên Chúa được biểu lộ cách tuyệt vời qua hành động chữa lành. Chúng ta được mời gọi nhận ra những bệnh hoạn tật nguyền của mình và để cho thầy thuốc Giê-su đến chữa lành, cây thuốc của Ngài là cây Thập Giá.

*  *  *

Đó chính là kinh nghiệm nền tảng về lòng nhân từ của Thiên Chúa, và chính kinh nghiệm này làm cho chúng ta có thể nhân từ với nhau và hiến dâng đời mình để làm chứng nhân. Nếu chúng ta tự cho mình là công chính, tự cho thôi và vì thế chỉ là ảo tưởng, chúng ta sẽ không có kinh nghiệm về lòng nhân từ và cũng chẳng có thể sống nhân từ.  Đi theo Đức Giê-su, trong ơn gọi Ki-tô hữu và nhất là ơn gọi thánh hiến, chính là đi theo “Hiện Thân Lòng Thương Xót của Thiên Chúa”.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

[1] Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra sự ngỡ ngàng của Mát-thêu (nhân vật chỉ tay vào chính mình) trong bức tranh của Caravage.

[2] Trong bức tranh của Caravage, bàn tay hướng về Mát-thêu của Đức Giê-su được vẽ phỏng theo bàn tay tạo dựng của Thiên Chúa, trong bức tranh “Tạo Dựng Adam” của họa sĩ nổi tiếng người Ý Michelangelo (1475-1564).

 

Nhiều người tội lỗi đồng bàn với Đức Giêsu – SN song ngữ 16.01.2021

Saturday (January 16): “Many sinners were sitting with Jesus”

 

Scripture: Mark 2:13-17

13 He went out again beside the sea; and all the crowd gathered about him, and he taught them. 14 And as he passed on, he saw Levi the son of Alphaeus sitting at the tax office, and he said to him, “Follow me.” And he rose and followed him. 15 And as he sat at table in his house, many tax collectors and sinners were sitting with Jesus and his disciples; for there were many who followed him. 16 And the scribes of the Pharisees, when they saw that he was eating with sinners and tax collectors, said to his disciples, “Why does he eat with tax collectors and sinners?” 17 And when Jesus heard it, he said to them, “Those who are well have no need of a physician, but those who are sick; I came not to call the righteous, but sinners.”

Thứ Bảy     16-1    Nhiều người tội lỗi đồng bàn với Đức Giêsu

 

Mc 2,13-17

13 Đức Giê-su lại đi ra bờ biển hồ. Toàn thể dân chúng đến với Người, và Người dạy dỗ họ.14 Đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lê-vi là con ông An-phê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi! ” Ông đứng dậy đi theo Người.15 Người đến dùng bữa tại nhà ông. Nhiều người thu thuế và người tội lỗi cùng ăn với Đức Giê-su và các môn đệ: con số họ đông và họ đi theo Người.16 Những kinh sư thuộc nhóm Pha-ri-sêu thấy Người ăn uống với những kẻ tội lỗi và người thu thuế, thì nói với các môn đệ Người: “Sao! Ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi! “17 Nghe thấy thế, Đức Giê-su nói với họ: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.”

Meditation: 

 

What draws us to the throne of God’s mercy and grace? Mark tells us that many people were drawn to Jesus, including the unwanted and the unlovable, such as the lame, the blind, and the lepers, as well as the homeless such as widows and orphans. But public sinners, like the town prostitutes and corrupt tax collectors, were also drawn to Jesus. In calling Levi, who was also named Matthew (see Matthew 9:9) to be one of his disciples, Jesus picked one of the unlikeliest of men – a tax collector who by profession was despised by the people.

Why did the religious leaders find fault with Jesus for making friends with sinners and tax collectors like Levi? The orthodox Jews had a habit of dividing everyone into two groups – those who rigidly kept the law of Moses and its minute regulations and those who did not. They latter were treated like second class citizens. The orthodox scrupulously avoided their company, refused to do business with them, refused to give or receive anything from them, refused to intermarry, and avoided any form of entertainment with them, including table fellowship. Jesus’ association with sinners shocked the sensibilities of these orthodox Jews.

When the Pharisees challenged his unorthodox behavior in eating with public sinners, Jesus’ defense was quite simple. A doctor doesn’t need to visit healthy people; instead he goes to those who are sick.  Jesus likewise sought out those in the greatest need. A true physician seeks healing of the whole person – body, mind, and spirit. Jesus came as the divine physician and good shepherd to care for his people and to restore them to wholeness of life.The orthodox Jews were so preoccupied with their own practice of religion that they neglected to help the very people who needed care. Their religion was selfish because they didn’t want to have anything to do with people not like themselves. 

Jesus stated his mission in unequivocal terms: I came  not to call the righteous, but to call sinners. Ironically the orthodox were as needy as those they despised.  All have sinned and fall short of the glory of God (Romans 3:23). The Lord fills us with his grace and mercy. And he wants us, in turn,  to seek the good of our neighbors, including the unlikeable and the trouble-maker by showing them the same kindness and mercy which we have received. Do you thank the Lord for the great kindness and mercy he has shown to you?

“Lord Jesus, our Savior, let us now come to you: Our hearts are cold; Lord, warm them with your selfless love. Our hearts are sinful; cleanse them with your precious blood. Our hearts are weak; strengthen them with your joyous Spirit. Our hearts are empty; fill them with your divine presence. Lord Jesus, our hearts are yours; possess them always and only for yourself.” (Prayer of Augustine, 4th century).

Suy niệm:

 

Điều gì lôi kéo chúng ta đến ngai tòa lòng thương xót và ơn sủng của Thiên Chúa? Máccô nói với chúng ta rằng nhiều người đến với Ðức Giêsu, kể cả những người không ai ưa thích và đáng ghét, như những người què, người mù, những người cùi, cũng như những người vô gia cư, các góa phụ và những kẻ mồ côi. Thậm chí cả những người tội lỗi công khai như các cô gái điếm trong thành, những người thu thuế tồi bại, cũng được đến với Ðức Giêsu. Trong việc kêu gọi Mátthêu làm một trong những môn đệ, Ðức Giêsu đã tuyển chọn một trong số những người đáng ghét nhất – một người thu thuế, bị người ta ghét bỏ coi thường vì nghề nghiệp. 

Tại sao những nhà lãnh đạo tôn giáo ghép tội Ðức Giêsu làm bạn với những người tội lỗi và thu thuế như Mátthêu? Người Dothái chính thống có thói quen chia mọi người thành hai nhóm: những người tuân giữ luật lệ cách chặt chẽ và những chi tiết cặn kẻ của nó và những người không tuân giữ. Những người không tuân giữ luật lệ bị đối xử như những công dân hạng hai. Những người chính thống tuyệt đối tránh làm bạn với họ, từ chối làm ăn với họ, không cho hay nhận bất cứ điều gì từ họ, không gã cưới với họ, và tránh bất cứ hình thức vui chơi với họ, kể cả nơi bàn tiệc thân hữu. Sự giao tiếp của Ðức Giêsu với những người hạng hai này, đặc biệt với những người thu thuế và tội lỗi, đã làm cho những người Dothái truyền thống này cảm thấy chướng tai gai mắt.

Khi những người Pharisêu không thừa nhận thái độ không chính thống của Người trong việc ăn uống với những người tội lỗi công khai, sự phản ứng của Ðức Giêsu thật hết sức đơn giản. Bác sĩ không cần đến với người khỏe mạnh, nhưng đến với người bệnh. Ðức Giêsu cũng đi tìm những ai đang ở trong tình trạng thiếu thốn nhất. Người thầy thuốc thật sự luôn tìm cách chữa lành toàn thể con người: thân xác, tâm trí, và linh hồn. Ðức Giêsu đến như một vị thần y và một mục tử nhân lành để săn sóc dân Người và phục hồi toàn bộ sự sống cho họ. Những người chính thống quá bận tâm lo lắng với việc hành đạo riêng của mình đến nỗi họ quên đi việc giúp đỡ những người đang cần sự chăm sóc. Niềm tin của họ quá ích kỷ bởi vì họ không muốn làm bất cứ điều gì cho những người không giống họ.

Ðức Giêsu khẳng định về sứ mệnh của mình một cách dứt khoát: “Ta đến không phải để kêu gọi những người công chính, nhưng là những người tội lỗi.” Một cách trớ trêu thay, những người chính thống cũng thiếu thốn như những người mà họ coi thường. Tất cả mọi người đều đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa (Rm 3,23). Thiên Chúa đổ đầy chúng ta với ơn sủng và lòng thương xót của Người. Và Người cũng muốn chúng ta, về phần mình, tìm kiếm lợi ích cho tha nhân, kể cả những người khó ưa và những kẻ hay gây rối, bằng cách bày tỏ cho họ lòng nhân hậu và thương xót tương tự mà chúng ta đã lãnh nhận. Bạn có cám ơn Chúa vì lòng nhân hậu và thương xót vô biên mà Người đã bày tỏ cho bạn không?

Lạy Chúa Giêsu là Đấng cứu chuộc con, giờ đây xin cho con đến với Chúa. Lạy Chúa, linh hồn hồn lạnh lẽo, xin sưởi ấm nó với tình yêu vị tha của Chúa. Linh hồn con tội lỗi, xin thanh tẩy nó bằng máu châu báu của Chúa. Linh hồn con yếu đuối, xin tăng sức cho nó bằng Thần Khí vui mừng của Chúa. Linh hồn con trống rỗng, xin lấp đầy nó bằng sự hiện diện thần linh của Chúa. Lạy Chúa Giêsu, linh hồn con là của Chúa, xin Chúa chiếm hữu nó luôn, và xin cho nó luôn thuộc về Chúa thôi. (Lời nguyện của thánh Augustinô, thế kỷ thứ 4).

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây