Thứ Hai tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

Chủ nhật - 04/04/2021 08:42

Thứ Hai tuần BÁT NHẬT PHỤC SINH.

"Hãy đi nói với anh em đến Galilêa mà gặp Ta ở đó".

 

 

Lời Chúa: Mt 28, 8-15

Khi ấy, các bà vội ra khỏi mồ vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Chúa. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó họ sẽ gặp Ta".

Đang khi các bà lên đường, thì mấy người lính canh vào thành báo tin cho các thượng tế biết tất cả những gì đã xảy ra. Các thượng tế liền họp với các kỳ lão, và sau khi đã bàn định, họ cho lính một số tiền lớn và bảo rằng: "Các anh hãy nói rằng: Ban đêm khi chúng tôi đang ngủ, thì môn đệ ông đến lấy trộm xác ông. Nếu việc này đến tai tổng trấn, chúng tôi sẽ thương lượng với ông, không để các anh phải phiền hà đâu".

Bọn lính canh nhận tiền và đã làm y như họ căn dặn chúng. Bởi thế, lời đó được phao truyền nơi người Do-thái cho đến ngày nay.

 

 

 

SUY NIỆM 1: “Chào chị em!”

Suy niệm:

Trong bốn sách Tin Mừng, các phụ nữ luôn được kể là người ra viếng mộ trước tiên.

Trong Tin Mừng Mátthêu, đó là hai bà có cùng tên Maria.

Sau khi được thiên thần giao nhiệm vụ loan báo gấp cho các môn đệ

về sự phục sinh và cuộc hẹn gặp của Thầy ở Galilê (28, 7),

các bà đã mau mắn lên đường, vội vã rời bỏ ngôi mộ trống.

Ngôi mộ này là nơi các bà đặt tình cảm thân thương,

vì đây là nơi đặt xác của người Thầy yêu dấu

Bây giờ ngôi mộ không còn xác Thầy nữa, Thầy đã được trỗi dậy rồi,

nên ngôi mộ chẳng phải là nơi các bà dừng lại mà khóc lóc than van.

Nó trở nên một bằng chứng về sự sống lại của Thầỵ

Ngôi mộ trống thực sự đã đem lại một niềm vui vô bờ bến.

Chính những mất mát lại là dấu hiệu cho một sự hiện diện viên mãn hơn.

Vì thế vừa sợ hãi lại vừa hết sức vui mừng,

các bà chạy đi loan báo cho các môn đệ điều mình vừa nghe nói.

Trên con đường hối hả đi gặp các môn đệ,

các bà không ngờ mình lại là người đầu tiên được gặp Chúa phục sinh.

Điều mới nghe thiên thần nói, bây giờ được thấy tận mắt.

Thánh Mátthêu chỉ nói một cách đơn sơ: “Đức Giêsu gặp các bà” (c. 9).

Không thấy mô tả Đức Giêsu oai phong rực rỡ như thế nào.

Có vẻ Ngài gặp các bà lần này như Ngài đã từng gặp bao lần trong quá khứ.

Các bà nhận ra ngay vị Thầy được sống lại

cũng là vị Thầy chịu đóng đinh mà mình đã đi theo từ Galilê.

Chính Đức Giêsu ngỏ lời chào trước: “Chị em hãy vui lên.”

Lời chào này cũng là lời chào bình thường hằng ngày vào thời đó.

Vì thế các bà đã bạo dạn tiến lại gần, ôm chân và bái lạy Thầỵ

Như vậy các bà có thể thấy được và đụng chạm được Đấng phục sinh.

Các bà còn có thể nghe được lời dặn dò của Ngài.

Lời này giống lời thiên thần, chỉ có điều Ngài gọi các môn đệ là anh em:

“Hãy đi và báo cho anh em của Thầy...” (c. 10).

Các môn đệ vẫn được gọi là anh em ngay cả khi họ đã bỏ rơi Ngài.

Khi gọi họ là anh em, Đức Giêsu đã muốn tha thứ mọi vấp ngã của họ.

Đức Giêsu phục sinh đã hiện ra cho các phụ nữ trước tiên.

Nhìn thấy ngôi mộ trống chưa đủ, còn cần gặp chính Đấng phục sinh.

Khi trở về gặp các môn đệ, các bà sẽ là những người làm chứng tuyệt vời.

Không chỉ là ngôi mộ trống với lời chứng của thiên thần,

mà còn là lời chứng của chính họ, của người đã chứng kiến tận mắt và đụng chạm.

Đức Giêsu phục sinh dám nhờ các phụ nữ làm chứng,

dám nhờ các phụ nữ đi loan Tin Mừng cho các môn đệ của mình,

dù thời của Ngài người ta không tin lời chứng của phụ nữ.

Chúng ta không quên những đóng góp của các phụ nữ cho Giáo Hội từ thời đầu.

Mong vai trò ấy vẫn được đề cao và tôn trọng.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu phục sinh

lúc chúng con tìm kiếm Ngài trong nước mắt,

xin hãy gọi tên chúng con

như Chúa đã gọi tên

chị Maria đứng khóc lóc bên mộ.

Lúc chúng con chán nản và bỏ cuộc,

xin hãy đi với chúng con trên dặm đường dài

như Chúa đã đi với hai môn đệ Emmau.

Lúc chúng con đóng cửa vì sợ hãi,

xin hãy đến và đứng giữa chúng con

như Chúa đã đến đem bình an cho các môn đệ.

Lúc chúng con cố chấp và xa cách anh em,

xin hãy kiên nhẫn và khoan dung với chúng con

như Chúa đã không bỏ rơi ông Tôma cứng cỏi.

Lúc chúng con vất vả suốt đêm

mà không được gì,

xin hãy dọn bữa sáng cho chúng con ăn,

như Chúa đã nướng bánh và cá cho bảy môn đệ.

Lạy Chúa Giêsu phục sinh,

xin tỏ mình ra

cho chúng con thấy Ngài mỗi ngày,

để chúng con tin là Ngài đang sống, đang đến,

và đang ở thật gần bên chúng con. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2BÀN TAY CHE MẶT TRỜI

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Chúa phục sinh. Điều kỳ diệu chưa từng có. Chưa trí khôn nào nghĩ tới. Như một mặt trời mọc lên chiếu soi khắp cùng thế giới. Làm bừng lên chân lý trong tâm hồn các môn đệ. Một niềm vui vô bờ bến. Vì Chúa đã chiến thắng. Con người được cứu chuộc. Lịch sử sang một trang mới hào hùng. Trí khôn mở ra. Các môn đệ chợt hiểu thấu tất cả.

Thì ra đó là kế hoạch của Thiên Chúa. Đã được báo trước từ ngàn đời. Thiên Chúa đã hứa cho một người thuộc dòng dõi Đa-vít sẽ lên kế vị. Và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận. Còn hơn thế nữa Đấng ấy sẽ từ cõi chết sống lại. Thánh Phê-rô, trong niềm xác tín mãnh liệt, đã nhắc lại cho dân Do thái: “Thưa anh em, …Thiên Chúa đã thề với người (vua Đa-vít) là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cói âm ty và thân xác Người không phải hư nát”. Quả thật, “theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết”.

Kế hoạch cho thấy quyền năng của Thiên Chúa vô cùng cao siêu. Không trí khôn nào hiểu thấu. Không sức mạnh nào ngăn cản được. Kế hoạch cũng cho thấy tình yêu thương của Thiên Chúa là vô bờ bến. Vượt qua mọi yếu đuối tội lỗi. Vượt qua cả cái chết. Để đưa con người đến sự sống. Mà Chúa Ki-tô, Con yêu dấu của Người là Trưởng Tử đi đầu. Cho chúng ta được đi theo: “Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan”.

Một cuộc đời mới khởi đầu. Không còn sợ hãi nữa. Nhưng bắt đầu lại từ đầu. Để làm chứng cho Chúa: “Chị em đừng sợ! Hãy về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê, Họ sẽ được thấy thầy ở đó”. Ga-li-lê là khởi đầu. Ga-li-lê sẽ bắt đầu lại. Tươi mới. Phấn khởi. Tràn đầy niềm vui và hi vọng.

Nhưng thế lực sự chết vẫn còn cố gắng chống lại Chúa. Vẫn còn mưu toan lừa dối: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”. Thánh Âu-tinh đã vạch rõ thủ đoạn gian dối: Các anh là lính canh. Tại sao ngủ. Nếu ngủ làm sao biết là họ đến lấy xác. Nếu thức làm sao để họ lấy. Đúng là vải thưa không che được mắt thánh. Bàn tay không che nổi ánh mặt trời. Chỉ tối mắt mình. Mặt trời vẫn chiếu soi rạng rỡ.

 

SUY NIỆM 3: Phép lạ Phục Sinh

Truyện các thánh ẩn tu trong sa mạc thời Giáo Hội tiên khởi có kể lại câu chuyện như sau:

Một người đàn ông nọ nghe đồn về rất nhiều phép lạ do các bậc chân tu thánh thiện thực hiện, nhưng ông không chấp nhận một lời đồn đại nào, ông chỉ tin những gì mắt thấy tai nghe. Thế là ông lên đường để diện kiến cho bằng được vị chân tu, ông gọi một đệ tử lại và hỏi:

- Thầy của anh đã làm được bao nhiêu phép lạ rồi?

Người đệ tử trả lời:

- Không thể đếm xuể được. Trong xứ của ông, người ta xem như là phép lạ mỗi khi Thiên Chúa làm theo ý muốn của con người. Còn ở đây thì trái lại, chúng tôi coi là phép lạ mỗi khi con người thực thi thánh ý Chúa.

Phép lạ mỗi khi con người thực thi thánh ý Chúa. Ðó có thể là ý tưởng được rút ra từ bài Tin Mừng hôm nay. Thánh Mátthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa phục sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Chúa Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt. Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục Sinh cho các tông đồ; những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế: họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật. Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.

Hai ngàn năm qua và mãi mãi về sau, sứ điệp Phục Sinh vẫn tiếp tục được loan báo. Phép lạ Phục Sinh vẫn mãi mãi tiếp diễn. Các Tông Ðồ và những phụ nữ được Chúa hiện ra có lẽ diễm phúc hơn chúng ta. Thế nhưng, các ngài cũng không được trang bị hơn chúng ta khi đứng trước việc Chúa sống lại và hiện ra. Những lính canh mồ cũng chứng kiến các điều lạ lùng, nhưng với họ, những điều đó chưa phải là phép lạ.

Phép lạ thiết yếu không phải là một việc phi thường, nhưng trước tiên là một gặp gỡ trong đức tin. Chỉ trong đức tin, con người mới tin nhận phép lạ. Có phép lạ khi con người thực thi thánh ý Chúa. Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình yêu của Ngài. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện và tác động trong lịch sử nhân loại. Nhưng chỉ khi nào con người tin nhận và sống theo thánh ý Thiên Chúa, con người mới nhận ra sự hiện diện và tình yêu của Ngài. Chúa Giêsu đã tuyên bố: "Phúc cho những ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa". Có tâm hồn trong sạch chính là để cho Chúa ngự, chính là chiều theo tư tưởng và ý muốn của Ngài.

Nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô Phục Sinh soi sáng và hướng dẫn tâm tư hành động của chúng ta, để trong mọi sự, chúng ta sống theo thánh ý Ngài, và như vậy, cảm nhận được phép lạ của tình yêu Ngài trong từng phút giây của cuộc sống.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Kiểm duyệt tin tức

Và Đức Giêsu đón gặp các bà và nói: “Chào chị em!” các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. Bấy giờ Đức Giêsu nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

Các bà đang đi, thì kìa mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra. (Mt. 28, 9-11)

Ngày nay, những phương tiện thông tin đầy quyền lực và phong phú đa dạng làm cho chúng ta không bao giờ biết được chính xác những sự kiện, những biến cố: báo chí tố cáo nhau giữa phe đảng đã kiểm duyệt tin tức để có lợi cho phe nhóm mình. Những tố cáo và cải chính xen lẫn nhau trên mặt báo hàng ngày. Không ai có thể thấy đâu là sự thật.

Bản văn Tin mừng hôm nay đem ra ánh sáng cho thấy khó có một thông tin khách quan. Xét về sự kiện phục sinh thì có nhiều lối cắt nghĩa bất đồng ý kiến nhau. Có hai lý do đáng chúng ta lưu ý về những khó khăn này:

Trước hết, phía những chứng nhân, những người tiếp nhận tin tức, Đức Giêsu đã sống lại vì Người đã hiện ra với tôi. Thánh sử Tin mừng rất cẩn thận ghi lại nhiều chi tiết tỏ cho thấy sự hiện diện của một thân xác, không phải bóng ma: Ma-ri-a Ma-đa-lê-na đã ôm chân Người, chỗ khác cho thấy, Người sống lại ăn uống, đốt lửa nướng cá, cho sờ mó vào chân tay Người. Nhưng những chứng nhân này lại sợ hãi. Lúc ban đầu họ sợ hãi bị chế nhạo làm cho họ im lặng trước sự phục sinh của Đức Kitô. Vì thế sứ điệp giải phóng và phục sinh của Đức Kitô cũng đã bị bóp nghẹt trong chính con người chúng ta.

Những kẻ chứng kiến khác thì lại nói quanh co tự bảo vệ mình, bảo vệ quyền lợi mình, công việc mình hay bảo vệ cái tin bịa đặt của mình như các thượng tế và kỳ lão đút tiền cho lính canh mồ để họ loan tin các môn đệ ăn trộm xác Người. Thế lực chính trị thuê mướn thế lực tư pháp, quan tòa, luật sư để bảo vệ đảng của mình. Người ta âm mưu dựng nên những bằng chứng ma, hay mua chuộc những nhân chứng giữ im lặng.

Nhiều lần, chúng ta cũng vì sợ bị chế nhạo mà làm chứng quanh co hay để kẻ khác mua chuộc sự im lặng và lợi dụng đầu cơ những bằng chứng. Chúng ta phải giật mình hổ thẹn rằng Đức Giêsu đã bị tố cáo khiếm diện, Người bị loại trừ, bị tuyên bố là chết rồi.

Những nhân chứng mới của phục sinh không thoát khỏi sự an toàn giả tạo, nếu không quan tâm đặc biệt đến Tin mừng phục sinh, nếu không tuyên bố công khai những điều đã hiểu biết về đêm vượt qua.

 

SUY NIỆM 5: Hãy Về Báo Tin Cho Các Anh Em Ta

Cách đây hai thế kỷ, giả sử như có một lon bia hay có một lon thực phẩm tươi, chắc chắn người ta vẫn không dám yên tâm thưởng thức những món ăn uống tiện dụng này. Ngày nay, chúng ta yên tâm thưởng thức là nhờ công trình nghiên cứu của ông Louis Paster, nhà ký sinh trùng học người Pháp sống vào thế kỷ XIX. Ông đã nghiên cứu các vi sinh để rồi dùng chúng hoặc tiêu diệt chúng. Dùng vi sinh trong việc tiêm các thuốc chủng ngừa, chữa bệnh chó dại, hoặc tiêu diệt chúng trong các quá trình lên men trong đồ ăn, thức uống. Ðây là những đóng góp lớn lao cho toàn thể gia đình nhân loại.

Tuy nhiên, ông còn có các đóng góp khác ít được ai nhắc đến, đó là những đóng góp cho niềm tin. Trong lúc các bạn đồng nghiệp nhìn vào kính hiển vi chỉ thấy có một số tế bào liên kết với nhau, chẳng có gì hơn nữa, thì trái lại, khi nhìn vào chiếc kính hiển vi, Louis Paster lại reo lên: "Thật kỳ diệu! Còn một điều gì ẩn nấp ở đàng sau nữa: đó là Thượng Ðế".

Anh chị em thân mến!

Qua những khám phá nhà bác học thời danh Louis Paster đóng góp cho nhân loại, chúng ta có thể rút ra được nhiều điều, đặc biệt là cách nhìn các diễn biến và thái độ phải có trước các diễn biến ấy. Cùng một sự kiện, nhưng mỗi nhà bác học lại có một cái nhìn khác nhau. Cùng một tìm tòi khám phá, những mỗi người lại đạt được kết quả riêng biệt.

Bài Tin Mừng hôm nay cũng đề cập đến hai thái độ khác nhau trước biến cố Chúa Kitô Phục Sinh. Một bên là các phụ nữ và một bên là nhóm lính canh. Ðối diện với họ đều là ngôi một trống. Với nhóm phụ nữ, ngôi một trống là dấu chỉ Tin Mừng Phục Sinh và là khởi điểm cho niềm hy vọng. Tuy lo âu, nhưng họ vội vã đi báo tin vui cho các môn đệ. Nhóm lính canh, họ cũng được nhìn thấy ngôi mộ trống và điều đó không lạ gì đối với họ. Vì thế, ngôi mộ trống không là khởi điểm và tin tưởng của niềm tin, mà còn khiến cho họ càng rời xa niềm tin, càng muốn khỏa lấp niềm tin. Lời đồn đãi ấy vẫn còn vang dội đối với người Do Thái cho đến ngày nay.

Với sự kiện Chúa sống lại, lời nói của nhóm lính canh là những chứng từ có thể đáng tin cậy, vì họ là những người canh giữ mồ đêm hôm ấy. Nếu không vì sợ hãi quyền lực của hội đường Do Thái hoặc không vì chút lợi lộc, tiền của thì chắc chắn họ sẽ là sứ giả loan Tin Mừng Phục Sinh.

Trước Tin Mừng Phục Sinh ai cũng vội vã: các bà thì loan tin cho các môn đệ, còn nhóm lính canh thì vội vã báo tin cho hội đường Do Thái. Ai cũng vội vã, nhưng tùy thái độ mỗi bên mà Tin Mừng Phục Sinh được công bố hay bị dập tắt. Người Kitô hữu cũng là những người được đối diện với Tin Mừng Phục Sinh. Họ được trao cho nhiệm vụ loan báo lại cho người khác biết tin vui này. Chắc chắn lời nói của họ là những chứng từ giá trị, vì họ đã được đón nhận sức sống Phục Sinh của Ðức Kitô.

Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước những áp lực trần thế, hoặc vì sức quyến rũ của chức tước, lợi lộc... họ đành tâm phản bội Tin Mừng. Vì thế cho đến hôm nay, họ còn hiểu biết lệch lạc về Chúa Kitô, về Giáo Hội.

Nguyện xin Chúa Kitô Phục Sinh, Ðấng đã chiến thắng quyền lực của tội lỗi, ban cho mỗi người chúng ta lòng tin yêu và can đảm. Tin yêu để chúng ta nhận biết được sự hiện diện của Ngài qua các biến cố cuộc sống, dù cho có vẻ trống vắng, u buồn như ngôi mồ trống của Ðức Kitô. Và khi nhận ra được Ngài, chúng ta sẽ can đảm loan truyền Ðức Kitô cho tất cả mọi người, bất chấp mọi gian lao thử thách.

Lạy Chúa, xin cho chúng con được bắt chước các tông đồ cũng như các phụ nữ nhiệt thành tìm kiếm Chúa trong yêu mến và hăm hở ra đi rao truyền tin vui Phục Sinh của Chúa Kitô. Amen.

(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ – Radio Veritas Asia)

 

SUY NIỆM 6: ĐỪNG GIỮ THẦY LẠI! (Mt 28, 8 -15)

Để diễn tả niềm tiếc thương với người mới chết, nhất là người quá cố ấy là cha, mẹ, anh chị em hay con cháu của chúng ta, thường chúng ta hay ra mộ để cắm nhang, đốt nến... rồi khóc lóc thảm thiết... Hành vi này là lẽ thường tình và nó cũng rất nhân văn! Qua nghĩa cử này, người ta vừa biểu lộ niềm tiếc thương, vừa diễn tả tâm tình biết ơn với người đã khuất.

Cũng trong tâm trạng ấy, nên hôm nay, thánh sử Mátthêu trình thuật việc các phụ nữ đi ra mộ để khóc thương và xức thêm dầu thơm vào xác Chúa. Họ là những người đã từng lặn lội theo Đức Giêsu trong suốt hành trình rao giảng Tin Mừng, vì thế, tình cảm Thầy và trò thật thắm thiết, keo sơn, nên chuyện đi ra mộ để làm những việc trên là chuyện đương nhiên nơi một người có lòng mến...

Tuy nhiên, những gì diễn ra trước mắt các bà khi các bà đi ra mộ và chứng kiến đã là điều bất thường và không khỏi ngỡ ngàng! Ngôi mộ thì trống; xác thì mất; lại xuất hiện các thiên thần kèm theo lời loan báo giật gân: Chúa đã sống lại! Sự hốt hoảng, hoang mang chen lẫn vui mừng đang mãnh liệt xâm chiếm tâm hồn các bà.

Khi các bà còn đang quá bối rối, thì Đức Giêsu đã hiện ra với các bà và cất lên tiếng nói thân thương hồi nào: "Chào chị em!". Khi nhận ra Chúa, các bà hết đỗi vui mừng và sụp lạy Ngài. Hành vi này cho thấy thái độ trân trọng, yêu mến và tôn thờ mà các bà dành cho Đức Giêsu. Thái độ này đi ngược hẳn với những động thái của nhóm Thượng tế và Kỳ mục! Họ là những người vốn đã có kế hoạch xóa sổ con người Giêsu cũng như những ảnh hưởng của Ngài trên dân chúng và trong xã hội. Vì thế, họ lại tiếp tục đưa ra những kế sách mới, vu khống cho các môn đệ là đang đêm đến lấy xác Đức Giêsu và loan tin đồn là Ngài đã sống lại!

Nhưng sự thật vẫn là sự thật, vì thế, Đức Giêsu đã hiện ra trực tiếp với các phụ nữ và trấn an các bà. Đồng thời ngay lập tức, Ngài muốn cho các bà vượt qua tâm lý, tình cảm tự nhiên, để đi đến một tình cảm trưởng thành và một tình yêu sứ vụ. Vì thế, Ngài nói: “Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Galilê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó".

Sứ điệp của Đức Giêsu trao ban cho các phụ nữ cũng chính là sứ điệp cho mỗi người chúng ta hôm nay, đó là: sống và loan truyền Chúa chịu chết, tuyên xưng Chúa sống lại cho mọi người, mọi nơi và mọi lúc.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban cho mỗi người chúng con biết yêu mến Chúa tha thiết như mẫu gương của các phụ nữ hôm nay. Xin Chúa giúp cho chúng con khi đã yêu mến và tin tưởng vào Chúa, thì cũng can đảm ra đi chia sẻ niềm tin ấy cho người khác, để họ cũng gặp được niềm vui cứu độ như chúng con. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 7: Phản ứng khác nhau về Chúa Phục Sinh.

(Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Một câu chuyện dụ ngôn cổ kể lại rằng: Có bốn người đàn ông cùng đi xuyên qua một khu rừng. Bất thình lình có một bức tường cao cản bước đường của họ. Tò mò, họ làm một cái thang để nhìn xem cái gì ở sau bức tường đó. Người thứ nhất trèo lên tới đỉnh thang nhìn qua, bỗng anh la lên thích thú… Cũng giống như vậy với phản ứng của người thứ hai và ba… Còn người thứ tư khi lên đến đỉnh thang, anh mỉm cười vì nhìn thấy những khung cảnh thật tuyệt vời: một khu vườn xanh tươi phì nhiêu, với những cây trĩu quả đủ các loại, dòng suối trong mát đầy cá bơi lội, và những thú hoang dã cùng những súc vật nuôi dạo chung quanh suối và khu vườn xanh tươi. Đứng trước cảnh xuân xanh tuyệt vời đó, anh bị cám dỗ không nói ra với ai, chỉ muốn hưởng thụ một mình như ba người bạn trước. Nhưng anh nghĩ đến gia đình, bạn bè, hàng xóm và quay trở về để chia sẻ với họ niềm vui mà anh đã khám phá…

Suy niệm

Đức Kitô Phục sinh Halléluia… Cả bốn Tin Mừng và sách Công vụ tông đồ đều trình bày biến cố Đức Giêsu Phục sinh hiện ra (Mt 28,9-20; Mc 16,1-19; Lc 24,13-53; Ga 20,11-23; Cv 1,6-11).

Sự kiện Phục sinh được sáng tỏ qua các chứng từ: Tảng đá được lăn ra, ngôi mộ trống, thiên thần loan báo... Một biến cố đưa đến hai thái độ, hai hậu quả đối nghịch:

Các phụ nữ sau khi thăm mồ Chúa vui mừng hân hoan ra đi loan Tin Mừng Phục sinh biểu lộ tâm tình của Maria trong Ca tiếp niên Phục sinh reo vui:

…Tôi đã thấy mồ Đức Kitô đang sống

và vinh quang của Đấng Phục sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Đức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh…

Thật thế, các môn đệ và những người theo Ngài, đang ủ rũ héo tàn vì Thầy mình vừa qua đời tang thương như một tử tội, cái chết của Ngài tựa như mùa đông băng tuyết giết chết niềm tin. Chúa Giêsu sống lại như mùa xuân về nơi tâm hồn các ngài...

Trong lúc đó Tin Mừng Phục sinh làm các tư tế, hàng niên trưởng và quân lính lo sợ trốn chạy lui vào chỗ kín để bàn bạc chống lại tin vui Phục sinh trong sự cố chấp...

Sự Phục sinh đem niềm vui cho những người tin. Với kẻ không tin, biến cố phục sinh càng làm cho họ thất vọng ê chề như người bị bệnh mắt không thể tiếp nhận được ánh sáng huy hoàng rực rỡ của ban mai.

Thật thế, nếu chúng ta tin và gắn chặt với Ðức Giêsu Phục sinh, thật hạnh phúc tuyệt vời cho chúng ta. Nhưng khi chúng ta từ chối Tin Mừng Ðức Giêsu, chúng ta sống trong sự bất hạnh của sự cố chấp trong thất vọng.

Ý lực sống: “Vậy khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng” (1Cr 15,54).

 

SUY NIỆM 8: Chúa đã sống lại thật chăng

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Các bài Tin mừng trong tuần bát nhật mừng Đức Giêsu Phục sinh đều ghi lại các cuộc hiện ra của Đức Giêsu. Bài Tin Mừng hôm nay ghi lại việc Đức Giêsu hiện ra với các phụ nữ, cách riêng với bà Maria Mađalena, để củng cố niềm tin và sai các bà đi báo tin cho các Tông đồ. Ngoài ra, Tin Mừng còn nói đến việc các nhà lãnh đạo tôn giáo Do thái mua chuộc các lính canh mồ để phản bác việc Đức Kitô sống lại.

2. Thánh Matthêu là tác giả duy nhất đã so sánh thái độ của hai dạng chứng nhân về việc Chúa Phục Sinh: một bên là những phụ nữ đã từng theo Đức Giêsu, và một bên là những lính canh mồ do các thượng tế và biệt phái sắp đặt.

Cả hai bên đều nhận lãnh một sứ điệp: những phụ nữ được các thiên thần cổ võ đã lên đường loan báo sứ điệp Phục Sinh cho các Tông đồ; những lính canh mồ thoạt tiên cũng nhận lãnh các sứ điệp như thế: họ đã chứng kiến một phép lạ, nhưng thay vì tuân phục với đức tin, họ đã bóp méo và chối bỏ sự thật.

Một sự kiện nhưng hai phản ứng: với sự tuân phục của đức tin, các phụ nữ đã đón nhận phép lạ và trở thành sứ giả của Tin Mừng Phục Sinh; trong khi đó, với thái độ mù quáng và khước từ, những lính canh mồ đem biến sự kiện thành một bôi nhọ phỉ báng.

3. Đức Giêsu đã Phục sinh với các chứng từ rõ ràng không thể chối cãi được. Đối với Đức Giêsu, phục sinh là chiến thắng hoàn toàn sự chết, thế gian và xác thịt, nghĩa là thân xác phục sinh không thể chết được nữa, thân xác phục sinh không thể bị giới hạn trong không gian hoặc thời gian. Chẳng hạn Đức Giêsu khi phục sinh vẫn đi vào nhà các môn đệ khi cửa đóng kín, vẫn có thể hiện diện nhiều nơi như vừa đồng hành với môn đệ trên đường Emmau nhưng khi các môn đệ đó quay lại thì lại được các môn đệ ở nhà kể lại vừa gặp Chúa.

Kitô hữu là người đối diện với Tin Mừng Phục Sinh và được trao nhiệm vụ đi loan báo cho người khác tin vui này... Tuy nhiên, như nhóm lính canh, có thể vì sợ hãi trước quyền lực trần thế, hay vì một chút lợi lộc, họ đành tâm phản bội Tin Mừng, và do đó cho đến nay vẫn còn những hiểu biết lệch lạc về Đức Kitô và về Giáo hội.

4. Trở lại sự kiện giả dối của giới cầm quyền Do thái giáo mà bài Tin Mừng kể ra, chúng ta thấy sự kiện này cũng phản ánh một thực tế bất công và dối trá nơi cuộc sống này đã có từ ngàn xưa. Thậm chí ngày nay còn đáng sợ hơn.

Chân lý loài người luôn thuộc về kẻ mạnh, người ta dùng tiền để mua chuộc và đổi trắng thay đen, biến công thành tội, sự thật bị xuyên tạc bóp méo. Đặc biệt những Kitô hữu và những người dám sống thật luôn bị thua thiệt và bị vu oan giáng họa kết tội cách bất công. Người ta dùng tiền và quyền để bịt miệng và để kết án.

Thế nhưng, chính sự thật thì người ta  sẽ không mãi mãi trù dập nó được, sự kiện Phục sinh vẫn được hàng tỷ người trên thế giới tuyên xưng và phát triển đã hơn 2000 năm lịch sử... Các môn đệ của Chúa lúc bị xuyên tạc, các ngài không cần kêu oan mà cứ mạnh dạn tuyên xưng những gì mình thấy và sống mầu nhiệm Phục Sinh cách hoàn hảo.

5. “Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy...”.

Nhà cầm quyền Do thái giáo đã mua chuộc lính canh mồ, khiến họ chối bỏ sự kiện Chúa đã sống lại mà chính họ đã chứng kiến. Dĩ nhiên – trong hôm nay – tin đồn lệch lạc này vẫn được loan truyền khắp thế giới con người... Sự kiện đưa chúng ta đến hai vấn đề: đó là Hối lộ là chuyện muôn thuở và Tham nhũng luôn nhằm bóp méo sự thật,

Kho tàng truyện cổ dân gian có câu chuyện của hai nhân vật Cải và Ngò...

Hai người nông dân cục mịch có chuyện với nhau nên... ục nhau...

Cả hai đem chuyện kiện nơi ông Lý. Cải sợ kém thế nên lót tay ông Lý 5  đồng... Ngò thì lót 10 đồng... Xử kiện, ông Lý vẫn phạt Cải một chục roi... Cải giơ 5 ngón tay... ý nhắc là Cải đã đưa trước 5 đồng. Thầy Lý lấy năm ngón bàn tay trái úp lên năm ngón bàn tay phải và phán:Tao biết mày “phải”, nhưng nó “phải” bằng hai mày...

6. Truyện: Niềm vui Phục Sinh.

Vậy là đã qua ngày sinh nhật vui vẻ với nhiều lời chúc, hoa và quả. Tôi trở về với cuộc sống thường nhật. Hụt hẫng! Cố níu kéo cảm giác hạnh phúc hôm qua. Nhưng đành bất lực.

... Có một niềm vui bên cạnh tôi chẳng bao giờ tan biến nhưng tôi nào hay biết: Chúa của tôi phục sinh. Một niềm vui trọng đại, một ân điển lớn lao, cho bạn và cho tôi.

Bởi lẽ:

Tình yêu đã chiến thắng.

Sự thật đã lên ngôi.

Bạn và tôi hãy xóa bỏ hận thù, tranh chấp; hãy xa lánh mọi điều dối gian, để thế giới và nhân loại được phục sinh nơi Ngài.

Ước gì niềm vui của Đấng Phục Sinh tràn ngập hồn con, để con đem sinh khí cho người tuyệt vọng; đem nụ cười cho kẻ khóc than; làm tươi trẻ những tâm hồn héo úa; dọi ánh sáng vào nơi tối tăm; đem niềm vui và hạnh phúc đến mọi người; xây Thiên đàng ngay trần thế hôm nay (Epphata, ban mục vụ giới trẻ TP/HCM).

 

SUY NIỆM

1. Lựa chọn tin hay không tin

Bài Tin Mừng hôm nay, Thứ Hai của Tuần Bát Nhật Phục Sinh nói cho chúng ta về hai lời “loan báo”.

a. Lời loan báo Đức Ki-tô đã sống lại từ cõi chết và sẽ đích thân đến gặp gỡ các “anh em” của Ngài:

Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà:
“Chị em đừng sợ!
Về báo cho anh em của Thầy
để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”. 
(c. 10)

b. Và lời loan báo Ngài đã chết và “đã chết luôn” rồi:

Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,
các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”! 
(c. 13)

Hai lời loan báo này, liên quan đến sự phục sinh, nhưng lại tượng trưng cho hai thái độ đối với căn tính của Đức Ki-tô; và hai thái độ này đã và vẫn tồn tại ở mọi nơi mọi thời. Và đó không chỉ là hai thái độ diễn tả hai nhóm người khác nhau, nhưng còn là hai thái độ có thể tồn tại ngay ở giữa những người mang danh Ki-tô hữu, và ở nội tâm của một Ki-tô hữu vào những giai đoạn khác nhau của hành trình đức tin.

Nhưng tin hay không tin nơi Đức Ki-tô phục sinh, sẽ có những hệ quả thật nghiêm trọng, không chỉ ở đời sau, nhưng ngay hôm nay: sự chết sẽ bắt lấy chúng ta và chúng ta sẽ “làm việc” cho nó, nếu chúng ta tin nó. Ngược lại, tin nơi Đức Ki-tô phục sinh mời gọi chúng ta đón nhận ơn tha tội và ơn chữa lành khỏi Sự Dữ và tất cả những gì liên quan đến Sự Dữ, để đón nhận sự công chính Người trao ban và sống sự sống mới ngay hôm nay trong niềm hi vọng được thông phần với sự sống mới với Đấng Phục Sinh luôn mãi. Đó là lựa chọn mang lại một hướng đi, một cách sống trổ sinh nhiều hoa trái, như lịch sử và đời sống của Giáo Hội đã và đang làm chứng. Lòng tin có sức sức mạnh giải phóng, như Đức Giê-su đã từng nói: “Lòng tin của con đã cứu con”.

2. Lời loan báo thứ nhất

Lời loan báo thứ nhất có nguồn gốc thần linh. Thật vậy, trong bài Tin Mừng được công bố trong Đêm Canh Thức Vượt Qua, năm A Phụng vụ, chính thiên thần nói với các bà:

Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết… (Mt 28, 5-7).

Và trên đường từ ngôi mộ trở về báo tin cho các môn đệ Đức Giê-su, các bà đã được chính Đức Ki-tô Phục Sinh đón gặp, như để bày tỏ lòng ưu ái đặc biệt với các bà; chính vì thế mà, các bà được Truyền Thống Giáo Hội tôn vinh là “tông đồ của các tông đồ. Và đồng thời, khi để cho các bà được nhận biết trực tiếp, Ngài muốn đặt nền tảng cho lời loan báo của chứng nhân đầu tiên, và của các chứng nhân ở mọi thời, trong đó có chính chúng ta hôm nay nữa, đó là kinh nghiệm gặp gỡ đích thân Đức Ki-tô Phục Sinh:

“Chào chị em!”
Các bà tiến lại gần Người,
ôm lấy chân, và bái lạy Người. 
(c. 9)

3. Lời loan báo thứ hai

Trong khi đó, nguồn của lời loan báo thứ hai là những con người, cụ thể là các thượng tế và và các kì mục:

Các thượng tế liền họp với các kỳ mục;
sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,
và bảo: “Các anh hãy nói như thế này:
Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ,
các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác”.  
(c. 12-13)

Thế mà, các thượng tế và các kì mục là hình ảnh tượng trưng cho thái độ không tin; và khi không tin, người ta sẽ chứng minh cho bằng được điều ngược lại, bằng những hành vi gian dối (gian dối ngay trong lời loan báo, vì ngủ rồi, làm sao mà biết các môn đệ đến lấy trộm xác!), tính toán vụ lợi (có sự hiện diện của tiền bạc), và cuối cùng là loại trừ và bạo lực, vốn là hình ảnh của Sự Dữ, như chúng ta đã thấy trong cuộc đời và nhất là cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô, cũng như trong lịch sử Giáo Hội, nhất là Giáo Hội sơ khai.

*  *  *

Xin cho chúng ta cũng có cùng một kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh, ngang qua kinh nghiệm được sự sống mới của Chúa đánh động, lôi kéo và thu hút chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong mỗi ngày sống, đến độ chúng ta có thể bình tâm với mọi sự và định hướng cho mọi sự.

Và vì sự sống của Đức Ki-tô phục sinh là có thật, xin cho chúng ta được nhận ra sự hiện diện của Ngài đã tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi, tái tạo, soi sáng, dẫn dắt sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta, ngang qua các dấu chỉ Lời Chúa, các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và những biến cố trong cuộc đời của chúng ta.

*  *  *

Như hành trình đức tin của các phụ nữ, nhất là của thánh nữ Maria Ma-ri-a Mác-đa-la, của các hai môn đệ trên đường Emmau và của chính các Tông Đồ, chính kinh nghiệm thiêng liêng đích thân gặp gỡ, đụng chạm và cảm nếm sự hiện diện thần linh của Đức Ki-tô phục sinh và hoa trái mà kinh nghiệm này làm phát sinh trong cuộc sống đầy ơn huệ nhưng cũng nhiều thử thách của chúng ta, tự thân, như hương thơm lan tỏa, đã là một lời loan báo:

TIN MỪNG
ĐỨC KI-TÔ PHỤC SINH

Và đồng thời chính kinh nghiệm này, cùng với những hoa trái tình thương và sự sống được trổ sinh, làm chứng cho lời loan báo của chúng ta là sự thật, là có nguồn gốc thần linh, chứ không phải là bất cứ sự kiện lạ lùng, kiến thức lịch sử hay ngụy lịch sử hoặc lí lẽ hùng biện hay khúc chiết nào khác.

Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2021
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

 

Tin Mừng phục sinh – SN song ngữ thứ hai Tuần Bát Nhật Phục Sinh, 2021

Monday (April 05): News of the resurrection

 

Scripture: Matthew 28:8-15

8 So they departed quickly from the tomb with fear and great joy, and ran to tell his disciples. 9 And behold, Jesus met them and said, “Hail!” And they came up and took hold of his feet and worshiped him. 10 Then Jesus said to them, “Do not be afraid; go and tell my brethren to go to Galilee, and there they will see me.” 11 While they were going, behold, some of the guard went into the city and told the chief priests all that had taken place. 12 And when they had assembled with the elders and taken counsel, they gave a sum of money to the soldiers 13 and said, “Tell people, `His disciples came by night and stole him away while we were asleep.’ 14 And if this comes to the governor’s ears, we will satisfy him and keep you out of trouble.” 15 So they took the money and did as they were directed; and this story has been spread among the Jews to this day.

Thứ Hai    05-4         Tin Mừng Phục Sinh

 

Mt 28,8-15

8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em! ” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: “Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự.”15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

Meditation: 

 

Are you prepared to meet the Risen Lord? The disciples of Jesus were as unprepared for his resurrection as they were for his death. The empty tomb made them fearful and joyful at the same time. “Where did they put the body or did he really rise just as he predicted?”  Even though Jesus had spoken to them before of his death and rising, they could not believe until they saw the empty tomb and met the risen Lord. Aren’t we the same? We want to see with our own eyes before we believe! The guards brought their testimony to the chief priests and elders who met the news with denial. They were resolved to not believe that Jesus had risen and they bribed the guards in the hope of keeping others from believing.

We live in the joy and hope of the resurrection to new life with Chrisrt

What is the basis of our faith in the resurrection? The Scriptures tell us that “faith is the assurance of things hoped for, the conviction of things not seen”(Hebrews 11:1). Faith is an entirely free gift that God makes to us. Our faith is a free assent to the whole truth which God reveals to us through his word. Faith is certain because it is based on the very word of God who cannot lie. Faith also seeks understanding. That is why God enlightens the “eyes of our hearts” that we may know what is the hope to which he has called us (Ephesians 1:18). Peter the Apostle says we have been born anew to a living hope through the resurrection of Jesus Christ from the dead (1 Peter 1:3). 

Through the gift of faith, the Lord reveals himself to those who believe in his word and he fills them with “new life in his Holy Spirit”. Do you live in the joy and hope of the resurrection? And do you recognize the presence of the Risen Lord in his word, in the “breaking of the bread”, and in his church, the body of Christ?

“Lord Jesus, may we always live in the joy and hope of the resurrection and never lose sight of its truth for our lives.”

Suy niệm:  

 

Bạn có chuẩn bị để gặp gỡ Chúa Phục Sinh không? Các môn đệ của Ðức Giêsu đã không chuẩn bị cho sự sống lại của Người khi họ nghĩ về cái chết của Người. Ngôi mộ trống vừa làm họ sợ hãi vừa làm họ vui mừng. “Họ đã để xác ở đâu hay Người đã thật sự sống lại như Người đã tiên báo?” Mặc dù Ðức Giêsu đã nói với họ trước về cái chết và sự phục sinh của Người, họ vẫn không thể nào tin được, cho tới khi họ nhìn thấy ngôi mộ trống và gặp Chúa phục sinh. Chẳng phải chúng ta cũng thế sao? Chúng ta muốn nhìn với cặp mắt của mình trước khi chúng ta tin! Những người lính gác đã làm chứng cho các thượng tế và kỳ lão, những người từ chối nguồn tin đó. Họ quyết tâm không tin rằng Ðức Giêsu đã sống lại và họ còn hối lộ những người lính gác với niềm hy vọng không cho người khác tin.

 

Chúng ta sống trong niềm vui và hy vọng của sự sống lại trước sự sống mới với Đức Kitô

Nền tảng đức tin của chúng ta nơi sự sống lại là gì? Kinh thánh nói với chúng ta rằng “Đức tin là bảo đảm cho những điều chúng ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều chúng ta không thấy” (Hr 11,1). Đức tin là ân huệ nhưng không mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta. Đức tin của chúng ta là sự đồng thuận với toàn bộ chân lý mà Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta ngang qua lời của Người. Đức tin rất chắc chắn, bởi vì nó đặt nền tảng trên lời của Chúa, Đấng không thể lừa dối ai. Đức tin cũng tìm kiếm sự hiểu biết. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa soi sáng “cặp mắt tâm hồn của chúng ta” để chúng ta có thể nhận biết niềm hy vọng mà Người đã kêu gọi chúng ta (Ep 1,18). Thánh Phêrô tông đồ nói rằng “Chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại” (1Pr 1,3).

Ngang qua ân huệ đức tin, Đức Chúa mặc khải chính mình cho những ai tin vào lời của Người và ban cho họ “sự sống mới trong Thánh Thần của Người”. Bạn có sống trong niềm vui và niềm hy vọng của sự phục sinh không? Bạn có nhận ra sự hiện diện của Chúa phục sinh trong lời của Người, trong “việc bẻ bánh”, và trong Giáo hội của Người, là thân thể của Đức Kitô không? 

Lạy Chúa Giêsu, chớ gì chúng con luôn luôn sống trong niềm vui và hy vọng của sự phục sinh và không bao giờ rời mắt khỏi chân lý của nó cho cuộc đời chúng con.

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây