Để Chúa nói cho nghe!

Thứ năm - 09/02/2023 20:43

 

Lời Chúa trong Chúa Nhật VI mùa thường niên hôm nay nói về chủ đề lề luật.

Trong bài đọc 1, trích sách Huấn Ca, chương 15,16-21 nói về sự tự do của con người trước luật Chúa. Tự do ở đây không phải là thích thì giữ luật, không thích thì thôi, nhưng là tự do chọn lựa giữa sự sống và sự chết, sự lành và sự dữ.

Thánh Vịnh 118 cũng chỉ ra rằng khi thi hành luật Chúa, con người tìm kiếm và học nơi Thiên Chúa là Đấng đầy khôn ngoan, giúp họ phân định và thực thi lề luật, tránh được những cám dỗ làm điều gian ác, nhờ đó, cuộc sống của họ sẽ đầy tràn phúc lộc và bình an.

Ý định của Thiên Chúa là vậy, nhưng trong quá trình thực thi, lề luật lại thường bị trích dẫn, giải thích và áp dụng không phù hợp, gây hoang mang, rối bời, và nặng về hình thức. Luật lắm khi không còn giúp con người nhận ra tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa trên cuộc đời họ. Luật không làm con người yêu mến Chúa và thương nhau nữa. Trái lại, luật lại làm cho con người xa rời Thiên Chúa hay chống đối nhau, chỉ vì cố giải thích luật hay Lời Chúa theo ý mình. Thật vậy, ngày nay cũng có không ít những anh chị em, từ linh mục, tu sĩ đến giáo dân… đã nhân danh tự do và sự khôn ngoan trần thế mà lập nên những hội đoàn, thậm chí dòng tu không hợp pháp và tự ý giải thích Lời Chúa, luật Chúa theo ý mình. Họ quên một điều: Tuân giữ luật Chúa thì quan trọng hơn việc giải thích về điều đó!

Trong bài đọc 2, thư gửi cho các tín hữu tại Cô-rin-tô, Thánh Phao-lô đã chỉ cho họ thấy ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa khi mạc khải sự khôn ngoan của Người thông qua lề luật.

Sự khôn ngoan của Thiên Chúa làm sao chúng ta biết và lãnh hội được? Thưa có thể, vì kho báu này được thể hiện cụ thể và sống động qua lối suy nghĩ của Chúa Giê-su. Quả thật, khi đọc và suy niệm đoạn Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, chúng ta có thể học được cách thức thực thi và kiện toàn lề luật theo tinh thần của Chúa Giê-su. Ngài khẳng định: “Ta không đến để hủy bỏ lề luật, nhưng là để kiện toàn.” Vậy, hãy lặng tâm và để Chúa nói cho ta nghe.

 

Chúa nói lần thứ nhất:

Tránh giết người thôi chưa đủ. Hãy tránh giận dữ và thù hận!

Luật Môsê dạy: không được giết người (Xh 20,13). Ai giết người sẽ bị luận phạt nơi tòa án. Đó là điều hiển nhiên. Giết người là một hành vi bạo lực tước đoạt mạng sống của người khác. Tuy nhiên, đối với Chúa Giê-su, thì giận dữ cũng là một hành vi bạo lực chống lại giới răn yêu thương của Chúa. Khi giận dữ và thù hận, chúng ta cũng đang giết chết yêu thương trong lòng mình. Khi giận dữ và thù hận, chúng ta nuôi dưỡng những cảm xúc tiêu cực, những tổn thương cho chính mình, và đắng cay về người khác. Chúa dạy chúng ta phải biết làm chủ cảm xúc của mình không chỉ trong hành động, mà còn ngay cả trong suy nghĩ và thái độ nữa.

 

Chúa nói lần thứ hai:

Dâng lễ vật thôi chưa đủ. Hãy xây dựng tương quan tốt với Chúa và với nhau!

Tương quan của chúng ta đối với Chúa được phản ánh qua cách chúng ta đối xử với người khác. Thật giả tạo khi chúng ta nói yêu Chúa mà lại hằn học và vô tâm với anh chị em bên cạnh mình. Những rạn nứt, đổ vỡ trong tương quan có khi dễ dàng đến từ những xung đột rất nhỏ trong cuộc sống. Chúng ta có thể dễ làm quấy, nhưng lại khó làm hòa với nhau. Lời Chúa dạy ta hãy bao dung và giao hòa. Đó là lễ vật đẹp lòng Ngài hơn cả.

 

Chúa nói lần thứ ba:

Không ngoại tình thôi chưa đủ. Hãy giữ lòng khiết tịnh!

Sự trung thành, chung thủy trong đời sống hôn nhân thời nào cũng đầy những thách đố. Có khi, người chồng hoặc người vợ không làm gì có lỗi với người kia, nhưng họ sẽ không tránh khỏi những lúc ngoại tình trong ý hướng. Và nếu người chồng hoặc người vợ cứ nuôi dưỡng những ước muốn tội lỗi ấy trong tâm trí thì sẽ có một ngày dẫn đến hành động bất trung với người bạn đời của mình. Giữ lòng khiết tịnh còn là một nhân đức, một hành vi luân lý dành cho tất cả mọi người, mọi bậc sống, dù chúng ta là linh mục, tu sĩ, hay giáo dân. Chúa dạy chúng ta hãy xét mình thường xuyên để nhận ra đâu là những dịp gây cớ cho chúng ta vấp ngã, khiến chúng ta vi phạm giao ước đã ký kết với nhau trong ngày hôn phối hay ngày khấn hứa với Chúa trong bậc tu trì.

 

Chúa nói lần thứ tư:

Kết hôn hợp pháp thôi chưa đủ. Hãy thực thi sự cam kết!

Xu hướng “sống không cam kết” trong hôn nhân ngày nay được nhiều người trẻ áp dụng. Họ thích yêu không ràng buộc. Yêu nhưng không kết hôn. Yêu nhưng không muốn liên lụy đời nhau. Họ chỉ muốn tận hưởng lợi ích mà hôn nhân đem lại, nhưng lại không muốn chịu trách nhiệm mà bản chất đời sống này sẽ phát sinh. Họ sợ mất tự do, tốn kém, áp lực con cái… Kết quả là khi những thời khắc khó khăn xảy đến, thì tình yêu “không cam kết” này sẽ tạo lối thoát dễ dàng cho những con tim ích kỷ để đi tìm những bến bờ khác. Lời Chúa dạy hãy thực thi cam kết trong hôn nhân, và chung tay vun đắp để cuộc hôn nhân ấy trở nên dấu chỉ tình yêu giữa Thiên Chúa với con người.

 

Chúa nói lần thứ năm:

Thề hứa thôi chưa đủ. Hãy sống sự thật!

Dân gian thường nói đùa: Thà người đừng hứa! Chúng ta có là những người đáng tin cậy và uy tín trong lời nói không? Hay nói một cách ngắn gọn: hằng ngày, chúng ta có sống sự thật về mình trong lời nói và hành động không? Việc nói dối, nói hành, nói xấu trong các hội đoàn nơi giáo xứ, cộng đoàn dòng tu ngày nay dường như diễn ra quá tự nhiên, đến nỗi người ta mất dần ý thức về tội này. Lời Chúa dạy chúng ta hãy sống thật: Có thì nói có, không thì nói không, đừng thêm đừng thắt, đừng ngắt lời người, để rồi “đúng cũng thành sai”, gây bất hòa chia rẽ và tổn hại đến thanh danh người khác. Không những vậy, việc bất nhất trong lời nói cũng đánh mất sự tin cậy của người khác dành cho mình.

 

Cầu nguyện

Lạy Chúa, xin cho con biết lắng nghe Lời Chúa, Lời là Sự Thật và Chân Lý.

Xin cho con ơn can đảm để Lời Chúa sinh hoa kết quả trong tâm hồn và nơi môi miệng chúng con, và hướng dẫn mọi suy nghĩ, hành động của chúng con.

Xin cho con ơn khôn ngoan của Chúa, để con nhận ra Thánh Ý Ngài trong từng giới răn, lề luật, và giáo huấn của Hội Thánh, để ngang qua việc hiểu và tuân giữ lề luật, con có thể yêu mến Chúa nhiều hơn. Amen.

 

Quỳnh Thoại

Nguồn tin: dongten.net

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây