SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Thứ sáu - 06/09/2024 05:46


CHÚA NHẬT XXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B
Is 35, 4-7a; Gc 2,1-5; Mc 7,31-37

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

31 Đức Giêsu lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xiđon, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh. 32 Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giêsu, và xin Người đặt tay trên anh. 33 Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. 34 Rồi Người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: "Epphatha", nghĩa là: hãy mở ra !
35 Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng. 36 Đức Giêsu truyền bảo họ không được kể chuyện đó ới ai cả. Nhưng Người càng truyền bảo họ, họ lại càng đồn ra.
37 Họ hết sự kinh ngạc, và nói: "Ông ấy làm việc gì cũng tốt đẹp cả: ông làm cho kẻ điếc nghe được, và kẻ câm nói được."


CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 1:  Đức Kitô Đấng Thiên Sai - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
Suy niệm 2: Hãy mở ra - Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Suy niệm 3: Câm điếc phận người - Lm. Antôn
Suy niệm 4: “Ép-pha-tha! – Hãy mở ra!” - Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Suy niệm 5: Mở trí mở lòng - Lm. Jos DĐH.
Suy niệm 6: Đừng giả điếc làm ngơ - Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Suy niệm 7: Con người hôm nay đang rất cần Chúa - Lm. Vũ đình Tường
Suy niệm 8: Chân trời mới - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Suy niệm 9: Đức Giêsu, Đấng chữa lành - Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương
 

SUY NIỆM 1:  ĐỨC KITÔ ĐẤNG THIÊN SAI


Lời Chúa: “Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được” (Mc 7,37).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 23 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu đặt tay trên tai trên miệng chữa lành người câm điếc để anh ta có thể nghe và hiểu Lời Chúa mà được sống sung mãn. Điều đó, chứng tỏ ơn cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô - Đấng Thiên sai:
Giê - su là Đấng Thiên Sai,
Uy nghi quyền thế chính Ngài cứu dân.
Này xem kẻ điếc người câm,
Một lời Chúa phán, biến tan tật nguyền.
Cậy tin vào Chúa vững bền,
Dù khi khốn khó chớ nên ngã lòng.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta luôn biết đặt niềm tin vào lòng thương xót của Chúa. Xin Chúa chữa lành mọi bệnh tật hồn xác, trả lại cho chúng ta sự tự do và niềm vui của con cái Chúa. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa đã được sai đến để cứu chữa bệnh tật hồn xác chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa chữa lành người câm điếc để biểu lộ cho chúng con lòng yêu thương của Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Đau yếu, bệnh tật, nghèo đói là nỗi khốn khổ của kiếp người. Nó gắn liền với đời người vốn là hữu hạn. Khi lâm bệnh, con người cảm nghiệm sự bất lực, giới hạn và sự hữu hạn của mình. Bệnh tật có thể làm cho con người xao xuyến, đôi khi đưa tới tuyệt vọng và hối thúc con người tìm kiếm Thiên Chúa và quay về với Ngài. Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay chứng tỏ ơn cứu độ của Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô - Đấng Thiên sai: “Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”.
Thưa anh chị em, dân Israel xưa đã gặp phải nỗi khốn khổ khi bị lưu đày ở Babilon. Thế nhưng, Thiên Chúa không bỏ rơi dân tộc Ngài đã tuyển chọn. Chính Thiên Chúa sẽ giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày và Đấng Thiên Sai sẽ đến để chữa lành mọi bệnh tật hồn xác cho họ như ngôn sứ Isaia loan báo: Bấy giờ mắt người mù sẽ sáng lên, tai người điếc sẽ mở ra. Bấy giờ người què sẽ nhảy nhót như nai, người câm sẽ nói được và mọi người sẽ nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa. Vì thế, đứng trước ơn cứu độ của Thiên Chúa, con người cần phải gặp gỡ thực sự với với Đấng Cứu Thế để đón nhận quyền năng cứu độ của Người và giải thoát con người khỏi những ràng buộc của tội lỗi, mà bệnh tật là dấu hiệu của nó.
Tin Mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu chữa lành một người câm và điếc, chứng tỏ Người là Con Thiên Chúa. Qua Người, chính Thiên Chúa đã đến cứu độ con người, bằng cách phục hồi khả năng tương giao của họ, để họ có thể nghe và hiểu Lời Chúa, nhờ đó mà được sống sung mãn. Bởi sự đui mù, câm điếc, què quặt không chỉ là bệnh của thể xác nhưng còn mang ý nghĩa tâm hồn: mù vì không thấy những hành động cứu rỗi và uy quyền của Thiên Chúa; điếc vì không nghe Lời Chúa phán; què vì không đi trên đường Chúa vạch ra, không sống theo ý Chúa; câm vì không cất tiếng ca tụng, cảm tạ Thiên Chúa, nay Thiên Chúa sẽ cứu chữa họ. Đây là những dấu chỉ giải thoát của thời kỳ Đấng cứu độ, là lúc mà chính Thiên Chúa đến để cứu giúp con người. Người đến ở với con người, tiếp xúc với con người để giải thoát họ khỏi những ràng buộc của bệnh tật, làm cho họ được hạnh phúc thực sự, được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa. Tất cả những việc Người làm họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!”.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Câm và điếc là mất đi một phần quan trọng trong khả năng giao tiếp với người khác. Người câm điếc không thể nghe người khác nói với mình, và cũng không thể nói lên tâm tư của mình để đáp lại người khác. Ngày nay, “thứ bệnh câm điếc” xẩy ra bằng nhiều lý do: câm điếc vì sợ quyền lực, vì thấp cổ bé họng, vì bị chà đạp, vì sợ sự thật mất lòng, không muốn đụng chạm, vì thái độ vô tâm vô cảm, vì không muốn thay đổi hay phải thiệt thòi, vì không muốn mất sự an nhàn, dễ dãi, danh vọng uy quyền, lợi thú và sự an toàn của bản thân. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta cùng nhìn lại mình, và can đảm xin Chúa chữa khỏi thứ bệnh câm và điếc nguy hiểm này. Thánh Giacôbê cũng lên tiếng kêu gọi chúng ta không được đối xử thiên vị và có thành kiến với người nghèo, phải yêu thương và giúp đỡ họ theo gương Đức Kitô - Đấng Thiên sai.
Nguyện xin Chúa chữa đôi tai tâm hồn chúng ta để chúng ta lắng nghe Lời Chúa; chữa miệng lưỡi chúng ta để chúng ta chúc tụng và cao rao tình thương của Chúa. Xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta để chúng ta vững bước đi theo Chúa, nhất là trong những lúc khốn khổ đau yếu. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: HÃY MỞ RA


Cách đây mấy năm tôi có dâng lễ cưới cho một đôi câm điếc. Hôm ấy bà con giáo dân và lương dân đi dự lễ đông lắm, ai cũng muốn xem đôi tân hôn câm điếc cử hành bí tích hôn phối như thế nào. Mọi người cười ngất khi chủ tế luống cuống và cô dâu chú rễ tự nhiên làm cử điệu của nghi thức hôn phối. Mặc dù trước đó tôi đã nhờ cô giáo trường Khiếm thính giúp dạy giáo lý cho hai anh chị và hướng dẫn những cử điệu cho nghi thức. Một Thánh lễ hôn phối nhiều dấu ấn khó phai.
Câm và điếc đi đôi với nhau như cặp song sinh. Câm là do hậu quả của chứng điếc sớm. Người ta hay nói ngược là câm điếc, nhưng thực ra khoa học giải thích là vì điếc nên mới câm.Trẻ con ngay từ khi sinh ra đã bị điếc, do đó không tiếp nhận được các tín hiệu âm thanh nên không biết nói và bị câm.
Lưỡi và tai là hai cơ quan truyền thông của con người. Ai bị điếc và câm thì mất hai phương tiện quan trọng đó. Nghe và nói như hai cánh cửa mở ra thông giao với thế giới bên ngoài. Lưỡi như có sợi giây buộc lại, tai như cánh cửa bị khóa kín, những người câm điếc bị tách khỏi thế giới chung quanh vì không hiểu được người khác, và người khác không hiểu được họ. Có dịp đến thăm các trường khuyết tật, cảm thông với những người câm điếc, chúng ta mới thấy quý cái tai và cái miệng của mình. Lúc ấy mình sẽ nhận ra rằng, nghe và nói là ân huệ và là quà tặng lớn lao Thiên Chúa ban.
1. Hãy mở ra
Trang Tin mừng hôm nay kể câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành một người câm điếc.
Chúa phán: “Epphata” nghĩa là “Hãy mở ra”. Lập tức lỗ tai điếc anh mở ra nghe được rõ ràng, lưỡi như bị một sợi dây trói buộc nay được tháo cởi nên anh nói rành mạch. Chúa chữa lành đôi tai và cái lưỡi của bệnh nhân nên anh ta nghe và nói được. Dân chúng ca tụng: “Ngài làm được mọi sự tốt đẹp. Ngài làm cho người điếc được nghe, người câm được nói”. Lời thán phục đó vang vọng lại lời Ngôn sứ Isaia: “Đấng Thiên Sai sắp đến cứu thoát anh em. Lúc đó mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc sẽ nghe được. Lúc đó, chân người què sẽ nhảy như nai và lưỡi người câm sẽ nói sỏi sàng” (Is 35,3-7). Dân chúng nhận ra Đấng Thiên Sai đã đến và Ngài đang thực hiện lời tiên tri Isaia trước mắt họ. Giữa đám đông chứng kiến phép lạ lại có những người giả điếc, giả câm trước Lời Chúa. Họ cố chấp không đón nhận sự thật. Đó là những người Pharisiêu: “Họ có mắt mà không thấy, có tai mà không nghe!”. Họ đang điếc trước công lý, câm trước sự thật, mù trước phép lạ đang diễn ra. Họ cần được mở tai, mở mắt, mở miệng lưỡi để đón nhận Lời Chúa, để tin vào Ngài.
Phép lạ chú trọng đến sự kiện mở tai để người điếc có thể nghe Lời Chúa, cởi trói cái lưỡi để người câm có thể tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu. Như vậy, theo Máccô, phép lạ Chúa chữa người câm điếc mang ý nghĩa sâu xa, đó là chữa lành bệnh câm điếc thiêng liêng.
Con người sống với nhau trong tương quan hiệp thông. Hàng ngày con người dùng ngôn ngữ để chia sẻ với nhau. Nhờ lời nói chúng ta có thể diễn tả suy nghĩ, cảm xúc tâm tư trong lòng. Nhờ lắng nghe chúng ta cảm thông tâm sự của người khác. Từ đó hình thành một cuộc đối thoại, kiến tạo một sự hiệp thông với nhau, cuộc sống sẽ phong phú hơn.
Nhiều người không câm điếc về thể lý nhưng lại câm điếc tinh thần, câm điếc tâm linh.
Thế giới hôm nay thiếu cảm thông và đối thoại vì có nhiều người bị câm điếc về mặt tinh thần. Bệnh này làm người ta thành những ốc đảo, không có gì để cho, chẳng có gì để nhận. Người ta bị câm điếc tinh thần khi tự đánh mất khả năng lắng nghe những người xung quanh mình, không còn lắng nghe tiếng nói của lương tâm để làm lành lánh dữ.Người ta bị câm điếc tinh thần khi đóng lòng mình lại, không còn nghe nỗi đau của những người khốn khổ.
Người ta bị câm điếc tâm linh khi không nghe tiếng Chúa để nói những lời sự thật, lời yêu thương, lời hòa giải. Nhiều lúc người ta chỉ nói những lời độc hại, gây chia rẽ và đau khổ cho nhau.
Người bình thường luôn có đôi tai thính, đôi mắt sáng, cái miệng đẹp. Cần phải nói và nghe bằng con tim. Mở tai ra để lắng nghe Lời Chúa, lời anh em, đừng “nghe tai này lọt qua tai khác”, đừng nghe “như nước đổ lá khoai”. Mở miệng lưỡi ra để nói Lời Chúa, lời yêu thương đem lại niềm vui hạnh phúc. Mở trái tim để lắng nghe những nỗi niềm và đau khổ của những người xung quanh.
2. Người câm điếc được làm Linh mục
Chúa Giêsu đã chữa lành cho người khuyết tật. Giáo Hội đã trao ban tác vụ Linh mục cho những người câm điếc. Những mục tử ấy thực thi sứ vụ loan truyền Tin mừng tình thương cho những người bất hạnh. Giáo Hội thật tuyệt vời!
Vào ngày 6.7.2007, Đức Hồng y Cheong Jin-Suk cai quản Tổng Giáo Phận thủ đô Seoul của Nam Hàn đã truyền chức Linh Mục cho một người câm điếc sau 22 năm cố gắng học tập tu đức. Đó là cha Benedict Park Min-seo, vị LM câm điếc đầu tiên tại Á Châu. Cha Park, sinh năm 1965, bị điếc vào lúc 2 tuổi vì uống lầm thuốc. Tuy nhiên, lúc còn trẻ Ngài ao ước được đi tu làm linh mục, nhưng vì tàng tật, Ngài quyết định đi làm nghề thợ sơn. Học tại trường dành cho người câm điếc, cậu Park gặp được cha Michael Cheong-Soon-o. Cậu tỏ cho Ngài biết ý định của cậu là muốn làm Linh Mục. Nhưng tại Nam Hàn không có lớp cho người câm điếc tại chủng viện nên cậu Park được gửi sang học ở Hoa Kỳ. Năm 1994 câu Park được vào đại học Gallaudet để học triết và toán học. Tại đây cậu Park lại được gặp cha Thomas Coughlin, một linh mục câm điếc đầu tiên của Hoa Kỳ. Cha Thomas được cử làm linh hướng cho cậu Park. Sau khi học ở đại học Gallaudet, cậu Park được vào Đại Chủng Viện Thánh Giuse ở New York và sau đó theo học tại viện đại học thánh Gioan. Tại đây vào năm 2004 thầy Park tốt nghiệp đại học.Thầy Park trở về Nam Hàn và tiếp tục theo học tại chủng viện và được phong phó tế vào năm 2006.
Khi cử hành thánh lễ mở tay, cha Park nói bằng ngôn ngữ dấu hiệu của người câm điếc: “Trước hết tôi tạ ơn Chúa đã nhận tôi làm Linh Mục. Là linh mục tàn tật đầu tiên, truyền thông đã chú ý tới tôi rất nhiều, ngay cả trước khi chịu chức, nhưng tôi không phải là tài tử màn bạc, tôi là một Linh Mục thường, xin mọi người cầu nguyện cho tôi để tôi sống khiêm tốn và là một linh mục đích thực ”Linh Mục Michael Cheong Soon-o tuyên bố, “Việc phong chức Linh Mục cho cha Park cho thấy lòng yêu thương của Chúa đối với người không thể nói và nghe được. Chúng ta hãy cầu xin cho Ngài để Ngài sẽ là ánh sáng và là muối đất cho các người tàn tật.” (Vietcatholic 22.7.2007).
Tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Giá của Tổng Giáo Phận Boston, Đức Hồng Y Sean P. O’Malley đã truyền chức Linh Mục cho sáu tân chức trong đó có một vị bị câm điếc. Các tân chức được thụ phong hôm nay là các tân Linh Mục: Israel Rodriguez, Huy Nguyễn, Sean Maher, David Gunter, Shawn Carey, và Frank Camp. Đặc biệt tân Linh Mục Shawn Carey là người bị câm điếc bẩm sinh và là vị Linh Mục câm điếc thứ 11 của toàn Giáo Hội Hoa Kỳ. Giáo Hội Hoa Kỳ đã dành ra ngân khoản đặc biệt để huấn luyện các chủng sinh câm điếc. Các Linh Mục câm điếc sẽ lo việc mục vụ cho các giáo dân câm điếc. Trong thánh lễ truyền chức hôm nay cả một khu Vương Cung Thánh Đường Boston đã được ban tổ chức dành riêng cho cộng đồng người câm điếc đến dự lễ phong chức cho cha Shawn Carey. Qua người thông dịch, cha Shawn Carey đã ra dấu hiệu bằng tay nói với toàn thể cộng đồng: “Thật là một phép lạ. Là một chủng sinh câm điếc, là người câm điếc tôi đã trải qua cuộc hành trình dài để tiến tới chức Linh Mục và tôi không thể ngờ được cuộc hành trình ấy mau như vậy”. (Vietcatholic  25.5.2009).
3. Cầu nguyện
Người đời thường hay đổ thừa mọi điều là do “cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Nhưng cái lưỡi chỉ có thể làm nên những chuyện xấu xa nếu nó được hỗ trợ của cái tai không biết phân biệt tốt xấu, thật giả.Thánh Giacôbê viết: “Lưỡi là một chi thể nhỏ bé, mà khoe khoang được những việc lớn lao. Thử xem một khu rừng lớn, một ngọn lửa nhỏ cũng có thể đốt cháy được. Lưỡi cũng là ngọn lửa nơi chứa chấp gian ác. Lưỡi thuộc chi thể của chúng ta, nó có thể làm dơ nhớp thân xác chúng ta, đốt cháy cả cuộc đời chúng ta, mà chính nó lại bị địa ngục hun cháy“.
Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi tham dự thánh lễ, con đều thực hiện một cử chỉ thật quen thuộc, đó là sau khi nghe bài Phúc Âm, con đọc: “Lạy Chúa vinh danh Chúa”, và làm dấu thánh giá trên trán, trên môi, trên ngực, xin Chúa cho con biết mở trí, mở lòng, mở trái tim với niềm tin yêu. Xin Chúa mở trí khôn con, mở miệng lưỡi con, mở trái tim con, để con được hiểu, cảm nhận và nói lời của Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã cho người điếc nghe được và người câm nói được, xin cho con biết mở tai để lắng nghe lời Chúa và mở miệng để loan truyền Tin Mừng. Xin cho con luôn nói những lời yêu thương, cam đảm nói lời sự thật, chân thành nói lời xây dựng, xin cho con biết quan tâm nhiều hơn để lắng nghe để thấu hiểu và cộng tác với mọi người sống tinh thần Phúc Âm. Amen.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 3: CÂM ĐIẾC PHẬN NGƯỜI


Nghe và nói là 2 khả năng vô cùng quan trọng đối với mỗi người. Bởi đó là 2 phương thế giúp con người trao đổi, giao tiếp và hòa nhập với cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng nhân loại. Những anh chị em bị khiếm khuyết về 2 khả năng này thường sống rất thụ động và cô đơn, vì mặc cảm. Nhiều lúc họ muốn nói chỉ một lời yêu thương, một lời cám ơn hay xin lỗi, cũng không sao nói được.
Có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy xót thương và muốn bày tỏ sự đồng cảm với những anh chị em ấy. Mỗi người hãy thể hiện bằng những nghĩa cử tốt đẹp và cầu nguyện cho họ; để Chúa là Đấng có thể làm cho kẻ điếc được nghe và người câm nói được, đụng chạm đến và chữa lành cho những anh chị em đó.
Phần chúng ta, mỗi người đừng quên cầu nguyện cho chính mình, bởi có thể chúng ta cũng là những người đang câm điếc về phương diện tâm hồn.
Câm, bởi có những lúc dù chứng kiến một sự bất công xảy ra trước mắt, nhưng chúng ta đành im lặng và chấp nhận để cho sự thật bị chôn vùi; hoặc câm khi chúng ta im lặng trước một người anh em bạn hữu đang gặp khổ đau bất hạnh, mà không có một lời động viên, an ủi hay ít là một lời cầu nguyện.
Điếc, bởi có những lần chồng không chịu nghe lời khuyên của vợ, vợ không chịu đón nhận lời góp ý của chồng, con cái không chịu lắng nghe lời chỉ dạy của cha mẹ; điếc bởi nhiều lần chúng ta “giả điếc làm ngơ”, không chịu mở lòng mình để đón nhận lời xây dựng nhắc nhở của bề trên và những người xung quanh, dù biết mình đã làm sai.
Đó là căn bệnh câm điếc về phương diện tâm hồn. Và đôi lúc chúng ta còn câm điếc cả về phương diện tâm linh nữa.
Câm vì chúng ta không nói về Chúa cho người khác, không làm tròn trách nhiệm loan báo Tin mừng của một người kitô hữu. Điếc vì chúng ta không chịu lắng nghe và thực hành lời Chúa dạy. Chúng ta phớt lờ và để ngoài tai những lời giáo huấn của Chúa và Hội Thánh, mà chọn lắng nghe theo tiếng nói của đam mê và dục vọng.
Như thế thì tất cả chúng ta đều cần đến ơn chữa lành của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cầu nguyện và xin Chúa Giêsu chạm vào môi miệng của chúng ta, để mỗi người biết nói lên những lời yêu thương và truyền rao Tin mừng cứu độ. Chúng ta hãy cầu nguyện và xin Chúa Giêsu chạm vào đôi tai của chúng ta, để mỗi người có thể lắng nghe nhau và lắng nghe lời Chúa phán dạy.
Nguyện xin Chúa Giêsu là vị Lương Y nhân từ lắng nghe lời cầu khẩn và thương chữa lành cho tất cả chúng ta. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 4: “ÉP-PHA-THA! – HÃY MỞ RA!”


Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta việc Chúa Giêsu chữa cho một người câm điếc. Bối cảnh diễn ra ở một miền ngoại giáo có tên Thập Tỉnh, nghĩa là mười thành phố nằm ở phía đông biển hồ Galilê.
Khi nghe thánh Máccô tường thuật về phép lạ Chúa Giêsu chữa người câm điếc, hẳn chúng ta không khỏi ngạc nhiên về cách Chúa làm: Người đem anh ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh, và thay vì nói “anh đã được chữa lành”, Người lại nói “Ép-pha-tha!”, nghĩa là “Hãy mở ra!.
Trước hết, phép lạ này tỏ cho thấy Chúa Giêsu là ai: Người là Đấng Mêsia, Đấng đến loan báo sự xuất hiện của một thế giới mới, được tái tạo và phục hồi, nơi mọi người có thể sống trọn vẹn các khả năng của mình để bước vào mối tương quan chân chính và sung mãn với Thiên Chúa, với tha nhân và tất cả tạo vật.
Trình thuật về việc chữa lành cho người câm điếc trong Tin Mừng hôm nay là một minh chứng tuyệt vời cho lời loan báo của ngôn sứ Isaia trong chương 35, mà chúng ta nghe một đoạn trích trong bài đọc I. Isaia công bố ngày phục thù, “ngày báo phục” của Thiên Chúa. Về mặt lịch sử, Isaia loan báo sự giải phóng, sự trở về của những người Do Thái bị lưu đày và bị giam cầm ở Babylon. Nhưng toàn bộ truyền thống đã đọc bản văn này như một lời tiên báo về buổi bình minh của một thế giới mới, ngày Thiên Chúa giải thoát dân người khỏi ách nô lệ của tội lỗi và sự dữ.
Thiên Chúa phục thù, báo phục. Đúng vậy! Nhưng sự báo phục của Thiên Chúa không giáng xuống trên con người như một số người đã giải thích, mà là trên sự dữ. Đây là những dấu hiệu của sự báo phục này: “Mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được, kẻ què sẽ nhảy nhót, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”.
Ở trong tù, ông Gioan Tẩy Giả đã sai các môn đệ đến hỏi Chúa Giêsu liệu Ngài có phải là Đấng Mêsia phải đến hay không. Chúa Giêsu trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng” (Mt 11,4-5). Như vậy Chúa Giêsu khẳng định Người chính là Đấng Mêsia mà các ngôn sứ đã loan báo. Nơi Chúa Giêsu, một thế giới mới đã bắt đầu. Thế giới mới này không chỉ dành riêng cho dân Israel mà thôi nhưng cho toàn nhân loại. Một thế giới mà trong đó con người không còn bị thống trị bởi sự dữ và sự chết. Vì Con Thiên Chúa đã đến để thiết lập với con người một tương giao của tình yêu và sự sống.
 Chúng ta biết rằng những phép lạ của Chúa Giêsu trước tiên là những dấu chỉ. Người câm điếc này là hiện thân của những người Do Thái. Họ “điếc” vì không muốn nghe lời kêu gọi của Chúa Giêsu, và sự câm nín nói đến sự nghi ngờ, thiếu đức tin, như ông Dacaria, cha của Gioan Tẩy Giả, ông bị câm vì nghi ngờ lời sứ thần của Chúa (Lc 1,20).
Nhưng nếu nhìn một cách tích cực hơn, thì người câm điếc này lại là hiện thân của những người ngoại giáo đã đến với đức tin, những người mà Chúa Giêsu ban cho sự hiểu biết từ trái tim. Tin Mừng theo Thánh Máccô được viết cho những người ngoại giáo gia nhập Giáo Hội, những người đã nhận ra mình trong hình ảnh người câm điếc đã được chữa lành này, những người mà bí tích Thánh Tẩy đã mở tai để họ được nghe Lời Chúa, và mở lưỡi để họ có thể ngợi khen Thiên Chúa và công bố Tin Mừng của Người.
Mỗi người chúng ta có lẽ cũng cần hỏi xem, liệu mình có đang “câm điếc” không? Có rất nhiều hoàn cảnh trong cuộc sống mà chúng ta thực sự là những người câm và điếc, như việc chúng ta im lặng trước bất công, trước sự dối trá,...; giả điếc làm ngơ trước những lời kêu xin giúp đỡ của người khác, hoặc đóng tai lại trước những lời khuyên đưa chúng ta về lại nẻo chính đường ngay...
Như trong trường hợp được chữa lành của người bại liệt, người câm điếc này không tự mình đến với Chúa Giêsu. Anh ta được người khác đem đến với Người, và xin Người đặt tay trên anh. Cũng vậy, đời sống đức tin của chúng ta luôn cần đến người khác, nhất là những khi chúng ta sa sút hoặc sống trong tình trạng tội lỗi. Chúng ta cần khiêm tốn để người khác đem chúng ta đến với Chúa để được chữa lành. Và đến lượt mình, chúng ta cũng cần quan tâm đến đời sống đức tin của anh chị em của mình. Chúng ta có thể đưa người khác đến với Chúa bằng lời khuyên nhủ, nhưng quan trọng hơn là bằng chính đời sống chứng tá. Vì thế, chứng tá đức tin là rất cần thiết. Sống chứng tá và sẵn sàng chia sẻ niềm tin của mình đó là cách để chúng ta xây dựng cộng đoàn đức tin vậy.
Là Kitô hữu, vai trò của chúng ta là xây dựng với tất cả những người xung quanh một sự hiệp thông cởi mở và niềm nở với những người khác, như Chúa Giêsu đã luôn cởi mở và niềm nở với tất cả những ai mà Người đã gặp. Chúng ta hãy đặc biệt quan tâm đến những người bị tổn thương trong cuộc sống, những người không bao giờ được nói và không được ai lắng nghe, nhưng Thiên Chúa nhìn thấy họ và lắng nghe họ. Ước gì khi nhìn vào đời sống của các Kitô hữu chúng ta, người khác cũng lòng đầy thán phục mà nói rằng “họ làm việc gì cũng tốt đẹp cả”.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM 5: MỞ TRÍ MỞ LÒNG


Bức tranh, bức tượng, dù có sinh đẹp tới đâu cũng chẳng ai gọi là người, đó là sự thật. Người anh chị em chúng ta diện mạo không dễ nhìn, rầu rĩ buồn nhiều hơn là vui, phát âm không rõ ràng, cũng chẳng ai nói đó là bức tượng. Giá trị bức tranh đẹp hay sự sống động của bức tượng hết sức chuẩn, cũng chỉ là tác phẩm “vô hồn”. Nói khác đi, dù bạn là danh hoạ đại tài, là điêu khắc gia bậc nhất thiên hạ, cũng không thể cài đặt vào tác phẩm “độc nhất vô nhị” của mình thứ tình yêu biết nói biết cười. Ngôn ngữ, khối óc, con tim, là đặc ân ta đang có để diễn tả, để minh chứng, ta là “tác phẩm” đặc biệt hơn muôn loại muôn vật. Chúng ta chỉ thực sự đặc biệt, khi đã được mở trí lòng, nhận lãnh, chia sẻ, sống đúng sống đẹp trước các tương quan gia đình, xã hội.
Cũng nên đặt vấn đề, tại sao lại có chuyện đưa kẻ câm điếc đến gặp Đức Giêsu, mà không phải là mang đến thầy thuốc chuyên nghiệp, hay một thầy tư tế nào khác ? Có phải gia đình người thân của anh chàng câm điếc nhận ra Đức Giêsu là vị Thầy quyền năng, hay chỉ là việc làm tự nhiên: có bệnh vái tứ phương ? Bậc khôn ngoan luôn nhắc con cháu rằng: hiểu mình, hiểu bạn, sau đó hãy mở kho tàng của mình ra cho đời. Số thân nhân hôm đó, chúng ta hôm nay, đã tự biết mình, tự hiểu bạn, đã nghe, đã thấm nhuần đạo lý yêu thương được bao nhiêu, hay ai bảo sao ta làm vậy: Đức Giêsu hình như là thầy thuốc giỏi ? Vâng, Đức Giêsu không từ chối đám đông đến cùng Ngài, không dập tắt hy vọng của những ai muốn được chữa trị vết thương thể xác, tâm hồn. Mở trí, mở lòng, mở đường, dẫn mọi người đến ơn cứu độ sẽ mãi mãi là sứ mạng Đức Giêsu, Ngài sẽ thực hiện cho nhân loại qua các thời đại.
“Hãy mở ra”, chính là mệnh lệnh Đức Giêsu quyền năng nói với kẻ câm điếc hôm xưa, còn hôm nay thì sao ? Hiện tại ta có câm điếc, có khổ đau bệnh tật, có nhu cầu cần được cứu chữa không, tất nhiên hàng ngày chúng ta vẫn kêu cầu Đức Giêsu, Đấng là Thầy là Thiên Chúa cứu độ. Qua hình ảnh người mù xem thấy, và số đông nhân loại lòng đầy thán phục Đức Giêsu, đang khích lệ chúng ta: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được”. Phải mở lòng, mở trí, người ta mới nghe được, nói được, làm được, đó là điều cần thiết cho bản thân, gia đình xã hội. Thực ra, Đức Giêsu dư biết thao thức của kẻ điếc là nghe được, ước muốn của người câm là nói được. Tình yêu của Đức Giêsu còn biết đến người nghèo đói, người đau khổ, cần được giải thoát, ai cũng mơ ước được mở lòng, mở trí, do đó, mỗi người đều phải nỗ lực, bày tỏ niềm tin của mình.
Cha ông chúng ta hết sức chí lý, khi để lại những kinh nghiệm thật quý báu: kẻ bần cùng nhất trên đời này, không phải là người không có một đồng xu dính túi, nhưng là kẻ không có nổi một ước mơ đẹp. Bạn và tôi chẳng nghèo, chẳng câm điếc, nhưng không có nghĩa là không cần tình yêu thương, không cần được thông suốt, ít ra cũng có một mơ ước: sống tốt, sống đẹp, trước những điều kiện mình đang sở hữu. Đức Giêsu mở miệng, mở tai kẻ câm điếc, chắc không phải vì anh ta giầu, không phải vì anh ta là ân nhân, đúng hơn anh là người đau khổ, là đối tượng của Thiên Chúa yêu thương. Đức Giêsu sẽ còn tiếp tục mở tâm trí, mở cõi lòng, hay mở mắt tâm hồn từng người trong chúng ta, và đưa dẫn chúng ta đến tận cùng của hạnh phúc, vì đó là sứ mạng của Ngài.
Niềm vui của người câm điếc năm xưa là nghe được, nói được, nhưng hạnh phúc của anh ta sẽ không dừng lại ở đó, mà phải thực hành điều tốt nhất, gọi là sống đức yêu thương. Đức Giêsu chắc chắn sẽ không hỏi, hỡi người anh em, ai đã mở tai, mở miệng lưỡi cho anh ? Có chăng, Ngài sẽ nói, anh đã nghe được, nói được, anh hãy làm điều cần thiết, hầu có hạnh phúc thật, đang chờ anh ở phía trước. Đức Giêsu không hỏi, trí lòng anh chị em đã được mở khi nào, nhưng Ngài sẽ nói anh chị em có tin Ta vẫn đồng hành, mở cánh cửa tình yêu, rồi sẽ chờ để mở cửa nước trời cho anh chị em không ? Đúng như câu thành ngữ: chữ tín là chìa khoá của thành công, hành động bác ái phải là kết quả ta đã nhận lãnh.
Các chuyên gia có đưa ra một nhận định khá thú vị: hầu hết các loài hoa có mầu trắng đều rất thơm, hoa có mầu sắc rực rỡ thường không thơm. Những ai nơi cuộc sống, vượt thắng được khó khăn phức tạp, lại là người dễ thực thành đức yêu thương nhiều hơn cả. Tình yêu thương của Đức Giêsu không dừng lại việc mở miệng lưỡi, mở tai cho người câm điếc, Ngài sẽ còn mở rộng con tim khối óc của từng người qua các thời đại, khi chúng ta tin và bày tỏ niềm tin của mình. Tất cả mọi người sinh ra trên đời đều được yêu thương, do chúng ta không phải là con ro-bốt vô cảm, nên tình yêu thương phải lớn lên theo thời gian. Mỗi chúng ta không phải là bức tranh, không phải là bức tượng vô tri vô giác. Người hạnh phúc không phải là người có mọi thứ tốt đẹp nhất, mà là người biết lắng nghe, biết nói chính xác, và biết hành động yêu thương đúng với ơn ban của Đấng đã mở trí mở lòng cho bạn. Amen.
Lm. Jos DĐH.

SUY NIỆM 6: ĐỪNG GIẢ ĐIẾC LÀM NGƠ


Có câu chuyện vui kể rằng: Thưa bác sĩ, xin ông cứu chồng tôi ngay. Anh ấy bị điếc.
– Lâu chưa?
– Mới hôm nay thôi ạ.
– Sao bà biết đích xác thế?
– Hôm nay, khi tôi nói về tiền chợ, tiền điện, tiền nước, tiền ship hàng với xấp hóa đơn tiền, đáng lẽ mặt chồng tôi phải tái đi khiếp hãi, thế mà anh ấy vẫn tủm tỉm cười ngớ ngẩn trông tội tội là.Không nói gì, người như mất trí luôn rồi .. .
Ở đời, đôi khi có những người giỏi giả điếc để có thể trốn tránh giải quyết vấn đề, hay có thể là trốn tránh sự thật. Điều ấy ta có thể thấy trong những vùng phong tỏa, hay cách ly vì đại dịch rất nhiều lời kêu cứu vì đói, vì người thân đau bệnh, nhưng đầy tuyệt vọng. Họ kêu cầu giảm tiền điện, giảm tiền nước , giảm các loại cước phí phục vụ nhu cầu đời sống nhưng dường như cho tới nay nhưng tiếng kêu than ấy chưa thực sự đáp ứng được nguyện vọng của người nghèo khó, hay đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Và chắc chắn, còn rất nhiều những tiếng kêu vô vọng của những người bất hạnh nhưng chỉ nhận được sự phớt lờ giả điếc của tha nhân.
Xem ra người điếc thì đáng tội nghiệp, còn người giả điếc thì đáng khinh. Cái điếc nào cũng cần chữa trị. Điếc thể lý cần chữa trị để họ có thể hiểu tha nhân và hòa nhập với cộng đồng. Điếc tâm hồn lại càng cần được chữa trị bóc trần lớp băng đá của ích kỷ để giúp tâm hồn họ biết cảm thông và chạnh lòng thương xót anh em. Đây là loại giả điếc làm ngơ để mặc kệ những lời kêu cứu của người khổ đau đang kêu cầu họ.
Bài tin mừng hôm nay nói về một người câm điếc từ thuở mới sinh. Cuộc đời câm điếc đã giới hạn mọi giao tế của anh. Anh không thể nghe người khác tâm sự, và anh cũng không thể thổ lộ hết nỗi lòng của mình cho tha nhân. Một con người sinh ra mà không thể hiểu và thông cảm với tha nhân là một đau khổ triền miên. Có lẽ anh đã sống trong đau khổ thầm lặng và cả những người thân của anh cũng khổ đau như anh.
Thế giới hôm nay vẫn còn đó những con người bị câm điếc do bẩm sinh, do môi trường tác động. Nhưng cái điếc đáng sợ vẫn là loại điếc tâm hồn biểu lộ ra cách sống giả điếc làm ngơ. Câm điếc tâm hồn khiến họ mất tương quan nghĩa thiết với Thiên Chúa và với tha nhân. Họ không còn nghe được tiếng Chúa và tiếng của tha nhân. Họ không nghe được sự thật và không nói được sự thật. Họ không nghe được tiếng nói của lương tri và không nói được tiếng nói của con tim. Họ là những người cần được khôi phục khả năng để hiểu, để cảm thông và để sống tình liên đới với Chúa và mọi người.
Chúng ta hãy dâng lên Chúa tất cả anh chị em đang gặp khó khăn về giao tiếp của thể lý hay tâm hồn. Xin Chúa hãy chữa lành cho tất cả mọi người. Xin Chúa Giê-su hôm nay, cũng nói với từng người: “Ephata”. Hãy mở ra.
Hãy mở tai ra để lắng nghe lời anh em. Hãy mở tai ra để lắng nghe lời Chúa. Hãy phá đi bức tường định kiến. Hãy phá đi bức tường ích kỷ. Hãy phá đi bức tường ích kỷ để chia sẻ giúp đỡ những anh em đang gặp hoạn nạn,bất hạnh vì đại dịch.
Hãy mở miệng lưỡi ra để đi đến với anh em và đi đến với Chúa.. Hãy cắt đứt sợi dây ích kỷ để ta quan tâm tới nhu cầu của anh em. Hãy cắt đứt sợi dây sợ sệt để ta mạnh dạn nói những lời sự thật. Hãy cắt đứt sợi dây lười biếng để ta nói lên những lời tốt đẹp, những lời ca ngợi tình thương của Chúa.
Lạy Chúa, xin hãy chữa bệnh điếc và bệnh ngọng trong tâm hồn con. Amen.
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

SUY NIỆM 7: CON NGƯỜI HÔM NAY ĐANG RẤT CẦN CHÚA


Đặt mình vào hoàn cảnh của dân Israel và của chính người câm điếc trong Tin Mừng Marcô hôm nay, chúng ta sẽ cảm nghiệm được niềm vui có Chúa. Có Chúa mọi sự sẽ trở nên tốt lành, người bệnh được chữa lành.
Lâm cảnh cùng quẫn
Israel được Chúa chọn là dân riêng, vì thế mà được Chúa yêu thương, chăm sóc giữ gìn như con người mắt Chúa. Vậy mà họ đã phản bội lại tình yêu ấy, đi thờ ngẫu tượng, sống bê tha, luân lý suy đồi. Lời Chúa qua các ngôn sứ nhắc nhở đều vô ích, nên lưu đày là ‘liều thuốc mạnh’ Chúa phải dùng để sửa trị dân. Họ phải chịu cảnh cùng cực cả về thể xác lẫn tinh thần. Họ phải đi bộ cả ngàn cây số, cuộc sống sống thiếu thốn, đức tin bị thử thách, khiến họ đặt ra những câu hỏi: Có Thiên Chúa hay không? Nếu có thì tại sao Ngài lại để đất nước, thành thánh Giêrusalem và Đền thờ bị phá hủy? Hay là Thiên Chúa yếu hơn thần Marduk? Thiên Chúa có còn nhớ lời hứa nữa hay không?
Khi lâm cảnh cùng cực họ mới nhận ra cái giá phải trả do tội lỗi gây ra. Tội xúc phạm đến Thiên Chúa đã đẩy họ ra khỏi vòng tay yêu thương, hạnh phúc tiêu tan, họ lâm vào cảnh nước mất nhà tan, lối tận đường cùng trong cảnh lưu đày.
Sống hy vọng vào Chúa
Nhà cửa và thành trì của họ bị tàn phá. Đền thờ bị phá đổ tan hoang. Họ bị cướp bóc và đuổi ra khỏi nhà. Họ phải sống trong thân phận tù đày nơi đất kẻ thù. Thời huy hoàng không còn nữa. Họ phải sống cảnh lưu đày, tương lai mù mịt. Không ai có sức cứu họ thoát khỏi cảnh khổ cực này. Và giả như họ có thoát được cảnh lưu đày, thì làm sao có thể vượt qua được sa mạc khô cằn để về nước, mà có thoát chạy về nước thì ở đó cũng chẳng còn gì.
Trong lúc dân Israel đang bị giam cầm, khó lòng thoát khỏi quân Babylon đánh thì Isai tuyên sấm: “Can đảm lên, đừng sợ! Này đây Thiên Chúa các người đến để phục thù. Chính Người sẽ đến và cứu thoát các người” (Is 35, 4). Những lời trên mới đẹp làm sao, vì nó chứa đầy tình thương của Thiên Chúa đối với dân đang lâm cảnh nước mất nhà tan, chẳng thể nhìn, nghe không được và lê bước cũng không xong. Tin vui Chúa đến làm cho người mù nhìn thấy được, người điếc sẽ nghe được, người què nhảy nhót như nai, người câm nói được (x. Is 35, 4-7). Những lời trên thắp sáng niềm tin và hy vọng cho dân Chúa.
Effatà – Hãy mở ra” (Mc 7, 34). Chúa Giêsu là hiện thân của Thiên Chúa Cha, đến để hoàn tất lời hứa. Lời Chúa Giêsu hô to sau hơi thở dài trước mặt người câm điếc, với bàn tay đưa ra đụng vào tai và lưỡi anh ấy, “tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng” (Mc 7, 37).
Từ việc chữa lành người câm điếc “mở ra” cho cho thế giới chúng ta một sự khởi đầu với các quan năng nghe Lời Chúa và cất lời ca tụng những điều kỳ diệu của Chúa. Chúa đã làm người để con người bị câm điếc bên trong do tội lỗi có khả năng nghe tiếng Chúa, tiếng của tình yêu nói với con tim, và dạy con người học nói thứ ngôn ngữ của tình yêu, và thông truyền cho nhau những công trình tốt đẹp Chúa đã làm.
Thế giới đang cần Chúa chữa
Ngày nay nhiều người mất khả năng nghe lời Chúa và tiếng nói của đồng loại. Có người mất khả năng nói ngôn ngữ của tình yêu, hòa bình và xây dựng với chính mình cũng như tha nhân. Có người mù không nhìn thấy những điều kỳ diệu của Đấng Sáng Tạo mà ca tụng Chúa, cũng như không thấy được sự tốt đẹp nơi tha nhân.
Isaia loan báo, sẽ đến ngày Thiên Chúa đến đem lại niềm vui khi mở mắt người mù, mở tai người điếc, cho người què đi được và người câm nói được. Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu đã thực hiện lời Isaia tiên báo năm xưa là chữa lành cho người câm điếc để anh nghe và nói được. Hành động Chúa kéo anh ta ra khỏi đám đông hỗn độn gồm cả dân ngoại lẫn dân Do Thái để anh thuộc về Chúa chứ không còn thuộc về loài người nữa. Chúa Giêsu đặt tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh chứng tỏ Chúa không chỉ đụng chạm đến tai, đến miệng của anh, mà Chúa còn chạm đến trọn con người, gồm trái tim và tâm hồn anh nữa. Chúa Giêsu không chỉ chữa anh khỏi câm, ngọng, Chúa còn mở tai, mở mắt tâm hồn để anh có thể nhận ra Người là Thiên Chúa quyền năng và lắng nghe Lời của Chúa.
Ngày nay, có quá nhiều tiếng ồn bên ngoài và cả bên trong ta, như âm thanh của tiền bạc, danh vọng và các thú vui, làm giảm khả năng nghe, nhìn và nói về Thiên Chúa, lời Chúa không thấm vào tâm hồn chúng ta được. Nhiều người mất khả năng lắng nghe nhau bởi họ không muốn nghe người khác hay họ nói nhiều hơn nghe. Nguy hiểm hơn là tình trạng câm điếc trong tâm hồn đang xảy ra nơi chúng ta, khiến ta không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa, không nhìn thấy những việc tốt đẹp Chúa làm trong đời ta. Có người điếc vì làm ngơ trước lời kêu cứu của anh chị em đang gặp khổ đau. Có người câm vì sợ hãi không dám nói lên sự thật và không dám bênh vực sự thật. Có nhiều người vì quyền lợi, địa vị hoặc vì một thứ bổng lộc nào đó của xã hội, mà chấp nhận biến mình thành kẻ câm, điếc hoặc mù lòa.
Lạy Chúa, xin đến chạm vào tai, môi miệng và mắt con, để con nghe được tiếng Chúa, thấy được tha nhân và ca tụng Chúa đến muôn thủa muôn đời. Amen.
Lm. đình Tường

SUY NIỆM 8: CHÂN TRỜI MỚI


Một Chân Trời Mới vừa được mở ra cho người câm điếc thành Sidon. Anh nhận được lòng thông cảm của nhiều người và chính lòng thông cảm của đám đông dẫn anh gặp Đức Kitô. Ngài ban cho anh ơn nghe được và nói được. Mở tai, mở lưỡi anh, Đức Kitô cho mọi người biết tình yêu Chúa không giới hạn cho những ai muốn gặp Chúa, kể cả dân ngoại.
Đức Kitô đến thành Sidon, là một trong mười thành có tên chung là Thập tỉnh. Vào vùng của dân ngoại, ngạc nhiên thay dân làng đem đến cho Ngài một người vừa câm, vừa điếc. Bởi câm điếc nên anh coi như bị cắt đứt khỏi mọi sinh hoạt trong làng. Đức Kitô giúp anh trở thành một thành viên sống động trong làng. Có lẽ anh bị câm điếc từ thuở mới sinh. Bởi anh vừa câm, vừa điếc, nên anh không thể sinh hoạt chung với cộng đoàn. Do đó có thể anh không hề biết Đức Kitô là ai và cũng không biết Ngài đã đến làng anh đang cư ngụ.
Không phải cha mẹ anh, cũng không phải họ hàng mà chính là số dân làng có lòng từ tâm, dẫn anh đến gặp Đức Kitô. Không chắc họ có phải là bạn của anh không, nhưng chắc chắn họ là những người biết, và thông cảm với nỗi khổ anh đang gánh chịu. Những người này chắc chắn biết về Đức Kitô, hoặc có thể họ đã từng chứng kiến phép lạ Đức Kitô thực hiện. Bởi biết quyền lực Ngài nên họ dẫn anh câm điếc đến mong Ngài thương cứu anh ta. Đức Kitô thương mến anh, làm vui lòng đám người dẫn anh đến gặp Ngài. Đức Kitô mở tai anh để anh nghe rõ ràng. Ngài mở lưỡi anh để anh nói tỏ tường.
Nhờ lòng từ tâm của đám đông, dẫn anh câm điếc đến Đức Kitô và Ngài ban cho anh sự sống. Nếu không có lòng từ tâm đó, anh suốt đời chịu câm điếc và chết với tật nguyền từ thuở sinh thời đó. Chúng ta chú í đến cách chữa trị tật câm điếc của anh. Bình thường Đức Kitô chỉ cần phán một lời là bệnh tật biến mất khỏi người bệnh. Lần này Đức Kitô vừa ra lệnh cho bệnh tật biến mất, vừa có những động tác khác thường.
Thứ nhất, Đức Kitô tách anh ra khỏi đám đông dân làng. Hầu hết dân ngoại tin dị đoan và tin bói toán. Tách anh ra khỏi đám đông cách nào đó giảm tin đồn dị đoan. Những người chứng kiến Đức Kitô chữa lành anh là môn đệ Ngài, cộng thêm những người tin vào Ngài, dẫn anh câm điếc đến gặp Ngài.
Thứ hai, bởi anh vừa câm vừa điếc nên thay vì ra lệnh, Đức Kitô đối thoại với anh bằng cử chỉ thân thiện, nhân lành. Đức Kitô sờ vào tai anh ta, ngón tay Ngài đụng lưỡi anh và ra lệnh ‘Mở Ra’, và anh nghe được rõ ràng; nói rõ ràng. Không cần phải đoán cũng biết anh nói lên lời tạ ơn, ca tụng Thiên Chúa. Lời nói đầu đời của anh chắc chắn là tuyên xưng đức tin. Lần đầu trong đời anh nói được và nói được rõ ràng, mạch lạc. Câu nói lại là câu nói tin tưởng, phó thác, cậy trông và tạ ơn Đức Kitô. Anh không cần tập nói; trái lại anh nói rõ ràng, mạch lạc. Điều này chỉ một mình Thiên Chúa có thể thực hiện.
Thứ ba, Đức Kitô tách anh ra khỏi đám đông để anh không bị phân tâm khi Đức Kitô chữa cho anh, mà hoàn toàn chú tâm vào Ngài. Như thế nói lên sự liên kết chặt chẽ, đặt trọng tâm vào Đức Kitô. Điều này không phải anh sạch phần thể xác, mà tận trong tâm hồn anh được hoàn toàn sạch trong. Đối với người khác, anh khỏi tật nguyền phần xác. Đối với môn đệ Đức Kitô và người có lòng tin vào Ngài, anh được sạch cả thể xác, lẫn tâm hồn. Chữa bệnh câm điếc cho anh, người chứng kiến được tăng đức tin, niềm tin sâu đặm hơn.
Thứ tư, Phúc âm tuần trước xác định. Dơ bẩn tâm hồn làm chết linh hồn. Đức Kitô không sợ bẩn về thân xác, Ngài dùng ngón tay chạm vào tai, vào lưỡi người câm điếc; điều này cho biết Ngài không sợ dơ bẩn bên ngoài mà chú tâm đến dơ bẩn trong tâm hồn. Dơ bẩn tâm hồn chính là tội. Quan niệm xưa cho biết tội và tật nguyền chung vai sát cánh. Hết tật nguyền là sạch tội, và sạch tội con người khoẻ mạnh, tinh thần trong sáng, tâm tư an bình.
Trước Khi gặp Đức Kitô anh câm điếc không nói được một chữ, sau khi gặp Ngài anh nói rõ ràng, mạch lạc. Đức Kitô ban cho anh nhiều hơn mọi người mong đợi.

Anh bị câm về tinh thần, bị điếc về tâm linh. Đức Kitô chạm vào anh: tâm linh anh trong sáng, tội anh biến mất; anh ca vang lời ca tụng Thiên Chúa. Tâm linh anh sống động. anh không còn câm điếc về tâm linh nữa.
Chữa lành anh câm điếc đám đông nhận biết Đức Kitô có quyền trên cả thần câm lẫn thần điếc. Điều từ trước tới nay chưa hề xảy ra. Ngoài Thiên Chúa ra, không ai có thể mở tai người điếc, mở lưỡi người câm bằng dùng bùn tất và nước miếng. Không dâng lời ca tụng Chúa chính là câm điếc tâm linh.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

SUY NIỆM 9: ĐỨC GIÊSU, ĐẤNG CHỮA LÀNH


1/ Đức Giê-su, Đấng chữa lành
Trong Tin mừng (Mc 7, 31-37) của Chúa nhật 23 thường niên B hôm nay, chúng ta bắt gặp hình ảnh một người vừa bị ngọng vừa bị điếc được người ta đem đến để nhờ Đức Giê-su đặt tay chữa lành. Cái thiệt thòi của anh ta là không thể lắng nghe khi gặp gỡ mọi người và không thể nói rõ được khi đối diện với những người chung quanh. Đây là một nỗi khổ. Đây là một nỗi đau về thể lý. Anh ta chắc là đã vất vả chạy thầy chạy thuốc nhưng xem ra bất lực. Hôm nay, nơi vùng dân ngoại này, anh ta và mọi người nghe biết và đón gặp được Đức Giê-su, Đấng có uy quyền trong lời giảng cũng như việc làm để mong rằng sẽ được cứu chữa. Hình ảnh Đức Giê-su đã được tiên báo gần cả ngàn năm qua ngôn sứ Isaia trong bài đọc I: “Thiên Chúa của anh em đây rồi; sắp tới ngày báo phục, ngày Thiên Chúa thưởng công, phạt tội. Chính Người sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò.” (Is 35, 4-6). Đúng vậy, Đức Giê-su đã xuất hiện để thực hiện những lời tiên báo về Ngài. Nơi nào Ngài hiện diện là nơi đó được thi ân giáng phúc. Ngài hiện diện là kẻ điếc được nghe, kẻ câm nói được, kẻ què được đi, kẻ đui mù được sáng, kẻ bệnh hoạn tật nguyền được chữa lành, và ngay cả kẻ chết đều được hồi sinh.
Quả thật, sau lời mời gọi đặt tay cho người vừa bị ngọng vừa bị điếc, Đức Giê-su đã không ngần ngại để thi thố quyền năng của Thiên Chúa. Ngài kéo riêng anh ta ra như muốn diễn ta sự gặp gỡ thân mật giữa Ngài với anh ta. Đồng thời, Đức Giê-su cũng muốn anh ta không bị đám đông quấy rầy và muốn giúp anh dễ dàng đón nhận sự chữa lành này cách nhẹ nhàng mà không ồn áo náo động. Đức Giê-su ‘đặt ngón tay vào lỗ tai và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh ta’(Mc 7, 32-33). Đây là ngôn ngữ cử điệu nhằm giúp anh ta sẽ được cứu chữa. Rồi Đức Giê-su ‘ngước mắt lên trời’ (c.34) như muốn nói rằng quyền năng đến từ trên cao. Anh sẽ được chữa lành là bởi từ trên cao chứ không phải con người. Thật vậy, điều con người không thể thì đối với Thiên Chúa mọi sự đều có thể. (x.Lc 1,37)
Chúng ta thấy Đức Giê-su ‘thở dài’ (c.34) như diễn tả lòng thương xót cũng như sự rung động của Ngài trước hoàn cảnh này. Vì Ngài là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa, nên trong mọi nơi mọi lúc và đối với mọi người, Ngài đã không ngừng ban ơn và chúc phúc. Điều đặc biệt là Đức Giê-su đã dùng lời để chữa lành như những lần khác, khi Ngài nói: “Ep-pha-ta”, nghĩa là: hãy mở ra (c.34)! Từ lời phán của Đức Giê-su lưỡi được giải phóng khỏi sự ràng cột đã từng khiến nó không thể nói năng rành mạch. Tai của anh đã nghe rõ ràng. Anh như đã trở nên con người bình thường nhờ quyền năng của Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su Ki-tô. Quả thật, phép lạ không do bởi những cử chỉ của Đức Giê-su nhưng thực ra bởi ‘Lời’ được phán ra.
Tuy nhiên, chúng ta nên hiểu rằng việc Đức Giê-su vừa làm không chủ ý đến việc chữa lành thân xác mà hệ tại ở việc chữa lành bệnh thiêng liêng, bệnh tâm hồn hay bệnh đức tin. Vì thế, nhiều lần trong Tin mừng, trước khi chữa lành bệnh thể lý cho ai, Đức Giêsu thường nói: Đức tin con đã chữa lành con.(x.Lc 8,48; Mt 9,22; ) Quả thật, Đức tin mới là quan trọng. Một khi đức tin được củng cố mạnh mẽ thì thân xác sẽ được khoẻ mạnh và an toàn.
Qua việc chữa lành của Đức Giê-su đối với người vừa bị ngọng vừa bị điếc, chúng ta được mời gọi nhận biết về một vị Thiên Chúa tình yêu và tràn đầy lòng nhân ái đối với con người, nhất là đối với những hoàn cảnh khổ đau, bệnh tật, nghèo đói, bị loại ra khỏi lề xã hội,…Trong bối cảnh mọi người đang phải hoang mang lo sợ bởi đại dịch Covid-19 trên toàn thế giới, nhất là tại Việt nam chúng ta: nhiều người đã bị nhiễm bệnh, hàng triệu người đã phải tử vong, dường như chúng ta đã cảm thấy mỏi mệt và bất lực hoàn toàn trước sự hoành hành của con Vi-rút nhỏ bẻ này. Tiền tài danh vọng cũng đã thất bại trước nó. Quyền cao chức trọng sở hữu và chạy theo nó bấy lâu, nay cũng tiêu tan và cũng chẳng thể làm được gì trước sự tấn công của Covid. Nhưng dưới nhãn quan đức tin, là những người tin vào Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa, Ngài là Em-ma-nu-en, Thiên Chúa ở cùng chúng ta, chúng ta được mời gọi hãy tin tưởng vào quyền năng chữa lành của Ngài. Nơi Ngài, qua Ngài và trong Ngài, chúng ta sẽ được bình an và tràn đầy hạnh phúc nếu chúng ta tin. Ngoài Người ra, không ai có thể đem lại ơn cứu độ cho con người.(x.Cv 4,12). Thật vậy, dù sống dù chết, dù bệnh thể lý hay tâm hồn, chúng ta chỉ thật sự được giải thoát nơi danh Đức Giê-su.
Mỗi chúng ta đang đối diện đủ thứ bệnh tật không phải ngọng và điếc về thể lý nhưng ‘ngọng và điếc’ về mặt tâm hồn đang cần đến sự chữa lành của Đức Giê-su. Quả thật, đối với Covd-19, chúng ta có thể tiêm vắc-xin để phòng ngừa, nhưng đối với căn bệnh “covid tâm hồn” là vô cảm, là ích kỷ, là tham lam, là hận thù, là trộm cắp, là giết người, là ngoại tình, là cờ bạc, là rượu chè, là nói hành nói xấu, là bất hoà bất thuận,…chúng ta cần phải tiêm ‘Vắc-xin’ Lời Chúa, ‘Vắc-xin’ Mình Máu Thánh Chúa để loại trừ và giải thoát. Tuy nhiên, không chỉ dừng lại việc đón nhận chữa lành cho mình mà không màng tới anh chị em chung quanh.
2/ Chúng ta được mời gọi chữa lành cho nhau
Người ta thường nói ‘có đi có lại mới toại lòng nhau’. Câu nói đó có thể cũng đang mời gọi chúng ta hướng về một nghĩa thiêng liêng giữa ta với Thiên Chúa. Vì chúng ta được Thiên Chúa dựng nên từ hư không, được dựng nên giống hình ảnh của Ngài, nên chúng ta cũng giống Ngài trong nghĩa cử yêu thương như Ngài đã yêu thương chúng ta. Ai yêu mến thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. (x. 1Ga 4,16)
Vì thế, như Đức Giê-su đã luôn luôn thao thức và hướng đến việc chữa lành những mảnh đời đau khổ và bất hạnh, cụ thể trong bài Tin mừng của Chúa nhật hôm nay. Ngài đã chạnh lòng thương và chữa lành họ khi gặp gỡ. Đến lượt chúng ta, những người đã được chữa lành mỗi ngày bằng Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta cũng không thể không yêu thương, chữa lành và quan tâm đến anh chị em chúng ta bằng những lời nói yêu thương, bằng những hành động bác ái, bằng những cử chỉ tôn trọng và chân thành.
Nơi bài đọc II (Gc 2, 1-5), Thánh Gia-cô-bê Tông đồ mời gọi chúng ta đừng sống thiên tư, thiên vị và kỳ thị anh chị em đồng loại, nhưng hãy có thái độ bao dung và thứ tha cũng như công bằng bác ái. Đây là thái độ sống cần đối với các ki-tô hữu chúng ta. Chúng ta không thể nói yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh chị em của mình. Vì như Gioan Tông đồ đã nói: “Các con thân mến, chúng ta hãy yêu mến Thiên Chúa, vì Người đã thương yêu chúng ta trước. Nếu ai nói mình yêu mến Thiên Chúa mà lại ghét anh em mình, thì là người nói dối. Vì người anh em mình xem thấy mà không thương yêu họ được, thì làm sao yêu mến Thiên Chúa là Ðấng mình không thấy được?” (1 Ga 4,19).
Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây