SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Thứ sáu - 20/09/2024 21:29


SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXV THƯỜNG NIÊN NĂM B
Mc 9, 30-37
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
30 Đức Giê-su và các môn đệ ra khỏi đó, đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. 33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông: “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy?” 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: 37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
CÁC BÀI SUY  NIỆM
Suy niệm 1: Người lớn nhất - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.
Suy niệm 2: lãnh đạo là người phục vụ - Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Suy niệm 3: Đón tiếp va phục vụ chính Thiên Chúa - Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Suy niệm 4: Muốn làm đầu thì phải phục vụ trong khiêm hạ - Lm Trần Bình Trọng
Suy niệm 5: Bước theo chúa giêsu trong khiêm hạ - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Suy niệm 6: Hãy cùng dìu nhau tiến bước - Lm.Jos Tạ Duy Tuyền
Suy niệm 7: Con đường theo Chúa - Lm Paul Nguyễn Nguyên


Kn 2,12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9,29-36

SUY NIỆM 1: NGƯỜI LỚN NHẤT


Lời Chúa: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết” (Mc 9,35).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 25 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu dạy các Tông đồ bài học khiêm nhường phục vụ như là điều kiện cho những ai muốn làm lớn trong vương quốc tình yêu của Người:
Muốn làm người lớn Nước trời,
Hạ mình phục vụ giúp người anh em.
Giê - su gương Chúa nhìn xem,
Sẵn sàng hiến tế để đem an bình.
Nếu ta yêu Chúa thật tình,
Hãy thương nâng đỡ hy sinh giúp người.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết sống khiêm nhường phục vụ trong yêu thương như Chúa để xứng đáng là môn đệ của Ngưi. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Con Thiên Chúa, là Đấng cứu độ trần gian. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa dạy chúng con, ai muốn làm lớn thì hãy tự làm người rốt hết. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Sau năm 1975, tôi thấy ở những nơi công cộng hay các trường học với câu biểu ngữ: “cán bộ là đầy tớ của nhân dân” như là một chuẩn mực của những người làm lớn trong xã hội phục vụ dân. Nhưng đã có chuyện gặp cảnh sát giao thông người dân sợ! Gặp cán bộ chính quyền cấp cơ sở người dân sợ! Đấu tranh cho công lý người dân sợ! … đứng trước người “đầy tớ” của mình mà “ông chủ” sợ!. Điều gì mà cán bộ các cấp chính quyền khiến nhân dân sợ hãi? Phải chăng, bởi một số cán bộ đang lợi dụng sức mạnh của quyền lực nhà nước, quyền lực chính trị để biến đó thành quyền lực cá nhân. Vì thế, sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta khiêm nhường phục vụ như là điều kiện cho những ai muốn làm lớn trong vương quốc tình yêu của Người: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.
Thưa anh chị em, bài đọc 1 trích sách khôn ngoan thuật lại cho chúng ta khi những kẻ gian ác âm mưu chống lại người công chính: “Chúng ta hãy vây bắt kẻ công chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm, khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật”. Do sự tham vọng quyền lực, kêu ngạo, họ vận dụng tất cả mưu kế và sức mạnh để gài bẫy, nhục mạ, tra tấn và loại trừ người công chính vì nếp sống của những người công chính tố cáo nếp sống vô luân của họ. Các Tông đồ đi theo Chúa Giêsu cũng không tránh khỏi tham vọng đầy quyền lực của kẻ làm lớn theo kiểu dân gian: Ước mong được ngồi bên phải, bên trái Chúa trong vương quốc Nước trời, ghen tị với người khác.
Bài Tin Mừng hôm nay đã tố giác thái độ tranh dành địa vị của các ông: “Vì, dọc đàng các ông tranh luận xem ai là người lớn nhất”. Nhân đây, Chúa Giêsu gọi mười hai ông lại hướng dẫn và dạy bảo các ông rằng: “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người”. Vì, “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”. Để cụ thể hóa giáo huấn, Chúa Giêsu đem một em bé lại đặt giữa các ông, ôm nó mà nói với các ông rằng: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy”. Chúa Giêsu đề cao tinh thần trẻ nhỏ, vì chúng là hạng người hèn kém, đơn sơ. Phục vụ những người hèn kém là công việc của những người muốn làm lớn. Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã làm gương cho các ông về việc phục vụ: Người quỳ xuống rửa chân cho các ông. Qua đó, Chúa muốn dạy các Tông đồ bài học khiêm nhường phục vụ như là điều kiện cho những ai muốn làm lớn trong vương quốc tình yêu của Người.
Chuyện kể rằng, Đức Cha Gioan Cassaigne Sanh là một giám mục người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris, phục vụ tại Việt Nam. Ngài nổi tiếng là vị giám mục người phong vì các quan tâm đặc biệt của ngài đến người bị bệnh phong cùi. Khi biết mình bị nhiễm phong ngài cười và nói: Có đau mới hiểu người đau và biết thương họ nhiều hơn. Ngài là mẫu gương tuyệt vời của đời sống giản dị, khiêm nhường, phục vụ tận tuỵ và yêu thương hết thảy mọi người.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Tấm gương và tinh thần phục vụ hy sinh tự hạ của Đức Cha Cassaigne Sanh giúp chúng ta suy nghĩ tinh thần yêu thương phục vụ của người làm lớn. Để có tinh thần làm lớn theo quan điểm của Tin Mừng, chúng ta phải thay đổi não trạng. Thánh Giacôbê đã giúp chúng ta thực hiện quan điểm này bằng cách: bãi bỏ ganh tị, cãi vã, óc hưởng thụ, lạm dụng quyền hành để thao túng, hống hách, cửa quyền vì đó là sự hỗn độn và đủ thứ tệ đoan. Đồng thời, tích cực học đức khôn ngoan của Nước trời:  sống hiền lành chính trực, ôn hòa, bao dung, nhu mì, hướng thiện, đầy lòng nhân từ và hoa quả tốt lành, không xét đoán thiên vị, không giả dối. Hoa quả của công chính được gieo vãi trong bình an cho những người xây đắp an bình. Chúa Giêsu đã tự hạ cho đến chết vì yêu thương để phục vụ chúng ta. Vì thế, Người đã được tôn vinh.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết phục vụ trong khiêm nhường yêu thương, càng phục vụ càng nên giống Chúa hơn để chia sẻ hạnh phúc cho người khác. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: LÃNH ĐẠO LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ


Trang Tin mừng Chúa nhật hôm nay đánh dấu một giai đoạn quan trọng. Chúa Giêsu rời vùng đất phía Bắc tiến về Giêrusalem, nơi đó thập giá đang đợi chờ Người.
Trên hành trình đó đã ba lần Chúa mạc khải cho các môn đệ biết: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người và Người bị giết chết, rồi sau ba ngày Người sẽ sống lại” (x.Mc 8,31-10,34). “Các môn đệ không hiểu và cũng không dám hỏi lại” (Mc 9, 32). Họ đang sôi nổi tranh luận về vương quốc mà Thầy sẽ thiết lập. Ai là thượng thư, ai là bộ trưởng trong vương quốc ấy! Thầy đang hướng về thập giá, khổ nạn. Các môn đệ lại tranh cãi xem ai được quyền cao chức trọng hơn cả (x.Lc 22, 24-27; Mc 10,35-40). Chúa đã phải đau lòng biết bao!
Vì thế, để sửa dạy uốn nắn lối suy nghĩ các môn đệ, Chúa hỏi: “Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?. Chúa hỏi là ‘bàn tán’ cho nó nhẹ nhàng thôi, chứ thực ra Chúa biết các môn đệ vừa cãi nhau nảy lửa. Các ông im lặng vì xấu hổ về những gì đang tranh luận. Rồi Chúa dạy cho các môn đệ bài học, người lớn nhất là người khiêm tốn phục vụ anh em.
1. Nền văn minh mới
Chúa Giêsu “ngồi xuống và gọi các môn đệ tới”. Một Rabbi dạy bảo học trò, hay tuyên bố một điều gì quan trọng thì luôn luôn ở tư thế ngồi để giảng dạy. Chúa ngồi xuống thư thái và dạy rằng: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Bằng hình ảnh cụ thể, Chúa đem một em bé đặt giữa các học trò, ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy”. Lời dạy của Chúa Giêsu thật dễ hiểu mà thật khó thực hành. “Yêu thương phục vụ” là môn học khó nhất nhưng lại là môn học phổ thông nhất. Môn học này người môn đệ phải học cả đời mà không có ngày ra trường, học tới chết mà vẫn chưa xong.
Người lớn nhất, người đứng đầu là người phục vụ hết mình. Chức tước, chức vụ, chức vị, chức quyền chỉ là phương tiện để phục vụ. Ai sống tinh thần phục vụ đó là người lớn nhất. Ai không biết phục vụ thì là người nhỏ nhất. Giá trị của một con người không do địa vị chức tước mà tuỳ vào khả năng phục vụ và mức độ hữu ích của người đó. Chúa Giêsu mở ra một nền văn minh mới. Người lớn nhất không dùng quyền để lãnh đạo, nhưng dùng khả năng để phục vụ. Người lớn nhất không dùng sức mạnh để chỉ huy, nhưng dùng trái tim để yêu thương.
2. Lãnh đạo là người có uy tín
Người lãnh đạo phải là người có uy. Đó là uy tín và uy quyền. Thông thường, người lãnh đạo tự khẳng định được uy tín thì tự nhiên có uy quyền một cách thực thụ nhờ niềm tin của lòng dân. Khi lãnh đạo phải dùng uy quyền thay cho uy tín thì họ tự tạo ra nguyên cớ của sự xung đột.
Dân chúng nể trọng uy tín của người lãnh đạo nhưng họ lại sợ uy quyền. Uy quyền, cường quyền càng dấn lên tới mức cao thì sinh ra thói độc đoán chuyên quyền dẫn đến độc tài. Khi người lãnh đạo đã mất hết uy tín, lẽ ra nên tự biết mà từ chức thì còn vớt vát được chút danh dự. Nhưng khi đã không còn uy tín mà lại gia tăng uy quyền thì chỉ có hại cho xã hội, căng thẳng cho cộng đồng, họ trở thành lố bịch và làm trò cười cho thiên hạ.
  Không ai có thể tự vỗ ngực là “ta uy tín nhất”, bởi vì uy tín của cá nhân nằm trong lòng người khác, tùy thuộc sự ghi nhận và đánh giá của cộng đồng xã hội một cách khách quan. Uy tín phải được minh chứng qua quan điểm, tư tưởng, động cơ làm việc, đạo đức, lối sống và chất lượng thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Có những người có chức cao quyền trọng nhưng khi làm việc cụ thể và trong cuộc sống chẳng có uy tín gì, chỉ để lại sự trách cứ, chê cười, đàm tiếu. Có uy tín, tự khắc có uy quyền, một uy quyền tự thân, không phải thứ uy quyền lên gân. Không có uy tín, nhưng vì muốn thể hiện uy quyền nên thường gây hậu họa, làm hỏng cho công việc chung và tác hại khôn lường đối với xã hội và đất nước khi người này thuộc tầng lớp lãnh đạo ở tầm vĩ mô. Trên thực tế không ít người, khi có quyền thì đụng chút việc là dùng quyền uy, hống hách, quan liêu, mệnh lệnh.
Người thích uy quyền thường dùng quyền hành và quyền lực, kể cả quyền lực của đồng tiền. Họ sẽ đưa ra những khả năng đe dọa, mua chuộc như thăng giáng chức tước, lên lương, bố trí, sắp xếp chỗ này, vị trí kia, vừa câu móc, vừa hăm dọa hay cô lập đối tượng khi không “tranh thủ” được. Nếu ai đó làm phật lòng trái ý, hoặc có nguy cơ làm ảnh hưởng uy quyền thì sẽ bị trù úm, bày kế, lập mưu kỷ luật hay ép đương sự xin chuyển đổi công tác hay về “hưu non”.
Người dùng uy lực đồng tiền thường đi kèm lòng tham, tính toán cá nhân vị kỷ, vơ vét và thu vén. Cho nên, những kẻ bất tài, vô dụng, thất đức có đủ thứ thủ đoạn, mánh khóe để khi đã nắm được quyền thì dùng uy quyền trấn áp thiên hạ, “cả vú lấp miệng em”, kéo bè, kết vây cánh…hình thành nhóm lợi ích. Từ tuyển dụng, bổ nhiệm, giao chức cũng chọn trong những người thân trong gia đình, dòng tộc, huyết thống, cùng mục đích, cùng động cơ, cùng mặt bằng “quan trí”, cốt sao thế lực của mình ngày càng được cũng cố và khuynh loát. Sự cố tình tâng bốc nhau, bao che, tung hứng cho nhau, hùa nhau lập mưu kế phạm pháp, tìm mọi mánh khóe, thủ đoạn đục khoét của công, thu lợi bất chính cũng từ đó mà ra.
Khi đã không đủ uy tín mà phải dùng uy quyền đến mức độc đoán, chuyên quyền, người ta sẵn sàng trừ khử, sát phạt, làm hại người khác có đối trọng (kể cả đồng chí, bạn hữu, người thân), mua bán chức quyền, dùng đủ mánh lới tinh vi để giữ ghế, tiến thân,che lấp khuyết điểm, tích lũy của cãi bất minh, vùi dập chân lý, phủ nhận lẽ phải một cách khôn lanh và rất ma mãnh!
Thế nhưng, như người đời đã đúc kết: “Uy tín trường tồn, uy quyền đoản vị” – người có uy tín sẽ để lại tiếng thơm lâu dài, người không uy tín mà thích dùng uy quyền thay cho uy tín chỉ được nhất thời, gây thù chuốc oán, tự làm mất hậu phúc, có chăng chỉ được một vài việc trước mắt, không thể có sức bền. Cho nên, làm lãnh đạo cần nâng cao uy tín, phải thu phục được nhân tâm, không nên lộng hành, lạm dụng uy quyền để tự đề cao cá nhân, quên cả lợi ích quốc gia, dân tộc, quên nhân dân, chỉ biết vun xén cho cá nhân, gia đình và nhóm lợi ích gây hậu quả khôn lường cho đất nước và nhân dân.(x. buivanbong.blogspot.com). Đối với các vị lãnh đạo tại Việt Nam, Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định ‘Câu nói cửa miệng của dân là liệu có bao nhiêu quan chức “không chạy”? Cách sử dụng cán bộ “cậu này ngoan, cô kia biết điều” của văn hoá tiểu nông làm sao sử dụng được người tài? Trên thực tế, kiểu hình thành đội ngũ cán bộ theo cách thức: “Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội…”.
3. Lãnh đạo là người phục vụ
Chúa Giêsu dạy cho các môn đệ con đường trở nên lớn lao thật sự. Đó là con đường phục vụ. Con đường phục vụ thay thế cho tham vọng thống trị. Giúp đỡ tha nhân thay cho tham vọng bắt người khác phục vụ chính mình. Chức quyền là để phục vụ lợi ích của mọi người. Địa vị chỉ là sự phân công hợp lý. Mỗi người một việc vì lợi ích của tập thể.
Để làm gương cho các môn đệ, Chúa Giêsu đã tự hạ mình: không phải để được phục vụ mà đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc nhiều người” (Mt 20,25-28). Là Thầy nhưng Người đã tự nguyện phục vụ môn đệ. Là lãnh đạo nhưng Người sẵn sàng hiến mạng sống để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Tinh thần phục vụ của Chúa Giêsu được thể hiện rõ nét nhất trong cử chỉ rửa chân “Nếu Thầy là Chúa mà còn rửa chân cho anh em thì anh em phải rửa chân cho nhau”. (Ga 13,14-15). Ta ở giữa các con như một người phục vụ” (Lc 22,27). Phục vụ lên đến tuyệt đỉnh trong hành vi tự hiến “không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu mình” (Ga 15,13).
Quyền bính và phục vụ gắn liền với nhau làm nên bản chất người môn đệ Chúa Giêsu. Người lãnh đạo theo gương Chúa Giêsu là người có tâm, có tầm, có đức và có tài để phục vụ tha nhân theo tinh thần đức ái mục tử. Mục tử rao giảng chân lý và dám sống chân lý ấy cho dù phải hy sinh tính mạng.
Thánh Phêrô đã thấm nhuần lời dạy của Thầy Chí Thánh nên sau này ngài viết những lời tâm huyết cho các mục tử:“Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Kitô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai. Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi ích thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt tình tận tụy. Đừng lấy quyền mà thống trị những người mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em, nhưng hãy nêu gương sáng cho đoàn chiên” (1 Pr 5,1-4). Thánh Phêrô cũng khuyên các tín hữu: “Ơn riêng của Thiên Chúa đã ban, mỗi người trong anh em phải dùng mà phục vụ kẻ khác. Như vậy anh em mới là những người khéo quản lý ân huệ thiên hình vạn trạng của Thiên Chúa. Ai có nói, thì nói lời Thiên Chúa; ai phục vụ, thì phục vụ bằng sức mạnh Thiên Chúa ban.” (1Pr 4, 8-11).
Quyền bính đòi chiếm hữu và kiểm soát. Nhưng trong Giáo hội, quyền bính được xây trên nền tảng tình yêu Chúa. Chính vì thế, Chúa Giêsu mới cần Phêrô xác quyết tới ba lần : “Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,15-17). Quyền bính được xây dựng trên tình yêu nên người mục tử luôn khiêm tốn phục vụ tha nhân.
Lời dạy của Chúa Giêsu đưa nhân loại đi vào nền văn minh của tình thương. Và kể từ đó, hàng triệu vị Thánh được tôn vinh như là những chứng từ sống động cho hình ảnh “Người lớn nhất” trong nền văn minh mới của Tin Mừng. Mẹ Têrêxa Calcutta trở thành vĩ nhân của thời đại bằng con đường yêu thương và phục vụ người nghèo. Phục vụ luôn gắn liền với yêu thương.Thánh Augustinô nhận định: Trong đời sống người Kitô hữu, có một cuộc chiến đấu giữa hai thứ tình yêu: yêu Thiên Chúa cho đến từ bỏ bản thân mình và yêu bản thân cho đến nỗi chối bỏ Thiên Chúa.
Người thành công nhất là người phục vụ cho đồng loại nhiều nhất. Một vĩ nhân không hệ tại ở địa vị xã hội của người ấy mà là sự cống hiến cuộc đời cho sự phát triển của nhân loại. Giáo hội tuyên phong một người lên bậc hiển thánh chung quy cũng là tuyên dương tinh thần phục vụ của người ấy vì Nước Chúa. Phục vụ để trở nên phong phú, có giá trị, nên hoàn thiện và trở nên gần Chúa Giêsu hơn.
“Nghệ thuật làm lớn” của Chúa Giêsu chính là khiêm tốn phục vụ. Người thật sự cao cả là người dâng đời mình cho lợi ích của cộng đoàn. Thiên Chúa đã tự liên đới với người nhỏ bé, nghèo hèn, không đáng kể nhất. Phục vụ một người không đáng kể nhất cũng là phục vụ chính Thiên Chúa. Con đường tự hạ, làm người bé nhỏ và phục vụ anh em là con đường để trở nên vĩ đại, trở nên người lớn nhất trước mặt Chúa.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
 

SUY NIỆM 3: ĐÓN TIẾP VA PHỤC VỤ CHÍNH THIÊN CHÚA


Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giêsu và các môn đệ trên đường lên Giêrusalem. Trong cuộc hành trình dài này, Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh của Người: “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại”. Chúa Giêsu nói thật là rõ ràng, nhưng các môn đệ lại không hiểu gì cả. Có lẽ vì các ông đang bận tâm đến những tham vọng với những quyền lực và vinh quang nên đã không để tâm đến lời của Thầy. Tin Mừng cho biết, dọc đường các ông còn tranh luận xem giữa họ ai là người lớn nhất. Thậm chí, sau đó không lâu, khi Chúa Giêsu loan báo lần thứ ba về cuộc Khổ nạn và Phục Sinh của Người, thì hai môn đệ Giacôbê và Gioan còn đến xin Người cho được ngồi bên hữu, bên tả Người khi Người được vinh quang (xem Mc 10,32-40). Còn các môn đệ thì, ngay trước khi Chúa Giêsu lên trời vẫn còn hỏi Thầy mình: “Có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?” (Cv 1,6). Dù đã chứng kiến cuộc khổ nạn và phục sinh của Thầy, các môn đệ vẫn chưa hiểu, chưa nhận ra vinh quang đích thực là gì.
Chúng ta đừng vội chỉ trích các Tông Đồ. Danh vọng và quyền lực là một cám dỗ có sức hấp dẫn với hết mọi người, thuộc mọi tầng lớp xã hội. Nhất là khi Chúa Giêsu được mọi người coi như một vị đại ngôn sứ, thì việc các môn đệ của Người mơ đến một vị trí, một địa vị xã hội bên cạnh Thầy của mình là điều hết sức dễ hiểu.
Trong Giáo Hội, chúng ta không nói về quyền lực nhưng là phục vụ. Tuy nhiên, như trong mọi tổ chức dân sự, Giáo Hội cũng có phẩm trật và cũng gồm những con người, nên có sự cạnh tranh, ganh đua để tiến thân hoặc nhắm tới những chức vị cao hơn là điều không thể tránh khỏi. Vì thế, giữa lý tưởng Tin Mừng và thực tế cuộc sống luôn là một khoảng cách rất xa, cả trong thể chế Giáo Hội và trong mỗi phần tử của Giáo Hội.
Xã hội hiện nay vốn đề cao hưởng thụ, và tiêu chuẩn để xác định giá trị của một người là những danh hiệu và vẻ bề ngoài, khiến người ta chạy theo và tìm kiếm những danh vọng, dù là danh vọng ảo, để mong được người khác nể trọng. Hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta giá trị đích thực của quyền lực, đó là phục vụ: “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người”. Khi đặt một em nhỏ giữa các môn đệ, Chúa Giêsu muốn cho các ông hiểu rằng, đối tượng ưu tiên được phục vụ là ai, đó là những người bé nhỏ, nghèo hèn. Vào thời Chúa Giêsu, trẻ em là người không có tiếng nói và không có địa vị xã hội. Trẻ em là biểu tượng của sự yếu ớt và tùy thuộc, sự đơn sơ và sẵn lòng. Vì thế, trẻ em đại diện cho những người thấp cổ bé miệng, những người nghèo hèn, cả về vật chất lẫn tinh thần. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy phục vụ họ, và để nhấn mạnh giá trị của họ, Người tiếp: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy”.
Chuyện kể rằng, có một tu sĩ cao niên từ nhiều năm hằng cầu xin Chúa hiện ra để củng cố đức tin cho ông. Thế nhưng, ông chưa bao giờ được nhậm lời. Khi ông bắt đầu nản lòng thì Chúa hiện ra với ông. Điều này làm cho ông rất hạnh phúc. Trong khi ông đang thưa chuyện với Chúa thì có tiếng chuông báo đến giờ phải phân phát lương thực cho người nghèo, và thật không may, lần này là phiên của ông. Nếu ông không làm, ngày hôm đó người nghèo sẽ không có gì để ăn. Vị tu sĩ bị giằng co giữa khoảnh khắc hạnh phúc được ở với Chúa và việc đi phục vụ người nghèo. Cuối cùng, ông quyết định gián đoạn cuộc trò chuyện với Chúa để đi phát đồ ăn cho người nghèo. Sau khi xong việc, ông trở về phòng mình, và khi mở cửa, ông không tin vào mắt mình, vì Chúa vẫn còn ở đó và đợi ông. Vị tu sĩ quỳ xuống trước mặt Chúa và cảm ơn Người. Lúc đó, Chúa mới nói với ông: “Bởi vì con đi phát đồ ăn cho người nghèo nên Ta mới ở lại chờ con đó.”
“Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” “Phục vụ”, đó là từ khóa. Người môn đệ của Thầy Giêsu phải là người phục vụ theo gương Thầy: “Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ…” (Mc 10,45). Bất cứ trách vụ nào được trao cho chúng ta đều là lời Chúa mời gọi chúng ta dấn thân phục vụ với hết khả năng của mình, dù trong Giáo Hội hay ngoài xã hội. Vì vậy, mỗi lần chúng ta nhìn những trách vụ như một cơ hội để tiến thân hay để tìm vinh dự cho mình là chúng ta đang lầm đường, lạc lối.
Sự cao quý của người Kitô hữu được đo lường bằng tinh thần phục vụ những người bé mọn nhất, và đó cũng là tiêu chuẩn cho cuộc phán xét cuối cùng: “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40). Vì thế, giá trị của việc phục vụ hệ tại ở việc chúng ta làm vì lòng yêu mến Chúa và yêu mến tha nhân, dù đối tượng chỉ là một em bé, và việc chúng ta làm chỉ là trao ban “một chén nước lã”.
Chúa Giêsu đã tự đồng hóa mình với những người bé mọn, nghèo hèn, những người luôn cần đến sự giúp đỡ của người khác để trao cho mọi người cơ hội được phục vụ Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa gia tăng tình yêu của Người nơi tâm hồn chúng ta, cho chúng ta có một con tim nhạy cảm để nhìn thấy Chúa vẫn đang hiện diện nơi tha nhân, đặc biệt nơi những người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta. Và xin Chúa cho chúng ta có một tinh thần khiêm tốn thật, để sẵn sàng nhận sự giúp đỡ của người khác.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
 

SUY NIỆM 4: MUỐN LÀM ĐẦU THÌ PHẢI PHỤC VỤ TRONG KHIÊM HẠ


Trong Thánh kinh Cựu ước, nhiều lời tiên tri về Đấng cứu thế đề cập đến một vương quốc phổ quát có tính cách hoàn cầu. Theo lời các ngôn sứ, thì đến một thời gian nào đó, tất cả các dân tộc đều qui phục dòng dõi Đavít, và các chư dân sẽ hướng về Giêrusalem. Tuy nhiên các ngôn sứ nói về một vương quốc thiêng liêng mà Đấng cứu thế sẽ thiết lập.
Mặc dù một lần nữa trong Phúc âm hôm nay, Chúa Giêsu báo trước việc Người sẽ phải chịu khổ nạn và tử hình, rồi được phục sinh, các tông đồ vẫn không nhận thức được ý nghĩa của lời Người giảng dạy. Họ vẫn còn nuôi hi vọng Thầy mình sẽ thiết lập một vương quốc trần gian. Vì thế dọc đường, họ tranh luận với nhau xem ai sẽ là người quan trọng nhất trong vương quốc của Chúa.
Để loại trừ quan niệm sai lầm về Đấng cứu thế, Chúa Giêsu lập tức triệt hạ tính tự kiêu tự đại của họ, bằng cách dạy họ về đức khiêm tốn: Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người (Mc 9,35). Theo lời Chúa dạy thì tính tự kiêu tự đại là một nết xấu mà người môn đệ Chúa phải xa tránh và loại trừ để luyện tập nhân đức khiêm tốn để làm người rốt hết. Một vài hậu quả của tính tự kiêu mà ta đọc thấy trong thánh kinh là các thần dữ, vì không vâng lời phụng sự Thiên Chúa, nên đã bị đày ải xuống âm phủ. A-đam và E-và đã bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng, cũng vì nghĩ rằng mình có thể trở nên ngang hàng với Thiên Chúa, khi ăn trái cấm. Cội rễ của sự dữ là ghen tương và kiêu ngạo như trong bài trích sách Khôn ngoan hôm nay nêu ra những ý định cuả người kiêu ngạo định làm để gài bẫy, nhục mạ, tra tấn và lên án người công chính. (Kn 2,1-20). Đó cũng là điều mà thánh Giacôbê tông đồ nhận xét trong thư gủi giáo đoàn: Ở đâu có ghen tương và tranh chấp, ở đấy có xáo trộn và đủ mọi việc xấu xa (Gc 3,16).
Phúc âm hôm nay đưa ra hình ảnh của trẻ em để dạy ta bài học về đức khiêm tốn. Quan sát người ta thấy những đặc tính của con trẻ là tín nhiệm, đơn sơ và chân thành. Trẻ con thường không có tham vọng và không tự phụ. Đón nhận trẻ em có nghĩa là đón nhận những người giống như trẻ con: người khiêm tốn, người thấp hèn, người nghèo đói, người đau yếu, người yếu thế, người bị bỏ rơi.. Nếu phân tích, ta thấy người khiêm tốn có nhiều đức tính của trẻ con. Người khiêm tốn là ngưòi biết nhận ra mình yếu hèn, tội lỗi và tuỳ thuộc vào Chúa trong mọi sự, và hành động theo sự xác tín của mình: không giả tạo, không đóng kịch. Người khiêm tốn là người biết tuỳ thuộc vào quyền năng của Chúa, vào ơn khôn ngoan và chương trình quan phòng của Chúa.
Trinh nữ Maria nêu gương mẫu cho ta về đức khiêm tốn. Trinh nữ không mơ ước địa vị làm mẹ Đấng cứu thế như giới phụ nữ Do thái thời bấy giờ. Thiên Chúa nhìn thấy lòng khiêm tốn của trinh nữ Maria nên đã chọn trinh nữ làm mẹ Đấng cứu thế. Khiêm tốn thực sự là sống trung thực với lòng mình và nhìn nhận sự thực về mình: ưu điểm cũng như khuyết điểm. Vì nhìn nhận sự thực về mình nên trinh nữ Maria đã cất tiếng ca tụng Thiên Chúa về những việc trọng đại Người đã thực hiện nơi mình trong kinh Ngợi Khen (Magnificat).
Chính Chúa Giêsu đã đến để dạy ta bài học phục vụ trong khiêm tốn. Người là Thiên Chúa nhưng đã hạ mình xuống, mặc lấy thân xác yếu hèn của loài người, sinh sống giữa nhân loại. Trong bữa tiệc li, Chúa nêu gương phục vụ trong khiêm tốn bằng cách rửa chân cho các tông đồ và dạy ta rửa chân cho nhau nghĩa là phục vụ lẫn nhau. Như vậy ta thấy Chúa Giêsu đến để đổi ngược lại những giá trị của loài người. Theo lời Chúa dạy thì người ta không bao giờ thỏa mãn trong việc tìm kiếm địa vị và vinh dự, nếu chỉ vì ham muốn vinh dự và địa vị.
Nói như vậy không có nghĩa là Chúa Giêsu ngăn cản người ta làm lớn. Trong xã hội cũng như trong Giáo hội phải có những người làm lớn, những người nắm giữ địa vị nọ kia để điều hành guồng máy tổ chức trong Giáo hội và xã hội. Tuy nhiên Chúa bảo làm lớn là để phục vụ chứ không phải chỉ vì ham chức tước. Làm lớn còn có nhiều cơ hội và phương tiện để phục vụ như có ngân khoản, có người thừa hành. Chúa bảo ta chỉ tìm được sự bình an và hạnh phúc thực sự khi sống trong gương mẫu khiêm tốn phục vụ. Chúa chỉ cho ta thấy việc làm vĩ đại thật, không phải là việc phô trương cho người khác biết đến, nhưng được tìm thấy trong việc quên mình để phục vụ tha nhân. Và đó là một nghịch lý của Kitô giáo. Để nhắc nhở cho mình và cho hàng giáo sĩ và giáo dân lời Chúa dạy về việc khiêm tốn phục vụ, các Đức giáo hoàng thường thêm châm ngôn La tinh Servus servorum, có nghĩa là đầy tớ của các đầy tớ vào trước chữ kí tên.
Lời cầu nguyện xin cho được noi gương khiêm tốn phục vụ: Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Chúa.
Chúa đã đến thế gian làm người để dạy bảo nhân loại
bài học phục vụ trong khiêm hạ.
Xin tha thứ những lần con tỏ ra tự kiêu, tự đại và tự phụ
với những người anh chị em con.
Xin dạy con biết nhận ra sự hiện diện của Chúa
nơi người anh chị em con,
những người đau khổ, bất hạnh về thể xác và tinh thần
để con biết phục vụ trong khiêm tốn. Amen.
Lm Trần Bình Trọng

SUY NIỆM 5: BƯỚC THEO CHÚA GIÊSU TRONG KHIÊM HẠ


Sau khi biến hình, Chúa Giêsu cùng với các môn đệ từ trên núi xuống tiến về Giêrusalem để sống Lễ Vượt Qua cái chết và sự phục sinh của Người. Trước thảm kịch đau thương đang chờ đợi và biết trước cái chết ở Giêrusalem, đối với các môn đệ, niềm tin cần phải được Chúa củng cố, Người loan báo cuộc thương khó lần thứ hai cho các ông, nhưng Người nhấn mạnh hơn đến sự đánh bại thần chết vào sống lại vinh quang.
Nhưng các môn đệ nào đâu có hiểu, dọc đường tới ở Capharnaum họ vẫn tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất. Câu trả lời của Đấng Cứu Thế từ đó đến nay vẫn làm chúng ta ngạc nhiên: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mc 9,37). Như thế kẻ lớn nhất sẽ là người phục vụ mọi người và Nước Thiên Chúa dành cho những ai đón nhận các trẻ nhỏ.         
Đoạn Tin Mừng này không phải hai phần khác biệt: phần thứ nhất Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn, phần thứ hai Chúa giáo huấn các môn đệ. Đây chỉ là một diễn từ chúng ta có thể gọi là: “Thập giá của Chúa Giêsu và hậu quả của các môn đệ”. Trở thành đầy tớ, đón tiếp trẻ nhỏ nhân danh Chúa Giêsu là hai hành động mà Chúa Giêsu, nhẹ nhàng nhưng cương quyết dạy các môn đệ phải “thi hành” cùng lúc. Thi hành để bắt chước Chúa Kitô, theo Chúa đến chân Thập giá, và như Chúa, trở nên tôi tớ phục vụ mọi người, “Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết và làm đầy tớ mọi người “(Mc 9, 35).
Từ ngày Con Thiên Chúa nhập thể bước vào lịch sử loài người sau một chặng đường dài, từ cái nôi Belem để “cái nôi” trên đồi Calvariô ở Giêrusalem, đỉnh cao là (cây Thập giá). Những tiêu chí để đánh giá giá trị và nhân phẩm của con người hoàn toàn đảo lộn: phẩm giá của một người không tùy thuộc vào vị trí người ấy đang có, hay chức vụ người ấy thi hành… Sự vĩ đại của con người không lệ thuộc vào cái làm cho người ta quan trọng, nhưng dựa trên sự phục vụ người ấy làm đối với Thiên Chúa và tha nhân để tỏ bày vinh quang, sự tốt lành và tình yêu của Chúa.
Đón nhận là một phương tiện làm thi hành việc phục vụ này. Thánh sử Marcô dùng động từ “đón nhận” vào những dịp khác nhau với cách thức khác nhau, nhưng tất cả đều qui về một mối. Thánh sử nói với chúng ta về thái độ đón nhận Lời Chúa (x. Mc 4,20), đón nhận Nước Thiên Chúa (x. Mc 10,15). Đón nhận có nghĩa là lắng nghe, sẵn sàng, đón nhận Đấng Vô Cùng trở thành Hài Nhi, đón nhận các trẻ nhỏ còn trong nôi, phản ánh của trời cao.
Đem một em bé đặt giữa các môn đệ, ôm nó, Chúa Giêsu dạy các ông một bài học. Đứa trẻ Chúa ôm lấy là chính Người, vì Người là dấu chỉ Chúa Cha sai đến. Trẻ em là dấu chỉ lòng trắc ẩn của Thiên Chúa và sự vâng phục đầy tình con thảo đối với Con Một Chúa đã trở nên bé nhỏ vì yêu thương và chịu đóng đinh trong sự vâng phục giữa những kẻ gian ác. Hài Nhi ấy đến từ Thiên Chúa; những lời sau đây của Chúa Giêsu: ( “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình Thầy. Và ai đón tiếp Thầy, thực ra không phải đón tiếp Thầy, nhưng là đón tiếp Đấng đã sai Thầy “Mc 9,37) thật rõ ràng: đứa trẻ đặt giữa các ông là hình ảnh của Chúa Kitô, đồng thời cũng là hình ảnh của người kitô hữu, hơn nữa là hình ảnh của chính Thiên Chúa. Đón nhận trẻ nhỏ nhân danh Chúa Kitô là đón nhận mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Tin Mừng hôm nay là một bài giáo lý nhấn mạnh đến nhân tính của Con Thiên Chúa: Chúa Giêsu là Con của loài người. Đó là lý do tại sao cái chết và sự phục sinh của Chúa là những điều cụ thể, có thật. Chúa không trách các môn đệ nhưng giải thích cho các ông về cách thức của người đứng đầu: đón nhận trẻ nhỏ là đón nhận chính Chúa và Chúa Cha (x. Mc 9,37).
Các môn đệ phải khó khăn lắm mới hiểu rằng bước theo Chúa Giêsu đồng nghĩa với việc từ bỏ mình vác thập giá mình mà bước, nên họ sợ. Chúng ta cũng thế, chúng ta sợ hiểu, không phải chúng ta không hiểu, nhưng vì chúng ta không muốn hiểu. Em bé được đặt giữa các môn đệ là dấu chỉ nhiệm mầu tự hủy của một vì Thiên Chúa nộp mình cho con người. Nghĩa cử đón nhận “trẻ nhỏ” chứng thực lòng mộ mến Đấng Vô Cùng đã trở nên Hài Nhi bé nhỏ cho chúng ta và vì chúng ta.
Trong cuộc Thương Khó chúng ta thấy có lòng thương xót. Không có tình yêu nào cao cả và lớn lao hơn là trở nên nhỏ bé và trao dâng chính mình vì bạn hữu, bước lên thập giá và tự hào, như thánh Tông Đồ Phaolô khao khát: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì ngoài thập giá của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta “(Gal 6,14). Nhưng khi nói đến thập giá, nó không chỉ là hai miếng gỗ, nhưng là toàn thể loài người. Chúng ta là thập giá của Chúa Giêsu, vì khi dang tay ra, con người được coi như là hình hài của cây thập. Trong thực tế, đó là tất cả tình yêu mà Chúa Giêsu đã chấp nhận khi đến với chúng ta, mang vào thân cho đủ mức để sinh ơn cứu độ đời đời cho chúng ta.
Vì thế, việc theo Chúa luôn đòi con người phải có sự hoán cải sâu xa, thay đổi lối sống và suy nghĩ, mở rộng con tim để lắng nghe và biến đổi nội tâm. Nơi Thiên Chúa không có sự kiêu ngạo, chỉ có yêu thương và ban sự sống. Con người tuy bé nhỏ, nhưng lại khao khát được coi là cao cả, được chiếm chỗ nhất, trong khi Thiên Chúa không do dự hạ mình xuống, trở nên người rốt cùng.
Lạy Mẹ Maria, chúng con tín thác khẩn cầu Mẹ là Ðấng hoàn toàn sống hợp với Thiên Chúa, xin dạy chúng con trung thành theo Chúa Giêsu trên con đường yêu thương và khiêm hạ.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

SUY NIỆM 6: HÃY CÙNG DÌU NHAU TIẾN BƯỚC


Tại thế vận hội đặc biệt Seattle (dành cho những người tàn tật) có chín vận động viên đều bị tổn thương về thể chất và tinh thần, cùng tập trung trước vạch xuất phát để tham dự cuộc đua 100m.
Khi súng hiệu nổ, tất cả đều lao đi với quyết tâm chiến thắng. Trừ một cậu bé. Cậu cứ bị vấp té liên tục trên đường đua. Và cậu bật khóc. Tám người kia nghe tiếng khóc, giảm tốc độ và quay lại nhìn. Rồi họ quay trở lại. Tất cả không trừ một ai! Một cô bé bị hội chứng Down dịu dàng cúi xuống hôn cậu bé:
- Như thế này em sẽ thấy tốt hơn.
Cô nói xong, cả chín người cùng khoác tay nhau sánh bước về vạch đích.
Khán giả trong sân vận động đồng loạt đứng dậy, những người chứng kiến vẫn còn truyền tai nhau câu chuyện cảm động này.
Cuộc đua nào cũng cần chiến thắng. Nhưng chiến thắng không phải là tất cả, mà ý nghĩa thật sự của cuộc sống là ở chỗ ta giúp đỡ người khác cùng vươn lên, dù ta phải chậm một bước. Bởi lẽ đó, nền văn minh thực sự  chỉ có khi con người cùng dìu nhau tiến bước. Không để ai ở lại phía sau. Không đạp đổ ai ngã quỵ.  Nhưng cùng nhau vun trồng cây tình thương giữa nền văn minh hôm nay. Cuộc đời sẽ không còn khoảng cách quá xa giữa người giầu và người nghèo, và phẩm giá con người được tôn trọng khi nhân loại biết xiết chặt vòng tay và dìu nhau tiến bước.
Nhưng đáng tiếc cho nhân loại chúng ta, có quá nhiều người tham quyền cố vị. Họ cần địa vị, cần có chức, có quyền để “ăn trên ngồi trốc” thiên hạ. Họ đua nhau leo lên đài cao danh vọng để hưởng những đặc quyền, đặc lợi mà chức tước sẽ mang lai cho họ. Vì quyền, vì lợi mà biết bao người đã chẳng ngại lừa thầy, phản bạn, sống vô ơn, phản phúc. Vì bổng lộc mà biết bao người đã chẳng sợ đánh mất nhân phẩm của mình để chà đạp người dưới và tâng bốc, luồn cúi cấp trên. Có mấy ai sống vị tha, sống quên mình vì lợi ích đồng loại?
Năm xưa, Chúa Giêsu đã rất đau buồn khi nghe các môn đệ thân tín của mình đang kèn cựa nhau địa vị và bổng lộc. Nỗi lòng của Thầy, các môn sinh đâu muốn chia sẻ. Chúa Giêsu thật cô đơn. Cô đơn vì chẳng ai hiểu mình. Cô đơn vì các môn sinh vẫn còn đó bản tính vụ lợi. Chẳng ai nên giống Thầy Chí Thánh. Thầy quên mình vì lợi ích nhân sinh. Trò lại lo vinh thân phì gia. Thầy đang đi dần đến đỉnh cao của hiến tế để cứu độ nhân loại, các môn sinh lại tìm kiếm vinh hoa phú qúy trần gian.
Chúa Giêsu đã không ngần ngại đặt thẳng vấn đề với các môn sinh: “Dọc đường anh em bàn tán điều gì vậy?”. Các ông im lặng làm thinh. Im lặng vì có mấy ai trong lòng không chứa đầy những toan tính vụ lợi. Có mấy ai thanh sạch lòng ngay trước danh vọng mà các ông tưởng chừng như sắp đến tay mình? Im lặng để lắng nghe. Lắng nghe lòng mình để thấy rằng tính tham sân si vẫn còn đó sau bao ngày tháng theo Thầy tầm đạo. Lắng nghe lời Thầy giáo huấn để sửa đổi và bước đi theo gương Thầy chí thánh đã đi.
Chúa buồn nhưng không trách mắng. Chúa kêu gọi các ông thay đổi cách suy nghĩ chứ không ra lệnh. Chúa mời gọi các ông: “ai làm lớn hãy hết mình phục vụ”. Phục vụ với thái độ như một người đầy tớ. Phục vụ không phân biệt sang hèn. Đỉnh cao của phục vụ là không toan tính theo kiểu “hòn đất ném đi, hòn chì ném lại”. Chúa Giêsu dùng hình ảnh trẻ nhỏ để tượng trưng cho những con người tay trắng, yếu đuối và chắc chắn không có gì để đền ơn đáp nghĩa. Họ mới cần chúng ta giúp đỡ. Họ mới thực sự có nhu cầu để van xin lòng tốt của chúng ta. Họ mới thực sự là đối tượng mà Chúa cần chúng ta rộng tay giúp đỡ. Chúa còn đồng hoá họ trở nên chính Chúa. Thế nên, ai tiếp đón họ là tiếp đón chính Chúa. Và ngược lại, ai từ chối họ là từ chối chính Chúa.
Đó chính là sứ điệp mà Chúa Giêsu hằng ao ước các môn sinh của mình phải suy đi nghĩ lại trong cuộc đời và đem ra thực hành với trọn lòng mến yêu. Đó chính là nét đẹp của người kytô hữu sống đạo theo gương Thầy chí thánh Giêsu. Chính Chúa đã từ bỏ địa vị ngang hàng với Thiên Chúa để mặc lấy thân phận con người như chúng ta, và qua đó thánh hoá chúng ta trở thành con cái Thiên Chúa. Chính Chúa đã cúi xuống rửa chân cho các môn sinh để từ nay “kẻ làm lớn phải trở thành kẻ phục vụ như một đầy tớ” theo gương Thầy đã để lại.
Có lẽ cuộc đời sẽ hạnh phúc hơn khi mỗi người biết từ bỏ tham sân si, để sống bác ái vị tha. Cuộc đời sẽ hết khổ đau bởi ganh ghét, tị hiềm và nhân loại sẽ cùng đan tay nhau xây dựng một thế giới đầy yêu thương. Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết dùng khả năng, địa vị Chúa ban để phục vụ lẫn nhau trong yêu thương chân thành.
Nguyện xin Chúa là Đường dẫn đến sự thật và sự sống dẫn dắt chúng ta bước đi trên con người mà Chúa đã đi để mỗi ngày chúng ta được trở nên giống Chúa hơn. Amen
Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

SUY NIỆM 7: CON ĐƯỜNG THEO CHÚA


Nếu có dịp xem bộ phim Tây Du Ký, chúng ta thấy có hai màn đối nghịch nhau: Màn đầu: diễn tả cảnh tranh bá đồ vương khủng khiếp của Ngộ Không. Màn sau: diễn tả những việc phục vụ rất đắc lực của Ngộ Không. Thật thế, dù đã học được 72 phép biến hóa, rồi đi thống trị các lân bang. Nhưng Ngộ vẫn chưa hài lòng, Ngộ còn đòi lên trời làm Tề Thiên Đại Thánh: Tề Thiên là bằng Trời, Đại Thánh là cao sang vĩ đại nhất. Chỉ đến khi bị đè bẹp dưới tảng đá lớn suốt 500 năm mới thấy mình bất lực và ăn năn cải thiện. Khi đã cải thiện, Ngộ được cứu thoát và gia nhập phục vụ đoàn đi tìm chân lý. Và nhờ biết đi vào con đường phục vụ như tôi tớ, Ngộ Không đã giúp cho cả đoàn tới được Tây Phương và tìm được chân lý hạnh phúc.
Đoạn tin mừng mà chúng ta vừa nghe cũng diễn tả một vở kịch có hai cảnh mâu thuẫn nhau như vậy: một cảnh phục vụ, một cảnh tranh chấp. Thật vậy, hôm nay, khi đang băng qua miền Galilê, Thầy Giêsu đi trước, đoàn Tông đồ tiến bước theo sau. Một hình ảnh thật đẹp nhưng chỉ tiếc có một điều: thầy trò cùng sánh vai mà không chung bước, thầy trò cùng đồng hành nhưng không đồng tâm. Bởi vì mỗi người đều nuôi dưỡng một tâm tư và theo đuổi những ước mơ khác nhau. Thầy Giêsu thì quyết tâm chọn lựa sống chết cho chân lý và tình thương, trong khi đó các học trò lại bận tâm tranh cãi, giành giật nhau về địa vị và danh vọng. Đang khi Chúa nhấn mạnh đến hy sinh, thì các môn đệ lại lo đi tìm lợi lộc, ảnh hưởng cho riêng mình. Chúa Giêsu đang nghĩ đến việc phải hiến mình ra nhưng không, còn nơi các Tông đồ thì tham vọng ngôi thứ, và họ xì xầm bàn tán xem ai sẽ là người làm lớn trong Nước Trời. Bởi vì, trong thâm tâm các ông vẫn luôn nghĩ rằng Chúa Giêsu sẽ làm một cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị của Đế Quốc La Mã và tái lập một vương quốc Israel hùng mạnh. Lúc bấy giờ, chắc chắn các ông, chứ không ai khác, sẽ được tân vương Giêsu bổ nhiệm vào 12 chức vụ quan trọng trong điều đình. Vì mang não trạng như thế, nên không lạ gì dọc đường các ông đã “giành ghế” với nhau. Ai sẽ là tể tướng ? Ai sẽ là Quân sư ? Ai sẽ là Phò mã ? ai là người lớn nhất, oai nhất trong vương quốc của Thầy mình. v.v...Các ông vẫn xem việc theo Chúa Giêsu là để được hưởng vinh hoa, phú quý và quyền lực mà bỏ ngoài tai những lời loan báo về đường khổ nạn của Chúa. Nước Trời đối với các ông là nơi mà ở đó, các ông đóng vai của những quan lớn oai phong lẫm liệt, là nơi để các ông vinh thân phì da. Hoá ra, theo Thầy bấy lâu nay, các ông vẫn chưa giác ngộ một điều, việc bước theo Thầy là bước theo đường phục vụ hy sinh, là bước theo đường khổ giá để mưu ích cho đồng loại.
Chính trong hoàn cảnh ấy, Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ mình một bài học, bài học thật bất ngờ: “Ai muốn làm lớn thì phải làm người rốt hết và làm tôi tớ mọi người”. Với lời dạy này, Chúa Giêsu muốn làm đảo nghịch quan niệm và cách nhìn của các môn đệ. Theo quan niệm của Chúa người làm lớn phải trở nên người rốt hết, trở nên đầy tớ của mọi người. Theo Chúa người ta không được đánh giá bởi địa vị, quyền uy, chức tước, danh vọng, nhưng người tông đồ được tôn trọng, được đề cao là do sự phục vụ tốt cho tha nhân và sự hữu ích cho xã hội, cho con người. Và con đường để được vinh quang là con đường phục vụ, con đường yêu thương và quảng đại với mọi người. Một Tề Thiên Đại Thánh làm rúng động cả thiên đình bằng 72 phép thần thông để xưng hùng xứng bá, nhưng rồi chỉ để chuốc lấy thất bại thảm hại 500 năm dưới chân núi Ngũ hành và cũng chính nhân vật ấy đã được thoát kiếp Thạch hầu trở thành Thánh Đấu Phật khi đem sở học của mình phục vụ cho người khác trên những chặng đường sang Tây trúc thỉnh kinh.
Chính cuộc đời của Chúa Giêsu là tấm gương sáng cho các môn đệ và mỗi người chúng ta bằng cách Ngài đã khước từ chức vị cao trọng, chấp nhận làm người để yêu thương và phục vụ người khác. Con đường của Chúa là con đường khiêm tốn, phục vụ, hữu ích cho xã hội và cho con người. Con đường của Chúa là con đường lưu tâm đến người nghèo, kẻ tàn tật, neo đơn, kẻ không nhà không cửa, bơ vơ…vv.. Con đường của Chúa là con đường khiêm nhu nhỏ bé và khó nghèo. Để qua đó, Chúa chỉ cho nhân loại thấy con đường yêu thương, con đường phục vụ là con đường đẹp nhất, là con đường đưa tới sự sống mới và mang lại hạnh phúc, vinh quang cho con người.
Ước gì qua lời Chúa hôm nay, mỗi người chúng ta từ đây biết đi theo con đường của Chúa, con đường tự hạ thành người rốt hết và hủy mình ra không, để thân phận bọt bèo của con người được phục hồi, nâng dậy và cứu sống. Thì chúng ta dù ở địa vị nào, chức vụ nào cũng biết sống khiêm nhường phục vụ, biết dùng đôi tay để phục vụ chứ không dùng quyền hành để cai trị. Biết dùng con tim để yêu thương chứ không dùng sức mạnh, dùng quyền bính để lãnh đạo. Có như thế chúng ta mới xứng đáng đạt tới vinh quang mà Thiên Chúa đã dành sẳn cho mỗi người chúng ta trong Nước Trời. Amen.
Lm Paul Nguyễn Nguyên

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây