CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B

Thứ bảy - 27/07/2024 06:45


CHÚA NHẬT XV
II THƯỜNG NIÊN NĂM B

2 V 4,42-44; Êp 4,1-6; Ga 6,1-15

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới.
Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?” Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.
Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: “Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi”. Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.
Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: “Thật ông này là Ðấng tiên tri phải đến trong thế gian”. Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1: Thiên Chúa yêu thương loài người – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
Suy niệm 2: Yêu quý mảnh bánh vụn - Lm. Jos Nguyễn Hữu An
Suy niệm 3:Tình yêu hành động - Lm. Antôn
Suy niệm 4: Chúa Kitô, lương thực sự sống vĩnh cửu - Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Suy niệm 5: Quyền năng của tình yêu làm nên phép lạ - Lm. Vũ Xuân Hạnh
Suy niệm 6: -  Lm. Gioan Lê Quang Tuyến
Suy niệm 7: Hóa bánh nhiều - Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
Suy niệm 8: Cơm bánh hằng ngày – Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

SUY NIỆM 1:  THIÊN CHÚA YÊU THƯƠNG LOÀI NGƯỜI

Lời Chúa: “Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tùy thích” (Ga 6,11).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 17 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng và biểu lộ tình yêu thương của Người đối với loài người. Qua đó, Chúa mời gọi chúng ta hãy cộng tác với Người trong việc phục vụ con người:
Chúa xưa hóa bánh ra nhiều,
Để nuôi dân chúng tin yêu theo Ngài.
Còn nay máu thịt Thiên sai,
Nên nguồn lương thực cho ai tin dùng.
Bước đi theo Chúa đến cùng,
Ngày sau sẽ được hưởng chung tiệc trời.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta xác tín vào tình thương và sự quan phòng của Chúa. Đồng thời, biết quan tâm đến nhu cầu của anh chị em đồng loại và kết hiệp với Chúa mỗi ngày qua rước lễ. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng giàu lòng thương xót. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng được ăn no nê. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa mời gọi chúng con cộng tác với Chúa trong việc vụ con người. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu thương của Thiên Chúa luôn được thể hiện qua việc thi ân giáng phúc và chăm sóc đoàn chiên. Ngài dẫn chúng về đồng cỏ xanh tươi, về dòng suối mát để chúng được ăn uống no nê thỏa thích. Điều đó cho chúng ta thấy qua sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay: “Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, ai muốn bao nhiêu tùy thích”.
Thưa anh chị em, tác giả sách các Vua trong bài đọc 1 hôm nay thuật lại cho thấy biến cố đã xảy ra trong thời kỳ có nạn đói kéo dài 7 năm, một sự kiện ngặt nghèo chung của xứ sở. Bảy năm mất mùa, bảy năm đói khổ. Những cố gắng của con người hầu như tuyệt vọng. Số phận của hằng trăm môn đệ ngôn sứ Êlisê cũng không hơn gì. Họ đang bị đói. Nhờ lòng quảng đại và tin tưởng tuyệt đối vào Thiên Chúa, từ hai mươi chiếc bánh nhỏ mạch nha và lúa mì do một nông dân đến từ Baal salisa tiến dâng, ngôn sứ Êlisê giúp hàng trăm người ăn no và vẫn còn dư.
Phép lạ được ngôn sứ Êlisê thực hiện trong thời Cựu ước, tiên báo việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều trong Tân ước, để nuôi sống nhiều ngàn người ăn no nê. Đây là dấu chỉ lòng thương xót và sự quan tâm đặc biệt của Thiên Chúa đối với loài người. Giữa cảnh núi rừng với một số đông dân chúng theo Chúa Giêsu, Người chạnh lòng thương xót họ và đã khéo léo gợi lên trong lòng các môn đệ một vấn nạn lương tâm: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?”. Người hỏi như vậy có ý thử các ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Dường như các môn đệ đã lặng thinh trước vấn nạn Thầy Giêsu đặt ra. Họ im lặng vì “lực bất tòng tâm”. Họ im lặng vì chưa cảm thấy trách nhiệm liên đới với người khổ đau. Philipphê thưa: “Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”, nói chi đến năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá. Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: “Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người”. Tuy con người hoàn toàn bất lực, không giải quyết được vấn đề, nhưng Thiên Chúa lại muốn cần đến sự cộng tác của con người: một người vô danh mang đến cho Êlisê 20 chiếc bánh đầu mùa; một bé trai có 5 chiếc bánh lúc mạch và 2 con cá. Em sẵn sàng cho hết những gì mình có dù ít ỏi. Những cái bé nhỏ và ít ỏi này đã được Thiên Chúa chúc phúc, sẽ trở nên sự phong phú khởi đầu của một phép lạ lớn lao cho mọi người không những no thỏa mà còn dư thừa. Chúa Giêsu nói: “Cứ bảo người ta ngồi xuống”. Từ năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu đã làm phép lạ ngoạn mục hóa bánh ra nhiều để nuôi dân chúng. Qua đó Chúa biểu lộ tình yêu thương của Người đối với loài người.
Chuyện kể rằng:  Trong một cuộc thi quốc tế dành cho các trẻ em khuyết tật, sau tiếng súng lệnh, chín em bắt đầu cuộc thi chạy 100m. Tất cả đều chạy vui vẻ, và rất cố gắng. Bỗng nhiên, một cậu bé bị vấp té. Em vội đứng lên và chạy tiếp, cố chạy cho kịp với các bạn. Nhưng rồi em lại bị té lần nữa, khoảng cách bây giờ lớn hơn. Em không chạy nữa mà ... khóc! Nghe thấy tiếng khóc, tám em kia liền dừng lại, rồi quay trở lại, đến bên cậu bé. Một cô bé cúi xuống hôn cậu và nói: “Không sao đâu, tốt thôi!”. Và lần này chín đứa trẻ cầm tay nhau cùng chạy về đích.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Tình liên đới mà những người lành mạnh không thể làm được thì chín em tật nguyền đã làm được. Chúa đã làm phép lạ từ năm chiếc bánh và hai con cá của một em bé. Hôm nay, Chúa cũng muốn chúng ta hợp tác với Người thực hiện những phép lạ Người đã làm bằng tình yêu thương và tình bác ái đối với tha nhân. Trước tình hình những người già neo đeo đơn, những người đau yếu bệnh tật, những người nghèo không nhà không cửa, không nơi nương tựa. Đáp lại lời mời gọi của Chúa: “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?”. Chúng ta đã làm được gì cho họ?
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã biểu lộ quyền năng và tình thương bao la của Chúa dành cho nhân loại. Xin Chúa giúp chúng con biết ý thức và quảng đại cộng tác trong những công việc chung của Giáo hội và xã hội, nhằm làm vinh danh Thiên Chúa và mưu ích hạnh phúc cho con người. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: YÊU QUÝ MẢNH BÁNH VỤN.

Phép lạ hoá bánh ra nhiều được bốn thánh sử ghi lại cả trong bốn Phúc âm (Mt. 14,13-21; Mc. 6,31-34; Lc 9,10-17; Ga 6,1-13). Matthêu và Maccô còn kể thêm Chúa làm phép lạ lần thứ hai nữa (Mt 15,32-38;Mc 8,1-10).
Nhìn thấy đám đông, Chúa Giêsu chạnh lòng thương. Họ đói khát, nghèo khổ, bệnh tật, bơ vơ. Họ đi tìm Chúa để được chữa lành, được an ủi, được dạy dỗ. Chúa đã yêu thương họ và muốn tặng cho họ một bữa tiệc đơn sơ bất ngờ ở ngoài trời. Ta mua đâu bánh cho họ ăn đây? Chúa muốn đưa các môn đệ đi vào mối bận tâm của Ngài, cần sự cộng tác. Các môn đệ thất vọng vì chỉ có 5 chiếc bánh lúa mạch và 2 con cá nhỏ. Phản ứng các môn đệ được ghi lại trong 4 phúc âm: – Matthêu: Ở đây chúng tôi chỉ có 5 chiếc bánh và 2 con cá thôi. – Marcô: Thế chúng tôi phải đi mua 200đ bạc bánh mà cho họ ăn sao? – Luca: Chúng tôi không có hơn 5 chiếc bánh và 2 con cá, hoạ chăng là chúng tôi phải đi mua thức ăn cho cả toàn dân này – Gioan: Philipphê thưa: Có mua hết 200đ bạc bánh cũng chẳng đủ phát cho mỗi người một miếng nhỏ. Anrê nói: Ở đây có một em bé có 5 chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nhưng với bằng ấy người thì thấm vào đâu!
Phản ứng của các môn đệ là bế tắc, muốn thoái thác phủi tay. “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy giải tán đám đông, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn” (Mt 14,15) Đó là giải pháp hợp lý. Lo cho hàng ngàn người ăn là ngoài khả năng các môn đệ. Đó cũng là giải pháp nhẹ nhàng, ai lo phần nấy, tự đi mua lấy thức ăn. Nhưng đó là giải pháp không được Chúa Giêsu chấp nhận. Chúa muốn các môn đệ nhận lấy trách nhiệm: Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn đi.
Đức Giêsu cầm 5 chiếc bánh và 2 con cá hướng nhìn về trời cao, đọc lời chúc tụng thì những bế tắc âu lo của các môn đệ đã được giải toả. Đám đông ăn no nê.
Phép lạ xảy ra do quyền năng Thiên Chúa và sự cộng tác của con người. Chúa không làm phép lạ ngay tức khắc biến bánh và cá thành một núi thức ăn để người ta tự do đến lấy. Chúa cũng không tự tay phân phát lương thực. Chúa trao bánh và cá cho các môn đệ.Các môn đệ trao cho mọi người. Mọi người trao cho nhau. Đó là bài học lớn lao của phép lạ hoá bánh. Khi mọi người chia sẻ cho nhau, quan tâm giúp đỡ nhau trong tình thương, biết bẻ ra, trao đi thì Chúa Giêsu làm phép lạ hoá nhiều.
Anh em hãy thu lấy những miếng thừa kẻo phí đi. Với 5000 người không để đàn bà con nít, vậy số người rất đông, cả một rừng người. Có cả ngàn ngàn chiếc bánh được phát ra. Bánh nhiều như vậy tại sao Chúa lại tiếc những miếng bánh vụn còn dư? Tại sao Chúa lại bảo thu lại những mảnh vụn?
Chắc chắn nguyên nhân của phép lạ hoá bánh ra nhiều là “Ta thương đoàn dân này”, vì “Ta không muốn để họ đói”, vì “Ta sợ rằng họ lả dọc đường” (Mt 15,32). Chúa Giêsu quý những mẫu bánh vụn vì nó là phép lạ của Chúa. Nó là tình thương, là ơn sủng, là ơn cứu độ của Chúa trao ban. Tình yêu và ân sủng như ngọn pháo bông, khi tung vỡ trên bầu trời thành trăm ngàn vụn nhỏ thì càng rực rỡ huy hoàng. Khi tấm bánh được bẻ ra trên bàn thờ nó trở thành nhỏ bé mỏng manh nhưng vẫn đầy tràn quyền năng và ơn thánh. Khi hiến lễ đền tội cho nhân loại của Đức Kitô trên đồi Calvê tan ra, vóc dáng Người sụp xuống thì cũng chính là lúc ơn cứu độ như nắng vỡ, lan ra chảy tràn kín vũ trụ.
Chúa Giêsu quý những mảnh bánh vụn, Chúa bảo các môn đệ thu lại để dạy chúng ta đừng lãng phí ân huệ Chúa ban. Sức khoẻ, thời gian, tài năng, trí tuệ đều là ân huệ được ban tặng, cần trân trọng nâng niu gìn giữ. Trong ơn sủng của Chúa không có gì là những mẫu vụn bé nhỏ tầm thường.
Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận đã từng khuyên rằng: “Muốn nên thánh, con hãy làm những việc thường, có khi xem ra vô ý nghĩa nhất. Nhưng con đặt vào đó tất cả niềm mến yêu của con”(ĐHV 814). “Nhìn cây cổ thụ sum sê, con đừng quên rằng, từng trăm năm trước nó đã khởi sự từ một hạt giống tí ti” (ĐHV 816). “Tự nhiên có ai lên đỉnh núi Hy-mã-lạp-sơn được? Tự nhiên có ai lên cung trăng được? Thử thách, hiểm nguy, ôn luyện, chuyên cần mỗi ngày, nhiều ngày mới đạt được đích họ hy vọng” (ĐHV 817).
Lm. Jos Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 3: TÌNH YÊU HÀNH ĐỘNG

Bài Tin mừng hôm nay thuật lại việc Chúa Giêsu làm phép lạ hóa bánh ra nhiều. Trình thuật này không chỉ diễn tả cho chúng ta thấy quyền năng của Thiên Chúa, nhưng còn hàm chứa nhiều ý nghĩ sâu xa khác. Một trong những ý nghĩa đó là, minh chứng cho ta thấy tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Khi thuật lại phép lạ này, Thánh sử Gioan đã khéo léo diễn tả cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa mang hai đặc điểm nổi bật sau:
Thứ nhất, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu thực tế. Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho con người không chỉ nằm nơi “đầu môi chót lưỡi”. Tình yếu ấy cũng không chỉ lẩn quẩn trong trái tim của Ngài mà thôi. Tin mừng nói rõ, Ngài không chỉ chạnh lòng thương nhưng đã hành động, đã làm phép lạ.
Thật vậy, tình yêu mà không có hành động chỉ là một tình yêu khô cứng. Cho nên khi nói đến mến Chúa và yêu người thì ta phải nghĩ ngay đến việc tôi phải làm gì để minh chứng cho điều ấy. Cha mẹ, vợ chồng, con cái và anh chị em ruột thịt, là những người tôi thương mến; vậy tôi đã làm gì để chứng minh là tôi yêu thương họ? Và tôi đã làm gì để chứng tỏ tôi yêu giáo xứ của tôi, yêu Giáo Hội và đồng loại của tôi?
Tình yêu mà chúng ta dành cho nhau cần những cái thực tế như vậy thưa anh chị em. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta xét lại điều ấy, và mỗi người hãy tự trả lời cho chính mình.
Và đặc điểm ni bật thứ hai mà Gioan muốn diễn tả đó là, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu quảng đại với hết mọi người. Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều không chỉ để cho các tông đồ hay cho những người Ngài thương mến, nhưng là cho tất cả mọi người. Ngài không phân biệt trong đám đông năm ấy ai giàu ai nghèo. Ngài cũng không quan tâm là những ai theo Ngài vì lòng yêu mến, và những ai theo Ngài chỉ để bắt bẻ Ngài. Tình yêu quảng đại là thế.
Và chúng ta cũng được mời gọi sống tình yêu Kitô giáo một cách quảng đại như thế với hết mọi người: không phân biệt lương hay giáo, lạ hay quen, giàu hay nghèo, thù hay bạn…
Nhưng điều quan trọng vẫn là làm sao chúng ta có thể sống một tình yêu thực tế và quảng đại như lời mời gọi của Chúa hôm nay được?
Thưa điều đầu tiên là chúng ta phải cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho mình. Sở dĩ đám đông với 5000 người đàn ông, chưa kể phụ nữ và trẻ em, nhưng họ vẫn không tranh giành, không chen lấn; mà vui vẻ chờ đợi sự phân phát của các tông đồ, là vì những lời giảng dạy của Chúa Giêsu trước đó đã thấm nhuần vào tâm hồn của họ. Họ đã cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho họ. Và bây giờ họ muốn sống một tình yêu thiết thực và quảng đại như Chúa Giêsu. Đó là gì? Là nhường nhịn sẻ chia cho người khác. Cái đói, cái mệt lúc này không ngăn cản được họ thể hiện tình yêu của mình.
Đây cũng là điều mà về sau Thánh Phaolô không ngừng khuyên bảo các tín hữu thành Rôma và cả chúng ta ngày hôm nay, đó là dù gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ hay gươm giáo; ta đừng để cho bất cứ điều làm mất đi tình yêu của Thiên Chúa trong chúng ta, đừng để cho điều gì làm mất đi tình yêu của người Kitô hữu đích thực.
Ước gì Lời Chúa hôm nay trở thành một “linh đạo sống” để mỗi người chúng ta vun đắp lại tương quan của mình với Thiên Chúa. Nhờ đó, chúng ta có thể thể hiện tình yêu với tha nhân một cách triệt để theo mẫu gương của Chúa Giêsu, bằng những hành động thiết thực và quảng đại với hết mọi người. Amen.
Lm. Antôn
 

SUY NIỆM 4: CHÚA KITÔ, LƯƠNG THỰC SỰ SỐNG VĨNH CỬU


Chúng ta đang trong mùa Thường niên của phụng vụ năm B, với Tin Mừng theo thánh Mác-cô. Tuy nhiên vì Tin Mừng Mác-cô ngắn nhất trong bốn sách Tin Mừng, nên từ tuần thứ 17 đến tuần thứ 21, Giáo Hội thêm vào chương 6 của Tin Mừng theo thánh Gioan. Chương này đề cập đến dấu lạ hóa bánh ra nhiều và “Diễn từ về bánh trường sinh”.
Trong đoạn Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng suy nghĩ về bốn từ khóa.
Từ khóa đầu tiên là trách nhiệm. Đoạn Tin Mừng Gioan cho chúng ta biết, dân chúng theo Chúa Giêsu rất đông, số đàn ông là năm ngàn người, không kể phụ nữ và trẻ em. Trước một lượng người đông như vậy mà Chúa Giêsu lại hỏi các môn đệ “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”. Trong Tin Mừng Mác-cô, các môn đệ đưa ra giải pháp: “Xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào thôn xóm và làng mạc chung quanh mà mua gì ăn”. Nhưng câu trả lời của Chúa Giêsu là: “chính anh em hãy cho họ ăn đi!’” (Mc 6, 35-37).
Lời đề nghị của Chúa Giêsu với các môn đệ được hai thánh sử thuật lại tuy có khác nhau, nhưng diễn tả cùng một ý tưởng, đó là Chúa Giêsu trao cho các môn đệ trách nhiệm chăm sóc cộng đoàn. Trao cho các môn đệ trách nhiệm lo ăn cho hơn năm ngàn người, chẳng phải là một việc quá sức các ông sao? Nhưng Chúa Giêsu biết rằng, chính Người sẽ lo việc đó. Việc của các tông đồ là sẵn sàng cộng tác với Người. Có những lúc trong cuộc sống, chúng ta có cảm tưởng rằng Chúa đang trao cho chúng ta một trách nhiệm vượt quá khả năng của mình, khiến chúng ta lo lắng và muốn từ chối. Đoạn Tin Mừng hôm nay giúp chúng ta hiểu rằng, chỉ cần chúng ta khiêm tốn cộng tác với Chúa, phần còn lại Chúa sẽ hoàn thành. Và điều Chúa làm thì luôn luôn vượt quá sức tưởng tượng và mong ước của chúng ta.
Từ khóa thứ hai là chia sẻ. Ông Anrê giới thiệu cho Chúa Giêsu một cậu bé có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nướng. Có lẽ đó là bữa chiều của cậu mà mẹ cậu đã chuẩn bị. Cần lưu ý rằng lúa mạch chủ yếu được dùng làm thức ăn cho gia súc, nên bánh lúa mạch là bánh của người nghèo. Nhờ năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá nướng của cậu bé nghèo mà Chúa Giêsu đã cho hơn năm ngàn người được ăn no. Cậu bé tuy nghèo nhưng lại giàu tấm lòng khi sẵn sàng trao cho Chúa Giêsu tất cả những gì mình có. Ta thường thấy người nghèo là những người rộng rãi nhất!
Hôm nay, Chúa không đòi hỏi chúng ta phải nuôi năm ngàn người, nhưng Người vẫn luôn mời gọi chúng ta chia sẻ “năm chiếc bánh và hai con cá” của chúng ta, nghĩa là sẵn sàng chia sẻ trong khả năng của mình. Hãy quảng đại trao cho Chúa những gì chúng ta có, để Chúa thực hiện những điều tuyệt vời và lạ lùng cho những người xung quanh chúng ta và cho thế giới. 
Từ khóa thứ ba là môi trường sinh thái. Sau khi cho hơn năm ngàn người ăn no nê, Chúa Giêsu bảo các môn đệ: “Anh em thu lại những miếng thừa kẻo phí đi”. Sai các môn đệ đi thu gom những miếng thừa từ năm chiếc bánh và hai con cá, xem ra có vẻ như hơi vô ích, vì lẽ thường sẽ chẳng còn dư lại bao nhiêu. Nhưng Chúa Giêsu không quan trọng việc các môn đệ sẽ thu lại được bao nhiêu, điều Người quan tâm là “kẻo phí đi”. Các môn đệ đã vâng lời và thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn.
Rõ ràng, câu nói của Chúa Giêsu đang chất vấn xã hội tiêu dùng của chúng ta hôm nay. Tại các nước giàu, biết bao thức ăn thừa bị quăng vào thùng rác, trong khi trên thế giới vẫn còn những người đang chết đói, vẫn còn những người nghèo phải bới tìm đồ ăn trong các thùng rác công cộng. Lời Chúa mời gọi chúng ta không chỉ không lãng phí nhưng còn biết sử dụng cách tiết kiệm và quân bình các tài nguyên thiên nhiên, quan tâm và chăm sóc trái đất. Khi ý thức rằng, tất cả những gì chúng ta có là đều được Thiên Chúa ban cho, thì việc chi tiêu không hợp lý hay việc bỏ một miếng đồ ăn thừa đều là một sự phí phạm. Sống tâm tình biết ơn sẽ giúp chúng ta biết bảo vệ môi trường mình sống và chia sẻ cho tha nhân những gì mình được lãnh nhận.
Từ khóa thứ tư là Bí tích Thánh Thể. Qua những cử chỉ và lời nói khi làm dấu lạ cho hơn năm ngàn người được ăn no chỉ với năm chiếc bánh và hai con cá, Chúa Giêsu loan báo về Bí tích Thánh Thể. Khi làm dấu lạ này, Người muốn nói với chúng ta rằng, Thiên Chúa không chỉ là Đấng ban lương thực để nuôi sống thân xác con người, mà chính Người còn là lương thực nuôi sống linh hồn khi hiến thân mình cho nhân loại trong Bí tích Thánh Thể.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta sự sống và ban lương thực để nuôi sống thân xác và linh hồn chúng ta. Xin Chúa cho chúng ta biết siêng năng đến kín múc nguồn sống của Chúa nơi Bí tích Thánh Thể, để nhờ ơn Chúa, chúng ta cũng trở thành những máng thông chuyển sự sống của Chúa bằng đời sống chia sẻ với tha nhân, và ý thức trách nhiệm bảo vệ sự sống con người và môi trường.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM 5: QUYỀN NĂNG CỦA TÌNH YÊU LÀM NÊN PHÉP LẠ

Một đêm, khi máy bay vừa hạ cánh, một người đàn ông sang trọng bước ra khỏi máy bay tại một phi trường ở Ấn Độ. Điều đầu tiên đập ngay vào mắt ông, chính là những người vô gia cư đang nằm vô trật tự hai bên đường bay. Suốt ngày, đường bay hấp thụ sức nóng, để đêm về trở thành chiếc lò sưởi cho những người bần cùng này.
Sau đó, người đàn ông rảo bước trong phố đêm hoang vắng về khách sạn. Hình ảnh người khổ nghèo lại đập vào mắt ông. Đó là những thân hình co quắp trong đêm lạnh bên cạnh bàn chân đang bước đi khá thong dong của ông… Bỗng lịch kịch, lịch kịch… Những tiếng gõ khô khốc trong đêm đều đặn nhịp xuống mặt đường làm ông giật mình quay lại: Một thằng bé cụt chân hầu như đến tận háng, đang chống đôi nạng gỗ, cố gắng trườn mình thật nhanh đuổi theo ông. Ông cầm tất cả số tiền lẻ trong túi nhét vào tay thằng bé rồi quay đi… Bỗng ông nghe tiếng la thất thanh và tiếng động dữ dội một cách kỳ lạ vang lên ở phía sau. Hóa ra, thằng bé bị những kẻ “đồng hội đồng thuyền” đánh túi bụi bằng chính đôi nạng gỗ của nó. Họ cưỡng bức thằng bé để đoạt số tiền mà ông vừa cho nó. Đôi mắt của ông chợt chùng xuống, gương mặt ông đượm buồn. Khách sạn sang trọng và tiện nghi, hơn gấp ngàn lần những cảnh đời chỉ có “màn trời chiếu đất”, những cảnh đời đang chìm sâu trong giấc ngủ co quắp mà ông bắt gặp, lại không thể cho ông một giấc ngủ ngon trong đêm ấy… Nhưng chỉ với những suy nghĩ như thế, nên ông chỉ biết có vậy. Ông biết làm sao hơn!…
Ngày nọ, có một phụ nữ vừa đứng tuổi, đã đưa bàn tay của bà nắm lấy lũ người khốn cùng này. Bà dồn tất cả tiền bạc của mình thuê một căn nhà cũ kỹ. Bà đi khắp vùng, tìm lũ trẻ con đầu đường xó chợ, đem về và trao cho chúng hơi ấm của tình yêu. Đó là cách bà dùng để chiến đấu với cái nghèo, cái dốt và hung dữ của những đứa trẻ bạc phận. Bà chính là câu trả lời cho câu hỏi của người đàn ông sang trọng bên trên: “Tôi biết làm sao hơn?” Bà dạy ông biết cách nâng cao cuộc đời, không phải bằng cái đầu suy ghĩ, nhưng bằng chính trái tim hành động. Con đường từ cái đầu đến trái tim không xa, nhưng từ suy nghĩ đến hành động thì xa thăm thẳm. Xóa được khoảng cách từ suy nghĩ đến hành động, ông sẽ bình an, sẽ thấy cuộc đời đáng yêu hơn, ông sẽ hạnh phúc khi phục vụ hạnh phúc của đồng loại, và chắc chắn ông sẽ ngủ ngon.
Người đàn ông sang trọng đó không ai khác hơn là chính tác giả của câu chuyện này (trong tác phẩm “Những vùng đang phát triển”), ông Jay Kesler. Còn người phụ nữ trong câu chuyện thật sâu sắc, thật cảm động của ông không ai khác hơn là Mẹ Têrêsa thành Calcutta, nữ tu, chân phước, vị sáng lập dòng Thừa Sai Bác Ái.
Mẹ Têrêsa đã làm công việc mà trước Mẹ từ lâu, nhiều người đã làm và Thánh Kinh đã ghi lại. Bài đọc I, với 20 cái bánh lúa mạch của một nông dân, tiên tri Êlisê đã nhân lên nhiều để dọn cho 100 người ăn. Thật lạ lùng, với lao công của một con người và quyền năng của Thiên Chúa tình yêu thể hiện nơi một tiên tri, đã làm nên một bữa tiệc dư đầy. “Người ta ăn rồi mà hãy còn dư”.
Cũng vậy, chỉ với 5 cái bánh và hai con cá, công sức và hy sinh của một em bé trai đã góp phần vào lòng yêu thương của Chúa Giêsu, làm nên phép lạ diệu kỳ: 5,000 người ăn no nê mà vẫn còn dư đến 12 thúng đầy!
Mẹ Têrêsa đã trao cho Chúa tất cả bánh và cá của mình, đó chính là những đồng tiền còm cỏi của một nữ tu nghèo nhưng lại giàu tình yêu; giàu sự hy sinh; giàu lòng can đảm để mạo hiểm gánh một sức nặng vuợt sức người, đó là gánh cuộc đời anh chị em lên vai mình; giàu khối óc và con tim để dấn thân cho Chúa, dấn thân cho đồng loại… Chúa chỉ cần có thế, cần sức người cộng tác, để làm nên phép lạ cả thể, chữa lành mọi đói nghèo của anh chị em.
Nhưng không dừng lại trên sự no nê thân xác, với phép lạ hóa 5 chiếc bánh và hai con cá nuôi hơn 5,000 người ăn tại bờ hồ Tibêria, Chúa Giêsu đưa ta tiến đến một phép lạ trường cửu, một phép lạ, mà ở đó, Lương Thực của nó, không có bất cứ thứ lương thực nào sánh ví: Phép lạ Mình Thánh Chúa làm tấm bánh bổ dưỡng đời đời.
Chính thánh Gioan đã tài tình liên kết ý nghĩa của phép lạ hóa bánh nuôi hơn 5,000 người với phép lạ Bánh Trưởng Cửu. Sau khi thuật lại việc hóa bánh nuôi thân xác, thánh Gioan bắt đầu cả một chương dài (trọn chương 6) tường thuật về việc Chúa Giêsu rao giảng Bánh Hằng Sống là chính Thánh Thể của Người.
Từ nay, nhân loại, nếu muốn được sống trong cõi đời tạm này hạnh phúc, bình an, họ có một nguồn cậy trông vững chắc, một chỗ dựa không bao giờ hư hao, để giữa trăm chiều lao khổ, long đong, thử thách, họ có chốn tìm về, ngã mình vào náu nương.
Từ nay, nhân loại, nếu muốn sống trong một sức sống dồi dào, một lẽ sống phong phú, họ có một suối nguồn chân lý, một đỉnh cao của núi khôn ngoan mà hứng lấy, mà hướng tới, mà đi lên, làm tăng giá trị đời mình.
Trên hết mọi sự, từ nay, nhân loại, nếu muốn bước vào sự sống và sức sống của chính Thiên Chúa, một sự sống và sức sống đời đời không tàn, không phai, họ có cả một trời yêu thương chứa đựng một sự sống và sức sống vô cùng, để ngay từ hôm nay, trong khi hưởng sự sống và sức sống ấy, sẽ là nấc thang đưa họ về cùng Chúa.
Hóa ra, nhìn đoàn người đông đảo nghe Chúa rao giảng đang đói lả, Chúa Giêsu băn khoăn: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây?”, thì đó chính là cái băn khoăn của một trái tim đập nhịp đập của chính tình yêu Thiên Chúa, một trái tim nhân từ của Người Cha Lành lo lắng cho đàn con.
Nhưng lời hỏi của Chúa không chỉ dừng lại trên đoàn người đang đói ăn. Nó tiến xa hơn, khi nhìn đến một nhân loại đang khao khát chân lý, khao khát sự sống đích thật. Vì thế, khi ban Bánh ấy cho nhân trần, Chúa Giêsu khẳng định: “Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn Bánh này, sẽ sống muôn đời. Và Bánh Ta ban tặng, chính là Thịt Ta đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6, 51).
Chính vì phục vụ cho ý nghĩa “Bánh Hằng Sống”, thánh Gioan không bỏ qua một chi tiết quan trọng trong câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều. Chi tiết mà sau này, khi lập bí tích Mình Máu Người, Chúa Giêsu đã thực hiện. Chi tiết đó là: “Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, rồi phân phát cho những người ngồi đó?” (Ga 6, 11).
Sau này, khi lập bí tích quý trọng, cùng một nghi thức như hôm nay, Chúa đã làm cho bánh người cầm trong tay trở thành chính Bánh Thịt Máu Người. Người tự phân phát bánh nói lên sự tự hiến mạng sống của Người. Loài người không tầm thường chút nào. Ngược lại, họ cao quý quá đỗi, hạnh phúc của họ lớn lao và tuyệt vời qua đỗi: Họ được chính tay Thiên Chúa chăm lo. Họ được nuôi sống bằng chính việc tự trao ban sự sống của Người. Họ nhận được Lương Thực thần thiêng, điều mà chỉ có sức người mà thôi, sẽ chẳng bao giờ xảy ra.
Qua phép lạ hóa bánh ra nhiều, Chúa muốn dạy ta bài học của tình liên đới trong yêu thương, hiến dâng, hy sinh và cho đi. Người nông dân trong bài đọc I, trích sách Các Vua quyển thứ hai, đã dâng hiến những chiếc bánh là lao công của mình, lấy từ hoa quả đầu mùa, để tiên tri Êlisê khoản đãi hàng trăm người. Em bé trong câu chuyện phép lạ hóa bánh ra nhiều, chắc không ngờ rằng, việc dâng hiến những của cải quá nhỏ bé, nhưng là tất cả sự hy sinh của mình, đã có thể làm nên một phép lạ cả thể. Mẹ Têrêsa thành Calcutta, hoàn toàn không thể hiểu hết, với sự dâng hiến cái nghèo khó của Mẹ, (khi bắt đầu công việc, trong tay Mẹ chỉ có 3 đồng xu), đã được Chúa làm cho nên giàu có, để ngày hôm nay, khi Chúa đã gọi Mẹ về với Người, Mẹ đã để lại cho Chúa cả một công trình đồ sộ trên trần gian. Chỉ tính tại Ấn Độ, Mẹ đã hiến dâng khoảng 100 trường học được trang bị đầy đủ, trên 300 nhà phát chẩn lao động hiện đại, trên 70 bệnh viện cho người cùi, 30 viện chăm sóc người hấp hối, 30 viện chăm sóc trẻ em bị bỏ rơi, 40,000 nhân viên thiện nguyện khắp thế giới sẵn lòng giúp đỡ Mẹ trong các công tác từ thiện…
Cũng vậy, mỗi người trong chúng ta hãy học cách trao tặng những gì mà chúng ta đang có. Chúa không đợi chúng ta dư giả, giàu có mới dạy chúng ta cách cho, nhưng hãy hiến dâng ngay cả khi chúng ta nghèo nàn. Với một tâm hồn hiến dâng thực sự, cái nghèo của chúng ta sẽ được Chúa làm phép lạ để nên giàu có cho nhiều người.
Tất cả chúng ta đều sinh ra với hai bàn tay trắng. Bước vào đời, ta là những người nghèo, nghèo thực sự. Hãy nhớ kỹ điều này để đừng sống ích kỷ, nhưng luôn luôn biết hiến dâng. Chúa không kêu gọi bạn và tôi làm phép lạ như Chúa, nhưng Chúa chỉ xin ta hãy yêu, hãy cho đi, hãy hiến dâng, hãy hy sinh. Phép lạ đương nhiên sẽ xảy ra sau khi ta cộng tác với ơn Chúa bằng tất cả khả năng của mình. 
Lm. Vũ Xuân Hạnh

SUY NIỆM 6:

Từ lòng quảng đại của em bé trao ban năm chiếc bạnh và hai con cá, Chúa đã làm phép lạ để nuôi lấy hơn năm ngàn con con người khác. Một việc nhỏ đã làm nên một phép màu.
Kính thưa cộng đoàn,
Tuần qua chúng ta được chiêm ngưỡng, Chúa Giêsu như vị mục tử nhân lành, Ngài đã chạnh lòng thương xót đoàn dân của ngài như đàn chiên không người chăn dắt. Tuần này, chúng thấy được tấm lòng của người mục tử ấy, không chỉ chăm lo cho chúng ta phần hồn, nghĩa là được giáo huấn, được dậy dỗ để sống tốt, để được bình an, nhưng Ngài còn lo lắng cho chúng ta về phần xác, tức là cho chúng ta luôn được no ấm trong phương diện thể lý. Câu chuyện hóa bánh ra nhiều mà Tin Mừng theo Thánh Gioan thuật lại hôm nay chứng minh cho chúng ta điều ấy. Đám đông dân chúng thì túng quấn, bơ vơ lạc lõng như đàn chiên không người chăn dắt. Chúa đã chạnh lòng xót thương. Chúa đã nhận thấy tình trạng thật bi đát và đáng thương của họ. Họ đáng thương không chỉ vì đói khát về thể lý, tức là đói khát cơm bánh, nhưng còn đói khát về đời sống tinh thần, tức là thiếu lời Hằng sống của Chúa. Đây mới là điều cần nhất trong cuộc sống con người hôm nay.
Quả vậy, nếu quan sát thật kỹ, chúng ta có thể nhận thấy rằng, trước khi làm phép hóa bánh ra nhiều để nuôi đam đông ấy, Chúa Giêsu đã giảng dậy và trao ban cho họ Lời Hằng sống. Lời hằng sống của Chúa có sức biến đổi cuộc sống đau thương chán trường và mất hy vọng thành cuộc sống hân hoan vui sướng và chan chứa niềm vui. Lời hằng sống của Chúa còn có sức biến đối con người ích kỷ, chỉ nghỉ đến mình, thành con người của hiệp thông, dám mở lòng ra đối với anh em của mình để đón nhận, để sẻ chia.
Khi nhìm thấy đám đông dân chúng đang đói khát, Chúa đã chạnh lòng thương và thốt lên rằng “Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn? Thánh Gioan đã nói rõ với chúng ta rằng “Chúa biết việc Chúa sắp làm.” Điều ấy Thánh Gioan muốn nói với chúng ta rằng, Chúa có thể thực hiện phép lạ một mình, không cần đến sự giúp đỡ của con người. Nhưng Chúa đã không làm điều ấy. Chúa muốn con người chúng ta cộng tác với Chúa và nhất là với nhau để làm nên một phép lạ vĩ đại, phép lạ của lòng nhân ái, phép lạ của tình thương yêu, phép lạ của cuộc sống sẻ chia. Chính Thánh Augustino đã nói với chúng ta niềm tin ấy “ Khi tạo dựng nên chúng ta, Thiên Chúa không cần hỏi ý kiến chúng ta, nhưng để cứu chuộc chúng ta, Ngài cần sự cộng tác của chúng ta”.
Được cộng tác vào chương trình của Chúa, đó là một hông ân lớn lao cho con người. Từ lòng quảng đại của em bé trao ban năm chiếc bạnh và hai con cá, Chúa đã làm phép lạ để nuôi lấy hơn năm ngàn con con người khác. Một việc nhỏ đã làm nên một phép màu.
Nhìn vào cuộc sống hôm nay, chúng ta vẫn nhận thấy hoàn cảnh đáng thương của biết bao con người nghèo khổ và đói khát. Họ đói khát cơm bánh, đọi khát tình thương , đói khát công lý, đói khát nhân phẩm con người… tấ cả đang chờ đời một phép lạ và phép lạ đang chờ đợi lòng quảng đại của chúng ta.
“Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút”. Lời đáp của tông đồ Philipphe biểu lộ tâm trạng bất lực và bi quan của con người. Đó cũng là tâm lý bình thường mà chúng ta có khi phải đối diện với những hoan cảnh khó khăn tương tự. Chúng ta dễ dàng buôn xuôi, dễ dàng chán nản và dễ dàng bỏ cuộc. Chúng ta dường như đánh mất niềm tin vào sự quan phòng của Chúa. Chính sự thiếu tin tưởng này mà cuộc sống chúng ta cứ lầm than vất và và bất hạnh.
Năm 1999, giải nobel Hòa Bình dành cho một tập thể những người thiện nguyện. Đó chính là “tổ chức các thày thuốc không biên giới.” Những con người này suốt đời hiến thân cho tha nhân không phân biệt màu da, chủng tộc, tôn giáo, chính trị. Số tiền thương của họ là 980.000 đô là Mỹ cũng được dành cho những người bất hạnh trên toàn thế giới.
Thiên Chúa vẫn và đang làm cho những phép lạ hóa bánh ra nhiều để nuôi nấng đòan dân lầm than, ngang qua những bàn tay nhân ái của những con người có trái tim nhân ái “không biên giới”.
Lạy Chúa, xin biến đổi chúng con. Xin ban cho chúng con tâm lòng nhân ái, biết sẻ chia cho nhau tấm bánh cuộc đời, để tình thương ấy đước nhân rộng khắp nơi trên thế giới. Amen.

Lm Gioan Lê Quang Tuyến

 

SUY NIỆM 7: HÓA BÁNH NHIỀU

Trên vạn nẻo đường Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm và gặp gỡ những con người ấy. Chỉ cần một chút quảng đại, và một chút đóng góp của con người là đủ để Thiên Chúa thực hiện một phép lạ.
Nơi đây hoang vắng và đã muộn rồi, xin Thầy giải tán đám đông để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn, đây là một giải pháp hợp lý. Lo cho năm ngàn người ăn là ngòai tầm tay của các môn đệ, đây cũng là điều hợp lý. Tất cả đều hợp lý, nhưng lại không được Chúa chấp nhận.
Chúa muốn các môn đệ phải nhận lấy trách nhiệm. Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn. Họ đói, các con phải lo cho họ ăn. Nhưng ở đây chúng con vỏn vẹn chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá. Vậy thì đem lại đây cho Thầy. Có ít đóng góp ít, điều quan trọng là phải đóng góp phần của mình. Có ít đóng góp ít, điều quan trọng là phải bắt đầu…và một phép lạ đã xảy ra.
Tuy nhiên, chúng ta cũng phải xác nhận rằng: nếu không có năm chiếc bánh và hai con cá của em bé, Chúa Giêsu vẫn có thể làm phép lạ cho hàng ngàn người ăn no nê. Nhưng ở đây Chúa muốn cho mọi người thấy: việc hóa bánh ra nhiều không phát xuất từ số không, nhưng do sự chia sẻ đầu tiên, rất khiêm tốn, rất nhỏ nhoi của một em bé. Em có thể giữ lại những chiếc bánh và mấy con cá cho riêng mình hay cho những người thân quen. Làm như thế thì chỉ một mình em hay một vài người được ăn, nhưng em đã trao tất cả cho Chúa và Ngài đã dùng quyền năng làm cho bánh và cá hóa ra nhiều cho hàng ngàn người cùng được ăn. Như vậy, năm chiếc bánh và hai con cá của em bé là biểu trưng cho một sự cộng tác cần thiết để Chúa Giêsu làm một phép lạ.
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Trên vạn nẻo đường Thiên Chúa không ngừng tìm kiếm và gặp gỡ những con người ấy. Chỉ cần một chút quảng đại, và một chút đóng góp của con người là đủ để Thiên Chúa thực hiện một phép lạ.
– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng sự đóng góp có thể là thời gian, sức khỏe, tiền bạc cho tha nhân, cho những người cần đến chúng ta.
– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng có thể là bớt đi một chút nóng giận, một chút ghen tương , một chút hận thù.
– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng có thể là một chút khiêm nhường, bớt đi những kiêu căng, tự mãn, những phách lối trong cuộc sống gia đình và xã hội.
– Sự đóng góp ở đây, không phải lúc nào cũng là 5 chiếc bánh và 2 con cá, nhưng có thể là một chút kiên nhẫn, biết chờ đợi giờ của Chúa.
Một điều chắc chắn là ai trong chúng ta cũng mong muốn những phép lạ, bởi vì phép lạ luôn làm chúng ta ngạc nhiên, phép lạ luôn làm chúng ta phấn khởi, phép lạ luôn mang lại cho chúng ta những niềm vui.
Vậy tại sao chúng ta không chuẩn bị để mỗi ngày phép lạ đến với gia đình chúng ta?
Chắc chắn những phép lạ liên tục sẽ xảy ra trong gia đình chúng ta, trong xứ đạo chúng ta và trên quê hương chúng ta. Nếu trong gia đình, người cha biết đóng góp của mình. Nếu trong gia đình, người mẹ biết đóng góp phần của mình. Nếu trong gia đình, người con biết đóng góp phần của mình. Đó là những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua phép lạ với năm chiếc bánh và hai con cá Chúa đã cho năm ngàn người ăn no.
Có câu chuyện kể rằng:
Một vị ẩn sĩ nọ, sau 60 năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình chưa hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối. Ông quyết định rời bỏ sa mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi người. Nhưng đôi mắt Chúa lúc nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông. Biết ông đang toan tính bỏ cuộc trở về đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến với ông.
Vị sứ thần đã nói với ông như sau:”Ngươi đang toan tính điều gì thế? Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu hơn chính cuộc sống của ngươi không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể trong nơi hoang vu này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi hãy ở lại đây và xin Chúa cho ngươi thêm lòng khiêm nhường…”
Được lời của sứ thần nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông với niềm tin vững vàng rằng mỗi một giây phút qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà Thiên Chúa đang thực hiện cho ông, để rồi qua ông Thiên Chúa thực hiện những phép lạ cho những người khác. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

SUY NIỆM 8: CƠM BÁNH HẰNG NGÀY

Cơm bánh ai cũng cần mỗi ngày để sống. Lời Chúa cho thấy tiên tri Elisha cho dân bánh ăn, nhưng lần tới cội nguồn thì chính Thiên Chúa mới là Đấng cho dân bánh ăn. Thiên Chúa nuôi nấng và dưỡng dục dân Người. Thiên Chúa cũng mời gọi mỗi người hãy giúp người khác sống.
  1. Tiên tri cho dân ăn theo lệnh của Đức Chúa
Để có một chén cơm miếng bánh, con người đã phải tốn bao công lao. Từ mảnh đất khô cằn, con người đã phải cày xới, gieo hạt, vun trồng; một khi hạt lúa chín, con người tốn công lao sức lực để thu lượm, làm ra hạt, phơi nắng để có hạt lúa đạt yêu cầu. Để đến được với người dùng, bao người đã phải làm công tác chuyên chở; và rồi nhờ người nghiền bột hay nấu cơm, với bao tâm sức và tình yêu, mới có miếng cơm tấm bánh cho con người ăn và bồi bổ sức lực. Với bao công sức và tình yêu của tha nhân, tôi mới có cơm bánh để sống mỗi ngày.
Tiên tri Elisha cho dân ăn bánh theo lệnh của Đức Chúa, tuy chỉ có hai mươi ổ bánh nhưng cả trăm người ăn mà còn dư. Đây là dấu lạ tiên tri Elisha đã làm. Lịch sử dân Do Thái cho thấy, ngay thời dân ra khỏi Aicập, khi họ lang thang trong hoang địa không nước uống không bánh ăn, Thiên Chúa cũng đã ban Manna để nuôi sống dân. Đức Giêsu trong một lần đối đáp với người Do Thái, đã nói: không phải Môsê ban bánh bởi trời nhưng chính Cha Ta ở trên trời đã ban bánh nuôi cha ông các ngươi (Ga.6, 32).
“Nếu như Chúa chẳng xây nhà, thợ nề khó nhọc cũng là uổng công; thành kia mà Chúa không gìn giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm” (Tv.127, 1). Chính Thiên Chúa là Đấng làm cho cây hạt nẩy mầm, đơm bông kết trái. Con cái được cha mẹ thương yêu, được nuôi nấng giáo dục; nhưng truy tới ngọn nguồn, chính Thiên Chúa là cha là mẹ, chính Thiên Chúa là Đấng yêu thương và nuôi dưỡng con người qua cha mẹ mỗi người.
  1. Đức Giêsu là bánh nuôi sống con người
Đức Giêsu cũng hóa bánh ra nhiều cho dân chúng ăn. Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều vì Ngài thương cảm dân chúng đói khát. Khi dân chúng nhận ra Ngài là một tiên tri và muốn tôn Ngài làm vua, Ngài đã trốn lên núi một mình cầu nguyện. Chính vì thương dân chúng, nên Ngài đã cho dân ăn. Đức Giêsu chỉ hóa bánh ra nhiều cho một số rất ít người ăn; và đây là dấu chỉ cho điều gì tuyệt vời hơn Ngài sẽ làm sau này.
Đức Giêsu không chỉ hóa bánh ra nhiều nuôi dân chúng, nhưng Ngài đã ban chính thân mình Ngài làm của ăn của uống nuôi sống con người. Đức Giêsu đã là tấm bánh bẻ ra cho con người, để con người được sống. Bàn tiệc Mình Máu Thánh Đức Giêsu Kitô quy tụ Kitô hữu, nuôi sống đời sống đức tin của mỗi Kitô hữu, và cùng trong bàn tiệc Thánh Thể dân Chúa được Lời Chúa dạy dỗ mỗi ngày.
Đức Giêsu là Lời Thiên Chúa thành người. Chính vì yêu con người mà Lời Thiên Chúa đã thành người. Ngài thành người để nên mẫu gương sống cho mọi con người. Ngài vẫn luôn kết hiệp với Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, Ngài cũng phải đói phải khát, Ngài cũng sống những nặng nề của thân xác con người. Ngài là một người trọn vẹn như bao người trên trần gian này, như mỗi người chúng ta. Ai cảm thấy gì, Ngài cũng cảm thấy như vậy. Ngài chỉ khác hầu hết người ta trong việc sử dụng tự do: không bao giờ Ngài phạm tội. Không bao giờ Ngài làm điều gì mà Ngài thấy không được phép làm. Hơn nữa, Ngài sẵn sàng hủy bỏ chính mình, để ích lợi cho con người, những người mà Ngài chấp nhận như anh em mình.
  1.  Mỗi người được mời gọi để trở nên tấm bánh giúp tha nhân sống
Một người đói khi được cho ăn “nhưng không” sẽ dễ dàng cảm nhận tình yêu được trao ban qua miếng cơm tấm bánh hơn một người sung túc đầy đủ cơm bánh hằng ngày. Một người nghèo đói mà có cơm bánh, sẽ dễ dàng rung động và hạnh phúc trước tình yêu của Thiên Chúa và ân nhân hơn là những người giầu có sung túc. Dưới khía cạnh này, nghèo là một mối phúc vì nó giúp con người cảm nhận tình yêu và hạnh phúc.
Mỗi người được mời gọi để trở thành tấm bánh cho người khác, để giúp người khác sống và sống triển nở hạnh phúc. Để có thể trở thành tấm bánh giúp nuôi sống người khác, mỗi người cũng phải hy sinh công sức thời gian như một người làm nông vất vả, như một người nội trợ làm bánh, như một người dọn bàn, như một người phục vụ, để trở thành dấu chỉ tình yêu Thiên Chúa cho tha nhân.
Mỗi Kitô hữu được gọi để trở nên một Giêsu khác, nên giống thầy Giêsu chí thánh, sống vì mọi người và cho mọi người. Một người làm cha làm mẹ được mời gọi trở nên tấm bánh cho con cái mình; những mục tử được mời gọi trở nên tấm bánh cho đoàn chiên, để đoàn chiên có thể được sống, sống triển nở và hạnh phúc. Mỗi người là con cái Thiên Chúa, có Thiên Chúa là Cha mình, và Thiên Chúa mời gọi mỗi người trong cách sống cách cư xử hãy trở nên giống Thiên Chúa, trở nên giống Đức Giêsu. Khi mỗi người nên giống Đức Giêsu, cuộc sống của họ và của những người sống với họ sẽ bình an và hạnh phúc hơn.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
  1. Một người nói: “Qua miếng cơm tấm bánh con người có thể nhận ra Thiên Chúa hiện diện và yêu thương”. Theo bạn, người nói câu này có là người thực tế không? Tại sao?
  2. Lời mời gọi trở nên tấm bánh cho tha nhân, là gánh nặng hay vinh dự cho bạn? Tại sao?
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây