SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B

Thứ sáu - 13/09/2024 18:23


SUY NIỆM CHÚA NHẬT XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B
Is 50,5-9a; Gc 2,14-18; Mc 8,27-35

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
27 Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” 28 Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. 29 Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. 30 Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả. 31 Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. 32 Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. 33 Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”. 34 Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. 35Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”.
CÁC BÀI SUY NIỆM
Suy niệm 1: Đấng Kitô, Con Thiên Chúa – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
Suy niệm 2: Từ bỏ và vác thập giá - Lm Giuse Nguyễn Hữu An
Suy niệm 3: Lời mời gọi của Chúa - Lm. Antôn
Suy niệm 4: “Thầy là Đấng Kitô” - Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
Suy niệm 5: Thầy là ai? - Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Suy niệm 6: Người ta bảo Thầy là ai? - Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Suy niệm 7: Theo Chúa phải từ bỏ mình, vác thập giá mình - Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Suy niệm 8: Đúng hay sai - Lm Vũ Đình Tường

SUY NIỆM 1: ĐẤNG KITÔ, CON THIÊN CHÚA

Lời Chúa: “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 24 thương niên hôm nay cho chúng ta thấy, Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống, nghĩa là Đấng được Chúa Cha xức dầu sai đến trần gian để cứu độ loài người bằng con đường đau khổ của thập giá:
Cho dù đau khổ ngập đầu,
Nhưng người tôi tớ dám đâu ngã lòng.
Vững tin vào Đấng vô song,
Chở che, nâng đỡ trong vòng tay ôm.
Tựa nương vào Chúa sớm hôm,
Vác cây Thập Giá, kính tôn theo Người.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta luôn sẵn sàng vững bước đi theo Chúa trên con đường thập giá để vào hưởng hạnh phúc vinh quang phục sinh với Người. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là con Thiên Chúa hằng sống, là Đấng cứu độ trần gian. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa chịu treo trên thập giá để nâng đỡ loài người sa ngã lên. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con hãy từ bỏ mình và vác thập giá mà theo Chúa. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Sợi dây xuyên suốt lịch sử cứu độ là Thiên Chúa yêu thương và loài người phản bội. Thiên Chúa yêu thương dựng nên loài người giống hình ảnh Thiên Chúa và cho họ được sống hạnh phúc trong tình yêu thương của Ngài. Nhưng cũng ngay từ bước đầu, tội lỗi đã xâm nhập thế gian, loài người đã sa ngã phản bội Chúa. Tuy nhiên, trong chính lúc tuyên án phạt loài người, Thiên Chúa lại biểu lộ tình yêu thương của Ngài qua lời hứa cứu độ. Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta hiểu được ý nghĩa của lời tuyên xưng mà thánh Phêrô trả lời cho vấn nạn của Chúa Giêsu: Thầy là Đấng Kitô. Nghĩa là, Đấng được Chúa Cha xức dầu sai đến trần gian để cứu độ loài người bằng con đường đau khổ của thập giá.
Thưa anh chị em, ngôn sứ Isaia trong bài đọc 1 loan báo, nhờ niềm tin vững mạnh vào Thiên Chúa, người tôi trung sẵn sàng lắng nghe mệnh lệnh của Thiên Chúa và quyết tâm rao truyền lời của Thiên Chúa cho dân chúng, bất chấp mọi chống đối và đau khổ. Người tôi trung chấp nhận mọi đau khổ, mọi hành hạ và mọi sỉ nhục vì ông xác tín rằng: Thiên Chúa ở với tôi và đau khổ, sỉ nhục là điều Thiên Chúa muốn nên tôi sẵn sàng chấp nhận. Lời sấm này chúng ta có thể thấy được ý nghĩa Thiên Sai. Có một sự tương đồng giữa hình ảnh người tôi trung và hình ảnh của Chúa Giêsu được thánh ký Marcô thuật lại trong Tin mừng hôm nay. Chính Chúa Giêsu loan báo về cuộc khổ nạn của Người: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại”. Chúa Giêsu diễn tả rõ ràng Đấng Kitô không phải là người toàn thắng trong vinh quang như một vị đại anh hùng theo nghĩa chính trị. Nhưng Đấng Kitô phải toàn thắng qua những hy sinh và đau khổ: Qua đau khổ để tiến tới chiến thắng, qua thập giá để tiến tới vinh quang. Chết đi để được sống vĩnh cửu. Đây là ý nghĩa nền tảng thích hợp nhất để chúng ta đón nhận một mạc khải tuyệt vời, sứ mạng cứu rỗi của Chúa Giêsu được đặt trên cơ sở lời tuyên xưng của Phêrô: Thầy là Đấng Kitô, con Thiên Chúa hằng sống, nghĩa là Đấng được Chúa Cha xức dầu sai đến trần gian để cứu độ loài người bằng con đường đau khổ của thập giá. Chúa Giêsu ra đi mang sứ mạng cứu rỗi với danh nghĩa là Con Thiên Chúa. Người cứu rỗi loài người theo cách người tôi trung mà Isaia đã loan báo từ ngàn xưa. Đường cứu rỗi của Người là truyền rao chân lý, tôn trọng tự do, giáo dục lương tâm, kêu gọi cõi lòng. Phương cách của Người là nêu gương khiêm nhường và kêu gọi loài người hãy từ bỏ chính mình để sống cho Thiên Chúa. Người đòi hỏi ai muốn làm môn đệ của Người cũng đi con đường đó: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Từ bỏ và vác thập giá theo Chúa chính là biết sống cho Chúa và nhìn nhận Người là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa.
Chuyện kể rằng, khi các nhà truyền giáo lần đầu tiên đến Nhật Bản, có một thanh niên đến xin học tiếng Anh. Sau thời gian vỡ lòng, các ngài đưa cho anh cuốn Tin Mừng bảo tập dịch sang tiếng bản quốc. Sau một thời gian, các ngài thấy anh thay đổi hẳn. Một vị hỏi: “Chúa Giêsu mà anh đang đọc đó, anh thấy Người là người thế nào?”. Nghe hỏi đến đó, người thanh niên vội vàng trả lời: Người là một Thiên Chúa!”.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
“Thiên Chúa đã sai Con Ngài đến thế gian để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu rỗi”. Chính Chúa Giêsu đã đến trong trần gian và bước đi trên con đường khổ giá. Người đã hy sinh mạng sống mình “vì người mình yêu” để cứu độ nhân loại. Người mời gọi chúng ta từ bỏ chính mình mà đi theo Người. Từ bỏ mình và vác thập giá theo Người chính là biết sống theo đòi hỏi của đức tin, một đức tin có việc làm kèm theo. Vì, “Đức tin không có việc làm là đức tin chết”. Do đó, việc làm của đức tin cụ thể là cầu nguyện cho nhau, từ bỏ cái tôi của mình, chấp nhận khổ đau thể xác, tinh thần hay tâm hồn, biết tận tình chia sẻ và tự nguyện dấn thân phục vụ lợi ích người khác. Đây là con đường dẫn chúng ta tới sự sống vĩnh cửu.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn tin tưởng bước đi theo Chúa trên con đường khổ giá để chúng ta cũng được phục sinh với Người. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: TỪ BỎ VÀ VÁC THẬP GIÁ

Chúa Giêsu tuyển chọn môn đệ với đòi hỏi hết sức lạ lùng: “từ bỏ và vác thập giá”. Những ai đáp ứng được yêu cầu ấy thì mới ” xứng đáng làm môn đệ Thầy”.
Tại Xêdarê Philipphê, Chúa hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?”. Từ từ Chúa dẫn đưa các ông đến câu hỏi quan trọng nhất, xác tín nhất: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “.
Chúa Giêsu có thể tự giới thiệu về mình, tự nói lên căn tính của mình. Nhưng Người đã không làm thế. Chúa muốn người môn đệ phải tự khám phá ra Thầy của mình là ai. Chúa muốn lời tuyên xưng của người môn đệ phải phát xuất từ nỗ lực tìm hiểu và cảm nghiệm chân thực trong cuộc sống sinh hoạt với Người.
Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”. Chúa Giêsu hài lòng về lời tuyên xưng ấy. Tuy nhiên khi tuyên xưng, Phêrô vẫn chưa thật sự hiểu Đấng Kitô có nghĩa là gì. Có lẽ ông còn chịu ảnh hưởng của đám đông nghĩ đến một Đấng Kitô oai nghi, vinh quang và quyền lực. Vì thế, Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ hiểu biết con đường của Người. Con đường thực sự mà Đấng Kitô phải đi là con đường đau khổ: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ chỗi dậy”. Đó là con đường tủi nhục. Con đường khổ nạn. Con đường chết chóc. Nhưng sau tủi nhục sẽ đến vinh quang. Sau khổ nạn sẽ là hạnh phúc. Sau chết chóc là phục sinh. Đó không phải là con đường vinh quang trần thế, nhưng là con đường nhỏ hẹp thiêng liêng. Đó chính là con đường dẫn đến hạnh phúc đích thực. Chúa không lừa mị, không hứa hẹn những gì dễ dãi, chóng qua. Chúa chỉ đường ngay nẻo chính và muốn những ai theo Người phải dũng mạnh, can đảm, quyết liệt. Vì thế, Chúa nói thẳng thắn với các môn đệ: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.
Muốn theo Chúa, các môn đệ phải “từ bỏ và vác thập giá”.
  1. Từ bỏ
Chúa đòi buộc người theo Chúa phải từ bỏ, phải đặt tất cả dưới Người, phải yêu Người trên mọi sự. Đưa ra đòi hỏi này và biết đó là một chọn lựa khó khăn nên Chúa Giêsu căn dặn các môn đệ cần biết tính toán cẩn thận rồi mới chọn lựa dứt khoát. Muốn xây tháp cần tính toán có đủ tiền bạc không. Muốn thắng trận cần có lính Tráng. Muốn theo Chúa phải từ bỏ. Từ bỏ ý riêng, từ bỏ sự tự do, từ bỏ những điều mình ưa thích khi những điều ấy đi ngược lại với lời dạy của Chúa hay làm cho bản thân xa cách Người.
Từ bỏ là quy luật của cuộc sống và sự phát triển.Thai nhi không thể ở mãi trong lòng mẹ cho dẫu nơi đó an toàn, êm ấm nhất. Đứa trẻ phải từ giã lòng mẹ để sinh ra làm người. Đứa trẻ không thể nào trưởng thành nếu nó cứ sống mãi bằng sữa mẹ, nó phải thôi bú, ăn cơm bánh mới lớn lên.
Cuộc sống đặt con người trước những sự lựa chọn. Chọn lựa là giới hạn. Chọn điều này phải bỏ điều kia. Sống là chấp nhận từ bỏ. Chọn những điều tốt loại bỏ những điều xấu. Có những điều xấu cần từ bỏ như cờ bạc, rược chè, ma tuý, truỵ lạc, trộm cắp, gian dối… Cũng có những điều tốt phải từ bỏ để chọn điều tốt hơn. Chẳng hạn, khi chọn trường học, chọn nghề nghiệp, chọn nơi ở, chọn bậc sống, chọn bạn bè, chọn vợ chồng. Thanh niên nam nữ khi tìm hiểu nhau thì có nhiều người nhưng khi chọn vợ chồng, chỉ chọn một mà thôi.
Từ bỏ đòi hỏi nhiều hy sinh. Mỗi sáng thức dậy đi lễ, bỏ lại chiếc giường êm ấm. Mỗi tối gia đình tắt tivi để cùng quy tụ đọc giờ kinh hạt. Giữ ngày Chúa nhật, bỏ công việc làm ăn có nhiều lợi nhuận. Bỏ đi một tật xấu để tập một nhân đức. Cao cả hơn, bỏ đời sống hôn nhân để sống đời tận hiến cho Chúa…
Sự từ bỏ là cách diễn tả một tình yêu. Khi yêu người ta vui lòng từ bỏ tất cả. Khi yêu người ta cảm thấy nhẹ nhàng. Sự từ bỏ vì tình yêu là một niềm hạnh phúc. Cha mẹ tần tảo dãi dầu mưa nắng lo cho con cái ăn học. Học sinh, sinh viên thức khuya dậy sớm miệt mài học tập. Sự từ bỏ như thế thật đáng trân trọng. Ai cũng ngại từ bỏ, nhất là từ bỏ những gì gắn liền với mình nhất, cam go hơn cả là chính con người mình.
Từ bỏ giống như cuộc leo núi. Leo núi là một cuộc mạo hiểm. Đó không phải là một cuộc dạo chơi nhàn hạ. Nó đòi hỏi sức khoẻ, sức chịu đựng dẻo dai, tài khéo léo, lòng can đảm. Càng lên cao, người leo núi càng hưởng nhiều niềm vui, càng tắm mình trong ánh sáng chan hoà và được chiêm ngưỡng cảnh trời đất bao la hùng vĩ.
  1. Vác thập giá
Theo Chúa giống như đi leo núi. Thập giá giống như cây gậy của người leo n&uuacute;i. Không có gậy để dò đường và để chống đỡ thì ta sẽ mỏi chân, sẽ không đi nổi, có khi té ngã hay bỏ cuộc.
Thập giá đi liền với tình yêu. Phải nhìn thập giá Đức Kitô như một sự tốt lành thượng đẳng. Nếu không chẳng thể chấp nhận nổi thập giá. Thập giá phát xuất từ tình yêu của Đấng Cứu Độ.
Thập giá được tạo nên do hai thanh gỗ, một nằm và một đứng. Thanh nằm tượng trưng cho sự chết và sự yếu đuối trải rộng. Thanh đứng tượng trưng cho sự sống vươn cao. Hai thanh bắc ngang nhau tượng trưng cho sự tương phản giữa sự sống và sự chết, giữa vui buồn và cười khóc, giữa khoái lạc và đau khổ, giữa ý muốn con người và ý muốn Thiên Chúa. Đặt thanh vui mừng trên thanh đau khổ là cách duy nhất để làm nên một thập giá.Ý mụốn của con người là thanh nằm. Ý muốn của Thiên Chúa là thanh đứng. Ngay khi đối kháng hai ý muốn này tức là đã tạo nên một thập giá. Do đó thập giá là biểu tượng của đau khổ.
Nếu thập giá là biểu tượng của đau khổ thì Đấng chịu đóng đinh đã chiến thắng đau khổ. Chúa Kitô đã tạo ra sự khác biệt hoàn toàn giữa thập giá và kẻ bị đóng đinh. Khi nhận lấy thập giá, Đấng là tình yêu đã cho thấy rằng tình yêu có thể biến đau khổ thành niềm vui, để những ai gieo trong nước mắt có thể gặt giữa tiếng cười, những ai khóc lóc có thể được an ủi, những ai đau khổ có thể đồng hiển trị với Người.
Tình yêu như là điểm giao thoa giữa thanh nằm của sự chết và thanh đứng của sự sống trong một xác quyết: mọi sự sống đều ngang qua sự chết. Đau khổ là hy sinh không tình yêu đang khi hy sinh là đau khổ kèm theo tình yêu. Tình yêu biến đau khổ thành hy sinh dâng hiến với niềm vui. Thiếu tình yêu, hy sinh chỉ còn là đau khổ gánh nặng và buồn chán. Chúa Kitô đã đón nhận cái chết trên thập giá vì yêu thương nhân loại.
Hôm nay, nơi nào có bóng thập giá là nới ấy có dấu chân người Kitô hữu. Ba cây thập giá dựng lên chiều thứ sáu tử nạn, Đức Kitô ở giữa hai tội nhân. Trong ba cây thập giá ấy chỉ có cây ở giữa là Thánh Giá. Khi Đức Kitô tắt thở trên cây thập giá, Người đi vào đời sống mới thì cây thập giá khốn khổ ấy trở thành cây cứu rỗi và trở nên thánh thiêng. Sự thánh thiêng ấy là tình yêu, là đau khổ, là sự chết và là vinh quang. Không có tình yêu thì thập giá không là Thánh Giá.
Mỗi ngày người Kitô hữu theo Chúa phải cố gắng từ bỏ rất nhiều và vác thập giá mỗi ngày. Có tình yêu của Chúa trong mỗi hành vi từ bỏ, người môn đệ có thêm sức mạnh ơn thánh, để mọi thập giá trong đời trở thành Thánh Giá. Từ bỏ để có thêm. Thêm lòng mến Chúa, thêm thánh thiện, thêm niềm vui phục vụ tha nhân.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 3: LỜI MỜI GỌI CỦA CHÚA

Ở cuối bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta biết 2 sự thật này: một là, “ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá đời mình mà theo”; và hai là, “ai cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.
Và 2 điều này đã ứng nghiệm ngay trên chính cuộc đời của Chúa Giêsu. Ngài đã chấp nhận từ bỏ mọi vinh quang và danh dự; chấp nhận bị người đời chống báng, chấp nhận chịu đau khổ, chấp nhận bị các kì mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ và giết chết. Ngài không những vác thập giá đời mình và còn vác thập giá cho cả và nhân loại chúng ta.
Hôm nay Giáo Hội nhắc cho chúng ta nhớ lại 2 sự thật ấy, để muốn nói với chúng ta rằng: Chúa đã hy sinh và đã từ bỏ quá nhiều vì ta. Và chúng ta được mời gọi 2 điều này:
Thứ nhất, mỗi người hãy sẵn sàng từ bỏ vì Chúa, từ bỏ vì đức tin.
Bỏ cái gì? Thưa Chúa không đòi chúng ta phải từ bỏ mạng sống mình để bù đắp cho Ngài. Ngài chỉ muốn chúng ta bỏ đi những thói hư tật xấu, những ham muốn khoái lạc, để sống đúng tinh thần của một người con cái Chúa; rồi bỏ đi 7 mối tội đầu là kiêu ngạo, hà tiện, dâm ô, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và lười biếng; để sự hy sinh của Chúa vì ta không trở nên vô nghĩa.
Và có lần Chúa Giêsu đã khẳng định với Thánh Phêrô rằng, khi chúng ta dám từ bỏ vì Ngài như thế thì chúng ta sẽ được gấp trăm ở đời này và hạnh phúc vĩnh cửu đời sau.
Thứ hai, mỗi người hãy sẵn sàng vác thập giá cuộc đời mà Chúa gởi đến cho từng người chúng ta.
Thập giá ấy có thể là một thất bại trong công việc làm ăn. Thập giá ấy có thể là những bệnh tật ốm đau xảy đến với chính mình hay những người thân yêu trong gia đình mình. Thập giá ấy cũng có thể đến từ một cuộc hôn nhân đổ vỡ; đến từ một sự hiểu lầm hay mâu thuẫn giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em máu mủ ruột thịt hay giữa sui gia bạn hữu với nhau. Thập giá ấy cũng có thể là một điều gì đó xảy ra mà chúng ta không mong muốn…
Dẫu biết rằng những điều ấy làm chúng ta đau đớn lắm, nhưng những đau khổ mà chúng ta gặp phải không sao sánh bằng thập giá mà Đức Ki-tô đã chịu đâu thưa anh chị em!
Do đó, đừng ai trốn tránh những hãy can đảm đón nhận với lòng tin cậy phó thác. Và anh chị em đừng quên rằng, khi trao gởi thánh giá cuộc đời, Chúa không để chúng ta phải vác một mình, nhưng Ngài đang cùng vác với tất cả chúng ta.
Sau cùng, chúng ta cùng cầu nguyện rằng: “Lạy Chúa! xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang”. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 4: “THẦY LÀ ĐẤNG KITÔ”


Trên đường đi về miền Cêsarê, Chúa Giêsu bất ngờ hỏi các môn đệ: “Người ta nói Thầy là ai?” Các ông trả lời: “Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Êlia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó.” Cuộc “thăm dò dư luận” này cho thấy sự nhất trí cao của đám đông. Họ tin rằng Chúa Giêsu là một phát ngôn viên của Thiên Chúa, một ngôn sứ vĩ đại!
Nhưng rồi chúng ta lại có một câu trả lời rất khác biệt đến từ các tông đồ: “Thầy là Đấng Kitô”. Đây là lời tuyên xưng đức tin đẹp nhất, đúng nhất của Phêrô, đại diện cho các tông đồ. Liền sau đó, Chúa Giêsu nói rõ Người sẽ là Đấng Kitô như thế nào, không phải là Đấng Kitô vinh hiển và chiến thắng ở trần gian, mà là Đấng Kitô bị giới cầm quyền ruồng bỏ, là Đấng sẽ bị kết án tử hình và là Đấng sẽ hiến mạng sống mình để cứu chuộc thế gian. Lúc đó, Phêrô và các tông đồ đều không hiểu gì cả. Và sau này trong cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu, các tông đồ thì bỏ Thầy, trừ một mình Gioan, còn chính Phêrô thì chối Thầy đến ba lần. Nhưng sau khi sống lại, Chúa Giêsu vẫn tin tưởng sai các ông đi rao giảng Tin Mừng Phục Sinh và trao cho Phêrô sứ mạng chăn dắt đoàn chiên của Người.
Nhìn lại con đường đức tin của mình, có lẽ mỗi chúng ta thấy mình có phần nào giống với Phêrô. Có những đoạn đường chúng ta cảm thấy hăng say dấn thân hết mình, đức tin của chúng ta thật mạnh mẽ, như sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách với Thầy Giêsu; con đường chúng ta đi đầy tràn ánh sáng và niềm vui. Nhưng rồi không thiếu những ngày, nếu không muốn nói là phần lớn quãng đường, chúng ta bước đi trong khô khan, chán nản, chẳng còn hứng thú gì cả, ngay cả việc cầu nguyện và việc bổn phận hằng ngày cũng trở nên nặng nề. Những nỗ lực đòi hỏi dù nhỏ nhất cũng khiến chúng ta thấy mệt mỏi và chúng ta sẵn sàng bỏ mặc tất cả.
Nhưng chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng! Các vị thánh vĩ đại nhất cũng đã trải qua thời kỳ tăm tối của sự hoài nghi tuyệt vọng. Chúng ta hãy nghĩ đến Thánh Phanxicô và Thánh Augustinô. Các ngài đã từng sống như những kẻ không biết Chúa là ai. Nhưng Chúa vẫn chọn các ngài để trở nên những chứng nhân Tin Mừng, những người nói về Chúa cho người khác. Lịch sử của Giáo Hội, cũng như vậy: Giáo Hội đã có những giai đoạn thánh thiện tuyệt vời, nhưng rồi Giáo hội cũng đã có lúc suy thoái và sống tinh thần thế tục. Nhưng không vì những thăng trầm đổi thay này mà Chúa từ bỏ chúng ta, cũng như Người vẫn luôn hiện diện, đồng hành để thánh hóa Giáo Hội. Lịch sử Giáo Hội đã cho thấy rõ điều này từ hơn 2000 năm qua.
Chúa tin tưởng và chờ đợi chúng ta, như Người đã tin tưởng Phêrô, bất chấp những yếu đuối và bất toàn của ông. Chúa không bỏ rơi chúng ta. Người giúp chúng ta hiểu rằng đức tin đích thật không chỉ là những lời tuyên bố mạnh mẽ, hùng hồn mà là thái độ sống đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Thánh Giacôbê trong bài đọc II đã nói với chúng ta: “Còn tôi, tôi sẽ hành động để cho bạn thấy thế nào là tin.” (Gc 2,18)
“Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Xưa kia, Chúa Giêsu đặt câu hỏi này cho các môn đệ. Hôm nay Người cũng đặt lại câu hỏi này cho mỗi chúng ta. Là Kitô hữu, mỗi người phải tự mình trả lời câu hỏi này. Chúa không cần chúng ta định nghĩa về Người. Chúa chỉ muốn biết, chúng ta tin vào Chúa như thế nào. Đức tin vào Chúa có làm thay đổi điều gì trong cuộc sống của chúng ta không? Đức tin của chúng ta không chỉ diễn tả bằng lời nói, mà phải bằng hành động. Đọc thuộc lòng Kinh Tin Kính vẫn chưa đủ, tuyên xưng đức tin bằng lời nói vẫn chưa chắc chắn. Chính cuộc sống hàng ngày mới là câu trả lời xác thực nhất cho đức tin của chúng ta.
Như thế, đức tin được xác minh bằng hành động, thường là trong sự kiên trì và trong thử thách. Mỗi người đều có thập giá của mình để vác mỗi ngày. Chính Chúa Giêsu đã nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” Điều kiện này của Chúa Giêsu ngày càng khó được đón nhận trong thế giới hiện đại chúng ta đang sống. Trong khi văn hóa và não trạng hiện đại đều hướng con người về việc tận hưởng những thú vui, tìm thỏa mãn bản thân, sống tự do theo ý mình, thì Chúa Giêsu đề xuất một lôgích hoàn toàn khác và xem ra ngược đời, là phải từ bỏ chính mình, dám chấp nhận mất tất cả, kể cả mạng sống thì mới có được sự sống đích thực. Và đó là lôgích của thập giá, nhưng cũng là lôgích của tình yêu. Không có tình yêu đích thực nào mà không có sự từ bỏ chính mình. Ai không biết quên mình thì cũng sẽ không bao giờ biết yêu thương! Ai không dám hy sinh bản thân mình thì không biết yêu thương đích thực là gì!
“Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Khi nói điều đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta biết sống yêu thương đến cùng, sống trọn vẹn tình yêu với Chúa và tha nhân để đạt được điều cốt yếu và giữ vững niềm tin. Chính Chúa Giêsu đã sống kinh nghiệm tình yêu này khi Người cậy trông, phó thác tất cả vào tình yêu của Chúa Cha cho đến hơi thở cuối cùng. Đấng chịu đóng đinh và Đấng Phục sinh chỉ là một. Tin vào Chúa Giêsu Kitô là tin rằng con đường thánh giá là con đường dẫn đến sự phục sinh. Tin vào Chúa Giêsu Kitô là tin tưởng vào Đấng đã chấp nhận thất bại trước mắt người đời, nhưng là để mở ra cho chúng ta cánh cửa của sự sống viên mãn.
Chúng ta hãy cầu xin Chúa gia tăng đức tin, đức cậy và đức mến nơi chúng ta. Xin Người ở lại với chúng ta và giúp chúng ta sống trung tín mỗi ngày, trong những niềm vui cũng như những nỗi buồn của chúng ta.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
 

SUY NIỆM 5: THẦY LÀ AI?

Nhiều người đã gặp Chúa, nghe Chúa giảng và chứng kiến các phép lạ Chúa đã thực hiện nhưng vẫn chưa biết Chúa là ai. Cho dù nhiều người đã được thánh Gioan Tẩy Giả giới thiệu: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian (Ga 1, 29). Ngay cả những người thân tín nhất là các tông đồ, cũng không biết căn tính thật của Chúa. Người ta đi hết ngạc nhiên ngày tới ngạc nhiên khác, tò mò nhìn xem phép lạ, muốn thưởng thức bánh miễn phí và chứng kiến nhiều sự lạ nhưng nhiều người chỉ nghĩ Chúa Giêsu là một tiên tri nào đó. Hôm nay Chúa Giêsu hỏi các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phêrô trả lời: “Thầy là Đấng Kitô.” (Mc 8, 29).
Sau lời tuyên xưng của ông Phêrô: Thầy là Đấng Kitô, Chúa Giêsu đã hé mở về sứ mệnh của Ngài:Rồi Người bắt đầu dạy cho các ông biết Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày, sống lại (Mc 8,31). Chúa Kitô chọn con đường khổ giá để tới vinh quang sống lại. Con đường Chúa đi là con đường hẹp, con đường thánh giá và đỉnh cao là núi Sọ. Lời tiên báo của Chúa Giêsu ứng nghiệm với những lời diễn tả của tiên tri Isaia về Người Tôi Tớ chịu nhạo báng trong đau khổ: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ (Is 5, 6).
Thầy là ai? Chúng ta thử tìm hiểu qua chính lời mạc khải của Chúa Giêsu.Chúa phán: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy (Ga 14, 6). Ngài nói tiếp: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.”(Ga 8, 12). Chúa Giêsu là đường dẫn chúng ta đến sự sống muôn đời. Chúa chính là ánh sáng soi dẫn đưa chúng ta đến sự thật viên mãn. Ngài là nguồn và là trung gian ban phát sự sống. Có có uy quyền tạo dựng, biến đổi và thánh hóa cả hồn lẫn xác.
Thầy là ai? Chúa Giêsu giới thiệu: Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên (Ga 10, 11). Thầy đã hy sinh mạng sống để đền bù và chuộc tội cho nhân loại. Ngài là Đấng trung gian giao hòa giữa trời và đất, giữa Thiên Chúa và con người. Ngài đã mang lại niềm hy vọng cho những ai đang trong cơn lầm than sầu khổ. Ngài phán: Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ (Ga 10. 9). Chúa Giêsu mở lối cho mọi người tìm đến ơn cứu độ. Muốn vào nước trời, chúng ta phải đi qua cửa chính là Chúa Kitô. Chịu Phép Rửa trong Chúa, tuyên xưng niềm tin, sống và thực hành lời Chúa. Chúng ta không chỉ nói: Lạy Chúa, lạy Chúa là được vào nước trời nhưng là thực hành ý Chúa.
Thầy là ai? Chúa Giêsu phán:”Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ! (Ga 6, 35). Thầy là bánh từ trời ban xuống cho nhân loại: “Tôi là bánh từ trời xuống.” (Ga 6,41). Thầy là bánh có đủ mọi mùi thơm ngon và là bánh trường sinh. Hãy đến và đặt niềm tin vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ được nuôi dưỡng thỏa thuê bằng chính nguồn ân sủng của Ngài. Lãnh nhận bánh hằng sống là nguồn sự sống và là sự sống viên mãn. Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta biết: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống (Ga 11, 25). Niềm hy vọng tuyệt hảo của thân phận của con người là sự sống lại ngày sau để hưởng phúc thanh nhàn.
Thầy là ai? Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tin vào Ngài: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm (Ga 14, 11). Khi Chúa Giêsu biến hình trên núi đã có tiếng phán từ trời cao: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người.”(Mc 9, 7). Chúa Giêsu thuộc về thượng giới đã hạ sinh mang thân phận con nguời như chúng ta ngoại trừ tội lỗi. Chúa Giêsu bảo: “Các ông bởi hạ giới; còn tôi, tôi bởi thượng giới. Các ông thuộc về thế gian này; còn tôi, tôi không thuộc về thế gian này (Ga 8, 23). Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống thế gian và khi hoàn tất sứ mệnh Ngài trở về cùng với Cha của Ngài.
Đối với các Kitô hữu, chúng ta xưng tụng Chúa Giêsu là Chúa và là Đấng Cứu Độ. Chúng ta cần lắng nghe của lời Ngài chỉ dạy. Vâng nghe theo lời của Chúa Giêsu là bước theo con đường của Ngài đã đi qua.Đường của Chúa là con đường khiêm hạ, con đường sự thật và con đường khổ giá. Khổ giá sẽ tôi luyện niềm tin. Niềm tin vào Chúa Kitô không phải là học hiểu một số kiến thức, tỏ lòng sùng mộ hay việc cử hành một số nghi lễ, mà chính là sống niềm tin của mình trong cuộc lữ hành trần thế. Chúng ta phải sống đức tin trưởng thành mà chúng ta đã được lãnh nhận qua các Bí Tích trong Hội Thánh. Đức tin là ánh sáng soi đường dẫn chúng ta bước theo gót Chúa Kitô. Thánh Giacôbê tông đồ đã phát biểu rằng: Cũng vậy, đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết (Giac 2, 17). Lời nói đi đôi với việc làm. Người ta nói: Lời nói mây bay, gương bày lôi kéo. Đời sống đức tin được thể hiện qua cách sống đạo hằng ngày trong ý tưởng, lời nói và việc làm.
Chúa Giêsu mời gọi:Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 28). Chúa Giêsu đầy lòng thương xót với những ai cậy trông vào Chúa. Chúng ta cũng biết rằng Chúa có quyền năng ban phát ân huệ cho mọi loài nhưng theo chương trình và sự quan phòng của Chúa. Chúa ban cho con người có tri thức, có khả năng, có thời giờ và có phương tiện để chế ngự những khó khăn bất thường. Chúng ta phải có gắng với hết sức mình trong mọi lãnh vực cuộc sống để tìm phương hướng giải quyết các vấn đề. Chúng ta đừng khi nào thất vọng, chán nản và bỏ cuộc. Chúa nói điều quan trọng là: Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng (Mt 11, 29). Lời của Chúa thật ngọt ngào, nhẹ nhàng và thấu đạt tâm hồn.
Lời tâm huyết nhất của Thầy Chí Thánh gởi gắm cho các môn đệ là: Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”(Ga 13, 35). Dấu chỉ để nhận ra sự hiện diện của Chúa giữa anh chị em là chúng ta hãy yêu thương nhau. Yêu thương là cốt lõi của mọi sinh hoạt sống đạo và là giới răn trọng nhất. Thiếu sự yêu thương, cuộc sống trở thành trống rỗng và vô nghĩa. Không có tình yêu, ngôn từ trở thành sáo ngữ. Vắng bóng tình yêu, các công việc bác ái trở thành sự khoe khoang. Không có lòng yêu thương, mọi cách đối xử giao tế nhân sự trở thành hình thức và giả hình. Yêu thương là chất keo gắn kết tinh thần của mọi người chung hợp với nhau. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, muốn trở thành môn đệ của Chúa Giêsu, chúng ta phải yêu thương nhau.
Lạy Chúa, chúng con tuyên xưng Chúa là Con Thiên Chúa, là Đức Kitô, là Thầy, là người chỉ đạo, là nguyên khởi và là cùng đích của cuộc đời chúng con. Xin cho chúng con biết đặt niềm tin tưởng nơi Chúa và bước theo con đường Chúa đã đi xưa, để chúng con cùng được chia sẻ đau khổ thập giá và vinh quang sống lại. Lạy Chúa Giêsu, chúng con tín thác vào Chúa.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng

 SUY NIỆM 6: NGƯỜI TA BẢO THẦY LÀ AI? 

Có một thời người ta đổ xô nhau đi tìm đọc quyển sách “Cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Giêsu”. Nhiều người cho rằng quyển sách này đã viết đúng tâm lý của con người, vì tác giả đã mô tả Chúa Giêsu như một con người thực sự, có khác chăng là người đã vượt thắng được cám dỗ cho tới giờ phút cuối cùng.
Quyển sách “cơn cám dỗ cuối cùng của Chúa Giêsu” mô tả về một chàng trai Giêsu đầy sức sống. Đẹp trai và nhiều tài năng. Có một thiếu nữ rất xinh đẹp đã đem lòng yêu mến chàng, tên là Madalêna. Thế nhưng, tình yêu đã không đem lại cho chàng hạnh phúc. Chàng luôn bị thôi thúc bởi một tiếng gọi cao siêu, vượt trên cuộc sống tầm thường như bao bao người khác. Chàng quyết định từ bỏ người yêu và ra đi rao giảng về một Tin mừng có thể đem lại cho con người hạnh phúc đời này và đời sau. Mađalêna thất tình đã buông trôi cuộc đời trong chốn lầu xanh tội lỗi. Còn Giêsu thì thu thập được một số đồ đệ và hăng say truyền bá lý tưởng cao siêu. Nhưng lý tưởng đó lại không phù hợp với những mục đích chính trị của các tư tế, biệt phái và luật sĩ. Cho nên cuối cùng, Giêsu bị họ bắt và kết án đóng đinh. Trong những giây phút hấp hối trên thập giá, Giêsu bị hôn mê, cơn hôn mê khiến Giêsu nhìn lại cuộc đời của mình. Chàng mơ thấy mình từ bỏ lý tưởng cao siêu, cưới Mađalêna làm vợ, sinh được một bầy con ngoan, đẹp, sống rất hạnh phúc với gia đình, nhưng bị các đồ đệ và các tín đồ nhiếc móc. Giêsu bừng tỉnh dậy lắc đầu xua đuổi cơn cám dỗ ấy. (Giêsu đã chiến thắng cơm cám dỗ cuối cùng). Và sau đó gục đầu tắt thở.
Tác giả đã dựa vào tâm lý chung của con người để viết về nhân tính của Chúa Giêsu. Một con người bình thường, sinh ra, lớn lên, rung cảm với tình yêu đầu đời, nhưng ở chàng thanh niên Giêsu đã từ khước tiếng nói của con tim để theo đuổi một lý tưởng cao siêu. Điều này đáng được con người kính trọng. Nhưng đáng tiếc, lý tưởng đó bị người đời khước từ vì không thực tế, và cho dù cuộc sống của Ngài được nhiều người kính trọng nhưng người ta lại không muốn sống theo lối sống của Ngài.
Thực vậy, con người ngày hôm qua cũng như hôm nay, luôn cần tiền, cần tiện nghi, cần địa vị và cần cuộc sống bất tử để hưởng thụ mãi hạnh phúc ở chốn gian trần. Vì thế, người ta không chấp nhận đường lối của Chúa Giêsu, vì phương thế này không thoả mãn nhu cầu vật chất của con người. Có chăng, họ chỉ kính trọng một Giêsu thánh thiện, một vĩ nhân của nhân loại, nhưng đạo của Ngài thiết lập chẳng giúp ích gì cho cuộc sống thường ngày của họ. Đôi khi còn trở thành gánh nặng khiến họ không thể tuân giữ giới răn của Người. Đôi khi họ còn coi Chúa Giêsu là nguyên nhân gây nên phiền toái cho họ.
Có người nói rằng theo đạo làm chi, phải đi lễ hằng ngày, hằng tuần, ngủ cho sướng.
Có người nói rằng theo đạo làm chi để bị ràng buộc bởi quá nhiều lề luật.
Có người cho rằng theo đạo phải giữ luật công bằng thì làm sao làm ăn có lời, có lãi.
Có những bà mẹ cho rằng nếu giữ đúng luật Chúa thì gia đình sẽ mất hạnh phúc, con cái sinh ra ai sẽ nuôi cho nổi.
Có biết bao cuộc đời là có bấy nhiêu khó khăn. Càng khó khăn người ta lại đổ tội cho Chúa. Vì Chúa mà họ thiệt thòi. Vì Chúa mà họ phải sống nghèo đói. Vì Chúa mà họ phải thua kém bạn bè. Xem ra phần đông nhân loại nhìn Chúa như một quan toà, một cảnh sát chỉ để ngăn cấm và xét đoán. Và rồi, họ nhìn biết bao nhiêu người không có đạo vẫn sống hạnh phúc, đôi khi lại giầu có hơn mình, có địa vị hơn mình…
Phải, phần đông nhân loại đã nhìn Chúa Giêsu như vậy. Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? Chúa Giêsu vẫn tôn trọng tự do của các môn đệ. Ngài vẫn hằng tôn trọng tự do của chúng ta hôm nay. Ngài vẫn đòi hòi triệt để những kẻ tin theo Ngài phải từ bỏ, phải hy sinh vác thập giá, phải đi qua cửa hẹp và phải sống thanh thoát với của cải trần gian. Nghĩa là Ngài vẫn đòi hỏi chúng ta phải sống vượt lên trên nhu cầu thể xác tầm thường, phải sống làm chủ bản năng của mình bằng hy sinh, khổ chế để sống như những con người tự do đích thực. Không bị những đam mê danh lợi thú ràng buộc. Không bị những cám dỗ tội lỗi làm mất lương tri, mất phẩm giá cao qúy của con người.
Với những đòi hỏi đó, phải có cái nhìn đức tin như Phêrô mới có thể bỏ mọi sự mà theo Thầy, mới có thể tuân giữ lời Thầy và sống gắn gó mật thiết với Thầy. Phêrô và các môn đệ đã nhìn thấy Thầy là Chúa, là Đấng hằng sống và các ông còn hiểu rằng: ai bước đi theo Ngài sẽ không phải chết đời đời. Các ông đã dám đánh đổi cuộc đời này để đổi lấy hạnh phúc bất diệt đời sau. Các ông đã dám khước từ vinh hoa phú qúy đời này để lãnh triều thiên vinh hiển ngày mai.
Vâng cuộc đời này sẽ đi qua. Tiền tài, danh vọng, lạc thú tất cả chỉ là phù vân. Cái chết sẽ làm chúng ta đoạn tuyệt tất cả. Nếu cuộc đời chết là hết thì chẳng có gì đáng nói. Nếu chết là hết thì cuộc đời là một thảm hoạ đối với bản thân và đồng loại. Người ta đâu cần rèn luyện tài đức. Người ta chỉ cần hơn thiên hạ. Người ta chỉ cần vun quén cho bản thân, và mặc xác đồng loại. Cuộc sống sẽ là một bãi chiến trường mà con người là nguyên nhân và cũng là hậu quả của tất cả khổ đau. Nhưng cuộc đời không dừng lại ở cái chết. Cái chết là ngưỡng cửa mở ra sự sống vĩnh cửu. Và ở cõi đời đời con người đau khổ hay hạnh phúc lại tuỳ thuộc ở cuộc đời hôm nay. Vì thế, nếu bạn chọn sự sống đời đời phải từ bỏ tham sân si, từ bỏ mọi đam mê bất chính. Từ bỏ đòi hy sinh, đòi khổ chế để vượt thắng cám dỗ. Các tông đồ đã vượt thắng tất cả vì tin rằng Chúa là Đường là sự thật, là sự sống. Các Ngài đã từ bỏ mọi sự để theo Chúa, còn chúng ta có dám vì sự sống bất diệt ngày mai bên Chúa để can đảm từ khước những đam mê bất chính, những bon chen danh lợi thú để sống theo giáo huấn của Chúa hay không? Hạnh phúc hay đau khổ còn tuỳ thuộc vào chọn lựa của chúng ta hôm nay?
Ước gì chúng ta có cái nhìn đức tin như Phêrô để làm chứng cho thế giới hưởng thụ hôm nay về một cuộc sống hạnh phúc trường sinh mai sau. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

SUY NIỆM 7: THEO CHÚA PHẢI TỪ BỎ MÌNH, VÁC THẬP GIÁ MÌNH

Sau lời tuyên xưng: “Thầy là Đức Kitô” (Mc 8, 29) Phêrô cùng các môn đệ bị Thầy cấm không được nói với bất cứ ai về Thầy. Liền sau lời cấm là bài học về chính Thầy, Đấng Mêssia: “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều…bị giết đi” (Mc 8, 31). Vì không chấp nhận nên Phêrô đã bị khiển trách nặng nề bởi ông đã bày tỏ ý tưởng sai lạc của con người về Đấng Cứu Thế: “Satan, hãy lui đi, vì người không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người” (Mc 8, 33).
Quả thật, một thụ tạo sao hiểu được ý Đấng Sáng Tạo, một con người sao biết được Thiên Chúa. Chúng ta phải cám ơn các tác giả Tin Mừng đã mô tả cách chân thực về con người môn đệ Chúa Giêsu, thực sự họ không phải là nhân vật lý tưởng tuyệt vời hay là thần thánh gì hết, họ là những con người bằng xương bằng thịt với đức tính và khuyết điểm như chúng ta. Có thế họ mới gần gũi chúng ta, và giúp chúng ta nhận ra rằng tất cả chúng ta cần phải hoàn thiện mỗi ngày, bởi không ai là hoàn hảo ngay từ khi mới sinh.
Vậy, đâu là ý Thiên Chúa?
Chúa Giêsu bắt đầu dạy cho các môn đệ hiểu rằng “Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ, và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại” (Mc 8, 31). Chương trình trên làm đảo lộn tâm hồn các môn đệ. Làm sao “Ðấng Kitô” (Mc 8, ) lại có thể bị đau khổ cho tới chết được? Tông đồ Phêrô nổi loạn, không chấp nhận con đường ấy, nên mới: “Kéo Người lui ra mà can trách Người” (Mc 8, 32). Ý muốn của Thiên Chúa là chấp nhận thập giá.
Xem ra sự khác biệt giữa chương trình tình yêu của Chúa Cha và dự án, ước muốn của các môn đệ là điều hiển nhiên. Không chấp nhận thập giá là phủ nhận chương trình tình yêu của Chúa Giêsu, và hầu như ngăn cản Người thi hành ý muốn của Chúa Cha.  Vì thế Chúa Giêsu mới nặng lời trách đuổi Phêrô: “Satan, hãy lui đi ” (Mc 8, 33).
Khi con người thực hiện cuộc đời mình chỉ hướng tới thành công xã hội, giầu sang vật chất và kinh tế, con người gạt bỏ Thiên Chúa sang một bên, không lý luận theo Thiên Chúa nữa, mà theo con người. Và khi nào chúng ta để cho những suy nghĩ, tình cảm hay lý luận nhân loại chiếm ưu thế, không để cho đức tin, hay Thiên Chúa dạy dỗ và hướng dẫn, lúc ấy chúng ta sẽ trở nên những tảng đá cản trở chương trình tình yêu của Người.
Theo Chúa phải từ bỏ
Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Phúc Âm, thì sẽ cứu được mạng sống mình” (Mc 8, 34).
Chúng ta tự hỏi: “Từ bỏ” mình có nghĩa gì? Và tại sao ta phải tử bỏ mình?
Thật khó chấp nhận điều Chúa Giêsu yêu cầu là từ bỏ và hy sinh. Sống trong một xã hội được lập trình sẵn, khuyến khích thành công nhanh, tận dụng tối đa làm ít, hưởng nhiều, đỡ tốn thời giờ và sức khỏe, nên không có lạ khi chúng ta làm và nhìn mọi sự theo kiểu con người chứ không theo cái nhìn của Thiên Chúa. Chính Phêrô, chỉ sau khi đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần, ông mới ý thức được rằng, ông phải qua con đường ông đi và sống trong hy vọng.
Cần phải phân biệt, Chúa Giêsu không đòi chúng ta từ bỏ “điều chúng ta là”, nhưng điều “chúng ta đã trở nên”. Chúng ta là hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa thấy tốt đẹp sau khi tạo dựng người nam và người nữ (x. St 1, 31). Điều chúng ta phải từ bỏ không phải là điều Chúa đã làm, nhưng điều chúng ta lạm dụng quyền tự do làm, cụ thể như: kiêu ngạo, hà tiện, dâm dục, hờn giận, mê ăn uống, ghen ghét và làm biếng… là những khuynh hướng xấu, tội lỗi, bao phủ trên hình ảnh Thiên Chúa. Thánh Phaolô gọi ảnh biến hình này là “ảnh dưới đất”, ngược với “ảnh trên trời”, giống như Chúa Kitô. Do đó “từ bỏ chính chúng ta”, là từ bỏ ý loài người để mặc lấy ý Chúa, hợp và giống Chúa hơn.
Kierkegaard đã lấy một ví dụ: Hai người trẻ ngôn ngữ khác nhau yêu nhau. Muốn cho tình yêu của hai người sống còn và lớn mạnh, một trong hai người phải học tiếng nói của người kia. Bằng không, họ không có khả năng truyền đạt và tình yêu của họ không bền. Và ông kết luận, điều này chỉ xảy ra giữa chúng ta và Chúa. Chúng ta nói thứ ngôn ngữ xác thịt, Chúa nói thứ ngôn ngữ thần khí; chúng ta nói ngôn ngữ tính ích kỷ, Chúa nói ngôn ngữ tình yêu.
Muốn theo Chúa, phải từ bỏ chính mình là học ngôn ngữ của Chúa để chúng ta có thể giao tiếp với Chúa. Chúng ta sẽ không có khả năng nói “vâng” với người khác nếu chúng ta trước hết không khả năng nói “không” với chúng ta.
Theo Chúa là chấp nhận thập giá
Thì ra con đường của các môn đệ là theo Chúa Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Con đường “chịu mất chính mình”, để tìm lại được chính mình, như Đức nguyên Giáo hoàng Benedictô XVI viết: con đường “chịu mất chính mình”, là điều cần thiết đối với con người, và nếu không có điều này, thì nó không thể tìm lại được chính mình” (Ðức Giêsu thành Nagiarét 2007, 333).
Ngày nay Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Ta” (Mc 8, 34). Theo Chúa khi chấp nhận thập giá của mình với lòng yêu mến. Dưới con mắt thế gian, “chịu mất mạng sống” (Mc 8, ) là một thất bại. Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã viết như sau: “Một cách nhiệm mầu chính Chúa Kitô chấp nhận… chết trên một thập giá để nhổ tận gốc rễ tội kiêu căng khỏi trái tim con người, và biểu lộ một sự vâng phục toàn vẹn con thảo” (Es. ap. Gaudete in Domino 9 maggio 1975, AAS 67 (1975) 300-301). Khi tự nguyện chấp nhận cái chết, Ðức Giêsu mang lấy thập giá của tất cả mọi người và trở thành suối nguồn ơn thánh cứu độ cho toàn dân. Thánh Cirillo thành Giêrusalem giải thích rằng: “Thập giá chiến thắng đã soi sáng những ai bị mù lòa vì ngu muội, đã giải thoát người bị tội lỗi giam cầm, đã đem lại ơn cứu độ cho toàn nhận loại” (Catechisis Illuminandorum XIII,1; de Christo crucifixo et sepulto: PG 33, 772 B).
Lạy Chúa Giêsu Kitô Con Thiên Chúa hằng sống đã đến thế gian chịu chết và sống lại để cứu chuộc chúng con, chúng con xin theo Chúa, nhưng xin Chúa giúp chúng con biết từ bỏ chính mình và vác thánh giá đời chúng con mỗi ngày để theo Chúa. Xin gia tăng lòng tin yêu Chúa nơi chúng con, để những gì tốt đẹp nơi chúng con ngày càng phát triển và được Chúa chăm sóc giữ gìn. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

SUY NIỆM 8: ĐÚNG HAY SAI

Đức Kitô muốn biết người ta nghĩ Ngài là ai. Ngài hỏi các môn đệ và các ông thưa có nhiều í kiến khác nhau lắm.
Họ bảo Thầy là Gioan Tẩy Giả, có kẻ thì bảo là ông Elia, kẻ khác lại cho là một ngôn sứ nào đó’ c.28.
Đức Kitô hỏi tiếp, còn các anh cho Thầy là ai? Ông Phêrô lên tiếng ‘Thầy là Đấng Kitô’. Đức Kitô khen Phêrô có câu trả lời đúng nhất. Câu trả lời khác chỉ đúng một phần nhỏ về sứ mạng của Ngài. Đức Kitô không hài lòng bởi chúng không diễn tả trọn vẹn sứ mạng Ngài sẽ thực hiện nơi dương thế.
Chính Đức Kitô không dùng thánh danh Kitô để nói về mình nhưng lại dùng thánh danh ‘Con Người’. Thánh danh ‘Con Người’ có lẽ Đức Kitô muốn nhấn mạnh đến cách hành xử tàn ác, thô bạo, con người dùng để hành hạ nhau. Đức Kitô với tư cách là con người cũng chung số phận bị hành hạ, ác độc, thô bạo như những con người khác.
Trước đó ít phút ông Phêrô trả lời đúng, Đức Kitô ca ngợi ông; ít phút sau đó ông Phêrô góp í sai, Đức Kitô cảnh báo ông. Ông Phêrô trả lời đúng bởi câu trả lời đó đến từ Thiên Chúa. Câu góp í của Phêrô sai bởi câu đó do í riêng con người. Dù trả lời đúng, Phêrô vẫn không hiểu rõ nhiệm vụ cứu chuộc của Đấng Kitô. Ông đúng về thánh danh, nhưng sai về nhiệm vụ cứu chuộc. Đức Kitô mặc khải cho các ông biết sứ mạng cứu chuộc của Ngài.
‘Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kì mục, thượng tế củng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sống lại. c.32.

Điều Đức Kitô mặc khải là tin kinh hoàng cho tất cả các môn đệ. Lí luận hợp lí của con người không thể lí giải được mặc khải trên. Đối với con người, chết là hết, chết là thua, mất mọi sự. Ba ngày sau khi chết, tất cả niềm hy vọng đều chết, kể cả hy vọng gặp lại cũng chết theo.
Theo Đức Kitô, ai tự tìm cách cứu mạng sống mình thì không cầm giữ được mạng đó. Còn ai hy sinh mạng sống mình vì Tin Mừng, vì Đức Kitô thì sẽ sống muôn đời c.35. Điều này cho biết con người có khả năng tìm vinh danh cho mình, nhưng không thể tự cứu mình. Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền ban sự sống trường sinh.
Đức Kitô khiển trách Phêrô, ông làm điều gì sai trái?
a/ Thứ nhất, ông đã đưa ra lời khuyên, điều Đức Kitô cần ông suy gẫm về mặc khải Ngài cho biết, ông đã không làm lại đưa ra lời khuyên.
b/ Thứ hai, ông đã vượt quá giới hạn của chính mình. Thay vì hỏi để hiểu điều Đức Kitô mặc khải. Phêrô đã không hỏi nhưng lại đưa lời khuyên.
c/ Thứ ba, Phêrô là học trò; trò sao có đủ khôn ngoan để khuyên Thầy. Vì thế Đức Kitô nói với ông khôn ngoan của ông là khôn ngoan của con người, không thể nào hiểu khôn ngoan của Thiên Chúa.
Rất có thể về ba điểm nêu trên mà Đức Kitô nói với các ông,‘Không được nói với ai về Ngài’ c.30.
Việc ngăn cấm này có lẽ nhằm mục đích giới hạn việc phỏng đoán sai lầm về sứ mạng cứu chuộc của Đức Kitô. Chính các tông đồ là những người cận kề Đức Kitô mà chưa hiểu rõ sứ mạng cứu chuộc của Ngài, thì người khác làm sao có thể biết hơn được. Vì thế mọi tiên đoán, đồn đãi về Đức Kitô đều không có căn cứ. Tốt hơn tạm ngưng nói về sứ mạng của Ngài cho đến khi Đức Kitô sống lại từ cõi chết.
Đức Kitô cũng cho Phêrô biết cách nhìn biết về Đức Kitô không phải là cách của riêng cá nhân ông mà chính là cách chung nhân loại nhận biết về Ngài.
Tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa mà là của loài người c.33
Câu này ngầm chứa nhiều khôn ngoan.

a/ Thứ nhất, để thi hành í Thiên Chúa thì phải nhận biết í Thiên Chúa, không thể nhận biết qua í kiến loài người.
b/ Thứ hai, con người có thói quen coi trọng í kiến riêng, coi í mình là quan trọng nhất. Mọi í kiến khác đều là thứ yếu.
c/ Thứ ba, Phêrô thành tâm không muốn để điều xấu xảy ra cho Đức Kitô. Ngài cho biết thành tâm, mong làm điều tốt không bảo đảm đó là í Thiên Chúa, thực hiện í Chúa.
d/ Thứ tư, cách con người thực hiện thường ỉ vào sức mạnh, quyền thế, tàn ác, ép người khác phục tùng. Họ có thể khống chế bề ngoài. Ta vẫn nghe nói: khẩu phục nhưng tâm thì không. Cách của Thiên Chúa nhẹ nhàng, chú trọng vào tâm hồn. Khâm phục cách tự nguyện và điều này phát xuất từ tâm hồn.
e/ Điểm cuối, con người không thích hình ảnh người Đầy Tớ Đau Khổ như các tiên tri tiên đoán về sứ mạng Chúa Cứu Thế. Nhân loại thích hình ảnh một vị vua oai phong, quyền lực. Nhân loại cũng không thích vác thập giá mình bước theo và cũng không thích từ bỏ chính mình. Trái lại nhân loại thích được nổi tiếng, trọng vọng, cao sang, quyền thế. Nhân loại chọn cách hành xử trong cuộc sống, dựa vào sức mạnh, quyền thế chèn ép, đè nén, giết, bỏ tù nhau. Đức Kitô kêu gọi môn đệ ngài từ bỏ những điều trên bởi chúng là nguyên nhân gây đau thương, tang tóc, chia rẽ, bè phái. Đức kitô tự chọn hạ mình, khiêm nhường, chấp nhận bị bắt, bị hành hạ, bị xỉ vả và chịu đóng đanh trên thập tự. Cách của Thiên Chúa là yêu thương, tha thứ, ban sự sống và xót thương. Con đường yêu thương, tha thứ là con đường môn đệ trung tín Đức Kitô chọn bước theo.
Lm Vũ Đình Tường
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây