CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM B

Thứ sáu - 16/08/2024 06:01



CHÚA NHẬT XX THƯỜNG NIÊN NĂM B
Cn 9,1-6; Êp 5,15-20; Ga 6,51-58

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
51Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân Do-thái rằng: "Ta là bánh hằng sống từ trời xuống; ai ăn bánh này, thì sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".
52Vậy người Do-thái tranh luận với nhau rằng: "Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được?"
53Bấy giờ Chúa Giêsu nói với họ: "Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống trong các ngươi. 54Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta, Ta sẽ cho kẻ ấy sống lại ngày sau hết. 55Vì thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống. 56Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy. 57Cũng như Cha, là Ðấng hằng sống đã sai Ta, nên Ta sống nhờ Cha, thì kẻ ăn Ta, chính người ấy cũng sẽ sống nhờ Ta. 58Ðây là bánh bởi trời xuống. Không phải như cha ông các ngươi đã ăn manna và đã chết, ai ăn bánh này thì sẽ sống đời đời".

CÁC BÀI SUY NIỆM

Suy niệm 1: Bàn tiệc Thánh Thể - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
Suy niệm 2: Bánh Thánh Thể - Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Suy niệm 3: Thiên Chúa vô cùng yêu thương chúng ta - Lm. Ignatiô Trần Ngà
Suy niệm 4: Tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể - Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền
Suy niệm 5: Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời - Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

Suy niệm 6: Bí tích Thánh Thể - Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Suy niệm 7: Tâm tình rước Chúa - Lm. Antôn

SUY NIỆM 1: BÀN TIỆC THÁNH THỂ

Lời Chúa: “Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống” (Ga 6,55)
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 20 thường niên hôm nay cho chúng ta thấy, bánh Chúa Giêsu hứa ban cho chúng ta chính là thịt và máu Người. Người mời gọi chúng ta hãy đến với Bàn Tiệc Thánh Thể để được kết hiệp mật thiết với Người và được sống đời đời:
 “Hoàng gia” dọn tiệc sẵn sàng,
Người sang khách quý họ hàng chung vui.
Tiệc nay lương thực bởi trời,
Là Mình Máu Chúa nuôi người trần gian.
Phần ta muốn lãnh Thiên đàng,
Dọn mình sốt sắng siêng năng đón Người.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa ban ơn khôn ngoan cho chúng ta biết nhận ra lời mời gọi của Chúa để dọn tâm hồn mình sao cho xứng đáng đón rước Người. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Bánh trường sinh từ trời xuống. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa ban thịt máu Chúa làm của ăn của uống cho chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa là sự khôn ngoan của Chúa Cha. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Trong cuộc hành trình tìm về quê trời, chúng ta luôn được Lời Chúa mời gọi và nhắc nhở: đừng gắn bó với của cải chóng qua ở đời này nhưng hãy tìm kiếm những giá trị trường tồn. Sự sống trường tồn, cũng chính là sự sống thần linh. Đó chính là Đức Giêsu Kitô. Tấm bánh được trao ban cho nhân loại. Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy khôn ngoan nhận ra lời mời gọi của Chúa đến với Bàn Tiệc Thánh Thể, để được tham dự tiệc vui muôn đời: “Thịt Ta thật là của ăn và máu Ta thật là của uống”.
Thưa anh chị em, trong cuộc hành trình của dân Do thái đi về đất hứa, Thiên Chúa đã ban manna cho họ để làm lương thực đi đường trong suốt 40 năm ở hoang địa. Tuy manna ấy là vật từ trời xuống nhưng chỉ là bánh vật chất nuôi thể xác, không có sức đem lại sự sống vĩnh cửu cho người ăn. Cha ông họ đã ăn manna ấy nhưng đã chết. Vì thế, tác giả sách Châm Ngôn bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta thấy, Thiên Chúa là Ðấng khôn ngoan kêu gọi mọi người đến tham dự bàn tiệc để ăn bánh và uống rượu đã được dọn sẵn. Đồng thời, hãy từ bỏ sự ngây dại, và học sống theo đường lối khôn ngoan để được sống. Lời này của sự khôn ngoan không phân biệt, cả đến những người ngu muội tội lỗi.
Sự khôn ngoan được nói tới ở đây là hình ảnh tiên báo Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể, Đấng đã được Thiên Chúa Cha xức dầu. Chính Chúa Giêsu là sự khôn ngoan của Thiên Chúa Cha. Người đến biểu lộ sự khôn ngoan Thiên Chúa nơi chính mình. Chính Người đã dọn cho loài người một bữa tiệc mới, là mình và máu thánh của Người, để loài người được tiếp nhận và được sống đời đời, đó là Bàn Tiệc Thánh Thể. Chúa Giêsu khẳng định: “Thịt Ta thật là của ăn, và máu Ta thật là của uống”. Lương thực thần linh này phát xuất từ Thiên Chúa, và được trao ban qua Chúa Giêsu để những ai lãnh nhận thì được thông dự vào sự sống thần linh mai sau. Đây là cách sống khôn ngoan mà Chúa Giêsu muốn mạc khải cho con người. Và đây cũng là một thực tại mới mẻ, mầu nhiệm khó hiểu đối với tâm thức trần tục của con người: “Làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được”.
Chính Chúa Giêsu là nguồn mạch trường sinh, Bánh ban sự sống đời đời. Người đến để mời gọi chúng ta tin và đón nhận Người, chính Người là bánh hằng sống. Bánh có đủ mùi vị thơm ngon: “Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao”. Chúa Giêsu mời gọi mọi người tới tham dự và hưởng dùng lương thực thần linh có sức bổ dưỡng đem lại sự sống đời đời. Đây là tuyệt đỉnh của sự kết hợp giữa loài người với Thiên Chúa.
Chuyện kể rằng, sau khi động đất, cả hai mẹ con bà Suzanna  may mắn nằm lọt vào trong một khoảng trống nhỏ chỉ vừa đủ chỗ cựa quậy mà thôi. Lúc đó, cô gái 4 tuổi mới kêu: "Mẹ ơi, con khát". Người mẹ vớ được một miếng kính bể và cắt đầu ngón tay trỏ, rồi đút ngón tay trỏ ấy vào miệng con. Đứa bé đã mút cho đến khi bà ngất xỉu. Sau khi được cứu sống, người đàn bà thuật lại rằng: “Lúc đó, tôi biết thế nào tôi cũng chết, nhưng tôi muốn con tôi được sống”.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Hình ảnh bà Suzanna trong câu chuyện trên đây nói lên sự sống thần linh mà Chúa Giêsu muốn thông ban cho con người chính là tình yêu của Người. Ai sống trong tình yêu, người đó đang sống thực sự, bởi vì người đó đang sống trong sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Vì thế, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Êphêxô nhắn nhủ với chúng ta: Anh em hãy xét coi phải ăn ở thế nào cho thận trọng, đừng như những kẻ dại dột, song như những người khôn ngoan biết lợi dụng thời giờ, vì thời buổi này đen tối. Vì thế anh em chớ ăn ở bất cẩn, nhưng hãy hiểu biết thế nào là thánh ý Thiên Chúa. Anh em chớ say sưa rượu chè, vì rượu sinh ra dâm dục, nhưng hãy tiếp nhận dồi dào Chúa Thánh Thần. Hãy luôn luôn cảm tạ Thiên Chúa là Cha trong mọi nơi mọi sự, nhân danh Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Có như thế, chúng ta không còn đi tìm sự khôn ngoan lý thuyết, trừu tượng nhưng đi gặp một Đấng khôn ngoan cụ thể để trở thành sự khôn ngoan của Người, được kết hiệp với Người: “Ai ăn thịt Ta và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy”.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn khao khát sự khôn ngoan và sốt sắng kết hiệp Mình Máu thánh Chúa nơi Bàn Tiệc Thánh Thể để được hưởng sự sống thần linh của Người. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: BÁNH THÁNH THỂ

Bài đọc 1 trích sách Châm Ngôn: “Hãy đến mà ăn bánh của ta, và uống rượu do ta pha chế”. Theo lời sách Châm Ngôn, bánh và rượu đây là Đức Khôn Ngoan. Đức Khôn Ngoan được “thiên cách hóa” như chính Thiên Chúa: “đừng ngây thơ dại ngờ nữa, và các con sẽ được sống; hãy bước đi trên con đường hiểu biết”.
Tin Mừng thánh Gioan chương 6 cho thấy Chúa Giêsu Kitô chính là Đức Khôn Ngoan Nhập Thể, là Bánh Hằng Sống, “Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.
Trang Tin Mừng hôm nay là đỉnh cao của mạc khải Đức Khôn Ngoan Nhập Thể trở thành Bánh Thánh Thể.
Chúa Giêsu khẳng định: “Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống”. Người Do thái phản ứng và tranh luận sôi nổi: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”.
Chúa Giêsu giải thích và khẳng định thêm: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết”.
Chúa Giêsu cho biết hiệu năng khi “ăn thịt và uống máu” là được kết hiệp mật thiết với Chúa: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi và tôi ở lại trong người ấy”.
Chúa Giêsu nhắc lại hiệu lực của manna cũ để so sánh với hiệu năng của Manna mới: “Tổ tiên các ngươi đã ăn mana và đã chết. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời”.
Những lời Chúa Giêsu giảng dạy mạc khải rõ ràng về Bí Tích Thánh Thể.
Bí Tích Thánh Thể được Chúa tiên báo trong tiệc cưới Cana, được hứa ban cho dân ở Caphanaum.
Bí Tích Thánh Thể được Chúa thiết lập trong Tiệc Ly: “Đang khi ngồi ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho các môn đệ và phán:Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình Ta sẽ bị nộp vì các con.Cùng một thể thức ấy, Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các môn đệ và nói:Tất cả hãy cầm lấy mà uống vì này là chén máu Ta, máu giao ước sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. (Mt 26,26-29).
Bí Tích Thánh Thể được Chúa cử hành đầu tiên tại làng quê Emmau “Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra, trao cho họ. Và họ đã nhận ra Người đã Phục sinh” (Lc 24,13-35).
Thánh Thể là sự sống của Giáo Hội, là lương thực thiêng liêng cho đời sống và là bảo đảm cho hạnh phúc trường cửu của người tín hữu chúng ta.
Thánh Thể là mối hiệp nhất giữa Thiên Chúa với con người, và giữa con người với nhau.
Thánh Thể chính là Tặng Phẩm Thần Linh mà Thiên Chúa trao cho nhân loại.
Lịch sử cứu độ là lịch sử hồng ân và là lịch sử tình yêu tự hiến của Thiên Chúa. Cao điểm của lịch sử này là Thập Giá Đức Kitô. Thập Giá là tột đỉnh hy sinh của Thiên Chúa. Thập Giá biểu lộ tình yêu điên rồ của Thiên Chúa. Thập Giá cũng là tột đỉnh hy sinh của Đức Kitô, Đấng đã hạ mình vâng phục Chúa Cha cho đến chết và chết trên Thập Giá. Thập giá là cao điểm tình yêu tự hiến của Chúa Kitô.
Tình yêu sâu thẳm và khôn dò của Thiên Chúa biểu lộ nơi Thập Giá Đức Kitô là tình yêu vượt thời gian. Tình yêu tự hiến của Đức Kitô biểu lộ bằng cái chết cũng vượt thời gian. Chúa Kitô chỉ tự hiến một lần, tự hiến trọn vẹn thay cho mọi lần. Chúa đã biểu lộ điều này trong bữa Tiệc Ly. Từ đó, Bí Tích Thánh Thể là nguồn mạch của đời sống Giáo Hội, là trọng tâm và là tột đỉnh của sinh hoạt Giáo Hội. Thánh Thể làm nên Giáo Hội. Không có Thánh Thể thì không có Giáo Hội. Giáo hội là thân mình gồm nhiều người ăn cùng một tấm bánh là thân mình Đức Kitô (1 Cor10,17). Như thế bàn tiệc Thánh Thể là nguồn mạch của yêu thương, cảm thông và hiệp nhất.
Giáo hội luôn định tín rằng: dù chỉ một miếng bánh nhỏ, khi đã được Truyền Phép, vẫn chứa đựng cả thân xác, linh hồn và thần tính của Đức Kitô. Chúng ta có Đức Kitô nguyên vẹn và cụ thể. Chính Chúa Thánh Thần Kitô hóa bánh rượu, làm cho bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Khi linh mục, thừa tác viên của Giáo hội, thay mặt Chúa Kitô đọc Lời Truyền Phép. Lời Truyền Phép mà linh mục đọc không phải là một câu thần chú có một ma lực biến bánh và rượu thành Mình và Máu Chúa Kitô, giống như linh mục có quyền trên Chúa Kitô, khiến Chúa đến thì Ngài phải đến. Lời Truyền Phép chính là Lời Chúa Kitô, Lời mà Chúa Kitô muốn nói qua môi miệng của linh mục. Chúa Kitô đã chọn một số người để họ lập lại y nguyên Lời Truyền Phép của Ngài. Chính Chúa Thánh Thần lấp đầy “khoảng cách” giữa linh mục và Đức Kitô, khiến Lời Truyền Phép trở nên “công hiệu”, làm cho nội dung của Lời trở thành hiện thực. Sau Truyền Phép bánh không còn là bánh mà là Mình Thánh Chúa, rượu không còn là rượu mà là Máu Thánh Chúa. Đã có một sự thay đổi, sự thay đổi ấy là thay đổi bản thể hay “biến thể”. Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chứ không phải là công việc của người phàm, dù người ấy là linh mục. Vì ý thức điều đó, Giáo hội thiết tha khẩn cầu trước lúc linh mục Truyền Phép:
– “Chúng con nài xin Cha đổ ơn Thánh Thần xuống mà thánh hóa của lễ này, để biến thành Mình và Máu của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể II).
– “Lạy Cha, chúng con tha thiết nài xin Cha, cũng nhờ Chúa Thánh Thần, mà thánh hóa của lễ chúng con dâng hiến Cha đây, để trở nên Mình và Máu Đức Giêsu Kitô, con Cha, Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể III).
– “Lạy Cha, xin cho Chúa Thánh Thần đoái thương thánh hóa những của lễ này, để biến thành Mình và Máu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con” (Kinh Nguyện Thánh Thể IV).
Chúa Thánh Thần làm cho Chúa Kitô hiện diện thực sự giữa chúng ta, trong hình bánh và rượu. Điều đó không có nghĩa là Đức Kitô không hiện diện thực sự bằng những cách khác, như hiện diện qua lời Kinh Thánh, hiện diện trong Giáo hội, hiện diện nơi những người nghèo khổ, hiện diện giữa hai hoặc ba người họp nhau cầu nguyện (Mt 18, 20). Tất cả những cách hiện diện đó đều là hiện diện thực. Có điều khác là: Đức Kitô không đồng hóa với lời Kinh thánh, Lời Kinh thánh được đọc lên không là bản thân Đức Kitô; Đức Kitô cũng không đồng hóa với người nghèo, vì người nghèo không là bản thân Đức Kitô, dù Ngài đã nói: “Ta đói các ngươi cho ăn, Ta khát các ngươi cho uống…” (Mt 25, 35- 36). Trái lại nơi Bí Tích Thánh Thể, sau Lời Truyền Phép, bánh và rượu là Đức Kitô, là bản thân Ngài, là bản thể Ngài, là Mình và Máu Ngài. Trong Bí Tích Thánh Thể, sự hiện diện của Đức Kitô có một chiều sâu hữu thể mà không nơi nào có. Sự hiện diện đích thực và đặc biệt này của Đức Kitô là kết quả của một sự thay đổi mà tác động thay đổi chính là công việc của Chúa Thánh Thần làm khi linh mục đọc Lời Truyền Phép. (x.simonhoadalat.com, Tặng phẩm Thần Linh, ĐGM Bùi Văn Đọc).
Bí Tích Thánh Thể là sáng kiến của tình yêu. Tình yêu luôn có những sáng kiến bất ngờ và kỳ diệu. “Thiên Chúa đã yêu thế gian nỗi ban chính Con Một…” (Ga 3, 16) và Con Một là Chúa Giêsu đã yêu cho đến cùng, đã lập Bí tích Thánh Thể để ở với con người luôn mãi.
Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường, nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống con người hàng ngày. Chúa Giêsu đã muốn trở nên những gì cần thiết và gần gũi đó. Người muốn bánh và rượu trở nên thịt máu của Người. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên Thập Giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Vật chất đã trở thành biểu tượng cho sự hiện diện thần linh.
Trước tình yêu bao la của Thiên Chúa, thánh Phaolô trong bài đọc 2 khuyên các tín hữu: “Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha”, đồng thời: “Hãy sống như người khôn ngoan, biết tận dụng thời gian hiện tại…hãy tìm hiểu đâu là ý Chúa…hãy thấm nhuần Thần Khí”. Ý Thiên Chúa muốn chúng ta sống yêu thương như Chúa Giêsu Kitô đã yêu thương.
Mình và Máu Chúa Kitô là hồng ân vô giá, chúng ta đón nhận để có sự sống thần linh của Chúa. Tham dự Thánh Lễ tích cực, trọn vẹn là cách tốt nhất thể hiện lòng yêu mến Chúa. Thỉnh thoảng trong ngày, trong tuần, chúng ta nên quỳ gối trước Thánh Thể, chúng ta có thể học được nhiều điều từ Bí Tích Tình Yêu.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

SUY NIỆM 3: THIÊN CHÚA VÔ CÙNG YÊU THƯƠNG CHÚNG TA

Thiên Chúa vô cùng yêu thương chúng ta nên Ngài muốn ban cho chúng ta món quà cao quý nhất.
Nhưng thưa ông bà anh chị em, nếu giờ đây Chúa hiện ra và phán với mỗi người rằng: “Ta sẽ ban cho các con món quà quý báu nhất”, thì chúng ta sẽ xin Ngài điều gì? Xin vài tấn gạo? Có nhiều điều khác giá trị hơn gạo. Xin tiền? Vài tỉ bạc cho mỗi gia đình? Còn nhiều điều khác quý hơn tỉ bạc. Xin một tấn vàng ròng? Còn có điều quý hơn vàng bạc, hơn bảo ngọc trân châu. Đó là sự sống! Ông bà chúng ta thường nói: “Mạng sống quý hơn đống vàng”. Được sống là một may mắn vô cùng, là một ân huệ vượt trên hết mọi ân huệ. Nhà văn Jack London nói: “Thà làm một con chó sống còn hơn làm một con sư tử chết”. Đúng vậy. Làm một con chuột sống còn hơn một con voi chết! Dù mất hết tiền bạc của cải, nhưng còn được sống thì cũng còn may.
Nhưng sự sống cũng có nhiều đẳng cấp khác nhau.
Sự sống của cây cỏ vốn thấp kém, hầu như vô tri vô giác. Cây cối không biết khóc, không biết cười, không biết đau đớn cũng như mừng vui, lại phải chôn chân một chỗ cho đến lúc lụi tàn.
Sự sống của các loài côn trùng như giun, như sâu bọ, như kiến… tuy cao hơn loài thảo mộc một chút nhưng còn ở đẳng cấp thấp.
Sự sống của cá nước, chim trời, của loài cầm thú cao hơn sự sống của cỏ cây, của côn trùng, nhưng vẫn chưa phải là mức sống cao.
Sự sống của con người cao vượt hơn cả: hơn sự sống của hoa lá cỏ cây, hơn sự sống của côn trùng, hơn sự sống của chim trời cá nước, hơn sự sống của các loài muông thú, nhưng dù vậy vẫn còn thua sự sống của các thiên thần và còn thua xa sự sống của Thiên Chúa. Sự sống của Thiên Chúa là sự sống cao quý vô song.
Sự sống con người cao quý thật, nhưng tiếc thay, sự sống ấy đã bị tội nguyên tổ làm cho tổn thương, làm cho khiếm khuyết và giới hạn. Khiếm khuyết vì bệnh tật, vì già yếu, và giới hạn bởi cái chết.
Thế nên Thiên Chúa nhân lành tiên liệu ban thêm cho loài người sự sống khác, vô cùng phong phú, vô cùng cao quý, và không bao giờ cùng tận, đó là sự sống của chính Ngài. Thiên Chúa lấy chính sự sống của Mình làm quà tặng cho loài người khốn hèn tội lỗi! Có ai hiểu nổi không?
Qua đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khẳng định với chúng ta điều đó.
Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
Phẩm chất của sự sống Chúa ban là vĩnh cửu, không thể lụi tàn.
Và sự sống nầy chính là sự sống của Chúa Cha: “Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”
Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng Sự Sống mà Ngài đã nhận được từ nơi Chúa Cha, thì Ngài thông ban lại cho chúng ta. Sự sống thần linh bắt nguồn từ Chúa Cha, thông truyền cho Chúa Con và Thánh Thần, giờ đây lại được Chúa Giêsu khơi dòng để chảy tràn vào mỗi người chúng ta, nếu chúng ta ăn Ngài, tức là đón nhận Ngài, rước lấy Ngài trong bí tích thánh thể.
“Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.”
Thật tuyệt vời không thể tưởng tượng được. Thiên Chúa thông ban sự sống cao quý của chính Ngài cho chúng ta qua Chúa Giêsu.
Món quà vô cùng quý báu, vượt xa tất cả mọi món quà đã được Thiên Chúa ban tặng nhưng không cho chúng ta. Chúng ta hãy mau mau nhận lãnh món quà quý báu nầy với tất cả tấm lòng cảm tạ tri ân, đồng thời hãy cầu xin Chúa cho sự sống thần linh ấy thực sự trổ sinh hoa trái dồi dào trong cuộc đời mỗi người chúng ta.
 
Lm. Ignatiô Trần Ngà

SUY NIỆM 4: TÌNH YÊU CỦA CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ

Khi nói về thân phận phụ nữ tần tảo “một nắng hai sương”, người ta thường nhớ đến câu thơ bất hủ của Tú Xương đã nói về vợ mình như sau:
“Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi đủ năm con với một chồng”.
Và những ai thích ca cổ cải lương, sẽ nhớ mãi câu chuyện huyền thoại thật cảm động về Thoại Khanh – Châu Tuấn. Chuyện kể về một người vợ chung thủy, một nàng dâu hiếu thảo. Nàng lấy chồng nhưng không phải để được sống sung sướng hạnh phúc. Nàng lấy chồng không phải để có chỗ nương tựa như bao người phụ nữ khác. Nàng lấy chồng để được “nâng khăn sửa túi” cho chồng, và nhất là thay chồng để gánh lấy “giang sơn nhà chồng”. Nàng cặm cụi dệt cửi thêu thùa để lo cho chồng ăn học. Và rồi tai hoạ đã đổ ập xuống trên cuộc đời nàng, khi chồng đang mãi ứng thí trên kinh thành, thiên tai lũ lụt đã tàn phá quê nhà đến nỗi nhiều gia đình phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất. Đói khổ bần cùng. Nàng cùng mẹ chồng sống lây lất qua ngày. Lương thực thiếu thốn. Mẹ chồng già yếu, lại thêm mù loà. Nàng đã hằng ngày róc thịt mình cho mẹ ăn. Nàng đã chấp nhận róc từng thớ thịt của mình để nuôi mẹ già sống cho tới ngày chồng trở về để “vinh quy bái tổ”.
Xem tuồng cải lương về Thoại Khanh – Châu Tuấn, nhiều người đã rơi nước mắt. Nước mắt cảm thông. Nước mắt của trái tim hoà nhịp với trái tim yêu thương của nàng dâu lấy thịt nuôi mẹ chồng. Khóc vì ngưỡng mộ một con người giầu lòng quảng đại. Yêu tha nhân không chỉ yêu như chính mình mà còn quên cả bản thân. Một tình yêu quá cao vời. Nước mắt đồng cảm với một con tim không chỉ biết nói lời yêu thương mà còn thể hiện bằng tình yêu trao ban chính thịt máu mình cho mẹ già được sống trong an vui hạnh phúc.
Chuyện kể về Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay không phải là huyền thoại, mà là sự thật. Chính Ngài đã hiến dâng mạng sống cho con người được sống và sống dồi dào. Chính Ngài đã sống vì cuộc sống của nhân loại. Ngài đến trần gian để cứu độ nhân loại. Ngài sống không phải vì mình mà cho thế gian được ơn cứu độ. Ngài yêu thương thế gian đến nỗi còn muốn trao ban chính mình làm của ăn của uống cho nhân loại. Chính Ngài đã xác quyết rằng “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống”. Ai ăn và uống Mình và Máu Ngài không chỉ được sống hạnh phúc mà còn hơn thế nữa là được sống muôn đời. Ngài là bánh trường sinh. Dân Do Thái đã từng được ăn Mana từ trời nhưng rồi cũng chết. Người mẹ chồng đã từng sống nhờ từng thớ thịt nàng dâu nhưng rồi cũng từ giã cõi trần. Còn ai ăn và uống Mình Máu thánh Ngài sẽ được sống muôn đời.
Tình yêu luôn phát sinh những điều kỳ diệu. Có tình yêu sẽ có sáng tạo. Tình yêu đã làm phát sinh biết bao nghĩa cử cao đẹp mà con người dành cho nhau. Từ lời nói đến hành động luôn biết làm đẹp lòng nhau. Người ta chắt chiu từng lời nói, từng việc làm để cho người mình yêu được lớn lên trong tình yêu. Tình yêu là một quà tặng vô giá mà chúng ta dành cho nhau. Không có tình yêu sẽ không có tặng ban. Món qùa được trao tặng không có tình yêu chỉ là một thủ đoạn, lừa dối và nhẹ hơn chỉ là sự đổi trác qua lại theo lẽ công bằng với nhau.
Thế giới hôm nay rất cần tình yêu để con người được sống trong an vui và hạnh phúc. Sự sống còn của nhân loại hoàn toàn tuỳ thuộc vào khả năng yêu thương của chính con người. Hàng ngày trên thế giới có hàng triệu người đã chết bởi sự thiếu tình yêu của đồng loại. Bởi thù hận người ta giết nhau bằng súng đạn, gươm giáo. Ngay lúc này tại vùng trung đông luôn có biết bao sự xung đột bom đạn và hoả tiễn giết chết hàng vạn người. Bởi thiếu trách nhiệm người ta giết nhau bằng sự bỏ rơi và dửng dưng. Ngay lúc này có hàng ngàn thai nhi bị trục xuất ra khỏi lòng mẹ và có hàng triệu người chết vì đói khổ và thiên tai lũ lụt.
Thế giới không có tình yêu sẽ hoang tàn đổ nát tựa như cơn lũ đã tàn phá môi trường, chỉ để lại sự dơ bẩn và chết chóc. Đó chính là thảm cảnh mà chúng ta đang phải đối diện. Bởi thiếu vắng tình yêu đã đẩy sự dữ ngày một gia tăng. Sự dữ ẩn chứa khắp nơi. Sự dữ luôn đe doạ hủy diệt địa cầu bất cứ giờ nào. Kẻ dữ luôn gia tăng sự ác. Kẻ lương thiện ngao ngán sự đời. Kẻ khôn ngoan né tránh. Người dại dột thì lãnh đủ. Người ta nói rằng: “Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Biết thì sống”. Biết để né tránh. Biết để thủ thế. Biết để an phận thủ thường. Một lối sống “biết để sống” đến nỗi bỏ quên đồng loại, chỉ lo toan cho mình, nên không có sự sáng tạo trong yêu thương. “Biết để sống” dẫn đến đa nghi, nên thế giới chẳng ai tin ai. Thế giới đã chết vì thiếu vắng tình yêu.
Mỗi lần chúng ta rước Chúa là được đón nhận chính sự sống và tình yêu của Chúa. Ước gì tình yêu Chúa tuôn chảy trong con tim của chúng ta để chúng ta dám hiến dâng chính mình vì sự sống của tha nhân. Ước gì mỗi người biết hy sinh cho nhau, và biết kiến tạo hạnh phúc cho nhau, chắc chắn cuộc sống này sẽ đẹp hơn. Con người sẽ hạnh phúc và lạc quan hơn. Ước gì mỗi người chúng ta biết noi gương Chúa Giêsu trở thành quà tặng mang lại cho anh em niềm vui và hạnh phúc. Xin đừng bao giờ biến mình thành ác qủy luôn đe doạ sự sống tha nhân và trở thành mối lo của xã hội. Xin cho chúng ta luôn cảm nghiệm rằng “chính lúc cho đi là khi được nhận lãnh, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền

SUY NIỆM 5: AI ĂN BÁNH NÀY SẼ SỐNG ĐỜI ĐỜI

Đức Giêsu nói “thịt Ngài là thật của ăn và máu Ngài thật là của uống”, và hơn nữa, “ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời”.
Kitô hữu tin rằng bánh rượu sau khi linh mục đọc lời truyền phép trong thánh lễ, thực là mình và máu Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Với giác quan, con người vẫn thấy đó là tấm bánh và rượu, nhưng với con mắt đức tin, đó là mình máu Chúa Giêsu Kitô. Đây không là phép lạ, vì nếu là một phép lạ, thì mọi người đã nhận biết đó là thịt máu Đức Giêsu, và con người không thể chối cãi được; chẳng hạn một số người nhận được phép lạ chữa lành bệnh tật ở Lourdes, người ta không thể phủ nhận điều này. Bánh rượu sau truyền phép là một bí tích, nghĩa là, là một dấu chỉ hữu hình để Thiên Chúa ban ơn sủng thiêng liêng cho con người.
Bí tích Thánh Thể không đơn thuần là dấu chỉ hữu hình Thiên Chúa dùng để ban ơn thiêng liêng, nhưng còn là biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa. Biểu tượng là dấu chỉ liên hệ mật thiết với điều dấu chỉ trỏ tới, và cũng là chính thực tại, chẳng hạn thân xác là biểu tượng của con người toàn diện. Bánh rượu nuôi sống và làm hoan lạc con người, bí tích Thánh Thể, mình và máu Đức Giêsu Kitô, cũng nuôi sống và làm hoan lạc con người, thể chất và tinh thần.
Bí tích Thánh Thể cho thấy Lời Thiên Chúa tiếp tục tự hủy cho con người được sống. Lời Thiên Chúa đã tự hủy, nhập thể làm người, giờ đây Đức Giêsu Phục Sinh đã được tôn vinh, thế nhưng Ngài vẫn tiếp tục tự hủy nơi bí tích Thánh Thể. Bánh rượu trở thành mình máu Đức Giêsu Kitô: ôi vật chất sao được diễm phúc đặc biệt này. Lời Thiên Chúa tự hủy cho con người thấy nét đẹp và cao quý của thân xác, điều mà nhiều người tưởng rằng thân xác là cái gì kém giá trị. Bí tích Thánh Thể cho thấy vật chất cũng là cái gì tuyệt vời, vì Lời Thiên Chúa nhập thể đã dùng để làm nên mình máu thánh Ngài.
Bí tích Thánh Thể, mình máu thánh Đức Giêsu Kitô, là bánh ban xuống bởi trời. Là lương thực ban cho con người sự sống vĩnh cửu. Bí tích Thánh Thể là bánh hằng sống đối với những người tin Đức Giêsu là Con Thiên Chúa nhập thể. Với những người này, chính qua bí tích Thánh Thể mà các tín hữu được quy tụ, để họ được nghe Lời Chúa và được rước mình và máu Chúa. Bí tích Thánh Thể nuôi sống đời sống thiêng liêng của họ, củng cố đức tin của họ vào Thiên Chúa qua Đức Giêsu Kitô, giúp họ sống bình an hạnh phúc trong những ngày ở dương gian này.
Bí tích Thánh Thể là biểu tượng tình yêu của Đức Giêsu cho con người, vì Thánh Thể là chính mình máu Ngài. Nơi bí tích Thánh Thể, người ta đọc thấy tình yêu của Đức Giêsu đã hiến mạng sống cho con người, cho những ai tin vào Ngài. Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hiến mạng sống vì bạn hữu mình (Ga.15, 13). Đức Giêsu đã hiến mạng cho con người, và điều này được thấy một cách cụ thể qua qua bí tích Thánh Thể khi Đức Giêsu nói: “các con hãy cầm lấy mà ăn, này là mình thầy, sẽ bị nộp vì anh em…. Này là chén máu thầy, máu giao ước mới, giao ước vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội”. Bí tích Thánh Thể là chính mình máu thánh Người, được ban tặng cho con người, để trở thành bánh ban sự sống, để trở thành giá cứu chuộc con người. Con người thật là tạo vật được Thiên Chúa quý trọng biết bao, vì nó đã được Đức Giêsu hiến mình cứu chuộc.
Với bí tích Thánh Thể, Thiên Chúa đang hiện diện với con người một cách bí tích nhưng thật cụ thể đối với những người tin. Thiên Chúa ở với con người qua Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu; giờ đây Đức Giêsu Phục Sinh đã được siêu tôn ngự bên hữu Thiên Chúa, Ngài đang ở với con người tuy dù con người không thể thấy Ngài bằng mắt trần, và rồi Ngài đang hiện diện với tín hữu cách đặc biệt nơi bí tích Thánh Thể. Thiên Chúa vẫn tiếp tục hiện diện cụ thể với con người. Thiên Chúa luôn ở với con người, và Ngài còn luôn ở lại với con người một cách cụ thể qua bí tích tình yêu này.
Khi một người nhận lãnh lương thực nuôi thân xác, lương thực được biến hóa thành thịt máu người nhận; khi một Kitô hữu đón nhận mình và máu Đức Giêsu Kitô vào lòng, Đức Giêsu Kitô làm cho người lãnh nhận được trở nên một với Ngài, được thần hóa nhờ Ngài. Mình máu Đức Giêsu Kitô thánh hóa Kitô hữu, làm Kitô hữu trở nên thánh một khi họ rước mình và máu Ngài. “Tôi sống, nhưng không phải tôi sống, mà là Chúa Kitô sống trong tôi”.
Bí tích Thánh Thể, thần lương quy tụ, gầy dựng, và nuôi dưỡng Giáo Hội. Ước gì mỗi Kitô hữu nhận biết giá trị vô lường của bí tích Thánh Thể, để trân trọng và hân hoan đón nhận bí tích cao quý này mỗi ngày, để bí tích Thánh Thể trở thành nguồn sống cho cá nhân và cộng đoàn.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
  1. Bí tích Thánh Thể có giúp bạn sống hạnh phúc không?
  2. Theo kinh nghiệm sống, bí tích Thánh Thể ảnh hưởng trên đời bạn thế nào?
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm
 

SUY NIỆM 6: BÍ TÍCH THÁNH THỂ

Sách Phương Ngôn, cũng gọi là sách Châm Ngôn, bao gồm những lời huấn dụ khôn ngoan của vua Salômôn, con vua Đavít. Sách Châm Ngôn giúp con người tìm biết lẽ khôn ngoan và hiểu được những lời cao siêu của các bậc hiền nhân. Sách này giúp chúng ta tìm mở lòng mở trí và học hỏi thêm kiến thức. Kính sợ Thiên Chúa là bước đầu của kiến thức. Lời mời gọi khôn ngoan: Các ngươi hãy đến ăn bánh của ta và hãy uống rượu ta đã pha sẵn cho các ngươi (Cn 9, 5). Bánh và rượu đây là thức ăn quý báu dành cho những kẻ đơn sơ chân thành. Bánh sẽ mang lại sự no thỏa thân xác và rượu sẽ làm hoan hỉ lòng người. Được cùng chia sẻ bữa tiệc là cùng được chung hưởng niềm hoan lạc cuộc sống.
Của ăn trao ban qua bánh rượu và các bữa tiệc trần thế được chuẩn bị để đón nhận bữa tiệc hằng sống. Thánh Gioan đã diễn tả những lời mạc khải về thần lương của Chúa Giêsu rất rõ ràng minh bạch. Lời mạc khải trọn vẹn về sứ mệnh của Con Thiên Chúa làm người: Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống (Ga 6, 51). Chúa Giêsu không úp mở hay nói bóng nói gió theo kiểu ẩn dụ hoặc dụ ngôn với các môn đệ và dân chúng. Chúa xác tín lời hằng sống và mời gọi mọi người hãy tin và chấp nhận, vì đây là điều kiện để được sống muôn đời: Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống (Ga 6, 54-55). Thịt và Máu của Chúa Giêsu được biến đổi trong Bí Tích Thánh Thể.
Dọc theo lịch sử, Giáo Hội đã trải qua rất nhiều nghịch cảnh để loan truyền niềm tin vào Chúa Kitô đã từ cõi chết sống lại. Cốt lõi của niềm tin là sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể qua hình bánh và rượu. Ngay từ lúc khai sinh, Giáo Hội đã cử hành các nghi thức phụng vụ xoay quanh việc Bẻ Bánh. Thực hành theo lời truyền dạy của Chúa Giêsu: “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy.”(Lc 22, 19). Giáo Hội ở khắp năm châu, bốn biển trong mọi thời khắc, luôn luôn có các linh mục cử hành Bí Tích Thánh Thể để tưởng nhớ đến Thầy Chí Thánh.
Có nhiều phép lạ chứng minh sự biến đổi Thịt và Máu Chúa Giêsu trong Phép Thánh Thể.Vào năm 750, tại Lancianô, nước Ý, trong đan viện thánh Legonziano, có một linh mục dòng Basiliô đức tin lung lay nghi ngờ về sự hiện diện thật của Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể.Khi linh mục này dâng lễ, sau lời Truyền phép, bánh đã trở nên thịt và rượu đã trở nên máu, đông đặc lại thành năm hột nhỏ theo hình dáng đặc biệt.Sự lưu trữ Thịt và Máu trong mười hai thế kỷ qua là lưu trữ cách tự nhiên, không bằng chất hoá học, giữ trong không khí thường và môi trường sinh vật mà vẫn giữ được nguyên chất.
Tại Ý, năm 1263, thành Bolsène, trong nhà thờ Sainte Catherine, một linh mục sau khi đọc lời truyền phép đã nghi ngờ về bánh và rượu trở thành Máu và Thịt Chúa Giêsu. Tức thì Máu Thánh chảy đẫm khăn thánh và khăn bàn thờ. Đức Giáo Hoàng nghe tin này, đã ra lệnh đem khăn thánh về để tạm tại nhà thờ Orviette. Sau này Giáo Hội đã xây nhà thờ khang trang để kính khăn thánh này.
Ngày 8 tháng 9 năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urbano IV (1262-1268) đã ký sắc lệnh Transiturus, thành lập lễ kính Mình Thánh Chúa Giêsu, cử hành vào sau lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong thời gian đó, thánh tiến sĩ Thomas Aquino đã sáng tác nhiều bài hát vào dịp mừng lễ này như bài Lauda sion, Pange lingua, Adoro Te và các kinh đọc Sacris Solemniis và Verbum Supernum. Vào dịp lễ này, các Giáo xứ tổ chức kiệu Mình Thánh Chúa ra đường phố công cộng để mọi người tôn thờ.
Thời vua Philippe le Bel đang cai trị nước Pháp (1285-1314), năm 1290, có một bà công giáo sống đạo đức. Vì nghèo, bà phải đem cầm chiếc áo cho một người Do Thái. Đến gần lễ Phục Sinh bà đến chuộc lại chiếc áo để mặc đi dự lễ. Người chủ đồng ý trả lại chiếc áo và không lấy tiền lời, với điều kiện buộc bà là rước lễ xong phải nhả Mình Thánh ra và đem về cho anh ta. Bà nghe lời nhả Mình Thánh vào khăn đem về cho anh ta. Anh để Mình Thánh trên bàn lấy dao nhọn đâm nhiều lát. Máu trong Mình Thánh chảy ra. Anh đem Mình Thánh bỏ vào lửa đốt, song Mình Thánh bay lên khỏi lửa.
Năm 1608, trong nhà dòng Faverney tại Besançon, vào ngày Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống có chầu Mình Thánh Chúa trọng thể. Trên bàn thờ trưng hoa và thắp nhiều đèn nến. Người ta sơ ý để đèn cháy khăn bàn thờ, nhà tạm và bàn thờ. Trong khi lửa lan nhanh và bốc cháy khắp cả, Mình Thánh đựng trong hào quang cứ bay lên lơ lửng trên không gian trọn một ngày một đêm. Qua ngày thứ ba, người ta lập một bàn thờ khác thay bàn thờ đã cháy và trong khi cử hành thánh lễ, thì hào quang từ từ đặt xuống bàn thờ. Có nhiều người chứng kiến đã cùng hát kinh chúc tụng và thờ lạy.
Có rất nhiều chứng tích phép lạ Thánh Thể được lưu giữ và ghi lại trong kho tàng tài liệu của Giáo Hội để chứng minh sự hiện diện thật sự của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể.Thực ra, giáo lý về Bí Tích Thánh Thể vẫn luôn là đề tài suy tư và tranh luận giữa các nhà thần học của các Kitô Giáo. Giữa các giáo phái Tin Lành và Công Giáo có những quan niệm thần học khác nhau về sự hiện diện của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể. Niềm tin trong đạo Công Giáo là tin thật Chúa Giêsu tiếp tục ngự thật trong Bí Tích Thánh Thể cả trong nhà tạm, nghĩa là sau khi dâng thánh lễ. Các giáo phái khác không chia sẻ cùng niềm tin này. Một số Kitô hữu (Christians) tin rằng sự thánh hiến bánh và rượu có thể là biểu tượng (symbolic) hay việc tưởng niệm của Bữa Tiệc ly. Niềm tin của Giáo Hội Công Giáo là trong thánh lễ, sau khi linh mục chủ tế đọc lời truyền phép: Đây là mình Ta…Đây là Máu Ta… thì bánh và rượu trở nên Mình và Máu của Chúa Kitô.
Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu Êphêsô nhắn nhủ rằng: Trong mọi hoàn cảnh và mọi sự, hãy nhân danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, mà cảm tạ Thiên Chúa là Cha (Eph 5, 20). Thừa hưởng gia tài vô giá của Chúa Giêsu qua Giáo Hội của Ngài, chúng ta được tiếp tục thông hiệp vào tiệc Thánh Thể. Chúng ta được kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu và với tha nhân. Chúng ta được trở nên một trong Chúa nhờ một phép rửa, một niềm tin và một niềm hy vọng. Vậy chúng ta hãy thực thi lời của thánh Phaolô: Anh em hãy cẩn thận xem xét cách ăn nết ở của mình, đừng sống như kẻ khờ dại, nhưng hãy sống như người khôn ngoan (Eph 5, 15).
Trong mọi sự, chúng ta hãy cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa là Cha. Chúa đã ban bánh bởi trời cho nhân loại và bánh đó có đủ mọi mùi thơm ngon: Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời (Ga 6. 58). Lạy Chúa, Chúa là nguồn ban sự sống. Xin cho chúng con biết đặt trọn niềm tin tưởng và phó thác vào Chúa. Chúa sẽ cho chúng con bánh ban sự sống đời đời. Amen.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng


 

SUY NIỆM 7: TÂM TÌNH RƯỚC CHÚA


Trong khi người Do Thái cứ mãi băn khoăn về chuyện ăn chuyện uống để nuôi dưỡng thân xác, thì trong bài tin mừng hôm nay Chúa Giêsu lại mạc khải cho biết chính Ngài là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai đến với Ngài, không hề phải đói. Ai tin vào Ngài, chẳng khát bao giờ.
Lời tiên báo ấy đã được chính Chúa Giêsu thực hiện trong bữa tiệc ly, khi Ngài dùng chính hoa màu ruộng đất của con người là bánh và rượu để thiết lập nên Bí tích Thánh thể. Sự hiến tế của Ngài trên Thập giá đã kiện toàn Bí Tích nhiệm mầu ấy, và làm phát sinh hiệu quả cho những ai tin và đón nhận Mình Máu Thánh của Ngài.
Hằng ngày trong mỗi Thánh lễ, Linh mục với tư cách là hiện thân của Chúa Kitô đã hiện tại hóa lại việc Chúa Giêsu lập Bí tích Thánh thể, để chúng ta được tiếp tục đón nhận bánh trường sinh, hầu mỗi người đảm bảo được ơn cứu độ mà Chúa hứa ban cho những ai tin vào Người.
Đó là về phía Thiên Chúa, còn phần mỗi người chúng ta hôm nay thì sao? Là người kitô hữu chắc chắn ai trong chúng ta cũng tin nhận Bí tích Thánh thể chính là Thịt và Máu Chúa Kitô. Tuy nhiên, có 2 vấn đề mà chúng ta phải lưu ý.
Thứ nhất là trước khi rước Chúa, chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn như thế nào? Chắc chúng ta vẫn chưa quên, 1 trong 3 điều kiện để được rước lễ đó là: sạch tội trọng. Đây là điểm giáo lý căn bản và quan trọng mà mỗi tín hữu cần xem xét trước khi lên rước Chúa vào lòng. Đừng rước lễ như một phản xạ một thói quen, cũng đừng rước lễ vì người bên cạnh: họ rước mình cũng rước; nhưng hãy rước lễ khi ý thức mình đủ điều kiện theo hướng dẫn của Hội Thánh. Có như thế, Bí tích Thánh thể mới thật sự sinh ơn ích thiêng liêng cho phần rỗi linh hồn của chúng ta.
Thứ hai là sau khi rước Chúa, chúng ta có khá hơn được chút nào hay không? Tôi có cầu nguyện với Chúa khi Ngài ngự vào lòng tôi không? Đời sống đạo của tôi có sốt mến hơn không, hay vẫn y như cũ?
Chúa Giêsu là Bánh hằng sống từ trời xuống. Và Ngài vẫn hiện diện với chúng ta qua Bí tích Thánh thể. Đó là 1 chân lý bất di bất dịch. Tuy nhiên, chúng ta có hưởng được trọn nguồn ân sủng của Bí tích này hay không, là tùy thuộc vào thái độ lãnh nhận của mỗi người.
Ước gì chúng ta biết chuẩn bị tâm hồn thật xứng đáng trước khi lên rước Chúa, và biết kết hợp đời mình với Thánh Thể Chúa mỗi khi Ngài ngự vào lòng ta. Amen.
Lm. Antôn

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây