Đó là câu chuyện xảy ra trong dịp tĩnh tâm tuyên khấn lần đầu của tôi. Kỳ ấy sau bài giảng cuối cùng, Cha giảng phòng trao cho chúng tôi mỗi người một viên sỏi và dặn rằng: Các con hãy viết những gì mình muốn vào viên sỏi và cầm theo khi đi chầu tạ tối nay, địa điểm tại sân thượng của tòa nhà.
Giờ chầu đã đến. Tại sân thượng, chúng tôi được hướng dẫn xếp nến thành một hình trái tim lớn, đặt tượng thánh giá vào giữa, sau đó đem bỏ viên sỏi của mình vào quanh thánh giá…Nghi thức cuối cùng của giờ chầu chúng tôi quỳ tiến vào và nhặt một viên sỏi bất kỳ. Tất cả đều rất sốt sắng và cứ thế giờ chầu kết thúc. Ai ai cũng háo hức xem viên sỏi trên tay mình viết gì. Có viên thì viết: Ta đã khắc tên con trong lòng bàn tay; Nhẫn cho đời an vui; Tâm…giữa dòng đời vạn biến…Các chị em đều rất vui khi đón nhận lời cầu chúc, đồng thời cũng coi đó như là một “mặc khải” cho bước tiếp theo trên hành trình thánh hiến.
Đến lượt tôi… tôi cẩn thận nắm chặt viên sỏi trong tay… từ từ, hồi hộp, mở ra… nhìn xuống… nhìn xuống… trời ơi, không có một chữ nào! chỉ là một viên sỏi. Cảm giác hụt hẫng ào qua như làn gió đọng lại. Tôi buồn!
Viên sỏi của con chẳng có chữ nào cả, tôi làm mặt buồn nói với mọi người. Nghe thế chủ nhân của viên sỏi lên tiếng: viên sỏi là của chị đấy! Chiều nay, cầm viên sỏi chị cũng định viết chữ vào đó nhưng sau một hồi suy nghĩ chị quyết định không viết gì cả vì chị muốn sỏi vẫn cứ là sỏi, chị không muốn giới hạn nó, cũng như chị mong và cầu chúc cho người nhận được viên sỏi này hãy là chính mình. Dù cho cuộc sống có thế nào, chị vẫn muốn em là chính em, không bị gói gọn trong một điều gì cả. Rồi đây em sẽ còn gặp rất nhiều cảnh huống, khi vui lúc buồn, khi thành công lúc thất bại. Trong tất cả những điều ấy, chị mong và cầu chúc em hãy là chính em, cũng như viên sỏi này vẫn là chính nó. Nghe xong tôi đã rất biết ơn về ý nghĩa tuyệt vời chị đặt nơi viên sỏi. Cũng từ lúc ấy tôi xác tín sứ điệp ra đi “Hãy là chính mình”.
…
Thời gian thấm thoát trôi qua, người chị em chia sẻ cho tôi cái cảm thức tuyệt vời ấy giờ đã đi rất xa, trở về với Đấng mà chị hằng yêu mến và gắn bó trọn đời.
Còn tôi, tôi vẫn từng bước dệt đời mình trên những bước chân. Tôi là ai? Đây là câu hỏi luôn hiện diện trên mỗi bước đi của tôi. Hiện tại tôi là tu sĩ, nhưng câu trả lời ấy chỉ là tùy thể, cái làm cho tôi là chính mình phải là cái mà thiếu nó tôi không còn là tôi nữa. Thực tế cho thấy giữ được mình trong bất cứ hoàn cảnh nào quả thực là điều không dễ dàng. Nó đòi tôi phải luôn chiến đấu, chiến đấu để không trở thành sự mâu thuẫn cho chính mình. Giờ gẫm lại, sao lúc nhận “mặc khải” tôi vui lạ lùng, để rồi làm cho “mặc khải” hiện tỏ trong cuộc sống khiến tôi nhiều khi chông chênh.
Ý chí thì luôn cao thượng nhưng thân xác lại yếu đuối. Cái tham vọng “khẳng định mình” nhiều khi làm con người ta lạc lối. Có lúc biết mình đang đi lạc mà vẫn cứ muốn để lạc. Chính bởi vì cái lớp phủ của “vinh quang giả tạo” đã đẩy chúng ta ra xa mục đích của ngày đầu bước đi. Chính cái mà ta gọi là “nghệ thuật sống” làm chúng ta phải khoắc vào mình những cái mặt lạ. Nụ cười xã giao, câu chuyện xã giao, cái nắm tay xã giao… tất cả chỉ là xã giao. Nếu tất cả chỉ là xã giao thì sao ta cảm nhận được cái ấm của tình người.
Sâu thẳm của lòng ta không phải là những thứ hời hợt như thế. Sâu thẳm lòng ta là khát vọng sống yêu và được yêu. Vậy tại sao ta lại thấy khó sống đúng với lòng mình? Và tại sao khi sống đúng với lòng mình ta luôn gặp bất lợi? Phải chăng là vì chúng ta luôn phòng thủ rồi để lỡ đi những dịp mở rộng tâm hồn đón nhận và tin tưởng nhau. Hãy là chính mình. Hãy là chính những gì mà thẳm sâu lòng ta mơ ước. Đây là khát vọng, một khát vọng muốn đi tới hành động. Một ước mơ muốn thế giới này được đổi mới nhờ chính những tâm hồn đầy tình yêu thương đồng loại.
Viết những dòng này tôi chỉ muốn nói nên một chút băn khoăn của mình về căn tính đời thánh hiến. Tại sao bây giờ chúng ta ít được tôn trọng hơn? Có phải trong chúng ta không phản ảnh đủ độ sáng Thánh Ý của Đấng đã dựng nên chúng ta? Tại sao trên bước đường phục vụ chúng ta gặp những khúc mắc trục trặc? Có phải là vì trong chính lòng chúng ta dành quá ít chỗ cho Đấng sai đi? Có phải là chúng ta đã dành quá ít thời gian để nghe tiếng nói của Đấng dựng nên mình? Phải chăng chúng ta không biết chúng ta được dựng nên làm gì? Hãy là chính mình nhưng chính mình cũng không biết mình là gì thì phải làm sao đây? Hãy đến và hỏi Đấng đã dựng nên mình, có như thế ta mới tìm lại được căn tính của mình.
Tác giả bài viết: Hoa Cát
Nguồn tin: gpbuichu.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn