G. Trần Đức Anh, O.P.
Linh mục Jacques Désiré Laval, thuộc dòng Thừa Sai Chúa Thánh Thần, là vị đã tận tụy làm việc truyền giáo 23 năm tại đảo Maurice.
Sinh tại miền Normandie bên Pháp năm 1803, Jacques Désiré Laval mồ côi mẹ rất sớm. Năm 21 tuổi, Laval bắt đầu học y khoa tại Paris và đậu bác sĩ 5 năm sau đó, 1830. Trong thời kỳ ấy, Laval không siêng năng sống đạo giống như bao nhiêu thanh niên khác, nhưng sau khi tốt nghiệp y khoa, Jacques Désiré Laval thường quảng đại viếng thăm và săn sóc các bệnh nhân nghèo ở miền Normandie mà không đòi một đồng thù lao nào. Năm 1835, khi được 32 tuổi, trước sự ngạc nhiên của nhiều người bác sĩ Laval tuyên bố sẽ gia nhập chủng viện và đã thụ phong linh mục 3 năm sau đó, rồi sau đó gia nhập dòng Thừa Sai Chúa Thánh Thần.
Năm 1841, cha Laval đến truyền giáo tại đảo Maurice và được giao phó sứ mạng trợ giúp 80 ngàn người da đen tại đây, trong đó một nửa đã được rửa tội rồi. Họ là những người mù chữ và hoàn toàn bị bỏ rơi. Các linh mục khác tại đảo này hoàn toàn không quan tâm đến số phận của những người da đen ấy và cũng không trợ giúp cha Laval.
Quả thực tình trạng tại Maurice bấy giờ thật là thê thảm: về mặt xã hội, nạn tham nhũng rất thịnh hành trong mọi tầng lớp dân chúng trên đảo. Còn về mặt tôn giáo, thì những người có đạo không hề lui tới nhà thờ và cũng chẳng thực hành đạo trong đời sống thường nhật.
Cha Laval làm cha phó nhà thờ chính tòa Port-Louis và cư ngụ trong một căn nhà bằng gỗ tồi tàn, bên cạnh nhà thờ thật nghèo nàn. Cha dốc tâm dấn thân vào công việc, ngày hoạt động, đêm cầu nguyện và hãm mình. Cha Laval cố gắng học tiếng bản xứ, một thứ tiếng pha trộn giữa tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Malgache và nhiều yếu tố ngôn ngữ khác nữa. Cha bắt đầu tổ chức thánh lễ dành riêng cho các tín hữu da đen, và họ tuốn đến thật đông đảo. Cha tỏ ra thật kiên nhẫn trong việc thích ứng với trình độ của các tín hữu này, và cha thường nói rằng: “Hai mầu nhiệm, 7 bí tích, 10 giới răn Chúa, vậy là đủ cho các tín hữu da đen trong giai đoạn thứ I”.
Khi cha Laval đến Port Louis, thành phố này chỉ có 3 nhà thờ, kể cả nhà thờ chính tòa. Nhưng khi cha qua đời, số nhà thờ đã tăng lên 50. Tiếng thăm thánh thiện và đạo đức, lòng nhiệt thành tông đồ của cha Laval đã làm nhiều người có cảm tình với Giáo Hội và xin trở lại đạo. Trong 23 năm trời, cha Laval tiếp nhận vào Giáo Hội Công Giáo hơn 63 ngàn người lương dân.
Ngày 09/09/1863, cha Laval qua đời vì kiệt lực, miệng cha còn kêu lên: “Tôi rất vui mừng vì đã tận hiến đời tôi cho những anh chị em nghèo khổ”. Cha Laval được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phong chân phước ngày 29/04/1979 tức là cách đây 40 năm, đồng thời được tôn làm bổn mạng của Giáo Hội tại Maurice.
Đến Đền Thánh vào lúc 4 giờ rưỡi, Đức Thánh Cha đã được cha sở địa phương, cùng với cha quản đốc Đền Thánh, và 3 Giám mục Ấn độ dương tiếp đón. Một gia đình đã trao bó hoa để Đức Thánh Cha đặt trên mộ của chân phước Laval, trước sự hiện diện của 65 tín hữu.
Sau khi cầu nguyện trong thinh lặng, khi ra khỏi Đền thánh, Đức Thánh Cha chào năm 12 anh chị em bệnh nhân, 20 thân nhân những người nghiện ngập ma túy được đón tiếp và săn sóc trong một trung tâm của giáo phận, quen gọi là Casa A, do một phó tế vĩnh viễn và phu nhân đảm trách.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn