G. Trần Đức Anh, O.P.
Akamasoa, trong tiếng địa phương có nghĩa là “những người bạn tốt”, do Cha Pedro Opeka 71 tuổi (1948), thừa sai dòng thánh Vinh Sơn Phaolo, người Argentina gốc Slovenia thành lập cách đây đúng 39 năm (1989).
Cha được Bề trên sai đến Madagascar hoạt động truyền giáo. Trong 15 năm tại đây, Cha Opeka sống với các nông dân, làm việc cả trong các ruộng lúa cùng với 5 tu sinh người Sloveni và học tiếng Malgache địa phương.
Năm 1989, sức khỏe cha Opeka suy yếu nên Bề trên gọi cha Opeka về thủ đô Antananarivo của Madagascar để đảm nhận việc huấn luyện các tu sinh của dòng. Nhưng rồi cha bắt đầu dành thời giờ cho những người bị gạt ra ngoài lề xã hội ở vùng thủ đô, những người phải ngủ trên đường phố và tìm nơi tá túc tại khu đổ rác ở ngoại ô.
Cha Opeka khám phá tình trạng hàng trăm, hàng ngàn người nghèo phải bới rác để kiếm sống. Cha cảm thấy không thể chấp nhận bất công khi thấy quanh mình bao nhiêu trẻ em, phụ nữ, người nghèo chết vì đói hoặc vì bệnh tật. Vì thế cha quyết định phải làm một cái gì đó. Trong một cuộc phỏng vấn, cha Opeka kể:
“Tôi đi tìm những người giống như bóng ma sống trên các đường phố ở thủ đô Madagascar, dưới các hầm cầu, tại các nơi đổ rác hoặc ở các nhà điếm. Tôi nói với họ rằng “nếu anh chị em còn hơi thở thì phải đứng dậy, phải tái khám phá phẩm giá của anh chị em”. Ban đầu họ nhìn tôI với cặp mắt ngờ vực, kinh ngạc, cũng có những người lăng mạ và đôi khi họ đánh tôi nữa. Nhưng dần dần, đứng trước một linh mục da trắng hằng ngày trở lại gặp họ, nói thổ ngữ Malgache hoàn toàn như họ, khiến họ trở nên tò mò. Nhiều người trong số những người nghèo ấy đến từ miền quê, họ đã bị mất đất đai vì bão lụt. Tôi đề nghị một số người hãy trở về quê canh tác và giúp họ một số vốn lớn; với một số người khác, tôi đề nghị thành lập một làng “với sức lực của mình, với những ngân khoản chúng ta kiếm được từ nơi này tới nơi khác”.
Dân chúng ồ ạt hưởng ứng và những căn nhà đầu tiên được kiến thiết bằng plastic và bằng gỗ, rồi dần dần biến thành những căn nhà xây bằng gạch khang trang”.
Ngày nay ở Madagascar có 18 làng thuộc hiệp hội Akamasoa do cha Pedro Opeka sáng lập cùng với những người nghèo liên hệ. Tổng cộng có 25 ngàn người sinh sống tại các làng ấy, trong các nhà xây bằng gạch, đường xá được tráng nhựa, với các trường học cho 14 ngàn trẻ em, từ cấp vườn trẻ trở lên, và một nhà thương và các bệnh xá. Thánh lễ chúa nhật tại nhà thờ của các trung tâm này có khoảng 8 ngàn người tham dự, họ cầu nguyện, ca hát. Ngoài ra, hiệp hội Akamasoa còn giúp đỡ, an ủi, cung cấp các bữa ăn, tài trợ việc điều trị tại nhà thương cho khoảng 250 ngàn người khác.
Khi đến Akamasoa lúc quá 3 giờ chiều, Đức Thánh Cha đã được cha Opeka đón tiếp và hướng dẫn vào thính đường để gặp gỡ 8 ngàn bạn trẻ tại đây cùng với các phụ huynh. Họ ca hát chào mừng ngài. Sau lời chào mừng của Cha Opeka và một trẻ em, Đức Thánh Cha đã chào thăm mọi người.
Trong bài huấn dụ, Đức Thánh Cha xác tín rằng Akamasoa là biểu hiện sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân nghèo của Ngài, không phải một sự hiện diện thỉnh thoảng, nhất thời, nhưng là sự hiện diện của một Thiên Chúa nhất quyết sống và ở lại mãi mãi giữa dân Ngài.
Anh chị em hiện diện đông đảo chiều nay, giữa lòng “Thành Thị Thân Hữu” mà anh chị em đã kiến thiết bằng đôi tay của mình và tôi tin chắc rằng anh chị em sẽ còn tiếp tục kiến thiết để nhiều gia đình có thể sống xứng đáng!
Khi thấy những khuôn mặt rạng rỡ của anh chị em, tôi cảm tạ Chúa đã lắng nghe tiếng kêu của người nghèo và đã biểu lộ tình thương của Ngài như những dấu chỉ cụ thể như việc kiến tạo ngôi làng này. Những tiếng kêu của anh chị em xuất phát từ tình trạng không thể sống mà không có gia cư, khi thấy con cái lớn lên trong tình trạng suy dinh dưỡng, không có công ăn việc làm, nó phát sinh từ cái nhìn dửng dưng, nếu không muốn nói là từ cái nhìn coi rẻ của nhiều ngừơi, những tiếng kêu của anh chị em biến thành những bài ca hy vọng cho anh chị em và cho tất cả những người đang nhìn anh chị em. Mỗi góc trong khu phố này, mỗi trường học hoặc bệnh xá là một bài ca hy vọng, phủ nhận và làm cho thái độ cam chịu định mệnh phải im bặt. Chúng ta hãy mạnh mẽ nói rằng: nghèo đói không phải là một định mệnh không thể tránh được.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng: Ngôi làng này có một lịch sử dài về lòng can đảm và tương trợ nhau. Người dân ở đây là kết quả của nhiều năm làm việc cam go. Nơi căn cội chúng ta thấy có một niềm tin sinh động, được biểu lộ qua những hành động cụ thể, có khả năng chuyển núi dời non. Một niềm tin giúp nhìn thấy khả thể tại nơi mà người ta chỉ thấy sự bấp bênh, nhìn thấy hy vọng tại nơi người ta chỉ thấy định mệnh không thế tránh được, thấy sự sống tại nơi bao nhiêu người loan báo chết chóc và tàn phá. Căn bản của việc làm cùng nhau, của cảm thức gia đình và cộng đoàn đã giúp tái tạo một cách kiên nhẫn và với nhiều cố gắng không những lòng tín thác trong tâm hồn anh chị em, nhưng cả lòng tín thác giữa anh chị em với nhau, giúp anh chị em nắm giữ vai chính và là những người kiến tạo lịch sử này. Một nền giáo dục về các giá trị nhờ đó các gia đình đầu tiên đã bắt đầu cuộc phiêu lưu với cha Opeka đã có thể thông truyền kho tàng rất lớn về sự quyết tâm, kỷ luật, lương thiện, tự trọng và tôn trọng tha nhân. Và anh chị em đã có thể hiểu rằng giấc mơ của Thiên Chúa không phải chỉ là mỗi người được tiến bộ bản thân, nhưng cả tiến bộ của cộng đoàn, và không có thứ nô lệ nào tệ hại hơn cho rằng mỗi người chỉ sống cho mình.
Sau cùng, Đức Thánh Cha kêu gọi những người trẻ ở làng Akamasoa đừng bao giờ đầu hàng trước những hậu quả đau thương của nghèo đói, không bao giờ chiều theo cám dỗ của một cuộc sống dễ dàng hoặc co cụm vào mình...
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn