G. Trần Đức Anh, O.P. - Roma
Lúc 9 giờ rưỡi sáng Chúa nhật ngày 08/09, Đức Thánh Cha đã từ tòa Sứ Thần trở lại Cánh đồng Soamandrakizay, khu đất rộng 30 hecta thuộc giáo phận thủ đô, được chỉnh trang trong 5 tháng qua với sự trợ giúp rất tích cực của chính quyền Madagascar để làm nơi gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các bạn trẻ và thánh lễ ngài cử hành sáng hôm qua.
Các tín hữu từ nhiều nơi trong nước đã tề tựu về đây từ sáng sớm, không kể hàng trăm ngàn bạn trẻ đã ngủ lại đây sau buổi canh thức với Đức Thánh Cha chiều tối hôm trước, để tham dự thánh lễ với Đức Thánh Cha. Với 1 triệu tín hữu dự lễ, đây là thánh lễ đông đảo nhất trong chuyến đi lần này của ngài. Vì thánh lễ ngài cử hành tại thủ đô Maputo của Mozambique chỉ có 50 ngàn người ngồi chật sân vận động Zimpeto.
Đồng tế với Đức Thánh Cha có tất cả 25 Giám mục thuộc 22 giáo phận ở Madagascar cùng với các Hồng y, Giám mục và linh mục thuộc toàn tùy tùng của ngài, và hơn một ngàn linh mục địa phương.
Trên bàn thờ, đặc biệt có đặt hài cốt của chân phước tu huynh Rafael Luis Rafiringa (1856-1919) người Madagascar, một giáo chức, giáo lý viên, đồng thời cũng là vị trung gian hòa bình, đã nâng đỡ đời sống Giáo Hội địa phương trong thời kỳ khó khăn, chiến tranh giữa người Madagascar và người Pháp hồi thế kỷ 19. Tu huynh đã được tôn phong chân phước ngày 7 tháng 9 năm 2009 tại thủ đô Antananarivo.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng theo thánh Luca đoạn 14 đọc trong thánh lễ Chúa nhật 23 thường niên năm C, qua đó Chúa Giêsu trình bày 3 đòi hỏi đối với những người muốn theo Ngài: ai yêu mến cha mẹ, vợ con, anh em thậm chí cả mạng sống hơn Ngài thì không thể làm môn đệ Ngài. Ai không vác thánh giá theo Ngài thì không thể là môn đệ Ngài. Thứ ba: ai không từ bỏ của cải mình thì không thể làm môn đệ của Ngài.
Đức Thánh Cha nói: “Mỗi sự từ bỏ theo tinh thần Kitô chỉ có ý nghĩa dưới ánh sáng niềm vui và cuộc gặp gỡ hân hoan với Chúa Giêsu Kitô”.
Đòi hỏi thứ nhất mời gọi chúng ta nhìn những quan hệ gia đình của chúng ta. Đời sống mới mà Chúa đề nghị với chúng ta có vẻ không thoải mái và trở thành một bất công không thể chấp nhận được đối với những người nghĩ rằng việc đạt được Nước Trời có thể được giới hạn hoặc thu hẹp vào những liên hệ máu mủ, thuộc về một nhóm nào đó, một bộ tộc hay một văn hóa. Khi liên hệ họ hàng thân thuộc trở thành tiêu chuẩn quyết định những gì là đúng và tốt lành, thì rốt cuộc người ta biện minh và thậm chí “thánh hóa” một số thái độ đưa tới thứ văn hóa đặc ân và loại trừ, thiên vị, chủ nghĩa khách hàng và tham nhũng.
Đòi hỏi do Chúa đề ra làm cho chúng ta hướng nhìn lên cao và nói với chúng ta rằng: “ai không có khả năng nhìn tha nhân như một người anh em, không cảm động trước cuộc sống và tình trạng của họ, vượt lên trên gốc gác gia tộc, văn hóa, xã hội của họ thì không thể làm môn đệ Chúa” (Lc 14,26).
Đề cập đến đòi hỏi thứ hai, Đức Thánh Cha giải thích rằng đòi hỏi này cho chúng ta thấy thật là khó theo Chúa khi ta muốn đồng hóa Nước Trời với những tư lợi bản thân hoặc sự thu hút của ý thức hệ nào đó, lạm dụng danh Thiên Chúa hoặc tôn giáo để biện minh cho những hành vi bạo lực, tách biệt và thậm chí cả những hành vi giết người, lưu đày, khủng bố và gạt ra ngoài lề.
Đức Thánh Cha nói: “Đòi hỏi của Chúa khích lệ chúng ta đừng lèo lái Tin Mừng bằng chủ trương hẹp hòi, trái lại hãy kiến tạo lịch sử trong tình huynh đệ và liên đới, trong sự tôn trọng vô vị lợi đối với trái đất và những sản phẩm của đất đai, chống lại bất kỳ hình thức bóc lột nào; với lòng can đảm sống “đối thoại như con đường, coi sự cộng tác chung như một cách hành sử, sống sự hiểu biết nhau như phương pháp và tiêu chuẩn” (Tuyên ngôn về tình huynh đệ nhân loại, Abu Dhabi 4-2-2019); không chiều theo cám dỗ của một số đạo lý không có khả năng nhìn thấy lúa và cỏ lùng đều mọc lên trong khi chờ đợi của mùa gặt” (Mt 13,24-30)
Sau cùng, Đức Thánh Cha nói, “thật là rất khó chia sẻ đời sống mới mà Chúa ban cho chúng ta khi chúng ta liên tục bị thúc đẩy muốn biện minh cho mình, nghĩ rằng tất cả chỉ tùy thuộc sức mạnh của chúng ta và những gì chúng ta sở hữu; khi sự chạy đua tích trữ trở thành ngột ngạt và đè nén - như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I - nó sẽ gia tăng thái độ ích kỷ và sử dụng những phương thế vô luân! Đòi hỏi của Thầy Chí Thánh là một lời mời gọi phục hồi ký ức với lòng biết ơn và nhìn nhận rằng, thay vì là một chiến thắng bản thân, cuộc sống và những khả năng của chúng ta là kết quả của ơn Chúa (Gaudete et exsultate 55) được kết dệt giữa Thiên Chúa và bao nhiêu bàn tay âm thầm của những người mà chúng ta chỉ biết tên họ khi Nước Trời tỏ hiện.
Đức Thánh Cha nhận xét rằng qua những đòi hỏi trên đây, Chúa Giêsu muốn chuẩn bị các môn đệ của Ngài cho ngày lễ Nước Chúa hiển trị, giải thoát họ khỏi những chướng ngại làm hư hỏng, và xét cho cùng, là giải thoát khỏi một trong những thứ nô lệ tệ hại nhất, đó là chỉ sống cho bản thân mình. Đó là cám dỗ khép kín mình trong thế giới nhỏ hẹp, và rốt cuộc chỉ để lại khoảng không bé nhỏ cho người khác: trong không gian đó, những người nghèo không bước vào được, tiếng nói của Chúa không được lắng nghe nữa, ta không vui hưởng được niềm vui ngọt ngào của tình thương Chúa, không còn hăng hái làm điều thiện nữa... Nhiều người, khi khép kín mình như thế, bề ngoài họ có vẻ cảm thấy được an toàn, nhưng rốt cục họ trở thành những người cay cú, hay than trách, không có sự sống. Đó không phải là sự chọn lựa một cuộc sống xứng đáng và sung mãn, đó không phải là điều Chúa muốn cho chúng ta, không phải là cuộc sống trong Thánh Linh nảy sinh từ trái tim Chúa Kitô phục sinh (Evangelii gaudium, 2).
Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Chúng ta hãy nhìn chung quanh ta: bao nhiêu người nam nữ, người trẻ và em bé đang đau khổ và thiếu thốn mọi sự! Đây không phải là điều thuộc về kế hoạch của Thiên Chúa. Lời mời gọi cấp thiết của Chúa Giêsu là chúng ta hãy chết cho thái độ khép kín, chết cho cá nhân chủ nghĩa kiêu hãnh của chúng ta để tinh thần huynh đệ được hiển thắng, tình huynh đệ này xuất phát từ cạnh sườn mở toang của Chúa Kitô, từ đó chúng ta được sinh ra như gia đình của Thiên Chúa và mỗi người có thể cảm thấy được yêu thương, cảm thông, đón nhận và quý chuộng trong phẩm giá của mình...
Sau cùng, Đức Thánh Cha nhắn nhủ rằng “Lời Chúa chúng ta vừa nghe mời gọi chúng ta hãy tái lên đường, dám đạt tới chất lượng cao hơn và đón nhận sự khôn ngoan không dính bén, như căn bản cho công lý và đời sống của mỗi người chúng ta, để cùng nhau chúng ta có thể bài trừ mọi ngẫu tượng làm cho chúng ta chỉ quan tâm tới những thứ an ninh lừa đảo của quyền bính, công danh sự nghiệp, tiền bạc và sự tìm kiếm vinh danh phàm nhân”.
Cuối thánh lễ, Đức Cha Odon Marie Razanakolona, Tổng giám mục giáo phận thủ đô Antananarivo đã đại diện mọi người cám ơn Đức Thánh Cha và cho biết dân Madagascar rất ngưỡng mộ Đức Thánh Cha không những vì nội dung giáo huấn của Đức Thánh Cha nhưng còn vì cách giảng dạy của Ngài thật vừa tầm của người nghèo. Và Đức Tổng giám mục cũng bày tỏ lòng trung thành với vị Đại diện Chúa Kitô.
Đức Thánh Cha đã tặng cho giáo phận Antananarivo một chén lễ quý giá nhân dịp này, và trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha đã thân ái gửi lời chào thăm tới tất cả mọi người, ngài đặc biệt cám ơn Đức Tổng giám mục Razanakolona của giáo phận Antananarivo sở tại và tất cả các anh em Giám mục Madagascar hiện diện, các linh mục tu sĩ, các gia đình, giáo lý viên và mọi tín hữu.
Đức Thánh Cha cũng bày tỏ lòng biết ơn đối với tổng thống và toàn thể chính quyền của Madagascar vì sự tiếp đón nồng hậu và cám ơn tất cả những người đã góp phần vào cuộc chuẩn bị cuộc viếng thăm thành công này.
Thánh lễ kết thúc lúc gần 12 giờ rưỡi và Đức Thánh Cha trở về tòa Sứ Thần, chỉ cách đó gần 3 cây số để dùng bữa trưa và nghỉ nơi.
Nguồn tin: vietnamese.rvasia.org
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn