SUY NIỆM THỨ 7 TUẦN VI PHỤC SINH

Thứ sáu - 10/05/2024 07:11
SUY NIỆM THỨ 7 TUẦN VI PHỤC SINH
Ga 16, 23- 28

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
23Ngày ấy, anh em không còn phải hỏi Thầy gì nữa. Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.
24Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn. 25Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em.
Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở.
26Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. 27Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.
28Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.

 SUY NIỆM 1: ĐẤNG TRUNG GIAN

Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lai bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha”. Vai trò con thoi đi lại nối kết giữa hai nơi xa xôi diệu vợi như trời với đất, giữa hai đối tượng nghìn trùng cách biệt như Thiên Chúa với con người đã khiến Chúa Kito trở thành Đấng Trung Gian.
Người là Đấng Trung Gian tuyệt hảo vì đưa ta đến gặp gỡ trực tiếp với Đức Chúa Cha: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”. Chúa Giêsu dẫn ta đến với Chúa Cha rồi để ta trực tiếp gặp gỡ với Chúa Cha.
Người là Đấng Trung Gian tuyệt hảo vì dẫn đưa ta đến tình yêu: “Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy”. Tình yêu Chúa Ki-tô dẫn ta đến tình yêu của Chúa Cha.
Người là Đấng Trung Gian tuyệt hảo vì dẫn đưa ta đến sự sống. Ta được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi trong vòng tròn tình yêu ngày càng lan rộng. Chúa Giê-su yêu mến Chúa Cha. Ta yêu mến Chúa Giê-su. Chúa Cha yêu mến ta. Tình yêu trao ban và nhận lãnh tạo nên một chuyển động không ngừng nghỉ làm phát sinh sự sống ngày càng sung mãn.
Các tín hữu thời sơ khai đã sống tinh thần trung gian tốt đẹp.
Thánh Phao-lô đi rao giảng, đi đến đâu cũng bị chống đối, nhưng thánh nhân vẫn yêu thương các giáo đoàn, đi lại thăm viếng khích lệ và làm cho tất cả các giáo đoàn được vững mạnh. A-pô-lô là người đạo mới, nhờ am tường Kinh Thánh và có tài hùng biện, đã thuyết phục được nhiều người, nhưng vẫn còn yếu kém về đạo, lập tức được vợ chồng Prít-ki-la và A-qui-la mời về nhà để bổ sung. Khi A-pô-lô muốn đi A-kai-a, anh em đã khuyến khích và viết thư giới thiệu cho các môn đệ để ông được đón nhận. Nhờ vòng tròn yêu thương ngày càng lan rộng đã làm cho sức sống của Giáo hội sơ khai mạnh mẽ và phát triển mau chóng.
Mỗi ngày ta có nhiều gặp gỡ, tiếp xúc, xin cho ta trở nên trung gian tốt lành để mọi cuộc gặp gỡ tiếp xúc của ta đều hướng dẫn mọi người đến với Thiên Chúa, xin cho những người tiếp xúc gặp gỡ ta đều hướng đến tình yêu, như thế cộng đoàn chúng ta sẽ có sức sống mạnh mẽ trong tình yêu nồng nàn.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

 SUY NIỆM 2:
Sứ điệp: Nhờ Danh Chúa Giêsu mà mỗi người chúng ta được Chúa Cha yêu mến và nhận lời khi ta cầu xin. Hãy tin mến Chúa Giêsu, Ngài là nguồn cậy trông của người Kitô hữu.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, con tạ ơn Chúa đã gánh tội cho con. Không có Chúa, con chẳng thể nào xứng đáng ca tụng Thiên Chúa, chẳng đủ sức đi về nhà Cha. Nhờ công ơn cứu chuộc của Chúa mà con được trở lại làm con Thiên Chúa, được hưởng mọi phúc lộc của kẻ làm con. Chúa đã làm người để con người được làm con Thiên Chúa. Phẩm giá của con tùy thuộc vào Danh Chúa. Con biết khi cậy trông Danh Chúa, con trở nên lớn lao trước mặt Cha trên trời.
Xin cho con được thực tâm mến Chúa, xin cho con biết tin nhận Chúa để con đáng được Cha trên trời yêu mến và nhận lời con cầu xin.
Con tin mến Chúa bằng cả cuộc sống biết thực thi Ý Chúa. Chúa đã nói “Ai yêu Ta thì sẽ giữ Lời Ta”. Chúa không muốn con chỉ tin Chúa trên môi miệng hoặc chỉ mến Chúa bằng cảm xúc mau qua. Vì mến tin Chúa, con quyết sống đạo và con sẽ được Chúa Cha thương đón nhận như một của lễ nhờ Danh Chúa.
Tuy thế, sống theo niềm tin vào Danh Chúa vẫn là một thách đố cho con. Đôi khi vì sống theo Thánh Ý Chúa, con trở nên nghèo hơn, mệt hơn, vất vả hơn. Ngược lại, khi sống theo kiểu thế gian, con thấy thoải mái hơn, an nhàn hơn. Nhưng dù vậy xin Chúa cho con lòng tin mạnh mẽ để con dám can đảm khước từ những thiện hảo trần thế không đẹp lòng Chúa, để con đáng được Chúa Cha yêu mến và được hưởng phần gia nghiệp trên trời. Amen.
Ghi nhớ: “Cha yêu mến các con, bởi vì các con yêu mến và tin Thầy”.
 TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM: CHÚA GIÊSU, ĐƯỜNG DẪN ĐẾN CHÚA CHA
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Năm xưa, sự xuất hiện của Chúa Giêsu luôn là một dấu chấm hỏi lớn với người Do Thái đương thời. Mặc dầu người ta vẫn nhận thấy nơi Chúa Giêsu có một sự lỗi lạc vượt bậc hơn những con người khác. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì họ chỉ có thể coi Chúa Giêsu như một bậc vĩ nhân chứ không thể cao hơn nữa.
Chúa Giêsu đã nhiều lần mạc khải cho người Do Thái biết, không ai có thể đến được với Chúa Cha mà không qua Ngài. Nhưng thời đó người ta không chấp nhận điều ấy. Họ tin vào các ngôn sứ hơn là tin vào Chúa Giêsu. Họ không nhận ra Chúa Giêsu mới chính là trung gian đích thực giữa Thiên Chúa và con người.
Kết quả là qua bao nhiêu thế hệ với hàng chục thế k, từ thời Abraham cho đến thời Gioan Tẩy Giả tin thờ Thiên Chúa và trông ngóng vào ơn cứu độ; nhưng đến thời điểm quan trọng nhất, thời điểm mà ơn cứu độ đang ở giữa nhân loại thì người Do Thái lại đánh mất, vì không tin nhận vào Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu là trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và con người. Đây là điều mà Giáo Hội luôn xác tín và lp đi lp lại không ngừng. Bởi Giáo Hội lo sợ chúng ta sẽ như người Do Thái xưa, tin Chúa và giữ đạo cả một đời nhưng cuối cùng lại không được cứu độ, vì không nhận ra hoặc quên rằng, chỉ có Chúa Giêsu là con đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha.
Thành thật mà nói, sẽ không có một lời cầu xin nào đẹp lòng Thiên Chúa mà không qua Chúa Giêsu, và cũng không ơn nào Thiên Chúa ban cho chúng ta mà không qua Chúa Giêsu đâu thưa anh chị em. Do đó, trong đời sống cầu nguyện, anh chị em muốn nói gì hay xin gì tùy ý, nhưng đừng quên kết thúc giờ cầu nguyện bằng lời này: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”.
Nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta làm cách nào để có được một cuộc đời gắn bó với Chúa Giêsu như Mẹ: gắn bó trong lúc vui lẫn lúc buồn và cả trong những lúc thương đau nhất. Bởi chỉ có ai gắn bó đời mình với Chúa Giêsu thì kẻ ấy mới được cứu độ.
Và để kết thúc, chúng ta cùng lắng nghe lại lời khẳng định này của Chúa Giêsu: “Chính Thầy là đường là sự thật và là sự sống, không ai có thể đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy”. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 4:  CHA YÊU MẾN CON.
Câu chuyện
Một người cha tận tuỵ vào bệnh viện thăm con trai bảy tuổi đang nằm hấp hối vì chứng bệnh nan y. Cậu bé dường như cảm thấy mình sẽ không khỏi được. Cậu hỏi: “Bố, có phải con sẽ chết không?”.
- Sao con hỏi thế? Con sợ chết phải không?.
Cậu ngước nhìn với ánh mắt tin tưởng và trả lời: “Không, bố ạ, nếu Chúa giống bố”.
Suy niệm
Trong suốt tuần lễ qua, chúng ta suy niệm chương 16 Phúc Âm Gioan, chúng ta được mạc khải các chân lý trung tâm của đời sống Kitô: Đường thập giá, Chúa Cha và Đấng Bảo Trợ - Thánh Thần, sức mạnh của Thánh Thần, Ðấng thay thế cho Chúa Giêsu để nâng đỡ, an ủi và hướng dẫn chúng ta.
Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng ở trần gian, Ngài loan báo cho các môn đệ là sắp đến giờ Ngài ra đi. Ra đi không phải để đi mất mà để hiện diện lại cách mới mẻ và sâu xa hơn: “Thầy từ Chúa Cha mà đến thế gian và giờ đây Thầy trở về cùng Chúa Cha”. Phương thế để giữ liên lạc với Ngài và có sức mạnh trung thành đến cùng trên đường thập giá trong sự dấn thân hàng ngày là cầu nguyện. Cầu nguyện với Cha nhân danh Chúa Giêsu.
Ngài dạy chúng ta thái độ phải có khi cầu xin với Cha là: Chúng ta tin và lấy danh Ðức Giêsu kêu cầu, chắc chắn Chúa Cha sẽ nhậm lời. Với tâm tình con thảo, như giáo lý Công giáo dạy: “Việc cầu nguyện cùng Cha của chúng ta phải làm triển nở trong chúng ta ý muốn nên giống như Ngài và nuôi dưỡng nơi chúng ta một tấm lòng khiêm như tin tưởng” (Giáo lý Công giáo, số 2800). Cha luôn dõi mắt theo từng người con mà ban phát như Chúa Giêsu đã khẳng định: “Các con hãy xin thì sẽ được, hãy tìm thì sẽ gặp, hãy gõ thì sẽ mở cho. Vì hễ ai xin thì được, ai tìm thì gặp, ai gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11,9-10).
Lời cầu xin của chúng ta nhân danh Chúa Con, luôn ở trong tương quan Cha, con, nghĩa là phải thể hiện niềm tin phó thác: Tin Cha sẽ làm những gì tốt nhất cho mình.
Trong niềm xác tín đó, chúng ta luôn mang tâm tình tạ ơn hằng ngày: Cha luôn yêu thương quan phòng, và làm những tốt đẹp nhất cho chúng ta.
Ý lực sống
“Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến Thầy”... (Ga 16,27).
 Lm Nguyễn Vinh Sơn. SCJ

SUY NIỆM 5:

Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su xác định tương giao giữa con người với Thiên Chúa, một mối tương giao thâm tình giữa Cha và con, nhờ công ơn cứu độ của người Anh Cả là Chúa Giê-su Ki-tô. Để từ đây, loài người sẽ nhân danh Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian duy nhất mà cầu xin với Cha trên trời.
Khác với quan niệm của người Do-thái, cụ thể trong thời Cựu Ước, con người quan niệm Thiên Chúa như một vị thần nghiêm khắc và ở rất xa con người, để rồi sợ Thiên Chúa như một nô lệ sợ ông chủ và không dám thân thưa với Người. Chúa Giê-su đến xô đổ quan niệm đó, Người gọi Thiên Chúa là Cha và đưa con người vào mối thân tình Cha và con nhờ Chúa Giê-su và trong Chúa Thánh Thần, như trong thư Ga-lát đã xác quyết: “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: "Áp-ba, Cha ơi!" (Gl 4,6).

- Mối thân tình Cha và con.
Chúa Giê-su được sinh ra từ lòng Chúa Cha từ thủa đời đời xét theo tử hệ đản sinh, còn con người được Chúa Cha tạo thành ngay trong thời gian đầu của vũ trụ, nhưng vì tội lỗi con người đã đánh mất đi mối tương giao với Đấng tạo thành. Chúa Giê-su đến, nhờ cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người, không chỉ khôi phục lại mối tương giao như tình trạng nguyên thủy mà còn nâng lên một mức cao hơn là được làm con Thiên Chúa, được gọi Thiên Chúa là Cha, có Chúa Giê-su là anh và mọi người là anh em với nhau.
Chính điều này trả lời cho vấn nạn rằng: Tại sao Chúa Giê-su Phục Sinh không trở lại sống như trước kia thì ai cũng biết và tin mà khỏi cần rao giảng? Nói như thế thì đã giảm thiểu Ơn Cứu Độ, vì nếu Phục Sinh mà trở lại thể trạng ban đầu thân xác đó rồi lại già đi và chết, vẫn lệ thuộc ăn uống ngủ nghỉ bệnh tật, vẫn hỉ nộ ái ố… thì nào có hơn gì; nhất là vẫn lệ thuộc không gian và thời gian vật lý (trong khi thân xác phục sinh của Chúa Giê-su thì cùng lúc hiện diện trên đường Emmau và trong nhà Tiệc Ly, vào với các môn đệ trong khi cửa vẫn đóng kín). Lại nữa, nếu thấy tỏ tường rồi thì không còn phải là đức tin và tự do, nhưng là chuyện đã rồi và bất đắc dĩ mà chấp nhận.
Chúng ta tạ ơn Chúa, nhờ Đức Giê-su đã phục sinh mà con người chúng ta không chỉ là được phục hồi về tình trạng nguyên thủy chưa phạm tội, mà còn được nâng cao như các thần minh và được làm con cái Cha trên trời, được thông phần vinh quang với Chúa Giê-su trong ngày sống lại. 

- Lời cầu xin nhân danh Chúa Giê-su.
Mỗi ngày, trong các Lời Nguyện, chúng ta vẫn đọc lời kết: “Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con”. Nghĩa là mọi Kinh Nguyện Ki-tô Giáo đều dâng lên Chúa Cha qua Chúa Giê-su khi tin tưởng vào lời hứa của Chúa Giê-su trong Tin Mừng hôm nay: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy” (Ga 16,23).
Hiệu lực của lời cầu nguyện tùy thuộc vào công nghiệp của vô giá của Chúa Giê-su, chứ không do công trạng của chúng ta đáng được Chúa Cha chấp nhận. Lại nữa, như một thần dân muốn xin với Đức Vua điều gì thì thật khó, nhưng nếu cậy nhờ đến hoàng tử can thiệp thì sẽ dễ được vua cha ban cho. Cũng thế, lời cầu nguyện của Ki-tô hữu đáng được Chúa Cha đón nhận, khi cậy nhờ đến công nghiệp của Con Một Yêu Dấu của người là Chúa Giê-su Ki-tô.
Hơn thế, Chúa Giê-su còn coi chúng ta như anh em với Người và đồng thừa kế vinh quang với Người, thì cũng vì thế mà chúng ta cũng được Chúa Cha yêu như tình yêu giữa Chúa Cha và Chúa Giê-su vậy: “Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến” (Ga 16,27).

Tóm lại, Chúa Giê-su đến xô đổ quan niệm của Cựu Ước coi Thiên Chúa như một vị thần nghiêm khắc và ở rất xa con người, để rồi sợ Thiên Chúa như một nô lệ sợ ông chủ và không dám thân thưa với Người. Từ đây, con người được gọi Thiên Chúa là Cha và sống mối thân tình Cha và con. Và nhờ thế, nhờ công nghiệp của Chúa Giê-su, con người có thể xin với Cha trên trời bất cứ điều gì đẹp lòng Người và Người sẽ ban cho.
 
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống tình con thảo với Cha trên trời và luôn biết dâng lên lời khẩn cầu đẹp lòng Người, để nhân danh Chúa, Cha trên trời sẽ ban cho chúng con. Amen 
Hiền Lâm.
SUY NIỆM 6: SỨC MẠNH CỦA TÌNH YÊU
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu thổ lộ cho các môn đệ biết tương quan thâm sâu giữa Ngài với Chúa Cha, và giữa Chúa Cha với các môn đệ qua trung gian Chúa Giêsu: Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Thầy nói rõ cho anh em biết rằng: chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến.
Những lời ấy, cho ta thấy: Chúa Giêsu và Chúa Cha yêu mến nhau. Cho nên, nếu chúng ta yêu mến Chúa Giêsu thì cũng được Chúa Cha yêu mến, nếu chúng ta nhân danh Chúa Giêsu mà kêu xin sự gì, thì chính Chúa Cha sẽ nhận lời. Rõ ràng, lời cầu xin của chúng ta với Thiên Chúa, khác hẳn khi chúng ta đi xin xỏ điều gì với chính quyền, chẳng hạn đi xin chứng nhận, xin giấy phép, hay xin xỏ một điều gì đó, để rồi có khi đợi dài cổ mà cũng không được, và nếu không có đồng tiền đi trước thì cũng không xong. Không, lời kêu xin của chúng ta không theo kiểu “xin cho” của thế gian, mà là tâm tình yêu mến, tâm tình con thảo thân thưa với Cha của mình về mọi nhu cầu. Và Thiên Chúa nhận lời ta, không phải vì ta lẻo mép, khéo xin xỏ, nhưng tại vì Thiên Chúa luôn yêu thương ta, nên chắc chắn sẽ thông chia cho ta những điều thiện hảo.
Một đêm tháng 6-1952, tại Ấn Độ, Mẹ Têrêsa bắt gặp một phụ nữ hấp hối bên vệ đường ngập nước sau một ngày mưa giông. Chuột bò ra cắn tay chân bà ta. Mẹ Têrêsa gõ cửa mọi bệnh viện ở gần đó nhưng chỉ nhận lại cái lắc đầu từ chối. Sáng hôm sau, người phụ nữ tội nghiệp qua đời trong vòng tay của Mẹ Têrêsa.
Vừa đau xót, vừa phẫn nộ, vị nữ tu tìm đến Tòa thị chính, đề nghị cấp một chỗ để có thể chăm sóc những người nghèo hấp hối không chốn nương thân. Chính quyền thành phố chấp thuận đề nghị và dành cho Mẹ một khu nhà phụ trong ngôi đền thờ thần Kali của Ấn giáo. Nơi này được đặt tên “Nhà Khiết tâm”. Mỗi sáng, cảnh sát đưa đến đây những người vô gia cư lâm bệnh rất trầm trọng, thời gian sống chỉ còn tính bằng ngày, thậm chí bằng giờ. Mẹ Têrêsa dang rộng vòng tay đón nhận họ, với tâm nguyện: “Những người này đã trải qua quá nhiều tủi nhục khi còn sống, ít nhất họ có thể chết ở đây như một con người”.
Người ta hỏi mẹ, làm sao mẹ có thể ẵm bế những kẻ nghèo hèn, thân xác lở loét, dòi bọ lúc nhúc, mà không thấy ghê tởm gì hết?
Mẹ Thánh trả lời: “Tôi có được sức mạnh của Thiên Chúa qua việc cầu nguyện. Ngày sống làm việc của chúng tôi đặt trên căn bản cầu nguyện. Dòng chúng tôi là Dòng chiêm niệm ở giữa lòng trần gian. Vì thế, cầu nguyện là căn bản đời sống nhà Dòng. Chúng tôi luôn luôn cầu nguyện khắp mọi nơi đang khi làm việc cũng như lúc đi dọc đường. Nếu chúng tôi không liên lỷ sống kết hợp với Chúa, chúng tôi đâu có thể có sức lực để sống dấn thân hy sinh phục vụ được”.
Vâng, khi yêu mến Chúa người ta sẽ tha thiết cầu nguyện, và lời cầu nguyện thành tâm sẽ sinh quả yêu thương phục vụ tha nhân.
Lạy Chúa, xin cho chúng con lòng quảng đại yêu thương hết mọi người ngay trong cuộc sống hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con. Amen.
Lasan Ngô Văn Vỹ, O.Cist
SUY NIỆM 7: NHÂN DANH THẦY THÌ SẼ ĐƯỢC NHẬN LỜI

Trong cuộc sống, nhiều khi chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự bất toàn của mình, cũng như sự giới hạn về uy tín. Vì thế, có những điều chúng ta muốn mà không được và phải cần đến một trung gian làm cầu nối cho mình.
Hôm nay Đức Giêsu mặc khải cho các môn đệ về vai trò của Ngài trong mối tương quan với Thiên Chúa Cha, và Ngài hứa cho những ai nhân danh Ngài mà xin cùng Thiên Chúa Cha thì Người sẽ ban cho như ý. Đây là cách nhấn mạnh và cụ thể, rõ ràng, chứ thực ra, đã có lần Đức Giêsu nói: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống”; hay: “Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).
Tại sao hôm nay Đức Giêsu lại dạy các môn đệ chi tiết và cụ thể đến như vậy? Thưa là bởi vì trước kia, khi Đức Giêsu còn ở với các ông, diện đối diện, nên việc cầu xin nhân danh Đức Giêsu là điều mà ít ai nghĩ tới. Tuy nhiên, sau khi đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc qua cái chết, Đức Giêsu sẽ về với Chúa Cha, và như vậy, Ngài đảm nhận vai trò Trung Gian giữa con người với Thiên Chúa Cha cách đắc lực và hiệu quả. Vì thế, Ngài mới nhắn nhủ các môn đệ hãy nhân danh Ngài mà xin với Chúa Cha thì sẽ được như ý.
Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhân danh Đức Giêsu để dâng lên Thiên Chúa Cha những nhu cầu và ước nguyện của mình. Khi chúng ta nhân danh Ngài mà cầu xin, ấy là chúng ta tôn nhận vai trò Trung Gian và công nghiệp cứu chuộc của Đức Giêsu.
Mặt khác, khi nhân danh Đức Giêsu để cầu xin, ấy là lúc chính Ngài hiện diện và hành động trong ta, làm cho lời cầu nguyện trở thành hiện thực.
Mong sao mỗi khi chúng ta nhân danh Đức Giêsu để xin điều gì với Chúa Cha, chúng ta hãy biểu lộ thái độ khiêm tốn, kết hiệp và sẵn sàng thuần phục ý Chúa hơn là ý ta.
Lạy Chúa Giêsu, xin Chúa ban cho chúng con luôn biết kết hợp với Chúa trong lời cầu nguyện, để nhờ Ngài, trong Ngài và với Ngài, những lời cầu nguyện của chúng con được Chúa Cha thương nhận lời và chúc phúc. Amen.
Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 8
Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy.
•      Đức Giêsu luôn biết qui hướng tất cả con người mình về Chúa Cha và dạy các môn đệ cũng biết qui hướng về Cha. Mọi sự xin đều đến từ Cha. Nhưng cái hay là Cha ban cho các môn đệ lại nhân danh Đức Giêsu. Sự hỗ tương, qui hướng giữa Cha và Con. Tất cả đều yêu thương và nâng đỡ nhau.
•      Cha luôn nhận lời các môn đệ xin. Họ xin nhân danh Đức Giêsu. Họ xin vì họ biết điều họ cần. Họ xin để tìm ý Chúa trong cuộc đời của họ. Chính mục đích xin đó mà họ được nhận lời.
•      Con người hôm nay vẫn muốn xin rất nhiều vì nhu cầu nào cũng thấy cần. Tuy nhiên, điều Thiên Chúa muốn ban cho con người đó là khi họ xin, Thiên Chúa cho họ có sức để đón nhận những thực tại họ đang sống và có sức dám đối diện với nó. Tất cả đều là cơ hội giúp con người tin tưởng và phó thác hơn trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa.
Tôi có bao giờ dám xin để đón nhận những giới hạn nơi thân xác tôi? Tôi có tin Chúa vẫn ban ơn để tôi sống hạnh phúc và đối diện với những giới hạn đó?
Lạy Chúa, con xin phó thác xác hồn con trong tay Chúa.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 9: NHÂN DANH THẦY MÀ XIN
Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ hãy mạnh dạn cầu xin Chúa Cha. Ngài sẽ ban cho các ông mọi điều nếu các ông xin nhờ vào danh Chúa Giêsu. Lời cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu không chỉ là công thức trong lời cầu nguyện, nhưng đó còn là niềm tin đặt vào Chúa Giêsu. Chính nhờ Chúa Giêsu chuyển cầu mà Chúa Cha dễ dàng nhậm lời vì Ngài luôn sống đẹp lòng Chúa Cha trong mọi sự. Ngoài ra, cụm từ “Nhân danh Thầy mà xin” còn diễn tả tình yêu của các môn đệ dành cho Chúa Giêsu. Chính khi các ông yêu mến Chúa Giêsu thì các ông được Chúa Cha yêu mến và lời cầu xin của các ông được Chúa Cha nhậm lời.
Chúng ta thường kết thúc các lời cầu nguyện bằng cụm từ “chúng con cầu xin nhờ Chúa Giêsu Kitô…” để diễn tả niềm tin của chúng ta vào Chúa Giêsu và nói lên vị trí của Ngài trong cung lòng Chúa Cha. Chính nhờ tình yêu của Chúa Cha và Chúa Giêsu mà chúng ta được lãnh nhận biết bao nhiêu ân sủng của Thiên Chúa. Vì thế, mỗi người hãy chạy đến với Chúa Giêsu và dành trọn tình yêu cho Ngài, chắc chắn lời cầu xin của chúng ta sẽ được Chúa Cha nhậm lời, vì Ngài yêu mến Con Ngài nhất nên Ngài cũng yêu mến chúng ta.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn đặt trọn niềm tin và tình yêu vào Chúa Giêsu, để lời cầu xin của chúng con không chỉ là của riêng mình mà còn là điều mà Chúa muốn. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây