SUY NIỆM THỨ 6 TUẦN VII PHỤC SINH

Thứ năm - 16/05/2024 05:06
SUY NIỆM THỨ 6 TUẦN VII PHỤC SINH
Ga 21, 15-19

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an
15Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Simôn Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” 16Người lại hỏi: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” 17Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giêsu bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. 18Thật, Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” 19Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông: “Hãy theo Thầy.”

SUY NIỆM 1: TÌNH YÊU, NỀN TẢNG CỦA PHỤC VỤ
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, với những gì được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay, ta có cảm tưởng như lần hiện ra thứ 3 này của Chúa Giêsu sau khi sống lại từ cõi chết, chỉ dành riêng cho Phêrô mà thôi.
Thánh Gioan đã khéo léo trình bày sự kiện ấy thành một cuộc đối thoại rất riêng biệt giữa Chúa Giêsu và Thánh Phêrô. Vì trong cuộc gặp gỡ này, Chúa Giêsu đã trao cho thánh Phêrô một nhiệm vụ hết sức quan trọng trước khi Ngài về Trời, đó là đặt Thánh Phêrô làm Tông đồ trưởng để thay mặt Ngài dẫn dắt đoàn chiên Giáo Hội trên cuộc lữ thứ trần gian.
Tuy là một nhiệm vụ quan trọng như thế, nhưng Chúa Giêsu không đặt ra với Thánh Phêrô vấn đề bằng cấp, trình độ hay tài nghệ. Ngài cũng không đòi Thánh Phêrô phải cam kết những lời đầy hứa hẹn. Ngài càng không quan tâm đến quá khứ chối thầy bỏ bạn của ông. Nhưng Chúa Giêsu chỉ hỏi Thánh Phêrô rằng: “Anh có yêu mến Thầy không?”. Câu hỏi này được lập lại không chỉ một mà đến ba lần, để muốn nhấn mạnh rằng, tình yêu mới là nền tảng chính yếu trong việc phục vụ.
Thưa anh chị em, Chúa đã chọn Thánh Phêrô để phục vụ cho Chúa trong vai trò của một vị giáo hoàng. Chúa chọn các tông đồ khác phục vụ trong tư cách là các giám mục. Và Chúa cũng chọn từng người chúng ta để phục vụ cho Chúa trong những vai trò và công việc khác nhau: Người phục vụ trong đời tu, người phục vụ trong đời thường; người phục vụ cấp giáo xứ, người phục vụ cấp giáo họ; người khác phục vụ trong các giới, các đoàn thể. Tuy chúng ta có khác nhau về phận vụ, nhưng đều có chung một tiêu chí là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới thúc bách chúng ta phục vụ và phục vụ hết mình
“Chúa biết con yêu mến Chúa”. Không chỉ một, cũng không chỉ ba, mà lời ấy phải đáp trả trong suốt cuộc đời phục vụ của mỗi chúng ta thưa anh chị em. Đặc biệt là những lúc chúng ta mất đi tinh thần phục vụ; những lúc chúng ta cảm thấy phục vụ phải hy sinh quá nhiều thời gian công sức; những lúc chúng ta bị người này người kia hiểu lầm hay nói này nói nọ; những lúc chúng ta bất mãn một ai đó khiến mình muốn buông xuôi và bỏ cuộc… Những lúc như thế, anh chị em hãy nhớ lại lời của Chúa Giêsu: “Con có yêu mến Thầy không?”. Nếu có, thì hãy bỏ qua tất cả để tiếp tục hy sinh phục vụ vì lòng yêu mến Chúa.
Xin cho chúng ta có tình yêu đủ mạnh để sẵn sàng tha thứ tất cả, hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả, và phục vụ hết mình. Amen.
Lm. Antôn
 SUY NIỆM 2:
Sứ điệp: Cũng như Thánh Phêrô được Chúa Giêsu trao cho sứ mệnh mục tử để chăn dắt đoàn chiên Chúa, mỗi người Kitô hữu cũng được Chúa trao sứ mệnh mục tử trong phạm vi và khả năng của mình. Nhưng trước hết, Chúa đòi phải có lòng yêu mến và sự hy sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, trước khi về trời, Chúa đã trao cho Thánh Phêrô sứ mệnh mục tử, thay mặt Chúa chăn dắt đoàn chiên, dù trước đó Ngài đã ba lần chối Chúa. Chúa đã cho biết rõ Ngài yếu đuối nhưng Chúa hoàn toàn tin tưởng vào Ngài. Chúa chỉ đòi hỏi Ngài lòng yêu mến Chúa, một lòng yêu mến đặc biệt, yêu mến Chúa hơn mọi người, yêu mến đến độ dám hy sinh cả mạng sống.
Ngày nay, Chúa vẫn yêu thương và tin tưởng chúng con. Chúa trao cho mỗi người trách nhiệm chăn dắt đoàn chiên Chúa: là cha xứ đối với giáo xứ, là cha mẹ đối với con cái, là anh chị đối với đàn em, là người trên đối với người dưới, là người giàu đối với người nghèo, là người khoẻ mạnh đối với người yếu đau… Mỗi người chúng con đều có sứ mệnh của người mục tử. Chúa tin tưởng và trao phó sứ mệnh mục tử cho chúng con, dù Chúa biết rõ chúng con đã từng phạm tội, chỉ là kẻ tài hèn sức mọn.
Lạy Chúa, chỉ có lòng yêu mến Chúa thật mới giúp con có đủ khả năng để thay mặt Chúa chăm sóc anh chị em. Xin Chúa đốt lên trong con ngọn lửa yêu mến Chúa nồng nàn để trong mọi hoàn cảnh, con luôn hết lòng chu toàn sứ mệnh ấy. Xin ban thêm lòng yêu mến Chúa cho con, để dù trong lúc khó khăn, con luôn biết hy sinh sức lực, khả năng, thời giờ và ngay cả mạng sống, để phục vụ những người mà Chúa đã tin tưởng trao phó cho con. Amen.
Ghi nhớ: “Con hãy chăn dắt các chiên mẹ và chiên con của Thầy”
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM 3:
Lòng khiêm tốn và tình yêu, chính là điều kiện tiên quyết và quan trọng nhất để chu toàn tốt nhiệm vụ Chúa trao. Đó là sứ điệp mà lời chúa hôm nay gửi đến chúng ta.
Bài tin mừng hôm nay cho chúng ta biết: trước khi trao phó sứ vụ quan trọng làm đầu Hội Thánh cho Phêrô, Chúa Giêsu đã tế nhị tận dụng bầu khí cởi mở trong một bữa ăn thân tình giữa Thầy và trò, để  rồi tinh tế mời gọi Phêrô đảm nhận vai trò quan trọng trong GH Chúa. Nhưng trước khi đặt Phêrô vào vị trí chăn dắt đoàn chiên, Chúa Giêsu muốn ý thức Phêrô về 2 điều rất quan trọng cần phải có trong vai trò lãnh đạo. Đó là lòng khiêm tốn và tình yêu mến. 
Bằng cách đặt câu hỏi đến những 3 lần: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy… không?”.
– Trước hết Chúa Giêsu như muốn Phêrô khẳng định Tình Yêu kiên vững và trọn vẹn (kiềng 3 chân; tam tài) của mình dành cho Chúa và cho tha nhân. Bởi tình yêu chính là động lực thúc  đẩy con người dám hy sinh phục vụ cách vô vị lợi.
– Thứ đến cũng là để nhắc nhớ Phêrô về 3 lần ông đã chối Thầy. Nhờ đó ông  ý thức được thân phận yếu đuối mõng giòn của mình có thể sa ngã bất cứ lúc nào, nhờ đó mà khiêm tốn trước Chúa và mọi người trong sứ vụ lãnh đạo đoàn chiên Chúa.
Một cách nào đó mỗi người chúng ta cũng được Chúa trao phó cho nhiệm vụ lãnh đạo. Người lãnh đạo GH, người lãnh đạo cộng đoàn, người lãnh đạo gia đình và mỗi người đều có bổn phận lãnh đạo chính bản thân mình. Do đó, Chúa cũng đòi hỏi chúng ta phải luôn mang trong mình 2 đặc tính là khiêm tốn và tình yêu, nhờ đó ta mới có thể chu toàn tốt trách nhiệm của mình.
Lm Seoka

SUY NIỆM 4: CÓ YÊU THÌ MỚI CHU TOÀN
Khi nói về tình yêu, nhạc sĩ Nguyễn Duy đã có một bài hát mang tên: “Xin định nghĩa tình yêu”, trong đó có đoạn:
“Yêu là chết đi, là đóng đinh, là biết hy sinh cho người mình yêu [...]. Yêu: xin đừng dối gian, xin đừng trái ngang, dù lắm lo toan, xin đừng ly tan. Hãy yêu như Giêsu, chết đi cho dương gian, đóng đinh cho người mình yêu mến. Hãy yêu trong an vui, thủy chung trong đau thương, sống trong cuộc đời đầy mến yêu”.
Lời bài hát trên mang đậm chữ “yêu”. Thật vậy, con người nếu không có tình yêu, hỏi rằng chúng ta có thể sống có ý nghĩa được chăng? Thưa không! Chỉ có tình yêu, con người mới làm cho cuộc đời này chan chứa niềm vui, dẫu vẫn còn đó khổ đau, bất hạnh, hiểu lầm...
Trước khi về trời, Đức Giêsu đã trao phó quyền chủ chăn cho Phêrô. Biết được vai trò, sứ mạng và những khó khăn mà ông sẽ đón nhận từ mình, nên Đức Giêsu đã cật vấn ông tới ba lần: “Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thầy hơn những người này không?". Có lẽ Đức Giêsu hỏi ông như thế là vì muốn ông từ nay phải trở nên người trưởng thành thực sự chứ không phải như những lần trước, vừa mới thề sống chết với Thầy, rồi sau đó lại chối Thầy vì sợ liên lụy. Ý thức được điều đó, nên ông đã tỏ ra buồn rầu và xấu hổ.
Tuy nhiên, sứ vụ mà ông sắp đón nhận là một cuộc hành trình đầy cam go, cần phải có tình yêu đủ lớn thì mới có thể chung chia sứ vụ với Thầy được.
Thật vậy, Phêrô đã ý thức điều đó, và ông đã tuyên xưng mạnh mẽ với đầy tràn tình yêu và Thần Khí Thiên Chúa trong mình: "Thưa Thầy: Có, Thầy biết con yêu mến Thầy".
Ngày nay, Chúa cũng trao sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Ngài cho các mục tử trong Giáo Hội, chúng ta hãy cầu nguyện cho các ngài trở nên những mục tử “như lòng Chúa mong ước”. Trở nên những mục tử không chỉ “biết” mà còn “ngửi thấy mùi chiên”.
Bên cạnh đó, trong chức tư tế phổ quát, mỗi người chúng ta cũng đều là mục tử khi được tham dự vào chức tư tế độc nhất của Đức Giêsu qua Bí tích Rửa Tội, vì thế, chúng ta cũng không ngừng vươn tới mẫu gương của Đức Giêsu là mục tử nhân lành để noi theo và sống ơn gọi bằng cách chu toàn bổn phận của mình trong lòng mến.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho hết mọi thành phần dân Chúa, dù trong vai trò gì, cũng luôn biết lấy tình yêu làm lẽ sống, để qua đó, mỗi người sẽ được sống trong một tình yêu lớn hơn, đó là tình yêu của Chúa. Amen.
Ngọc Biển SSP

SUY NIỆM 5:
Chương 21 của Tin Mừng theo thánh Gioan thường được coi là phần phụ chương của cuốn Tin Mừng này, vì trước đó đã có lời kết. Đoạn Tin Mừng trích đọc hôm nay dường như muốn trả lời cho hai vấn nạn trong cộng đoàn tín hữu lúc bấy giờ, một là Chúa đã tha thứ cho Phêrô tội chối Chúa ba lần chưa và hai là với tội lỗi ghê gớm như thế liệu ông có còn được Chúa tín nhiệm đặt làm tông đồ trưởng nữa không? Câu trả lời đã rõ ràng. Ba lần Chúa hỏi Phêrô có yêu mến Thầy không là để Chúa công khai tha tội cho vị tông đồ này và qua đó Chúa vẫn tín nhiệm đặt ông làm tông đồ trưởng, chăn dắt cả chiên con chiên mẹ trong đoàn chiên của Chúa. Đồng thời Chúa cũng đưa ra một tiêu chí quan trọng là quyền bính trong Hội Thánh được trao để phục vụ cộng đoàn và quyền bính ấy phải được đặt trên nền tảng là lòng yêu mến Chúa. Chăn dắt chiên của Thầy đi đôi với yêu mến Thầy. Yêu mến Thầy rồi chăn dắt chiên của Thầy. Chắc chắn Phêrô đã rất xúc động và càng yêu mến Chúa nhiều hơn.Người môn đệ của Chúa hôm nay ý thức rằng mình hãy cứ yêu mến Chúa thật nhiều đi rồi tự nhiên sẽ biết phải làm gì để phục vụ cộng đoàn.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Thông
SUY NIỆM 6: CHÚA GIÊSU VÀ THÁNH PHÊRÔ 
Thánh Gio-an Tông Đồ đã định nghĩa “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 16). Tình yêu của Ngài là vô điều kiện, không giới hạn và bất diệt. Nó là khởi nguyên và là cùng tận; là bản chất của Kitô giáo. Tình yêu lôi kéo chúng ta đến trái tim của Thiên Chúa, nó buộc chúng ta đáp lại trọn vẹn lòng trung thành bằng chính cuộc sống của mình. Điều gì có thể dập tắt một tình yêu như vậy? Đó chắc chắn là những thờ ơ, không tin hoặc từ chối Thiên Chúa và Lời Ngài.
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu ba lần hỏi thánh Phê-rô: “Này anh Si-mon, con ông Gio-an, anh có mến thầy hơn các anh em này không?
Chúa Giêsu thấy rằng Phê-rô đã trả lời cách khẳng định: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Những câu hỏi về tình yêu này được lặp đi lặp lại tới ba lần. Có ý kiến cho rằng, đây có thể là một tham chiếu đến việc từ chối Thầy ba lần của Phê-rô trước biến cố vượt qua. Sự lặp lại ở đây như thể Chúa Kitô đang cho Phê-rô cơ hội để bù đắp cho hành vi phản bội trước đó của mình.
Nói cách khác, Chúa Giêsu không nản lòng về sự phản bội của Phê- rô để xây dựng Giáo Hội của Ngài trên ông. Điều này không có nghĩa là Chúa Giêsu bỏ qua sự phản bội của ông. Trên thực tế, Ngài rất cẩn thận để cho Phê-rô cơ hội vô hiệu hóa sự phản bội của mình bằng ba câu hỏi về tình yêu và khiến ông trở nên khiêm tốn hơn. Theo nghĩa này, Thiên Chúa sử dụng ngay cả những tội lỗi và lỗi lầm trong quá khứ của chúng ta vì lợi ích của chính chúng ta nếu chúng ta thành tâm sám hối. Chúa kêu gọi ngay cả trong sự yếu đuối và tội lỗi của con người, để chúng ta có thể yêu Ngài hơn tất cả những thứ khác.
Adrian Van Kaam, một nhà tâm lý học, trong cuốn sách ‘Động Lực Của Sự Tự Định Hướng Tâm Linh’, đã viết:
Thiên Chúa có thể giúp chúng ta tận dụng tốt nhất quá khứ để không có gì bị lãng phí trong cuộc sống. Trong những năm mà có lẽ chúng ta chưa hoàn toàn phù hợp với định hướng bản thân thực sự của mình, chúng ta đã thu thập kinh nghiệm, thông tin và sự hiểu biết, của chính mình và của xã hội trần thế xung quanh chúng ta. Thiên Chúa đã sử dụng nhận thức ngày càng tăng đó để dẫn từ điểm bất lợi của quá khứ đến nhận thức về những khả năng mới và tốt hơn của cuộc sống. Chúng ta nên thể hiện lòng biết ơn và tin tưởng vào Ngài bằng cách không dừng lại than vãn những gì đã xảy ra, trong khi lãng phí các khả năng của hiện tại và tương lai. Thật vậy, không ai có thể thay đổi quá khứ; tất cả mọi người có thể thay đổi tác động của quá khứ đến tương lai. Ngay cả những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ cũng có thể giúp chúng ta ngăn chặn những sai lầm tương tự trong hướng sống mới của mình.” (Trang 266-267).
Tin Mừng tường thuật cho ta thấy, sau mỗi lần Phê-rô xác nhận về tình yêu của mình đối với Thầy, Chúa Giêsu đều giao cho ông nhiệm vụ chăn dắt chiên của Thầy, nhưng ba lần với ba câu nói ngụ ý khác nhau:
Đầu tiên, “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy” Chiên con, ám chỉ sự yếu ớt và mỏng manh, không có khả năng tự vệ, vì vậy nó phải được cho ăn và chăm sóc như một đứa trẻ. Nói cách khác, giống như Chúa Giêsu, chúng ta phải hướng dẫn và khuyến khích người khác trong đức tin của họ, giúp họ đạt đến sự trưởng thành mà Chúa muốn ở họ. Thứ hai, “Hãy chăn dắt chiên của Thầy”. Khi chiên con trở thành một con cừu, nó có thể thả ra đồng để tìm thức ăn, vì vậy người chăn phải canh chừng kẻo nó đi lạc đàn và cũng phải đi tìm các con lạc về đàn kịp thời kẻo bị thú dữ ăn thịt. Nói cách khác, theo Chúa Giêsu, chúng ta phải chăm sóc quan tâm đến người khác. Và thông qua câu hỏi này, “con có yêu mến Thầy không?” Chúa muốn chúng ta phải có câu trả lời trong cuộc sống hàng ngày. Thứ ba, “Hãy chăm sóc chiên của Thầy” Cuối cùng, con chiên trở nên già yếu và vì thế nó phải được giữ sức khỏe trong những năm còn lại bởi bàn tay yêu thương của người chăn. Nói cách khác, chúng ta phải theo Ngài vô điều kiện.
Không chỉ với riêng thánh Phê-rô, mỗi người chúng ta sau khi đã được đón nhận ơn đức tin. Thì câu hỏi “Con có yêu mến Thầy không?” của Chúa Giêsu vẫn được hỏi với mỗi người chúng ta. Nếu đáp là ‘’, cần chứng minh tình yêu đó bằng việc làm cụ thể là chăm sóc và quan tâm đến đức tin và đời sống của tha nhân. Còn ngược lại thì đức tin của chúng ta là một đức tin chết vì nó vắng bóng tình yêu.
Sau khi giao phó cho Phê-rô sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Chúa. Ngài nói với ông: “Hãy theo Thầy”. Phải chăng ba năm qua cho đến lúc này Phê-rô không theo Thầy? Không phải thế, nhưng theo ở đây mang một ý nghĩa mới đó là theo đường lối và hành động của Thầy. Làm những gì Thầy đã làm, nói những gì Thầy đã nói. Hay hiểu cách khác là hãy sống như Thầy đã sống, hãy là hiện thân của Thầy cho đoàn chiên là Giáo Hội. Lời kêu gọi này không chỉ dành riêng cho thánh Phê-rô mà cho mỗi người chúng ta, những người mang danh Kitô hữu là phải có bổn phận minh hoạ lại cuộc đời của Chúa cho nhân loại. Để rồi có thể nói như thánh Tông Đồ dân ngoại: “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Gl 2,20).
Lạy Chúa, hôm nay Chúa nhắc nhở cho chúng con biết đức tin phải luôn đồng hành với tình yêu và thể hiện ra qua hành động. Xin giúp chúng con khi tuyên xưng niềm tin của mình, cũng luôn biết đáp lại bằng những việc làm cụ thể của tình yêu đối với tha nhân. Vì đó cũng chính là Tình yêu mà Chúa muốn thấy nơi chúng con. Amen.
Lm.M Basilio Nguyễn Văn Phán, CĐTP

 
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây