SUY NIỆM THỨ 7 TUẦN VII PHỤC SINH

Thứ sáu - 17/05/2024 07:17
 
SUY NIỆM THỨ 7 TUẦN VII PHỤC SINH
Ga 21, 20-25

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.
20Ông Phêrô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giêsu thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giêsu trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy ?”
21Vậy khi thấy người đó, ông Phêrô nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao ?” 22Đức Giêsu đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ? Phần anh, hãy theo Thầy.”
23Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giêsu đã không nói với ông Phêrô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh ?”
24Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. 25Còn có nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm.
Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.

SUY NIỆM 1:

Sứ điệp: Đời mỗi người Kitô hữu là một ơn gọi theo Chúa. Ta hãy đáp lại ơn gọi yêu thương đó tùy theo bậc sống trong hoàn cảnh riêng của mình, với niềm phó thác cậy trông vào Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, tất cả mọi người được kêu gọi để theo Chúa. Có những bậc sống khác nhau. Trong mỗi bậc sống đó lại có từng hoàn cảnh khác nhau. Mỗi người là mỗi phận. Chúa như đang cầm tay từng phận người mà dắt đi theo Chúa. Chúa đang nói với mỗi người chúng con: “Phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa đang dẫn con đi theo Chúa bằng lối đi Chúa dành riêng cho con.
Khi Thánh Phêrô hỏi Chúa về số phận của Thánh Gioan, Chúa đã nói với Thánh Phêrô: “Việc đó liên quan gì đến con, phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa không bảo con đừng quan tâm đến anh chị em quanh con. Khi thấy anh em cần nâng đỡ đức tin, Chúa muốn con chạy tới đóng vai bàn tay của Chúa để đỡ nâng họ. Con sẽ đỡ nâng bằng gương sáng, bằng một lời động viên, bằng một lời nhắc nhở, và nhất là bằng những lời cầu nguyện. Rồi khi con gặp thử thách, con tin Chúa sẽ lại dùng anh chị em quanh con thay mặt Chúa mà ủi an, động viên con.
Tuy nhiên, Chúa muốn nói với riêng con: “Phần con hãy cứ theo Thầy”. Chúa dạy con đừng phân bì ghen tỵ. Xin Chúa đừng để con so sánh phận mình với phận người mà chùn bước chân theo Chúa. Con biết mỗi đời người là một mầu nhiệm trong tình yêu quan phòng của Chúa. Mỗi đời người là một cuộc tình riêng với Chúa. Mỗi đời người đều có đủ thánh giá để vác theo Chúa. Đồng thời mỗi đời người đều được Chúa ban đủ niềm vui và ân sủng để theo Chúa cho nên: “Ơn Ta đủ cho con”.
Xin cho con vui với phận mình và tin tưởng bước theo Chúa. Amen.
Ghi nhớ: “Chính môn đệ này làm chứng về những việc đó và đã viết ra”.
TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM 2: CHỨNG NHÂN TIN MỪNG
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, khi nhắc đến Thánh Gioan tông đồ, người ta thường nghĩ ngay đến ngài là người môn đệ được Chúa Giêsu thương mến nhất. Nhưng người ta hay quên rằng, Thánh Gioan cũng là người yêu mến Chúa Giêsu sâu đậm nhất.
Sâu đậm bởi Thánh Gioan đã dùng cả 30 năm trời để chiêm ngắm lại cuộc đời của Chúa Giêsu trong cầu nguyện và suy niệm. Để rồi ở tuổi 60, khi ngài cầm bút viết lại Tin mừng thì không chỉ là đơn thuần kể lại các sự việc đã xảy ra, nhưng đó còn là kết quả của một niềm tin chắc chắn, của một lòng mến thẳm sâu và của một lòng cậy trông vững vàng vào ơn cứu độ.
Trong những tuần qua, Thánh Gioan lần lượt cho chúng ta khám phá về tình yêu Thiên Chúa dành cho con người qua hình ảnh người mục tử và đàn chiên; về sự gắn bó giữa ta với Chúa qua hình ảnh thân nho và cành nho; về việc chúng ta sẽ được tái sinh trong Thần Khí; về việc Chúa hiến mình làm Bánh Trường Sinh cho đời, và việc Chúa Giêsu sẽ trao ban Thánh Thần cho chúng ta…
Trong bài Tin mừng hôm nay, Thánh Gioan khẳng định những gì mà ngài viết ra điều là xác thực và đáng tin cậy. Ngài cho biết thêm, còn rất nhiều điều chưa được viết ra vì không giấy mực nào chất chứa nỗi. Và tất cả những điều còn lại ấy, ngài viết trên chính cuộc đời của ngài, một cuộc đời luôn kề vai sát cánh bên Chúa Giêsu trong lúc an bình cũng như lúc gian nan thử thách.
Thánh Gioan là một trong ba môn đệ luôn có mặt với Chúa Giêsu trong những biến cố trọng đại nhất. Ngài là người đã tựa vào lòng Chúa Giêsu trong bữa tiệc ly, để cảm nhận và đồng cảm với những thổn thức của Thầy mình trước cuộc thương khó sắp đối diện. Tin mừng còn cho biết, Thánh Gioan là vị tông đồ duy nhất còn lại dưới chân thập giá lúc Chúa Giêsu chịu tử nạn.
Có thể nói, cuộc đời của Thánh Gioan là một cuốn “tin mừng sống”, được tóm gọn trong 4 chữ: Tin tưởng, yêu mến, gắn bó và trung thành.
Cộng đoàn kính mến, chúng ta được mời gọi cô đọng đời sống đức tin của mình trong 4 phẩm tính nền tảng ấy: Tin tưởng, yêu mến, gắn bó và trung thành: Hãy tin tưởng vào tình Chúa yêu ta, hãy yêu mến thật nhiều để ta được thứ tha nhiều, hãy gắn bó đời mình với Chúa như cành nho gắn liền với thân nho, và hãy trung thành theo Chúa đến trọn cuộc đời. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3: CẢ THẾ GIỚI KHÔNG ĐỦ CHỖ CHỨA.

Tất cả mọi việc mà Chúa Giêsu đã làm không thể nào đếm xuể và kể hết. Vì thế, tác giả Tin mừng Gioan đã kết thúc bằng câu nói: “Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” Chúa Giêsu đã thực hiện chương trình cứu độ bằng con đường tình yêu. Chính tình yêu thúc đẩy Ngài làm biết bao công việc cho con người, kể cả việc hiến dâng chính mạng sống Ngài. Vì thế, qua muôn ngàn thế hệ con người sẽ không bao giờ kể hết được những việc mà Thiên Chúa đã làm. Con người chỉ cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa mà cúi đầu ca ngợi và thờ phượng Ngài mà thôi.
Mỗi người chúng ta nếu dành thời gian để viết lại những điều Chúa đã làm cho mình, có lẽ cũng viết không nỗi. Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng không cần chúng ta viết, nhưng Ngài muốn mỗi người sống tâm tình biết ơn bằng một đời sống thánh thiện. Thay vì viết sách về Chúa, từng người hãy viết về tình yêu của Chúa dành cho mình bằng một đời sống chứng nhân tình yêu giữa đời. Chúng ta hãy làm cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa và yêu mến Ngài. Đó là điều Thiên Chúa muốn và cũng là cách đáp đền tình yêu của Ngài dành cho chúng ta.
Lạy Chúa, cuộc đời chúng con được Chúa bao bọc bằng tình yêu. Xin Chúa cho chúng con luôn biết sống xứng đáng với tình yêu mà Chúa ban tặng qua việc lắng nghe, thực hành và loan báo Lời Chúa cho mọi người. Amen.
Lm.Laurenso Quốc Huy

SUY NIỆM 4:
 “Khi ấy, ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?”
•      Ngay sau khi Đức Giêsu hỏi Phêrô và ông đã trả lời thì Phêrô quay lại. Chúng ta hãy ngắm nhìn ông quay lại và thấy người môn đệ Thầy thương mến. Phêrô nhớ tới bạn thân của mình, người mà ông đã nhờ hỏi xem ai là kẻ nộp Thầy. Tuy nhiên, cái nhìn của Phêrô không chỉ là nhớ đến người bạn của mình nhưng còn muốn biết số phận của bạn mình ra sao?
•      Ông bận tâm đến bạn bởi lời của Chúa vừa chạm đến cuộc đời của ông. Đức Giêsu vẫn muốn Phêrô thấm nhuần điều ông vừa nói với Chúa và Chúa nói với ông. Ngài muốn ông xác tín vào việc theo Chúa hơn là chỉ nhìn người khác rồi quên mất nhiệm vụ của mình.
•      Những công việc xã hội hôm nay con người làm rất tốt. Thế nhưng, Lời Chúa vẫn mời gọi con người cần qui hướng về Chúa và biết chu toàn những trách nhiệm của mình.
Tôi thấy mình sẵn sàng thi hành điều Chúa mời gọi? Tôi thực hiện từng bước ra sao?
Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa và xin cho con biết con.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 5:
Mỗi người đều được Chúa Thánh Thần ban cho những đặc sủng khác nhau. Thánh Phaolô diễn tả cuộc sống theo ơn Chúa Thánh Thần rất đa dạng, nhưng lại hài hòa với nhau tựa như các chi thể trong một thân thể. Mỗi chi thể làm việc riêng nhưng đều hướng về lợi ích của toàn thân. Ngài nói: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung…… Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Người”. (1Cr 12, 4-11).
GH được ví là thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô. Chúa Kitô là Ðầu của Giáo Hội và Giáo Hội là Thân thể của Người (x. Cl 1,18 ; Ep 1,22 ; 4,15 ; 5,23). Nên mỗi người trong GH đều có bổn phận xây dựng GH thân thể Chúa Kitô theo khả năng của mình trong khiêm tốn. Đó là điều cần thiết không thể thiếu được như lời Thánh Phaolô nói: “Giả như chân có nói: “Tôi không phải là tay, nên tôi không thuộc về thân thể, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể.”. Giả như tai có nói: Tôi không phải là mắt, vậy tôi không thuộc về thân thể”, thì cũng chẳng vì thế mà nó không thuộc về thân thể. Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi? Nhưng Thiên Chúa đã đặt mỗi bộ phận vào một chỗ trong thân thể như ý Người muốn. Như thế, bộ phận tuy nhiều mà thân thể chỉ có một. Vậy anh em, anh em là thân thể Đức Ki-tô, và mỗi người là một bộ phận. (1Cr 12, 15-20).
Theo gương thánh Gioan ta có thể tích cực xây dựng GH Chúa bằng cách ghi lại những cảm nhận sâu xa về tình yêu Chúa dành cho ta và tình yêu ta dành cho Chúa qua những kinh nghiệm gặp gỡ thân tình với Chúa, và chia sẻ cảm nghiệm ấy cho nhiều người. Chính nhờ cách thức ấy mà Tin mừng Tình yêu của Chúa được loan báo cho mọi người, khắp mọi nơi và tồn tại mãi nơi Tin mừng của thánh Gioan.
Ta cũng có thể noi gương thánh Phêrô, xây dựng GH Chúa bằng cách can đảm “theo Thầy” trên mọi nẻo đường của cuộc sống, cho dẫu gặp phải mọi gian lao, thử thách ngay cả hy sinh mạng sống mình để minh chứng cho Tin mừng cứu độ bằng một đức tin kiên vững trong vai trò là đầu Hội Thánh. Nhờ đó mà Hội Thánh Chúa tồn tại vững mạnh và phát triển không ngừng.  
Xin cho mỗi người chúng ta biết tôn trọng sự khác biệt của nhau; biết mở lòng tích cực cộng tác với người khác theo hết khả năng của mình trong tình hiệp nhất. Nhờ đó mà GH Chúa ngày thêm vững mạnh và Tin mừng của Chúa được lan tỏa đến mọi người.
Lm Seoka

SUY NIỆM 6: CHÍNH CON HÃY THEO THẦY
Ngang qua Tin mừng hôm nay, thánh sử Gio-an đã khéo léo cho chúng ta biết chỗ đứng đặc biệt của ngài trong trái tim Thầy Giê-su; nhưng có vẻ như chỗ đứng này cũng là cớ vấp phạm cho các Tông đồ khác, khiến cho Phê-rô, hôm nay khi ngoảnh lại nhìn thấy ông, đã lập tức nêu thắc mắc về số phận của Gio-an: “Còn anh này thì sao?”.
Quả thực, nếu chúng ta đọc kỹ các sách Phúc âm, chúng ta cũng sẽ nhận thấy Chúa đã dành cho Gio-an một tình yêu đặc biệt và Gio-an cũng đã dành cho Chúa một tình yêu chân thật, tế nhị và vô vị lợi. Gio-an là người đã được Chúa cho tham dự vào các biến cố quan trọng trong cuộc đời của Chúa, là người đã nghiêng mình vào ngực Chúa trong bữa Tiệc ly, là người đã đứng dưới chân thập giá và được Chúa Giê-su chối Mẹ Ngài cho, là người đầu tiên đã nhận ra Chúa đã sống lại… Gio-an là Tông đồ và là thánh sử nổi tiếng về tình yêu Thiên Chúa.
Người ta đặt câu hỏi: Tại sao Chúa lại yêu thương Gio-an hơn các tông đồ khác? Thật ra, Chúa Giê-su cũng là con người giống như mọi người, chỉ trừ tội lỗi, nên Ngài cũng có những tâm tình của loài người, điều đó chẳng có gì ngược với tinh thần Tin mừng cứu độ. Một tình yêu thương cụ thể phải bắt đầu với những gì gần gũi với mình, từ trong gia đình ra đến bạn hữu và những người khác. Yêu thương mọi người là sẵn sàng yêu thương những người mình gặp gỡ, chấp nhận cái hay cái dở của họ, cả những phiền toái của họ nữa. Chính những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống giúp chúng ta học biết yêu thương và làm cho tình yêu triển nở.
Đối diện với thắc mắc của Phê-rô, có người cắt nghĩa cách tích cực rằng: Phải chăng Phêrô có ý ngầm nói với Thầy rằng: anh Gio-an mến Thầy và cũng được Thầy yêu thương cách riêng, thì sao? Nghĩa là Thầy sẽ giao cho anh nhiệm vụ gì? Hay tại sao Thầy lại không giao trách nhiệm chăn dắt Hội Thánh cho anh ta có phải hơn không, sao lại giao cho con một kẻ đã từng chối Thầy? Đó cũng có thể là thắc mắc của nhiều người khi đọc Tin mừng Gio-an; bởi vì xem ra Gio-an xứng đáng hơn Phê-rô.
Trước thắc mắc của Phê-rô, Chúa Giê-su đã trả lời: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến con? Phần anh, hãy theo Thầy”.
Thắc mắc về người khác mãi vẫn chỉ là thắc mắc, không bao giờ có một trả lời thỏa đáng cho cảm xúc của mỗi chúng ta. Mỗi người đều được Thiên Chúa chuẩn bị cho một sứ vụ và Chúa sẽ ban đủ sức để chu toàn. Điều quan trọng là chúng ta phải hiểu ý Chúa muốn và cộng tác với ơn Ngài ban. Nhiều khi chúng ta cứ mải quan tâm đến đời sống người khác: họ làm gì, họ sống thế nào, tương lai của họ sẽ ra sao mà lại quên mất việc phải quan tâm đến chính mình: cần suy nghĩ xem tôi cần làm gì? Ý Chúa muốn tôi làm gì? Tôi đã sử dụng của cải, thời giờ, khả năng Chúa ban thế nào?
Xin Chúa giúp cho mỗi người chúng ta ý thức: mỗi người đã được Chúa xếp đặt một sứ vụ, một khả năng, một chỗ đứng trong chương trình và tình yêu của Thiên Chúa, không ai ở ngoài tình yêu của Ngài. Mỗi chúng ta “Hãy theo Thầy?”
Lm. Giu-se Vũ Công Viện
SUY NIỆM 7: VUI VỚI PHẬN MÌNH
 Sau khi tra vấn về lòng mến, Chúa Giêsu trao quyền cho Phêrô trách nhiệm chăm sóc đoàn chiên với tư cách Tông đồ trưởng, và mời gọi như ra lệnh: Hãy theo thầy ! Ngài như báo trước cho Phêrô con đường thập giá phía trước. Ông sẵn sàng với lời mời gọi, nhưng có vẻ còn bận tâm tới Gioan, một người bạn trẻ trong nhóm các môn đệ thân tín, người môn đệ được Chúa Giêsu yêu mến cách riêng: Thưa Thầy, còn anh này thì sao ? Bất ngờ, Chúa Giêsu đã trả lời : Việc gì đến anh ! và khẳng định lại lần nữa: phần anh, anh hãy theo Thầy !
Vâng, mỗi người trong chúng ta đều có những ơn gọi khác nhau. Cùng là Tông đồ, nhưng mỗi người được Chúa gọi làm tông đồ theo cách thức riêng của mình, không ai giống ai: Phêrô khác Gioan : Phêrô sẽ tử đạo để biểu lộ lòng mến, nhưng Gioan lại ca ngợi Thiên Chúa tình yêu bằng trái tim  và ngòi bút của mình…các tông đồ khác cũng thế. Điều quan trọng không phải là so sánh địa vị cao thấp, công việc này khác … nhưng là chu toàn bồn phận Chúa trao cho mình, ở đây và lúc này. Và khi chúng ta hoàn thành tốt đẹp ơn gọi của mình, đồng nghĩa với việc chúng ta đóng góp vào việc hoàn thành ơn gọi của anh chị em và liên đới với nhau để hoàn thành chương trình chung của Thiên Chúa, như các chi thể trong một thân thể vậy.
Trong thực tế cuộc sống, đáng buồn thay, nhiều khi chúng ta không nhận ra điều đó, không biết vui với phận mình, không biết tìm hiểu khả năng, hoàn cảnh của mình để sống đúng ý Chúa. Từ đó đã xảy ra biết bao nhiêu ghen tỵ, bè phái, tranh chấp, tranh giành ảnh hưởng rộng hẹp, địa vị thấp cao trong sinh hoạt thường ngày, trong đời sống làm ăn kinh tế và ngay cả trong đời sống tận hiến, công cuộc tông đổ của Giáo hội nữa, để rồi thiếu tinh thần tông đồ ngay trong việc tông đồ, thiếu bác ai với nhau ngay trong việc bác ái ! Thay vì nâng đỡ bổ túc cho nhau thì lại gây ra bao gương mù gương xấu phản lại với tinh thần của Chúa Kitô, và trở thành phản chứng nhân.
Trong kỳ nội chiến, Tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln có một sĩ quan trẻ làm thư ký. Viên sĩ quan này nổi tiếng là gan dạ, do đó công việc bàn giấy xem ra không thích hợp với anh. Anh chỉ mơ ước trở lại mặt trận và nếu cần sẵn sàng chết cho tổ quốc hơn là làm công việc đơn điệu, nhàm chán trên bàn giấy. Một ngày, sau khi nghe anh than phiền, tổng thống Lincoln nhìn thẳng mắt anh và nói: "Hỡi anh bạn trẻ, như tôi nhận thấy thì quả thực anh luôn muốn xả thân chết cho tổ quốc, nhưng có lẽ anh không muốn sống cho tổ quốc
Ở mỗi xã hội, mỗi thời đại, Chúa Giêsu cần có những người chứng khác nhau. Ngài cần đôi tay, bàn chân, môi miệng, trái tim chúng ta để tiếp tục hiện diện và hành động. Có người làm chứng bằng máu, có người bằng cuộc sống từ bỏ quên mình, có người bằng những nghĩa cử hy sinh phục vụ, có người bằng cuộc sống trong âm thầm đau khổ.
Chúa cần chúng ta, nhưng những việc làm của chúng ta chi có giá trị khi được thực hiện với tình yêu. Chúa Giêsu đang cần một chút đóng góp của chúng ta để sức nóng và ánh sáng Ngài được đạt tới mọi người. Trong mọi sự, xin cho ý hướng chúng ta đều qui về vinh danh Chúa
Trong năm Thánh này, Nguyện xin Thánh Thần Thiên Chúa là nguyên lý của sự hiệp nhất trong sự đa dạng phong phú, ban cho Giáo Hội Viêt nam ơn hiệp nhất và bình an. Xin cho chúng con biết rõ ơn gọi trách nhiệm của mình, để chúng con hăng say dấn thân phục vụ, đồng thời cũng biết hợp tác và chia sẻ với anh chị em, để công cuộc loan báo Tin Mừng của Hội Thánh được lan rộng muôn nơi. Amen
Dom. Trần Công Hiển
SUY NIỆM 8: CẢM NGHIỆM VÀ LÀM CHỨNG
Trên các trang báo điện tử thời gian gần đây  đăng tin:
Một nữ tu “cháy hết mình” trên sân khấu The Voice của Ý.
Nữ tu đó chính là Cristina Scuccia, 25 tuổi, thành viên của Dòng các chị em Ursuline Thánh Gia. Chị đã xuất hiện trên sân khấu của chương trình The Voice tại Ý. Khi sơ xuất hiện, các giám khảo và mọi người thật sự ngỡ ngàng khi thấy trang phục của thí sinh đặc biệt này.
Khi các giám khảo quay lại nhìn sơ Cristina, họ đã không tin vào mắt mình khi thấy một nữ tu trẻ đang hát “No One”, bài hát ruột của Alicia Keys.
Sau khi nghe sơ Cristina hát, Carra là một trong 4 vị giám khảo đã hỏi sơ có thật là một nữ tu không và tại sao sơ chọn tham gia cuộc thi này?
“Vâng, tôi đích thực là một nữ tu,” sơ Cristina trả lời.
“Tôi đến đây bởi vì tôi có một món quà và tôi muốn chia sẻ món quà đó. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng”.
Thánh Gioan hôm nay hiện lên trên trang Tin Mừng như một người chứng về tất cả những gì ngài đã viết trong Tin Mừng của mình về Đức Giêsu. Ngài đã trở nên chứng nhân cho tất cả những gì đã viết là bởi vì ngài đã được ở với Đức Giêsu, được nghe lời dạy, và cảm nghiệm được tình yêu đặc biệt mà Thầy đã dành cho mình. Như vậy, muốn hiểu phải yêu, và khi đã yêu thì phải làm chứng và lời chứng của người đó mới thật.
Như vậy, phụng vụ hôm nay muốn mời gọi chúng ta rằng: hãy yêu mến Chúa tha thiết, lắng nghe lời Ngài và hãy trở nên chứng nhân cho Đức Giêsu đến tận cùng trái đất.
Tuy nhiên, không có một mẫu số chung nào cho mọi người, vì thế, mỗi người mỗi cách, miễn sao cho Tin Mừng được loan báo và hợp với tinh thần của Giáo Hội.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết yêu Chúa hết lòng, để từ đó cũng sẵn sàng trở nên những chứng nhân cho Tin Mừng cách sống động trong cuộc sống hiện tại của chúng con. Amen.
Ngọc Biển SSP

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây