SUY NIỆM THỨ BA TUẦN VII THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 20/05/2024 06:30
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN VII THƯỜNG NIÊN
Mc 9,30-37

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.
30 Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết, 31 vì Người đang dạy các môn đệ rằng : “Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người, và ba ngày sau khi bị giết chết, Người sẽ sống lại.” 32 Nhưng các ông không hiểu lời đó, và các ông sợ không dám hỏi lại Người. 33 Sau đó, Đức Giê-su và các môn đệ đến thành Ca-phác-na-um. Khi về tới nhà, Đức Giê-su hỏi các ông : “Dọc đường, anh em đã bàn tán điều gì vậy ?” 34 Các ông làm thinh, vì khi đi đường, các ông đã cãi nhau xem ai là người lớn hơn cả. 35 Rồi Đức Giê-su ngồi xuống, gọi Nhóm Mười Hai lại mà nói : “Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người.” 36 Kế đó, Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói : 37 “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”

SUY NIỆM 1: 

Sứ điệp: Lần thứ hai Chúa loan báo Chúa sẽ chịu khổ nạn và sẽ sống lại. Chúa mời gọi các môn đệ bắt chước Chúa trở nên tôi tớ phục vụ mọi người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa hoàn toàn quên mình để chỉ nghĩ đến con và yêu thương con. Vì yêu thương, Chúa hy sinh tất cả vì con, đến nỗi Chúa tự nguyện đón lấy mọi khổ đau và cả cái chết nữa. “Không có tình yêu nào cao cả cho bằng tình yêu của người hy sinh mạng sống vì người mình yêu”. Con đang được sống trong tình yêu ấy. Con hết lòng cảm tạ Chúa.

Lạy Chúa, dù Chúa là Chúa của con, nhưng Chúa không khư khư ôm lấy địa vị của mình để thống trị con bằng quyền lực. Trái lại, Chúa đã tự nguyện trở nên đầy tớ để phục vụ con. Chúa muốn dùng tình yêu để chinh phục trái tim con.

Cũng như các tông đồ ngày xưa, con không thể hiểu được thái độ của Chúa. Và con lại càng không muốn chấp nhận những Lời Chúa dạy con phải trở nên đầy tớ phục vụ lẫn nhau. Xin Chúa chiếu soi để con hiểu được Lời Chúa. Xin giúp con biết quên mình để nghĩ tới người khác. Xin biến đổi tâm hồn con nên khiêm tốn và ban cho con một trái tim đơn sơ, nhỏ bé. Thái độ “kẻ cả” chỉ muốn thống trị, quyền lực, hưởng thụ, lấy mình làm trung tâm và bắt người khác phục vụ mình. Xin Chúa đừng để con rơi vào thái độ ấy. Xin cho con hiểu rằng chính khi con hiến thân là lúc con được lãnh nhận, chính khi con quên mình là lúc con gặp lại bản thân, chính khi con biết chết đi để sống cho Chúa và anh em là con được sống.

Lạy Chúa, xin cho mọi người trong gia đình con và cộng đoàn giáo xứ con biết sống khiêm tốn và hầu hạ lẫn nhau. Xin cho nhân loại hôm nay biết chấp nhận lối sống mới của Chúa. Amen.

Ghi nhớ: “Con Người sẽ bị nộp. Ai muốn làm lớn nhất, thì hãy tự làm người rốt hết”.

TGM Giuse Nguyễn Năng

SUY NIỆM 2: SUY NIỆM: CHÌA KHÓA NƯỚC TRỜI
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ, bài Tin mừng hôm nay cho biết, trong khi các tông đồ đang mãi băn khoăn và say sưa bàn tán với nhau là không biết sau này ai sẽ được làm ông này bà nọ trong Nước Trời, thì Chúa Giêsu đã mạc khải cho các ông 3 điều, mà xem ra các tông đồ không mấy hứng thú với 3 điều này:
Thứ nhất, con đường mà họ đang đi là con đường thập giá, con đường của khổ đau. Người Do Thái nói chung và cách riêng là các tông đồ lúc ấy rất sợ thập giá, vì đối với họ, đó là một hình phạt ô nhục nhất.
Thứ hai, ai muốn làm lớn thì phải làm người phục vụ mọi người. Bao nhiêu năm tháng chịu đô hộ của đế quốc Rô-ma khổ quá nhiều, các tông đồ chỉ muốn đổi đời. Hai chữ “phục vụ” quả là một điều ngán ngẫm đối với các ông.
Và thứ ba, Chúa Giêsu mời gọi các tông đồ tiếp đón, yêu thương và cưu mang những người thấp cổ bé họng trong xã hội. Lúc ấy các tông đồ lo cho bản thân và gia đình mình còn chưa nỗi thì lấy đâu ra mà giúp đỡ người khác.
Thưa cộng đoàn, thập giá, phục vụ và yêu thương tha nhân là sứ mạng của Chúa Giêsu, và cũng là sứ điệp mà Chúa muốn gởi đến chúng ta hôm nay.
Nếu ai đó nghĩ rằng, con đường mà chúng ta theo Chúa là con đường có nắng xuân trải lụa vàng, có tiếng chim hót rộn ràng; là con đường không có khổ đau và thử thách, thì hãy coi chừng, có ngày chúng ta sẽ vỡ mộng; bởi con đường mà Chúa muốn người ki-tô hữu bước đi là con đường hẹp, con đường thập giá, đường hy sinh, đường có cả những gian nan vất vả. Chính những điều đó sẽ thanh luyện và vun đắp đức tin, ý chí và lòng trông cậy của mỗi chúng ta. Và đừng ai quên rằng, con đường ấy luôn có Chúa đồng hành và là con đường ngắn nhất để dẫn đến vinh quang.
Vậy tại sao Chúa lại muốn chúng ta đi trên con đường thập giá ấy? Bởi khi bước đi và và đối diện với thập giá của cuộc đời, chúng ta mới nhận ra mình bé nhỏ và yếu đuối. Chính điều ấy sẽ giúp mỗi người khiêm tốn hơn trước mặt Chúa và anh chị em mình. Và chỉ khi bước đi trên con đường thập giá, chúng ta mới có thể gặp thấy những người nghèo khổ bất hạnh, những người bị xã hội loại trừ, những người đang rất cần đến sự trợ giúp của chúng ta, và chúng ta mới có thể đồng cảm với họ.
Hưởng thụ, kiêu ngạo và vô cảm vốn là 3 căn bệnh và cũng là 3 cơn cám dỗ của các tông đồ năm xưa, cũng như của chúng ta hôm nay. Chính vì thế mà Chúa muốn chúng ta đi trên con đường thập giá để biết hy sinh, để biết khiêm tốn, để biết yêu thương. Và đó cũng là 3 mật mã để mở cánh của thiên đàng.
Ước gì mỗi người luôn can đảm bước đi theo Chúa và đi đến trọn con đường. Amen.
Lm Antôn

 SUY NIỆM 3: ĐI THEO CHÚA LÀ CHẤP NHẬN LỘI NGƯỢC DÒNG.
Bài Tin Mừng hôm nay đặt trong bối cảnh trước đó Đức Giê-su biến hình trên núi trước mặt ba môn đệ thân tín và việc Chúa Giê-su chữa lành cho một người bị quỷ câm ám. Sau đó, trên đường qua miền Ga-li-lê, Chúa Giê-su loan báo lần thứ hai về cuộc thương Khó và Phục Sinh của Người nhưng các môn đệ không hiểu.
Thái độ của các môn đệ có lẽ không làm chúng ta ngạc nhiên vì các ông vừa được chiêm ngắm vinh quang rực rỡ của Chúa, vừa được chứng kiến quyền năng của Người trên ma quỷ, lòng các ông đang hy vọng sẽ được hưởng lợi lộc gì đó nhờ uy quyền của Chúa Giê-su. Các ông không những không hiểu, không muốn hiểu nhưng còn tranh cãi nhau về việc ai là người lớn hơn cả. Chúa Giê-su một lần nữa dạy các ông làm điều ngược lại: hãy nên như trẻ nhỏ và hãy là người phục vụ.
Đường lối của Thiên Chúa luôn khác với đường lối của con người. Câu trả lời của Chúa Giê-su có lẽ cũng sẽ làm cho chính chúng ta thất vọng, vì ai trong chúng ta cũng muốn là người chỉ đạo, muốn có chức tước, muốn có người bên dưới để sai bảo, nhưng Chúa Giê-su thì muốn chúng ta đi theo Chúa trong thái độ phục vụ nhất là với những người bé nhỏ, thấp hèn. Phục vụ không chỉ vì bổn phận, trách nhiệm nhưng là với tất cả tình yêu thương.
Lạy Chúa, xin giúp con biết lắng nghe và nhận ra thánh ý Chúa. Xin giúp con tránh xa khỏi những ước muốn phù vân đời này nhưng luôn biết khao khát và tìm kiếm sự “giàu có” từ nơi Chúa.
Lm Phaolo Đào Văn Trường.
SUY NIỆM 4:
Tin mừng hôm nay, thánh Mác-cô thuật lại, sau khi Chúa loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó của Ngài, nhưng các môn đệ không đoái hoài tới lời loan báo ấy mà các ông lại tranh luận với nhau xem ai là người lớn nhất trong Nước Trời.
Thật đáng buồn và đáng xấu hổ. Các ông theo Chúa nhưng vẫn mang nặng óc trần tục, nên đã tranh dành ngôi thứ để được hầu hạ, để được hưởng thụ và để thống trị.
Ngay khi ấy, Chúa liền gọi các ông lại và nói: “Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người”. Kế đó, Chúa đặt một em nhỏ giữa các ông và nói: “Ai tiếp đón em nhỏ này là tiếp đón Thầy, ai tiếp đón Thầy là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”.
Qua đó, chúng ta nhận thấy Chúa muốn dạy các ông rằng: người làm lớn phải là người phục vụ, người lãnh đạo phải là người hầu hạ anh em. Chính Chúa đã nêu gương khiêm nhường trong vai trò của người lãnh đạo là phục vụ người khác, khi Ngài nói: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người”.
Chức vụ quyền hành hay người làm lớn, thực chất chỉ là người được cắt đặt, phân công công việc để phục vụ cho lợi ích chung chứ không phải để hưởng thụ hay được phục vụ. Chúa Giêsu với vai trò người lãnh đạo, Ngài đã nêu cao tinh thần phục vụ qua việc quỳ xuống rửa chân cho các tông đồ. Đó chính là bài học khiêm nhường thẳm sâu của người lãnh đạo.
Mỗi người chúng ta cũng đã được Chúa trao cho vai trò lãnh đạo gia đình hay hội đoàn. Xin Chúa giúp chúng ta hãy chu toàn bổn phận của người lãnh đạo. Hãy nêu cao tinh thần phục vụ vì Chúa để đem lại lợi ích cho tha nhân. Hãy lấy tinh thần quảng đại để yêu thương phục vụ vô vị lợi. Đừng đợi con cái hay người khác đáp trả qua tinh thần phục vụ. Như thế, ta mới thực sự trở nên mẫu người lãnh đạo mà Chúa và Giáo hội mong muốn. Amen.
Lm Phêrô Mai Viết Thắng
SUY NIỆM 5: GẶP CHÚA GIÊ-SU NƠI NHỮNG NGƯỜI BÉ MỌN
Vào thời Chúa Giê-su, trẻ em thường không có vị trí và tiếng nói trong đời sống tôn giáo và xã hội. Đôi khi cha mẹ có thể hủy bỏ trách nhiệm pháp lý đối với một đứa trẻ và chúng có thể sẽ bị bỏ lại tại bãi rác địa phương, một khu vực “bỏ rơi an toàn”. Chế độ nô lệ là một phần của cuộc sống cổ đại. Trong trường hợp nô lệ để trả nợ, một đứa trẻ có thể phục vụ trong một hộ gia đình khác để trả nợ cho gia đình và sau đó trở về với gia đình của chính chúng.
Thật lạ là trong một bối cảnh xã hội như thế, Chúa Giê-su lại “đem một em bé lại đặt giữa các tông đồ, rồi ôm nó mà nói với các ông” (Mc 9,35). Hành động này của Chúa Giê-su cho thấy ngài có một thái độ hoàn toàn khác với trẻ em. Ngài quý trọng và quan tâm đến chúng trong khi xã hội không cho chúng điều đó. Hơn nữa, ngài còn đồng hóa bản thân của ngài với các em nhỏ này khi nói: “Ai đón nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy, tức là đón tiếp chính mình thầy” (Mc 8.36).
Khi chọn một đứa trẻ để ôm ấp và giáo huấn các môn đệ, Chúa Giê-su cũng ám chỉ tới tất cả những người yếu thế và bị bỏ rơi khác trong xã hội. Những người nghèo khổ, đói khát và bị bỏ rơi cũng là những người không được xã hội thừa nhận và tôn trọng. Họ cũng ở trong tình trạng thấp kém như các trẻ em thời Chúa Giê-su. Thế nhưng họ không hề nhỏ bé và thấp kém trong mắt Thiên Chúa. Thế nên, bất cứ khi nào chúng ta đón tiếp những người bé nhỏ, khó nghèo, bị bỏ rơi, bị bách hại… này là chúng ta cũng đang đón tiếp chính Chúa Giê-su và xa hơn là chính Thiên Chúa.
Là người Ki-tô hữu, chúng ta khao khát gặp Chúa. Chúng ta ước ao kết hợp với Chúa. Chúng ta mong muốn được ở trong Chúa. Tin mừng hôm nay quả là một tin vui cho chúng bởi Chúa Giê-su cung cấp cho chúng ta một con đường khác để gặp ngài. Ngoài việc tham dự Thánh Lễ, đọc Kinh thánh, làm các việc đạo đức, chúng ta cũng có thể gặp Chúa nơi những người nghèo khổ, đói khát, và bị bỏ rơi ở ngay bên cạnh chúng ta. Ước mong chúng ta sẽ không bao giờ bỏ lỡ thời cơ để gặp Chúa qua những anh chị em đáng thương này của chúng ta. Amen
Lm. Phê-rô Trần Quang Diệu
SUY NIỆM 6:
Từ ngày theo Chúa Giêsu, các môn đệ luôn mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để các ông được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ông tranh luận ai sẽ được Thầy Giêsu cho làm quan to nhất trong Nước Ngài. Các môn đệ thực sự chưa hiểu được mầu nhiệm Nước Trời mà Chúa Giêsu sẽ thiết lập không phải chuyện chức này tước nọ như nước trần thế, mà là Vương Quốc của những tâm hồn đơn sơ, khiêm tốn và hi sinh phục vụ:
 
1. Nước Trời dành cho những tâm hồn bé mọn.
"Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”.
- Hình ảnh nên như trẻ nhỏ, nghĩa là phải biết sống tự hạ khiêm tốn, vì ai biết hạ mình xuống sẽ được tôn lên, còn ai kiêu ngạo thì tự đánh mất chính mình trong mắt mọi người.
- Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên tính đơn sơ chân thực, trẻ nhỏ không tính toán ki bo hay những toan tính nham hiểm. Chúa cũng muốn mọi người chúng ta sống chân thành và ngay thẳng, không toan tính mưu lợi thấp hèn…
- Hình ảnh trẻ nhỏ còn nói lên tinh thần sống phó thác và tin tưởng nơi cha mẹ. Chúa mời gọi chúng ta biết sống đơn sơ phó thác nơi tay Chúa quan phòng.
- Hình ảnh trẻ nhỏ nói lên sự trong sạch. Trẻ nhỏ như tờ giấy trắng, không có những đam mê xấu. Chúa cũng muốn chúng ta sống trong sạch trước mặt Người.
Khi nói kẻ lớn nhất trong Nước Trời phải trở nên như trẻ nhỏ nơi nước trần thế, không có nghĩa là bây giờ làm Giáo Hoàng rồi sau này trở thành kẻ rốt hết, nhưng Chúa nhắm đến một tinh thần khiêm tốn và phục vụ, sự phục vụ đó tuỳ theo bậc sống của chúng ta nơi thế gian này.
 
2. Tinh thần tự hạ
"Ai muốn làm người đứng đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người."
- Cám dỗ lớn nhất của con người, đó là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền… 
- Các môn đệ Chúa Giêsu trước Phục Sinh cũng thế, các ngài mang trong mình tư tưởng quyền lực, mong đến ngày Thầy Giêsu lên ngôi để được chia sẻ tước này chức nọ. Vì thế các ngài hỏi khéoThầy Giêsu xem ai được làm quan to nhất trong Nước Ngài. 
- Chúa Giêsu không trả lời ai to ai nhỏ trong Nước Trời, mà chỉ đưa ra một “mẫu người” sẽ trở thành lớn nhất trong Nước Trời đó là nên như trẻ nhỏ, và Ngài nhấn mạnh rằng: “Ai muốn làm lớn thì phải có tự hạ nên như trẻ nhỏ”.
Noi gương Chúa Giêsu đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng phục vụ và hi sinh vì con người, chúng ta cũng thế, hãy sống tinh thần khiêm tốn và phục vụ anh chị em trong phận vụ riêng Chúa ban cho từng người.
 
Lạy Chúa Chúa Giêsu, xin ban cho mọi người chúng con có tinh thần đơn sơ và tấm lòng trong trắng như trẻ thơ, để chúng con đến với mọi người bằng tinh thần khiêm nhu và hăng say phục vụ vô vị lợi. Để trong mọi sự Chúa được vinh danh nơi mọi người. Amen. 
Hiền Lâm

SUY NIỆM 7:
Khi ấy, Đức Giê-su và các môn đệ đi băng qua miền Ga-li-lê. Nhưng Đức Giê-su không muốn cho ai biết,
•      Đoạn tin mừng nằm trong bối cảnh Đức Giêsu tuyên báo cuộc thương khó lần thứ 2 của Ngài. Đức Giêsu đi băng qua miền Ga-li-lê. Chúng ta để ý chữ “băng qua” cho thấy Đức Giêsu không muốn dính bén gì tới những chuyện đã xảy ra. Ngài đang dẫn các môn đệ đi theo mình và Ngài không muốn họ bị dính bén.
•      Đức Giêsu vừa mới thành công trong việc chữa trị một bé trai bị quỉ làm cho câm. Ai cũng biết và chắc một điều các môn đệ cũng hãnh diện về Thầy mình. Ngài mời gọi các môn đệ “băng qua” những điều đó cách âm thầm không cho người khác biết. Điều quan trọng không phải băng qua để nghỉ ngơi nhưng là để đón nhận sứ mạng sắp xảy đến với cuộc đời của mình.
•      Không dễ để băng qua khi tôi đạt được những thành công. Sự thường chúng ta sẽ ở lại để ngắm nhìn những gì chúng ta mới làm được hay chí ít nghe thử có ai nói gì về điều đó không.
Tôi học được gì từ sự “băng qua” của Đức Giêsu? Việc “băng qua” đó giúp tôi đón nhận sứ mạng tiếp theo với thái độ nào?
Lạy Chúa, xin giúp con dám buông bỏ để có sức thi hành ý Chúa.
Br. Vincent SJ

SUY NIỆM 8: NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU LÀ NGƯỜI PHỤC VỤ.
Các môn đệ vẫn chưa hiểu được sứ mạng của Chúa Giêsu đến thế gian nên vẫn mong chờ và tìm kiếm nơi Ngài quyền lực theo kiểu thế gian. Trong suy nghĩ của các ông, người lãnh đạo là người có quyền lực trên người khác. Điều này đúng theo kiểu thế gian, nhưng không đúng trong suy nghĩ của Thiên Chúa. Đối với Chúa Giêsu, người lãnh đạo trong cộng đoàn là người phục vụ mọi người và luôn coi mình là người nhỏ nhất trong cộng đoàn. Chúa Giêsu giải thích để đánh tan suy nghĩ của các môn đệ theo Chúa vì tìm kiếm danh vọng và quyền lực. Vì chưng, nếu người môn đệ chỉ theo Chúa vì danh vọng sẽ không phục vụ mọi người mà chỉ thu tóm mọi sự về mình.
Chúng ta thường dễ bị danh vọng lôi kéo, nên khi xuất hiện ở đâu cũng muốn mọi người biết đến và nể trọng. Nếu chúng ta nuôi dưỡng tham vọng trong lòng thì cả cuộc đời chỉ đi tìm và nô lệ cho danh vọng. Trong thực tế, danh vọng chỉ đem lại cho chúng ta vinh quang nhất thời, còn sau đó đem lại biết bao nhiêu hệ lụy do lối sống lạm quyền đem lại. Chúng ta cần ghi nhớ Thiên Chúa không trao quyền cho bất cứ ai, nhưng Ngài chỉ trao nhiệm vụ và bổn phận để phục vụ mọi người. Vì thế, nếu ai nghĩ rằng mình đang có quyền trên người khác do chức vụ lãnh nhận là một sự sai lầm. Chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa do những việc làm sai trái từ việc sử dụng quyền bính theo ý mình mà không theo ý Chúa.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con một tinh thần khiêm nhường để những tham vọng quyền lực không làm chủ được cuộc đời chúng con. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây