SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU – LỄ KÍNH

Thứ hai - 30/09/2024 01:51
SUY NIỆM THỨ BA TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN
THÁNH TÊRÊSA HÀI ĐỒNG GIÊSU – LỄ KÍNH
Mt 18, 1-5

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mat- thêu

Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giêsu rằng: “Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” 2 Đức Giêsu liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa các ông và bảo: “Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
4 “Vậy ai tự hạ, coi mình như em nhỏ này, người ấy sẽ là người lớn nhất Nước Trời. 5 “Còn ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy.

SUY NIỆM 1:
“Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại và trở nên như trẻ thơ, anh em sẽ chẳng bao giờ được vào Nước Trời” (c. 3).
Đây là một câu nói long trọng của Đức Giêsu.
Như thế điều kiện để được vào Nước Trời là phải quay trở lại,
và trở nên như trẻ thơ, sống theo tinh thần của trẻ thơ.
Trở nên như trẻ thơ không phải là trở nên ấu trĩ, ngây ngô, khờ khạo, nhưng là khiêm hạ, tin cậy, phó thác cho Thiên Chúa.
Vì thế thiên đàng có chỗ cho người lớn, người trưởng thành,
những người đã sống tinh thần của trẻ thơ.
Để trở lại và trở thành như trẻ thơ, cần nhiều hy sinh từ bỏ.
|Đức Giêsu đã trả lời câu hỏi của các môn đệ:
“Ai là người lớn nhất trong Nước Trời ?” (c. 1).
Người lớn nhất chính là người đã hạ mình xuống
như em nhỏ đang đứng ở giữa các ông (c. 2).

Đoạn Tin Mừng này đã gợi cho Chị Têrêsa bí quyết nên thánh,
mà Chị gọi là con đường thơ ấu thiêng liêng.
Chỉ cần sống như trẻ thơ là có hy vọng được nhận vào Nước Trời.
Têrêsa đã kiên trì đi con đường này suốt cuộc đời ngắn ngủi của Chị.
Và Chị đã nên thánh, đã thu hút bao người đi con đường này.
Con đường này thật ra cũng chẳng phải là đường của Chị
cho bằng là con đường của bài Tin Mừng hôm nay.

Chị Têrêsa đã muốn sống cái đơn sơ, nhỏ bé của trẻ thơ.
“Tôi muốn tìm thấy một cái thang để lên tới Đức Giêsu,
Vì tôi quá nhỏ bé không lên nổi các bậc trọn lành.
Lạy Chúa Giêsu, thang chính là cánh tay Ngài.
Con không cần phải lớn lên, ngược lại con phải nhỏ mãi.”
Têrêsa không nên thánh bằng những việc hãm mình kinh khủng,
nhưng bằng những hy sinh nho nhỏ, những từ bỏ ý riêng.
“Ai không có gan đóng đanh mình bằng những chiếc đanh lớn…
thì phải chịu tử đạo bằng những chiếc ghim nhỏ.”
Chị tin vào sức mạnh của những việc nhỏ bé được làm vì yêu.
“Nhặt một cái kim ở dưới đất vì yêu mến,
cũng có thể cải hóa một linh hồn.”
Mối quan tâm duy nhất của Chị là làm vui lòng Chúa trong mọi sự.
“Tôi vui sướng chịu đựng gian khổ,
ngay cả chỉ để làm Chúa mỉm cười lấy một lần.”
Têrêsa phó thác cho Chúa trong giây phút hiện tại.
“Nghĩ tới dĩ vãng và bận tâm về tương lai dễ làm nản chí và thất vọng.
Tôi chịu đựng từng giây phút một.
Chúa trao cho tôi từng lúc điều tôi có thể chịu đựng, và chỉ thế thôi.”

Têrêsa nói với chúng ta về cách cầu nguyện của Chị.
“Tôi làm như mấy đứa bé chưa biết đọc.
Tôi nói với Chúa cách đơn sơ điều tôi muốn nói với Người,
và Người luôn nghe tôi.”
Tuy sống tinh thần trẻ thơ, nhưng Têrêsa lại mang nhiều ước mơ lớn.
Chị mong được đi truyền giáo khắp nơi, được vào Dòng Kín ở Hà Nội.
“Nếu tôi là linh mục, tôi sẽ học cho giỏi tiếng Híp-ri và tiếng Hy-lạp,
để hiểu tư tưởng của Thiên Chúa, được diễn tả bằng ngôn ngữ loài người.”

Chắc chắn Têrêsa chẳng bao giờ là linh mục, và cũng chẳng đi Hà Nội.
Nhưng lòng ao ước khiến Chị đã thực hiện những điều lớn lao.
Đức Gioan Phaolô đệ nhị đã tôn Chị làm Tiến Sĩ Giáo Hội,
dù Chị chưa học xong trung học, và qua đời khi mới hai mươi bốn tuổi.
Têrêsa Hài Đồng Giêsu là một vị thánh được yêu thích,
đơn giản chỉ vì Chị đã trở lại và trở thành như trẻ thơ.

Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Tình Yêu của con,
nếu Hội Thánh được ví như một thân thể
gồm nhiều chi thể khác nhau,
thì hẳn Hội Thánh không thể thiếu
một chi thể cần thiết nhất và cao quý nhất.
Đó là Trái Tim, một Trái Tim bừng cháy tình yêu.
Chính tình yêu làm cho Hội Thánh hoạt động.
Nếu trái tim Hội Thánh vắng bóng tình yêu,
thì các tông đồ sẽ ngừng rao giảng,
các vị tử đạo sẽ chẳng chịu đổ máu mình…

Lạy Chúa Giêsu,
cuối cùng con đã tìm thấy ơn gọi của con,
ơn gọi của con chính là tình yêu.
Con đã tìm thấy
chỗ đứng của con trong Hội Thánh:
nơi Trái tim Hội Thánh, con sẽ là tình yêu,
và như thế con sẽ là tất cả,
vì tình yêu bao trùm mọi ơn gọi trong Hội Thánh.

Lạy Chúa, với chỗ đứng Chúa ban cho con,
mọi ước mơ của con được thực hiện.

(dựa theo lời của thánh Têrêxa)
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

SUY NIỆM 2: CON ĐƯỜNG NHỎ BÉ

Xã hội văn minh, con người loại bỏ đi những con đường nhỏ bé, chật hẹp, để thay vào đó là những “cao tốc, siêu tốc”, vì đó là nhu cầu cho việc lưu thông. Cũng do suy nghĩ người khôn của khó, người ta không ngần ngại dành hết thời gian cho con đường làm ăn, “vừa có tiếng vừa có miếng” : là giỏi, là chăm chỉ. Thực ra, con đường bằng phẳng, con đường thông thoáng, hay con đường dẫn tới thành công không phải là con đường có sẵn, hoặc do trí tưởng tượng, mà ai cũng phải bước những bước căn bản: đầu tư nhiều, thành quả lớn.
Ngoài con đường tự nhiên, người môn đệ Đức Kitô còn đi con đường thiêng liêng, con đường dẫn tới đức ai vẹn toàn, con đường trọn lành, cũng gọi là con đường nên thánh. Sống trong kết hiệp cầu nguyện, người thiếu nữ 15 tuổi mang tên Têrêsa được vào tu viện để dâng hiến đời mình cho người mình yêu, bắt đầu đi con đường Giêsu. Từ bỏ con đường thế gian, ở trong tu viện 9 năm, hành trình dâng hiến không dài, Têrêsa đã phát hiện ra con đường nhỏ bé đơn sơ, ngài đi trọn vẹn với một sức sống tràn trề : con đường tình yêu.
Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp cho thắc mắc của các học trò ai là người lớn nhất trong Nước Trời, nhưng Chúa đã đặt một em nhỏ, ôm chúng vào lòng, ngụ ý nhắc các môn đệ hãy trở nên như em bé, hãy đón nhận chúng, chỉ bấy nhiêu là đủ. Têrêsa đã để lại cho Hội dòng, cho hậu thế hiểu giá trị của tình yêu hệ tại lòng mến, là tự trở nên nhỏ bé theo tinh thần của Tin mừng. Bài ca, bài hát mà các khán thính giả công nhận là hay, đòi hỏi người nghệ sĩ phải diễn tả thật có hồn… Têrêsa với con đường thơ ấu thiêng liêng, Thánh nữ không chỉ đặt tâm tình của mình vào hồn nhạc, Thánh nữ thật tài tình đặt vào nhật ký của mình : “con đã cố gắng mỉm cười khi đau khổ, để Chúa nhân lành như “bị bừa” bởi dáng vẻ bề ngoài của con….”.
Người ta ai cũng giống nhau trong lời nói, duy chỉ có khác nhau trong việc làm mà thôi. Con đường nhỏ bé, việc làm nhỏ bé, nhưng kết quả sẽ không nhỏ bé, khi người ta có một tình yêu mạnh mẽ. Với “chí cao đức dày”, thay thế cho câu nói quen quen “tuổi trẻ tài cao”, qua đời sau 18 năm, Têrêsa được phong thánh, Giáo hội trần thế đều biết “Thánh Nữ của tình yêu” là Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Biết đến Têrêsa ở trong 4 bức tường tu viện, vẫn có thể biểu lộ cho mọi người hiểu thế nào là con đường nên thánh.
Đức Giêsu xưa kia nói rằng : “ai không trở nên như trẻ nhỏ, sẽ không được vào Nước Thiên Chúa”. Thiết nghĩ thân xác lớn, hiểu biết nhiều, cái tôi to,…..trở nên nhỏ bé, đi con đường thơ ấu như Têrêsa không dễ tí nào ! Đúng là không phải cứ cái gì vĩ đại đều to, đều hoành tráng, cũng không phải cứ người nào tài sản của cải nhiều là do họ giỏi, họ tài. Chỉ một phương thế : chân thành yêu thương, đơn sơ khiêm tốn, Têrêsa đã chiếm trọn vẹn tình yêu Chúa, thuyết phục được người đương thời, con đường nhỏ bé chính là con đường mang tên Hài nhi Giêsu. Hãy đi con đường nhỏ bé. Amen.
Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc.
SUY NIỆM 3: MỘT CON NGƯỜI ĐƠN SƠ – MỘT TÂM HỒN TRẺ THƠ
Nếu có dịp về vùng miền quê, chúng ta dễ phát hiện ra những nụ cười ngây thơ và trong sáng trên khuôn mặt của các em thiếu nhi nơi đây. Những hình ảnh đáng yêu, hồn nhiên của các em thiếu nhi tại một vùng quê thanh bình đã phần nào mô tả được cuộc sống thường ngày của các em tại nơi này. Với khói bụi, với cánh đồng lúa, với khuôn mặt thân thương và trong sáng đem đến sự đáng yêu, tinh nghịch, ngộ nghĩnh trên từng khuôn mặt. Cuộc sống của con người không thể thiếu đi những nụ cười của trẻ nhỏ, những nụ cười mang đến cho chúng ta sự vui vẻ và thân thiện. Tuổi thơ không nuôi dưỡng chiến tranh nhưng luôn gầy dựng hoà bình. Tuổi thơ không ghen ghét, kèn cựa lẫn nhau nhưng đoàn kết, hợp tác thân thương. Thế nên, tuổi thơ thật đáng yêu, đáng trân trọng. Và những ai có tâm hồn tuổi thơ cũng đáng được ca ngợi, mến yêu.
Chúa Giê-su Ngài cũng yêu thích tâm hồn tuổi thơ. Ngài cũng cần các môn đệ Ngài phải có tấm lòng đơn sơ như trẻ nhỏ. Một tấm lòng đơn sơ để Chúa làm mọi việc nơi mình. Một tấm lòng đơn sơ để có thể cúi xuống làm mọi việc vì lòng yêu mến tha nhân.
Tâm hồn đơn sơ ấy đã được một người sống và thể hiện thành công trong suốt cuộc đời mình chính là thánh nữ Tê-rê-sa hài đồng Giê-su. Nơi ngài chúng ta thấy một con người đơn sơ. Một tâm hồn trẻ thơ. Một cuộc đời ẩn tu và chỉ sống vỏn vẹn 24 năm dương gian nhưng đã làm cho cả thế giới kính phục.
Dù rằng trong ngày an táng của ngài vào ngày 1. 10. 1897, tại một tỉnh lẻ ở Pháp một đám tang chỉ vỏn vẹn mười người,  đi đầu là Thánh Giá, tiếp theo là Linh Mục linh hướng, rồi linh cữu người quá cố trên một chiếc xe đẩy, đi sau linh cữu là mấy nữ tu và vài ba thân nhân. Thế nhưng, trước giờ chết, chị đã nói như tạm biệt cộng đoàn: “Tôi không chết, tôi bước vào cõi sống”.  Và như một vị tiên tri, chị nói với mẹ Bề Trên :” A ! Con biết lắm, rồi cả thế giới sẽ yêu thương con”.  Liền sau cuộc mai táng tại nghĩa trang của thị trấn, có một trận mưa hoa hồng ngay trên mộ của nữ tu trẻ tuổi này, vì chị đã hứa:”Tôi về trời, là để làm điều tốt cho thế gian”.
Từ đấy, cả thế giới đã nói về chị Têrêsa. Cuộc bùng nổ những sách báo viết về chị. Chị được tôn vinh hiển thánh năm 1925, và được đặt làm bổn mạng các xứ truyền gíao toàn cầu. Năm 1997 Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II đã tôn phong Ngài lên Tiến sĩ Hội Thánh.

Tiểu sử của Ngài thật ngắn gọn. Nhưng nói về tâm hồn của ngài là một kho tàng vô giá. Têrêsa sinh năm 1873. Vào dòng kín lúc 15 tuổi. Chết lúc 24 tuổi và được phong thánh vào năm 1925. chúng ta nhận thấy chị là một nữ tu tiến rất mau trên con đường thánh thiện. Chỉ tu có chín năm, thế mà hai mươi tám năm sau khi qua đời đã được phong thánh.Có lẽ chúng ta sẽ ngạc và tự hỏi :
– Chị sống thế nào mà nên thánh mau lẹ như vậy ?
Chắc hẳn chị sẽ trả lời cho chúng ta rằng :

– Chị chỉ làm những việc nhỏ bé tầm thường và kín đáo. Tầm thường nhưng với một trái tim phi thường còn hơn là việc phi thường mà với một trái tim tầm thường, lố bịch.
Có thể nói cuộc đời của Têrêsa được gồm tóm trong một chữ yêu. Thánh nữ muốn sống cho tình yêu và chết cho tình yêu để được yêu Chúa luôn mãi bằng một tình yêu muôn thuở, không bao giờ tàn phai.
Với tình yêu chân thành, Tê-rê-sa đã sống và hành động vì tình yêu. Dù chỉ là công việc tầm thường như :giặt quần áo cho các chị em trong dòng, quét cầu thang, dọn phòng ngủ, làm vườn. . . Tê-rê-sa đã làm vì lòng yêu mến Chúa. Tê-rê-sa đã biến những công việc tầm thường ấy trở thành những việc phi thường khi phủ vào ấy một tình yêu nồng nàn dành cho Thầy chí thánh Giê-su đến mức độ ngài nói: ‘dù cúi xuống nhặt một cây kim, chị cũng làm vì lòng yêu mến Chúa và cứu rỗi các linh hồn.

Bên cạnh đó, Têrêsa đã làm tất cả những việc đó trong tinh thần của một trẻ thơ: “Con ước ao trở nên vô danh tiểu tốt trước vạn vật . Con không mơ ước danh vọng của loài người . Tê-rê-sa đã sống một cuộc đời đơn sơ như trẻ thơ. Không toan  tính. Không vị lợi. Nhưng luôn khiêm tốn, nhỏ bé để dễ dàng phục vụ tận tuỵ nhiệt thành vì Chúa và vì tha nhân.
Sự nhỏ bé ấy còn được biểu lộ qua thái độ yêu thương giúp  đỡ các chị em bằng cách chịu đựng những bực bội do họ gây nên. Có lần khi phải chăm sóc một masour già khó nết, chị vẫn luôn tươi cười với lời gắt gỏng của Masour già, bằng ánh mắt cảm thông với những sai lỗi của các chị em khác. Chị đã cho đi bằng những việc làm cụ thể. 

Con đường nên thánh của tê-rê-sa thật bình thường. Bình thường từ cách sống của mình chan hoà tình yêu. Bình thường bằng cách sống đơn sơ như trẻ nhỏ để gìn giữ hoà khí với mọi người. Chị đã sống đơn sơ và được Chúa chúc phúc như lời Ngài đã phán :
– Nếu không trở nên như trẻ nhỏ, các con sẽ chẳng được vào nước trời đâu.
Ước gì cuộc đời chúng ta luôn đơn sơ như trẻ thơ để dễ gần gũi và đáng yêu trước mặt mọi người. Ước gì chúng ta luôn làm mọi việc vì lòng yêu Chúa và cứu rỗi các linh hồn để dù việc ta làm nhỏ nhặt nhưng sẽ là những việc phi thương mang lại mùa xuân cứu độ cho an hem. Amen

Lm. Jos Tạ duy Tuyền
SUY NIỆM 4: ĐƯỜNG THƠ ẤU THIÊNG LIÊNG
Sống ở trần gian chỉ có 24 tuổi đời, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã để lại cho trần gian một con đường nên thánh xem ra đơn sơ, giản dị, nhưng cũng là một linh đạo tuyệt vời:” con đường thơ ấu thiêng liêng”.
Trong số những vị tiến sĩ Hội Thánh, thánh Têrêsa Giêsu Hài Ðồng và Thánh Nhân, là vị trẻ nhất, nhưng con đường thiêng liêng cho thấy là thật trưởng thành, và những trực giác đức tin được diển tả trong các tác phẩm của thánh nữ, là thật bao la rộng rải và sâu xa, đến độ làm cho thánh nữ có được chổ đứng của mình giữa những bậc thầy thiêng liêng vĩ đại.
Têrêsa chỉ là một nữ tu hèn mọn quanh năm suốt tháng đóng khung trong bốn bức tường nhà tu kín cho đến khi lìa trần ngày 30-9-1897. Vậy mà 28 năm sau, năm 1925, Ngài đã được Ðức Giáo Hoàng Piô XI tôn phong lên bậc Hiển Thánh. Hai năm sau, cũng chính Ðức Piô XI tôn vinh Thánh Nữ làm Quan Thày các Nhà Truyền Giáo và các Xứ Truyền Giáo.
Đường nên thánh của Têrêsa như “chiếc thang máy tình yêu” rộng mở. Ai vào, thang sẽ tự động nâng lên. Vấn đề là ta có thích bước vào hay không? Câu trả lời xin dành riêng cho từng người hôm nay. Còn bây giờ là chứng từ của cô Linsay Youce người đóng vai chính trong một cuốn phim mới về thánh Têrêsa thành Lisieux. Cô đã trở lại đạo sau khi cuốn phim được hoàn thành. Được hỏi: điều gì hấp dẫn nhất nơi Têrêsa? Câu trả lời: Đó là việc nên thánh ngay trong tầm tay của mọi người.
Thánh Nữ Têrêsa Hài Đồng đã khám phá và sống trọn con đường tình yêu, con đường thơ ấu trong Tin Mừng. Chính con đường đó đã dẫn đưa Têrêsa tới đỉnh cao thánh thiện và trở thành “Tiến Sĩ Hội Thánh”, tức là bậc thầy về đàng thiêng liêng. Têrêsa đã ý thức về sự bất toàn và nhỏ bé của mình, nên biết rằng mình không thể nên hoàn thiện với sức riêng. Têrêsa đã tìm thấy trong Tin Mừng chân lý về sự “nhỏ bé”, hoàn toàn tín thác nơi tình yêu Chúa, không cần phải trở nên “cao trọng”, nhưng trở nên bé nhỏ trong vòng tay của Chúa.
Suốt cuộc đời, thánh Têrêsa chịu đựng bệnh làm yếu sức, nhưng dù yếu đuối và đau nhức, chị không bao giờ than phiền. Chị cũng không bao giờ than phiền khi các nữ tu khác bần tiện hoặc khiếm nhã với chị. Có thể điều “phá phách” chị là nhiều lần chị cảm thấy mình quá khô khan, gọi là “bóng tối tâm linh”, khi mà chị cảm thấy chị hoàn toàn không kết hiệp với Thiên Chúa.
Sống trên đời, ai cũng muốn tìm cho mình một chỗ đứng, khẳng định cho mình một vị thế trong xã hội. Đó là chuyện rất thường tình trong xã hội và nó cũng len lỏi vào trong suy nghĩ của các tông đồ. Chính vì vậy, các ông đã đến hỏi Chúa Giêsu: “Thưa Thầy ai là người lớn nhất trong Nước Trời?” Hẳn khi hỏi câu hỏi này không phải các ông muốn mở rộng kiến thức nhưng là hy vọng sẽ có tên của mình trong hàng ngũ những người lớn nhất trong Nước Trời mai sau.
Với thái độ sống trẻ thơ, một tiểu thuyết gia nọ đã đưa ra nhận định: “Khi người lớn chúng ta không còn giữ liên hệ nào với các trẻ nhỏ, thì chúng ta không còn giữ được tính người nữa, mà đã trở thành như những chiếc máy chỉ biết ăn uống và kiếm tiền”. Lòng tin tưởng của trẻ thơ gợi lên cho chúng ta về sự tin tưởng mà Chúa Giêsu đã dạy chúng ta phải có đối với Thiên Chúa Cha, Ðấng ngự trên trời. Thái độ trẻ thơ khâm phục trước vũ trụ và thiên nhiên nhắc nhớ sự khâm phục mà chúng ta cần có đối với vũ trụ do Thiên Chúa Cha chúng ta dựng nên. Thái độ đáp trả của trẻ nhỏ trước tình yêu thương nhắc chúng ta phải đáp trả đối với tình yêu thương của Thiên Chúa.
Trang Tin Mừng hôm nay là một sự khích lệ cho mỗi người hãy can đảm biến đổi con người “già nua, chai sạn” để tâm hồn được trẻ hoá, trở nên như một đứa trẻ đơn sơ, ngoan ngoãn, thật sự nhỏ bé trước Thiên Chúa và khiêm tốn trước mọi người. Để rồi từ đó luôn ý thức thân phận mỏng manh, yếu ớt của bản thân nên chỉ còn biết cậy dựa vào một mình Chúa như một trẻ thơ hạnh phúc và bình an khi nép bên lòng mẹ.
Trước sự chờ đợi và mong ngóng của các môn đệ, Chúa Giêsu lại nói: “Nếu anh em không trở lại nên như trẻ nhỏ thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”. Câu trả lời của Chúa khiến các ông sửng sốt và hơi thất vọng vì Chúa đã không đi thẳng vào trọng tâm câu hỏi của các ông. Đồng thời nảy sinh nơi các ông một thắc mắc lớn là làm sao một người lớn thế này có thể trở lại như một trẻ nhỏ? Thật ra, Chúa không bảo các ông trở lại trẻ nhỏ về phương diện thể chất nhưng là trở nên bé nhỏ thật sự về mặt tinh thần.
Được vào Nước Trời ắt hẳn là khao khát của mỗi người chúng ta nhưng nếu chúng ta không trở lại nên như trẻ nhỏ thì khó có thể mà vào được. Biết là thế nhưng mấy ai đã tín thác hoàn toàn vào Chúa như một trẻ nhỏ. Theo Chúa thật nhưng chúng ta sợ nhiều điều, sợ mình bé nhỏ sẽ bị người ta bắt nạt, sợ khiêm nhường sẽ bị người ta coi thường.
Hãy yêu Chúa và yêu tha nhân thật nhiều. Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đang mời gọi mọi người nên thánh bằng con đường tình  yêu, con đường thơ ấu thiêng liêng…Nên thánh không phải là làm những việc vĩ đại, nhưng con người trở nên thánh bằng con đường nhỏ bé thiêng liêng. Têrêsa đã ví chiếc thang máy bác lên Trời là tình yêu. Con người chỉ có thể đạt được Nước Trời khi họ sống bé nhỏ và yêu thương.
Hôm nay là ngày lễ Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Một vị thánh có tâm hồn trẻ thơ được Thiên Chúa và Giáo Hội yêu mến. Con đường nên thánh của Ngài là đơn sơ phó thác vào tình yêu Thiên Chúa. Chúng ta hãy nhìn lên Ngài xin ơn trợ giúp, để chúng ta có thể đi theo Ngài trên con đường thơ ấu thiêng liêng và xứng đáng được vào Nước Trời là nơi chỉ dành cho những trẻ thơ mà thôi.
Huệ Minh

SUY NIỆM 5: TRẺ NHỎ VÀ NƯỚC TRỜI

1. “Ai là người lớn nhất?”
Trên đường đi theo Đức Giê-su, đến một lúc nào đó, các môn đệ tranh cãi với nhau xem ai là người lớn nhất. Cả ba Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại cuộc tranh luận này và đặt ngay sau khi Đức Giê-su loan báo lần thứ hai cuộc Thương Khó mà Ngài sẽ trải qua. Thánh Luca nói rằng đây là vấn đề các môn đệ « trăn trở ở trong lòng » (x. Lc 9, 47), và vì thế, ngay sau Bữa Tiệc Ly, họ lại tiếp tục tranh luận vấn đề ai là người lớn nhất trong nhóm (x. Lc 22, 24). Thánh sử Mát-thêu, đẩy vấn đề đi xa hơn : họ đến hỏi trực tiếp Đức Giê-su để biết ai là người lớn nhất trong Nước Trời !
Lúc ấy, các môn đệ lại gần hỏi Đức Giê-su rằng:

“Thưa Thầy, ai là người lớn nhất trong Nước Trời?”
(c. 1)
Lược qua một chút bối cảnh và cách ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật, như thế là quá đủ để chúng ta nhận ra rằng đây là một « căn bệnh » nghiêm trọng của các môn đệ thời Đức Giê-su. Bệnh nghiêm trọng, vì đó là một thứ bệnh ung thư gây mất hiệp nhất, vì sẽ phải tranh cãi với nhau, ganh tị  nhau, loại trừ nhau (x. Mt 20, 17-28); ngoài ra, đó không chỉ là một căn bệnh nghiêm trọng, nhưng còn là căn bệnh “mãn tính” và lây lan, có mặt ở mọi nơi và mọi thời.
Thật vậy, con người luôn muốn hơn và muốn đứng đầu trong mọi lãnh vực, thậm chí trong các nhân đức, trong đó có nhân đức khiêm nhường! Vì người ta cũng phân chia nhân đức khiêm nhường ra thành bậc! Con người khổ sở vì sự thua thiệt trong thân phận và trong ganh đua; tự xếp loại mình và xếp loại nhau; từ đó không chấp mình không chấp nhận nhau trong trong thâm tâm. Rộng hơn nữa, đó còn là cách sống, cách làm việc và cách tổ chức của con người ngoài đời cũng như trong đạo: thi đua, thi tuyển, phân cấp, xếp bậc, xếp loại…. Kết quả là “những người bé nhỏ” theo nghĩa rộng và ở nhiều bình diện khác nhau, vốn chiếm đa số, bị khinh chê, thậm chí bị loại trừ, hay ít nhất tạo ra nơi họ mặc cảm thua kém rất tai hại và chết chóc.

2. Trở nên như trẻ nhỏ

Cách Đức Giê-su chữa căn bệnh này, và cách các Tin Mừng kể lại càng làm cho chúng ta nhận ra rằng đây là một thứ bệnh khó chữa. Ba Tin Mừng Nhất Lãm không hoàn toàn đồng nhất với nhau khi kể lại cách Đức Giê-su giải quyết ; nhưng cả ba đều có ít nhất ba điểm chung :
  • Đảo lộn hoàn toàn quan niệm lớn-bé của các môn đệ và của loài người chúng ta : muốn làm lớn phải không ? Ai là người nhỏ nhất trong nhóm, thì là người lớn nhất (theo Tin Mừng Luca) ; hãy thay đổi và trở nên như trẻ nhỏ (theo Tin Mừng Mát-thêu) ; hãy trở nên người rốt hết và trở nên người phục vụ mọi người.
  • Để các môn đệ đừng hiểu lung tung những khái niệm « nhỏ nhất », « trẻ nhỏ », « người rốt hết và người phục vụ », Đức Giê-su đem một em bé tới đặt giữa họ.
  • Cuối cùng, giảng giải bằng lời và bằng minh họa vẫn chưa đủ, Đức Giê-su đi đến cùng bằng cách đồng hóa mình với em nhỏ : « Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy ».
Loài người ham muốn vị trí “lớn nhất”, Đức Giê-su lại đẩy về một cực khác, là “nhỏ nhất”:
“Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời”.(c. 3)
Bản dịch Bible de Jérusalem dịch là “thay đổi” (changer), thay vì “trở lại” trong bản dịch CGKPV. Nhưng phải làm thế nào để trở nên  như « trẻ nhỏ » ? Chúng ta không thể lùi thời gian lại được ; vì thế, ai muốn quay trở lại với thời ấu nhi để có được sự ngây thơ trong trắng trẻ bình diện luân lý, thì đó là « ngây thơ cụ ». Trở nên như “trẻ nhỏ” là một ơn gọi, luôn ở phía trước.
  • Trở nên như trẻ nhỏ là luôn sống trong tương quan và sống bằng tương quan, vì trẻ nhỏ không thể sống một mình.
  • Trở nên « trẻ nhỏ » là ơn gọi trở nên con của Thiên Chúa Cha, là luôn sống như con của Thiên Chúa Cha, giống như Đức Giê-su, dù chúng ta là ai, ở độ tuổi nào và có chức vụ gì. Vì khi gặp một trẻ nhỏ, chúng ta luôn hỏi: “con ai vậy?”
  • Trở nên như trẻ nhỏ, còn là sống bản chất hiền lành vốn có trong cõi lòng chúng ta; bởi vì chúng ta là con của Thiên Chúa Cha, và được mời gọi trở nên giống Cha, vốn là tình yêu, là hiền lành. Chính sự hiền lành sẽ chiến thắng được thù địch, vốn là hình ảnh cụ thể của thú tính, sự dữ, lòng ham muốn, bạo lực. Như Đức Giê-su công bố trong Bài Giảng Trên Núi :
                    Phúc thay những người hiền lành,
                   Vì họ sẽ có được Đất Hứa làm gia nghiệp.
(Mt 5, 4)
3. “Con đường thơ ấu thiêng liêng”
Ngang qua việc chuyên cần đọc và cầu nguyện với các Tin Mừng, Thánh Tê-rê-xa đã khám phá con đường “con đường thơ ấu thiêng liêng” của Đức Giê-su và đã sống đến cùng theo cách của mình, theo ơn gọi của mình và theo những ơn huệ cùng với thử thách của mình. Chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hình ảnh tuyệt đẹp này : Đức Giê-su ôm em bé:
Người đem một em nhỏ đặt vào giữa các ông, rồi ôm lấy nó và nói: “Ai tiếp đón một em nhỏ như em này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, thì không phải là tiếp đón Thầy, nhưng là tiếp đón Đấng đã sai Thầy.”
(Mc 9, 36-37)

Và Người sẽ thực sự trở nên em bé đối với Cha và loài người trên Thập Giá. Thánh nữ Tê-rê-xa cũng đã sống như thế đó, trong tình yêu con thảo với Cha, trên Thập Giá bệnh tật của đời mình.
Như thế, Đức Giê-su chữa lành chúng ta không chỉ bằng lời, nhưng còn bằng cái chết của Ngài trên Thập Giá. Thật vậy, nơi Thập Giá, Ngài sống như một em bé: yếu đuối, bất lực và tự đặt mình vào vị trí tận cùng của bậc thang xã hội: tử tội và chết treo trên Thập Giá! Bởi vì, trẻ em và những người bé nhỏ, giới hạn yếu đuối là “nơi” bày tỏ tốt nhất sức mạnh và khôn ngoan của Thiên Chúa (x. Tv 8)
Ngài cho miệng con thơ trẻ nhỏ
cất tiếng ngợi khen đối lại địch thù,
khiến kẻ thù quân nghịch phải tiêu tan.(Tv 8, 3)

Giáo Hội đã nhận ra “sức mạnh và sự khôn ngoan” của Thiên Chúa nơi “con đường thơ ấu thiêng liêng”, khi tôn phong thánh nữ Tê-rê-xa là Thầy
dạy của Giáo Hội, nghĩa là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc,SJ.
 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây