THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN ĐỨC MẸ MÂN CÔI

Thứ bảy - 05/10/2024 23:19

THỨ HAI TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

ĐỨC MẸ MÂN CÔI – LỄ NHỚ

Lc 1,26-38

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

26 Bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét,27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.

28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.

30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.31 Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”

34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”

35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng.37 Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

 

SUY NIỆM 1: KINH MÂN CÔI – LỜI KINH KỲ DIỆU

 

Ngày 16 tháng 10 năm 1978, trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng sau khi đắc cử Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II đã ký thác sứ vụ của ngài cho Đức Mẹ Maria và giới thiệu lại Kinh Mân Côi cho toàn thế giới như là “lời kinh diệu kỳ”.

Sau hai mươi lăm năm, tức là vào dịp mừng Ngân khánh Giáo Hoàng, trong Tông thư “Kinh Mân Côi”, một lần nữa ngài ân cần nhắc lại kỷ niệm xưa mà nay đã trở thành xác tín: Kinh Mân Côi là lời kinh kỳ diệu. Đơn giản trong hình thức, đơn sơ trong nội dung, nhưng không đơn thuần là một kinh dành cho giới bình dân như có thời người ta nghĩ, nhất là sau Vatican II khi Phụng Vụ tìm lại được vị thế đỉnh cao và trung tâm.

Vâng, Kinh Mân Côi là kinh phổ quát cho hết mọi người, phổ cập cho mọi trình độ và phổ biến trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhưng đâu là nét kỳ diệu của Kinh Mân Côi ?

1) Kinh Mân Côi hệ tại việc gặp gỡ Đức Maria trong tình mẫu tử.

Đành rằng lời kinh nào dâng lên Đức Maria cũng là dâng lên trong tình mẫu tử, như được thể hiện qua truyền thống cầu nguyện Việt Nam, nhất là trong lãnh vực ca nguyện. Cứ thử làm một bảng liệt kê những ca khúc hát dâng Đức Mẹ ắt sẽ rõ. Nhiều lắm. Chỉ những ca khúc bắt đầu bằng chữ “Mẹ ơi” từ nốt bậc năm về nốt bậc một không phân biệt trưởng thứ cũng có thể làm thành một cuốn sưu tập không mỏng. Nhưng vượt lên tất cả, riêng Kinh Mân Côi đã đẩy tình mẫu tử ấy lên một cung bậc diệu kỳ.

Phần đầu Kinh Kính Mừng dựa trên Phúc Âm là lời chào của sứ thần Gabriel phối hợp với lời mừng của bà Êlisabet làm thành lời xưng tụng Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu, Đấng từ trời cao xuống thế làm người. Phần sau Kinh Kính Mừng là lời xin ơn trợ giúp qua đó tín hữu xưng hô Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Và tổng hợp cả hai phần ngắn ngủi đọc lên chỉ trong mười lăm giây đồng hồ là cả một lời kinh kỳ diệu nối kết tâm tình con thảo vào với mầu nhiệm Đức Maria trên đỉnh vị thế là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ con người; Mẹ Chúa Giêsu và Mẹ của mỗi người chúng ta.

Nếu “nải chuối buồng cau, đường mía lau xôi nếp một” là ca dao tình mẹ ngọt ngào trong văn học dân gian Việt Nam, thì Kinh Kính Mừng quả là lời kinh tuyệt diệu ngọt ngào tình mẫu tử thiêng liêng giúp ta gặp được Đức Maria cao xa là Mẹ Chúa Trời nhưng vẫn cứ luôn gần gũi với người dương thế cho dẫu phận người hôm nay không đẹp đẽ gì, vì xét cho cùng chỉ là kẻ có tội “khi nay và trong giờ lâm tử”. Chính vì thế Kinh Kính Mừng đã trở thành lời nguyện tắt mọi lúc mọi nơi.

2) Kinh Mân Côi: Qua Mẹ để tới Chúa Kitô.

Thật vậy, hình thức lời kinh trực tiếp dâng lên Đức Mẹ, nhưng nội dung chiêm niệm lại là mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu trải ra theo mười lăm ngắm truyền thống Vui Thương Mừng và năm mầu nhiệm sự Sáng do Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đề nghị. Chả thế mà Đức Phaolô VI trong Tông huấn Marialis Cultus đã gọi Kinh Mân Côi là “cuốn Phúc Âm rút gọn”, rất gọn không còn cách nào gọn hơn được nữa, để có thể ghi vào trong bộ nhớ sống, sẵn sàng bung ra làm việc trên màn hình máy tính cuộc đời. Từ việc Chúa Giêsu sinh ra trong Máng cỏ đến việc Người biến hình trên Núi Tabor, rồi qua việc Người như bị Chúa Cha ruồng bỏ, để hiện hình sáng tỏ trong mùa Phục Sinh.

Tất nhiên người ta có thể đến với Chúa Giêsu bằng nhiều cách khác nhau như đọc Phúc Âm, rước Thánh Thể, thương giúp người…, nhưng đến với Chúa Giêsu bằng cung cách của Kinh Mân Côi thì quả là độc đáo; không phải là bí tích nhưng hiệu quả dọn đường cho bí tích; không phải là Phụng Vụ nhưng tâm tình rất cận kề Phụng Vụ; và nhất là được cùng với Đức Mẹ trên từng cây số cuộc đời Chúa Giêsu và theo phong cách của Đức Mẹ là “lưu giữ và suy niệm trong lòng”, tức là “khẩu tụng” đều đều lời kinh Đức Mẹ và “tâm suy” dài dài cuộc đời Đấng Cứu Thế.

“Ad Jesum per Mariam” chính là đây, bằng phương thức tụng niệm tức là vừa đọc vừa suy niệm của Kinh Mân Côi. Đó là kết cấu tinh thần. Ngay trong kết cấu vật thể của tràng hạt Mân Côi, người ta cũng thấy rõ dụng ý này: năm mươi Kinh Kính Mừng kết thành tràng hạt, nhưng cả tràng hạt chỉ được kết thúc bằng tượng Chúa Giêsu chịu chết treo trên Thánh Giá. Thật diệu kỳ được Đức Mẹ dẫn tới Chúa Giêsu.

3) Kinh Mân Côi là phương thế giúp người người vững bước trên đường nên thánh

Khi nêu lên hiệu quả thánh hóa của Kinh Mân Côi trong nhịp sống Giáo Hội, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã không quên gợi lại những chứng tích lịch sử, những khuôn mặt tiền nhiệm, những lời kêu gọi của Đức Mẹ trong những lần hiện ra tại Lộ Đức và Fatima, và nhất là chính kinh nghiệm bản thân gắn bó với chuỗi Mân Côi, ngày xưa còn bé cũng như trong sứ vụ hiện nay và cách riêng qua biến cố ngài bị ám sát hụt ngày 13 tháng 05 năm 1981 kỷ niệm dịp Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima. Kinh Mân Côi, như kiểu nói bình dân, chính là vũ khí giúp ta chống lại ba thù “ma quỷ, thế gian, xác thịt”, và là sinh tố tăng cường ba việc “nên thánh, mến Chúa, yêu người”.

Nếu nhân đức là việc tốt lành được tập tành lặp đi lặp lại thành thói quen phản xạ tự nhiên, thì Kinh Mân Côi chính là một bửu bối không thể thiếu được cho người tu thân luyện đức theo gương Đức Mẹ và theo chân Chúa Giêsu từ Máng Cỏ ấp ủ qua Thập Giá trui rèn tới Nhà Tạm chiêm ngưỡng. Mỗi một mầu nhiệm xướng lên là một nhân đức khơi gợi để theo lời kinh nhả nhẹ và dưới tác động của ơn thánh, lòng người được bớt bất xứng hơn, tạo điều kiện thuận lợi dần dần cho việc nên thánh.

Những nhà thông thái có sách vở chữ nghĩa, những nhà cai trị có sức mạnh quyền hành, những nhà tu trì có bầu khí ổn định làm phương tiện, còn hầu hết chúng ta là những nhà “tu hành” nghĩa là tu thân bằng việc hành đạo như người giáo dân, hay đi tu mà vẫn phải đi tới đi lui đi xuôi đi ngược ở giữa cuộc đời như các giáo sĩ triều, thì Kinh Mân Côi chính là một hành trang và phương tiện “bỏ túi” (hoặc đeo tay đeo cổ) gọn nhẹ giúp thánh hóa bản thân, gia đình và xã hội. Theo định nghĩa này, Kinh Mân Côi không khác gì điện thoại di động hòa đời ta vào mạng sự sống thiêng liêng.

Tóm lại, Kinh Mân Côi, đúng như kiểu nói của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, chính là lời kinh diệu kỳ dâng qua Đức Mẹ tới Chúa Giêsu để người đọc được vững bước đi trên đường thánh hóa.

ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống (Trích trong ‘Từng Bước Một Thôi’)

 

SUY NIỆM 2: LỄ MÂN CÔI 

Trang Tin mừng thuật lại việc sứ thần Gabriel truyền tin cho Đức Maria việc Thiên Chúa đề nghị Đức Maria cưu mang và sinh hạ Đấng Thiên sai cứu thế mà các ngôn sứ, cụ thể Sophonia đã từng loan báo. Với tất cả niềm tin và phó thác, khiêm nhường và vâng phục, Đức Maria đã thưa lời Xin Vâng. Từ phút giây lịch sử đó, Ngôi Lời Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng Mẹ và làm người để thực hiện chương trình cứu độ nhân loại. Trang Tin mừng giới thiệu cho chúng ta những dáng đứng tuyệt hảo của Đức Maria như mẫu gương đức tin của Kitô hữu: Maria cầu nguyện – Maria lắng nghe và đáp lại Lời Chúa – Maria làm mẹ sinh Chúa Giêsu cho nhân loại – Maria toàn hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa. Trong lễ khai mạc Năm Đức Tin tại Trung tâm Thánh Mẫu Tà pao hôm nay, xin phép chia sẻ với quý khách hành hương đôi tâm tình nhỏ bé về Đức Maria, thầy dạy và mẫu gương của đức tin Kitô hữu.

1. Liên kết mật thiết với Chúa Giêsu.

Kitô giáo không phải một học thuyết hay một triết lý tôn giáo, nhưng là Đạo mạc khải, tức đạo bởi trời, do chính Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, nhập thể làm người truyền rao cho Giáo hội do Người thiết lập. Đức tin Kitô giáo không phải tri thức suông, nhưng là ân huệ Chúa ban, đồng thời là hành vi đáp trả của con người đón nhận mọi chân lý Người mạc khải. Vì thế, niềm tin Kitô giáo không dừng lại ở những hình thức bên ngoài như kinh lễ, thuộc giáo lý, tuân giữ những luật căn bản…, nhưng hệ tại việc liên kết gắn bó với Đức Giêsu Kitô và dấn bước theo Người. Cốt lõi đức tin là sự gặp gỡ Đức Kitô, nhờ đó điều chỉnh và định hướng cuộc sống cho phù hợp với ý Chúa, từ đó có thể thi hành cách hữu hiệu sứ mệnh loan báo Tin mừng mà Đức Kitô trao phó.

Hơn ai hết, Đức Maria luôn gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu từ khi cưu mang Người trong cung lòng do quyền phép Chúa Thánh Thần, sinh hạ, bảo bọc, dưỡng nuôi, giáo dục trong suốt quảng đời thơ ấu và ẩn dật của Chúa Giêsu nơi làng quê Nadarét. Sau đó, Mẹ hằng theo sát con trên hành trình rao giảng, nhất là trên con đường thập giá và cuối cùng đứng kề bên thập giá hiệp thông sự khổ nạn của con và đón nhận lời trăn trối của Đức Giêsu làm mẹ của toàn nhân loại, của Giáo hội và của riêng mỗi người chúng ta. Mẹ liên kết với Đức Kitô phục sinh bằng sự cầu nguyện và giúp các tông đồ đón nhận Chúa Thánh Thần hiện xuống. Liên kết bằng niềm tin trọn vẹn, lòng yêu mến thiết tha và sự hiệp thông tròn đầy. Đức Giêsu đã từng dạy các môn đệ hãy ở lại trong tình yêu của Thầy… Thầy là cây nho, chúng con là nhành. Nhành nào kết hiệp cùng cây sẽ sinh hoa trái. Mẹ là thầy dạy và là mẫu gương cho sự liên kết gắn bó ấy.

Chuỗi Mân côi giúp tín hữu thực hiện sự liên kết mật thiết với Chúa Giêsu theo gương của Mẹ. Thật vậy, những chân lý mầu nhiệm cuộc đời của Chúa Giêsu được ghi lại trong các sách Tin mừng mà chuỗi Mân côi là bản tóm gọn. Năm Sự Vui diễn lại mầu nhiệm Nhập thể. Năm Sự Sáng nói lên cuộc đời công khai rao giảng. Năm Sự Thương đưa ta vào cuộc thương khó tử nạn và Năm Sự Mừng suy niệm về sự phục sinh vinh hiển của Đức Kitô. Mỗi khi lần chuỗi, ta được mời gọi suy niệm các mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu, đưa ta vào hiệp thông với Người, ở lại trong tình yêu của Người, được nên một với Người để đón nhận hồng ân cứu độ Người trao ban qua sự chuyển cầu của Đức Maria.

2. Trổ sinh hoa trái thần khí

Sứ điệp đầu tiên của Đức Giêsu được các Tin mừng ghi lại: Hãy hoán cải. Trong suốt hành trình rao giảng, Chúa Giêsu luôn nhắc lại lời mời gọi này. Hoán cải là quá trình thay đổi tận căn từ tư tưởng, ước muốn, đến hành động và bản thân để canh tân đời sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần, như thánh Phaolô đã từng dặn dò trong thư Rôma: Những ai sống theo xác thịt thì hướng về những gì là xác thịt…còn những ai sống theo Thần Khí thì hướng về những gì thuộc Thần Khí. Mà những sự do xác thịt gây ra là sự chết…, còn những gì thuộc Thần Khí sẽ sinh hoa trái Thần Khí. Đời sống Kitô hữu phải luôn hoán cải, canh tân, tăng triển dưới tác động của Chúa Thánh Thần để trổ sinh hoa trái Thần khí là các nhân đức. Những nhân đức chính yếu là Tin Cậy Mến cùng với sự vâng lời, khiêm nhường, công bằng và tiết độ. Đức Maria là mẫu mực các nhân đức ấy. Nơi Mẹ toát ra cách tuyệt hảo lòng tin cậy mến, sự khiêm nhường, khó nghèo, vâng phục, trinh khiết. Mẹ hằng gắn kết mật thiết với Chúa bằng tin yêu phó thác và luôn bước đi trong đường lối của Người, do đó Mẹ có một tương quan tốt đẹp hoàn hảo đối với mọi người từ lời nói, cách cư xử, hành động…Mẹ thật đáng yêu và Mẹ yêu thương hết tình và hết mình. Kinh Mân côi không những là sách Tin mừng tóm gọn, mà còn giới thiệu cho ta các nhân đức của người làm con Chúa, mà Đức Maria là mẫu mực. Kinh Mân côi vì thế còn được gọi là bản tóm lược nền luân lý Kitô giáo. Lần chuỗi Mân côi, ta vừa nối kết với cuộc đời của Đức Giêsu, ta vừa chiêm ngưỡng Đức Maria, vừa học tập với Mẹ các nhân đức, nhờ đó thêm lòng yêu Chúa, yêu Mẹ và tạo mối tương quan thân tình hiệp thông với mọi người.

3. Cầu nguyện với Mẹ và như Mẹ.

Đức tin mời gọi cầu nguyện: lex orandi lex credendi. Cầu nguyện là phương thế kết hiệp với Chúa và tìm biết thánh ý Người. Tin mừng thuật lại Chúa Giêsu luôn cầu nguyện với Chúa Cha, từ sáng sớm tinh mơ đến lúc chiều tà… Người dạy các môn đệ siêng năng và bền tâm cầu nguyện. Đức Mẹ hằng chuyên chăm cầu nguyện từ khi còn bé thơ, cho đến khi trưởng thành, khi thiên thần truyền tin, khi thăm viếng chị họ Elisabét, khi các mục đồng và ba đạo sĩ đến kính thờ Hài nhi…khi đem Con trốn sang Aicập…khi sống dưới mái nhà Nadarét …khi theo dõi con trên đường rao giảng…khi theo sát vết chân con vác thập giá, khi đứng bên con giờ khổ nạn…cũng như khi Đức Kitô đã phục sinh lên trời… Mẹ cầu nguyện trong từng giây phút cuộc đời, vui buồn, hoan lạc hay gian khổ… Chính nhờ cầu nguyện mà Mẹ đáp lời Xin vâng…, nhờ cầu nguyện mà Mẹ luôn dâng hiến cuộc đời cho Chúa và hiệp thông với con trong công trình cứu độ…. Mẹ đã từng dạy trẻ Giêsu cầu nguyện, Mẹ cũng đã dạy và cùng với các Tông đồ cầu nguyện để đón nhận Thánh Thần. Mẹ làm gương và dạy ta cầu nguyện bằng kinh Mân côi để liên kết với Chúa Giêsu, tín thác vào quyền năng và tình thương của Chúa. Kinh Mân côi là cách cầu nguyện bình dân, phổ thông, ai cũng làm được …từ người trí thức địa vị đến người ít học bình dân…từ trẻ em đến người lớn, già cả, người bệnh cũng như khỏe mạnh… lại mang đến nhiều hiệu quả tốt lành cho đời sống đức tin nhờ sự chuyển cầu của Đức Mẹ. Chính vì thế mà Giáo hội, qua các triều đại Giáo hoàng, kêu gọi tín hữu hãy siêng năng cầu nguyện bằng lần chuỗi Mân côi, như phương thế nên thánh, và như khí giới giúp chiến thắng ba thù.

Kết luận: “Hãy siêng năng lần chuỗi mân Côi”. Lời Mẹ vẫn luôn vang vọng như mời gọi tha thiết. Chuỗi Mân côi là phương thế thánh hóa bản thân, vũ khí chống lại các cám dỗ của ma quỷ và quyến rủ bất chính của thế gian, và là lời kinh ngọt ngào đưa ta vào vòng tay che chở của từ mẫu Maria. Cha ông ta từ bao đời trước đây đã hết lòng sống niềm tin vững vàng đến dám hiến mạng sống bảo vệ đức tin nhờ vào tràng chuỗi Mân côi. Xin cho tất cả chúng ta biết thực hành sứ điệp Mẹ truyền: Hoán cải đời sống, yêu mến Mẫu tâm và siêng năng lần chuỗi Mân côi.

Lm GB. Hoàng Văn Khanh 

 

SUY NIỆM 3: MẸ MÂN CÔI, MẸ HÒA BÌNH

Hôm nay ngày 7 tháng 10, Giáo hội suy tôn một phụ nữ diễm phúc nhất trần gian, đó chính là Đức Mẹ Mân Côi. Với tâm tình sùng mộ, mọi tín hữu suy tôn Mẹ Maria là Nữ Vương Ban Sự Bình An. Suốt tháng Mân Côi, Hội Thánh khắp nơi hướng về Đức Mẹ một cách đặc biệt. Lòng sùng kính của dân Chúa đối với Đức Mẹ trong thời gian này mang một đặc điểm riêng. Đó là cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi. Kinh Mân Côi là lời kinh hòa bình. Bằng chuỗi Mân Côi, Hội Thánh cầu nguyện cho hòa bình thế giới, mỗi người cầu xin bình an cho gia đình cho tâm hồn mình.

Lễ Đức Mẹ Mân Côi được ĐGH Piô V thiết lập để ghi nhớ chiến thắng của Hải quân Kitô giáo với quân Thổ Nhĩ Kỳ tại trận Lepanto ngày 7-10-1571. Chiến thắng là nhờ các tín hữu lần Chuỗi Mân Côi dâng kính Đức Mẹ ở Rôma vào ngày giao chiến. Một phép lạ của Đức Mẹ trong Tháng Mân Côi. ĐGH Leo XIII đã thiết lập Tháng Mười là tháng Mân Côi vào ngày 1-9-1883 và đã công bố con số kỷ lục là 11 Tông thư về Chuỗi Mân Côi trong triều đại Giáo hoàng của ngài.

Ngày lễ kính Đức Mẹ Mân Côi, suy tôn Mẹ là Nữ Vương Ban Sự Bình An với 3 lý do.

1. Lý do thứ nhất

Mẹ đã đóng góp cả cuộc đời mình cùng với Chúa Giêsu mà giải thoát con người khỏi ách nô lệ tội lỗi. Kinh Mân Côi, xét về phương diện mầu nhiệm suy gẫm, là kinh về Chúa Giêsu. Nhưng xét về nội dung thành phần của chuỗi hạt, tức là từng kinh Kính Mừng, thì đó là kinh về Đức Maria. Mẹ kết hợp cuộc đời mình với Chúa Giêsu qua 20 ngắm: Vui, Sáng, Thương, Mừng. Vui là vui với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm nhập thể; Sáng cũng là sáng với Chúa Giêsu qua mọi nẻo lối rao giảng Tin Mừng; Thương là thương cùng với Chúa Giêsu trên đường Thánh giá; và Mừng còn là mừng cùng với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm phục sinh. Mỗi ngắm như thế là mỗi phần đời khác nhau, nhưng liên kết cả 20 ngắm lại sẽ thấy cuộc đời của Đức Mẹ gắn bó với đời của Chúa Giêsu không rời nửa bước. Con đi đâu thì Mẹ theo đi đó: Con xuống thế làm người chuộc tội nhân loại, thì Mẹ cũng hiệp công với Con của mình từ đêm giáng sinh cho đến chiều tử nạn mà bước đi trên đường giải phóng nhân loại khỏi ách nô lệ tội lỗi. Con của Mẹ là Chúa Giêsu được xưng tụng là Hoàng Tử Hòa Bình, đến chuộc tội nhân loại, giao hòa con người với Chúa Cha, thì Mẹ vì sự gắn bó, hợp tác, hiệp công với Con của mình trong suốt hành trình như thế cũng đã trở nên Nữ Vương Hòa Bình cho toàn thế giới. Nếu Eva xưa đã để lại thảm họa, thì với Mẹ Maria cách riêng trong kinh Mân Côi, cách riêng hơn nữa trong lời kinh Ave Maria, nền hòa bình viên mãn của trời đã chính thức mở ra. Vì vậy, Đức Mẹ trong kinh Mân Côi, hay Đức Mẹ Mân Côi cũng chính là Nữ Vương Hòa Bình.

2. Lý do thứ hai

Vì Mẹ cũng hỗ trợ con người trong công cuộc xây dựng hòa bình với nhau.

Vào thế kỷ XIII, bè rối Albigeois nổi lên ở miền Nam nước Pháp. Với Chuỗi Mân côi do Đức Mẹ truyền dạy, chỉ trong một thời gian ngắn, thánh Đaminh đã cảm hóa được 150.000 người theo bè rối trở về cùng Giáo Hội.

Thế kỷ XVI, ảnh hưởng của Tin lành mạnh mẽ và đe dọa toàn cõi Âu Châu. Dân thành Luxembourg vẫn trung thành với Giáo Hội. Hôm ấy toàn thể dân phố được mời tới nhà thờ để nghe giảng thuyết. Khi vị mục sư bước lên tòa giảng, một người giáo dân xướng kinh và tất cả nhà thờ đều lần hạt to tiếng cho đến lúc vị mục sư phải bước xuống tòa giảng và ra khỏi nhà thờ. Nhờ kinh Mân Côi, dân thành Luxembourg giữ vững niềm tin và trung thành với Giáo Hội.

Năm 1511, lịch sử được chứng kiến một thành quả vĩ đại của Kinh Mân Côi mang lại. Chính biến cố lịch sử này là nguồn gốc lễ kính Thánh Mẫu Mân Côi. Khi ấy quân Hồi xâm lăng Âu Châu, tàn phá những nơi họ đi qua, tiêu diệt dân Công giáo. Cùng với việc triệu tập đạo quân thánh giá từ hai nước Ý và Tây Ban Nha, Đức Giáo hoàng Piô V kêu gọi mọi người siêng năng lần chuỗi Mân Côi.

Cuộc chiến quá chênh lệch đã diễn ra tại vịnh Lepante, nhưng với quân số ít ỏi và khí giới thô sơ, người Công giáo đã thắng trận vẻ vang trước đoàn quân Hồi giáo đông đảo và trang bị hùng hậu. Từ Roma, Đức Giáo hoàng nghe tin chiến thắng và nói với các vị trong giáo triều hãy tạ ơn Chúa. Hôm đó là ngày 07 tháng 10. Đức Giáo hoàng đã thiết lập lễ Mân Côi để tạ ơn Đức Mẹ và ghi nhớ cuộc chiến thắng lịch sử này.

Trước năm 1917, Bồ Đào Nha ở vào một tình trạng suy thoái một cách trầm trọng về phương diện tôn giáo. Gần hai thế kỷ, óc bè phái đã gây nên những chia rẽ và những cuộc nội chiến. Giáo Hội bị bách hại bởi những kẻ theo nhóm tam điểm. Nhà thờ bị phá hủy, các linh mục và tu sĩ bị bắt bớ, khắp nơi người ta tổ chức những đoàn hội chống lại Giáo Hội. Thế nhưng kể từ năm 1917, năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, Bồ Đào Nha đã đi vào một khúc quanh mới của lịch sử. Người ta tổ chức những đoàn hội chuyên lo lần hạt Mân Côi để xin Mẹ chấm dứt những xáo trộn và ban mọi ơn lành xuống cho đất nước. Bồ Đào Nha đã xứng đáng với tước hiệu quê hương của kinh Mân Côi.

Lịch sử còn ghi lại nhiều thành quả kỳ diệu khác nữa của Kinh Mân Côi. Chẳng hạn Kinh Mân côi đã mang lại chiến thắng tại Vienna ngày 12 tháng 9 năm1683, hay đã chấm dứt bệnh dịch tại Milan…

Chuỗi Mân Côi chính là một phương thế hòa bình hữu hiệu của mỗi tín hữu. Khi hiện ra tại Lộ Đức hay tại Fatima, Đức Mẹ đều kêu gọi chúng ta hãy siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Ở đâu kinh Mân Côi được ưa chuộng, ở đó tước hiệu hòa bình đi liền với danh xưng của Mẹ cũng được mộ mến. Ở đâu kinh Mân Côi được cổ võ thì ở đó cũng vang lên lời cầu nguyện tha thiết: “Nữ Vương ban sự bình an, cầu cho chúng con”. Xét về cấu trúc của kinh Mân Côi phần sau của mỗi ngắm chúng ta quen đọc “ta hãy xin cho được” ơn này ơn khác, hoặc phần sau của chính kinh Kính Mừng với câu “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”, chúng ta cũng thấy cả một dự phóng, cả một chương trình, cả một lời kinh dâng lên Mẹ Mân Côi mong hòa bình nội tâm, làm tiền đề cho cách cư xử giao hòa của con người với Thiên Chúa cũng như cách đối xử hòa bình giữa con người với nhau. Đằng nào cũng thế, giúp đỡ con người dập tắt chiến tranh năm xưa (lý do của lễ Mân Côi) hay là nâng đỡ con người xây dựng hòa bình hôm nay, Đức Mẹ Mân Côi trong lòng Giáo Hội chính là tượng đài Nữ Vương Hòa Bình.

3. Lý do thứ ba

Vì Mẹ còn khuyên tất cả mọi tín hữu siêng năng lần hạt và coi chuỗi kinh Mân Côi như là phương tiện hun đúc hòa bình. Ngày 13 tháng 10 năm 1917 tại Fatima, Đức Mẹ đã hiện ra và ban sứ điệp: cải thiện đời sống, siêng năng lần hạt, tôn sùng trái tim Mẹ. Đây chính là lộ trình nên Thánh bao gồm ba bước tiếp theo nhau. Chuỗi Mân Côi được đặt như một nhịp cầu giữa một bờ là tội lỗi nhân loại và bờ bên kia chính là ơn thánh hóa của Thiên Chúa. Cũng như việc lần hạt chuyên cần là một phương tiện hiệu quả giúp chúng ta đạt được hòa bình. Chính trong ý nghĩa này, kinh Mân Côi phải được gọi là Kinh của hòa bình. Bao giờ cũng thế, trong nghệ thuật công giáo, Đức Mẹ không đứng một mình, luôn luôn có Chúa Giêsu hiện diện, hoặc trong những thế kỷ gần đây tại Lộ Đức, cũng như tại Fatima, Đức Mẹ hiện diện với chuỗi Mân Côi. Nếu có ai hỏi tôi: Đức Mẹ có lần hạt không? Chắc chắn tôi sẽ đưa ra lời khẳng định: Có. Không chỉ vì Đức Mẹ đã lần chuỗi chung với ba trẻ ở Fatima hoặc với cô Bernadette ở Lộ Đức, mà còn ngay trong mầu nhiệm của chuỗi kinh Mân Côi đã có sự hiện diện của Đức Mẹ rồi. Có nghĩa là Mẹ cùng lần hạt với chúng ta và hơn nữa Mẹ kêu gọi chúng ta lần hạt. Cá nhân lần hạt Mân Côi, cá nhân vui sống thảnh thơi an bình; gia đình lần chuỗi Mân Côi, gia đình hạnh phúc một đời an vui. (x. ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, bài giảng tại Tàpao ngày 13-10-2011).

Giáo hội tôn vinh Đức Mẹ Mân Côi là Nữ Vương Hòa Bình. Chuỗi Mân Côi là chuỗi kinh của nền hòa bình. Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận khuyên nhủ: “Chuỗi Mân Côi là giây ràng buộc con với Mẹ, là cuốn phim kỷ niệm con đường hy vọng của Mẹ: âu yếm như Bêlem, khắc khoải như Ai Cập, trầm lặng như Nazareth, lao động như xưởng mộc, sốt sắng như đền thờ, cảm động lúc Chúa giảng, đau khổ bên thánh giá, vui mầng lúc phục sinh, tông đồ bên thánh Gioan. Tóm tắt lại, Chúa sống trong Mẹ, Mẹ trong Chúa, hai cuộc đời chỉ là một. Đừng bỏ chuỗi Mân Côi Mẹ đã trao và nhắn nhủ con sống như Mẹ, với Mẹ, nhờ Mẹ, trong Mẹ” (Đường Hy vọng số 922); “Ai mến Mẹ thì yêu thích chuỗi Mân Côi. Bởi vì chỉ có người yêu mới lặp lại một chuyện, một lời mà không biết nhàm chán” (Đường Hy vọng số 947).

Lạy Mẹ Mân Côi, Nữ Vương Hòa Bình, xin giúp chúng con siêng năng lần hạt Mân Côi. Nhờ đó, chúng con có thể cộng tác với Mẹ trong công cuộc xây dựng nền hòa bình thế giới và đem ơn cứu độ cho muôn dân. Amen.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

 

 

CÁCH LẦN CHUỖI MÂN CÔI CHUNG VỚI CỘNG ĐOÀN THÊM SỐT SẮNG

Một trong các việc đạo đức rất được Giáo Hội đề cao đó là lần chuỗi Mân côi, vì đây là phương thế kỳ diệu mà Đức Mẹ yêu thích. Đây cũng là phương thế mà các thánh và những người Kitô hữu đạo hạnh thực hành mỗi ngày. Tầm quan trọng của việc lần chuỗi Mân côi thì có lẽ ta đã được nghe nói nhiều. Vấn đề là ta có chịu thực hành hay không, và thực hành có sốt sắng không thôi, hay là lần cách máy móc qua loa. Tháng Mân Côi về, tôi xin được chia sẻ 2 cách thức mà tôi đang tập hành mỗi khi lần chuỗi Mân Côi chung với cộng đoàn, và tôi thấy rất hiệu quả. 

1. Cách lần chuỗi nương theo nhịp thở 

Khi lần chuỗi chung, với cộng đoàn giáo xứ chẳng hạn), thì kinh Mân Côi thường được chia thành 2 bè (tương ứng với 2 vế). Ví dụ như kinh Lạy Cha, vế thứ nhất là: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”, vế thứ hai là: “Xin cha cho chúng con…”; còn kinh Kính mừng, vế thứ nhất là: “Kính mừng Maria đầy ơn phúc…”; vế thứ hai là: “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời…”. Vậy lần chuỗi theo cách thức nương theo nhịp thở là sao? Là như thế này:

- Hít thật sâu và giữ hơi một chút khi nghe anh chị em đọc vế kia. 

- Thở ra khi đọc vế của mình: thở từ từ sao cho đọc xong vế kinh của mình thì cũng hết một hơi thở ra. 

Như vậy, 1 chu kỳ thở gồm hít vào và thở ra là trọn một kinh Lạy Cha, hoặc trọn một kinh Kính Mừng. Đấy cũng là cách để lần chuỗi Mân Côi mà không bị mệt.

2. Cách nhẩm - đọc và tập chú vào lời kinh

- Khi người khác đọc vế của họ, thì ta thường làm gì? Thường thì ta không chú ý đến lời kinh mà người khác đọc, nên dễ phân tâm lúc này, nghĩ chuyện nọ chuyện kia. Có khi đi du lịch đâu đâu ấy. Vậy thì cách thức nhẩm đọc và tập chú vào lời kinh là gì? Là khi người khác đọc vế của họ, ta vừa hít hơi thật sâu để chuẩn bị đọc vế của mình, vừa nhẩm theo trong đầu, để giúp tập chú vào lời kinh, và hướng tâm hồn lên Chúa Cha (kinh Lạy Cha), lên CG (các mầu nhiệm Mân Côi), hoặc Đức Mẹ (kinh Kính Mừng). Lúc này hít vào, ta đưa lời kinh vào sâu trong tầm hồn của mình.

- Khi đọc vế của ta, thì vừa đọc vừa niệm suy theo lời kinh ta đọc. Có như thế, lời kinh của ta mới có thể chạm được “chư thần chư thánh trên trời”. Bằng không nếu ta chỉ đọc bằng môi bằng miệng, mà “tâm - trí” ta không tập chú vào lời kinh thì không mang lại ơn ích gì, vì không chạm được tới Chúa và Đức Mẹ.

Khi thực hành, nếu kết hợp cả hai phương cách trên,  chắc chắn việc lần chuỗi Mân Côi chung sẽ rất hiệu quả, tránh cảm giác nhàm chán, máy móc mỗi khi lần chuỗi, và ta sẽ yêu mến việc lần Chuỗi hơn.

Cầu chúc mọi người tháng Mân Côi tràn đầy phúc lành của Chúa và Mẹ Maria, nhờ việc năng lần chuỗi Mân Côi và lần chuỗi một cách sốt sắng.

Lm. Giuse NTL

SUY NIỆM 4: LỜI KINH MÂN CÔI – ÂN SỦNG NHÂN ĐÔI

Như chúng ta đã biết, sau khi tổ tông loài người sa ngã phạm tội, Thiên Chúa đã tìm mọi cách để cứu độ con người. Qua các tổ phụ rồi đến các ngôn sứ, Thiên Chúa không ngừng mạc khải cho con người biết làm cách nào để có thể đạt được ơn cứu độ. Dầu con người đã nhiều lần bội nghĩa bạc tình với Chúa, nhưng Chúa vẫn không bỏ cuộc.

Biến cố truyền tin được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay, cho thấy lời hứa cứu độ của Thiên Chúa dành cho nhân loại đã được thực hiện một cách tròn đầy nhất, bằng chứng là việc nhập thể làm người của Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ của Thiên Chúa. 

Đời sống đức tin của người Kitô chúng ta cũng là một cuộc hành trình tìm kiếm và đón nhận ơn cứu độ, là chính Chúa Giêsu. Có nhiều cách thức và con đường khác nhau để chúng ta đạt đến cùng đích ấy. Tuy nhiên, lời Chúa và khung cảnh phụng vụ hôm nay, chỉ cho chúng ta một cách thức rất đơn giản và gần gũi, để gặp Đấng Cứu Độ cách hiệu quả nhất, đó là: Qua Mẹ Maria đến với Chúa Giêsu. Bởi Đức Mẹ là người nữ diễm phúc được đón nhận trọn vẹn lời hứa cứu độ của Thiên Chúa. qua việc cưu mang Ngôi Lời nhập thể. Thiên Chúa đã trao ban Đấng Cứu Độ cho nhân loại qua cung lòng của Mẹ. Thiên Chúa đã tin tưởng trao cho Mẹ sứ mạng cao trọng là cưu mang, sinh hạ, dưỡng nuôi và chăm sóc Đấng Cứu Thế. 

Với thiên chức của một người mẹ, chắc chắn Mẹ Maria hiểu và cảm nhận được từng hơi thở, từng nhịp đập của trái tim, từng thao thức của Chúa Giêsu, con mình, trong sứ mạng cứu độ nhân loại. Và tất nhiên, vì là mẹ của nhân loại, nên Mẹ Maria cũng hiểu và cảm nhận được nỗi khát khao của những người đi tìm ơn cứu độ, là mỗi người chúng ta. Do đó, những ai đến với Đức Maria, sẽ được Mẹ chỉ cho cách thức để đạt đến ơn cứu độ nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Tháng 10 là khoảng thời gian Giáo Hội tôn vinh Đức Mẹ với lời Kinh Mân côi, lời kinh đã trở nên rất quen thuộc và thân thiện với đời sống đạo đức của chúng ta. Hơn nữa, chuỗi kinh Mân côi vốn được nhìn nhận là cuốn “Tin mừng thu nhỏ”, bởi nơi ấy tóm lược toàn bộ cuộc đời của Chúa Giêsu. 20 ngắm Vui - Sáng – Thương – Mừng được đọc lên, chính là các mầu nhiệm trong cuộc đời của Chúa Giêsu, cuộc đời của Đấng Cứu Thế. Như thế, khi lần hạt Mân côi chính lúc chúng ta đang kết hợp đời mình với cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúng ta đang hồi tưởng lại con đường và cách thức cứu độ của Thiên Chúa. 

Thưa anh chị em, mỗi lần đến với Đức Trinh Nữ Maria, là một lần chúng ta gặp được Chúa Giêsu. Và mỗi khi lần hạt Mân côi, cũng là một lần chúng ta gặp được Đấng Cứu Độ. Và như thế, đến cùng Đức Mẹ với tràng hạt Mân côi trên tay, là 2 lần chúng ta gặp được Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta. Đó là ý nghĩa của chuỗi kinh Mân côi mà Giáo Hội mời gọi chúng ta suy ngắm cùng với Đức Maria trong tháng 10 này. 

Nếu để ý chúng ta sẽ nhận thấy rằng, mỗi ngắm của chuỗi kinh Mân côi là sự kết hợp giữa một mầu nhiệm của Chúa Giêsu và một nguyện ước của chúng ta. Gắn liền với 20 ngắm là 20 ước nguyện của cuộc đời: Đức Bà sinh Đức Chúa Giêsu trong hang đá – ta hãy xin cho được lòng khó khăn, hay Chúa Giêsu lo buồn đổ mồ hôi máu – ta hãy xin cho được ăn năn tội nên…Khi đọc kinh Mân côi, anh chị em đừng quên dâng ước nguyện đời mình cho Chúa Giêsu, và hãy cố gắng sống điều ta nguyện ước.

Khi đọc lại lịch sử Giáo Hội, ta thấy Giáo Hội đã không ít lần đối diện với bến bờ vực thẳm do lòng đạo đức xuống dốc và suy thoái, hoặc bị kẻ thù tấn công. Trong những thời điểm quan trọng đó, để cứu vãn tình thế, Đức Mẹ đã hiện ra nơi này nơi kia để hướng dẫn và dìu dắt con thuyền Hội Thánh. Trong các lần hiện ra đó, lúc nào Mẹ cũng mời gọi con cái mình siêng năng lần Chuỗi Mân Côi để đón nhận được nhiều ơn lành của Thiên Chúa.

Chắc chúng ta vẫn chưa quên trong những tháng năm còn gian khó, chúng ta không thể đến với Thánh lễ mỗi ngày, hay mỗi tuần vào ngày Chúa nhật; thì chính chuỗi kinh Mân côi đã nuôi sống đức tin của mỗi chúng ta, giúp chúng ta vượt qua bao sóng gió của thời cuộc và của chế độ, để giữ vững lòng tin của mình. 

Ngày nay, chúng ta cũng được mời gọi hãy đọc kinh Mân côi với trọn tâm tình tin-cậy-mến: Miệng đọc tâm suy, để chính những lời ta đọc phát sinh nguồn ơn thánh cho bản thân và cho gia đình mình.

Bởi Đức Giáo Hoàng Phanxicô khẳng định như thế này: “Qua kinh Mân Côi, Mẹ không bỏ rơi chúng ta trong tình trạng sa ngã, và dang tay ôm lấy chúng ta. Trò chuyện với Mẹ bằng kinh Mân Côi chúng ta được an ủi, được giải thoát và thánh hóa. Mẹ không cần chúng ta nhiều lời, Mẹ không cần chúng ta cố gắng quá nhiều, để giải thích cho Mẹ những gì đang xảy ra trong cuộc sống của mình. Chúng ta chỉ cần thầm thì lặp đi lặp lại: ‘Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời…”, là Đức Mẹ đã biết chúng ta muốn nói gì”.Amen.

Lm Antôn

 

 

 SUY NIỆM 5: KINH MÂN CÔI: GÓP PHẦN XÂY DỰNG NHÂN LOẠI MỚI

Nói đến kinh Mân Côi, tôi nhớ đến mẹ tôi. Bà là hình ảnh của người tín hữu bình dân Việt Nam: Bà quen dùng kinh mân côi làm đơn vị đo chiều dài. Khi có người hỏi nhà thờ cách bao xa, bà trả lời: “Đi được ba chuỗi năm chục”. Nghĩa là phải đi bộ độ 45 phút, tính nhẩm ra khoảng ba cây số. Nếu nguồn gốc của lễ Mân Côi ngày 7 tháng 10, bắt nguồn từ việc các tín hữu Âu Châu thành công trong việc phòng thủ, trước sức tiến công như vũ bão của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ năm 1571, tại vịnh Lepante thời thánh giáo hoàng Pio V. Thì cũng từ đó, Giáo hội cổ võ tín hữu dành trọn tháng mười để đặc biệt cầu nguyện bằng chuỗi hạt quý giá này, và hơn thế nữa, cổ võ chúng ta cầu nguyện bằng kinh Mân Côi trong suốt cuộc sống.

Kinh Mân côi là một hình thức cầu nguyện đơn giản nhưng phong phú đã được Giáo hội phổ biến qua nhiều thế kỷ. Đơn giản, vì bất cứ ai cũng dễ dàng thực hiện, dễ dàng đọc một mình trong mọi tình huống, ở mọi nơi, mọi lúc, và dễ dàng khi cầu nguyện chung mà ai ai cũng có thể tích cực tham gia. Nhưng kinh mân côi lại rất phong phú, vì có bao nhiêu sách viết về kinh Mân Côi đã tìm ra trong các mầu nhiệm nguồn suy niệm dồi dào, dường như không bao giờ cạn. Kinh Mân Côi chính là nguồn gia tăng sinh lực cho con người và là lời ngợi ca cuộc sống.

Gương một nhà trí thức…

Mỗi người có thể rút ra một bài học qua mẩu chuyện sau: Trên chuyến xe lửa đi Paris, có một chàng thanh niên mặt mũi sáng sủa, trên tay ôm một chồng sách dày. Ngồi đối diện với anh là một cụ già, đang cầm chuỗi Mân côi lâm râm đọc kinh. Chàng trai thấy chướng mắt lên tiếng nói: “Bác ơi! thời buổi này mà bác còn đọc thứ kinh của đàn bà trẻ con ấy nữa à!”. Cụ già ngước mắt nhìn anh và trả lời: “Cám ơn cậu, cậu có vẻ thông thái lắm, cậu giải thích cho tôi nghe đi”.

Thế là chàng trai có dịp khoe về mình: anh đang học năm cuối đại học Bách khoa; anh khuyên cụ già bỏ mấy thứ dị đoan lẩm cẩm đi, vì rồi đây khoa học sẽ xây dựng một thế giới mới chứ không phải những tôn giáo ảo tưởng của người xưa. Và chàng trai hăng say thuyết cho cụ suốt nửa tiếng. Cụ già chăm chú nghe anh nói, đến khi sắp xuống xe, còn mời anh khi nào rảnh đến nhà hướng dẫn thêm cho cụ và trao cho cậu một tờ danh thiếp. Chàng trai bỗng thấy mình như từ trên trời rơi xuống, vì trên danh thiếp ghi tên nhà khoa học mà anh suốt đời thán phục: “Louis Pasteur,Viện Hàn Lâm Pháp”

Êm đềm mà thấm lâu…

Trong xã hội thực dụng hôm nay, nhiều người đạo đức coi thường kinh mân côi. Họ nói: điều quan trọng của kitô hữu là hiểu và sống Lời Chúa, là thực thi công bằng bác ái Phúc Âm. Không sai, nhưng chưa chính xác. Thế nhưng, họ chưa hiểu ra sức mạnh êm đềm mà thấm lâu của những lời kinh đơn giản này.

Ta biết các vận động viên và các cầu thủ, dù thuộc bộ môn nào như bơi lội, đá banh, chạy đua… đều không thể bỏ những bài tập thể dục căn bản là tập thở. Đọc kinh Mân Côi chính là thực hiện một việc rất đơn giản như việc hít thở.

Các tôn giáo lớn như Hồi giáo và Phật giáo đều có xâu chuỗi. Với những lời kinh ngắn gọn, người tín đồ có một khoảng thời gian và không gian cần thiết để tiếp cận với Đấng tuyệt đối. Dù thiếu tập trung, Đấng tuyệt đối vẫn làm công việc của Ngài. Chính việc hội ngộ với Chúa cách thường xuyên này sẽ nuôi dưỡng đời sống nội tâm của họ, và đem lại cho mọi hoạt động của họ một giá trị mới.

Qua 20 mầu nhiệm Mân côi, kitô hữu ngày càng được gắn bó sâu sắc hơn vào những biến cố chính trong công cuộc cứu độ. Ngày này qua ngày khác, họ chiêm ngưỡng và học theo gương Đức Kitô nhập thể trong ngày lễ Truyền Tin, theo gương Đấng Giáng Sinh tại Belem, Đấng bôn ba ra giảng về Nước Trời, Đấng Hiến tế chính đời mình trên Thập Giá và sống lại vinh quang. Họ chiêm ngưỡng đức Maria trên thiên quốc như một hứa hẹn cho tương lai của giáo hội và nhân loại.

Hơn thế nữa, phụng vụ lễ Mân Côi qua đoạn sách Công vụ Tông đồ (bài đọc II), nhắc cho chúng ta một truyền thống trong lịch sử giáo hội ngay từ thuở sơ khai. Như các tông đồ xưa trong ngày lễ ngũ tuần, đã cùng cầu nguyện với đức Maria tại nhà tiệc ly, để đón nhận Thánh Thần mà ra đi loan báo Tin Mừng phục sinh. Thì nay kitô hữu sẽ cùng với Mẹ Maria để cầu nguyện và tìm được nguồn nghị lực trên bước đường sứ vụ.

Hướng đến một nhân loại mới

Lời kinh “Kính Mừng” quen thuộc, chính là lời chào mừng “Ave: Mừng vui lên” của thiên sứ Gabriel thưa với Đức Maria, mà chúng ta đọc lại trong Tin Mừng Luca hôm nay (1, 28).

Lời chào “Ave” ấy không chỉ gửi đến cho mình Mẹ Maria. Vì theo truyền thống Giáo hội, lời chào “Đấng đầy ơn sủng”, chính là một chứng nghiệm cho Lời Giavê đã hứa trong vườn địa đàng xưa, sau khi tổ tông nhân loại sa ngã: về người nữ sẽ đạp dập đầu con rắn trong vườn địa đàng (bài đọc I). Người nữ ấy tuy xuất thân từ Adam và Evà, nhưng thoát khỏi vòng kiềm tỏa của tội nguyên tổ. Người nữ ấy được tràn đầy ân sủng, được hồng ân Vô nhiễm; Người nữ ấy được so sánh như Evà mới của một nhân loại mới. Người nữ ấy, tên là Maria, là dấu hiệu của ân sủng Thiên Chúa hiện diện giữa con người. Như lời Thánh Thi trong kinh thần vụ kính Đức Mẹ:

“Chữ E-va Mẹ đảo vần,

Thành A-ve gửi bình an cho đời”.

Lịch sử cứu độ đã khởi sự từ lời hứa tại vườn địa đàng. Thiên Chúa hứa cứu độ nhân loại. Ngài hứa ở cùng nhân loại. Ngài hứa sẽ gửi đến Đấng Emmanuel “Thiên Chúa ở cùng”. Lời hứa ấy nay được cụ thể hóa khi Ngôi Lời nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ: “Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu”. Giêsu có nghĩa là Chúa Cứu, sẽ được muôn đời nhắc đến trong lời kinh: “Và Giêsu Con lòng Bà đầy phúc lạ”.

Đọc kinh “Kính Mừng”, ta có thể cảm thấy tâm trạng tương tự như các khán giả đang theo dõi các vận động viên Olympic hoặc Saegames. Họ chờ đón những kỷ lục mới “cao hơn, nhanh hơn, xa hơn”. Khi chúc mừng một vận động viên lãnh huy chương vàng, họ cũng chúc mừng khả năng của một dân tộc và của cả nhân loại…

Cũng vậy, qua những lời “Kính mừng Maria đầy ơn phúc”, chúng ta chiêm ngưỡng một “kỷ lục tuyệt hảo” của nhân loại. Chiêm ngưỡng Đức Maria, một tạo vật hoàn hảo của nhân loại mới.

Hơn thế nữa, trong nhân loại mới đó, chúng ta không chỉ là khán giả, mà còn là thành viên. Nên lời kinh “Kính Mừng” không chỉ được gửi đến cho đức Maria, mà còn là lời chúc mừng một nhân loại mới đang được hình thành.

Và như thế, qua kinh Mân Côi, chúng ta sẽ chìm sâu vào tình yêu và ân sủng cứu độ của Thiên Chúa, sẽ nhận ra lời Ngài kêu mời chúng ta giữ một vị trí riêng biệt trong lịch sử cứu độ và tìm được sức mạnh mới để hoàn tất vị trí ấy của mình trong lịch sử.

Nếu được như vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận: Kinh Mân Côi góp phần biến đổi trần gian.

Lm Px Đào Trung Hiệu

 

SUY NIỆM 6:  

Lịch sử Cứu Độ đã khởi đầu với việc Thiên Chúa tuyển chọn và kêu gọi Abraham, được tiếp nối và thực hiện trong lịch sử Israel cho đến khi như lời thánh Phaolô viết “Khi đến thời đến buổi, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và lệ thuộc vào lề luật Do thái”. Về Người Con ấy, Sứ Thần Gabriel đã nói “Người sẽ nên cao cả, và Thiên hạ sẽ gọi Người là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và vương quyền của Người sẽ vô tận”. Như thế lịch sử Cứu Độ phải được đón nhận như là lịch sử vương quyền của Đức Kitô trong dân Người: trước hết nơi Israel và bây giờ là nơi Giáo Hội của Người.

Qua cơ cấu diễn biến của lịch sử cứu độ chúng ta thấy cốt lõi là một cuộc đối thoại không ngừng giữa Thiên Chúa với con người. Cuộc đối thoại không nhằm cách ly con người khỏi cuộc sống thường ngày với những lo âu và hy vọng của họ, nhưng ngược lại cuộc đối thoại nhằm mở cánh cửa đời sống, cánh cửa gia đình, cánh cửa dân tộc và xã hội để Thiên Chúa, và đích xác hơn là để Con của Người bước vào và đổ tràn Thánh Thần Người, để mỗi cuộc sống, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và toàn thể xã hội tự thẳm sâu đáy lòng mình có thể thốt lên “Abba, Cha ơi” đối với Thiên Chúa, và như thế, mỗi cuộc sống, mỗi gia đình, mỗi dân tộc và xã hội trở nên “người thừa tự” gia sản của “Cha” trên trời.

Abraham đã dần dần khám phá ra được chân lý ấy khi ông ra khỏi xứ Ur. Từ biến cố này qua biến cố khác, cuối cùng ông được mời gọi tiến lên ngọn núi Thiên Chúa chỉ định, ở đấy ông đã khẳng định được với tất cả tự do và yêu mến: chính Thiên Chúa sẽ lo liệu mọi sự cho ông và con cái ông.

Ở bình minh của Tân Ước, không phải nơi Đền Thánh Giêrusalem, mà ở trong chính mái nhà nhỏ bé nghèo nàn của Mẹ, Đức Maria được mời gọi trở về với chính mình, với vấn đề thiết thân nhất của Mẹ: “Làm sao có chuyện ấy được, vì tôi không biết đến người nam!” Để rồi Mẹ được mời gọi để xác tín với tất cả sự tin yêu tự do Thiên Chúa sẽ đến, sẽ đảm nhận lấy cuộc sống Mẹ cho nó trở nên cảnh vực Thần Linh. Đó là điều thánh Phaolô cũng nói như thế trong mấy câu thư vắn tắt chúng ta vừa nghe.

Vì thế, khi đón nhận công việc thiết lập vương quyền của Đức Kitô như là sứ mạng riêng biệt của mình, Giáo Hội Đức Kitô qua các tông đồ đã ý thức về trọng tâm thiết yếu của sứ vụ là trở về “nơi các ông thường trú ngụ để “đồng tâm nhất trí, siêng năng cầu nguyện”. Cầu nguyện từ đó đã là hơi thở và sức sống của Giáo Hội, của công cuộc loan báo tin mừng Cứu Độ.

Thật khác với biết bao suy nghĩ và hành động của chúng ta ngày nay: chúng ta bị lôi kéo vào sức hấp dẫn và tính hiệu quả của những tổ chức, cơ cấu và phương tiện, đã gạt qua một bên nỗ lực “Đối Thoại với Thiên Chúa” “nỗ lực cầu nguyện liên lỷ”. Gia đình Kitô Giáo nơi chúng ta thường trú không còn là “nhà cầu nguyện”, thậm chí ngay cả “Nhà Cầu Nguyện” cũng trở thành những trung tâm trình diễn, tiếp thị, kỹ thuật. hơn là nơi con người đối thoại với Thiên Chúa!

Bài sách Công Vụ Tông Đồ tuy thật vắn gọn, nhưng đã gợi nhớ một yếu tố nền tảng của cuộc đối thoại cứu độ: Các Tông Đồ đã cầu nguyện với Đức Maria và cùng với anh em của Đức Giêsu. Sở dĩ các ông đã cầu nguyện cùng với Đức Maria, là vì duy mình Đức Maria mới có kinh nghiệm trọn vẹn về “đối thoại cứu độ” này. Với Đức Maria đây là đối thoại do sáng kiến của Thiên Chúa, được “Thánh Thần bao bọc chở che” và chính Thiên Chúa hoàn thành. Giáo Hội phải nhờ Mẹ để thực hiện sự cầu nguyện.

Trong viễn ảnh đó mà chúng ta hiểu được tại sao Giáo Hội khắp nơi, và cách riêng Giáo Hội Việt Nam vô cùng yêu mến và trân trọng Kinh Mân Côi. Chính đây là lúc mỗi người như được sống lại khung cảnh Nhà Tiệc Ly với các Tông Đồ, để bên gối Mẹ, Giáo Hội và mỗi người được Mẹ dẫn dắt qua mọi biến cố đời sống, Mẹ khám phá ra sự mời gọi của Thiên Chúa và bằng cách nào để Thiên Chúa đảm nhận lấy cuộc sống nhỏ bé của mình, mà thực hiện nên những điều kỳ diệu. Trong cũng cái nhìn đức tin ấy, chúng ta mới thấu hiểu được tại sao chỉ là những lời kinh thật đơn giản, không đòi hỏi sự thông thái khôn ngoan, lời kinh chất phác của những tâm hồn thật quê mùa, lời kinh phản ánh rất trung thực lời “Xin Vâng” của người con gái Xion làng Nazaret xưa, lại có thể có quyền lực giải thoát con người trong mọi tình huống khó khăn nhất, và đem lại có khi cho cả một dân tộc niềm hoan lạc hạnh phúc. Chỉ vì lời kinh ấy là ân tình trao ban kinh nghiệm về Thánh Thần của Mẹ.

Trong tháng Mân Côi và trong đời sống, khi trở về với Kinh Mân Côi, người Kitô hữu phải cảm nhận được niềm vui được trở về mái nhà Tiệc Ly xưa, để một lần nữa họ được Đức Mẹ cho thấy Chúa Thánh Thần đã đến với Mẹ bằng ngõ ngách nào, và làm sao Ngài đã hoàn thành sứ mạng của Ngài trong mỗi biến cố đời Mẹ: Sứ Mạng làm cho Chúa Giêsu hình thành và lớn lên trong lòng dạ và cuộc sống Mẹ. Đây qủa thực là một viễn cảnh bao la và kỳ diệu chờ đợi chúng ta trong Kinh Mân Côi. Ước gì những suy nghĩ này giúp chúng ta có thêm nhiệt tình và sốt sắng lần chuỗi Mân Côi.

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên

 

SUY NIỆM 7: CHẤT TIN MỪNG TRONG CHUỖI KINH MÂN CÔI

 

Chuỗi kinh Mai Khôi chính là tràng hạt Mân Côi mà bình thường giáo dân nào cũng có và mang theo nơi mình, lại siêng năng đọc mỗi ngày nữa. Đó là thói quen rất tốt từ bao đời nay nơi nhiều người công giáo. Người ta đọc kinh lần hạt. Đây là hình thức cầu nguyện phổ thông và khá đơn giản, lại dễ thực hành. Rất ước mong hình thức này vẫn được duy trì trong khuôn khổ các việc đạo đức thông thường và lòng sùng kính cá nhân. Sau đây xin đề cập đến chất Tin Mừng và tính Giáo hội trong lòng sùng kính này cho phù hợp với Hiến chế Lumen gentium (Ánh sáng muôn dân) chương VIII, tông huấn Marialis cultus (Lòng sìng kính Đức Maria) của ĐGH Phao-lô VI và Rosarium Virginis Mariae (Chuỗi kinh Mai Khôi của Đúc Trinh Nữ Maria)) của ĐGH Gio-an Phao-lô II.

1. Nội dung hay chất Tin Mừng trong chuỗi kinh Mai Khôi.

Trước hết xin nói về nội dung hay chất Tin Mừng trong chuỗi kinh Mai Khôi. Thời đại này, Lời Chúa được nhấn mạnh và Tin Mừng được đề cao. Một nền đạo đức mới đặt nền tảng trên Lời Chúa đã ra đời để bổ túc cho nền đạo đức cũ vốn được xây dựng trên các thứ lòng sùng kính. Vào các giai đoạn lịch sử, Lời Chúa ít được biết đến và phụng vụ là một mảnh vườn khép kín đối với giáo dân thì người ta phải chạy đến các thứ lòng sùng kính để nuôi dưỡng lòng đạo đức của mình. Đó là điều tự nhiên và dễ hiểu. Nhưng bây giờ, tình thế đã thay đổi nên lòng đạo đức cũng phải có căn bản vững vàng hơn. Căn bản đó là Kinh thánh và Phụng vụ. Ngoài thánh lễ và các giờ kinh phụng vụ ra, chuỗi kinh Mai Khôi đáp ứng được đòi hỏi này, vì các kinh đọc trong đó lấy từ Kinh thánh, Phụng vu và các mầu nhiệm suy ngắm cũng là những mấu nhiệm về cuộc đời Chúa Cứu Thế rút ra từ các sách Tin Mừng.

Quả vậy. Kinh Kính Mừng là lời chào của thiên thần Gáp-ri-en đến báo tin cho Đức Mẹ, kinh Lạy Cha là kinh Chúa Giêsu dạy cho các Tông đồ và kinh Sáng danh là vinh tụng ca Giáo hội dùng để kết thúc mỗi thánh vịnh, khi đọc các giờ kinh phụng vụ. Còn các mầu nhiệm thì cũng là những biến cố vui mừng, sầu khổ, sáng láng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế.

* Năm sự vui là gì, nếu không phải là cuộc đời Chúa Giêsu ở giai đoạn thơ ấu, từ lúc thiên thần truyền tin cho Đức Mẹ cho tới khi Người tìm được Con Mình trong đền thờ. Những biến cố này đều được ghi trong các sách Tin Mừng Nhất Lãm.

* Năm sự sáng là gì, nếu không phải là những biến cố đặc biệt liên quan đến Phép Rửa tại sông Gio-đan, đến phép lạ biến nước thành rượu ngon tại Ca-na, đến công cuộc rao giảng Tin Mừng và kêu gọi ăn năn sám hối, đến cuộc hiển dung trên núi Ta-bo và việc thành lập chức linh mục và bí tích Thánh Thể?

* Năm sự thương là gì, nếu không phải là giai đoạn cuối cùng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, khi Người lên Giê-ru-sa-lem, bị điệu đến dinh tổng trấn Phi-la-tô, bị hành hình rồi bị treo trên thập giá.

* Năm sự mừng là gì, nếu không phải là giai đoạn chót trong cuộc đời tại thế của Chúa Giêsu, từ khi Người sống lại, ban thần khí cho các Tông Đồ rồi lên trời, hẹn ngày lại đến trong vinh quang.

Như vậy chuỗi kinh Mai Khôi là một bản tóm tắt gọn gàng, dễ nhớ về những biến cố quan trọng trong cuộc đời Chúa Cứu Thế. Mỗi khi đọc một chục kinh Mai Khôi là chúng ta có dịp nhớ lại một mầu nhiệm và sống ý nghĩa của mầu nhiệm ấy. Lần chuỗi Mai Khôi là thực hành lời thánh Phao-lô khuyên tín hữu Phi-líp-phê: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu. Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã làm cho mình hóa ra không, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngược lại, còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.” (Pl 2,5-9)

Bốn câu trong chương 2 thư Phi-líp-phê tóm tắt được các mầu nhiệm vui mừng, sầu khổ trong cuộc đời Chúa Cứu Thế và khuyên nhủ tín hữu dựa vào đó mà có những tâm tình xứng hợp khi đối xử với nhau là từ bỏ độc quyền, hạ mình xuống, hy sinh, vâng phục để được vinh hiển trong ngày Chúa quang lâm.

Ngoài ra, chuỗi kinh Mai Khôi lại còn có nội dung Tin Mừng ở điểm này nữa là địa vị của Đức Mẹ mà chúng ta tôn kính, khi lần chuỗi Mai Khôi. Mai Khôi là những bông hồng đẹp được tượng trưng bằng các kinh Kính Mừng để tôn vinh Người. Đức Mẹ đã có mặt trong cuộc đời Chúa Cứu Thế từ những giây phút đầu cho đến những giây phút cuối. Sự có mặt của Người vừa kín đáo lại vừa bi thảm. Người có mặt đó nhưng lại hoàn toàn tùy thuộc vào Con của Mình, như trong tiệc cưới Ca-na hay trong cảnh cậu bé Giêsu ở lại trong đền thờ, nghe các bậc thầy Do thái và đặt ra các câu hỏi cho các ông, sau cuộc trẩy hội lên Giê-ru-sa-lem. Đức Mẹ là người đầu tiên đã suy nghĩ và họa lại những tâm tình của Chúa Giêsu trong đời sống của mình. Bây giờ Đức Mẹ lại giúp chúng ta chuyển hiện những tâm tình này vào đời sống. Vì vậy, ĐGH Lê-ô XIII trong thông điệp Adjutricem populi (Đấng Phù Trợ của dân) mới viết: “Một trong những lợi điểm chính của chuỗi Mai Khôi là tạo cho tín hữu một phương tiện đơn giản và dễ dàng để nuôi dưỡng lòng tin.”

2. Chuỗi kinh Mai Khôi mang tính Giáo Hội

Giáo Hội nhận chuỗi Mai Khôi là lời kinh của mình và không ngớt lời khen ngợi. Trong thông điệp Octobri mense (Tháng Mười), lại cũng ĐGH Lê-ô XIII viết: “Tất cả lòng sùng kính Đức Mẹ cô đọng lại trong chuỗi kinh Mai Khôi.”

Giáo Hội là một cộng đồng rộng lớn không biên giới bao gồm những người tin nhận Chúa Giêsu Kitô. Lời kinh nào muốn có tính Giáo Hội thì phải được Giáo Hội công nhận đã đành mà còn phải phổ cập nữa. Về điểm này, kinh Mai Khôi thật là phổ cập vì đó là kinh của mọi tín hữu, ai cũng đọc được, từ người trẻ cho đến người già, người thông thái cũng như người không có học hay ít học, người giầu hay người nghèo, người khỏe mạnh cũng như người đau yếu, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi. Kinh này lại có thể đọc được ở bất cứ đâu hay trong hoàn cảnh nào, ở nhà thờ, ở nhà mình, ở ngoài đường, trong nơi yên lặng hay giữa chốn ồn ào náo động và nhất là đọc chung với nhau trong gia đình hay những khi có đông người công giáo họp nhau lại.

Tính Giáo Hội của kinh Mai Khôi lại càng tỏ hiện trong ba tổ chức được công nhận dưới đây;

# Hội Mai Khôi

Hội qui tụ những người tình nguyện suy ngắm các mầu nhiệm Mai Khôi mỗi tuần một lần.

Hội Mai Khôi vĩnh viễn

Hội này do linh mục Ricci thành lập năm 1629 và được linh mục Chardon sắp xếp, tổ chức lại ở Lyon năm 1858. Mục đích của Hội là dâng lời ca tụng liên lỉ, phân chia cho mỗi người mỗi tháng một lần suy ngắm toàn bộ chuỗi Mai Khôi vào ngày giờ được ấn định trước.

# Chuỗi Mai Khôi sống

Hội này được thành lập tại Lyon năm 1826 do cô Pauline Jaricot, chia cho mỗi người mỗi ngày đọc một chục kinh Mai Khôi và suy ngắm về một mầu nhiệm.

Kết luận

Trên đây là hai điểm đặc biệt về chuỗi Mai Khôi, tức chất Tin Mừng và tính Hội thánh được bao gồm trong đó. Chúng ta lần hạt với ý thức là mình đang làm một công việc có chất Tin Mừng, được Giáo Hội công nhận và nhiệt tình khuyến khích, một công việc thu tóm lại tất cả cuộc đời Chúa Cứu Thế.

Như vậy, lần chuỗi Mai Khôi theo thói quen, đọc mà không nghĩ đến các mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Cứu Thế, hoặc không đọc bao giờ hay đôi khi mới đọc đều là những điểm cần phải suy nghĩ lại để điều chỉnh cho phù họp với ý nghĩa và giá trị của chuỗi kinh Mai Khôi.

Lm. André Đỗ Xuân Quế

 

SUY NIỆM 8: LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI

 

Vào thời cổ đại, giải thưởng cho các cuộc thi đấu thể thao, không phải là huy chương vàng, bạc, đồng như hiện nay, mà là một vòng nguyệt quế, hay một vòng hoa tươi, được choàng vào cổ người chiến thắng.

Trong lịch sử Hội Thánh, tràng chuỗi Mân côi, vừa là khí cụ để chiến đấu, vừa là vòng hoa dành cho người chiến thắng.

Lịch sử cho thấy nhiều người đã dựa vào chuỗi Mân côi như một nguồn sức mạnh cậy trông.

+ Năm 1571, vua Thổ nhỉ kỳ theo Hồi giáo là Salim II (1566-1574) xướng xuất một cuộc thánh chiến với tham vọng bình địa giáo đô Rôma. Trước tình hình ấy, Đức Thánh Cha Pi-ô V đã khẩn thiết kêu gọi người tín hữu hãy cầu nguyện bằng chuỗi Mân côi, với hy vọng Chúa sẽ cứu, nhờ sự cầu bầu của Đức Mẹ. Đồng thời Ngài cũng lập một đội chiến thuyền, mà mỗi chiến sĩ được trang bị thêm một vũ khí tinh thần là tràng chuỗi Mân côi. Chính nhờ sức mạnh của niềm tin, với sự hỗ trợ nâng đỡ chở che của Đức Mẹ, Chúa đã cho đoàn quân công giáo chi?n thắng thủy binh thiện chiến của người Thổ nhỉ kỳ tại vịnh Lepante, vào ngày 7.10.1571, xóa tan cuồng vọng của những kẻ hiếu chiến.

Khi được tin chiến thắng vua Salim II, ĐTC Piô V tuyên bố: Không phải vũ lực, không phải võ khí, không phải vua tướng giúp chúng ta thắng trận, mà chính Đức Mẹ và tràng chuỗi Mân côi đã giúp chúng ta chiến thắng vẻ vang.

Chiến thắng này là cơ sở để Đức Thánh Cha thiết lập lễ Đức Mẹ Mân côi, đề cao chuỗi Mân côi như một nguồn hy vọng: Thiên Chúa và Mẹ Maria luôn bên cạnh chúng ta.

+ Năm 1629, trước cơn dịch tả nguy hiểm lan rộng trên nước Ý, tu sĩ Timoteo Ricci đã lập ra Chuỗi Mân côi liên tiếp. Thầy tính rằng mỗi năm có 8.760 giờ. Căn cứ vào đó, thầy làm ra 8.760 tấm vé; mỗi vé ghi tháng, ngày, giờ; rồi cho rút thăm. Ai được vé nào thì cam kết đọc chuỗi Mân côi vào tháng, ngày, giờ đó. Mục đích có ý xin ơn chết lành cho người hấp hối, xin ơn trở lại cho người tội lỗi, xin ơn bình an cho các dân tộc.

Từ sáng kiến đó, phong trào Chuỗi Mân côi liên tiếp được thành lập và lan rộng. Năm 1657, Đức Thánh Cha Alexandre VII chấp nhận phong trào đạo đức này và ban cho nhiều ân xá.

Nói chung, khi gặp những khó khăn nguy hiểm, cả trong đạo lẫn ngoài đời, người ta đã chạy lại với Đức Mẹ. Họ khẩn cầu Mẹ bằng chuỗi Mân côi, và chuỗi Mân côi đã đem lại cho các tâm hồn những hy vọng lành thánh.

Hiện nay cuộc sống đang đặt ra nhiều vấn đề nan giải, đang đối diện với những thách đố mới, tại sao một lần nữa chúng ta không chạy đến Kinh Mân côi, với cùng một đức tin như những người đã đi trước?

Thánh Pi-ô năm dấu viết: Vũ khí của tôi là tràng chuỗi Mân côi. Đức Mẹ không từ chối tôi điều gì, khi tôi xin Mẹ qua chuỗi Mân côi. Muốn làm vui lòng Đức Mẹ, muốn được Đức Mẹ thương yêu, hãy lần chuỗi Mân côi.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em! Điều kiện để được hưởng trọn vẹn tình thương của Đức Mẹ là: ăn năn đền tội và cải thiện đời sống, tôn sùng yêu mến trái tim Mẹ, siêng năng lần chuỗi Mân côi.

Trong tháng Mân Côi này mỗi người chúng ta đáp lại lời mời gọi của Mẹ siêng năng lần hạt Mân Côi. Vì tràng chuỗi mân côi là như sợi dây tơ hồng, mối dây tình ái, kết chặt chúng ta gắn bó keo sơn với Đức Mẹ, giúp chúng ta noi gương Đức Mẹ mà sống đẹp lòng Chúa và phục vụ tha nhân, giúp chúng ta yêu mến Chúa và mọi người bằng trái tim của Đức Mẹ.

Đức Mẹ nói với Bernadette tại Lộ Đức: ” Mẹ không hứa cho con hạnh phúc đời này, nhưng hạnh phúc đời sau “. Tuy nhiên những ai lần chuỗi Mân côi, cũng sẽ được Đức Mẹ thương ban ơn, cách này hay cách khác. Ơn phúc đủ loại, nhất là ơn sám hối, ơn trở về với Chúa, ơn đổi mới cuộc đời, ơn đi sâu vào Tin mừng, ơn biết đón nhận thánh ý Chúa để trở thành cộng tác viên đắc lực của Đức Mẹ.

Qua tràng chuỗi Mân Côi Mẹ luôn hiện diện với chúng ta như xưa Mẹ đã từng hiện diện:

Sự hiện diện của Đức Mẹ nơi gia đình Gia-ca-ri-a đã khiến bà I-sa-ve tràn trào ơn Chúa Thánh thần, đem lại niềm hoan lạc vô bờ cho thai nhi Gioan tẩy giả.

Sự hiện diện của Đức Mẹ tại tiệc cưới Ca-na đã làm đôi tân hôn và mọi người dự tiệc được trọn vẹn niềm vui, và khiến Chúa Giê-su ra tay làm phép lạ đầu tiên.

Sự hiện diện của Đức mẹ dưới chân thập giá đã làm ấm lòng chúa Giê-su để an tâm về với Chúa Cha, sau khi trối phó thánh Gioan là Giáo hội cho Đức Mẹ.

Sự hiện diện của đức Mẹ tại nhà Tiệc ly, đã giúp các Tông đồ lấy lại tinh thần, sinh khí và sốt sắng cầu nguyện để lãnh nhận Chúa Thánh Thần.

Hôm nay Đức Mẹ tiếp tục hiện diện giữa chúng ta và trong mỗi người chúng ta.

Những lúc rệu rã một mõi vì cuộc sống lam lũ bon chen trần thế, những khi tối tăm thử thách bao phủ ánh tương lai, những lúc nặng trĩu u buồn quá khứ, những lúc mất mát hụt hẫng không biết cậy dựa vào ai …

Hãy chạy đến với Đức mẹ, hãy cầm lấy tràng chuỗi mân Côi và cầu nguyện, hãy thầm thỉ thì thầm lời kinh Kính mừng Maria….

Với tấm lòng từ bi nhân hậu của một hiền mẫu, chắc chắn Đức Mẹ sẽ là nguồn an ủi, nâng đỡ, khích lệ và niềm vui sống cho chúng ta.

Lạy Mẹ, khi con yếu đuối lỡ lầm va vấp, xin Mẹ thương giơ tay nâng đỡ dìu dắt; khi con cô đơn lạc lỏng, xin mẹ đồng hành bên con và che chở giữ gìn; khi con khổ đau bất hạnh, xin mẹ thương ra tay cứu giúp; vì Mẹ là niềm an ủi và hạnh phúc của con.

Lạy Đức Mẹ Maria, con xin nhắc lại lời mà triệu triệu trái tim hằng ấp ủ, lời mà triệu triệu đôi môi hằng tung hô hằng ngày trên khắp thế giới: Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là ke #có tội, khi này và trong giờ lâm tử. Amen.

Lm Giuse Phan Văn Quyền

 

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây