SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN

Thứ tư - 02/10/2024 05:38
SUY NIỆM THỨ NĂM TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN
Lc 10,1-12

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Sau đó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông:
3 Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường.
Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình an cho nhà này! “ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.
Hãy ở lại nhà ấy, và người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. 9 Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.”
10 Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: 11 “Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần.”
12 Thầy nói cho anh em hay: trong ngày ấy, thành Xơđôm còn được xử khoan hồng hơn thành đó.”

SUY NIỆM 1: TRIỀU ĐẠI THIÊN CHÚA
Triều đại Thiên Chúa. Đó là điều muôn đời ngàn dân trông đợi. Vì đời sống trần gian khổ cực đau thương. Chưa hề có triều đại nào đem lại hạnh phúc cho người dân. Chưa có chế độ nào hoàn toàn được tín nhiệm. Chưa có hệ thống ý thức hệ nào thực sự tạo nên thiên đường.
Dân Ít-ra-en cảm nhận được tất cả những nỗi khổ đau, nhục nhã khi bị lưu đầy. Nên khi được trở về. Được thờ phượng Chúa. Được nghe Lời Chúa. Lòng họ tràn đầy niềm vui. “Ông Ét-ra mở sách… Bấy giờ ông Ét-ra chúc tụng đức Chúa là Thiên Chúa vĩ đại, và toàn dân giơ tay lên đáp rằng: “Amen! Amen!” Rồi họ sấp mặt sát đất mà thờ lạy Đức Chúa….Các thầy Lê-vi thì trấn an mọi người như sau: “Anh em đừng khóc nữa, vì hôm nay là ngày thánh!…” Bấy giờ toàn dân đi ăn uống, rồi gửi các phần ăn, và liên hoan tưng bừng”. Họ sống một cuộc sống hạnh phúc vì tuân theo Lề Luật. Vì Thiên Chúa hướng dẫn họ.
Chúa Giê-su là Đấng phải đến. Quả thực Triều đại Thiên Chúa đã đến. Đó là tin vui lớn lao. Cần loan báo cho cả địa cầu. Vì thế Chúa không chỉ sai 12 tông đồ. Mà còn sai 72 môn đệ đi loan báo. Triều đại được chứng nghiệm bằng việc xua trừ ma quỉ. Chữa lành bệnh tật. Giải phóng con người khỏi mọi ách nô lệ ràng buộc của ma quỉ và sự dữ. Và đem bình an cho mọi người. Tuy nhiên chính người loan báo phải chứng tỏ Triều đại Thiên Chúa bằng một thái độ siêu thoát: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép”. Sứ điệp quan trọng. Thời giờ cấp bách. Nên “đừng chào hỏi ai dọc đường”. Tập trung vào sứ mạng. Không chú ý đến những gì phụ thuộc ở đời này như ăn uống, ngủ nghỉ: “người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó”. Khi người môn đệ siêu thoát, nghèo khó, chính Thiên Chúa ngự trong họ sẽ làm việc. Họ sẽ có sức mạnh của Thiên Chúa.
Chính vì hi vọng Triều Đại Thiên Chúa đến mà thánh Gióp, trong cơn đau khổ cùng cực, vẫn hi vọng tin tưởng đợi chờ. Luôn gắn bó với Chúa: “Tôi biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân này, tôi sẽ được ngắm nhìn Thiên Chúa… Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (năm chẵn).
Phần chúng ta hãy làm cho Triều Đại Thiên Chúa mau đến ngay trong bản thân mình. Bằng đời sống siêu thoát. Bằng tin tưởng vượt qua mọi gian khổ như thánh Gióp. Và bằng lời loan báo tin vui cho mọi người.
TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

SUY NIỆM 2: ĐƯỢC YÊU THƯƠNG, GỌI, CHỌN VÀ SAI ĐI
Bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu trình thuật về sứ vụ của các Tông Đồ. Đây là bài giảng dài nhất về sứ vụ của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Luca. Nhìn chung, Thánh Luca không quan tâm nhiều đến tình hình sứ vụ hiện tại cho bằng tập trung vào bản chất của sứ vụ cũng như nguyên nhân của niềm vui và nỗi buồn trong sứ vụ. Như chúng ta biết, trong Tin Mừng Thánh Luca, từ “môn đệ” thường ám chỉ đến những người theo Chúa Giêsu chứ không giới hạn vào nhóm Mười Hai. Chúng ta thấy trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu “chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác” (Lc 10:1). Điều này có nghĩa là bên cạnh nhóm Mười Hai còn có bảy mươi hai môn đệ khác. Con số 72 là con số bị tranh luận. Nhiều học giả Kinh Thánh cho rằng con số đúng là 70. Bản văn Cựu Ước đứng phía sau con số này là Sách Sáng Thế (10:2-31), trong đó chúng ta tìm thấy “bản thống kê” về các quốc gia trên thế giới: Kinh Thánh Do Thái [MT – Masoretic Text] đọc là 70 trong khi đó Bản Kinh Thánh LXX là 72. Dù trong trường hợp nào, 70 hoặc 72, điều đáng chúng ta quan tâm là Thánh Luca đặt nền tảng sứ vụ phổ quát của Giáo Hội trên sứ vụ của Chúa Giêsu. Điều này được diễn tả qua việc Ngài “chỉ định” và “sai” các môn đệ đi: “Khi ấy, Chúa Giêsu chỉ định bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến” (Lc 10:1).
Tuy nhiên, việc được “chỉ định” và “sai đi” và kết quả của việc “cầu xin chủ mùa gặt”: “Người bảo các ông: ‘Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về’” (Lc 10:2). Từ những lời này, chúng ta có thể rút ra rằng, mỗi ơn gọi làm môn đệ và tông đồ là hoa trái của việc cầu nguyện. Và ơn gọi này chỉ được tiếp tục triển nở qua việc cầu nguyện liên lỉ. Nói cách khác, nếu không cầu nguyện, người môn đệ và tông đồ sẽ không thể tồn tại và không thể hiểu được căn tính của mình. Thật vậy, chỉ trong đời sống cầu nguyện mà người môn đệ và tông đồ mới hiểu được những lời “sai đi” của Chúa Giêsu: “Anh em hãy ra đi. Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói. Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép. Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10:3-4). Chi tiết đáng lưu ý trong những lời này là người môn đệ được sai đi như “chiên con đi vào giữa bầy sói.” Điều này ám chỉ đến hai bình diện không thể tách rời trong đời sống sứ vụ của người môn đệ, đó là người môn đệ có thể bị tấn công bởi một thế giới chống đối nhưng người môn đệ phải nỗ lực để xây dựng một kỷ nguyên mới của hoà bình và hoà giải mà trong đó chiên con sẽ nằm với sói [được tiên báo trong sách Ngôn Sứ Isaia 11:6; 65:25].
Nếu xem xét kỹ trong những lời sai đi của Chúa Giêsu, chúng ta khám phá ra rằng, người môn đệ được sai đi với một mục đích, đó là thiết lập “Triều Đại Thiên Chúa,” một triều đại mà trong đó mọi người sống bình an với nhau. Điều này được phản ảnh trong những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ phải nói khi vào “bất cứ nhà nào” và “bất cứ thành nào”: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: ‘Bình an cho nhà này!’ Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em” (Lc 10:5-6). Đây là lối diễn tả rất đặc trưng của Thánh Luca để nhấn mạnh đến sứ điệp Kitô giáo là theo đuổi sự hoà giải hầu mang lại bình an đích thật cho nhân loại. Nói cách cụ thể, những người môn đệ Chúa Giêsu là những người sống và rao giảng sứ điệp hoà giải như điều kiện cần thiết để có được sự bình an đích thật. Chi tiết này mời gọi chúng ta nhìn lại đời sống mình. Đã bao nhiêu lần chúng ta không sống và rao giảng sứ điệp này khi chúng ta giữ trong lòng sự hận thù, ghen ghét. Chúng ta không tha thứ cho anh chị em mình, dù ah chị em đến xin lỗi chúng ta. Chúng ta cần hiểu điều này: Nếu chúng ta không tha thứ và hoà giải với anh chị em thì trong ngày Triều Đại Thiên Chúa đến, chúng ta sẽ không được xử khoan hồng (x. Lc 10:12).
Chi tiết cuối cùng để chúng ta suy gẫm là làm thế nào để biết được Triều Đại Thiên Chúa đến? Bài Tin Mừng đưa ra cho chúng ta hai điều, thứ nhất là rao giảng sứ điệp hoà giải và bình an và thứ hai là chữa lành những người đau yếu trong thành. Sứ điệp về Triều Đại Thiên Chúa phải luôn được rao giảng dù người nghe có đón nhận hay không: “Vào bất cứ thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh em. Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: ‘Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông.’ Nhưng vào bất cứ thành nào mà người ta không tiếp đón, thì anh em ra các quảng trường mà nói: ‘Ngay cả bụi trong thành các ông dính chân chúng tôi, chúng tôi cũng xin giũ trả lại các ông. Tuy nhiên các ông phải biết điều này: Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần’” (Lc 10:8-11). Những lời này nhắc nhở chúng ta về cuộc sống rao giảng của mình. Theo bản tính tự nhiên, chúng ta chỉ rao giảng nơi được người khác đón nhận. Còn những nơi chống đối, chúng ta không rao giảng. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta không loại trừ ai trong sứ vụ rao giảng của mình. Tất cả mọi người đều có quyền “nghe” sứ điệp Nước Trời. Việc đón nhận sứ điệp hay không là quyền chọn lựa của họ. Về phần chúng ta, chúng ta được chọn và sai đi để công bố sứ điệp Tin Mừng. Đừng để bất kỳ thành kiến hay khó khăn nào làm chúng ta giới hạn việc công bố vào một nhóm người chúng ta thích [hoặc thích chúng ta].
Lm. Ngọc Dũng, SDB
SUY NIỆM 3: RAO GIẢNG VÀ CHỮA LÀNH BỆNH TẬT
Chúng ta vừa đọc lại bài tường thuật của thánh sử Luca nói về việc Chúa sai nhóm mười hai Tông Ðồ ra đi rao giảng Tin Mừng và chữa lành bệnh tật. Ðây là cuộc sai đi trước biến cố phục sinh để thực tập, để chuẩn bị cho cuộc sai đi quyết định sau phục sinh, khi đó Chúa sẽ nói với các ông một cách vĩnh viễn: “Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Thầy. Vậy, các con hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền cho các con, và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,18-20).
Hai lần sai đi này, trước và sau Phục Sinh, trước và sau biến cố vượt qua của Chúa Giêsu, rất quan trọng và bổ túc cho nhau. Nếu lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh, mà không có lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh thì người ta dễ dàng rơi vào cám dỗ quả quyết rằng, những đồ đệ của Chúa Giêsu tự bày việc cho mình để thành lập cộng đoàn Giáo Hội do sáng kiến riêng chứ không phải do ý muốn của Chúa Giêsu . Ngược lại, nếu lần sai đi thứ nhất trước Phục Sinh mà không có lần sai đi thứ hai sau Phục Sinh thì người ta cũng dễ dàng rơi vào cám dỗ khác nữa, cho rằng Chúa Giêsu đã thất bại trong dự án của Ngài sau khi bị giết chết trên thập giá. Nhưng các sách Phúc Âm đã ghi lại cho chúng ta hai lần sai đi trước và sau Phục Sinh, và điều này làm nổi bật ý định của Chúa Giêsu. Vượt qua giới hạn của thời gian, Chúa đã kêu gọi, huấn luyện và sai các tông đồ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian nhờ những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho.
Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo Hội qua các thời đại trong lịch sử nhân loại đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người. Hơn nữa, chúng ta thấy tác giả Phúc Âm thánh Luca mô tả sứ mệnh của các tông đồ được Chúa sai đi bằng hai cụm từ rao giảng và chữa lành bệnh tật. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Người đồ đệ của Chúa khi làm công việc của Chúa là công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Khi làm công việc này không thể nào lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em chung quanh. Nhà thờ để thờ Thiên Chúa, nhà thương chăm sóc bệnh nhân, nhà săn sóc người cao niên, nhà học tập cho người trẻ, nhà ở cho người nghèo, nhà cứu trợ cho anh chị em gặp nạn, đó là những nhà, những loại công tác nằm trong sứ mệnh của người đồ đệ của Chúa.
Lịch sử hai ngàn năm qua của Giáo Hội cho thấy những đồ đệ của Chúa còn luôn trung thành với lệnh truyền của Chúa: rao giảng và chữa lành, mặc dù không thiếu những sai sót lỗi lầm mà giờ đây những đồ đệ chân thật của Chúa không ngần ngại ăn năn xin tha thứ và dốc quyết thực hiện tốt đẹp hơn trong tương lai.
Lạy Chúa,
Xin thương ban cho chúng con quyền năng của Chúa để chúng con được canh tân và dấn thân nhiều hơn nữa, để chu toàn tốt hơn sứ mệnh Chúa đã trao phó cho trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Xin Chúa hãy thương hiện diện với chúng con và cùng hoạt động với chúng con luôn mãi.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

SUY NIỆM 4: ĐỪNG ẢO TƯỞNG
Sau đó Chúa chỉ định bảy mươi hai người khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Người bảo các ông: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.” (Lc. 10, 1-2)
Đừng ảo tưởng! truyền giáo, theo Đức Kitô, chính là không ngừng nghỉ. Ngay từ đầu các môn đệ đã được chỉ định rõ rệt. Thầy đã nói từng chi tiết những gì các ông trông đợi trước khi sai các ông đi. Đi từng hai đến các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. Trước hết, các môn đệ cần phải xác tín rằng: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Muốn có số thợ gặt sẵn sàng và có hiệu quả, phải cầu nguyện tận lực xin tuyển mộ được những thợ gặt chân chính và chắc chắn để đi loan truyền sứ điệp của Đức Kitô.
Số thợ tuyển mộ thì ít, họ như chiên ở giữa sói rừng! họ không được phép giơ tay năm ngón chỉ trỏ kiêu hãnh để áp đặt sứ điệp bằng bạo lực hay bất cứ thứ gì như thế. Nhưng chỉ đề nghị, rất trong sáng, an bình và tự do, không một chút bó buộc nào cả.
Những người truyền giáo nghèo khó, trơ trụi không trang bị những phương tiện gì to lớn của loài người, như tiền của tài năng, trù ếm, ảo thuật, không được dính bén những gía trị quan trọng quyền thế của trần tục, của bảo hiểm dưới đất, của an toàn vật chất, tuy không khinh bỉ chúng, nhưng không để chúng lôi kéo mình vịn lý do cần thiết.
Đối với Đức Kitô, những lời chào hỏi dọc đường là không cần thiết. Hãy trực tiếp đến nơi để rao giảng thì tốt hơn. “Đừng chào ai dọc đường” cũng có nghĩa là “hãy đi thẳng đến mục đích”. “Trước tiên hãy nói: Bình an cho nhà này”, đó là đem niềm vui đến cho họ, rồi đừng để mất giờ, hãy chữa bệnh tật cho họ và nói cho họ biết: “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”.
Đó là những chỉ dẫn thật chính xác, rất ngắn gọn và cô đọng, đáng cảm phục biết bao một tinh thần trung thực vĩ đại! Người ta chấp nhận hay từ chối sứ điệp không phải dài dòng lý sự bắt người ta phải kính trọng. Người còn nói: “Nếu người ta không tiếp đón, hãy đi nơi khác”.
Người truyền giáo cần hành động chứ không van xin than thở.
GF
 
SUY NIỆM 5: MỖI NGƯỜI ĐỀU LÀ NHÀ THỪA SAI
Xem lại CN 14 TN C
Loan báo Tin Mừng là sứ mạng của hết mọi người chứ không chỉ dành riêng cho các linh mục hay tu sĩ. Hình ảnh 72 môn đệ được Đức Giêsu sai đi rao giảng Tin Mừng cho thấy tính phổ quát của sứ vụ này.
Khi được sai đi loan báo Tin Mừng, người thừa sai cần hiểu rõ một nguyên tắc căn bản về sứ vụ tông đồ là: việc Tông đồ là của Chúa. Người tông đồ là người được sai đi để thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Mục đích là làm sao cho muôn người được ơn cứu độ.
Tuy nhiên, không phải ai được sai đi cũng đều thành công trong sứ mạng, bởi lẽ người tông đồ sẽ bị những thử thách, khó khăn do ngoại cảnh gây nên, và đôi khi do chính sự yếu đuối của bản thân, nên dẫn đến tình trạng buồn chán, thất vọng và buông xuôi…
Vì vậy, bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã hướng dẫn các môn đệ về tư cách, phương pháp và tinh thần của người thừa sai, để các ông ra đi và hy vọng mang lại nhiều hoa trái.
Trước tiên: người môn đệ phải noi gương Thầy của mình, đến để cứu độ bằng con đường thập giá. Vì thế, can đảm đón nhận những khó khăn, trở ngại do hiểu lầm, kỳ thị, ghen tức và hóa giải nó trong yêu thương là tinh thần của người môn đệ. Khó khăn này được ví như: “Chiên giữa bầy sói”.
Thứ đến: người môn đệ phải sống cuộc sống thanh thoát, nhẹ nhàng trong sự thiếu thốn. Không quá lo lắng về cơm áo gạo tiền cách thái quá. Không bị của cải, sự sung sướng và an thân níu kéo bước chân người thừa sai. Bởi vì của cải vật chất không đương nhiên đem lại hạnh phúc cho con người, trái lại nó luôn có nguy cơ tha hóa và nô lệ hóa con người. Của cải vật chất vốn dễ làm cho con người trở nên mù quáng đối với bản thân cũng như trong tương quan với tha nhân; và khi đã trở thành mù quáng, con người tôn của cải vật chất lên làm cứu cánh và tự giam mình trong vỏ ích kỷ. Cần cảm nghiệm được tình yêu của Chúa trên cuộc đời mình qua sự chăm sóc của Ngài, vì thợ thì đáng được thưởng công. Vì thế: không bị, không tiền, không mang hai áo … là tinh thần của người thừa sai.
Tiếp theo: hãy noi gương Đức Giêsu, Đấng đến để cho chiên được sống và sống dồi dào, còn bản thân Ngài thì lại hóa mình ra không đến nỗi trở nên của ăn cho người khác. Vì thế, người môn đệ cần nhạy bén để khước từ cám dỗ là tìm mọi cách để thay đổi điều kiện sống cho mình, nhằm an thân và sung túc, trong khi đó sứ vụ thì bỏ bê. Như thế, không cẩn thận sẽ dẫn đến tình trạng: “Đi hết nhà này đến nhà kia” mà sứ vụ thì không sinh hoa trái.
Mặt khác: hội nhập văn hóa là điều cần thiết để Lời Chúa thấm nhập vào truyền thống, văn hóa, được chuyển tải bằng những thứ ngôn ngữ của chính người bản địa. Những sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, nghỉ ngơi cũng cần thích nghi. Được như thế, người thừa sai sẽ không bị cuốn theo bản năng để chỉ lo cho bản thân nhằm đáp ứng nhu cầu “hạ đẳng” của chính mình. Vì vậy: “Vào bất cứ thành nào mà người ta tiếp đón thì cứ ăn những gì mà người ta dọn cho anh em”.
Hơn nữa: truyền giáo phải đi đôi với bác ái. Nếu lời giảng dạy là để giới thiệu Đức Giêsu như một vị Thiên Chúa nhân từ, yêu thương, đứng về phía người nghèo, áp bức, bất công để giải thoát con người cách toàn diện, thì việc bác ái chính là một chứng minh cụ thể về tình thương, sự liên đới do lòng thương xót của Thiên Chúa cho con người. Vì thế, người môn đệ cần: an ủi kẻ âu lo, nâng đỡ kẻ yếu đuối… để làm chứng cho: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”.
Cuối cùng: nhà truyền giáo phải là người thấm thía sự bình an của Chúa. Nếu không có bình an thì không thể trao ban cho người khác bình an được. Cuộc đời sứ vụ của người thừa sai mà thiếu đi yếu tố này, thì hẳn chính bản thân cũng bất hạnh, và như thế, chỉ còn gieo rắc sự thất vọng mà thôi. Tuy nhiên, bình an là một ơn ban của Thiên Chúa, kèm theo sự cộng tác của con người. Vì vậy: “Nếu ở đấy có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng không, sự bình an lại trở về với các con”.
Lạy Chúa Giêsu, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Xin Chúa sai những người thợ lành nghề để ra đi thu lúa về cho Chúa. Xin Chúa cũng ban cho chính chúng con, là những người cũng được mời gọi tham gia vào sứ mạng truyền giáo ngày lãnh Bí tích Rửa Tội, luôn biết làm gương sáng, chu toàn bổn phận và trung thành với đời sống bác ái yêu thương. Amen.
Ngọc Biển SSP

 SUY NIỆM 6: NƯỚC CHÚA ĐANG ĐẾN GẦN
Chúa Giêsu sai 72 môn đệ đi loan báo Tin mừng về “Triều đại Thiên Chúa đang đến gần.” Ngoài việc căn dặn về nhiệm vụ và hành trang của các môn đệ, Ngài còn nói cho các ông biết trước những khó khăn mà các ông sẽ gặp trên đường, cụ thể là có nơi sẽ đón tiếp và có chỗ sẽ từ chối. Tuy nhiên, dù đón nhận hoặc từ chối thì người môn đệ vẫn phải nói cho dân chúng biết rằng “Triều đại Thiên Chúa đang đến gần.” Dù con người tin hoặc không tin vào Thiên Chúa thì Ngài vẫn đang đến với con người. Bằng chứng là mỗi phút giây có người được sinh ra và cũng có người từ giã cuộc đời này.
Chúng ta biết một ngày nào đó Thiên Chúa sẽ viếng thăm. Tuy nhiên, ngày đó là một bí mật không ai biết được, nhưng chắc chắn mỗi ngày trôi qua thì ngày đó đến gần hơn. Điều này không làm cho chúng ta hoang mang, sợ hãi nhưng nhắc chúng ta về một phận người mong manh nên luôn cần chuẩn bị sẵn sàng. Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy sống tích cực, lạc quan bằng cách làm nhiều việc thiện vì “Triều đại Thiên Chúa đang đến gần.”
Lạy Chúa, cuộc đời chúng con như một cơn gió thoảng qua, có đó rồi mất đó. Xin Chúa giúp chúng con luôn biết chuẩn bị cho ngày Chúa đến bằng cách giúp được gì cho ai thì làm, để đem lại niềm vui và sự bình an cho chính mình và mọi người xung quanh. Amen.
Lm. Laurenso Quốc Huy

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây