THỨ TƯ TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Thứ hai - 07/10/2024 22:19

THỨ TƯ TUẦN XXVII THƯỜNG NIÊN

Lc 11,1-4

 

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

1Ngày kia, Chúa Giêsu cầu nguyện ở một nơi. Khi Người cầu nguyện xong, có một môn đệ thưa Người rằng: "Lạy Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện như Gioan đã dạy môn đệ ông". 2Người nói với các ông: "Khi các con cầu nguyện, hãy nói:

"Lạy Cha, nguyện danh Cha cả sáng. Nước Cha trị đến. 3Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày. 4Và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha mọi kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ".

 

SUY NIỆM 1: CHÚA GIÊSU DẠY TA CẦU NGUYỆN

Cầu nguyện là một phần không thể thiếu trong niềm tin của các tôn giáo. Đối với đạo Công Giáo chúng ta, cầu nguyện chính là một nét đẹp trong đời sống đức tin của các tín hữu.

Chắc chắn việc cầu nguyện đã trở nên rất quen thuộc trong nhịp sống đạo của mỗi người. Khi cầu nguyện có lẽ mỗi người cũng đã nói nhiều điều với Chúa. Chúng ta xin Chúa rất nhiều thứ. Chúng ta không chỉ cầu nguyện cho mình, mà còn cầu nguyện cho những người thân trong gia đình mình, cho bạn bè thân hữu. 

Vậy có ai trong chúng ta đã từng cầu nguyện cho Chúa chưa thưa anh chị em? Nếu chưa thì hãy nhớ lại xem, Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện như thế nào!

Trước tiên, Chúa Giêsu dạy hãy cầu nguyện cho Chúa Cha. Hãy cầu nguyện cho danh Cha được cả sáng, cho nước Cha được trị đến, và cho ý Cha được thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Khi cầu nguyện, chúng ta đừng quên cầu nguyện để ý định cứu độ toàn thể nhân loại của Chúa được thực hiện.

Kế đến, Chúa Giêsu dạy mỗi người hãy cầu nguyện để xin ơn tha tội cho chính mình. Và chúng ta hãy xin ơn này mỗi ngày. Bởi chúng ta vốn là những con người bất toàn và yếu đuối: Lỗi lầm vừa được thứ tha rồi chúng ta lại lỗi lầm.

Sau cùng, Chúa Giêsu dạy mỗi người hãy cầu nguyện để mình khỏi sa chước cám dỗ. Có ai dám vỗ ngực tự hào nói rằng mình luôn chiến thắng trước ba thù không thưa anh chị em! Thánh Phaolô cho biết, ma quỉ sàng chúng ta như sàng gạo. Do đó, mỗi người hãy luôn luôn xin ơn Chúa trợ giúp, bằng không thì chúng ta sẽ sa ngã ngay tức khắc.

Tất nhiên mỗi người có những cách thức và sáng kiến, có những ước nguyện và tâm tình của riêng mình khi cầu nguyện. Thế nhưng, dù với cách thức nào đi nữa, dù là 1 lần hay nhiều lần trong ngày, dù là thời gian ngắn hay dài, dù là chung hay riêng… thì mỗi người cũng hãy bắt đầu giờ cầu nguyện của mình bằng việc đọc 1 Kinh Lạy Cha thật chậm rãi, sốt sắng và chân thành. Bởi đây là lời cầu nguyện do chính Chúa Giêsu dạy, và là lời cầu nguyện tròn đầy ý nghĩa nhất; rồi sau đó chúng ta muốn cầu nguyện gì hay xin gì tùy ý.

Ước gì một khi nhận ra được đâu là cách thức cầu nguyện phù hợp nhất và hiệu quả nhất, mỗi người sẽ gia tăng việc cầu nguyện trong nhịp sống đạo của mình, Nguyện xin Chúa Giêsu là Đấng đã dạy ta biết phải cầu nguyện thế nào, tiếp tục yêu thương và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường đời. Amen.

Lm. Antôn

 

SUY NIỆM 2:

Có nhiều định nghĩa về con người.
Con người là con vật biết sử dụng các dụng cụ.
Con người là con vật biết suy nghĩ đắn đo.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ.
Phải định nghĩa con người là con vật biết cầu nguyện,
nghĩa là có khả năng lắng nghe và đáp lời Thiên Chúa.
Con người là sinh vật biết chuyện trò với Tạo Hoá.
Cầu nguyện không phải là nói với một sự vật, một ý tưởng,
nhưng là nói với một Ðấng siêu vượt tôi,
mà lại rất gần gũi thân thương và biết tôi.
Ðấng ấy nói với tôi và nghe được lời tôi nói.
Có nhiều tâm tình khi ta cầu nguyện:
thống hối, tri ân, ca ngợi, thờ lạy, dâng hiến, nài xin.
Nài xin chẳng phải là điều hạ giá con người.
Con người cảm nghiệm được thân phận mong manh,
nên khiêm hạ đi tìm sự nâng đỡ.
Xin cho chúng con bánh cần dùng mỗi ngày.
Bánh vật chất, bánh tinh thần, Bánh Thánh Thể.
Bánh cho chúng con sự sống.
Xin tha thứ tội chúng con,
để chúng con được sống bình an sau những va vấp.
Xin đừng để chúng con sa chước cám dỗ.
Cơn cám dỗ lớn nhất là chỉ sống cho mình,
và khép lại trước Thiên Chúa và anh em.
Quỳ xuống cầu xin là thái độ của người biết mình,
biết những gì mình có thể làm được,
và biết những gì nằm ngoài tầm tay của mình.
Khi tương quan giữa Mỹ và Irak căng thẳng cực độ,
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã tới Bagdad
để thuyết phục phía Irak ký vào bản thoả thuận.
Lúc trở về, ông nói: “Tôi đặc biệt đã cầu nguyện nhiều.
Ðừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh của sự cầu nguyện.”
Chẳng phải chỉ cầu nguyện khi gặp chuyện khó.
Ðể hít thở bình thường cũng cần đến ơn trên.
Cần có thái độ kiên trì khi cầu nguyện.
Hãy cứ gõ cửa nhà Chúa trong đêm mịt mù.
Cần tập đứng đợi, tập quấy rầy Chúa.
Thế nào Ngài cũng mở cửa và cho mọi sự ta cần.
Hãy để Ngài tự do cho vào lúc và theo cách Ngài muốn,
dù điều đó không hợp với ước mơ của ta.
Lắm khi ta có cảm tưởng Ngài không nhận lời.
Có thể vì lời nài xin của ta đầy tính ích kỷ,
hay vì Ngài muốn dành cho ta một ơn lớn hơn.
Xin Ðức Giêsu dạy ta biết cách cầu xin,
đưa ta ra khỏi những bận tâm hẹp hòi về chính mình,
để thấy những nhu cầu lớn lao của Hội Thánh.
Ơn cao cả nhất mà chắc chắn Cha muốn ban cho ta
đó là Chúa Thánh Thần.
Có Thánh Thần là có niềm vui, sức mạnh, ánh sáng, sự sống.
Có khi nào ta nài xin Cha ban Thánh Thần chưa?

Cầu nguyện:

Con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con,
những ơn con thấy được,
và những ơn con không nhận là ơn.
Con biết rằng
con đã nhận được nhiều ơn hơn con tưởng,
biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên.
Con thường đau khổ vì những gì
Cha không ban cho con,
và quên rằng đời con được bao bọc bằng ân sủng.
Tạ ơn Cha vì những gì
Cha cương quyết không ban
bởi lẽ điều đó có hại cho con,
hay vì Cha muốn ban cho con một ơn lớn hơn.
Xin cho con vững tin vào tình yêu Cha
dù con không hiểu hết những gì
Cha làm cho đời con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu S.J

SUY NIỆM 3:

Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta thấy việc các môn đệ xin Chúa Giêsu dạy cho các ông cầu nguyện, và Chúa đã dạy cho các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Chúng ta hãy nhớ, không phải bất cứ điều gì các môn đệ xin điều được Chúa đáp ứng. Chẳng hạn như hai người con ông Dêbêđê là Giacôbê và Gioan xin Chúa Giêsu cho hai anh em của ông một người được ngồi bên hữu, một người được ngồi bên tả Chúa trong Nước Chúa, nhưng Chúa đã từ chối khéo, vì việc đó là việc của Chúa Cha (x. Mc 10,35-40). Hay câu chuyện khi Chúa Giêsu quyết định lên Giêrusalem để chịu chết, Chúa đã sai các môn đệ đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Samari để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giêrusalem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Giacôbê và ông Gioan nói rằng: "Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? " Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.” (Lc 9, 51-56).

Những hình ảnh đó minh họa cho chúng ta thấy việc các môn đệ xin Chúa dạy các ông cầu nguyện là một điều tốt lành, đẹp lòng Chúa, nên Chúa đã nhận lời các ông, và dạy các ông cầu nguyện bằng Kinh Lạy Cha.

Hiểu được như vậy, chúng ta thấy cầu nguyện là việc đạo đức tốt lành, nên chúng ta được mời gọi siêng năng cầu nguyện, đặc biệt là cầu nguyện với Kinh Lạy Cha, để Chúa cứu chúng ta khỏi sa chước cám dỗ, và chúng ta phải xác tín khi chúng ta cầu nguyện với Chúa như thế, chắc chắn Chúa sẽ nhận lời mỗi người chúng ta.

Chúng ta thường bị sai lầm trong cuộc đời là không nhận ra được giá trị của việc cầu nguyện. Chúng ta không nhận ra được giá trị của những nén bạc Chúa ban cho chúng ta để rồi chúng ta lãng phí đi, chúng ta làm cho nó tàn héo đi, do lòng ích kỷ của chúng ta.

Tôi có đọc được một bài viết với ý nghĩa: Con chim đậu trên cành không bao giờ sợ cành cây gãy. Vì niềm tin của nó đặt ở đôi cánh, chứ không bao giờ ở cành cây, được chia sẻ như sau: Ngày còn học tiểu học, tôi nhớ mãi một lần kiểm tra bị điểm kém. Mẹ buồn lắm, hỏi sao lại có kết quả như vậy. Tôi ấm ức bảo “Bạn cùng bàn không cho con chép. Các bạn khác vẫn chép nhau như thường, nhưng bạn ngồi với con ích kỷ, cứ che bài.” Ngày hôm ấy, tôi bị một trận mắng nhớ đời.

Năm lớp 8, tôi học dốt toán nhất nhì lớp. Tôi ngồi với hội bạn học giỏi, bài thi nào điểm cũng cao, lúc nào cũng “ngất ngưởng”. Nhưng mỗi lần lên bảng, không có ai bên cạnh “chỉ đường”, tôi cầm viên phấn nín thinh, tay chẳng viết nổi một chữ. Cô dạy toán có lần nói trước lớp, ý mỉa mai rằng nếu tôi không chịu tự học, thì chẳng đỗ nổi cấp 3. Tôi cũng đã từng mặc định rằng, mình sẽ không thể nào khá lên, dốt là dốt, thế thôi, làm sao thay đổi được? Tôi cũng đã từng mặc định rằng, mình sẽ không thể làm được điều gì tuyệt vời, như những người mà mình nhìn thấy ngoài kia. Nhưng rồi dần lớn, tôi biết mình đã sai thế nào. Thì ra, tôi đã luôn đổ lỗi cho hoàn cảnh, luôn trông chờ vào người khác, và chẳng đặt niềm tin vào chính bản thân mình. Và tôi thử tin mình nhiều hơn, trao cho “gã khổng lồ” trong mình nhiều cơ hội hơn thế. Và rồi tôi đỗ cấp 3, còn là á khoa trường chuyên của tỉnh. Điểm toán tôi thuộc “hàng xịn” trong lớp. Tôi khiến bố mẹ tự hào, khi ẵm hết giải học sinh giỏi, từ cấp trường, cấp tỉnh đến cấp quốc gia. Tôi làm được nhiều điều tuyệt vời hơn tôi tưởng, và luôn biết rằng mình có thể làm được nhiều hơn thế.

Câu chuyện này cho thấy em học sinh đã nhận ra được khả năng của mình để mà cố gắng trong việc học tập và em đã thành công. Xin cho chúng ta cũng nhận ra được giá trị của việc cầu nguyện để siêng năng cầu nguyện chắc chắn chúng ta sẽ thành công. Amen.

Lm. Tôma Lê Duy Khang

SUY NIỆM 4: XIN ĐÚNG - CẦU ĐỦ

Cầu nguyện là một nhịp sống của người kitô hữu, Kitô hữu không cầu nguyện chẳng khác nào như trồng cây mà không chăm bón, tưới gội. Vì lẽ ấy hôm nay phụng vụ nhắc nhở chúng ta cách thức cầu nguyện

1. Xin đúng

Thánh Giacôbê nói: “Anh em xin mà không được, vì anh em xin không đúng”. Vậy xin như thế nào với đúng?

Nhân việc có một môn đệ đến xin Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, xin dạy chúng con cầu nguyện, cũng như ông Gioan dạy môn đệ của ông”. Nhân đây Chúa đã dạy các môn đệ và cũng là cách cầu nguyện đúng ý Thiên Chúa.

Chúa dạy: Khi cầu nguyện anh em hãy nói: “Lạy Cha”. Lời cầu nguyện phải trong tương quan Cha con, xóa đi khoảng cách Vua – tôi, Chủ - Tớ. Vì thế cầu nguyện là phải có những giây phút thân tình, gắn bó, hàn gắn những rạng nứt tương quan. Một khi tương quan đang có sự bất bình thì cuộc giao tiếp khó mà thành công.

“Xin làm cho danh Cha vinh hiển, triều đại Cha mau đến”. Người con phải mặc lấy tâm tình của Cha, đi vào trái tim của Cha, suy nghĩ của Cha, thao thức của Cha. Một  bà cụ vào tòa xưng tội, bà cụ thưa với cha giải tội rằng: Thưa cha, con hay bị chia trí khi đọc kinh, cha giải tôi hỏi chia trí làm sao? Bà cụ trả lời, mỗi khi con đọc kinh lạy Cha, con chỉ đọc được câu “lạy Cha cúng con ở trên trời”, là tâm hồn con nghĩ miên man về khuôn mặt Chúa, vòng tay của Chúa, và con chẳng đọc trọn vẹn hết kinh và chẳng xin được điều gì. Cha giải tội nói vậy là tuyệt vời rồi, các thánh cầu nguyện cũng chỉ như vậy mà được làm thánh, bà cụ cứ tiếp tục ở trong trái tim và trong lòng Thiên Chúa, Chúa chỉ cần như vậy.

Một khi đã ở trong trái tim của Cha, thì xin những điều hợp ý Cha. Tiên Tri Gio na được Thiên Chúa sai đến thành Ninivê loan báo sự ăn năn thống hối, và khi họ đã nhận ra đường tội lỗi và ăn năn trở lại, vì thế Thiên Chúa không án phạt, điều này đã làm cho ông tức giận với Thiên Chúa, giả như Chúa cho tàn phá thì ông cảm thấy thích hơn. Vì thế Thiên Chúa cho một sự kiện xẩy ra, là khi ông đang nằm bên gốc cây thầu dầu, thì cây bị sâu ăn mà chết khô, ông mới buồn phiền mà trách Thiên Chúa. Nhân đây Thiên Chúa dạy ông một sứ điệp: "Ngươi, ngươi thương hại cây thầu dầu mà ngươi đã không vất vả vì nó, và không làm cho nó lớn lên; trong một đêm nó đã sinh ra, rồi trong một đêm lại chết đi. 11 Còn Ta, chẳng lẽ Ta lại không thương hại Ni-ni-vê, thành phố lớn, trong đó có hơn một trăm hai mươi ngàn người không phân biệt được bên phải với bên trái, và lại có rất nhiều thú vật hay sao?". Hơn nữa, mong được Thiên Chúa thương xót, thì cũng phải thương xót anh em, mong được Thiên Chúa tha thứ, thì cũng phải tha thứ anh em. Đây mới thực sự là người con của Thiên Chúa, trái lại không được gọi là con mà phải mang tên là “tên đầy tớ gian ác”.

2. Xin đủ

Chúa Giêsu dạy: “Xin Cha cho chúng con ngày nào có lương thực ngày ấy”. Không phải Chúa muốn chúng ta có cuộc sống bấp bênh, nhưng là cuộc sống tín thác, như Chúa Giêsu đã từng dạy: “Hãy nhìn xem chim trời, chúng không gieo không gặt, không thu vào lẫm, thế mà Cha trên trời vẫn nuôi chúng. Nào các con không hơn chúng sao?”. Cầu nguyện với lòng tín thác, đó mới là sức mạnh.

Lạy Chúa xin dạy chúng con biết cầu nguyện để đi vào cung lòng của Chúa.

Lm.Tam Thái.

SUY NIỆM 5: MỘT NGUYÊN LÝ NỀN TẢNG: LẠY CHA CHÚNG CON…

Có người nói rằng các tông đồ và Kitô hữu ngày xưa hơi bị khỏe vì chỉ đọc có một kinh duy nhất: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. Ngày nay thì đủ các thứ kinh, đọc mỏi miệng luôn. Đọc mỏi miệng mà không biết có sống đức tin đẹp ý Chúa không nhỉ? Một câu hỏi khiến chúng ta phải giật mình để xem lại kiểu cách sống đức tin của mình. Giáo hội minh nhiên khẳng định tầm quan trọng của lời kinh duy nhất mà Chúa Giêsu truyền dạy. Trong các cử hành Phụng vụ (việc thờ phượng công khai chính thức của Giáo hội) thường luôn có kinh Lạy Cha. Và chúng ta phải xác tín rằng nội hàm của lời kinh này chính là nền tảng của đời sống đức tin.

Đến thế gian này sứ mạng chủ yếu của Đức Kitô là mạc khải cho nhân loại chân lý. Lời khẳng định của Chúa Giêsu với Philatô trước khi chịu khổ hình thập giá: “Phải Tôi là Vua, Tôi đến thế gian này là để làm chứng cho chân lý…” (x.Ga 18,37). Chân lý nền tảng mà Người rao giảng và làm chứng bằng cả cuộc đời, nhất là cuộc khổ nạn-phục sinh đó là Đấng dựng nên vũ trụ đất trời, Đấng mà rất nhiều người tin nhận là ông Trời, là Đấng Tạo Hóa chính là Cha Toàn Năng Chí Ái. Tin nhận Người là Cha thì chúng ta phải nhìn nhận và đón nhận nhau như anh chị em một nhà với Người Anh Cả là Giêsu Kitô. Người không chỉ gọi Cha trên trời là “Abba” (ba ơi, bố ơi) mà còn dạy các môn đệ và chúng ta lời kinh duy nhất: Lạy Cha chúng con ở trên trời…”

Đây là nguyên lý nền tảng của đức tin Kitô giáo. Là con cái thảo hiếu thì việc làm rạng rỡ gia phong là điều tất yếu hàng đầu: “Nguyện Danh Cha cả sáng; Nước Cha trị đến”. Và một cách thế bày tỏ lòng hiếu thảo đẹp lòng đấng sinh thành đó là làm hiện thực hóa ý nguyện của các ngài: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”. Xin đừng quên là chính chúng ta phải hân hoan và tích cực thực hiện những nội hàm mà chúng ta dâng trong lời kinh Lạy Cha.

Đạo thảo hiếu với bậc sinh thành đòi hỏi chúng ta phải sống với nhau trong tình hiếu đễ huynh đệ, tỉ muội một nhà. Như thế việc sống liên đới, tương thân tương ái với nhau từ chuyện cơm áo gạo tiền đến các mối liên hệ tinh thần khác là điều tất yếu. Cha trên trời đã đoái ban sức khỏe, các khả năng và những điều kiện tự nhiên thì chúng ta phải biết tổng hợp chúng lại để có vật chất đủ đầy tương xứng cho bản thân và cho những anh chị em nghèo hèn, kém phận và thiếu may mắn hơn chúng ta. “Xin Cha cho chúng con lương thực hằng ngày”. Đã nhìn và nhận nhau là anh chị em một nhà thì việc lượng thứ cho nhau về những lỗi phạm vô tình và thậm chí hữu ý là chuyện đương nhiên phải có. “Xin Cha tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha kẻ có tội với chúng con”.

Bài đọc thứ nhất minh họa cho sự thật xuất bởi chân lý đức tin nền tảng ở trên. Ngôn sứ Giona sau khi chứng kiến việc Chúa tha thứ cho vua quan và dân thành Ninivê vì họ đã ăn năn sám hối thì đã “làm lẫy” với Chúa. Sau khi rao giảng xong, ông ra ngoài thành ngồi dưới bóng mát một cây dây dưa chờ xem Chúa phạt cả thành. Bỗng có con sâu cắn chết cây dây dưa, ông nóng nực quá nên bực mình xin Chúa cho chết quách cho xong. Thực ra ông bực mình vì thấy Chúa không phạt mà lại tha cho cả thành Ninivê. Và Chúa đã mở mắt mở lòng cho Giona: “Ngươi buồn bực vì dây dưa mà người không mất công vun trồng… Chớ thì Ta không tha thứ cho Ninivê, một thành phố rộng lớn, trong đó có trên một trăm hai mươi ngàn người chưa biết phân biệt tay tả tay hữu mình thế nào, và nhiều súc vật sao?” (Gn 4,9-11). Nếu nghe được lời mạc khải của Con Thiên Chúa làm người, Giêsu Kitô thì hẳn ngài Giona sẽ hiểu là dân thành Ninivê cũng là con của Cha trên trời và chính ông, Giona là anh em của họ.

Khắc ghi chân lý nền tảng của đức tin thì chúng ta không chỉ tránh được nhiều điều đáng tiếc, đáng trách mà còn biết sống liên đới với nhau trong tình yêu thương. “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”. (Không phải “Lạy Cha của con hay của riêng con” đâu !). Lời kinh này không thể chỉ ở trên môi miệng mà phải được hiện thực hóa bằng cuộc sống. Vì đó là kinh duy nhất mà Chúa Giêsu truyền dạy.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

 

SUY NIỆM 6: DANH THÁNH CHA VINH HIỂN 

Đức Giêsu cầu nguyện là một hình ảnh  đẹp,  cuốn  hút   các   môn   đệ. Điều đó thôi thúc các ông thân thưa với Người: “Thưa thầy xin dạy chúng con cầu nguyện” (Lc 11,1). Đáp lại ước nguyện đó, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ cầu nguyện bằng kinh Lạy Cha, mở đầu với lời cầu xin: “Lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Lc 11,2).

Đức Giêsu đã không dạy các môn đệ cầu xin điều này, điều kia trước. Nhưng, trước hết, Người dạy các ông: “khi cầu nguyện, anh em hãy nói: ‘lạy Cha, xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển’” (Lc 11,2). Đó phải là lời cầu nguyện nền tảng. Quả vậy, Đức Giêsu đến trần gian để mạc khải cho con người về danh thánh vinh hiển của Thiên Chúa. Biết bao công việc tốt đẹp mà Đức Giêsu đã làm cùng những giáo huấn của Người không nhằm mục đích nào khác hơn là để thánh ý Thiên Chúa được thực thi và danh Cha được vinh hiển. Nhìn về hành trình rao giảng của Đức Giêsu, không ít lần Người đã được đám đông tung hô và thán phục. Thế nhưng, Người đã không vì lẽ đó mà tìm cách vinh danh mình, trái lại, tất cả đều nhằm làm danh thánh Cha vinh hiển. Thật vậy, Đức Giêsu đã nêu gương cho các môn đệ không chỉ trong lời cầu nguyện mà còn bằng chính cuộc sống.

Quả thế, lời cầu nguyện “xin làm cho danh thánh Cha vinh hiển” (Lc 11,2) cũng phải trở thành sứ vụ của người môn đệ Đức Giêsu. Người môn đệ không thể chỉ lo tìm cách làm vinh danh bản thân. Đối lại, học nơi gương Thầy Giêsu, mỗi người phải ra sức cầu nguyện và sống chứng nhân để làm cho danh thánh Cha được vinh hiển. Bên cạnh đó, lời cầu nguyện này cũng tựa như kim chỉ nam hướng dẫn người môn đệ trong lời nói, suy nghĩ và việc làm. Nhờ đó, cuộc sống của chúng ta mỗi ngày một thăng tiến hơn, hầu xứng đáng với lời thân thưa “lạy Cha”.

Lạy Chúa, cảm tạ Chúa về lời kinh tuyệt hảo mà Chúa Giêsu đã dạy cho chúng con. Xin Chúa cho chúng con biết năng cầu nguyện với lời kinh Lạy Cha và can đảm sống chứng nhân hầu làm sáng danh Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.

Tu sĩ Phanxicô X. Nguyễn Trí Long, SVD

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây