THỨ SÁU TUẦN VI THƯỜNG NIÊN
Mc 8,34–9,1
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Mác-cô.
8:34 Khi ấy, Chúa Giêsu gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.
35 Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.
36 Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì ?
37 Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình ?
38 Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người”.
9:1 Chúa Giêsu còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực”.
SUY NIỆM: MẤT ĐỂ ĐƯỢC
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta dừng lại ở hai từ “Mất” và “Được”. Trước hết, chúng ta đến với từ “mất”. Động từ “mất” có thể mang những ý nghĩa sau: (1) phá huỷ, giết chết; (2) chịu đựng sự mất mát; (3) tiêu tan; (4) bị mất. Động từ này được sử dụng trong Tin Mừng hôm nay diễn tả sự mất mát, sự phá huỷ và tiêu tan cả về đời sống vật chất thế gian và đời sống thiêng liêng vĩnh cửu. Còn động từ “được” có nghĩa: cứu được; dành được; được lợi; đổi lại được. Động từ “được” bao hàm cái “Được” của đời sống thể lý và đời sống thiêng liêng. Tuy nhiên, điều nghịch lý ở đây là: cái “Được” của đời sống vật chất thế gian lại là cái “Mất” của đời sống thiêng liêng. Và ngược lại, cái “Mất” của đời sống vật chất là cái “Được” của đời sống thiêng liêng. Đức Giê-su quả quyết: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35). Đức Giê-su đưa ra tiêu chuẩn này không có ý đòi chúng ta phá huỷ chính mạng sống của mình, nhưng đòi chúng ta từ bỏ những gắn bó vật chất thế gian cái làm cho chúng ta vui thú cuộc sống chóng qua đời này mà quên mất sự sống vĩnh cửu đời sau. Tóm lại, Đức Giê-su muốn những người môn đệ của Chúa hành động một cách khôn ngoan, can đảm và dám đánh đổi những gì ngắn ngủi, chóng tàn phai để có được sự sống vĩnh cửu. Quả thật, như Vịnh gia đã nói:
Ngày vận hạn cớ chi phải sợ, lúc bọn gian manh theo sát bủa vây tôi?
Chúng cậy vào của cải, lại vênh vang bởi lắm bạc tiền.
Nhưng nào có ai tự chuộc nổi mình và trả được giá thục hồi cho Thiên Chúa?
Mạng người dù giá cao mấy nữa, thì rồi ra cũng chấm dứt đời đời.
Nào phàm nhân sống mãi được sao mà chẳng phải đến ngày tận số?
(Tv 49,6-10)
Lm. An-tôn Trần Văn Phú
SUY NIỆM: ĐIỀU KIỆN ĐỂ THEO CHÚA
1. Sau khi khiển trách Phêrô đã ngăn Ngài đi vào con đường Thập giá, Đức Giêsu đã dạy các môn đệ muốn làm môn đệ Ngài thì cũng phải đi theo con đường Thập giá của Ngài :”Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình hằng ngày mà theo Tôi” (Mc, 8,34). Xem ra từ bỏ và vác thập giá là đi vào con đường chết, nhưng thật ra đó là con đường dẫn đến sự sống thật :”Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Tôi và Tin Mừng thì sẽ cứu được mạng sống ấy” (Mc 8,35).
2. Sau khi các môn đệ đã tuyên xưng cách rõ ràng Ngài là Đấng Thiên Sai: ”Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”(Mt 16,16), Đức Giê-su bắt đầu tỏ cho các ông biết: ”Ngài sẽ phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và luật sĩ, rồi ngày thứ ba sẽ sống lại”. Ở đây có nghĩa là Đức Giê-su mở ra một giai đoạn mới, trong giai đoạn mới này Ngài muốn mạc khải về cuộc khổ nạn và phục sinh của Ngài. Vì thế, Đức Giê-su đã tuyên bố rõ ràng cho các môn đệ và những người đang theo Ngài giảng: ”Ai muốn đi theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo”(Mc 8,34).
3. THEO ở đây không có nghĩa là chỉ chấp nhận giáo lý của Ngài, không phải là chỉ mang tên môn đệ của Ngài, mà có nghĩa là bước theo chân Ngài, gắn kết với Ngài, lấy Ngài làm lẽ sống “sự sống của tôi là Đức Ki-tô”, giống như cô gái theo một chàng trai. Cô nàng phó thác con người mình cho chàng, cùng chung số phận với chàng, sống chết với chàng, không khó khăn nào có thể làm cho họ lìa bỏ nhau:
Đi đâu cho thiếp theo cùng
Đói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam.
Trong lời mời gọi của Đức Giê-su, chúng ta nên để ý đến hai chữ “NẾU” và “THÌ”. Khi dùng chữ “nếu” thì luôn giả thiết lời mời gọi ấy hoàn toàn có tính cách tự do, tự nguyện, muốn theo cũng được, không theo cũng được. Nếu không theo thì thôi, còn nếu đã theo là phải bắt buộc dùng chữ “thì”, vì đây là điều kiện bắt buộc, “điều kiện sine qua non”, không có không được. Như vậy, muốn theo Chúa thì phải thực hiện hai điều kiện ấy.
4. Từ bỏ chính mình.
Quả vậy, muốn theo Chúa thì phải khước từ tất cả những cản trở bên ngoài như tha nhân, xã hội, tạo vật… và do bên trong như chính bản thân mình là các khuyết điểm, thói hư tật xấu, tội lỗi…
Đức Thánh Cha Phao-lô VI trong buổi triều yết chung cho giáo dân ngày 11/03/1970 đã nói: ”Đối với chúng ta những người thời nay, một trong những khía cạnh ít được hiểu biết nhất và cũng có thể nói ít được thiện cảm nhất trong đời sống Công giáo: đó là sự từ bỏ.
Từ bỏ mình tức là từ bỏ ý riêng mình mà chấp nhận thánh ý Chúa. Người ta nói: 3 với 4 là 7, có đúng không? Chưa đúng. Muốn thực hiện 3 với 4 là 7 thì phải làm sao cho tan rã hai con số 3 và 4, rồi đúc nó lại thành con số 7 mới được. Chớ cứ để 3 và 4 kề nhau mãi thì làm gì thành 7 được, mà vẫn là 3,4. Cũng thế, muốn từ bỏ chính mình là phải làm tan ý riêng của ta cho hòa vào ý Chúa, lúc đó chúng ta mới thực sự là từ bỏ chính mình.
5. Vác thập giá mình.
Theo Chúa là phải nỗ lực, cố gắng trong việc chấp nhận những đòi hỏi của Tin Mừng trong sự chịu đựng và kiên trì trong việc vác thập giá hằng ngày. Thập giá là những gian nan thử thách, những đau khổ cả tinh thần lẫn thể chất… trong cuộc sống hằng ngày mà mỗi người phải chịu.
Trong đời sống Ki-tô hữu, ai cũng phải vác thập giá vì không ai có thể trốn tránh được đau khổ. Đau khổ chính là thập giá chúng ta phải vác hằng ngày. Công việc của chúng ta là phải vác như thế nào: tự nguyện hay miễn cưỡng? Theo kinh nghiệm của chúng ta và cũng là của thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng, nếu ai vác bổng thánh giá lên thì sẽ thấy nó nhẹ, còn ai vác uể oải hay kéo lê thì thánh giá sẽ trở nên nặng nề. Tuy nhiên, Chúa biết sức chịu đựng của từng người, có người Chúa trao cho thánh giá nặng, có người Chúa trao cho thánh giá nhẹ, nhưng thánh giá nào cũng vừa sức cho mỗi người.
6. Truyện: Thánh giá vừa sức mình.
Câu truyện ngụ ngôn dưới đây chứng minh điều đó: có một người luôn than van những nỗi khổ cực của mình. Một tối kia, thiên thần hiện đến phán bảo:
– Con hãy theo ta ra nghĩa địa, nơi đó người ta để lại thánh giá của mình. Con hãy mang thánh giá của con ra để đó và hãy lựa thánh giá vừa sức con.
Ông ta mang thánh giá của mình ra quăng nơi nghĩa địa, ông bắt đầu chọn cái khác nhẹ hơn, ông tìm kiếm mãi mà không được: có cây quá là dài, cây quá ngắn, có cây thì nhẹ nhưng sù sì, khó vác, có cây thì trơn tru nhưng nặng quá, và sau cùng ông nói với thiên thần:
– Thưa thiên thần, cây nào cũng khó vác quá, chỉ có cây con định vứt đi là vừa với con thôi.
Thiên thần yên ủi:
– Phải, Chúa đã trao cho con một cây thánh giá vừa sức, con hãy vui lòng vác đi, đừng than van gì nữa.
Lm. Giu-se Đinh Lập Liễm
SUY NIỆM: THẬP GIÁ ĐỨC KITÔ
Câu chuyện:
Có một người kia được Chúa cho vác một cây thập giá. Nhưng anh ta không chịu nổi, anh đến xin Chúa cho đổi cây thập giá khác. Chúa bằng lòng: “Ngoài nghĩa địa có vô số thập giá đủ loại. Con cứ ra đó muốn chọn cây nào tùy thích”.
Dưới ánh trăng mờ trên nghĩa địa, anh ta đã thở phào nhẹ nhõm vứt cây thập giá của mình và loay hoay chọn cây khác. Nhưng anh tìm mãi vẫn không được: Cây thì quá dài, cây thì quá ngắn, có cây nhẹ nhàng nhưng xù xì khó vác, có cây trơn tru nhưng nặng quá…
Và rồi đêm nào cũng thế, cho đến một lần kia anh tìm được cây thập giá vừa ý nhất, nhẹ nhàng và êm ái nhất, vác về nhà. Nhưng ôi khi nhìn kỹ lại thì ra đó chính là cây thập giá đầu tiên mà Chúa đã trao cho anh ngày nào! (Trích “Phúc”).
Suy niệm
Người môn đệ Chúa Kitô tham dự vào mầu nhiệm thập giá của Đức Kitô, với tâm tư con người đó là nghịch lý: Ngài đã chỉ đạt được vinh quang thiên sai nhờ đi qua khổ nạn và cái chết, theo chương trình của Thiên Chúa như ngôn sứ Isaia loan báo về tư thế của người tôi tớ đau khổ (Is 50,5-9a).
Cho nên, ai tự nhận mang danh môn đệ của Chúa Kitô, là “Kitô hữu”, được mời gọi bước vào sống mầu nhiệm nghịch lý thập giá của Đức Kitô, chấp nhận đau khổ vì Đức Kitô. Như tông đồ Phaolô đã trải nghiệm và gợi mở sống mầu nhiệm vác thập giá của người môn đệ Chúa Kitô: “Hiện nay tôi vui sướng trong những đau khổ tôi phải chịu vì anh em. Tôi bổ khuyết nơi thân xác tôi những gì còn thiếu sót trong cuộc thương khó của Ðức Kitô, để Hội thánh là thân xác của Người được nhờ” (Cl 1,24-25).
Khi hiểu được ý nghĩa cao quý của thập giá, chúng ta bước theo Thầy với thập giá hằng ngày và hãnh diện như thánh Phaolô nói với tín hữu Galata: “Tôi chẳng hãnh diện điều gì ngoài thập giá Đức Kitô” (Gl 6,14).
Lạy Chúa Giêsu, trên bước đường thập giá Ngài đi, trong tư cách là môn đệ của Chúa:
“Xin cho con bước đi theo Ngài, xin cho con cùng vác với Ngài, thập giá trên đường đời con đi. Lạy Chúa, xin cho con đóng đinh với Ngài, xin cho con cùng chết với Ngài, để được sống với Ngài vinh quang”.
Ý lực sống: “Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người” (2Tm 2,11).
Lm. Nguyễn Vinh Sơn SCJ
SUY NIỆM: "ĐIỀU KIỆN LÀ ZERO"
Trong cuộc sống, chúng ta muốn đạt được một điều gì đó thì phải ra sức nỗ lực cố gắng để giành lấy điều đó và có khi chúng ta phải đánh đổi một điều gì đó. Có khi là sức khỏe, thời gian, tình yêu, những thú vui riêng...Rất nhiều thứ ta phải từ bỏ và rất nhiều thứ ta phải làm tất cả vì điều ta mong muốn. Chẳng hạn như một học sinh muốn có kết quả loại giỏi thì cậu học trò ấy phải nỗ lực học tập, phải gạt bỏ thời gian vui chơi. Hay một người muốn có một cuộc sống đầy đủ về kinh tế thì họ phải ra sức lao động. Thế đó, chúng ta vẫn biết rằng cuộc sống tạm bợ là nay đây mai đó, thế mà chúng ta phải cố gắng từng ngày. Và tất nhiên để có một cuộc sống mai hậu tốt đẹp hơn thì mỗi người đều phải rèn luyện. Thế chúng ta đã chuẩn bị gì cho tấm vé vào Nước Trời?
Tin Mừng hôm nay nói: Ai muốn theo Đức Giêsu, phải từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo Người. Quả thật, nếu chỉ nghe thôi thì xem như Đức Giê-su đặt ra một điều kiện quá khắt khe. Nhưng suy nghĩ kỹ và xét theo cái lý thì Đức Giê-su đưa ra một điều kiện xem ra quá dễ dàng. Mà hơn thế nữa Đức Giê-su còn thông cảm cho chúng ta. Bởi lẽ, muốn theo Đức Giê-su mà chỉ có vác thập giá của mình thôi thì thật ra đòi hỏi này có gì mà vượt sức của người môn đệ. Giả tỷ, nếu Đức Giê-su đòi hỏi người theo Đức Giê-su phải vác thập giá của Người thì ta có thể nói là khó khăn. Nhắc lại điều này để chúng ta cảm nhận được Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho chúng ta quá đỗi lớn lao hay nói cách nhưng không. Mà thật sự là thế, chính Đức Giê-su đã chết vì chúng ta. Người không đòi hỏi bất cứ một điều kiện nào nơi chúng ta. Có chăng việc vác thập giá mình giúp chúng ta sống ý thức và trách nhiệm cho cuộc sống của ta hơn. Như thánh Phaolo nói : Vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội. Nhờ thế, khi Đức Giê-su Ki-tô tỏ hiện, đức tin được tinh luyện sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự (1Pr 1,7).
Lạy Chúa Giê-su, người thầy của tình yêu, của chân lý. Xin Chúa thương đón nhận chúng con là những môn sinh dầu bất toàn, dầu lỗi tội nhưng chúng con luôn cần đến Chúa để mỗi người chúng con đủ sức vác thánh giá đời mình mà bước theo chân Chúa, và mong ước có ngày sum vầy bên Nước Trời hằng sống. Amen!
Tân Quang
SUY NIỆM: THEO CHÚA GIÊSU
Khi nhìn về hoạt động của Giáo Hội giữa thế giới hôm nay, có người ghi nhận rằng Giáo Hội hiện tại rất đa năng đa dạng, Giáo Hội có thể có mặt một cách khéo léo và hiệu quả trong hầu hết mọi lãnh vực của đời sống con người; nhưng đôi khi Giáo Hội đã bỏ quên một sở trường có thể là quan trọng nhất, đó là làm người phát ngôn bảo vệ các giá trị tuyệt đối của Tin Mừng và bảo vệ cho đến cùng như được nhắc lại trong Tin Mừng hôm nay.
Sau khi nghe Phêrô nói lên sự thật: “Thầy là Ðức Kitô”, thì Chúa Giêsu xác định rõ hơn thế nào là Kitô theo quan điểm của Thiên Chúa. Chúa Giêsu không ngần ngại minh định tư cách Kitô của mình, đó là một Ðấng Kitô theo hình ảnh của Người Tôi Tớ Yavê như được nhắc đến trong sách Tiên tri Isaia. Ngài sẽ không là Ðấng Kitô theo ý riêng của mình, nhưng hoàn toàn theo ý Thiên Chúa Cha như đã được tiên báo nơi hình ảnh người tôi tớ Yavê và ngày càng được mạc khải rõ hơn nơi Người Con yêu dấu của Thiên Chúa; Thiên Chúa muốn Ngài hoàn thành kế hoạch bằng chính đau khổ và cái chết của Ngài. Mạc khải ấy lẽ ra phải được các môn đệ đón nhận với cảm thông và chia sẻ. Phêrô đã đại diện các Tông đồ để tuyên xưng: “Thầy là Ðức Kitô”, nhưng chỉ tiếc liền sau đó, ông đã không hoàn toàn cảm nghĩ theo cách thức Thiên Chúa, nhưng đã theo cách thức nhân loại. Phêrô phản đối thái độ vâng phục của Chúa Giêsu, và một cách vô tình, ông đã lôi kéo Ngài ra khỏi tư cách Kitô.
Chúa Giêsu chẳng những quở trách Phêrô, Ngài còn đưa ra một giáo huấn quan trọng: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”. Từ nay cả Phêrô lẫn những ai muốn làm môn đệ Chúa đều phải sống thân phận tôi tớ như Chúa. Nhưng Ngài còn thêm: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất”. Làm tôi tớ Thiên Chúa, từ bỏ chính mình, vác thập giá, đồng nghĩa với chấp nhận hy sinh mạng sống mình vì Tin Mừng. Nếu có bao giờ con người cảm thấy ngại ngùng với những yêu sách đó, thì cần phải nhớ một lời cảnh giác của Chúa cũng như trong bối cảnh đó: “Ai hổ thẹn chối Ta và các lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn chối nó, khi Ngài đến trong vinh quang Cha Ngài với các thánh thiên thần.”
Ðành rằng con đường của Chúa là cả một đoạn trường, nhưng đã là môn đệ Chúa và muốn thi hành số mệnh của mình, chúng ta không còn một chọn lựa nào khác. Xin Chúa cho chúng ta can đảm sống đúng tư cách môn đệ của Chúa, mạnh dạn thực hiện những đòi hỏi của Tin Mừng, để ngày nay Danh Chúa được mọi người nhận biết và mai sau chúng ta được Chúa đón nhận vào Nước Trời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)