THỨ SÁU TUẦN XXIX THƯỜNG NIÊN
Lc 12,54-59
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.
54Đức Giêsu cũng nói với đám đông rằng: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. 55Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. 56Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét ?
57 “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải ? 58Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. 59Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng”.
SUY NIỆM: LÀM HÒA VỚI ANH EM
Kính thưa cộng đoàn,
Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe muốn nhắn nhủ với chúng ta điều này, đó là mỗi người hãy sống công chính trước mặt Thiên Chúa và trước mặt người đời.
Trong thư gởi tín hữu Epheso, Thánh Paul kêu gọi chúng ta hãy sống công chính để xứng đáng với ơn gọi làm người kitô mà chính Chúa đã ban cho chúng ta.
Thánh Paul còn cho biết sống công chính là phải sống như thế nào: Đó là sống khiêm tốn, hiền từ và nhẫn nại; đó là người biết lấy tình bác ái mà đối xử với nhau; và đặc biệt, Ngài nhấn mạnh người sống công chính là người biết duy trì sự hiệp nhất trong Hội Thánh qua cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau.
Và lý do chúng ta phải sống như thế, đó là chúng ta cùng chịu chung 1 phép rửa, chúng ta có chung 1 đức tin và có cùng 1 niềm hy vọng.
Còn trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết người công chính không phải là người không bao giờ phạm tội, nhưng là người nhận ra được lầm lỗi của mình và chân thành nhìn nhận; chứ đừng đợi đến khi người khác phát hiện, khi người ta tố giác thì lúc đó chúng ta phải trả lẽ cho những việc mình làm.
Làm người ai mà không có những lỗi lầm phải không thưa anh chị em? Chuyện hàng xóm láng giềng, xui gia bạn hữu giận hờn, cãi vã thì làm sao mà tránh được.
Ngay cả đến vợ chồng với nhau từng thề non hẹn biển, nhưng rồi cũng có những lúc lục đục, cơm không lành canh không ngọt; có những lúc anh ơi em ơi, mình ơi mình à – ngọt như mật; nhưng cũng có lúc ông bà, mày tao nghe thật chua chát.
Tuy rằng những điều đó chẳng ai muốn nhưng làm sao tránh khỏi những chuyện như thế! Điều quan trọng là chúng ta có nhận ra được điều đó là không nên, không đúng, để chủ động làm hòa với nhau hay không; chúng ta có biết đó là những hành động bất chính, để rồi từ bỏ mà sống công chính tử tế với nhau hơn hay không mà thôi!
Trong tương quan với Thiên Chúa cũng vậy, Chúa ghét tội chứ Ngài không ghét các có tội, miễn là người đó biết ăn năn sám hối lỗi lầm. Do đó, nhở 1 lúc nào chúng ta làm mất lòng Chúa thì hãy thành tâm thú nhận với Ngài qua Bí Tích Hòa Giải để được giao hòa với Chúa, chứ đừng che giấu trong lòng đợi đến ngày phán xét thì chúng ta cũng trả đến đồng xu cuối cùng.
Chúa cần nơi chúng ta lòng nhân chứ không cần hy lễ. Chính vì thế mà ngay lúc này, nếu ai đang còn giận hờn, oán tránh hay bất bình với chồng với vợ, với con cái, hay với bất kì ai, thì hãy sẵn sàng tha thứ cho họ. Mỗi người hãy hứa với Chúa là ngay sau Thánh lễ này tôi sẽ chủ động làm hòa với anh chị em.
Có như thế thì của lễ mà chúng ta sắp tiến dâng trên bàn thờ Chúa đây mới thật sự là lễ dâng đẹp lòng Thiên Chúa. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM: LÀM HÒA VỚI NHAU
Có hai người thổ dân Nam Phi rất ghét nhau; ngày kia một trong hai người gặp con gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Tên ấy nổi sùng bắt cô gái, lấy dao chặt hai ngón tay rồi thả ra. Cô bé vừa chạy về vừa khóc, bàn tay máu chảy ròng ròng. Còn tên hung thủ vừa đi vừa la lớn : “Trả được thù rồi”.
Ngày tháng qua đi, thấm thoát mười mấy năm, cô gái đã có chồng con. Một hôm có một tên ăn mày tới xin ăn. Người đàn bà nhận ra đó là kẻ chặt tay mình, vội vàng trở vào nhà bảo đầy tớ đem sữa bánh ra cho ăn. Khi kẻ kia ăn no rồi, người đàn bà liền giơ bàn tay cụt ra cho coi mà rằng : “Tôi cùng đã trả được thù rồi”.
Tên ăn mày xúc động khóc ngất. Riêng bà kia vì đã trở lại đạo nên hiểu rằng : “Đừng lấy ác báo ác, hãy chú tâm vào những điều mọi người cho là tốt. Trái lại, kẻ thù ngươi có đói, hãy cho nó ăn; có khát, hãy cho nó uống” (Rm 12,17.20).
Chúa Giêsu dạy chúng ta trong bài Tin Mừng hãy làm hòa với nhau: “Khi ngươi cùng với kẻ đối phương ra trước mặt quan quyền, thì đang lúc đi dọc đường, ngươi hãy cố lo liệu cho ổn thoả với nó đi, kẻo nó lôi ngươi đến trước quan toà, và quan toà trao ngươi cho lý hình và lý hình tống ngươi vào ngục.”
Tha thứ cho kẻ thù đã làm hại mình, quả là hết sức khó. Tuy nhiên, Chúa muốn chúng ta hãy tỉnh táo suy nghĩ, đừng để mình có hành động “trả thù” giống như người thổ dân trong câu truyện đã chặt tay cô gái con của kẻ thù, mà hãy có hành động cao thượng như người đàn bà bị kẻ thù chặt hai ngón tay đã lâu; bà đã biến thù hận thành tình thương, nhân từ, rộng lượng với kẻ thù của mình, và sai đầy tớ giúp cho kẻ thù có của ăn lúc túng cực.
Áp dụng Lời Chúa hôm nay vào cuộc sống, chúng ta đừng trả thù, không lấy ác báo ác, nhưng lấy tình thương tha thứ (x.Rm 12, 17.20) mà bỏ qua tất cả để làm hòa với nhau, đó là tinh thần của Chúa, tinh thần của Lời Chúa dạy : “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau”. (Cl 3,13)
Khi vấn đề nghiêm trọng và chúng ta cảm thấy không thể bỏ qua, hãy đến gặp người kia để làm hòa. Hãy cố gắng giải quyết vấn đề theo các cách sau:
1- Không chậm trễ: “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình.” (Mt 5,23-24).
2- Kín đáo : “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã chinh phục được người anh em”. (Mt 18,15)
3- Ôn hòa : “Vậy chúng ta hãy theo đuổi những gì đem lại bình an và những gì xây dựng cho nhau. ” (Rm 14,19).
4- Hãy nhịn nhục : “Đừng để điều ác thắng mình, nhưng luôn lấy điều thiện thắng điều ác” (Rm 12,21).
Lạy Chúa từ nhân,
Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người.
Lạy Chúa, xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa
Ðể con đem yêu thương vào nơi oán thù,
Ðem thứ tha vào nơi lăng nhục
Ðem an hoà vào nơi tranh chấp,
Ðem chân lý vào chốn lỗi lầm.
Ðể con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng,
Ðể con rọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu…
(Kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi).
Lm. Duy Khang
SUY NIỆM:
“Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải ?”
1. Khả năng phân định
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su nói trực tiếp đến khả năng phân định của những người đương thời, qua đó nói với chính chúng ta hôm nay. Và phân định phải là một trong những đặc nét làm nên chân dung của người môn đệ.
Thực vậy, Đức Giê-su khởi đi từ khả năng phân định về thời tiết, để nói về khả năng phân định về thời gian hiện tại. Với so sánh này, Đức Giê-su muốn nói rằng thời gian hiện tại (kairos) cũng là một dấu chỉ rất rõ ràng, rất hiển nhiên cho những gì thực sự đang ngấm ngầm diễn ra và sẽ tỏ hiện:
Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét? (c. 56)
Không biết phân định sẽ bị Đức Giê-su khiển trách là “đạo đức giả”! Vậy “Thời gian hiện tại” của tôi là gì? của chúng ta, của Giáo Hội, của xã hội và của nhân loại là gì? Chúng ta được mời gọi xác định, bởi vì đó là một dấu chỉ cần phải phân định[1].
2. Hòa giải hay tòa án?
Sau đó, Đức Giê-su còn đưa ra một tình huống đặc biệt của “thời gian hiện tại” và mời gọi người nghe xem xét, phán đoán, nghĩa là phân định. Tình huống này đặc biệt thích hợp với vấn đề của xã hội chúng ta, và với tương quan thường ngày với người khác, nhất là với người anh em.
Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. (c. 57-58)
Chúng ta hãy hình dung ra hai người xung khắc với nhau và chuẩn bị đưa nhau ra ra tòa: nếu mình phạm lỗi, thì mình cố làm hòa là điều hợp lí (xin bãi nại); nhưng cả khi mình là nguyên cáo, thì giải quyết nội bộ với nhau thay vì đưa nhau ra tòa vẫn là điều hợp lí hơn!
Vì khi đưa nhau ra tòa, người vô tội có chắc chắn là mình thắng kiện không? Luật thì về phía người vô tội, nhưng Luật đâu có phán quyết, quan tòa mới phán quyết; và phán quyết của quan tòa lệ thuộc vào rất nhiều yếu tố (liêm khiết, vô tư, nhưng cả tiền bạc nữa, và chưa kể thư kí, luật sư…).
Ngoài ra, nếu đưa nhau ra tòa, để không bị kết án, cả hai đều sẽ phải cố tự biện hộ cho mình; và khi tự biện hộ mình vô tội, thì minh nhiên hay mặc nhiên phải tố cáo người kia có tội, và đôi khi phải tố cáo người kia bằng mọi giá, để mình thắng kiện! Và kết cục không thể tránh khỏi theo “qui trình” của luật, đó là một trong hai sẽ bị xử phạt. Và đó là ai? Là người thân cận, người anh em, là đồng loại của tôi.
Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó
trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng. (c 59)
Không áp dụng luật với nhau, không phải chỉ là vấn đề tình cảm đạo đức (khiêm tốn, nhẫn nhục, chịu thương chịu khó…) hay “luật đức ái” đòi hỏi, nhưng còn là vấn đề của lí trí, của phán đoán, của phân định. Không áp dụng luật với nhau là điều hoàn toàn hợp lí, vì luật là một hệ thống vô hồn, vận hành theo “qui trình”, không phân biệt những lý do hay đau khổ thầm kín và riêng tư, nhưng “mắt đền mắt, răng đền răng”; và hơn nữa trong thực tế, luật có thể trở thành phương tiện của Sự Dữ, của Tội (x. St 3, 1-7; Rm 7, 7-13)[2].
Nhưng còn một lí do nữa, lí do cội nguồn, nền tảng và cứu cánh: Thiên Chúa không áp dụng luật với chúng ta, bởi vì Người là tình yêu và chỉ là tình yêu mà thôi. Tin Mừng này được bày tỏ quá hiển nhiên nơi Thập Giá Đức Giê-su Ki-tô, vậy mà nhiều khi chúng ta vẫn không “phân định” ra. Và thánh Phao-lô đã nói thật rõ về điều này: “Nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích” (Gal 2, 21). Hơn nữa, khi mời gọi chúng ta tha thứ cho nhau đến bảy mươi lần bảy, thì chính Ngài đã không thể không tha thứ trước cho chúng ta như thế.
3. Nhận ra và sống “ý muốn của Thiên Chúa”
Tuy vậy, ai trong chúng ta cũng gặp khó khăn trong phân định: làm sao nhận ra Chúa và ý muốn của Người? Và khi nhận ra, chúng ta lại cảm thấy bất lực trong việc thực hiện; như thánh Phaolô diễn tả trong trong thư Roma: “Điều tôi muốn tôi không làm, điều tôi không muốn tôi lại làm; như thế, tôi không còn là tôi, nhưng tội ở trong tôi… Vậy ai sẽ giải thoát tôi tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm 7, 19-25).
Để có khả năng phân định ý Chúa và sống theo ý Chúa, chúng ta được mời gọi đọc và cầu nguyện với Lời Chúa, để hiểu biết và yêu mến Chúa; và dưới ánh sáng của Lời Chúa, chúng ta đọc và cầu nguyện với đời mình, để nhận ra sự hiện diện yêu thương và đầy lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời và trong từng ngày sống; và như thế, chúng ta sẽ nhận ra rằng, chính Chúa cuốn hút, lôi kéo chúng ta, chứ không phải nhờ nỗ lực của chúng ta mà chúng ta có thể hướng về Chúa và yêu mến Người trên hết mọi sự.
Bởi lẽ, không hiểu Chúa, làm sao chúng ta nhận ra Chúa, làm sao nhạy cảm với lời Chúa, với ý Chúa, với Tin Mừng của Chúa, và nếu không yêu mến, động lực ở đâu để chúng ta thực hiện?
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc
SUY NIỆM: THÔNG MINH VÀ KHÔN NGOAN
Trong trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nhắc nhở đám đông học biết trở nên nhạy cảm để ứng đáp thích hợp với những dấu chỉ thời đại như cách họ nhạy cảm với “cảnh sắc đất trời”. Nói một cách nào đó, Chúa Giêsu khuyến khích dân chúng trở nên khôn ngoan, chứ đừng chỉ dừng lại ở sự thông minh. Khôn ngoan là một nhân đức và nó liên quan đến chiều sâu của con tim và sự rộng mở của đôi tay. Còn thông minh là một kỹ năng và thường chỉ dừng lại ở cái đầu và sự quan sát của đôi mắt. Như vậy, để trở nên khôn ngoan người ta không chỉ biết bằng lý trí, nhưng còn phải cảm nhận bằng con tim và đi đến hành động. Vì thế để trở nên khôn ngoan thì khó khăn và đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để trở nên thông minh.
Lời nhắc nhở này của Chúa Giêsu quả rất thích hợp với thời đại chúng ta đang sống. Không thể phủ nhận rằng ngày nay con người cực kỳ thông minh và những sản phẩm con người làm ra cũng ngày càng thông minh và tiện dụng. Nhưng hình như có một sự thật đáng buồn là sự khôn ngoan của con người lại không theo kịp sự thông minh của họ. Chỉ cần nhìn vào thực tế của nền giáo dục, nhất là nền giáo dục ở Việt Nam, chúng ta có thể nhận ra điều này. Trường học trước đây vẫn xem là nơi “tiên học lễ - hậu học văn" nhưng giờ đây chỉ còn là nơi mua bán kiến thức; mối tương quan thầy – trò bị biến thành tương quan của cung - cầu. Phụ huynh cho con đến trường cũng chỉ mong con có điểm cao, thành tích tốt mà không chú trọng đến việc con mình được hướng dẫn để trưởng thành trong nhân cách. Nói cách khác, chúng ta chỉ muốn có được những con người thông minh mà quên mất chúng ta cần những con người khôn ngoan. Một thế giới chỉ có sự thông minh mà không có sự khôn ngoan có thể trở thành một nơi nguy hiểm, lạnh lùng và đầy bất an.
Thiên Chúa của chúng ta không chỉ là Đấng thông minh nhưng còn là Đấng khôn ngoan vô cùng. Vì thế chính Thiên Chúa là Đấng mà nhân loại này phải gắn bó để đạt đếm sự khôn ngoan đích thực và cần thiết, hầu trong mọi hoàn cảnh, nhất là trong những khó khăn, con người có thể tìm thấy ánh sáng thay vì liên tục phủ những bóng tối lên tương lai của mình.
Lạy Chúa là suối nguồn của sự Khôn Ngoan đích thực, xin cho chúng con biết truy tầm và kín múc sự khôn ngoan đích thực nơi Chúa để góp phần làm cho thế giới trở nên tốt đẹp hơn và nhân loại được sống hạnh phúc hơn. Amen.
Lm. Giuse Phạm Hoàng Vũ
SUY NIỆM: ĐỌC DẤU LẠ CỦA CHÚA TRONG TỪNG NGÀY SỐNG
Ông bà ta nói: “Nhân chi sơ, tính bổn thiện.” Tự bản chất, con người luôn khao khát và hướng tới điều thiện. Tuy nhiên, ai trong chúng ta cũng có khuynh hướng hướng đến sự dữ. Theo niềm tin Kitô giáo, khuynh hướng này là hậu quả của tội nguyên tổ. Vì vậy, nhiều lần chúng ta thấy mình phải chiến đấu để làm điều thiện và cũng không ít lần chúng ta bị thất bại. Đây chính là kinh nghiệm mà Thánh Phaolô trình bày cho chúng ta trong bài đọc 1 hôm nay. Theo thánh nhân, sự thiện không ở trong xác thịt của Ngài. Vậy sự thiện tìm thấy ở đâu? Câu trả lời được tìm thấy trong câu cuối của trích đoạn hôm nay: “Tôi thật là một người khốn nạn! Ai sẽ giải thoát tôi khỏi thân xác phải chết này? Tạ ơn Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta!” (Rm 7:24-25a). Trong những lời này, Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta biết đâu là nguồn sức mạnh để nhờ đó chúng ta thoát khỏi sự nô lệ của tội lỗi, đó là Chúa Giêsu Kitô. Càng gắn bó với Ngài, thì chúng ta càng mạnh mẽ để chống lại sự tấn công của tội lỗi. Nói cách cụ thể hơn, ai để Chúa Giêsu sống trong mình, thì sẽ luôn làm điều thiện.
Điều đáng để chúng ta suy gẫm trong bài đọc 1 hôm nay là kinh nghiệm “bị phân chia” của Thánh Phaolô: “Thưa anh em, tôi biết rằng sự thiện không ở trong tôi, nghĩa là trong xác thịt tôi. Thật vậy, muốn sự thiện thì tôi có thể muốn, nhưng làm thì không. Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm. Nếu tôi cứ làm điều tôi không muốn, thì không còn phải là chính tôi làm điều đó, nhưng là tội vẫn ở trong tôi” (Rm 7:18-20). Đây cũng là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta. Nhiều lần chúng ta muốn tha thứ cho người làm tổn thương mình, nhưng chúng ta không làm; hoặc chúng ta không muốn làm tổn thương người thân của mình, chúng ta lại làm qua những lời nói và cử chỉ thiếu tế nhị, thiếu bác ái. Từ kinh nghiệm này, Thánh Phaolô khám phá ra rằng: chúng ta thường bị chi phối bởi “luật thân xác” [khuynh hướng tự nhiên]. Luật này nhiều lần chống lại và chiến thắng luật lý trí của chúng ta để rồi làm chúng ta chống lại luật của Thiên Chúa, luật mà chúng ta yêu thích (x. Rm 7:21-23). Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng: khi đối diện với bất kỳ biến có nào trong cuộc sống, chúng ta phải bình tĩnh, đừng có làm theo bản tính tự nhiên của mình. Nói cách cụ thể hơn, chúng ta phải tránh những lời nói và hành động bị thúc đẩy bởi những cảm xúc tự nhiên mà không có suy nghĩ, không để lời Chúa hướng dẫn.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu sử dụng những hình ảnh thường ngày để dạy cho dân chúng biết cách đọc được sứ điệp của Ngài: “Khi các người thấy mây kéo lên ở phía tây, các người nói ngay: ‘Mưa đến nơi rồi’, và xảy ra đúng như vậy. Khi thấy gió nồm thổi, các người nói: ‘Trời sẽ oi bức’, và xảy ra đúng như vậy. Những kẻ đạo đức giả kia, cảnh sắc đất trời, thì các người biết nhận xét, còn thời đại này, sao các người lại không biết nhận xét?” (Lc 12:54-56). Trong những lời này, Chúa Giêsu đưa các thính giả của Ngài trở về với việc giả hình của những người Pharisêu (x. Lc 12:1). Tuy nhiên, trong trích đoạn này, sự giả hình được áp dụng cho đám đông. Họ được xem là những người quan tâm đến vẻ bên ngoài, là những người xem những dấu chỉ của đất trời [mây- gió] mà không quan tâm đến sứ điệp bên trong của những dấu chỉ này. Chính sự giả hình đã đưa họ đến tình trạng từ chối không chấp nhận Chúa Giêsu (x. Lc 12:56). Nói cách khác, họ không biết đọc những dấu lạ mà Ngài làm để tin nhận Ngài chính là Đấng được Thiên Chúa sai đến. Mỗi ngày sống cũng là một dấu chỉ của tình yêu và sự trung thành của Thiên Chúa cho chúng ta. Liệu chúng ta có nhận ra và đáp trả lại với trọn niềm tin tưởng và phó thác không?
Phần thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay là lời khuyến cáo của Chúa Giêsu cho thính giả của mình về việc họ phải dàn xếp những tranh chấp với đối phương trước khi đến quan toà: “Sao các người không tự mình xét xem cái gì là phải? Thật vậy, khi anh đi cùng đối phương ra toà, thì dọc đường hãy cố gắng giải quyết với người ấy cho xong, kẻo người ấy lôi anh đến quan toà, quan toà lại nộp anh cho thừa phát lại, và thừa phát lại tống anh vào ngục. Tôi bảo cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó trước khi trả hết đồng kẽm cuối cùng” (Lc 12:57-59). Những lời này ám chỉ việc đám đông sở hữu một sự thông minh đủ trong những vấn đề mang tính pháp lý để đạt đến sự hoà giải và được tự do khỏi cảnh tù đày. Họ được mời gọi sử dụng lối hành xử này để để đọc những dấu chỉ của thời đại trong Chúa Giêsu. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta cho rằng mình thông minh, mình biết thật nhiều trong mọi lãnh vực. Chúng ta biết cách làm thế nào để càng ngày càng trở nên chuyên viên trong các lãnh vực đó. Tuy nhiên, điều đáng buồn là chúng ta không áp dụng cách thức đó để lớn lên trong sự hiểu biết về Thiên Chúa, về những dấu lạ mà Chúa Giêsu thực hiện trong từng ngày sống của chúng ta. Hãy là người môn đệ không chỉ sở hữu kiến thức sâu rộng về con người, nhưng còn sở hữu kiến thức sâu rộng về Thiên Chúa được mặc khải nơi Đức Giêsu Kitô
SUY NIỆM: ĐẠO ĐỨC GIẢ
Qua đoạn Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay, Đức Giêsu đã khiển trách những ai mà Người gọi là “đạo đức giả” về việc tài giỏi nhận xét bên ngoài nhưng lại không thể nhận thức dấu chỉ thời đại, đó là chính Con Thiên Chúa làm người.
Gẫm lại trong đời sống hàng ngày của bản thân, tôi đôi khi cũng thường rơi vào thói xấu mà Đức Giêsu nhắc nhở. Có khi tôi chỉ nhìn thấy nơi những người tôi gặp về tính cách, hình thức bên ngoài nhưng tôi đã vội “gắn mác” cho họ theo cái nhìn chủ quan nơi suy nghĩ của tôi; cũng có khi tôi lại là kẻ võ đoán về các sự việc một cách đầy vội vàng. Chính lúc này, tôi đã trở nên kẻ nhận chìm thay vì làm trổ sinh hoa trái Lời Chúa trong đời sống của một người con Chúa. Những lúc như vậy, tôi đã trở nên người khôn ngoan giả, tự cho rằng mình thấu biết mọi sự chứ không phải là khôn ngoan thật theo ý Chúa.
Vậy thế nào là đạo đức thật và khôn ngoan thật theo ý Chúa? Tác giả Thánh Vịnh nhắc chúng ta rằng: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan, sáng suốt thay kẻ thực hành như vậy” (Tv 111,10). Còn tác giả thư thứ nhất Timôthê lại nhắc chúng ta rằng “người công chính, đạo đức” là người “giàu lòng tin và lòng mến”, “sống nhẫn nại và hiền hòa” (1 Tm 6,11).
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con luôn biết tránh xa thói đạo đức giả, chỉ nhìn thấy những gì bên ngoài mà không nhận ra Chúa nơi mọi sự. Xin giúp con biết sống đạo đức và khôn ngoan thật. Amen.
Tu sĩ Giuse Tạ Quang Duy, SVD
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn