Vào ngày 13/05/2023, Ban Caritas Phan Thiết đã tổ chức chuyến tham quan học hỏi, trao đổi kinh nghiệm giữa nông dân với nông dân, giữa nhà khoa học với nông dân.
Chúng tôi gồm hai đoàn, cộng đồng Suối Máu – Xã Tân Hà và Boon Thớp – xã Phan Sơn. Nhóm nông dân thôn Suối Máu đi tham quan mô hình trồng sâm nam của hộ chị Nguyễn Thị Thu – thôn Tân Thuận – huyện Hàm Thuận Nam; nhóm nông dân thôn Boon Thớp – xã Phan Sơn đi tham quan mô hình chế biến các sản phẩm từ măng , tre, nứa tại Làng Tre Phú An thuộc xã Phú An - thị xã Bến Cát - tỉnh Bình Dương.
Xem hình (Mô hình trồng sâm nam)
Mục đích của chuyến tham quan là tạo điều kiện cho người nông dân giao lưu học hỏi kinh nghiệm giữa nông dân với nông dân, giữa nhà khoa học với nông dân. Qua đó, nông dân được nâng cao năng lực, biết thêm các kỹ thuật trồng trọt, cách chế biến ra nhiều sản phẩm mới từ măng, cây tre, nứa… Tất cả những điều ấy giúp cho bà con có những thay đổi hữu ích và hướng tới kinh tế bền vững trong chính gia đình mình, và tạo thêm công việc cho nhóm.
Xem hình (lang tre Phú An)
Đối với bà con Suối Máu, cây sâm nam là loại cây rất quen thuộc, mọc rất nhiều trong rừng, và nó cũng là sinh kế của một số anh chị em trong thôn. Bà con đã có sáng kiến mang cây giống về nhà trồng. Tuy nhiên, do chưa có kỹ thuật nên cây dễ bị chết, và do trồng thả lan nên khó hái lá. Đến tham quan vườn sâm của chị Thu, bà con được học hỏi thêm cách trồng sâm từ chị. Cây sâm nam là một loại sâm có vị thuốc nam, nó giúp thanh lọc cơ thể, giải nhiệt, củ sâm nam có tác dụng làm tan máu bầm. Theo chị Thu kể thì chị trồng vườn sâm đã được 8 năm, nó là nguồn kinh tế của gia đình chị từ khi còn ở trong thời gian khó khăn cho đến nay. Và từ những bụi sâm nam ấy mà chị nuôi 4 đứa con ăn học đến nơi đến chốn. Chị cho biết thêm: trồng sâm nam không nên bón phân hóa học vì nếu bón phân hóa học thì chỉ ăn được 1 năm, năm sau nó tự rụi dần, còn bón phân bò ủ thì để được lâu, như vườn sâm của chị chỉ bón phân bò mà duy trì được 8 năm nay. Và trồng cây sâm rất ít tốn diện tích đất, không tốn nhiều vốn đầu tư.
Cũng trong cùng một ngày, nhóm nông dân thuộc cộng đồng Boon Thớp đã có một chuyến tham quan học hỏi tại làng tre Phú An, xã Phú An, thị xã Bến Cát, tình Bình Dương – đây là nơi bảo tồn bộ sưu tập tre lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á. Mọi người đều rất ngạc nhiên vì giữa lòng thành phố công nghiệp lại có một khu rừng tre thiên nhiên, với nhiều giống tre trong và ngoài nước. Sau khi tham quan khu vườn ươm các giống tre, nhóm cùng với Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh - chuyên viên nghiên cứu của Làng tre Phú An đã có một buổi trao đổi về các giống tre bảng địa tại xã Phan sơn, cũng như các kỹ thuật để phát triển, chế biến các sản phẩm từ tre, làm sao vận động sử dụng đồ tre thay thế đồ nhựa để giảm ô nhiễm môi trường, tạo sinh kế cho phụ nữ trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Các thành viên trong nhóm đã mạnh dạn chia sẻ những khó khăn của mình, và cảm thấy rất vui khi được lắng nghe, và được cô Hạnh chia sẻ nhiều kinh nghiệm của cô khi đi làm việc cùng với cộng đồng. Đây là một động lực tinh thần thật quý giúp cho nhóm trong bước đầu hình thành và phát triển trong tương lai.
Sau khi tham quan, được tận mắt nhìn thấy những mô hình trồng trọt và được chia sẻ những kinh nghiệm cụ thể, từng người trong nhóm chúng tôi rất thích thú và phấn khởi, để đưa ra những kế hoạch thực hiện cho chính gia đình của mình, cũng như ước mong khi trở về, được chia sẻ những gì đã học với người dân trong buôn làng của mình, để mọi người có thêm kiến thức và kinh nghiệm, góp phần làm cho mảnh đất cha ông để lại ngày càng xanh tươi hơn, kinh tế gia đình ổn định, giúp cho nhiều người nghèo được thoát nghèo cùng hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái bền vững.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và che chở chúng con trong mọi công việc. Xin cám ơn quý ân nhân, những người nông dân, các nhà khoa học, nhà tài trợ Misereor đã tạo điều kiện để chúng tôi có cơ hội thăng tiến cuộc sống trong bản làng của mình.
Vân Anh – Caritas Phan Thiết.