Một cá nhân, một cộng đồng được truyền cảm hứng thông qua chia sẻ, trao đổi sẽ có động lực hoàn thành công việc của mình một cách xuất sắc, góp phần cho sự phát triển cộng đồng xã hội. Đó chính là mục tiêu của ngày hội thảo do Ban Caritas Phan Thiết tổ chức vào ngày 20/05/2023, tại hội trường thôn Kalip – Xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Tham gia hội thảo có sự hiện diện trân quý của 35 nông dân thuộc thôn Kalip, Boon Thớp – xã Phan Sơn và một số nông dân thuộc xã Phan Lâm cùng Quý Sơ Ban Caritas Phan Thiết.
Mở đầu ngày hội thảo, Soeur Nguyễn Thị Loan chia sẻ cho bà con về các hoạt động của Caritas, đặc biệt là chương trình “Đồng hành cùng nhà nông” – một chương trình không bao giờ bỏ ai lại phía sau dù họ có là ai đi chăng nữa và luôn bước đi song hành cùng bà con nông dân, đặc biệt là người dân nghèo.
Xem hình
Trong ngày hội thảo các tham dự viên cùng lắng nghe chia sẻ của nhau, của các nhóm cộng đồng về kết quả của việc thử nghiệm giảm gieo sạ, giảm phân thuốc hóa học mà bà con nông dân đã thử nghiệm trong vụ Đông Xuân vừa qua. Tại sao những người nông dân nơi vùng nắng nóng này lại mong muốn được thay đổi, sở dĩ đời sống của họ quá khó khăn, lúa gạo làm ra bán với giá rất thấp, có những hộ gia đình sau khi thu hoạch phải chi trả các khoản về phân thuốc hóa học, tiền giống và cái mà họ còn lại sau mỗi vụ mùa là “Nợ”. Đó chính là động lực để họ thay đổi. Ban đầu, những người nông dân gieo sạ rất dày 25 kg/1000m2, vì họ sợ những biến đổi khí hậu sẽ làm hạt giống hư. Tuy nhiên, sau hai vụ làm thử nghiệm giảm gieo sạ và giảm phân thuốc hóa học trên ruộng lúa, giờ đây chính bà con nông dân khẳng định rằng: giảm gieo sạ giúp cây lúa đẻ nhánh nhiều, ít sâu bệnh, giảm được tiền mua giống, mua phân mà lại đạt năng suất cao. Như hộ anh K’ Xuyên, trong vụ lúa vừa qua anh thử nghiệm giảm gieo sạ 18 kg/1000m2 thì thu hoạch được 2,2 tạ lúa, còn một ruộng anh gieo 25kg/1000 m2 thì thu hoạch được 2 tạ lúa. Từ kết quả đó, anh quyết định thực hiện giảm gieo sạ, vì nó giảm được nhiều chi phí và quan trọng hơn cả là bảo vệ môi trường, hạt lúa cũng không dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Tiếp đến, anh K’ Sởn- một nông dân thôn Kalip chia sẻ kinh nghiệm xử lý rơm rạ trên đồng ruộng bằng men vi sinh do chính anh thực hiện. Thay vì đốt rơm rạ anh sử dụng rơm rạ lại để làm phân cho ruộng của mình. Nó như một vòng tròn sinh học trả lại cho đất những gì thuộc về đất, tăng dinh dưỡng và tạo độ phì nhiêu cho đất. Và kết quả anh nhận định sau khi xử lý rơm rạ trên đồng ruộng đó chính là đất tốt hơn, không sử dụng phân hóa học nhiều trong quá trình canh tác và sau 45 ngày mới thấy xuất hiện bệnh đạo ôn trên cây lúa. Quan trọng là năng xuất cao hơn so với ruộng không xử lý. Anh đã thành công và có thể nói người nông dân là nhà khoa học, họ nghiên cứu trên chính đồng ruộng của chính mình và ruộng đồng chính là phòng nghiên cứu của họ.
Tiếp theo chương trình Soeur Nguyễn Ngọc Vân Anh đã chia sẻ cho bà con nông dân cách thực hiện trang trại thử nghiệm, mục đích của việc làm này là để chọn lọc ra loại giống phù hợp với thỗ nhưỡng, khí hậu địa phương và không phụ thuộc vào phân thuốc hóa học, vì từ khi “Cuộc Cách Mạng Xanh” bắt đầu thì các giống lúa truyền thống đã bị mất dần, mất đi nguồn gen, hạt gạo không đủ dinh dưỡng và không phong phú nữa, người nông dân mất đi quyền tự do trên hạt giống. Trang trại thử nghiệm là một bước chuyển đổi để bà con nông dân có những loại giống lúa thuần chủng, nông dân có thể kiểm soát hạt giống và chính nông dân lấy lại tri thức đã mất về hạt giống và tạo ra tri thức mới hướng tới một nền nông nghiệp sinh thái hữu cơ hoàn toàn và thích ứng với biến đổi của khí hậu. Vì đối với người nông dân, hạt giống rất quan trọng, hạt giống là sự sống của họ, người nông dân làm chủ và có quyền trên hạt giống đó cũng như họ được nhận hạt giống một cách tự do chứ không phải mua hay phụ thuộc vào các đại lý. Bên cạnh đó, việc làm thử nghiệm cùng nhau như một sợi dây vô hình kết nối tình đoàn kết trong cộng đồng, tình người được kéo lại gần nhau hơn. Nó cũng là công cụ để người nông dân trở thành nhà khoa học, những nhà nghiên cứu trên chính đồng ruộng của mình.
Kết thúc ngày hội thảo, mọi người chia tay nhau trong niềm vui và mang trong mình niềm hy vọng sẽ làm một cuộc “cách mạng xanh” thực sự. Màu Xanh của niềm hy vọng, màu xanh của trái đất, màu xanh của tình con người. Thực vậy, “chúng ta không thể coi thiên nhiên như cái gì tách biệt khỏi chúng ta hay như một cái khung cho đời sống chúng ta” ( Laudatosi 139) và “Những gì làm thương tổn tình liên đới và tình thân hữu của con người cũng đều gây hại cho môi trường” (142).
Vân Anh – Caritas Phan Thiết