THÁNH LỄ AN TÁNG CHA CỐ PHÊRÔ NGUYỄN VIẾT HIỀN

Thứ tư - 03/07/2024 18:10


THÁNH LỄ AN TÁNG CHA CỐ PHÊRÔ NGUYỄN VIẾT HIỀN

“Chúng ta cùng dâng lời tạ ơn Thiên Chúa vì bao hồng ân Chúa đã ban cho cha cố Phêrô trong suốt 86 năm cuộc đời và 58 năm làm Linh mục. Tin tưởng vào công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô đã chết và sống lại, xin cho cha cố Phêrô được sớm hưởng thánh nhan Chúa”. Đức Giám mục Giáo phận Phan Thiết, Giuse Đỗ Mạnh Hùng đã bày tỏ tâm tình trên trong Thánh lễ an táng của Cha cố Phêrô Nguyễn Viết Hiền tại Giáo xứ Vinh An, thuộc Giáo hạt Hàm Thuận Nam, vào lúc 8 giờ sáng, ngày 03/07/2024.
Cha cố Phêrô Nguyễn Viết Hiền, sinh ngày 12/05/1938 tại Ba Làng, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Lên 10 tuổi, ngài vào Tu học tại Tiểu Chủng viện thánh Giuse Ba Làng - Thanh Hóa, Tân Thanh - Lâm Đồng, Phanxicô - Sài Gòn, Pio XII - Sài Gòn. Năm lên 20 tuổi, ngài ở lại Tiểu Chủng viện thánh Giuse Tân Thanh, Bảo Lộc, Lâm Đồng dạy học. Hai năm sau, ngài đi tu học tại các Đại chủng viện Xuân Bích: Thị Nghè - Huế - Vĩnh Long - Huế. Ngày 31/5/1966, ngài được Đức cha Philipphê Nguyễn Kim Điền đặt tay truyền chức Linh mục tại Nhà thờ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp - Huế.
Trong suốt 58 năm sống thiên chức linh mục, Cha cố Phêrô luôn nhiệt tâm với sứ vụ mục tử cũng như các trách vụ được Bề trên trao phó. Các hoạt động mục vụ của ngài sau khi chịu chức linh mục rất phong phú và đa dạng như: Dạy học tại Tiểu Chủng viện Sao Biển Nha Trang; trong khi lấy Cử nhân Văn Chương và Triết Học tại Đại học Công Giáo Đà Lạt, ngài làm Phụ tá Quản đốc Tiểu chủng viện Chúa Chiên Lành Nha Trang – Đà Lạt; Quản xứ Giáo xứ Tầm Hưng; Ban Giám đốc Trung học Lê Bảo Tịnh - Sài Gòn. Năm 1974, cha qua Paris - Pháp làm sinh viên Ngữ học tại Đại học Sorbonne. Sau năm 1975, cha cố về làm Quản xứ các Giáo xứ: Phan Rí Cửa (1975-1992); Hòa Thuận, kiêm nhiệm Hạt trưởng giáo Hạt Bắc Tuy (1992-2006); và Thanh Xuân (2006-2014). 
Từ ngày 14/07/2014, ngài về nghỉ tại nhà Hưu dưỡng Linh mục Giáo phận. Sau 10 năm hưu dưỡng, vào lúc 7 giờ 20 phút, thứ Hai, ngày 01/7/2024, cha đã an nghỉ trong Chúa, hoàn tất 86 năm hành trình trần thế.
Thánh lễ an táng cha cố Phêrô hôm nay do Đức cha Giuse chủ sự. Hiệp thông có sự hiện diện của cha Tổng đại diện Giuse Hồ Sĩ Hữu, quý cha Hạt trưởng, quý cha Bề trên, khoảng 150 quý cha trong và ngoài Giáo phận, quý tu sĩ nam nữ, quý ân thân nhân và cộng đoàn dân Chúa xa gần.
Giảng trong Thánh lễ, cha Hạt trưởng Hạt Hàm Tân, Antôn Lê Minh Tuấn, chia sẻ về cuộc đời và sứ vụ của Cha cố Phêrô qua sự soi sáng của Lời Chúa. Ngài đặc biệt nhấn mạnh đến đề tài: “Nước mắt và Niềm tin”. Cha Hạt nói:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ
Bàng hoàng, xúc động, đau xót, tiếc thương, bối rối, xao xuyến là những cảm xúc lẫn lộn ùa về khi nghe tin cha Phêrô Nguyễn Viết Hiền qua đời. Cái chết vốn là thực tại bi thảm, lại càng trở nên bi thảm hơn khi nó xảy đến cho một linh mục tài năng, đầy nghị lực sống, và ở tuổi 86 chắc chắn ngài đã mãn nguyện về tuổi đời của mình.
Thực sự là một niềm xót thương vô hạn đối với tất cả những ai quen biết Cha. Đúng như Kim Giang đã khắc khoải trong bài thơ "Cây Cầu Oan Nghiệt";
"Tôi đau nỗi đau đến tận cùng- cái chết
Bao nhiêu khát khao ngang chừng... chấm hết!
Cả trời đất sấm sét chuyển rung
Không thể nghiến răng
Không thể lạnh lùng
Ôi tiếng kêu có thấu tới Cửu Trùng (...)".
Vâng, thiết nghĩ chẳng có lời trần gian nào có thể minh giải, an ủi hay thoa dịu nỗi niềm tiếc thương này. Lời ngôn sứ Isaia văng vẳng bên tai thật là thấm thía: "Lạy Chúa, con như người thợ, đang mải dệt đời mình, bỗng nhiên bị tay Chúa, cắt đứt ngay hàng chỉ" (Is 8,12).
Vì thế, giờ phút này đây, chúng ta lắng đọng tâm hồn để cho Lời Chúa soi sáng và sưởi ấm cõi lòng. Chỉ có Lời Hằng Sống của Ngài mới có đủ uy quyền và sức mạnh để ủi an và soi rọi vào đêm đen tang tóc mà chúng ta đang đối diện; chỉ có Lời Quyền Năng của Ngài mới có sức cứu độ và vực chúng ta trỗi dậy.

1."Người công chính dù có chết sớm cũng được an vui...sống không tì ố đã là sống thọ" (Kn 7,8). Lời thứ nhất trích từ Sách Khôn Ngoan dạy cho chúng ta một chân lý sáng ngời: Giá trị của cuộc sống không tùy thuộc vào chiều dài của thời gian mà là tùy thuộc vào chiều dày của sự công chính, chiều cao của sự thánh thiện, chiều sâu của đức yêu thương.
Dù sống ngắn hay dài, nếu sống tốt đẹp, sống thánh thì cùng giá trị rất lớn trước mặt Chúa. Trong cái nhìn ấy, chết trẻ hay chết sớm lại được nhìn như một ân huệ, một sự giải thoát Chúa dành cho người công chinh. Còn người chết già lại là "ân sủng và tình thương" Chúa dành cho những người Chúa chọn, vì " người tiến đến mức hoàn thiện trong thời gian khác nào đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp'" (Kn 4,13).

2.        "Dù sống hay chết chúng ta cũng thuộc về Chúa" (Rm 14,8). Lời thứ hai đến từ thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma, giúp chúng ta khám phá cốt lõi của thực tại sinh từ phận người. Điều quan trọng là luôn “thuộc về Chúa", nghĩa là luôn gắn bó, quy hướng và phó thác nơi Ngài. "Người công chính" là người “thuộc về Chúa", sống và chết cho Chúa.
Mọi biến cố xảy đến trong cuộc trần đều là cơ hội để phụng sự Ngài: sống hay chết, nụ cười hay nước mắt, hạnh phúc hay khổ đau, sum họp hay chia ly, thành công hay thất bại... Nếu cứ "thuộc về Chúa", thì mọi sự sẽ trở thành vĩnh cửu. Lời này dạy ta thái độ sống phó thác trọn vẹn vào Đấng là Chủ của sự sống, "đừng ai sống cho riêng mình, nhưng sống là sống cho Chúa và chết cũng là chết cho Chúa".
3.        "Lạy Cha, Con phó linh hồn Con trong tay Cha" (Lc 23, 44 - 46). Lời thứ ba lên từ chính môi miệng Chúa Giêsu, trong một giây phút có thể nói là yếu đuối nhất, bất lực nhất, thất bại nhất của thân phận làm người. Trong giây phút ấy, Ngài đã làm gì? Thưa, Ngài đã phó thác mạng sống mình, trọn vẹn và dứt khoát, vào trong tay Cha.
Chúa Giêsu chính là Lời Viên Mãn. Ngài sống rất ngắn, nhưng giá trị cuộc sống dương gian của Ngài là vô tận. Chỉ sống vỏn vẹn có ba mươi ba năm, chả nghĩa lý gì so với hàng ngàn hàng vạn năm của lịch sử nhân loại, hay với 86 năm tuổi đời của cha cố Phêrô đây… nhưng Ngài có thể cứu độ cả thế giới qua mọi thời đại: hôm qua, hôm nay và mãi mãi... Ngài cho chúng ta thấy rằng, chất lượng sống quan trọng hơn số lượng…
Cuộc sống có ngắn có dài, nhưng nếu chúng ta thuộc về Chúa, sống cho Chúa và chết cho Chúa, thì cuộc sống ấy là vô giá… Sở dĩ cuộc sống dương gian của Chúa Giêsu có giá trị vô tận, là vì mọi giây phút sống của Chúa đều là sống cho Chúa Cha và thuộc về Chúa Cha, có nghĩa là làm theo Thánh Ý, để cho Chúa Cha toàn quyền sử dụng sự sống của Ngài, cho đến giây phút cuối cùng của hành trình dương thế, Ngài đã trao "Thần Khí", nghĩa là trút linh hồn, trút trọn vẹn sự sống của Ngài vào tay Cha.
Bước theo Chúa Giêsu, chúng ta thấy có vô vàn các vị thánh đã đạt tới đỉnh cao của sự thánh thiện.
Kính thưa cộng đoàn,
Nhìn vào biến cố ra đi của Cha Phêrô, theo cái nhìn tự nhiên, chúng ta thấy bùi ngùi xúc động, đau buồn tiếc thương. Tuổi 86 là tuổi rất đẹp, người đời gọi đó là tuổi "phát lộc", rất tròn đầy trong ước mơ và hy vọng của nhiều người.
Gia đình tiếc thương người cha anh hiền lành, học hành đỗ đạt, giàu lòng quảng đại... vậy mà.
Giáo phận và linh mục đoàn tiếc thương một người cha, người anh thông minh, mẫu mực với bao vun trồng và xây dựng... vậy mà.
Nhưng dưới ánh sáng đức tin soi chiếu, chúng ta hiểu rằng, cha Phêrô đã kết thúc tốt đẹp hành trình dương thế của mình, đã hoàn thành sứ mệnh Chúa muốn. Cha đã gắng sức sống tốt nhất thời gian ở đời của mình qua việc thực thi ý Chúa, nuôi dưỡng khát vọng nên thánh và cố gắng nên trọn lành mỗi ngày.
Cha đã nỗ lực hết mình, cho đến hơi thở cuối cùng, để vun trồng ơn gọi của mình: Chăm chỉ học hành tu luyện, nghiên cứu sinh ngành ngữ học tại Sorbonne- Paris- Pháp Quốc, một đại học nổi tiếng vào bậc nhất của thế giới. Với 58 năm linh mục Sài Gòn- Phan Thiết- Nha Trang- Lâm Đồng - Tây Nguyên đều biết tên Cha, từ việc dạy học, viết sách, nuôi dưỡng ơn gọi, cho tới việc từ thiện, bác ái... Bước chân cha luôn để lại dấu ấn trên mọi miền đất nước.
Có điều cũng cần phải nói về sức chịu đựng tuyệt vời của cha. Đau bệnh lâu, nhưng cha cắn răng chịu đựng chẳng nói với ai. Bác sĩ đề nghị cha phải nằm bệnh viện để điều trị lâu dài, nhưng cha từ chối với lý do về nhà hưu với các cha vui hơn và cũng để tiết kiệm tiền cho giáo phận làm việc khác có ích hơn. Trời đất ơi! Việc nào khác có ích hơn cho bằng sức khỏe của mình?
Cha Phêrô là thế. Một trí thức Công Giáo, một Linh Mục rất giống Chúa Giêsu "sống nghèo khó để con cái nên giàu có". Điều này đặt cho chúng ta câu hỏi: Có ai nghèo khó bằng cha? Và có ai giàu có bằng cha?
Nhà thơ Văn Cao đã để lại cho đời 3 câu thơ rất ngắn nhưng đầy ý nghĩa: "Con thuyền đi qua để lại sóng. Đoàn tàu đi qua để lại tiếng. Tôi không đi qua tôi, tôi để lại gì?".
Phải, thưa anh chị em!
Nếu tôi không đi qua tôi, nếu tôi không ra khỏi cái vòng ích kỷ của tôi để đến với tha nhân, nhất là những người khốn khó, thì tôi cũng đánh mất chính bản thân của tôi.
Sự ra đi của cha Phêrô cũng là lời mời gọi chúng ta biết sống phó thác hơn vào tình thương của Chúa. Cha Phêrô để lại cho chúng ta một sứ điệp quan trọng: Sự sống rất quý giá và thánh thiêng, nên hãy chắt chiu từng giây phút sống và hãy đong đầy mỗi giây phút ấy bằng những nghĩa cử yêu thương và những giá trị vĩnh cửu.
Lạy Chúa, "Chúa ban ân sủng và tình thương cho những người Chúa chọn". Xin cho linh hồn cha Phêrô được vào nơi tràn đầy ánh sáng và bình an. Amen.

Thánh lễ diễn ra trong trang nghiêm và sốt sắng. Sau lời nguyện Hiệp lễ, cha Tổng Đại diện thay mặt Đức cha Giuse, linh mục đoàn và mọi người có lời tiễn biệt cha cố. Kế đến, cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng - nghĩa tử của cha cố - thay mặt gia đình linh tông huyết tộc cám ơn Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và cộng đoàn Giáo xứ đã lo lắng chu đáo các nghi thức và chuẩn bị Thánh lễ an táng cho cha cố được trang nghiêm và sốt sắng.
Kết thúc Thánh lễ, Cha Tổng Đại diện chủ sự nghi thức phó dâng và tiễn biệt Cha cố Phêrô. Sau đó, quý cha, quý tu sĩ và cộng đoàn tiễn đưa linh cữu Cha cố về nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Linh mục Giáo xứ Vinh An.
BTT.GPPT
Một số hình ảnh
 

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây