Các nhà thần học Hoa Kỳ lo âu trước viễn ảnh ly giáo tại Đức, mong Đức Phanxicô can thiệp mạnh hơn

Thứ ba - 20/04/2021 20:55

Theo Joan Frawley Desmond của tạp chí National Catholic Register (https://www.ncregister.com/news/us-theologians-echo-fears-of-schism-in-catholic-church-in-germany), khi 'Con đường Đồng nghị' được người ta theo dõi chặt chẽ ở Đức đang diễn tiến, các học giả ở Hoa Kỳ cho rằng cần phải có phản ứng mạnh mẽ hơn từ Rôma.


Người ta còn nhớ, chương trình cải cách kéo dài hai năm của Giáo Hội Công Giáo ở Đức đã đặt nhiều nghi vấn đối với giáo huấn lâu đời về đức tin và luân lý, khiến Đức Giáo Hoàng Phanxicô và các viên chức Vatican phải đưa ra các hành động ngày càng khẩn cấp để ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc ly giáo chính thức.

Bên kia bờ Đại Tây Dương, các giám mục Hoa Kỳ phần lớn vẫn giữ im lặng về chương trình cải cách của Đức, có tên là “Con đường Đồng nghị”. Nhưng các học giả Công Giáo ở đây đã bày tỏ sự lo lắng nguyên hình của họ trong các cuộc phỏng vấn của tờ Register. Họ kêu gọi hành động thêm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, bằng cách chỉ rõ các dấu hiệu cho thấy bất đồng công khai đang lan rộng ở châu Âu, và nhấn mạnh các quyết định ở Rôma và Đức vốn đặt nền móng cho Con đường Đồng nghị.

Cha Pecknold, giáo sư thần học lịch sử và hệ thống tại Trường Thần học và Nghiên cứu Tôn giáo của Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, cho biết: “Tình hình ở Đức đang được mọi người chú ý, và nó đang diễn ra ở một điểm mấu chốt trong triều Giáo hoàng của Đức Phanxicô”.

Cha Pecknold nói thêm, “Đức Giáo Hoàng vốn là công cụ của sự hợp nhất, và trong nhiệm vụ trông chừng của ngài, chúng ta đang chứng kiến những màn bất đồng chính kiến của các giám mục Đức có thể so sánh với những gì chúng ta đã thấy ở Đức vào thế kỷ 16. Con đường Đồng nghị đã bị Vatican ngăn chặn mọi ngả, nhưng Đức dường như không nhượng bộ một tấc cho Rôma”.

Theo Cha Pecknold và những người khác, các bước quan trọng nhất của Tòa Thánh tiếp theo quyết định của các giám mục Đức vào năm 2019 nhất định tiếp tục Con đường Đồng nghị, một nỗ lực thoạt đầu được kích thích bởi các tiết lộ về việc các giáo sĩ lạm dụng tình dục và việc các giám mục che đậy. Tuy nhiên, khi đà thay đổi có được lực kéo, thì tập chú đã chuyển sang một danh sách đề nghị cải cách “có tính bắt buộc” mà, nếu được các giám mục Đức chấp thuận, sẽ mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội về đồng tính luyến ái, đại kết, trật tự Giáo Hội và việc phụ nữ được phong chức linh mục. Một động thái như vậy của Giáo hội ở Đức có thể dẫn đến việc ly khai với Rôma, các nhà thần học được Register tiếp xúc cho biết như thế.

Hết sức lo ngại trước sự thay đổi hướng đi này, tháng 6 năm 2019, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết một bức thư phản đối mạnh mẽ tới Giáo hội Đức, cảnh báo rằng nếu họ tiếp tục con đường này, phương thức của họ sẽ dẫn đến việc “nhân thừa và nuôi dưỡng chính các điều xấu xa mà họ muốn khắc phục”.

Tháng 9 năm 2019, Đức Hồng Y Marc Ouellet, tổng trưởng Bộ Giám mục, đã viết thư cho Đức Hồng Y Reinhard Marx, lúc đó là chủ tịch hội đồng giám mục Đức, để báo cáo rằng đánh giá pháp lý của Ủy ban Giáo hoàng về Văn bản Lập pháp đối với dự thảo quy chế dành cho Phiên họp Đồng nghị xác định rằng các quyết nghị của Phiên họp không có thẩm quyền ràng buộc. Đức Hồng Y Marx xác nhận rằng phiên họp sẽ diễn ra theo kế hoạch. Các cảnh báo khác sau đó của Vatican cũng bị phớt lờ tương tự.

Các khai triển gần đây

Sau đó, vào ngày 15 tháng 3, Bộ Giáo lý Đức tin (CDF) của Vatican đã đưa ra một bản Trả Lời làm rõ giáo huấn của Giáo hội về các mối quan hệ đồng tính và cấm các linh mục chúc lành cho những mối liên hệ đó. Bản Qui định và giải thích kèm theo đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô chấp thuận cho công bố và được Đức Hồng Y Luis Ladaria, tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, ký.

Được giải thích rộng rãi như một nỗ lực nhằm kìm hãm chương trình cải cách của Đức, bản chỉ thị đã khiến một loạt các nhà lãnh đạo Giáo hội khắp châu Âu thách thức việc soi sáng của Bộ Giáo lý Đức tin. Nổi bật nhất trong số những tiếng nói này là Đức Hồng Y Christoph Schönborn của Vienna, một thành viên của “hội đồng các Hồng Y” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và của Bộ Giáo lý Đức tin, và là tổng biên tập của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo dưới thời Đức Giáo Hoàng Gioan Paholô II.

Trong khi đó, việc công bố "Bản văn Căn bản" vào tháng trước, tức tài liệu hướng dẫn các cuộc thảo luận ở Đức, lại càng gây lo lắng hơn nữa, với việc các tác giả của tài liệu khẳng định rằng "không có một chân lý nào của thế giới tôn giáo, đạo đức và chính trị, và không một hình thức tư tưởng nào có thể đòi có thẩm quyền tối hậu".

Phản ứng đối với ngôn từ của "Bản văn Căn bản", George Weigel kết luận rằng Phiên họp đã đạt tới mức “bội giáo”, và trong một cột báo được công bố vào tháng trước, ông thúc giục Đức Phanxicô kiềm chế sự thiệt hại.

Giống như Weigel, hầu hết các học giả Công Giáo được Register tiếp xúc đã nghi vấn sự khôn ngoan của Vatican khi cho phép Con đường Đồng nghị trình diễn các kết luận của họ trước khi thực hiện các bước bổ sung. Nhưng họ không đồng ý về việc liệu Đức Phanxicô nên trả lời trực tiếp hay để các vị tổng trưởng quan trọng của Vatican hành động thay mặt mình.

Cha Goran Jovicic, một nhà thần học người Croatia gốc Hungary và luật sư giáo luật tại Chủng viện Thánh Patrick ở Menlo Park, California, cho biết: “Sự hợp nhất của Giáo hội đang bị đe dọa”.

“Đức Giáo Hoàng nên dấn thân đối thoại, nhưng cũng nên mời họ tuyên xưng đức tin Công Giáo một cách công khai bởi vì họ đã đưa ra những tuyên bố công khai”, Cha Jovicic, người đã học ở Vienna và giảng dạy một thời gian ngắn tại Đại học Erfurt ở Đức, cho biết như thế.

Ngài nói, nếu Vatican không hành động nhanh chóng - thậm chí đến mức ra lệnh cho các giám mục thẳng thắn “rút lui”, thì điển hình của người Đức “có thể là lời mời các quốc gia khác tham gia nỗ lực của họ”.

“Chúng ta đã học được từ cuộc Cải cách Thệ phản, việc một phong trào ly giáo có thể thu hút được những người ủng hộ ra sao". Ngài nói thêm như thế, khi lần giở lại việc truyền bá “95 luận đề” của Martin Luther vào thế kỷ 16 nhờ việc công bố chúng bằng ngôn ngữ bình dân. Còn, ngày nay, các phương tiện truyền thông xã hội vốn tạo điều kiện cho việc loan truyền bất đồng chính kiến thần học “thậm chí còn nhanh hơn nữa”.

Sự thúc đẩy Đồng nghị của Đức Giáo Hoàng

Một câu hỏi phức tạp hơn đã thúc đẩy cuộc thảo luận căng thẳng giữa các chuyên gia là liệu Đức Giáo Hoàng Phanxicô có chịu trách nhiệm chính đối với cuộc khủng hoảng ở Đức từng chuyển sang giai đoạn trọng tâm trước sự theo dõi của ngài hay không. Vấn đề là các nỗ lực của Đức Phanxicô nhằm thúc đẩy tính đồng nghị, với khả thể gia tăng quyền tự quyết cho các hội đồng giám mục quốc gia muốn sửa đổi kỷ luật và giáo lý của Giáo hội.

“Khuynh hướng của hàng giám mục Đức muốn nhìn họ qua, cũng như hoạt động từ một khái niệm tự trị quá mức một cách nguy hiểm khỏi Rôma, đã có trước cả triều giáo hoàng của Đức Phanxicô”, E. Christian Brugger, giáo sư thần học luân lý tại Chủng viện miền St. Vincent de Paul, ở Boynton Beach, Florida, nói với Register như thế.

Brugger nói thêm, “Nhưng sự thúc đẩy kiên quyết của Đức Giáo Hoàng về ‘tính đồng nghị’ chắc chắn đã tạo chiếc dù cho người Đức ra công khai và đẩy mạnh hơn sự bất đồng chính kiến của họ”.

Tuy nhiên, Russell Shaw, tác giả của cuốn sách gần đây nhất, Eight Popes and the Crisis of Modernity (Tám vị Giáo hoàng và Cuộc khủng hoảng của thời hiện đại), lưu ý rằng các vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô phải chịu trách nhiệm về việc bổ nhiệm Hồng Y Marx và các giám mục cao cấp khác của Đức. Do đó, ông nói, một giải thích đầy đủ về cuộc khủng hoảng đòi phải xem xét lại lịch sử các vị tổng trưởng liên hệ của Vatican đứng đầu Bộ Giám mục, các giám mục Đức được bổ nhiệm vào bộ này, và các sứ thần Tòa thánh đã giúp định hình ban lãnh đạo của Giáo hội hiện nay.

Đồng thời, Cha Pecknold tri nhận một thứ bĩ cực thái lai trong cuộc hỗn loạn đang làm rung chuyển Giáo Hội.

Ngài nhận xét: “Tính đồng nghị, một cách nào đó, đã và đang làm sáng tỏ”, vì nó phơi bày “đâu là các chia rẽ thực sự”.

“Dưới thời Đức Gioan Phaolô và Đức Bênêđíctô XVI, bạn có nỗ lực tập quyền và bảo đảm sự an toàn cho Giáo hội sau tất cả những biến động của Công đồng [Vatican II]. Sau đó, Đức Phanxicô đưa ra rất nhiều cơ hội cho tính đồng nghị và điều bạn thấy là các quan điểm thực sự của mọi người đang được thể hiện, điều đó có nghĩa là bạn có thể đối đầu và giải quyết chúng".

Cha Emery de Gaál, chủ tịch kiêm giáo sư Khoa Thần học Tín lý và Tiền Thần học tại Đại học St. Mary of the Lake / Chủng viện Mundelein thuộc Tổng giáo phận Chicago, là một linh mục người Hungary được gia nhập Giáo phận Eichstätt, Đức. Ngài nêu ra một điểm bổ sung liên quan đến các xu hướng ý thức hệ ở phương Tây hậu hiện đại đã giúp đặt ra các kỳ vọng đối với Con đường Đồng nghị.

Cha de Gaál nói với tờ Register, Trong suốt thời kỳ Cải cách và sau đó, các thượng hội đồng địa phương do Thánh Charles Borromeo và các giám mục khác tổ chức đã làm hồi sinh Giáo Hội Công Giáo,”. Nhưng trong bối cảnh “hậu hiện đại”, sẽ khó hơn nhiều để đạt được một “kết quả tích cực” tương tự.

Ngài nói, tại Đức, việc thúc đẩy cải cách giáo huấn và thực hành của Giáo hội đã được lên khuôn bởi các ý thức hệ thế tục, các ý thức hệ đã đặt câu hỏi về chính thực tại của chân lý và coi truyền thống tông đồ của Giáo hội như một hệ thống áp bức nhằm tạo đặc quyền một cách bất công cho một hệ thống phẩm trật và giáo sĩ toàn nam giới. Trong bối cảnh này, Thánh Kinh và tính liên tục của Thánh Truyền trở thành “phụ thuộc vào diễn trình” của Con đường Đồng nghị, vốn tìm cách tạo ra chân lý ràng buộc của chính nó.

Lật lại các tài liệu làm việc hướng dẫn các cuộc thảo luận ở Đức, Cha de Gaál nhận thấy rằng chúng phản ảnh sự suy giảm rộng rãi trong việc chấp nhận giáo huấn của Giáo hội về các bí tích, đặc biệt về cách ơn thánh hoàn thiện tự nhiên.

Ngài cho biết, nhiều người Công Giáo hiện đại tin rằng “không có sự khác biệt về phẩm chất giữa tự nhiên và ơn thánh. Và điều này có nghĩa là các bí tích chỉ đơn thuần xác nhận sự tốt lành cố hữu mà chúng ta vốn có; chúng không thực sự thay đổi chúng ta về mặt hữu thể học (trong hữu thể chúng ta)”.

Ngài nói thêm, tương tự như vậy, các tài liệu làm việc đánh dấu sự suy giảm niềm tin vào chính thực tại của tội lỗi, “ở bình diện bản thân”. Một số người Công Giáo hiện nay công khai thách thức giáo huấn trung tâm này, và tập chú chính của họ là “xóa bỏ tội lỗi xã hội”.

Các thực hành hành chính của Đức

Sau đó, Cha de Gaál xem xét việc các thực hành hành chính được Giáo hội ở Đức áp dụng đặt cơ cở cho Con đường Đồng nghị ra sao.
Giáo Hội ở đó giàu nhất thế giới, do Kirchensteuer quốc gia, tức hệ thống thuế nhà thờ tài trợ cho các giáo phận địa phương. Trong năm 2017, theo báo cáo, nó đã nhận được 6 tỷ euro (7.2 tỷ đô la) nhờ hệ thống này, mặc dù một phần đáng kể trong số tiền này được sử dụng để hỗ trợ các tổ chức từ thiện và tổ chức Công Giáo ở các nước đang phát triển.

Trong những năm 1990, Cha de Gaál cho biết, các giám mục Đức đã bắt đầu thuê các công ty tư vấn để tổ chức lại các giáo phận của họ, và các văn phòng của Giáo hội đã được sắp xếp hợp lý, với điểm mấu chốt được cải thiện. Cha lưu ý, thang lương cho các giáo sĩ và giáo dân trong giáo phận thường tương xứng với các công chức và nhân viên chính phủ khác, nhưng “lòng nhiệt thành đối với việc truyền giáo đã không còn nữa”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đề cập đến sự sụt giảm nghiêm trọng trong việc tham dự nhà thờ ở Đức trong lá thư gửi các giám mục vào tháng 6 năm 2019 của ngài; lá thư này mô tả “việc truyền giảng Tin Mừng” như là “tiêu chuẩn dẫn đường một cách xuất sắc, nhờ đó chúng ta có thể nhận ra mọi bước mà chúng ta được kêu gọi thực hiện như một cộng đồng giáo hội".

Cha Pecknold đã giải thích cặn kẽ về vấn đề được đặt ra bởi một bộ máy bàn giấy rộng lớn và nhiều quyền lực của Giáo hội.

Cha Pecknold nói: “Ở Đức và Áo, nơi bạn có thuế nhà nước trực tiếp dành cho Giáo Hội”, Giáo hội định chế “bắt đầu hành xử như thể nó đại diện cho một giai cấp chứ không phải lợi ích của Giáo hội. Đó là một giai cấp thượng lưu giàu có và có những đòi hỏi xã hội tiến bộ nhất định mà họ muốn được đáp ứng. Các giám mục cảm thấy chịu ơn giai cấp này”.

Ngài nói thêm, “Thật là oái oăm, điều này đang xảy ra dưới thời một vị giáo hoàng muốn trở thành giáo hoàng vì người nghèo.”

Huynh đệ sửa lỗi cho nhau?

Khi Đức Phanxicô cân nhắc bước đi tiếp theo của ngài, cũng cùng các các chuyên gia ở đây tin rằng các giám mục ở phương Tây cũng có thể đóng một vai trò hỗ trợ bằng cách cung cấp việc anh em sửa lỗi cho nhau, cho các anh em người Đức của các ngài. Cho đến nay, ngoài Đức Hồng Y Raymond Burke, Đức Tổng Giám Mục Samuel Aquila của Denver dường như là giám mục Hoa Kỳ duy nhất công khai bày tỏ “sự thất vọng” của ngài đối với nghị trình của các giám mục Đức. Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã không trả lời yêu cầu bình luận liên quan đến Con đường Đồng nghị.

Nhưng Cha Jovicic gợi ý rằng các nhà lãnh đạo Giáo hội khắp phương Tây có thể bị kéo vào cuộc khủng hoảng và buộc phải đưa ra lập trường.

Cha Jovicic nói: “Cuối cùng, tùy thuộc vào mỗi giám mục quyết định liệu các ý niệm này có thành công hay không. Tôi không thấy Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ ngưỡng mộ nỗ lực này, nhưng có một số giám mục ở đây nghiêng về chủ trương này. Có thể là họ đang cố gắng thực hiện những chính sách này trong giáo phận của họ”.

Nguồn tin: vietcatholicnews.org

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây