Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

Thứ tư - 12/05/2021 07:59

Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

 Lm. Giuse Đinh Tất Quý
 Ngày 13/05/2021
 

Ngày 13/05: Đức Mẹ hiện ra tại Fatima

Ngày 13 tháng 5
ĐỨC MẸ FATIMA

1. Bối cảnh Lịch Sử.

Đức Mẹ Fatima là một trong số nhiều tước hiệu mà người Công giáo dành cho Đức Maria. Tước hiệu này phát xuất từ việc Đức Mẹ hiện ra 6 lần với 3 em bé chăn cừu làng Fatima (Bồ Đào Nha) là Lúcia dos SantosFrancisco Marto và Jacinta Marto từ ngày 13.5 tới ngày 13.10.1917.

Tước hiệu Đức Bà Mân Côi cũng được dùng để ám chỉ người phụ nữ đã hiện ra này. Các trẻ kể rằng người phụ nữ này đã đích thân xưng mình là “Đức Mẹ Mân Côi”. Ngoài ra cũng thường thấy một tước hiệu gộp lại từ hai tước hiệu trên: “Đức Mẹ Mân Côi Fatima”

Từ tháng 8 năm 1914châu Âu xảy ra trận thế chiến thứ nhất, giết chết khoảng 6 triệu binh sĩ. Bồ Đào Nha theo phe Hiệp ước tham gia trận chiến từ tháng 5/1916. Bồ Đào Nha có khoảng 50.000 binh sĩ đồn trú ở Pháp.

Các gia đình Dos Santos và Marto cư ngụ trong thôn Aljustrel. Gia đình Dos Santos có 1 bé gái, sinh ngày 22.3.1907. Gia đình người em họ Marto có 1 con trai là Francisco Marto, sinh ngày 11.6.1908 và 1 con gái là Jacinta Marto, sinh 11.3.1910. Ba em bé này thường chăn dắt đàn cừu tại bãi gọi là «Cova de iria», cách thôn chừng 2 km.

Trong năm 1915, Lúcia, Francisco và Jacinta đã gặp thiên thần hiện ra với chúng ở bãi này. Khi về nhà thuật lại với cha mẹ, chúng bị cha mẹ mắng, cho là đặt chuyện nói láo. Mùa xuân và mùa hè năm 1916, thiên thần lại hiện ra với chúng và dạy chúng cầu nguyện như sau:

«Lạy Chúa!

Con tin, con thờ lạy

Con trông cậy và con yêu mến Chúa.

Con xin Chúa tha thứ

cho những ai không tin,

không thờ lạy,

không trông cậy,

và không yêu mến Chúa.»

Năm 1917, Fatima là 1 Giáo xứ nông thôn gồm khoảng 2.500 người cư ngụ rải rác trong khoảng 40 thôn xóm. Mọi người đều lao động trên các đồng ruộng. Các trẻ em cũng phải giúp đỡ cha mẹ những việc nhẹ như chăn dắt bò, dê, cừu vv... Phần lớn dân cư đều mù chữ, chỉ có khoảng 10% phụ nữ biết đọc, biết viết.

 

2. Những lần Đức Mẹ hiện ra.

Đức Mẹ hiện ra lần đầu

Ngày 13.5.1917, vào lúc trưa, 1 bà mặc áo trắng toát hiện ra với 3 em bé chăn cừu, nói với các em là hãy lần chuỗi đọc kinh Mân Côi hàng ngày để cầu nguyện cho thế giới chấm dứt chiến tranh, được hòa bình. Trước khi biến đi, Bà bảo 3 em hãy trở lại nơi đây đúng giờ trưa ngày 13 tháng sau.

Jacinta - quên giữ kín - về nhà thuật lại sự việc cho cha mẹ nghe. Tin này loan truyền nhanh khắp làng. Mọi người tỏ ra không tin. Vị linh mục chính xứ hỏi Lúcia, nhưng cũng không tin. Trong báo cáo gửi lên Giám mục cai quản Giáo phận Leiria, vị linh mục viết: «cần phải xa lánh chuyện này».

 

Đức Mẹ hiện ra lần thứ hai

Ngày 13 tháng 6, đúng giờ trưa, 3 em lại tới nơi hẹn, theo sau có khoảng vài chục người tò mò đến xem sự thể ra sao. Mọi người lần chuỗi đọc kinh. Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, nhắc Lúcia về tầm quan trọng của việc đọc kinh Mân Côi cầu nguyện dâng kính «trái tim vô nhiễm Maria», đồng thời báo trước cái chết của 2 anh em Francisco và Jacinta Marto:

«Ta sẽ sớm đưa Francisco và Jacinta về trời, còn con, con sẽ ở lại thế gian một thời gian. Chúa Giêsu muốn dùng con để loan truyền cho mọi người biết ta và yêu mến ta».

Đức Mẹ cũng yêu cầu Lúcia học chữ để dễ loan báo lời Đức Mẹ cho các người khác.

Những người đi theo không nhìn và nghe thấy gì. Họ chỉ nhìn thấy cành cây nhỏ (mà Đức Mẹ đứng) trĩu xuống bởi sức nặng, rồi đột nhiên bật lên (khi Đức Mẹ biến đi)

 

Đức Mẹ hiện ra lần thứ ba

Ngày thứ Sáu 13.7.1917, «bà mặc áo trắng» lại hiện ra với 3 em - có khoảng 4.000 người theo sau. Đức Mẹ vẫn nhắc Lúcia việc đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, để chiến tranh chóng chấm dứt. Lần này Đức Mẹ tiết lộ cho 3 em “bí mật” gọi là “bí mật Fatima”. (Năm 1942, 2 bí mật đầu đã được công bố, còn bí mật thứ 3 thì mãi tới năm 2000, Giáo hội Công giáo Rôma mới công bố).

 

Đức Mẹ hiện ra lần thứ tư

Ngày 10.8.1917, viên chánh tổng - 1 người chống đối hàng giáo sĩ - đòi 3 em Lúcia, Francisco và Jacinta tới để tra hỏi, nhưng không có kết quả. Ngày 13.8, ông ta nhốt 3 em vì làm rối loạn trật tự công cộng và tiếp tục tra hỏi, nhưng hoài công. Rốt cuộc, ngày 15.8, ông ta phải thả 3 em ra.

Tuy nhiên, ngày 13.8, có khoảng 18.000 người tới bãi chờ xem sự lạ, nhưng 3 em vắng mặt vì còn bị nhốt. Chúa nhật 19.8, khi 3 em dẫn đàn cừu tới thả ở bãi Cova de iria, Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em, yêu cầu các em nói với mọi người cầu nguyện cho những người tội lỗi mau thống hối và hứa sẽ làm 1 phép lạ cho mọi người tin.

 

Đức Mẹ hiện ra lần thứ năm

Ngày 13.9, có khoảng 30.000 người tụ họp tại bãi Cova de iria, cầu nguyện cùng với 3 em. Đức Mẹ lại hiện ra với 3 em và cho biết tháng sau, sẽ có Chúa, Đức Mẹ núi Camêlô, thánh Giuse và Chúa Hài đồng Giêsu sẽ cùng tới.

 

Đức Mẹ hiện ra lần thứ sáu

Bản sao chụp 1 trang của báo Ilustração Portugueza ngày 29.10.1917 cho thấy đám đông dân chúng đang ngẩng nhìn Phép lạ Mặt trời, khi Đức Mẹ hiện ra ở Fatima

Ngày 13.10.1917, mưa như trút nước trên bãi Cova da Iria. Một đám đông khoảng 70.000 người - kể cả nhiều phóng viên chụp hình và các ký giả - tụ tập tại đây lần chuỗi, đọc kinh cầu nguyện. Lúc giữa trưa, Đức Mẹ hiện ra với 3 em và yêu cầu cho xây 1 nguyện đường tại đây để vinh danh Đức Mẹ. Đức Mẹ cũng loan báo thế chiến thứ nhất sẽ sớm chấm dứt và yêu cầu những kẻ có tội hãy mau sám hối.

Khi Đức Mẹ về trời thì mưa ngưng rơi, mặt trời xuất hiện trên bầu trời xanh biếc. Đám đông đã có thể nhìn thẳng vào mặt trời và thấy mặt trời nhảy múa, tung ra các chùm tia sáng nhiều màu. Mặt trời dường như xuống thấp gần trái đất, khiến đám đông sợ hãi. Việc lạ xảy ra trong 10 phút, sau đó mọi sự trở lại bình thường. Hiện tượng này được hầu hết đám đông chứng kiến, và một số người ở cách đó mấy dặm cũng nhìn thấy.

Trong thời gian này, các nhà khoa học trên thế giới không hề ghi nhận 1 hiện tượng khác thường nào của mặt trời.

Trong khi đó, riêng 3 em nhìn thấy Thánh Gia, rồi Đức Mẹ Sầu Bi, Chúa Hài Đồng Giêsu và sau chót là Đức Mẹ núi Camêlô lần lượt xuất hiện như đã hứa trước với 3 em.

 

3. Ba bí mật của Fatima

Hai bí mật đầu tiên

Bí mật đầu tiên là một thị kiến về hỏa ngục.

Bí mật thứ hai bao gồm các lời hướng dẫn của Đức Mẹ để làm thế nào cứu các linh hồn trong hỏa ngục và biến đổi thế giới theo đức tin Kitô giáo.

 

Bí mật thứ ba

Bí mật thứ ba là thị kiến về cái chết của giáo hoàng và các nhân vật tôn giáo khác, do Giám mục Giáo phận Leiria ghi chép lại:

“Sau hai phần mà con đã giải thích, phía bên trái của Ðức Bà và cao hơn một ít, chúng con đã thấy một Thiên thần cầm một thanh gươm bằng lửa nơi tay trái; nó lấp lánh và phát ra những tia lửa dường như sẽ đốt cháy thế gian; nhưng chúng tắt ngúm khi chạm đến ánh quang chiếu toả từ tay phải của Ðức Bà hướng về trần gian: chỉ về trái đất bằng tay phải, Thiên thần lớn tiếng thốt lên: ‘Ðền tội, Ðền tội, Ðền tội!'. Và chúng con thấy trong một luồng sáng lớn là Thiên Chúa: ‘một cái gì tương tự như cách người ta xuất hiện trong một tấm gương khi người ta đi ngang qua’ một Giám mục bận đồ trắng ‘chúng con có cảm nhận đó chính là Ðức Thánh Cha’. Các Giám mục, các Linh mục, các tu sĩ nam nữ khác leo lên một ngọn núi dốc thẳng, trên đỉnh núi có một Thánh giá lớn làm bằng thân cây thô nhám như thể của một cây bần với vỏ cây; trước khi đến đó, Ðức Thánh Cha đi qua một thành phố lớn, một nửa bị tàn phá và một nửa rung chuyển, với bước chân nghiêng ngả, buồn khổ vì đau đớn và ưu phiền, ngài cầu nguyện cho các linh hồn của những thân xác ngài gặp trên đường; khi đã lên đỉnh núi, quỳ dưới chân Thánh giá lớn, ngài đã bị một nhóm lính giết hại bằng đạn và mũi tên, và cùng một cách thức như thế các Giám mục, Linh mục, tu sĩ nam nữ khác, và các người giáo dân thuộc mọi giai cấp và địa vị xã hội khác nhau lần lượt bị giết hại. Bên dưới hai cánh tay của Thánh giá có hai Thiên thần, mỗi vị cầm trong tay một chiếc bình bằng pha lê, trong đó các ngài hứng máu của các vị Tử đạo và với máu đó các ngài rảy trên các linh hồn đang tiến về Thiên Chúa.

 

4. Dâng hiến nước Nga

Theo Lucia, Maria đã hứa sẽ chuyển đổi nước Nga và mở ra một kỷ nguyên của hòa bình.

Lm. Giuse Đinh Tất Quý
Tài liệu từ Internet

 

Thứ Năm tuần 6 Phục Sinh.

“Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

 

Lời Chúa: Ga 16, 16-20

Khi ấy Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy, vì Thầy về cùng Cha”.

Bấy giờ trong các môn đệ có mấy người hỏi nhau: “Điều Người nói với chúng ta: “Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, và “Vì Thầy về cùng Cha”, như thế có ý nghĩa gì?” Họ nói: “Lời Người nói 'Một ít nữa' có ý nghĩa gì? Chúng ta không biết Người muốn nói gì?”

Chúa Giêsu nhận thấy họ muốn hỏi Người, nên Người bảo họ: “Các con hỏi nhau vì Thầy đã nói: Một ít nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy. Thật, Thầy bảo thật với các con: các con sẽ than van khóc lóc, còn thế gian sẽ vui mừng. Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

 

SUY NIỆM 1: Nỗi buồn trở thành niềm vui

Suy niệm:

Trong bầu khí của bữa Tiệc Ly,

Thầy Giêsu nói với các môn đệ một câu đối với họ là khó hiểu:

“Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy,

rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” (c. 16).

Câu này có thể dễ hiểu với chúng ta

vì chúng ta biết rõ cái chết trên thập giá đang chờ Thầy Giêsu.

Chỉ một thời gian ngắn nữa thôi,

cái chết này sẽ khiến các môn đệ không còn được thấy Thầy nữa.

Chúng ta cũng biết rằng chỉ một thời gian ngắn sau,

Thầy Giêsu lại được phục sinh, và đã hiện ra cho các môn đệ thấy.

Mất Thầy là một thử thách lớn trong đời người môn đệ.

Thầy là chỗ dựa, là lý do khiến họ chấp nhận cuộc sống bấp bênh này.

Chính Thầy đã gọi, đã kéo họ ra khỏi gia đình và nghề nghiệp ổn định

để lang thang đó đây, sống nhờ lòng tốt của những người nghe giảng.

Gần ba năm sống bên Thầy, chia sẻ ngọt bùi, thành công thất bại,

tình Thầy trò gần gũi như tình bạn hữu.

Bây giờ mất Thầy, họ sẽ đi đâu và đi với ai?

Cái chết trên thập giá của Thầy là đại tang của một người thân.

Nỗi đau này được nhân lên nhiều lần

vì họ đã không dám có mặt để lo liệu việc mai táng.

“Anh em sẽ khóc lóc và than van… Anh em sẽ buồn phiền…” (c.20).

Khi tảng đá đã khép kín ngôi mộ, chẳng còn thấy Thầy nữa,

khi thế gian và thủ lãnh của nó hả hê vui sướng vì chiến thắng,

liệu các môn đệ có vượt qua được nước mắt đau đớn này không?

“Ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy… (c. 16)

và nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui” (c. 20).

Anh em sẽ lại thấy Thầy lúc Thầy hiện ra gặp anh em sau phục sinh,

lúc Thầy sai Thánh Thần đến ở với và nâng đỡ anh em,

và nhất là lúc Thầy đồng bàn với anh em trong bữa tiệc Thiên quốc.

Khi gặp lại Thầy và nhận ra Thầy đang sống,

thế nào anh em cũng hết phiền muộn đắng cay.

Nỗi buồn của anh em tan biến khi anh em biết rằng

Thầy mới là người chiến thắng.

Đời sống người Kitô hữu đan xen giữa vui với buồn.

Có lúc thấy mất Chúa và mất hướng, thấy thất vọng và buồn chán.

Chúng ta phải chia sẻ cuộc Khổ nạn và cái chết của Chúa mỗi ngày.

Nhưng rồi ngày nào đó, Chúa lại đến thăm, lại tỏ mình, lại vỗ về an ủi.

Niềm vui trong ta như sống lại với bao hy vọng dâng trào.

Chỉ xin đừng bỏ đi khi thấy Chúa vắng bóng và thất bại trong đời ta.

 

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

có những ngày con cảm thấy

đời sống thật nặng nề;

có những lúc con muốn buông trôi,

để mặc cho dòng đời đưa đẩy;

có những khoảng thời gian dài,

con như mảnh đất khô khan cằn cỗi.

Xin cho con ánh sáng của Chúa

để con biết lối mà đi.

Xin cho con tấm bánh của Chúa

để con có sức mà dấn bước.

Xin cho con Lời của Chúa

để con vững một niềm tin.

Xin cho con sự sống của Chúa

để con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,

niềm vui và sáng tạo.

Lạy Chúa Giêsu,

con thấy mình cần Chúa

trong mỗi giây phút của cuộc đời.

Ước gì ai gặp con

cũng gặp được sự hiện diện của Chúa. Amen.

Lm. Ant. Nguyễn Cao Siêu SJ.

 

SUY NIỆM 2: HIỆN DIỆN PHỤC SINH

(TGM Giuse Ngô Quang Kiệt)

Trước khi chịu khổ nạn. Chúa Giê-su loan báo cho các tông đồ: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.Anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui”. Khi Chúa chịu chết và an táng trong mộ, các tông đồ không còn trông thấy Thầy. Không phải chỉ không trông thấy, mà còn có tâm hồn trống rỗng, cô đơn, tuyệt vọng. Trái lại thế gian đắc thắng vui cười. Chúa đã chết. Đó là thắng lợi của trần gian. Họ niêm phong cửa mộ. Cắt đặt lính canh. Đắc thắng.

Nhưng khi Chúa phục sinh, các tông đồ lại tràn ngập niềm vui. Vui vì được gặp lại Chúa. Nhưng ở một chiều kích khác. Hai môn đệ đi đường Em-mau đi bên Chúa suốt mấy tiếng đồng hồ. Nhưng không nhận biết Chúa. Họ nhìn thấy nhưng không nhận ra. Trái lại khi Chúa đã biến đi rồi thì họ lại thấy Chúa, nhận ra Chúa đang hiện diện. Không thấy Chúa bằng đôi mắt thể xác. Họ thấy Chúa bằng ánh mắt nội tâm. Vì Chúa vắng mặt. Nhưng lại hiện diện tràn đầy. Đó là hiện diện phục sinh. Họ đã chết. Nhưng nay sống. Sống mãnh liệt. Sống phong phú. Đó là đời sống đức tin.

Chính ánh mắt nội tâm đó. Chính sự hiện diện phục sinh đó. Chính đời sống đức tin đó làm cho các tín hữu sơ khai. Dù bị bắt bớ, bị xua đuổi, kể cả bị giết chết, mà vẫn bình an. Và như thánh Phao-lô, bị chống đối mà vẫn bình tĩnh. Bị đánh đập mà vẫn kiên cường. Bị nhục mạ mà vẫn vui tươi. Vì có Chúa ở cùng. Chúa phục sinh luôn ở bên các ngài.

Đó là sức sống mới. Sức sống của Chúa phục sinh. Sức sống tràn trào thôi thúc các ngài đi rao giảng, làm chứng về Chúa. Hàng ngày phải lao động sinh nhai. Cuối tuần vẫn hăng say rao giảng: “Ông ở lại nhà họ và cùng làm việc: họ làm nghề dệt lều. Mỗi ngày sa-bát, ông thảo luận tại hội đường, cố thuyết phục cả người Do thái, lẫn người Hy-lạp”. Bị chống đối nơi này thì đi nơi khác. Bị người này chống đối thì rao giảng cho người khác. “Bởi họ chống đối và nói lọng ngôn, nên ông giũ áo mà bảo họ: “Máu các người cứ đổ xuống trên đầu các người! Phần tôi, tôi vô can; từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại”.

Xin cho con cảm nhận được sự hiện diện phục sinh của Chúa. Để con có niềm vui tươi hăng hái làm chứng cho Chúa.

 

SUY NIỆM 3: Nỗi buồn sẽ thành niềm vui.

Kinh điển Phật giáo có ghi lại câu truyện như sau: Một người đàn bà nọ có đứa con độc nhất trên đời đã bị chết. Trong niềm đau tột cùng, người đàn bà đem đứa bé đến nhà những người láng giềng và xin họ vui lòng chỉ cho biết có thứ thuốc nào có thể làm cho con bà sống lại, nhưng ai ai cũng chỉ biết lắc đầu và cảm thông mà thôi. Nhưng cuối cùng có người mách cho người đàn bà biết có một vị lương y có thể cải tử hoàn sinh cho đứa bé, người đó chính là Đức Thích Ca.

Người đàn bà khốn khổ tìm đến Đức Thích Ca và khẩn cầu Ngài ban cho một liều thuốc. Đức Thích Ca liền nói: “Ta cần có một ít hạt cải”. Nghe thế, người đàn bà liền vội vã đi tìm hạt cải và đem lại cho Đức Thích Ca. Nhưng vừa thấy những hạt cải, Ngài lại bảo: “Hãy đi mời những gia đình nào không có tang chế đến lấy những hạt cải này. Tin lời Đức Phật, người đàn bà đi gõ cửa từng nhà để mời gọi mọi người lấy hạt cải, nhưng tất cả đều từ chối, vì thật ra không ai mà lại không có người thân đã ra đi.

Khi người đàn bà trở về nhà thi đêm đã bắt đầu xuống, bà đến ngồi bên xác con và nhìn ra phố phường đang lên đèn. Nhưng càng về khuya, ánh sáng càng tắt dần, và cuối cùng đêm đen dầy đặc bao trùm vạn vật. Lúc bấy giờ người đàn bà mới suy nghĩ: đời là thế: sinh ra, đau khổ rồi chết. Nghĩ thế, bà đứng dậy đem xác con vào rừng và chôn cất.

Đau khổ và tận cùng là cái chết, đó là phần số của kiếp người mà khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa cũng không thoát khỏi, Chúa Giêsu đã ba lần chính thức loan báo về cuộc tử nạn mà Ngài phải trải qua. Nhưng xem ra các môn đệ Ngài không hiểu được và cũng không muốn chấp nhận tại sao một số phận nghiệt ngã như thế lại có thể xẩy ra cho Thày mình, một người có quyền phép trên cả sự chết và nhất là đang trên đường tiến đến một tương lai sáng lạn. Trong những giờ phút cuối cùng còn ngồi bên các ông. Chúa Giêsu lại nói đến cái chết của Ngài, nhưng lần này Ngài nói đến cuộc tử nạn ấy như một cuộc ra đi: ra đi mà không vĩnh biệt, do đó, Chúa Giêsu đã nói: “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”. Một lần nữa, loan báo cái chết, Chúa Giêsu cũng báo trước sự Phục sinh của Ngài: các môn đệ sẽ buồn sầu vì cái chết của Ngài, nhưng rồi niềm vui của họ sẽ gấp bội khi Ngài sống lại. Cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu gắn liền với đau khổ và niềm vui của các môn đệ; đúng hơn, cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu chiếu dọi ánh sáng và mầu nhiệm khổ đau của con người.

Kitô giáo không chối bỏ thực tại của khổ đau, nhưng trong cái chết và sự Phục sinh của Chúa Giêsu. Kitô giáo không còn nhìn vào khổ đau như một ngõ cụt của cuộc sống, trái lại, trong ánh sáng Phục sinh của Chúa Giêsu, cuộc sống vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống. “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thày, rồi một ít nữa, các con sẽ lại thấy Thày”. Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy Ngài ngay cả trong những lúc tăm tối nhất của cuộc sống. Thấy được Ngài bám chặt lấy Ngài, thì cho dù khổ đau có chồng chất, con người vẫn thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhận ra khuôn mặt của Ngài trong những anh em đang đau khổ chung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với những người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Chúa Giêsu và niềm vui Phục sinh sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 4: Không thấy rồi lại thấy

Nhiều mâu thuẫn nảy sinh trong đoạn Tin mừng này. Đức Giêsu nói: “Ít lâu nữa anh em sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa anh em sẽ lại thấy Thầy. Thầy về cùng Chúa Cha”. Phải nghĩ gì về ẩn ngữ này? Đức Giêsu đi du lịch một thời gian ngắn ư? Sự vắng mặt của Người giống như một cuộc hành trình đến miền nhiệt đới ư? Hay lời Người như trò chơi hú tim của trẻ em, lúc ẩn, lúc hiện bất ngờ ư? Những lời này tàng chứa một mặc khải phong phú. Hôm nay, chúng ta nghe biết sự mặc khải trọn vẹn về sinh lực của Đức Kitô: Thầy về cùng Cha. Đức Kitô đang chuẩn bị sẵn sàng khởi hành về Đấng là nguồn sự sống, nguồn sinh lực.

Cuộc sống của Đức Kitô không ngừng ra đi và trở về. Không đi bằng con đường đất đá, nhưng bằng con đường huyền diệu sâu thẳm và gắn bó mộ mến. Đức Giêsu càng ngày càng hiệp thông sâu xa vào kế hoạch của Cha Người. Đó là con đường hiệp thông thực hiện cứu độ để lật ngược lại sức nặng bất phục tùng của con người.

Tuy nhiên, trở về cùng Cha, Đức Giêsu vẫn không xa lìa chúng ta. Càng hiệp thông với Chúa Cha sâu thẳm bao nhiêu, Đức Giêsu càng ban tặng sự sống dồi dào. Vì Chúa Cha là nguồn sự sống, đã ban sự sống lại và sự sống vinh quang cho Chúa Con để Chúa Con làm cho mọi người được sống và sống lại với Người.

Chúng ta cũng được mời trở về cùng Chúa Cha để tham dự vào chính nguồn sống đó. Nhờ đó, chúng ta càng ngày càng thực hiện được sứ vụ từ Chúa Cha trao cho để trở nên người thông truyền sự sống của Chúa Cha và ra đi hiệp thông với người khác trong Chúa Con.

Thánh lễ lôi cuốn chúng ta vào dòng sống trở về này. Trong dòng sống này chúng ta được liên kết với Đức Kitô, để thấy được nguồn vui về cùng Chúa Cha đang chờ đợi chúng ta ở tột đỉnh con đường trở về của Chúa Con.

C.G

 

SUY NIỆM 5: Mầu nhiệm cao cả

Chúa Giêsu mạc khải trước cho các môn đệ về mối tương quan mới cần phải có giữa Chúa và các ông trong mầu nhiệm vượt qua. Sự hiện diện mới của Chúa Phục Sinh với các môn đệ đòi hỏi các ngài phải có cái nhìn mới đối với Chúa và có thái độ sống mới. Sống thấy niềm vui vì xác tín có Chúa luôn hiện diện bên cạnh, cả trong những lúc gian nan bị thử thách, bị bách hại. Lời quả quyết của Chúa Giêsu: “Ít lâu nữa các con sẽ không thấy Thầy, rồi ít lâu nữa các con sẽ lại thấy Thầy” loan báo trước về thực tại mới sau biến cố vượt qua của Chúa. Trong vòng ba năm theo sống bên cạnh Chúa Giêsu, các môn đệ đã trông thấy Chúa Giêsu, nhưng có thể nói là các ông chưa thực sự thấy Chúa, vì các ông không hiểu được Chúa thực sự là ai. Ðức tin chưa được trọn vẹn, các ông còn cần Chúa Thánh Thần đến trợ giúp để được đưa vào trong sự thật trọn vẹn để hiểu thấu đáo hơn, để được thấy Chúa Phục Sinh. Khi nghe Chúa loan báo người sắp ra đi chịu khổ nạn thì các ông buồn. Những kẻ thù của Chúa khi giết chết Chúa trên thập giá thì vui mừng tưởng rằng mọi sự việc sẽ chấm dứt từ đây. Phần Chúa Giêsu, người báo trước cho các môn đệ là mọi sự sẽ được đổi mới, Chúa vẫn sống, sẽ đến với các ông, sẽ hiện diện với các ông cách mãnh liệt, vững chắc hơn nữa.

Chỉ “ít lâu nữa, các con lại thấy Thầy”, đây là mầu nhiệm cao cả của đời sống Kitô. Chúng ta sẽ không thấy được Chúa Giêsu, không thể tin nhận Người cho đến khi nào được Chúa Thánh Thần soi sáng để thấy Chúa, hiểu và tin nhận Chúa. Cần phải có sự thay đổi nội tâm, có cái nhìn mới về Chúa Giêsu, phải có niềm vui đích thực. Các tông đồ được mời gọi nâng tâm hồn lên, vượt qua được những cảm giác thường tình, để có thể khám phá ra Chúa Giêsu hiện diện một cách mới mẻ trong cuộc đời các ông, và từ đó nếm hưởng niềm vui đích thực, không phải niềm vui thế gian ban cho, nhưng là niềm vui từ Chúa, niềm vui mà không quyền lực thế gian nào có thể lấy mất đi được. Cần phải bước vào trong mối tương quan mới với Chúa Giêsu. “Các con cũng vậy, bây giờ các con lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng và niềm vui của các con không một ai lấy mất được”. Ðó là vì Chúa Giêsu hiện diện cách mới mẻ trong đời sống các môn đệ. Các ông phải thay đổi để đón nhận sự hiện diện mới mẻ này: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận cùng”. Chúng ta phải thể hiện và phải sống làm sao để cho thế gian, cho anh chị em chung quanh được trông thấy những sự thật chúng ta đang có trong tâm hồn mình, do sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn mình.

Lạy Chúa, xin hãy đến ngự trong con, cho con được sống mối tương quan mới với Chúa và sống vững mạnh trong niềm vui, mọi nơi và mọi lúc.

(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)

 

SUY NIỆM 6: CHÚA LUÔN YÊU TA (Ga 16,16-20)

Có một câu chuyện kể rằng: đêm nọ, có một người thấy giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Những lúc vui, thành công, anh thấy có hai đôi chân in trên cát, một của Chúa và một của anh. Nhưng những lúc anh gặp khó khăn, đau buồn thì khi nhìn lại, anh chỉ còn thấy một đôi chân!

Anh trách Chúa rằng: “Tại sao những lúc khó khăn, thất bại, Chúa lại bỏ con?”

Chúa trả lời: “Ta không bỏ con đâu, vì những lúc đó, Ta đã cõng con trên vai, vì thế, con chỉ còn thấy có một đôi chân của Ta nữa mà thôi’”.

Hôm nay, các môn đệ biết Đức Giêsu sắp rời xa mình, nên các ông buồn sầu và lo lắng! Nhưng Đức Giêsu đã trấn an các ông và báo cho các ông về sự xuất hiện của Chúa Thánh Thần. Đây là niềm vui vô cùng to lớn, bởi vì nhờ Người, mà các ông hiểu được con người, lời giảng dạy và sứ vụ của Đức Giêsu đúng theo chương trình và ý định của Thiên Chúa Cha. Như vậy, sự ra đi của Đức Giêsu sẽ đem lại cho các môn đệ niềm vui trọn vẹn qua Chúa Thánh Thần.

Trong đời sống đức tin của mình, nhiều khi chúng ta cũng cảm thấy Chúa như xa dần chúng ta! Nhất là khi túng ngặt về kinh tế hay đau yếu bệnh tật, bị hiểu lầm, vu vạ cáo gian hay cô đơn... Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta vững tin rằng, Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Thật vậy, những khi ta rối trí ngã lòng và cảm thấy lạc lõng, chúng ta hãy tin tưởng rằng: lúc đó chúng ta đang được Chúa bồng ẵm trên tay, để chỉ còn có một đôi chân của Chúa mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con vững tin vào Chúa, dù cuộc đời lắm nỗi khổ đau. Xin cho chúng con hiểu rằng, những lúc đó Chúa đang gần chúng con hơn cả, và xin cho chúng con được gần Ngài nhờ niềm tin. Amen.

Ngọc Biển SSP

 

SUY NIỆM 7: Nỗi buồn sẽ trở thành niềm vui

(TGM Giuse Nguyễn Năng)

Sứ điệp: Chúa Giêsu đã trở thành ý nghĩa cho thời gian. Thời gian có Ngài hiện diện là thời gian của niềm vui. Vì vậy, thời gian của người tín hữu sẽ trở thành u buồn nếu vắng bóng Người.

Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, cuộc đời con được dệt thành từ bao nhiêu biến cố. Mỗi sự việc xảy ra tạo nên những tâm trạng khác nhau. Có lúc con cảm thấy thật dễ chịu sung sướng vì cuộc đời hợp ý con. Nhưng rất nhiều khi con chán nản, thời gian sao nặng nề căng thẳng quá.

Tuy nhiên, lạy Chúa Giêsu, khi con sống trong tình yêu Chúa, thì thời gian con sống trở thành nhẹ nhàng hạnh phúc. Vì lúc ấy con sống trong tình mến Chúa, và lòng yêu mến ấy sẽ hóa giải tất cả. Bất cứ lúc nào Chúa cũng vẫn hiện diện trong cuộc đời con, nhưng nhiều lúc con đã khước từ lời mời gọi yêu thương của Chúa để đi theo những mời mọc của ma quỷ và thế gian. Lúc đó, cuộc sống của con vắng bóng Chúa và mất đi niềm vui hạnh phúc. Cuộc đời trở nên vô nghĩa.

Ngày xưa, Chúa đã trở thành niềm vui và sự nâng đỡ ủi an cho các môn đệ. Vì thế, khi vắng bóng Chúa, các ông đã buông xuôi thất vọng. Hôm nay, Chúa đã phục sinh và vẫn hiện diện trong cuộc đời con, giúp con biết luôn tìm sống theo thánh ý của Chúa, như một niềm vui tràn đầy trong tâm hồn. Và mặc dù bề ngoài con thiếu thốn hoặc mất mát tất cả, nhưng tâm hồn con vẫn có Chúa hiện diện, thì con tin rằng con vẫn còn tất cả, cuộc đời vẫn reo vui phấn khởi và tràn đầy ý nghĩa. Amen.

Ghi nhớ: “Các con sẽ buồn sầu, nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui”.

 

SUY NIỆM 8: Ðược Sống

(Lm Nguyễn Vinh Sơn SCJ)

Câu chuyện

Vào tuần thánh năm 1980, Đài Phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô nước Áo. Cô phát biểu: “Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gửi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ảnh chính nỗi đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách yêu thích nỗi đau khổ ấy”.

Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái đã ghi danh vào trường y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích: “Không ai có thể nói cho tôi biết chắc một trăm phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa”.

Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi: “Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này?”.

Cô gái mỉm cười nói: “Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống. Nhưng trên hết mọi sự là tình yêu của Chúa. Chính Ngài đã cho tôi nếm thử thiên đàng. Chỉ có như thế tôi mới đương đầu được với những đau khổ đang đè nặng trên tôi” (Trích “Món quà giáng sinh”).

Suy niệm

Trước viễn cảnh cuộc khổ nạn, Ðức Giêsu báo cho các môn đệ sự ra đi của Ngài làm cho các ông lo buồn. Sự lo buồn nơi các tông đồ thật dễ hiểu vì đây là tâm trạng tự nhiên của con người khi phải xa cách người Thầy yêu mến. Các ông lo vì Người đã nói đến sự thương khó mà Ngài đã ba lần báo trước (x. Mt 16,21; 17,22-23; 20,18-19) và bây giờ là gần kề: “Một ít nữa… các con sẽ không thấy Thầy”. Vì người ta sẽ bắt Ngài, giết trên thập tự rồi chôn vùi trong mồ và các ông không thể thấy Ngài được nữa!

Vì thế Ðức Giêsu nói: “Anh em sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng”. Trước cái chết trên thập giá của Ðức Giêsu, các môn đệ buồn sầu vì sự thất bại của Thầy, còn thế gian hân hoan vì tưởng rằng mình đã chiến thắng. Nhưng “ngày thứ ba Người sẽ sống lại” và sự chết sẽ không làm chủ được Ngài.

Cho nên, Ngài nhấn mạnh: “Rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, “một ít nữa” này rõ ràng là “ngày thứ ba”. Chiến thắng của thế gian không phải là chiến thắng cuối cùng và thất bại của Ðức Giêsu cũng không phải là thất bại sau hết. Nơi tận cùng của cái chết là bắt đầu đi vào cuộc sống và chiến thắng vĩnh cửu: Ngài toàn thắng tội lỗi, sự chết và phục sinh vinh quang.

Với sự hiện diện của Ðức Giêsu Phục Sinh, các môn đệ sống niềm vui vô bờ bến: Nước mắt trở nên tiếng cười... Chỉ sau khi Chúa Phục sinh hiện ra với các ông, “các ông vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20) thì đúng như lời Chúa đã nói trước: “Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn… nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui… Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng; và niềm vui của anh em không ai lấy mất được” (Ga 16,21-22). Các ông cảm nghiệm sâu xa sự sống đời đời và được hưởng sự sống đó do Đấng Phục Sinh mang lại.

Giữa những đau khổ lớn lao của cuộc sống hằng ngày, chúng ta nhờ tin vào Đấng đã chết và phục sinh, sẽ tìm thấy niềm vui. Những đau khổ tham dự vào mầu nhiệm thập giá với Chúa Kitô, dẫn tới niềm vui phục sinh, niềm vui đích thực sẽ không thể mất đi và cũng không bao giờ tàn lụi: Đó chính là niềm vui vì được sống, được sống đời đời do Chúa Phục Sinh mang lai…

“Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,

mùa gặt mai sau khấp khởi mừng” (Tv 125,5).

Ý lực sống:

“Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt” (Ga 12,24b).

 

SUY NIỆM 9: Nỗi buồn sẽ thành niềm vui

(Lm Giuse Đinh Lập Liễm)

1. Sau khi loan báo về Chúa Thánh Thần sẽ đến, về hoạt động của Người, Đức Giêsu cũng loan báo về việc Người sẽ trở lại để khích lệ các môn đệ. Ngài nói: “Ít lâu nữa các con sẽ không còn trông thấy Thầy”. Nghĩa là:

- Người báo tin về sự tử nạn mà Ngài sắp chịu. Vì thế, các môn đệ sẽ không còn trông thấy Người nữa.

- Người loan báo về sự Phục sinh và sự trở lại của Người trong vinh quang. Vì thế, các môn đệ sẽ thấy Chúa, không bằng khả giác nhưng bằng đức tin.

2. Trước viễn cảnh cuộc khổ nạn, Đức Giêsu báo cho các môn đệ sự ra đi của Ngài làm cho các ông buồn. Sự lo buồn nơi các Tông đồ thật dễ hiểu vì đây là tâm trạng tự nhiên của con người khi phải xa cách người Thầy yêu mến. Các ông lo vì Người đã nói đến sự thương khó mà Ngài đã ba lần báo trước và bây giờ là gần kề: “Một ít nữa... các con sẽ không thấy Thầy”. Vì người ta sẽ bắt Ngài giết trên thập tự rồi chôn vùi trong mồ và các ông không thể thấy Ngài nữa.

Vì thế Đức Giêsu nói: “Các con sẽ khóc lóc than van, còn thế gian sẽ vui mừng”. Trước cái chết trên thập giá của Đức Giêsu, các môn đệ buồn sầu vì sự thất bại của Thầy, còn thế gian hân hoan vì tưởng rằng mình đã chiến thắng. Nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại và sự chết sẽ không làm chủ được Ngài.

Cho nên Ngài nhấn mạnh: “Rồi lại một ít nữa các con sẽ thấy Thầy”, “một ít nữa” này rõ ràng là “ngày thứ ba”. Chiến thắng của thế gian không phải là chiến thắng cuối cùng và thất bại của Đức Giêsu cũng không phải là thất bại sau hết. Nơi tận cùng của cái chết là bắt đầu đi vào cuộc  sống và chiến thắng vĩnh cửu: Ngài toàn thắng tội lỗi, sự chết và phục sinh vinh quang (Lm Vinh Sơn).

3. “Nhưng nỗi buồn của các con biến thành niềm vui”.

Với sự hiện diện của Đức Giêsu Phục sinh, các môn đệ sống niềm vui vô bờ bến: nước mắt trở nên tiếng cười... Chỉ sau khi Chúa Phục sinh hiện ra với các ông, “các ông vui mừng vì được thấy Chúa” (Ga 20,20) thì đúng như lời Chúa đã nói trước: “Nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui. Khi sinh con, người đàn bà lo buồn... nhưng khi sinh rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui... Các con cũng vậy, bây giờ các con lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại các con, lòng các con sẽ vui mừng; và niềm vui của các con không ai lấy mất được” (Ga 16,21-22). Các ông cảm nghiệm sâu xa sự sống đời đời và được hưởng sự sống đó do Đấng Phục sinh mang lại.

4. Kitô  giáo không chối bỏ thực tại của đau khổ, nhưng trong cái chết và sự phục sinh của Đức Giêsu, Kitô giáo không còn nhìn vào đau khổ như một ngõ cụt của cuộc sống, trái lại, trong ánh sáng phục sinh của Đức Giêsu, cuộc sống vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống. “Một ít nữa, các con sẽ không thấy Thầy, rồi một ít nữa, các con sẽ thấy Thầy”. Đức Giêsu mời gọi các môn đệ của Ngài tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhìn thấy Ngài ngay cả những lúc tăm tối của cuộc sống. Thấy được Ngài, bám chặt lấy Ngài, thì cho dù khổ đau có chồng chất, con người vẫn thấy được ý nghĩa của cuộc sống. Tham dự vào mầu nhiệm Vượt qua của Ngài cũng có nghĩa là nhận ra khuôn mặt của Ngài trong những anh em đau khổ chung quanh chúng ta. Sự cảm thông phục vụ đối với những người đau khổ sẽ cho chúng ta tham dự vào cuộc tử nạn của Đức Giêsu và niềm vui Phục sinh sẽ tràn ngập tâm hồn chúng ta (Mỗi ngày một tin vui).

5. Tóm lại, lời Chúa hôm nay là một lời nhắn nhủ đầy yêu thương, nhắc cho chúng ta nhớ mình chỉ là lữ khách sống tạm ở trần gian, như bông hoa sớm nở chiều tàn. Cuộc đời chúng ta ngắn ngủi lắm, chúng ta phải luôn sống tốt lành để được chết lành, chúng ta phải biết từ bỏ mình để gặp gỡ lại mình trong cõi vĩnh phúc.

6. Truyện: Niềm vui trong tình yêu Chúa.

Vào tuần thánh năm 1980, đài phát thanh Vienne nước Áo truyền đi một bài phỏng vấn vô cùng cảm động. Người được phỏng vấn là một nữ sinh viên đang nằm chờ cái chết đến từng ngày tại một bệnh viện ở thủ đô Áo quốc. Cô phát biểu: “Sau khi bác sĩ chẩn đoán và cho biết tôi mắc chứng sưng bạch huyết, tôi có cảm tưởng như trời sập xuống trên tôi. Tuy nhiên tôi cũng cảm thấy như Chúa muốn gửi đến cho tôi một cơ may mới. Từ hai ba năm nay tôi đã bắt đầu có một cái nhìn mới. Tôi nhận ra trong đau khổ của riêng tôi cũng như của những người chung quanh phản ánh chính sự đau khổ của Chúa Giêsu chịu đóng đinh và bị bỏ rơi trên thập giá. Tôi đã tìm cách  yêu thích nỗi đau khổ ấy”.

Chính vì muốn chấp nhận đau khổ mà cô gái ghi danh vào trường y khoa. Nằm trên giường bệnh, biết mình không còn sống bao lâu nữa, vậy mà cô vẫn cầm trên tay một cuốn sách và cây viết. Cô giải thích: “Không ai có thể nói cho tôi biết chắc 100 phần trăm là tôi sẽ không học xong hoặc tôi sẽ không bao giờ trở thành bác sĩ. Tuy nhiên vẫn luôn luôn có những phép lạ. Và riêng tôi, tôi xác tín rằng tôi phải thực thi ý Chúa nếu tôi muốn tiến tới. Đó là cách thế tôi chuẩn bị đón nhận cái chết, chuẩn bị đi vào thiên đàng. Tôi để Chúa làm việc hầu cho tất cả mọi việc trở thành tình yêu. Tất cả mọi sự, từ việc học hành của tôi cho đến những việc nhỏ mọn tôi làm cho người khác. Bởi vì tôi không làm được những việc quan trọng nữa”.

Không khỏi ngạc nhiên trước những lời phát biểu trên đây, người phóng viên liền hỏi: “Tôi đọc thấy trên gương mặt của cô niềm vui và hy vọng. Thế nhưng cô còn chờ đợi gì nơi cuộc sống này”?

Cô gái mỉm cười nói: “Tôi chờ đợi mọi sự từ cuộc sống”.

 

Đau khổ của anh em sẽ trở thành niềm vui – SN song ngữ 13.5.2021

 
 

Thursday (May 13): “Your sorrow will turn into joy”

 

Scripture: John 16:16-20 

16 “A little while, and you will see me no more; again a little while, and you will see me.” 17 Some of his disciples said to one another, “What is this that he says to us, `A little while, and you will not see me, and again a little  while, and you will see me’; and, `because I go to the Father’?” 18 They said, “What does he mean by `a little while’? We do not know what he means.” 19 Jesus knew that they wanted to ask him; so he said to them, “Is this what you are asking yourselves, what I meant by saying, `A little  while, and you will not see me, and again a little while, and you will see me’? 20 Truly, truly, I say to you, you will weep and lament, but the world will rejoice; you will be sorrowful, but your sorrow will turn into joy.

Thứ Năm –  13-5          Đau khổ của anh em sẽ trở thành niềm vui

 

Ga 16,16-20

16 “Ít lâu nữa, anh em sẽ không còn trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy.”17 Bấy giờ vài người trong nhóm môn đệ của Đức Giê-su hỏi nhau: “Người muốn nói gì khi bảo chúng ta: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy” và “Thầy đến cùng Chúa Cha”? “18 Vậy các ông nói: “”Ít lâu nữa” nghĩa là gì? Chúng ta không hiểu Người nói gì! “19 Đức Giê-su biết là các ông muốn hỏi mình, nên bảo các ông: “Anh em bàn luận với nhau về lời Thầy nói: “Ít lâu nữa, anh em sẽ không trông thấy Thầy, rồi ít lâu nữa, anh em sẽ lại thấy Thầy”.20 Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui.

Meditation: 

 

How does “weeping” and “rejoicing” go together? Jesus contrasts present sorrows with the future glory to be revealed to those who put their hope in God. For the people of Israel time was divided into two ages – the present age and the age to come. The prophets foretold the coming of the Messiah as the dawn of a new age. Jesus tells his disciples two important truths. First, he must leave them to return to his Father and second, he will surely come again at the end of time to usher in the new age of God’s kingdom. 

Jesus’ victory over sin and death brings us supernatural joy without end

 

Jesus’ orientation for the time between his first coming and his return in glory at the end of the world is a reversal of the world’s fortunes. The world says take your joy now in whatever pleasures you can get from this present life. Jesus points to an “other-worldly” joy which transcends anything this world can offer. Jesus contrasts present sorrows with future joy. A woman in labor suffers the birth-pangs first, but then forgets her sorrow as soon as her new-born child comes to birth. We cannot avoid pain and sorrow if we wish to follow Jesus to the cross. But in the cross of Christ we find freedom, victory, and joy.  Thomas Aquinas said: “No one can live without joy. That is why a man or woman deprived of spiritual joy will turn to carnal pleasures”. Do you know the joy of the Lord?

 

“To you, O Jesus, do I turn my true and last end. You are the river of life which alone can satisfy my thirst. Without you all else is barren and void. Without all else you alone are enough for me. You are the Redeemer of those who are lost; the sweet Consoler of the sorrowful; the crown of glory for the victors; the recompense of the blessed. One day I hope to receive of your fullness, and to sing the song of praise in my true home. Give me only on earth some few drops of consolation, and I will patiently wait your coming that I may enter into the joy of my Lord.” (Bonaventure, 1221-74 AD)

Suy niệm:

 

Làm thế nào “khóc lóc” và “vui mừng” đi chung với nhau? Đức Giêsu đối chiếu các đau khổ hiện tại với vinh quang ngày sau để mặc khải cho những ai đặt niềm tin cậy vào Thiên Chúa. Đối với người Israel, thời gian được chia thành hai giai đoạn – thời hiện tại và thời sẽ đến. Các ngôn sứ tiên báo việc Đấng Mesia sẽ đến như vầng đông của thời đại mới. Đức Giêsu nói với các môn đệ hai sự thật quan trọng này. Thứ nhất, Người phải rời bỏ họ để về cùng Chúa Cha. Và hai là Người chắc chắn sẽ trở lại lần nữa vào thời kỳ cuối cùng để mở ra thời đại mới của vương quốc Thiên Chúa.

Chiến thắng của Đức Giêsu vượt trên tội lỗi và sự chết đem lại cho chúng ta niềm vui siêu nhiên bất tận

Ý hướng của Đức Giêsu cho thời gian giữa việc đến lần đầu và sự trở lại trong vinh quang của Người vào ngày tận thế là sự thay đổi hoàn toàn các vận mệnh của thế giới. Trong khi thế gian nói rằng hãy tận hưởng vui thú bây giờ đi nơi bất cứ lạc thú nào mà ngươi có thể có được trong cuộc sống hiện tại này. Còn Đức Giêsu thì nhắm tới một niềm vui của một “thế giới khác” sẽ vượt trổi tất cả mọi thứ mà thế gian này có thể ban cho. Đức Giêsu đối chiếu các đau khổ hiện tại với niềm vui tương lai. Người phụ nữ sinh con trước hết phải chịu đau đớn khi sinh đẻ, nhưng rồi khi sinh đứa con ra rồi thì quên hết mọi nỗi đau. Chúng ta không thể tránh né đau khổ và buồn phiền nếu chúng ta muốn đi theo Đức Giêsu trên con đường thập giá. Nhưng trong thập giá của Đức Kitô, chúng ta tìm thấy tự do, chiến thắng, và niềm vui. Thánh Toma Aquinas nói: “Không ai có thế sống mà không có niềm vui. Đó là lý do tại sao người đánh mất niềm vui thiêng liêng sẽ quay sang những thú vui xác thịt”. Bạn có biết niềm vui của Chúa không?

Lạy Chúa Giêsu, con hướng về Chúa là sự thật và cùng đích của con. Chúa là dòng sông sự sống duy nhất có thể thỏa mãn khát vọng của con. Không có Chúa mọi sự khác chỉ là khô khan và trống rỗng. Một mình Chúa là đủ cho con rồi chứ không cần những thứ khác. Chúa là Đấng Cứu độ của những ai lầm lạc; là Đấng an ủi ngọt ngào cho những ai đau khổ; là triều thiên vinh quang cho những ai chiến thắng; là phần thưởng cho những ai có phúc. Ngày nào đó con hy vọng sẽ lãnh nhận sự trọn vẹn của Chúa và hát bài ca ngợi trong nhà thật của con. Xin ban cho con một chút an ủi ở trần gian và con sẽ kiên nhẫn chờ đợi Chúa đến để con có thể đi vào niềm vui của Chúa (Thánh Bonaventura, 1221-1274 AD).

Tác giả: Don Schwager
(http://dailyscripture.servantsoftheword.org/readings/)
Bro. Paul Thanh Vu – chuyển ngữ

 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây