CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C
Cv 15,1-2.22-29; Kh 21,10-14.22-23; Ga 14,23-29
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
23 Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.
24 Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.
25 Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.
26 Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
27 “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.
28 Anh em đã nghe Thầy bảo: ‘Thầy ra đi và đến cùng anh em’. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy.
29 Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”
SUY NIỆM 1: CHÚA GIÊSU VẪN HIỆN DIỆN
Lời Chúa:“Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều và sẽ nhắc nhở các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật VI Phục sinh hôm nay mở ra cho chúng ta niềm hy vọng và xác tín: dù Chúa Giê-su không còn hiện diện hữu hình giữa trần gian, Người vẫn luôn hiện diện cách sống động và hiệu quả nơi Hội Thánh, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Chính Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các môn đệ mọi điều Người đã truyền dạy. Ai nghe và tuân giữ lời Người thì ở trong tình yêu của Người:
Bao điều Chúa dạy môn đồ,
Nhưng còn lãnh hội đều do Thánh Thần.
Chính Ngài soi sáng canh tân,
Sống đời con Chúa tiến gần thành đô.
Nơi Con Thiên Chúa đợi chờ,
Cha con chung hưởng mọi giờ hiển vinh.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa Thánh Thần soi sáng hướng dẫn và ban ơn giúp sức cho chúng ta, để chúng ta trở nên dấu chỉ sự hiện diện của Chúa trong trần gian qua việc sống bác ái yêu thương như Chúa đã truyền dạy. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con yêu mến và tuân giữ lời Chúa để được Thiên Chúa yêu thương. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đến để đem bình an cho nhân loại. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa ban Thánh Thần để Ngài soi sáng hướng dẫn, và giúp sức chúng con tuân giữ điều Chúa truyền dạy. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Chắc hẳn trong đời sống ai trong chúng ta cũng đã từng ít nhất một lần tiễn biệt người thân: tiễn người đi xa, hay đau buồn hơn là tiễn một người về với cõi vĩnh hằng. Những lúc như thế, con tim thường nặng trĩu, nước mắt rơi xuống, bởi chia ly vốn không dễ chịu.
Nỗi đau ấy cũng đang diễn ra nơi các môn đệ trong Tin Mừng hôm nay. Chúa Giê-su chuẩn bị bước vào cuộc thương khó, và Người báo trước: "Thầy đi và sẽ trở lại với anh em." Sự chia tay làm các môn đệ hoang mang, buồn sầu. Nhưng Chúa không để họ mồ côi. Người hứa ban Chúa Thánh Thần, Đấng Bảo Trợ nhắc lại Lời Chúa và hướng dẫn Hội Thánh trong mọi hoàn cảnh.
Thưa anh chị em, bài đọc I trích sách Công vụ Tông đồ kể lại một sự kiện rất gần gũi và thực tế: Trong hành trình rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại, thánh Phaolô và thánh Barnaba gặp khó khăn khi một số người Do Thái buộc các Kitô hữu gốc dân ngoại phải chịu phép cắt bì và giữ luật Mô-sê mới được cứu độ.
Vấn đề này gây chia rẽ, hoang mang. Nhưng nhờ Thánh Thần, Hội Thánh đã họp lại, cầu nguyện và lắng nghe. Và quyết định được công bố: “Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần thiết: kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm.” Đây là bước ngoặt lớn, tái lập sự hiệp nhất và bình an trong Hội Thánh. Chính nhờ Chúa Thánh Thần soi sáng mà Kitô giáo trở thành Đạo của mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ, mọi thời đại. Đạo tình yêu và lòng thương xót.
Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su khẳng định: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy.” Sự hiện diện của Chúa không còn là một cảm xúc mơ hồ, nhưng là một thực tại thiêng liêng: Người hiện diện nơi tâm hồn biết lắng nghe và thực hành Lời Người. Đức Giáo Hoàng Lêô XIV trong bài giảng khai mạc sứ vụ Thánh Phêrô nhấn mạnh rằng: “Phêrô vẫn là Phêrô, nhưng Hội Thánh không sống nhờ quyền con người, mà nhờ sự hiện diện và hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Chính Người nối kết mọi thế hệ, mọi dân tộc, mọi ngôn ngữ trong cùng một đức tin.” Cũng như vậy, dù Chúa Giê-su “đi về cùng Cha”, Người vẫn hiện diện sống động trong Hội Thánh: nơi các Bí tích, nhất là Bí tích Thánh thể; nơi Lời Chúa được công bố và thực hành; nơi cộng đoàn yêu thương và hiệp nhất; và nơi từng tâm hồn dám sống theo Tin Mừng giữa thế giới đầy biến động.
Chuyện kể rằng, một bà mẹ đặt dưới gối con gái mình một bức thư với dòng chữ: “Hãy đọc khi con thấy cô đơn”. Trong thư là những lời tràn đầy yêu thương: “Dù con ở đâu, dù con thế nào, mẹ vẫn luôn ở cạnh con.” Cô gái ấy, mỗi lần buồn, lại đọc thư mẹ và tìm lại được sự an ủi, bình an.
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Thiên Chúa cũng để lại “bức thư” cho chúng ta: đó là Lời Chúa. Mỗi khi chúng ta lắng nghe, suy gẫm và sống Lời Chúa, là mỗi lần chúng ta cảm nhận được sự hiện diện đầy yêu thương của Người.
Chúa Giê-su nói: “Thầy ban cho anh em bình an, Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian.” Thế gian có thể ban cho chúng ta sự thoải mái, an toàn nhất thời, nhưng chỉ có Chúa mới ban bình an đích thực: đó là sự an tâm giữa đau khổ; là lòng nhẹ nhàng khi phải tha thứ; là sức mạnh để chọn điều thiện giữa bao điều gian dối.
Như thế, Chúa Giê-su không chỉ là một ký ức quá khứ, nhưng là Đấng đang sống, đang ở lại, đang đồng hành với từng người trong chúng ta, nếu chúng ta biết giữ Lời Người và mở lòng đón Thánh Thần.
Ước gì, mỗi Thánh lễ chúng ta tham dự, mỗi Lời Chúa chúng ta lắng nghe, đều trở thành điểm chạm để gặp lại Chúa Giê-su, Đấng luôn hiện diện. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
SUY NIỆM 2: VÂNG LỜI LÀ YÊU MẾN
Khi được Chúa Giê-su hỏi “Con có yêu mến Thầy không?”, Thánh Phêrô đã mau mắn trả lời rằng: “Thầy biết con yêu mến Thầy”. Tuy Thánh Phêrô đã trả lời đến 3 lần như thế, mà thậm chí là 30 lần đi nữa thì vẫn chưa đảm bảo được điều gì. Bởi tình yêu mà Chúa Giê-su muốn chúng ta dành cho Ngài là một tình yêu với những hành động cụ thể và thiết thực, chứ không phải một tình yêu mang nặng cảm tính hay chỉ nằm nơi đầu môi chót lưỡi. Cụ thể là qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa muốn chúng ta dành tình yêu cho Chúa qua việc tuân giữ các giới răn của Ngài.
Nói đến việc tuân giữ lời Chúa, có những người rất hăng say. Họ tìm mọi cách và không ngừng nỗ lực cố gắng, để mong sao có thể giữ và sống lời Chúa dạy một cách tốt nhất. Thế nhưng cũng có không ít người, đặc biệt là những người trẻ cảm thấy mệt mỏi nặng nề khi phải sống theo 10 điều răn, thậm chí còn phàn nàn cả Giáo Hội. Tại sao lại như thế?
Lý do là ngày nay nhiều người coi việc tuân giữ các giới răn của Chúa như là một bổn phận, một trách nhiệm buộc phải làm; chứ không phải vì lòng yêu mến Chúa.
Bằng chứng là việc tham dự Thánh lễ ngày Chúa nhật. Vì chỉ coi đó là một bổn phận, không đi thì sợ mắc tội trọng, sợ bị người khác dèm pha chỉ trích; nên nhiều người đi nhưng là đi thì muộn mà về thì sớm, tìm mọi cách để cắt đầu cắt đuôi, được khúc nào hay khúc đó; đi nhưng không chịu vào trong nhà thờ, thấy hay không thấy bàn thờ không quan trọng, nghe được gì hay không nghe cũng mặc kệ, miễn là có mặt ở nhà thờ cho xong trách nhiệm là được. Thành thật mà nói, giữ đạo như vậy thì mệt mỏi vô cùng thưa cộng đoàn!
Còn những anh chị em có lòng yêu mến Chúa thật sự, thì ta sẽ thấy họ có những hành động tuy âm thầm, tuy nhỏ bé, tuy nhẹ nhàng; nhưng đáng để chúng ta ngưỡng mộ. Có những anh chị em đi rất sớm để tìm cho mình một chỗ ngồi trong nhà thờ sao cho có thể nhìn thấy rõ Chúa, nghe rõ cha giảng; sau lễ còn ở lại cầu nguyện để cám ơn Chúa.
Như thế việc tuân giữ các giới răn của Chúa không khó, nhưng khó là nằm ở tấm lòng của mỗi người đối với Chúa.
Hôm nay nói lên thực trạng này không nhằm lên án ai, nhưng chỉ muốn nhấn mạnh với chúng ta điều này: đã là người kitô hữu, thì hãy giữ đạo và sống đạo vì lòng yêu mến Chúa chứ đừng vì một lý do nào khác. Chỉ có như thế, thì vào mỗi ngày Chúa nhật, khi chúng ta tìm đến nhà thờ, khi chúng ta hiệp dâng Thánh lễ, chúng ta mới cảm nhận được sự bình an thật sự trong tâm hồn; chứ không phải là nặng nề mệt mỏi.
Tóm lại lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy suy gẫm 2 câu nói này:
Câu thứ nhất là câu nói của Chúa Giê-su: “Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy”.
Và câu thứ hai là lời của Thánh Gioan tông đồ: “Ai nói rằng mình biết và yêu mến Chúa mà không tuân giữ các điều răn của Ngài, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy” (1Ga 2,4). Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3: BÌNH AN TRONG CHÚA
Một lần nọ, người ta hỏi Dante, một đại thi hào của nước Ý vào cuối thế kỷ thứ XIII rằng: “Ðâu là điều mà ông tìm kiếm và mong mỏi nhất trong cuộc sống?” Bậc vĩ nhân đã trả lời: “Tôi vẫn luôn tìm kiếm điều mà bất cứ ai cũng kiếm tìm, đó là sự bình an.”
Bình an quả là ước mong của mọi người trên trần gian. Ngay cả với người đã khuất, chúng ta cũng cầu xin bình an cho họ. Trên rất nhiều bia mộ, chúng ta thấy khắc ba chữ R.I.P. Ðó là viết tắt của 3 chữ la-tinh “Requiescat in pace”, có nghĩa là “Hãy nghỉ ngơi trong bình an.” Trong lời cầu nguyện, chúng ta “xin cho họ được an nghỉ nghìn thu.”
Bình an cũng là điều Giáo hội cầu xin Chúa trong mỗi thánh lễ. Từ sau kinh Lạy Cha đến lúc rước lễ, từ “bình an” được linh mục chủ tế và cộng đoàn phụng vụ đọc lên 8 lần! Và thánh lễ được kết thúc với lời sai đi trong bình an “Lễ xong, chúc anh chị em đi bình an!”
Và trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe Chúa Giê-su hứa ban bình an cho các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn: “Thầy để lại bình an cho anh em. Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian”.
Vậy bình an mà Chúa Giê-su hứa ban là gì? Có phải là sự bình an vì có cuộc sống an nhàn, không gặp những bất trắc, chiến tranh, đau khổ, bệnh tật? Hay là sự bình an vì tâm hồn không bị chi phối bởi những hiềm thù ghen ghét, tham lam đố kỵ? Sự bình an mà Chúa Giê-su hứa ban thì “không theo kiểu thế gian”. Theo Kinh Thánh, nhất là dưới ngòi bút của thánh Gioan, bình an là chính Chúa Kitô, Ðấng ban hạnh phúc và ơn cứu độ cho những ai tin vào Người. Chính Người là Thiên Chúa, là Cội Nguồn của bình an, và chỉ có Người mới ban được bình an này.
Khi nói: “Thầy để lại bình an cho anh em”, Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh với các môn đệ: “Thầy luôn ở với anh em; sự hiện diện của Thầy sẽ làm anh em thỏa lòng và không có gì làm anh em bối rối, khiếp sợ cả.” Ðó là sự hiện diện trong vắng mặt, là sự xác tín về sự hiện diện dưới một hình thức khác mà chỉ những ai yêu mến Chúa mới có thể nhận ra trong đức tin mà thôi. Sự hiện diện của Chúa, tuy huyền nhiệm nhưng làm chúng ta yên tâm và đó là sự bình an!
Có bình an của Đức Kitô, các nhà truyền giáo mạo hiểm ra đi đến những vùng đất xa lạ để loan báo Tin Mừng; có bình an của Đức Kitô, các vị tử đạo sẵn sàng hy sinh mạng sống để làm chứng cho Chúa Kitô; có bình an của Đức Kitô, các Kitô hữu có đủ sức mạnh để kiên trì sống đức tin, dù phải đi ngược lại với các khuynh hướng tự nhiên của con người và xu hướng của xã hội. Và bình an của Ðức Kitô, đó là sự thanh thản trong tâm hồn của một bệnh nhân dù thân xác đang đau đớn. Bình an của Ðức Kitô, đó là sự tin tưởng vững vàng và cậy trông khi đối diện với cái chết và sự chia ly. Vì bình an là có Chúa ở cùng trong mọi hoàn cảnh.
Trong Thánh lễ có nghi thức chúc bình an, và chúng ta dễ thực hiện việc chúc bình an này theo thói quen mà quên đi ý nghĩa của cử chỉ này. Khi quay sang người bên cạnh để nói với họ lời chúc: “bình an Chúa Kitô”, chúng ta muốn nói rằng, “tôi ước mong Ðức Kitô ở trong bạn, ban cho bạn bình an và niềm vui của Người.”. Qua việc chúc bình an, chúng ta cũng muốn diễn tả tâm tình hiệp thông và hòa giải, sẵn sàng đón nhận tha nhân vì nhận biết sự hiện diện của Chúa nơi mình và nơi người ấy.
Chúa Giê-su đã hứa ban bình an của Người cho các môn đệ và cho nhân loại. Nhưng để thực sự có được sự bình an của Chúa, chúng ta phải tha thiết cầu xin Chúa. Nghĩa là chúng ta phải khao khát để Chúa hiện diện trong cuộc đời chúng ta, trong Giáo hội, xã hội và trong mọi người. Vì vậy, trong thánh lễ và trong cầu nguyện:
Chúng ta hãy xin bình an của Chúa cho Giáo hội, để dù giữa những phong ba, bão táp, Giáo hội vẫn tiếp tục làm nảy sinh niềm hy vọng.
Chúng ta hãy xin bình an của Chúa cho các dân tộc đang bị hủy diệt bởi chiến tranh và các cuộc xung đột, để mặt trời công chính và tình huynh đệ chiếu tỏa trên các dân tộc này.
Chúng ta hãy xin bình an của Chúa cho những ai đang bị xâu xé bởi nạn đói, sự chết, bệnh tật, các cuộc chia ly... để họ luôn cảm nhận được rằng Chúa luôn ở với họ.
Chúng ta hãy xin bình an của Chúa cho giáo xứ, cho cộng đoàn chúng ta, cho gia đình và cho chính chúng ta, để chúng ta biết mở rộng vòng tay đón tiếp và chia sẻ.
Xin Chúa Giê-su giúp chúng ta luôn trung thành với Tin Mừng Bình An và dạy chúng ta biết thương yêu như Người đã yêu thương. Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM 4: BÌNH AN
Truyện kể về bác nông dân nối cầu hoà bình: Ngày nào bác cũng phải khàn cả tiếng để đuổi đám gà của những người hàng xóm. Gà chui qua hàng rào và bới nát cả vườn tược của bác. Bác xin những người láng giềng nhốt gà lại, thế nhưng không ai thèm chú ý đến lời yêu cầu của bác. Là một người ưa chuộng hoà bình, bác không muốn ăn miếng trả miếng. Bác liền nghĩ ra một giải pháp độc đáo: Bác đi mua trứng gà bỏ vào giỏ và cứ vài ngày, bác lại mang trứng gà sang cho những người láng giềng và nói rằng đám gà của họ đã đẻ trong vườn của bác. Bác làm thế 3 lần và kết quả diễn ra nhanh chóng. Những người láng giềng vội rào dậu cẩn thận để giữ gà ở nhà đẻ trứng. Chỉ mất một ít trứng gà mà bác đã tránh được những tranh chấp vô ích có thể làm sứt mẻ tình hàng xóm.
Thị phi ở đời thật khó lường, đôi khi có bé thì xé ra to. Cách tốt nhất là cùng nhau xây dựng hoà bình. Mọi người sẽ có một cuộc sống an lạc, vui tươi và hạnh phúc. Các cộng đoàn tín hữu thời sơ khai cũng gặp rất nhiều những vấn đề nan giải. Một số người thủ cựu với óc hẹp hòi thường gây xáo trộn bằng cách rỉ tai và loan truyền những lời thất thiệt gây nghi ngờ: Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang (Cv 15,24). Trong giai đoạn tranh tối tranh sáng giữa lề luật của đạo cũ và đạo mới đã làm cho nhiều tâm hồn bất an. Vì có nhiều người sống đạo chỉ cậy dựa vào những hình thức bên ngoài và chu toàn những khoản luật không đi đôi với đời sống nội tâm nên đã gặp nhiều xao xuyến.
Đại diện Giáo Hội đã gửi Phaolô, Barnaba, Giuđa, Sila và những vị có uy tín đến với các anh chị em thuộc dân ngoại ở Antiokia, Syria và Cilicia để khuyên dạy và gởi lời chào thăm của các Tông đồ và Kỳ lão. Các Tông đồ không muốn đặt gánh nặng nào khác lên vai những người đã tòng giáo. Một số điều cần thiết nên thực hiện: Là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh (Cv 15,29). Các Tông đồ đã quyết định không thực hành việc cắt bì cho những tân tòng gia nhập Giáo Hội. Vì theo truyền thống của người Do thái, mọi con trai đều được cắt bì theo luật Mô-sê.
Chúa Giê-su đã vượt qua từ cõi chết tới sự sống lại. Đường vào đạo của Chúa Giê-su khởi đi từ trái tim yêu thương. Vâng giữ lệnh truyền của Thầy là yêu mến Thầy. Tình yêu là hạt nhân sống đạo. Thánh Augustinô viết rằng: Cứ yêu đi, rồi làm. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giê-su chọn lựa: Ơn gọi của con là tình yêu. Mẹ Têrêxa thành Calcutta lập dòng Thừa sai Bác ái. Mẹ Têrêxa đã phát biểu: Qua dòng máu, tôi là người Albania. Bởi quyền công dân, tôi là người Ấn Độ. Với niềm tin, tôi là một nữ tu Công giáo. Từ trái tim, tôi hoàn toàn thuộc về Thánh tâm của Chúa Giê-su. Thánh Tâm của Chúa đầy lửa mến và lòng xót thương. Đức Giê-su nói: Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy (Ga 14, 23). Tình yêu là tất cả. Chúa Giê-su đã sống và đã chết cho tình yêu để tình yêu sống mãi.
Mỗi lần hiện ra cùng các Tông đồ, Chúa Giê-su luôn cầu chúc bình an. Sự bình an đích thực trong tâm hồn: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi (Ga 14,27). Khi Chúa Giê-su giáng trần, các thiên thần đã đồng thanh ca hát rằng: Bình an dưới thế cho người thiện tâm. Ai trong chúng ta cũng mong muốn có sự an lạc và yên vui trong cuộc sống. Muốn tìm sự an vui thanh thản, chúng ta cần buông bỏ những ràng buộc kéo lôi và tranh chấp vô ích. Nếu chúng ta có tâm thiện, chúng ta sẽ chuyển hóa mọi điều tiêu cực trở thành tích cực. Giống như khi đeo kính, nếu chúng ta mang kính sáng thì sẽ thấy mọi sự vật rõ ràng trong sáng. Khi đeo kính màu hay kính râm, chúng ta sẽ nhìn thấy khung cảnh chung quanh đổi mầu và mờ ảo. Cũng vậy khi lòng chúng ta áy náy và buồn phiền, tâm của chúng ta sẽ bị xao xuyến và lo lắng. Tâm trong thì lòng thành.
Sự bình an của Chúa ở trong những mảnh hồn có thiện tâm. Thiện tâm hay tâm thiện là phải có tâm từ, tâm bi, tâm hỉ và tâm xả. Tâm từ có khả năng đối trị lòng tham và sự giận hờn. Tâm từ là đem niềm vui cho người khác một cách vô điều kiện. Tâm bi là xoa dịu những nỗi đau và nỗi khổ của con người. Chia sẻ và cảm thông những nỗi bất hạnh của người khác. Thấy người đau, chúng ta cảm thông nỗi đau. Tâm hỉ, đối lại là tâm tị hiềm và ganh ghét. Tâm chúng ta luôn hoan hỉ với việc làm tốt của người khác. Thấy người khác công thành danh đạt, thì chúng ta chúc mừng. Thấy người khác siêng năng, tinh tấn, tốt lành và may mắn, chúng ta chung vui hoan hỉ. Tâm xả, đối trị lại với tâm kỳ thị và cố chấp của mỗi con người. Chúng ta sống thảnh thơi, nhàn hạ, cởi mở và không vướng lụy vào điều gì khác.
Khi thời gian đã mãn, Chúa Giê-su phải rời thế gian để về cùng Chúa Cha. Chúa Giê-su đã hiện diện cùng các môn đệ và Giáo Hội một cách khác. Đấng Bảo Trợ sẽ đến để dạy chúng ta mọi điều. Chúa Giê-su mạc khải cho chúng ta về Ngôi Ba Thiên Chúa. Nhờ các ơn sủng trợ giúp của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội tiếp tục cuộc lữ hành trần thế: Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14,26). Chúng ta biết Giáo Hội là một tổ chức có cơ cấu như một xã hội, nhưng lại có sứ vụ linh thánh (divine mission). Giáo Hội tập trung sứ mệnh cao cả là rao giảng Tin Mừng của Chúa Giê-su Kitô.
Chúng ta tin rằng Chúa Thánh Thần vẫn luôn hoạt động trong Giáo Hội qua mọi biến cố. Ngày tháng qua, chúng ta đã chứng kiến những luồng gió tươi mát qua sự kiện từ chức của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI và bầu chọn Đức tân Giáo hoàng Phanxicô. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã bày tỏ với các hồng y: Các ngài phải gắn bó niềm tin chặt chẽ với tận gộc rễ của Tin Mừng và xa tránh những cám dỗ của thời hiện đại. Trái lại, Giáo Hội có nguy cơ trở nên nhóm bác ái khác mà không có sứ vụ thánh. Đức Giáo hoàng nói: Chúng ta có thể bước tới mọi nơi mà chúng ta muốn và có thể xây dựng mọi thứ, nhưng nếu chúng ta không loan báo Chúa Giê-su Kitô, có vài điều sai lạc. Chúng ta trở nên một tổ chức thương cảm phi chính phủ và không còn là Giáo Hội, Hiền Thê của Chúa Kitô. Chính Chúa Kitô mới là trung tâm điểm đời sống của các Kitô hữu và Giáo Hội trong mọi nơi và mọi thời.
Thánh Gioan trong Sách Khải Huyền, đã thị kiến vinh quang quê hương vĩnh cửu nơi Chúa Kitô đang ngự bên hữu Thiên Chúa: Rồi đang khi tôi xuất thần, thì người đem tôi lên một ngọn núi cao hùng vĩ và chỉ cho tôi thấy Thành Thánh, là Giêrusalem, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống (Kh 21,10-11). Để cùng chung hưởng hạnh phúc với Chúa Kitô Phục Sinh, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc nhở chúng ta: Ai không cầu nguyện với Thiên Chúa, người đó cầu nguyện với thần dữ. Khi chúng ta không tuyên xưng Chúa Giê-su Kitô, là chúng ta tuyên xưng thế giới của ma quỷ và thần dữ. Chỉ có Chúa là Đấng Thánh, chỉ có Chúa là Chúa và chỉ có Chúa là Đấng Tối Cao. Chúng ta cùng đặt niềm tin yêu và hy vọng vào Chiên Thiên Chúa vì Ngài là nguyên thuỷ và cùng đích của tất cả vũ trụ muôn loài: Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi (Kh 21,23).
Lạy Chúa, tình yêu Chúa bao la ngập tràn, xin nguồn ân sủng Chúa biến đổi tâm hồn chúng con trở nên tổ ấm của tình yêu. Xin cho chúng con được ngụp lặn trong biển tình bình an, để chúng con luôn mến Chúa và yêu người. Amen.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
SUY NIỆM 5: HÃY GIỮ LỜI THẦY
Trong một lần đi thăm trung tâm xã hội Campuchia cách đây gần chục năm, chúng tôi có đến một nơi chăm sóc các anh chị em đang mang căn bệnh thể kỷ thời kỳ chót. Không khí ảm đạm, những cái nhìn vô vọng về một nơi xa xăm, nhưng tôi bắt gặp nhiều ánh mắt, những ánh mắt long lanh đan xen giữa hy vọng và sự sợ hãi. Chúng tôi ngỏ lời hỏi thăm vì biết rất nhiều người ở đó là người Việt Nam. Có một anh đã thì thào và ghi lại cho tôi một địa chỉ xin hãy chuyển tên và lời xin lỗi đến người thân ở phía Bắc, vì anh không có thể thư về cho họ được nữa, và anh hiểu trung tâm này sẽ là nơi anh yên nghỉ.
Anh như năn nỉ tôi hãy nhớ đừng quên. Khi sửa soạn rời khỏi trung tâm, những ánh mắt đó lại như van lơn, mong muốn chúng tôi đừng đi và mong muốn chúng tôi đừng quên những gì họ đã ký gởi. Chắc đến nay nắm tro tàn của anh đã im lặng nơi lòng đất lạ, nhưng những hình ảnh và những lời ký thác của anh vẫn vấn vương đâu đó trong ký ức của tôi.
Là Kitô hữu từ thuở bé tới giờ, chắc chắn đã nhiều lần chúng ta nghe những lời tâm tình ký gởi của Chúa Giê-su đã tín nhiệm giao cho chúng ta, những lời tâm huyết mà chính Ngài đã xác nhận, không nhẹ ký vì nó chuyển tải một kho tàng thiêng liêng. Những lời Ngài nói không chỉ là của Ngài mà là của Cha, Đấng đã sai Ngài và chính trong tình yêu thông hiệp của Ba Ngôi, Chúa Thánh Thần sẽ dạy dỗ và làm chúng ta hiểu. Vậy giữ lời Thầy là những điều nào, vì ba muơi ba năm Chúa đã ở nơi dương gian này, nhiều điều Chúa đã nói, thật là nhiêu khê, nhưng chắc chắn điều Chúa truyền dạy không gì khác hơn là để mọi người nhận ra Thiên Chúa là Cha nhân từ, Thánh Thần Chúa là tình yêu, Ngài là Đấng cứu chuộc, mọi người là anh em, và phải đi đến hệ luận thực hành là kính mến Chúa, yêu thương người, như Ngài đã yêu thương họ đến cùng, thì Ngài cũng mong muốn chính những người đã được Ngài yêu mến hãy đáp trả lại cho Ngài giống i như thế.
Câu chuyện Tin Mừng tuần này kể lại trong bầu khí của một giai đoạn quyết liệt mà chính Ngài quyết tâm thực hiện cho đến cùng. Sẽ có cuộc chia ly người đi kẻ ở lại, một cuộc ra đi về với Cha, điều mà các môn đệ không hề nghĩ đến vì các ông vẫn tưởng Ngài đến thế gian này là để thống trị chứ không phải là đến để rồi chết hay đi đâu cả, trong khi Chúa không hề che dấu điều gì về sứ vụ của mình. Chính vì vậy để tránh kiểu ông nói gà bà nói vịt, bằng những lời chân tình, Ngài bày tỏ sứ vụ của mình qua hình ảnh như Ngài ở trong Cha và Chúa Thánh Thần, để mọi người thấy Thiên Chúa luôn ở trong tình yêu, và là nguyên lý cho mọi người đi đến. Phải đi trong tình yêu, nghĩa là đi trong Chúa chúng ta mới đạt đến cùng đích cuộc sống. Giữa sự thánh thiêng và phàm nhân luôn có một khoảng cách nhất định, tuy nhiên chính ơn cứu chuộc của Đức Kitô làm cho khoảng cách này được nối kết, xoá bỏ. Nhưng vì con người vẫn còn ở dưới thế, cuộc hành trình đi lên của chúng ta vẫn nhiều chông gai. Chúa thấu hiểu điều đó nên Ngài đã ban bình an, một nguồn bình an thật, làm cho chúng ta dù có chao đảo nhưng không nghiêng đổ, dù có sợ sệt nhưng không hãi hùng, dù có hay quên nhưng vẫn nhớ tuân giữ lời Ngài và thực thi lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy sẽ giữ lời Thầy” vẫn vang vọng trong đời sống Kitô hữu của chúng ta, tuy nhiên nhiều khi chính trong chúng ta có cái khập khiễng có thể yêu Chúa nhưng không bao giờ giữ lời Chúa, hoặc giữ lời Chúa dạy nhưng lại không yêu mến Chúa. Các số liệu thống kê của giáo hội tại Âu châu phần nào cũng cho chúng ta thấy tình trạng này, đó chính là bài học để chúng ta xét mình về việc sống đạo. Chuyện đã có bên Tây cũng là chuyện của chúng ta, nếu chúng ta nghiêm túc xem xét lại, và thử rảo quanh bên ngoài các nhà thờ Công giáo vào ngày Chúa nhật. Chuyện gì đang xảy ra, thái độ không nghiêm túc của rất nhiều người đi tham dự đang bôi đen đi hình ảnh đẹp thờ phượng của Kitô hữu, đó là chưa kể đến việc sống đạo trong đời thường, những xung khắc vẫn xảy ra nơi cộng đoàn xứ đạo và nhiều người chỉ giữ đạo vào những mùa vui, lễ hội, chưa kể đến những phát triển xã hội sẽ có những khoảng trống trong niềm tin, thoái thác những ràng buộc để tự do hơn. Chuyện yêu mến Thầy và giữ lời Thầy sao nó nặng nề, sao nó rắc rối, cái mà chúng ta cảm thấy nguy đó khi những lối sống này đang trở thành thói quen xấu và đang có những sự lây lan, liều thuốc nào đó để ngăn chăn, vắc xin nào tăng sức đề kháng, tất cả đã có nơi chúng ta, chả lẽ chúng ta chấp nhận bệnh khi chúng ta có cả một vườn thuốc đặc trị!
Ánh mắt của Chúa khi trao cho người phụ nữ ngoại tình, không kết tội mà nói: “Con hãy về đi và đừng phạm tội” sao nhân từ quá. Chúa nhìn Phêrô khi Phêrô vừa bai bải chối Thầy, làm Phêrô đấm ngực khóc than sám hối. Mới thoáng qua chúng ta nghĩ cách đơn giản rằng Chúa yêu họ cách riêng, nhưng thực ra sau ánh mắt là bài học: con hãy giữ lời Thầy đừng phạm tội, đừng cao ngạo. Cái ánh mắt của anh thanh niên trong trung tâm xã hội kia, chỉ mong tôi giữ lời và thực hiện hộ cho anh điều mà anh muốn làm, hôm nay vì đau bệnh không thể làm được nữa, nó tha thiết làm ray rứt chính chúng tôi, hôm nay không phải bằng ánh mắt, mà bằng chính lời của Chúa đang thân tình nói với chúng tôi rằng: “Ai yêu mến Thầy, hãy giữ lời Thầy” chả lẽ không đủ đánh động tôi và mọi người nghiêm chỉnh thực thi sao?
Lm. Nguyễn Đức Trung
SUY NIỆM 6: BÌNH AN CHÚA BAN
Vào trung tuần tháng 11 năm 2000, đang khi các giám mục Công giáo Hoa kỳ tiến hành cuộc họp thường niên, một số các nhà hoạt động bênh vực “quyền lợi” của những người đồng tính luyến ái đã đột nhập và phản đối ồn ào, chống lại những giáo huấn của giáo hội liên quan đến “quyền lợi” của những người đồng tính.
Được biết trong cuộc họp lần này, các giám mục Hoa kỳ đã đưa ra bản tuyên ngôn về hôn nhân, kêu gọi một sự tín trung hơn trong giao ước hôn nhân giữa nam và nữ. Bản tuyên ngôn xác định rõ ràng hôn phối là sự kết hiệp thánh thiện giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Không thể chấp nhận chuyện những người cùng phái lấy nhau.
Đã có khoảng 200 người tụ tập biểu tình đòi giáo hội chấm dứt tình trạng “khủng bố tinh thần” chống lại những người đồng tính hay đổi phái. Sau đó có khoảng 100 người biểu tình bị bắt giữ vì đã có hành vi bạo động quá đáng. Một số người trong tổ chức “Dignity and Soul Force” cho rằng Giáo hội không đi đúng đường lối Phúc âm khi không mang lại an bình cho tâm hồn người ta, lại còn tạo nên bầu khí phân cách đối với người đồng tính.
Đức Cha Joseph A. Galante, Giám mục Phó của địa phận Dallas đã trả lời những người trong tổ chức Dignity and Soul Force rằng: “Phúc âm vẫn là Phúc âm. Trong đó luôn có thách đố, nhưng chắc chắn không có việc khơi mào bạo động hay thù hận đối với ai. Tuy nhiên có những người dùng Thánh kinh như để phục vụ cho mục đích riêng của mình chứ không phải để trung tín bước theo ý nghĩa xác thực của Tin Mừng.”
Hoa trái của Tin Mừng là bình an, thứ bình an do Thiên Chúa ban tặng chứ không phải đến từ thế gian. Có nhiều người lầm tưởng bình an là những cảm giác yên hàn, mọi chuyện xuôi đẹp, không có chông gai, chiến tranh, thập giá. Đây không phải là thứ bình an đích thực. Nó tuỳ thuộc vào ngoại cảnh. Nó không phải là thứ bình an mà Đức Giê-su đã hứa ban cho các môn đệ trong bữa tiệc ly. Bình an Chúa ban luôn có bóng hình thập giá.
Danh ngôn thế giới có câu “Nemo dat quod non habet” – Không ai cho kẻ khác điều mình không có. Vậy thì làm sao Đức Giê-su lại có thể có được an bình để trao ban cho các môn đệ khi mà trước mắt Ngài là những đau thương và ngăm đe của khổ hình thập giá, cùng với muôn sự ruồng bỏ dể duôi của bao người?
Có lẽ chỉ khi nhìn vào Đức Giê-su trong thời điểm đối diện với những gian nan thử thách, chiến đấu cam go, người ta mới thấy rõ hơn sự bình an sâu thẳm mà Ngài để lại cho các môn đệ như món gia bảo cuối đời. Đây là thứ bình an nội tại, một thứ bình an được kết tinh nhờ sự hiệp thông với Thiên Chúa Cha, thế nên, dù bóng cao thập giá có mịt mùng thì hồn Ngài vẫn là nguồn sáng cho nhân loại.
Một khi có được sự hiệp thông với Thiên Chúa thì dù gặp thành công hay thất bại, may mắn hay rủi ro, giàu có hay khó nghèo, chống đối hay ủng hộ, đều không làm người ta xao xuyến, nhát đảm, hoặc bất an. Còn khi bước sai lệch nẻo đường đến với Thiên Chúa thì dù muôn sự tưởng như thuận buồm xuôi gió hay an nhàn vô sự, tâm hồn vẫn mãi bất an cho đến khi tìm lại được ơn giao hoà.
“Ta để lại bình an cho các ngươi; Ta ban bình an cho các ngươi” (Ga 14:27a). Hẳn là Chúa Giêsu muốn nói đến sự bình an mà Ngài sẽ mang lại cho con người qua mầu nhiệm thập giá. Bởi vì bấy lâu nay, kể từ ngày Adong Eva sa ngã, nhân loại mãi sống trong tội, chạy theo những đam mê thế tục, để cho những tên giặc xác thịt khuấy động và làm bất an tâm hồn. Nay qua cuộc khổ nạn đau thương của Chúa Giê-su mà an bình được ban xuống cho nhân loại. Chiếc cầu giao hoà giữa trời cao với đất thấp được lập nên nhờ thập giá.
Biết bao bạo động, chiến tranh sảy ra đều phát xuất từ những dục tình xấu xa nơi tâm hồn người ta. Muốn dẹp chiến tranh bạo động trước hết phải học chế ngự những mầm mống nổi loạn của trí lòng. Muốn chế ngự được những mầm mống đó không thể không có sự trợ lực của hy sinh, khổ giá. Nhưng điều kỳ lạ mà Tin Mừng Đức Kitô mang cho con người lại là chính khi đón nhận khổ giá thì bình an và sự sống lại phát sinh dồi dào.
Những lời sau đây trích trong sách “Gương Chúa Giê-su” đáng để chúng ta suy gẫm giữa bao vinh nhục, thăng trầm của cuộc sống:
Đời hứa bình an cho những ai phụng sự đời. Nhưng thứ bình an nền tảng ở tiền tài, sắc dục, kiêu ngạo… đã đánh lừa những người theo đuổi nó, và nó đã tiêu tan đi như giấc mộng đẹp.
Trái lại, bình an thực nền tảng ở một lương tâm thanh thản. Nó hệ tại biết kìm hãm ước muốn, biết tự thoát, khiêm nhường, hơn là thoả mãn dục vọng, ăn trên ngồi trốc.
Lạy Chúa, xin ban cho chúng con thứ Bình an của Chúa, thứ bình an mà người đời không thể cho được, để chúng con được thư thả mà phụng thờ Chúa và được hạnh phúc an nghỉ trong Chúa cho đến muôn đời.
Thành tâm tuân giữ luật Chúa, bước theo Đức Kitô như Ngài đang “tiến đến với Cha” (Ga 14:28), dù bước tiến đó đầy chông gai, thử thách, và đau đớn xác thân, chắc một điều: an bình, niềm vui, và sự sống chính là phần thưởng cho những người môn đệ tín trung.
Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn
SUY NIỆM 7: MUỐN ĐƯỢC BÌNH AN, HÃY YÊU MẾN VÀ TUÂN GIỮ LỜI CHÚA
Khi đến “giờ Chúa Giê-su qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha” (Ga 13,1), với trọn tình Thầy trò, Người đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết, cụ thể như truyền cho các môn đệ một Điều răn mới (x. Ga 15,12). Mới là vì Chúa Giê-su là người đầu tiên thực hiện bằng việc tự hiến nộp mình cho thế nhân. Mới là vì yêu đến thí mạng vì người mình yêu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13-14). Mới là vì tình yêu hướng đến người khác, khiến họ ra khỏi chính mình, đi đến với tha nhân. Kế đến Người bảo họ: “các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34), vì đây là dấu chỉ để người ta “nhận biết các con là môn đệ của Thầy” (Ga 13,35).
Vẫn trong bầu khí tâm sự với các môn đệ, Chúa phán bảo họ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy” (Ga 14,23). Thật không đơn giản, lời di chúc này có ý nói: các con yêu mến Thầy thế là đủ, vì nếu yêu mến tức khắc lời Thầy sẽ được tuân giữ, có nghĩa là: khi yêu mến Chúa Giê-su, các môn đệ sẽ tuân giữ lời Chúa truyền, cụ thể là thực hành các giới răn Chúa để lại. Có thể hiểu cách khác: nếu các con yêu mến Thầy, điều đó chứng tỏ rằng các con tôn trọng lời Thầy truyền, tôn trọng các lời Thầy là thể hiện lòng mến Thầy nên tuân giữ.
Một điều sẽ xẩy đến cho những ai tuân giữ lời Chúa Giê-su là sẽ được Chúa Cha và chính Người yêu mến, đồng thời chọn làm nơi ở như lời Chúa nói: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”, nghĩa là người ấy là đền thờ Thiên Chúa ngự. Thiên Chúa sẽ ở với người ấy. Thánh Tông Đồ Phaolô nói rõ: “Được Chúa Giê-su ngự trong lòng anh em nhờ bởi lòng tin” (Eph 3,17). Do vậy không có gì ngạc nhiên khi Chúa Giê-su bằng lòng đến ở nhà những người tin, yêu mến và tuân giữ lời Chúa. Đó là lý do tại sao, sau khi hoàn tất các công việc Chúa phán: “Đây là nơi Ta nghỉ ngơi đời đời mãi mãi, Ta sẽ ngự tại đó vì Ta muốn!” (Tv 131,14)…
Tiếp theo, Người mạc khải cho các ông về Chúa Thánh Thần: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con” (Ga 14,26). Đồng thời hứa ban bình an cho các ông. “Bình an” là quà tặng cao quý của Thầy để lại cho các học trò trước lúc ra đi. Đó cũng là “Bình an” sau khi sống lại Chúa Giêsu sẽ tặng cho các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ hãi. “Bình an” là điều các ông đang cần đến hơn bao giờ hết. Bình an do Chúa tặng ban khác với bình an do thế gian ban tặng. “Bình an” của Chúa Giê-su ban không chỉ dừng lại ở việc an toàn về mặt thể xác, đây là thứ bình an trong sâu thẳm trong tâm hồn. Bình an này hướng các môn đệ về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ. Chúa Giê-su chính là nội dung của bình an; hiểu cách khác: Người chính là nguồn bình an, Người ban cho các ông chính bình an của Người, bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an vượt xa lối hiểu của con người.
Chúa Giê-su trấn an các ông: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14,26). Tại sao Chúa Giê-su nói những lời ấy? Thưa là vì trước sự ra đi của Thầy Chí Thánh, các môn đệ cảm thấy cô đơn, lo sợ và bất an. Các ông lo cho chính mình, sợ bị bỏ rơi, sợ phải sống cô đơn, và bằng một lời hứa Chúa Giê-su nâng đỡ các ông: “Thầy đi, rồi Thầy sẽ trở lại với các con” (Ga 14,2).
Chúng ta lắng nghe những lời của Chúa Giê-su: “Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14, 26). Thử hỏi, cuộc sống của chúng ta sẽ ra như sao, nếu không có Chúa, nếu không thực hành và liên lỉ sống đức tin, củng cố bởi Đức Cậy, hướng về Trời Cao, nơi con người có thể gặp Chúa Kitô?
Vậy, đừng xao xuyến lo âu vì những bất ổn của địa cầu, của tình anh em hữu nghị đổi thay, hay con người thay lòng đổi dạ. Hãy phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, như trẻ thơ trong vòng tay của mẹ. Vì thế giới này là tạm bợ, con người là thay đổi, không phải là chổ nương thân. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới tìm được nguồn vui tột đỉnh của tâm hồn.
Ước chi lời khuyên của Chúa Giê-su hôm nay thấm nhập vào trong tâm trí chúng ta, như là nguồn mạch của bình an, thanh thản và niềm vui. Nếu Chúa Giê-su Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống chúng ta còn lo sợ hãi gì? Tại sao không tin tưởng vào Thiên Chúa, là Cha Đức Giê-su, Cha chúng ta và tin vào Đức Giêsu, Chúa chúng ta? Còn hạnh phúc nào hơn khi có Thiên Chúa là sức mạnh thiêng liêng giúp chúng ta không bị gục ngã dưới sức nặng của khó nhọc, của tuyệt vọng và buồn phiền.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, thầy ban bình an của thầy cho các con…”. Xin đoái thương ban cho chúng con ơn hiệp nhất và bình an theo ý Chúa muốn, để ngay ở đời này chúng con đã được nếm hưởng hạnh phúc bất diệt Chúa giành cho chúng con nhờ sự chết và phục sinh của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 8: ÁNH SÁNG SOI ĐƯỜNG
Chúng ta đang ở Chúa Nhật thứ sáu phục sinh, thứ năm tới là lễ Chúa Thăng Thiên nếu nơi đó không dời vào Chúa Nhật tới, và Chúa Nhật tới nữa là lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống.
Ai yêu Ta thì giữ Lời Ta
Theo Tin Mừng, Đức Giê-su nói với các tông đồ rằng: “Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta, Cha Ta sẽ yêu mến người đó, và chúng ta sẽ đến và ở với người đó”.
Yêu mến ai, thì vâng lời người đó, làm theo điều người đó muốn. Không vâng lời ai, là không yêu người đó, ít nhất là không yêu đến độ bỏ ý riêng mà vâng lời. Thánh Y-nhã nói: “tình yêu hệ tại ở việc làm hơn tại lời nói”. Chúa Gê-su đã nói: “không phải những người nói ‘Lạy Chúa, lạy Chúa’ là được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Thiên Chúa” (Mt.7, 21).
Ai vâng nghe Lời Chúa, được Thiên Chúa ở cùng, và người đó trở thành dấu chỉ Thiên Chúa hiện diện cho người khác nữa.
Thánh Thần sẽ dạy các con mọi sự
Đấng Bầu Chữa, Thánh Thần được Thiên Chúa Cha gởi tới nhân danh Chúa Gê-su, sẽ dạy các tông đồ mọi sự, và sẽ nhắc nhớ các tông đồ những gì Đức Gê-su đã nói với các ngài.
Chính trong Thánh Thần và nhờ Thánh Thần, Đức Gê-su ban bình an của Ngài cho chúng ta. Bình an Chúa Gê-su ban cho chúng ta, không ai có thể cướp được, ngay cả những người quyền thế có thể giết người, cũng không thể cướp được bình an ấy. Bình an Chúa ban, là hậu quả của xác tín được Chúa thương yêu vô cùng. Người có ơn bình an Chúa ban, cảm nhận Chúa là tất cả đối với mình. Ngài là Đấng không gì có thể đánh đổi được, Ngài là “mối lợi tuyệt vời” mà người được ơn nhận ra.
Chúa Thánh Thần luôn ở với chúng ta. Ngài dạy chúng ta mọi sự, Ngài giúp chúng ta làm những gì làm đẹp lòng Thiên Chúa. Thánh Thần giúp chúng ta tự do với tất cả. Trong bài đọc thứ nhất, một số Kitô hữu gốc Do Thái đòi các Kitô hữu gốc dân ngoại phải cắt bì, vì họ cho rằng có như vậy, các tín hữu dân ngoại mới được cứu độ. Để bảo vệ và làm sáng tỏ Tin Mừng, Phao-lô và Barnaba đã quyết làm sáng tỏ vấn đề: Kitô hữu được cứu độ không do cắt bì nhưng do tin vào Đức Gê-su. Và “quyết định dưới tác động Thánh Thần” của các tông đồ, là các Kitô hữu không phải cắt bì. Thánh Thần giúp chúng ta sống trong bình an và tình yêu, chứ không sống trong sợ hãi hay nô lệ. Thánh Thần Thiên Chúa, làm chúng ta tự do đích thực.
Ánh sáng soi thành là Con Chiên
Để có thể nhìn thấy vật gì đó, vật đó cần ánh sáng chiếu rọi và hình ảnh được phản chiếu vào mắt, nhờ vậy người ta có thể nhìn được. Con Chiên là đèn soi thành, Đức Gê-su là ánh sáng, là tiêu chuẩn giúp người ta nhận định được đâu là điều hay để làm và điều xấu để tránh.
Thế gian có tiêu chuẩn riêng của nó, và những người theo thế gian sống theo tiêu chuẩn thế gian: tiền bạc, danh vọng, địa vị. Hậu quả của việc đi tìm tiền bạc, danh vọng, không là hạnh phúc đích thực. Tiền bạc, danh vọng, khoái lạc, có “xiềng xích” riêng của nó, nó có thể trói buộc con người và biến con người thành nô lệ.
Ước gì mỗi người nhận ra Đức Gê-su là “đường, sự thật và sự sống”, và để Chúa trở thành tiêu chuẩn và ánh sáng cho từng người, để chúng ta được tự do đích thực.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ:
- Theo Chúa, bạn được giải phóng khỏi nô lệ điều gì?
- Bạn có kinh nghiệm Thiên Chúa gần gũi với bạn không? Xin bạn chia sẻ.
- Ai yêu mến Ta thì giữ lời Ta! Điều nào Chúa dạy khó nhất đối với bạn? Tại sao?
Cố Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm