
CHÚA NHẬT LỄ LÁ – NĂM C
TƯỞNG NIỆM CUỘC THƯƠNG KHÓ CỦA CHÚA
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Lc 22,14-23,56
I. Nghi thức
Nghi thức trong Thánh lễ hôm nay, gồm:
- Làm phép và rước lá.
- Kết thúc phần rước lá là Lời nguyện Nhập lễ.
- Phụng vụ Lời Chúa với hai bài đọc và bài Thương Khó.
- Phụng vụ Thánh Thể.
II. Lời dẫn:
1. Dẫn đầu lễ
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Với việc cử hành Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay, chúng ta cùng với toàn thể Giáo Hội bước vào Tuần Thánh, kỷ niệm cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Kitô. Cử hành phụng vụ hôm nay được khởi đầu bằng việc làm phép lá và đi kiệu lá để tưởng niệm Đức Kitô khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Ngay sau đó là Thánh lễ tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Kitô.
Cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem là dấu chỉ chiến thắng, là kết quả chung cuộc trong vinh quang mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Kitô khi Người hoàn toàn vâng phục trong khiêm hạ để đón nhận cuộc Thương Khó để cứu chuộc chúng ta. Đây cũng là lời mời gọi chúng ta hãy noi theo gương Người, tin vào Người, trông cậy nơi Người để cùng Người bước đi trong vâng phục thánh ý Thiên Chúa.
Giờ đây chúng ta cùng tham dự Nghi thức làm phép và rước lá. Chúng ta cùng hân hoan tung hô Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và hăng hái theo Người vượt qua những khổ đau để tiến vào vinh quang Phục sinh.
Phụng vụ hôm nay gồm hai phần: cử hành nghi thức tưởng nhớ Chúa Giêsu khải hoàn vào thành Giêrusalem và Thánh lễ tưởng niệm hy tế của Người. Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem như là dấu chỉ báo trước chiến thắng vinh quang chung cuộc sau khi Người đã đi trọn con đường Khổ Nạn để hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua. Vì thế, cử hành phụng vụ hôm nay vừa tung hô Chúa Giêsu khải hoàn, vừa mời gọi chúng ta can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường Người đã đi xưa.
Giờ đây chúng ta cùng tham dự Nghi thức làm phép và rước lá. Chúng ta cùng hân hoan tung hô Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế và hăng hái theo Người vượt qua những khổ đau để tiến vào vinh quang Phục sinh.
2. Nghi thức làm phép lá:
- Sau lời mời gọi của chủ tế, cuộc rước bắt đầu. Người dẫn lễ đọc:
Dân Do Thái xưa tay cầm cành lá đi đón và tung hô Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, là Con Vua Đavít. Hôm nay, trong tâm tình khai mạc Tuần Thánh, cộng đoàn chúng ta cùng làm lại cử chỉ đó để tôn vinh Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa, là Vua vinh hiển, chính Người là Đấng Cứu Thế của nhân loại. “Vạn tuế Con Vua Đavít ! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Chúa”.
- Ca đoàn hát bài phù hợp:
3. Phụng vụ Lời Chúa:
SUY NIỆM 1: ĐỨC GIÊSU – NGƯỜI TÔI TỚ KHIÊM TỐN
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Hôm nay, cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta bước vào Tuần Thánh - tuần lễ quan trọng nhất trong năm phụng vụ. Đây là thời gian tưởng niệm cách trọn vẹn mầu nhiệm thương khó, tử nạn và Phục Sinh của Chúa Giêsu Kitô. Chúa Nhật Lễ Lá khởi đầu bằng nghi thức rước lá - dấu chỉ của chiến thắng. Nhưng đồng thời, cũng là lời mời gọi chúng ta bước vào cuộc khổ nạn của Đấng đã chọn trở thành Tôi Tớ Khiêm Tốn để cứu độ trần gian.
Thưa anh chị em, bài đọc I hôm nay, ngôn sứ Isaia cho chúng ta thấy dung mạo của một Người Tôi Tớ khiêm tốn: biết lắng nghe, không chống trả khi bị phỉ nhổ, không phản kháng khi bị đánh đòn. Đó chính là hình ảnh tiên báo về Chúa Giêsu, được thánh Phaolô khắc họa rõ nét trong thư Philípphê, làm nổi bật tâm điểm của đức tin Kitô giáo: “Người vốn dĩ là Thiên Chúa… nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân... vâng phục cho đến chết, và chết trên thập giá.” Thập Giá không phải là thất bại. Đó là đỉnh cao của tình yêu dám hạ mình đến tận cùng. Chúa Giêsu không cứu độ bằng uy quyền, nhưng bằng khiêm nhường. Không bằng chiến thắng vũ lực, mà bằng máu và nước mắt. Người không chỉ là Vua khải hoàn, mà là Tôi Tớ chịu thương khó. Người không chọn con đường vinh quang theo kiểu thế gian, không phô trương phép lạ để thoát nạn, nhưng đi vào cuộc thương khó như một Tôi Tớ âm thầm và trung thành. Chính trong sự hạ mình ấy, Ngài đã được Thiên Chúa tôn vinh.
Trang Tin Mừng hôm nay cho thấy một thực tế đau lòng: Chúa Giêsu bị phản bội, bị chối bỏ, bị kết án oan sai, bị dân chúng quay lưng. Điều đáng buồn nhất: tất cả những điều ấy đến từ chính những người từng gần gũi và yêu mến Ngài. Ngôn sứ Isaia đã nói rất đúng về những kẻ đạo đức giả: “Dân này tôn kính Ta bằng môi miệng, còn lòng chúng thì xa Ta.”
Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Chúng ta bước vào Tuần Thánh, đỉnh cao của năm phụng vụ. Chúng ta được mời gọi sống theo mẫu gương của Chúa Giêsu Kitô - Người Tôi Tớ Khiêm Tốn. Khiêm tốn không phải là yếu đuối, mà là sức mạnh của tình yêu biết từ bỏ chính mình vì người khác. Đó là con đường mà Chúa Giêsu đã đi. Và hôm nay, Ngài mời gọi mỗi người chúng ta cùng đồng hành, thông chia và canh tân đời sống. Đừng chỉ cầm lá, hãy mang lấy Thập Giá. Đừng chỉ tung hô Chúa bằng lời, hãy sống như Chúa bằng đời. Sống khiêm tốn là biết lắng nghe thay vì tranh luận. Biết hy sinh mà không tính toán. Biết tha thứ thay vì loại trừ.
Là người cha âm thầm chịu thiệt vì con. Là người mẹ sẵn sàng hy sinh. Là người bạn dám nhường nhịn. Thập Giá nhắc chúng ta rằng: để cứu một ai đó, không phải đứng trên họ, mà là biết cúi xuống, yêu thương họ từ nơi thấp nhất.
Năm Thánh 2025 mời gọi chúng ta trở thành những “người hành hương của hy vọng.” Nhưng hy vọng thật không đến từ những khẩu hiệu, mà từ chính cuộc đời dám bước theo Chúa Giêsu - Tôi Tớ Khiêm Tốn. Hành hương là ra khỏi chính mình: ra khỏi sự ích kỷ, ra khỏi những kỳ vọng kiêu ngạo, ra khỏi ảo tưởng rằng mình luôn đúng. Người hành hương đích thực là người dám để Thập Giá sửa lại lối sống của mình.
Ước gì Tuần Thánh này là thời gian đổi mới nội tâm, để trong ánh sáng của Năm Thánh, chúng ta thực sự trở thành những người hành hương của hy vọng, bước theo Chúa Kitô Tôi Tớ Khiêm Tốn để đến với vinh quang Phục Sinh. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
SUY NIỆM 2: NGÃ RẼ CUỘC ĐỜI
Bước vào Tuần Thánh với Chúa nhật Lễ Lá hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta nghe lại và chiêm ngắm cuộc thương khó và tử nạn của Đức Kitô, Chúa chúng ta; bởi nơi đó hàm chứa một sự thật hết sức phũ phàng.
“Vạn tuế con Vua Đavid – chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến!”. Người Do Thái đã đồng thanh tung hô như thế khi Chúa Giêsu tiến vào thành Giêrusalem. Thế nhưng, từ giây phút ấy đến trước ngày áp Lễ Vượt Qua không quá dài, từ Giêrusalem đến núi Sọ cũng chẳng xa; vậy mà có rất nhiều người đã âm thầm rẽ sang một lối đi khác: vì người ta sợ, vì người ta thấy không còn gì để hy vọng, vì người ta kém lòng tin.
Trước tiên là ngã rẽ của Giuđa. Ông được Chúa tin tưởng trao cho công việc nắm giữ túi tiền. Ngày Lễ Lá chắc chắn ông có mặt. Nhưng khi Chúa chịu chết thì ông đã biệt tăm. Ông đã rẽ sang một lối đi khác: lối rẽ của tiền bạc vật chất. Tiền của đã đưa ông bước đi thật xa, xa đến nỗi ông đã bán cả Chúa vì tiền.
Kế đến là ngã rẽ của Phêrô. Nhớ ngày nào ông mạnh mẽ tuyên xưng: “Bỏ Thầy con biết theo ai?”, “Con liều mạng sống con vì Thầy”. Nhưng chính lúc Chúa cần ông nhất lại chẳng thấy ông đâu. Ông đã lặng lẽ rẽ sang một lối đi khác của riêng mình: lối rẽ của lười biếng và hưởng thụ. Lười biếng vì khi vào vườn Giêtsimani, ông đã không tỉnh thức để cầu nguyện cùng Chúa dù chỉ 1 giờ. Hưởng thụ vì khi Chúa Giêsu bị xét xử tại dinh tổng trấn, thì ông lại tìm một nơi để sưởi ấm cho bản thân ông. Lười biếng và hưởng thụ đã kéo ông xa Chúa, xa đến nỗi ông đã chối cả Thầy mình.
Cuối cùng là ngã rẽ của đám đông dân chúng. Hàng ngàn người đã theo Chúa mê mệt đến cả quên ăn, quên luôn cả đường về. Biết bao người reo mừng nghênh đón lúc Chúa vào thành, thế mà trên đường lên Núi Sọ người ta lại sỉ vả, chê bai và nhạo cười. Đám đông năm ấy đã rẽ sang một lối đi khác: Lối sống của dư luận, thiếu lập trường. Thấy người ta đi theo Chúa thì cũng đi. Thấy người ta nhạo cười Chúa thì cũng cười nhạo. Thấy người ta kết án Chúa thì cũng kết án.
Thưa anh chị em, nếu tiền bạc có thể làm Giuđa bán Chúa, nếu hưởng thụ có thể làm Phêrô chối Thầy, và nếu dư luận có thể làm đám đông thay lòng đổi dạ; thì những thứ đó cũng có thể đánh lạc hướng hành trình đức tin của chúng ta hôm nay.
Mỗi người hãy nghiệm lại mà xem. Giuđa đã bỏ Chúa mà rẽ qua lối đi của tiền của vật chất, kết quả được gì? Ông đã chết trong tức tưởi không kịp ăn năn cho trọn. Còn Phêrô chọn con đường của hưởng thụ phải chăng là 1 lựa chọn đúng đắn? Thưa không, ông đã phải đau đớn và chịu dằn vặt trong nước mắt, vì ông nhận ra đó là 1 lựa chọn sai lầm. Cũng vậy, con đường dư luận mà đám đông chọn đã đưa họ đến 1 ngõ cụt của cuộc đời.
Chính vì thế, khi mời gọi chúng ta chiêm ngắm cuộc thương khó và tử nạn của Chúa Giêsu hôm nay, Giáo Hội ước mong người kitô hữu đừng bao giờ bước đi trên vết xe đổ của Giuđa, của Phêrô và của dân Do Thái xưa, vì đó là những con đường dẫn tới sự chết.
Đồng thời, Mẹ Giáo Hội cũng mời gọi mỗi người hãy can đảm bước đi trên con đường khổ giá. Tuy con đường ấy có đầy đủ hương vị của đắng cay ngọt bùi, nhưng lại là con đường dẫn tới sự sống, là con đường ngắn nhất và đẹp nhất để vào Nước Trời. Bởi Chúa chúng ta đã đi trên con đường ấy và đạt đến vinh quang. Amen.
Lm. Antôn
SUY NIỆM 3: BỨC TRANH “BA THẬP GIÁ”
Một trong những bức tranh nổi tiếng nhất của danh họa Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “ba thập giá”. Nhìn vào tác phẩm, ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm: giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giêsu nổi bật lung linh trong mầu nhiệm đau thương và cứu độ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông, gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét…giữa nét đau khổ của hai tử tội, hận thù của đám đông là dung mạo Đấng Chịu Đóng Đinh hiền hòa chan chứa tình thương.
Tuần Thánh bắt đầu từ Chúa nhật Lễ Lá. Cử hành phụng vụ hôm nay khởi sự bằng việc làm phép lá và đi kiệu lá. Cộng đoàn đi kiệu để tưởng niệm việc Chúa Cứu Thế khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Ngay sau đó là Thánh Lễ tưởng niệm cuộc Khổ nạn, đặc biệt với việc đọc Bài Thương khó. Việc cử hành hôm nay với hai nhịp tương phản, mang hai sắc thái nghịch nhau : người Do thái tung hô Chúa Cứu Thế, ngập tràn tiếng reo vui, sau đó họ đòi lên án tử hình Người và cuộc thương khó đầy máu nước mắt.
Ôi nhân tình thế thái, sao mau đổi trắng thay đen!
Màu đen sự dữ, màu trắng tinh khôi bàng bạc trong bức tranh “ba thập giá” và cuộc thương khó.
1. Sắc đen sự dữ
Chìa khóa để đọc tất cả những sự vô lý, bất công, phi đạo đức trong vụ bắt và xét xử Chúa Giêsu là: quyền lực của tối tăm. Bốn sách Tin Mừng đều kể rằng Chúa Giêsu bị bắt ban đêm. Matthêu, Maccô và Gioan kể một đám người mang gươm giáo gậy gộc do các thượng tế, kỳ mục, Pharisêu sai đến. Thánh Luca lại nói có cả các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục ở trong bọn người mang gươm giáo gậy gộc. Trong đêm tối, đang khi Chúa Giêsu cầu nguyện thì giới lãnh đạo cao nhất của dân Do thái đã hội họp tại nhà thủ lãnh của họ, sai thuộc hạ đi bắt Chúa Giêsu theo sự hướng dẫn của Giuđa, người môn đệ phản Thầy. Họ ngồi chờ để kết án ngay trong đêm.Phiên họp ban đêm này do chính Caipha, chủ tịch Thuợng Hội Đồng chủ sự. Thánh Matthêu kể: “Các thượng tế và toàn thể Thượng Hội Đồng tìm chứng gian buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình” (Mt 26,59). Họ dùng chứng gian vu khống và xuyên tạc chụp mũ để kết án tử hình Đức Giêsu (Mt 26,60-61; Mc 14,59).
Trong bộ phim 12 giờ cuối cùng của Chúa Giêsu, nhà đạo diễn đã hoạ lại hình ảnh của đêm tối vườn Cây Dầu. Đó là đêm tối của đức tin và cũng là đêm tối của lòng người.
Bộ phim bắt đầu với cảnh Chúa Giêsu đưa các môn đệ lên núi cầu nguyện vào một đêm đen như bao đêm khác.Thế nhưng, đêm nay khác hẳn mọi đêm. Bóng tối của sự dữ phủ kín, bóng đêm của quyền lực Satan bao trùm. Đêm nay, bóng tối của sự dữ hoành hành. Đêm nay, quyền lực của Satan như muốn thống lãnh thế gian. Con người đã toa rập với Satan để giết hại Con Thiên Chúa. Đêm tối vườn Cây Dầu chỉ còn lại một mình Chúa cô đơn.
“Giuđa tới đó, dẫn một toán quân cùng đám thuộc hạ của các Thượng tế và nhóm Pharisiêu; họ mang theo đèn đuốc khí giới…” (Ga 18,3). Người ta phải sử dụng đèn, đuốc…chứng tỏ họ đang ở trong bóng tối. Họ sử dụng khí giới tức là tựa vào sức mạnh và quyền lực thế gian. Với những từ ngữ này, Thánh Gioan giới thiệu họ như là biểu tượng của sức mạnh thế gian và quyền lực bóng tối. Giữa bóng đêm của vườn Cây Dầu thấp thoáng những khuôn mặt hung tợn với gươm giáo gậy gộc, xâu xé tấm thân đơn độc của Chúa Giêsu. Bóng tối như tiếp tay cho những hành động lén lút, bắt giữ bất minh. Màn đêm đó cũng che kín lý trí của những người tham dự phiên tòa bóng tối. Tất cả mọi chứng cứ kết án đều nằm trong vòng tròn gian dối. Mọi sự vật lúc này như nhuốm một màu đen đồng lõa cho sự dữ. Màu đen của những tâm hồn đen tối che lấp luôn cả màu đen của bóng đêm âm u. Đây là đêm của hận thù. Đây là giờ của bóng tối. Đây là thời điểm của xấu xa ngự trị. Không ai còn có thể nhận ra được ánh sáng chân lý trong màu đen của ác tâm.
Và trong các giờ kế tiếp, bóng tối càng bao trùm. Chúa Giêsu càng lẻ loi cô độc hơn.
Kể từ khi Giuđa bước ra khỏi phòng Tiệc Ly thì trời tối đen. Giuđa lẩn vào bóng đêm với đôi tay đen đúa nhận lấy những đồng bạc là giá máu của Thầy mình. Thánh Gioan trình bày, Giuđa rõ ràng thực hiện công việc này dưới tác động của Satan. Khi Giuđa rời phòng Tiệc Ly, “lúc đó, trời đã tối” (Ga 13,30). Trời tối bên ngoài chưa quan trọng. Ở đây, trời tối trong tâm hồn Giuđa. Đối với Gioan, Giuđa trong hành động nộp Chúa Giêsu đã thật sự là hiện thân của quyền lực bóng tối, đối lại với Chúa Giêsu là ánh sáng tinh tuyền.
Giuđa khoác lên trái tim màu đen của tội lỗi qua nụ hôn phản bội.Từ đó, bóng tối của sự dữ đã bao trùm lên Thượng Hội Đồng từ Thượng tế Caipha đến các Luật sĩ và Kỳ mục. Bóng tối như đồng lõa và biện minh cho mọi âm mưu thâm độc của những người đại diện cho lề luật.
Những mảng đen được tô đậm lên trên bức tranh Tình Yêu Giêsu, không phải bằng những nét vẽ dịu dàng, những nét chấm phá đặc sắc nhưng là những vết màu ngoằn nghèo, vô lối. Tình Yêu Giêsu lúc này đang bị tàn phá theo từng vết đen xấu xa của đám đông. Bóng tối đã làm tất cả mờ ảo trong điên cuồng. Mọi âm mưu đã được trù tính cẩn mật. Mọi lý lẽ độc dữ đã được hoạch định. Mọi hành vi được thực hiện ngay trong bóng tối của thần chết. Cứ thế, từng mảng đen tội lỗi như được dịp trút hẳn xuống Đức Giêsu, như muốn nhuộm đen toàn bộ cuộc đời và tình yêu của Ngài bằng mọi cách và mọi phương tiện. Ngài bị cho là đồ mê ăn uống, là phường tội lỗi. Ngài bị liệt vào hàng trộm cướp, hàng nô lệ cùng đinh. Ngài bị xem là phường gian dối, tiên tri giả. Ngài bị kết án là quân nói lộng ngôn, phạm thượng. Ngài bị xử tử vì bị gán cho việc kích động phản loạn. Đám đông dân chúng, từ những tên đầy tớ mạt hạng đến những bậc vị vọng, từ những người quen biết đến cả khách thập phương không từ chối điều gì để bôi đen con người Đức Giêsu. Ngài đã bị nhúng xuống bùn nhơ của sự khinh miệt, phỉ báng. Ngài đã bị đày đọa tận cùng của kiếp làm người.(x. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin, trang 252-253).Tình Yêu Giêsu đã bị tội lỗi nhân loại nhuộm đen màu tăm tối. Cuộc đời Chúa Giêsu đã bị dã tâm con người hủy hoại trong bóng đêm của sự bêu riếu, sỉ nhục và cái chết trần trụi thương đau. Nào ai có thể tin vào con người tàn tạ như thế! Còn ai có thể trông cậy vào con người yếu đuối bất lực này!!!
2. Sắc trắng thanh khiết
Tưởng chừng như bức tranh cuộc đời của Đức Giêsu chỉ là một vệt đen khiếp đảm với những ẩn tình vô lối mà nhân loại áp đặt lên chân dung Ngài. Nhưng thật nhẹ nhàng và linh động, Tình Yêu Giêsu như ngọn bút tài hoa đã gợi mở những nét vẽ thật diễm tuyệt. Tình Yêu sáng lên một màu trắng tinh khôi và mênh mang huyền ảo của trái tim thanh khiết trao ban đến tận cùng.
Tình Yêu ấy không mang một chút bợn nhơ của hận thù chia cắt nhưng lóng lánh sắc màu hồng tươi của Tình Yêu phục hồi và giải thoát. Tình Yêu ấy chấp nhận tất, dâng hiến tất cả để xóa đi mặc cảm tội lỗi của con người, cho con người cái nhìn mới của Thần Khí, cái nhìn của Thiên Chúa trong một tổng thể toàn vẹn và đưa con người đến với Tình Yêu sung mãn tuyệt hảo của Thiên Chúa. (x. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin, trang 254-255).
Màu đen sắc tối của con người đã được Tình Yêu Giêsu làm cho trắng tinh và trả lại sự trong sáng trong Sự Thật. Ngài đã đáp trả lại tất cả mọi bất công và hận thù bằng lòng bao dung tha thứ. Khổ đau của Thập Giá Đức Kitô không bao giờ là nỗi đau của hận thù, oán ghét mà luôn mang dáng đứng của tình yêu và sự khoan dung tha thứ. Trên thập giá, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cùng Chúa Cha: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”. Hơn thế nữa, Ngài công bố ơn cứu độ của Thiên Chúa ngay trên thập giá, lúc mà thế trần nhìn thấy Ngài trần trụi và yếu đuối nhất, khi Ngài ôm trọn con người tội lỗi trần gian qua hình ảnh tên gian phi biết cúi mình nhận ra Chân Lý: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23,43). Đức Giêsu đã xóa màu đen ghê tởm của sự dữ trong lòng con người qua việc phục hồi giá trị của mỗi nhân vị và đưa nhân loại đến với Thiên Chúa qua Tình Yêu toàn tha của Ngài. Đức Giêsu đã dùng cạn hết mọi dấu chỉ của thế trần để biểu lộ Tình Yêu thâm sâu của Ngài cho chúng ta. Đó là màu trắng thanh khiết nhất và là ánh sáng đẹp nhất mà nhân trần này có thể chiêm ngưỡng.
3. Trắng đen trong lòng người.
Tiến bước theo Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, chứng kiến sự thay đổi nhanh chóng của lòng người, thấy sự tráo trở thay lòng đổi dạ, đổi trắng thay đen của nhân tình thế thái, chúng ta thấy bàng bạc một màu đen của những ý đồ xấu xa, những manh tâm gian ác và những hành vi tội lỗi thấp hèn và thấy sáng lên tình yêu thanh khiết của Đấng Cứu Độ.
Cuộc đời hôm nay vẫn còn đó những sắc tối của lòng người. Dòng đời hôm nay vẫn còn đó những con người công chính, lương thiện lại là nạn nhân của bất công, gian dối và tham lam. Biết bao người đã để cho bóng tối của lòng tham nổi loạn đến nổi sẵn sàng chà đạp và lường gạt nhau. Biết bao người vì lòng tham, vì tính ghen tương đố kỵ,vì thói tự mãn kiêu căng vẫn đang tìm cách làm khổ nhau và làm hại đời nhau. Bao lâu lòng người còn chất chưa những ý đồ bất chính, những thủ đoạn lừa lọc, những ích kỷ nhỏ nhen, bấy lâu vẫn còn đó những con người lương thiện bị đe doạ, bị hành hạ và bị loại trừ.
Con người thời nay vẫn nhân danh hạnh phúc của riêng mình để kết án tử cho người khác, nhất là các thai nhi vô tội. Họ giết người vô tội không cần bản án, không cần thẩm phán hay quan toà. Tử tội thai nhi đã bị giết, chỉ vì một bà mẹ không muốn sinh con. Cả xã hội từ ông bà, cha mẹ, họ hàng và các người hành nghề lương y đã sẵn sàng giết chết sự sống của một sinh linh không có khả năng tự vệ. Biết bao cha mẹ đã viện ra nhiều lý do để loại trừ những đứa con của mình cách dửng dưng vô cảm.
Điều ác và sự thiện cũng chỉ là sự khác biệt của hành động rút gươm “hãy xỏ gươm vào bao, vì tất cả những ai dùng gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52). Khi tất cả mọi lưỡi gươm được cất vào vỏ, sự thiện và thiên đàng đang ở giữa lòng thế giới. Khi thanh gươm được rút khỏi bao, nhân loại đang đắm chìm trong hỏa ngục của chính mình. Con người luôn muốn hành xử tất cả theo lối quyền uy và bạo lực của bóng tối. Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã dùng một phương cách kỳ lạ để cho con người thấy đâu là sự thật nhân loại cần hướng về. Qua Ngài, những cơn cuồng nộ của sự dữ, những bão táp của nhục hình, những tiếng thét hận thù như bị cuốn vào một lực hút vô hình của Tình Yêu thanh khiết. Sức của của tình yêu nơi Chúa Giêsu đã thâu tóm mọi sự xấu xa độc dữ của nhân loại và hóa giải tất cả để biến nên những giá trị mới của hiền lành, khiêm nhường và khoan dung.(x. Cuộc khổ nạn của Đức Giêsu qua tấm khăn liệm Turin, trang 258-260).
Chúa Giêsu không quỵ lụy, không riên xiết trong cuộc khổ nạn, nhưng Ngài luôn kiên cường và nhẫn nại để mời gọi và mở ra cho nhân loại một cái nhìn về chân lý, về tình yêu, về một Thiên Chúa yêu thương đến cùng. Chúa Giêsu không oán trách hay hận thù ai, Ngài vượt lên trên tất cả bằng tình thương tha thứ. Chúa Giêsu đã biểu lộ sức mạnh của tình yêu, sức mạnh của niềm tin và phó thác trọn vẹn cho Thiên Chúa. Chính sức mạnh tình yêu đã làm mọi chia rẽ được hàn gắn, mọi hận thù được xóa bỏ và mọi xa cách được nên hiệp nhất. Chúa Giêsu đã hợp nhất nhân loại trong trái tim rộng mở của Ngài, trái tim chỉ có tình yêu thanh khiết. Ngài nâng con người lên giá trị cao hơn trong sự kết hiệp với tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu Nguyên Tuyền.
Ánh Sáng Tình Yêu chính là Ánh Sáng Phục Sinh. Ánh Sáng ấy không làm mờ đi bóng cây thập giá nhưng lại mang một ý nghĩa và sắc màu huyền diệu lung linh. Tin và bước theo Chúa Giêsu, chúng ta được tháp nhập vào tình yêu thanh khiết của Ngài, nhờ đó cuộc sống luôn có niềm vui bình an và hạnh phúc. Thánh Gioan đã đi trọn cuộc khổ nạn cùng với Chúa Giêsu và đã viết những lời thật đẹp, thật ý vị về Tình Yêu Chúa Giêsu: “Tình yêu cốt ở điều này: không phải chúng ta đã yêu mến Thiên Chúa, nhưng chính Người đã yêu thương chúng ta, và sai Con của Người đến làm của lễ đền tội cho chúng ta. Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau.Thiên Chúa chưa ai được chiêm ngưỡng bao giờ.Nếu chúng ta yêu thương nhau, thì Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, và tình yêu của Người nơi chúng ta mới nên hoàn hảo”. (1Ga 4,10-12).
Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An
SUY NIỆM 4: CUỘC KHỔ NẠN CỦA TÌNH YÊU
Mỗi năm, vào Chúa nhật Lễ Lá, chúng ta có cơ hội được nghe lại bài Thương Khó của Chúa Giêsu. Từ “thương khó” nói đến những đau khổ và nhục hình mà Chúa Giêsu phải chịu, mà đỉnh điểm là cái chết của Người trên thập giá.
Trong kinh Tin Kính, khi đọc đến câu “Người chịu khổ hình và mai táng”, chúng ta có cảm tưởng rằng Chúa Giêsu hoàn toàn thụ động trong cuộc thương khó, vì Người bị xem như một tội nhân: Người bị bắt, bị đánh đập, bị xét xử, bị kết án tử, bị đóng đinh... Nghĩa là Chúa Giêsu hoàn toàn ở trong thế bị động, Người không có quyền hay cơ hội để phản kháng trước sự tàn bạo của con người.
Nhưng nếu đọc kỹ các bài tường thuật về cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, cả bốn tác giả Tin Mừng đều cho chúng ta thấy rằng, chính Chúa Giêsu đã chủ động đi vào cuộc thương khó của Người. Vì biết “giờ” của mình đã gần đến, Người chủ động lên Giêrusalem, vì như Người nói “một ngôn sứ mà chết ngoài thành Giêrusalem thì không được” (Lc 13,33). Trước giờ khổ nạn, Chúa Giêsu biết rõ Người sẽ bị môn đệ phản bội và chối bỏ, nhưng Người không tìm cách loại trừ họ, trái lại Người còn lên tiếng cảnh tỉnh để mong họ tỉnh ngộ và giúp họ tỉnh thức; dù biết kế hoạch của Giuđa và biết rằng mình sẽ bị bắt và bị giết, Người vẫn không trốn chạy nhưng điềm nhiên cùng các môn đệ đi vào vườn Cây Dầu cầu nguyện như thói quen, và chính ở đó, Người tiến ra cho quân lính bắt (x. Ga 18,1-4), cũng như trong dinh Tổng trấn, Người đã nói với Philatô: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài”... Và thánh sử Gioan đã tóm tắt tất cả sự chủ động của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn qua lời tuyên bố của Người: “Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy...” (Ga 10, 18).
Giáo Hội khẳng định ý tưởng này trong Kinh nguyện Thánh Thể II mà chúng ta thường được nghe trong thánh lễ: “Khi tự nguyện nộp mình chịu khổ hình, Người cầm lấy bánh…” Như vậy, Chúa Giêsu đã bước vào cuộc khổ nạn của Người với sự tự do tuyệt đối. Và khi đón nhận cuộc thương khó với tất cả sự tự do trong tình yêu, Người đã biến mọi đau khổ Người chịu trở nên hiến lễ cứu độ nhân loại.
Vì thế, cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu phải được hiểu theo nghĩa tích cực, nghĩa là một hành động của tình yêu trọn vẹn. Chính Người đã nói ý nghĩa cuộc Thương Khó của Người: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15,13)
Trong suốt Tuần Thánh này, chúng ta hãy dành thời gian để đọc và đọc lại các bài Tin Mừng về cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu. Chúng ta hãy chú ý đến tất cả những chi tiết cụ thể trong từng lời nói, cử chỉ hay cách thức hành động của Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn. Vì tất cả giờ đây đều trở nên dấu chỉ, mà qua đó Người bày tỏ sự tự do trong tình yêu đối với Chúa Cha và đối với nhân loại. Người đã rửa chân và chia sẻ bữa ăn với các môn đệ, trong đó có những môn đệ sẽ phản bội và chối bỏ Người; Người chạm vào và chữa lành tai của một tên đầy tớ vị thượng tế bị môn đệ của Người chém đứt; Người đã nhìn Phêrô sau khi ông chối Người đến ba lần, một cái nhìn tha thứ và đầy lòng thương xót để ông biết khóc lóc ăn năn; Người an ủi những người phụ nữ đang đấm ngực than khóc Người trên đường vác thập giá. Trên thập giá, Người xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ tố cáo và xử tử Người, vì “họ không biết việc họ làm”. Cuối cùng, Chúa Giêsu tỏ tình thương đặc biệt với người gian phi bị đóng đinh cùng khi hứa cho anh ta được vào Thiên Đàng ngay ngày hôm đó. Quả thật, đây là cuộc Thương khó, nhưng là một cuộc Thương Khó của Đấng tự nguyện bước vào vì yêu con người.
Vâng, Chúa Giêsu Kitô yêu thương nhân loại đến cùng. Người vác thập giá của mình thay cho tất cả thập giá đang đè nặng trên từng người chúng ta. Người chấp nhận chịu án tử bất công và chịu chết để chia sẻ số phận của những người bị bỏ rơi, loại trừ, bị bắt bớ, tra tấn, bị kết án, bị xử tử cách bất công. Người đã đón nhận và sống tất cả những điều đó để nói lên tình yêu của Người dành cho chúng ta. Từ nay không có bất cứ vất vả, đau đớn, tủi nhục hay mất mát nào chúng ta chịu mà Chúa Giêsu không thể thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với chúng ta. Vì Người đã trải qua tất cả.
Hôm nay, chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc Thương Khó để học với Người cách đón nhận và đối diện với những đau khổ. Mỗi người trong chúng ta, ai cũng có cuộc thương khó của đời mình, ai cũng đã từng bị phản bội, bị vu oan giá họa, bị đối xử bất công, bị khinh chê coi thường, chịu mất mát thiệt thòi... và còn biết bao bận tâm, lo lắng và đau khổ đang bóp nghẹt trái tim chúng ta. Nhưng chúng ta hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu cũng đã trải qua tất cả những điều đó, và Người đã đi đến tận cùng những khổ đau của phận người là cái chết. Chúng ta hãy học với Chúa Giêsu, đón nhận tất cả những khó khăn đau khổ xảy đến với sự tự do của tình yêu để biến nó thành của lễ dâng lên Chúa Cha, và sẵn sàng hy sinh sự tự do được làm điều chúng ta muốn như một cách chết đi chính mình, để sự sống mới được sinh ra cho chính chúng ta và cho tha nhân.
Cầu chúc cho mỗi người chúng ta trong Tuần Thánh này, có đủ thời gian thinh lặng để nhận ra mình được Chúa yêu nhiều như thế nào trong cuộc Thương Khó của Người.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa
SUY NIỆM 5: TIẾN BƯỚC NHƯ MỘT CON LỪA
Hôm nay, toàn thể Hội Thánh cử hành biến cố Chúa Giêsu vào thành thánh Giêrusalem, đồng thời Hội Thánh khởi đầu Tuần Thánh, là thời gian Hội Thánh sống tâm tình của Chúa Giêsu bước vào cuộc thương khó của Ngài. Như vậy, trong cử hành hôm nay, Hội Thánh muốn mỗi chúng ta trả lời câu hỏi: tại sao nơi mỗi chúng ta có sự thay lòng đổi dạ đối với Chúa nhanh như vậy? Tại sao hôm nay đông đảo con người giơ tay tung hô Chúa là Đấng Cứu Độ rồi chỉ trong một tuần lễ thôi, đám đông đó lại giơ tay hét lớn: “Đóng đinh nó vào thập giá”? Có lẽ không có gì gây bất ngờ cho bằng lòng người và cũng không có gì thay đổi nhanh chóng cho bằng lòng người!
Điều bất ngờ là không phải ai khác, không phải chỉ những người chưa biết Chúa hay đang thù ghét Chúa, mà chính Kitô hữu chúng ta thay đổi lòng dạ với Chúa đến mức không ngờ. Chúa Giêsu hôm nay đang bị xã hội hôm qua và hôm nay loại ra khỏi, ai gây nên? Chẳng lẽ chỉ những người Rôma và Do-Thái hay những người vô thần? Không có một kitô hữu nào, một gia đình nào, một nhóm người nào gây nên sao? Giáo lý của Chúa bị người nghe chống đối, ai gây nên? Chẳng lẽ chỉ những người ghét Chúa và ghét đạo thánh của Chúa? Không có môt Kitô hữu nào, một gia đình nào, một nhóm người nào chống đối giáo lý của Chúa sao? Trong những ngày này, một số giám mục trên thế giới đã không phải lo âu và lên tiếng cảnh báo rằng ngay cả trong Giáo Hội đang có khuynh hướng tự ý sửa đổi giáo lý của Chúa đó sao? Hội Thánh là thân mình của Chúa hôm nay không được tung hô đã đành, lại còn bị những trận đòn tơi tả của các phương tiện truyền thông, của những thủ đoạn trục lợi bất chấp sự thật, có khác gì những trận đòn Chúa chịu xưa đâu. Trong hoàn cảnh này, các môn đệ của Chúa đi đâu cả? Đang nhập vào đám đông để trá hình: Vừa hoan hô Chúa, vừa lên án Chúa? Hay đang tìm một nơi nào đó ngủ nghỉ, trốn tránh để mặc Chúa một mình? Chúng ta đang là ai trong đám đông hôm nay?
Chúng ta là những người đang vẫy lá hoan hô Chúa ư? Đó không phải là chọn lựa tốt, vì sau khi tiếng tung hô không còn, chúng ta có thể hét lớn: đóng đinh nó vào thập giá, máu nó sẽ đổ lên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi. Chúng ta là một trong các môn đệ trong những ngày này ư? Đó cũng không phải là chọn lựa đúng, vì sau đó các tông đồ kẻ bán Chúa, kẻ thì chối Chúa, kẻ bỏ Chúa mà đi và có những kẻ ơ hờ nằm ngủ, mặc dù nhiều lần được Chúa kêu gọi “Các con ngủ sao? Hãy dậy và cầu nguyện” tham dự vào cuộc khổ nạn của Ngài. Vậy, tôi là ai trong biến cố tuần thánh này? Xin mượn hình ảnh của Đức Hồng Y Etchegarey để chọn đó là được nên như con lừa cho Chúa cỡi lên. Đám đông hai bên đường tung hô, con lừa không tự mãn, vì biết danh dự đó dành cho Đấng Mêsia; đám đông lên án Chúa, con lừa cũng không chán nản, ngừng nghỉ, nhưng cứ âm thầm mang Chúa trên lưng, bước lên con đường đầy sỏi đá dù làm cho chân đau nhức mà vẫn không kêu than: “ Đời tôi tiến bước như một con lừa.”
Xin cho sự lựu chọn và tâm tình này giúp chúng ta đồng cảm với những đau khổ của Chúa và vui lòng đi theo Chúa suốt chặng đường đời.
Linh mục Tađêô Võ Xuân Sơn
SUY NIỆM 6: ĐƯỜNG LÊN CANVÊ
Phụng vụ Tuần Thánh mời gọi chúng ta đọc lại, suy gẫm và sống trình thuật thương khó của Đức Giêsu. Chúng ta cùng đồng hành với Người tử tội. Tuần Thánh là cao điểm phụng vụ Kitô giáo, Giáo hội yêu mến và biết ơn Thầy chí thánh của mình, nên Giáo hội hằng năm tổ chức lễ GIỖ của Thầy. Khi tưởng niệm người đã khuất, người ta thường nhắc lại những việc làm, những lời nói và nhất là những lời trăn trối cuối cùng của họ, để con cháu học hỏi và noi gương bắt chước.
Đường Thánh Giá là một trong những thực hành truyền thống đạo đức bình dân lâu đời nhất, chảy từ tâm huyết của các tín hữu ngay từ ban đầu, mặc dầu tất cả các chặng Đường Thánh Gía không nhất thiết được Thánh Kinh nói đến. Biết rằng ngoài Kinh thánh, Giáo hội còn có Thánh truyền, là sự chuyển giao sự sống bằng thực hành tôn giáo qua các hình thái đạo đức, bằng sinh hoạt cộng đoàn, được gọi là các tập tục tôn giáo. Thánh truyền được lưu truyền qua các việc làm đạo đức, và rất được Giáo Hội trân trọng.
Kết án tử hình mở đầu cuộc thương khó cho thấy, từ nay những sức mạnh tối tăm nắm quyền quyết định. Đức Giêsu bị kết án, vì đối phương của Người không thể chấp nhận Người, họ từ chối các phép lạ Người làm và cho Người là kẻ phá đám và gây nguy hiểm cho an ninh trật tự chính trị xã hội cũng như tôn giáo. Người đáng phải đóng đinh! Như thế bản án tử hình của Chúa theo quy trình của luật Rô-ma.
Đức Giêsu xê vai lại vác thập giá; vai tượng trưng cho điểm tựa của trách nhiệm, của sức nặng công việc. Công việc cứu rỗi là gánh lấy tội lỗi nhân loại đè xuống trên vai, một khi hoàn tất, niềm hy vọng và ơn cứu chuộc nhân loại sẽ được thực hiện, đó là điểm then chốt trong trình thuật nầy.
Một Thiên Chúa ngã quỵ và can đảm đứng lên không than thân trách phận, cho ta bài học khiêm nhường và kiên cường trong thi hành nhiệm vụ và bổn phận. Người hoàn thành phận vụ bất chấp thất bại và khó khăn.
Đức Mẹ Maria gặp Đức Giêsu đang vác thập giá, một sự đồng cảm và đồng hành chia sẻ gánh nặng và cảm thương giữa Mẹ và Con trong việc cứu chuộc. Sự hiện diện của Mẹ là sự an ủi nâng đỡ Con. Là lời động viên “cố lên Con”.
Ông Simon vác thập giá giúp Đức Giêsu, cũng như bà Maria Mađalêna lấy nước mắt rửa chân cho Đức Giêsu, các nghĩa cử nầy được nhắc lại và truyền tụng qua mọi thời cho đến tận thế. Cảm thông và nâng đỡ người lâm cơn hoạn nạn luôn là sự kích lệ cho dù không giải quyết được gì bao nhiêu.Bà Vêrônica chạy đến lau mặt Đức Giêsu bất chấp sự đe dọa của quân lính Rôma, bà không đồng ý với bản án bất công. Đấng mà bà lau sạch gương mặt, sẽ lau khô mọi dòng lệ trên con mắt chúng ta, khi chúng ta nhìn thấy Người là ai.
Dù được nâng đỡ trong tình liên đới, Đức Giêsu ngã xuống một lần nữa. Chắc hẳn trong đám đông có người đã chịu ơn phép lạ của Người, điều chua chát nầy làm Người ngã gí xuống đất.
Với đoàn phụ nữ đi theo than khóc, Đức Giêsu nói với họ đừng than khóc vì Chúa, nhưng hãy than khóc vì chính tội lỗi mình và vì con cháu của họ, hãy dấn thân trong trách nhiệm hơn là than khóc nặng nề tình cảm.
Ngã xuống rồi lại can đảm đứng lên và bước đi cho đến cùng. Tới núi Can-vê tất cả y phục bị lột ra, một thân thể bê bết máu me phơi bày không chút thẹn thùng. Người đã hạ mình xuống tận đất đen như loài sâu bọ!
Bị lột trần, chỉ còn chờ đóng đinh vào thập giá. Xác thánh nầy đã được bọc trong khăn nay bị đóng đinh vào thập giá. Đấng chuyển động cả vũ trụ, nay hoàn toàn bất động, vô hại, ngay cả kẻ thù cũng không khiếp sợ gì Người nữa.
Người sắp trút hơi thở cuối cùng, Người nói những lời trối trăn cho Mẹ và cho Gioan, hứa cho người trộm lành thiên đàng, không một lời oán hận nào đã thốt lên. Không bao giờ có ai đã yêu và chết vì yêu như thế! Người bình an dâng hiến cuộc đời, tha thứ và yêu thương tất cả.
Nhân loại mà nói, chết là hết. Thật diễu cợt! Đấng có quyền đặt chúng ta bên hữu Thiên Chúa thì nay lại không có chỗ để đặt xác của Người. Phải mượn tạm mộ của một ai khác. Vua cả trời đất, chết vô địa táng!
Trước nấm mộ lạnh lùng của Vua trời đất và sự thinh lặng khó hiểu của Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi tin tưởng vào sự sống lại. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời! Hy vọng của chúng ta ở nơi thập giá Chúa Kitô.
Lạy Chúa Giêsu,“chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Giêsu Kitô, vì Chúa đã dùng rất Thánh Giá mà chuộc tội cho thiên hạ”. Amen
Linh mục Lu-y Nguyễn Quang Vinh
SUY NIỆM 7: NIỀM VUI - THẬP GIÁ - VÀ ƠN CỨU ĐỘ
Với Chúa nhật Lễ Lá, khai mạc Tuần Thánh, trung tâm của toàn thể Năm Phụng Vụ, trong Tuần này chúng ta dõi theo hành trình thương khó của Chúa Giêsu, chết và sống lại.
Niềm vui
Hoan hô, chúc tụng vua Israel, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! (x. Ga 12, 12-16)
Nghe đọc những lời trên lúc mở đầu nghi thức làm phép kiệu lá, tưởng nhớ tới sự kiện Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, dân chúng rủ nhau ra mà đón: “Dọc đàng, người ta trải áo trên lối đi. Khi Người đến gần triền núi Cây Dầu, tất cả đoàn môn đệ hân hoan lớn tiếng ca ngợi Chúa về mọi phép lạ họ đã thấy mà rằng: "Chúc tụng Đấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời” (Lc 19, 36-38). Giờ đây mỗi người cầm cành lá trong tay vừa đi vừa hát “Hoan hô...” thấy thật là vui.
Đám đông dân chúng đón rước Chúa lúc đó hân hoan, ngợi khen, chúc tụng, đúng là một bầu khí vui mừng mà chúng ta cảm nghiệm được khi tái cử hành biến cố năm xưa hôm nay. Chúa Giêsu, Thái Tử nhà Đavít tiến vào Giêrusalem đã khơi dậy lên bao nhiêu niềm hy vọng nơi tâm hồn những người đơn sơ, nghèo khổ, bị lãng quên, những người không đáng kể gì trong xã hội. Người thấu hiểu và cảm thông cảnh lầm than khốn khổ của họ, cúi mình xuống chữa lành những vết thương thể xác cũng như tâm hồnvà tỏ lòng từ bi đối với họ.
Đúng như lời ngôn sứ I-sai-a nói: “Người đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Đó là tình thương cao cả của Chúa Giêsu, Người đã mang tình thương ấy đi vào thành Giêrusalem. Chúng ta thật vui mừng và tràn đầy hy vọng, vì thế giới chúng ta sống đang rất cần tình thương đó.
Thập giá
Niềm vui của dân chúng đang hân hoan, tung hô, chúc tụng Chúa, sự đấu tố, đòn vọt, vòng gai và thập giá bao trùm, những lời của Tiên tri Isaia, bài tường thuật của thánh sử Marcô, và những bài đọc phụng vụ khác dẫn đưa chúng ta vào trong mầu nhiệm Thương Khó và cái chết của Chúa Giêsu. Isaia mô tả cho chúng ta hình ảnh của một người bị đánh đòn và chịu vả mặt nhục nhã (x. Isaia 50, 6). Lời đáp ca: “Lạy Chúa tôi, lạy Chúa tôi, sao Chúa bỏ rơi tôi?” giúp chúng ta chiêm ngắm cơn hấp hối của Chúa Giêsu trên thập giá (Lc 23,44-45). Nơi bài đọc II, thánh Phaolô tông đồ giúp chúng ta hiểu sâu xa hơn mầu nhiệm Vượt Qua: Chúa Giêsu, “dù là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự” (Phil 2, 6- 8).
Một vị Vua cưỡi trên con lừa con, không có đoàn tùy tùng đi theo, không có một binh đoàn biểu tượng quyền lực tiến vào thành Giêrusalem là Chúa Giêsu. Người không vào Thành Thánh để nhận vinh dự dành cho các vua trần thế, cho kẻ có quyền bính, cho kẻ thống trị; Người vào thành để chịu đánh đòn, lăng mạ và xúc phạm, như Isaia đã tiên báo (x. Is 50,6); Người vào để chịu đội mão gai và mặc áo choàng đỏ, vương quyền của Người là đối tượng cho sự nhạo cười; Người vào để bước lên đồi Canvê vai vác khổ giá; Người vào thành Giêrusalem để chịu chết trên Thập giá. Thập giá là ngai vàng của Người, Người mang lấy Thập giá trên mình, mang vào mình sự ác, cùng với sự nhơ bẩn, tội lỗi của trần thế và cả tội chúng ta nữa. Với lòng từ bi và tình thương của Thiên Chúa, Người lấy máu mình mà tẩy rửa cho sạch. Vì thế, Thập giá được Chúa Giêsu đón nhận với tình thương không bao giờ đưa tới sầu muộn, nhưng dẫn đến niềm vui, niềm vui được cứu độ.
Sống Tuần Thánh
Bước vào Tuần Thánh, Giáo hội cùng với con cái mình dõi theo Chúa Giêsu trên hành trình tiến lên đồi Canvê với thập giá và sự sống lại của Người. Sống Tuần Thánh là đi vào tình thương hiến thân của Chúa Giêsu hầu mang lại sự sống cho con người
Lúc sinh thời, Chúa Giêsu đã rong ruổi trên khắp nẻo đường, với lòng tin, Người đã chọn gọi 12 người đơn sơ để họ ở với và tiếp tục sứ mạng yêu thương của Người. Trong Tuần Thánh chúng ta sống trọn vẹn cuộc hành trình này. Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem để thi hành sứ mạng yêu thương ấy.
Chúa Giêsu không sống cách thụ động tình thương dẫn đến hy sinh, hoặc như một định mệnh không thể tránh được; Người không che giấu sự sao xuyến sâu xa như một con người trước cái chết dữ dằn, nhưng phó thác hoàn toàn nơi Chúa Cha. Chúa Giêsu tự ý nộp mình chịu khổ hình và chịu chết, để chứng tỏ tình thương của Thiên Chúa đối với thế gian. Thánh Phaolô cảm nghiệm được rằng, trên Thập giá, Chúa Giêsu “đã yêu thương tôi và hiến mình vì tôi” (Gl 2,20). Mỗi người chúng ta có thể nói: Người đã yêu thương tôi và đã phó nộp mình vì tôi.
Nhìn vào Chúa Giêsu trong cuộc thương khó, chúng ta khám phá ra những đau khổ của nhân loại nói chung và những đau khổ của chính cá nhân mình nói riêng. Chúa Giêsu, dù vô tội, đã nhận mang lấy vào thân điều mà con người không thể chịu được như: sự bất công, sự dữ, tội lỗi, hận thù, đau khổ và cuối cùng là sự chết. Trong Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa phải chịu nhục nhã và đau khổ để chứng tỏ rằng Thiên Chúa yêu thương tất cả, tha thứ cho tất cả và mang đến cho con người ý nghĩa cuối cùng của cuộc sống.
Mỗi năm, với Tuần Thánh, Giáo Hội bước vào trong Mầu nhiệm Vượt Qua, Mầu nhiệm tưởng niệm cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu. Chính nhờ sức mạnh của Mầu Nhiệm Vượt Qua mà Giáo Hội có thể công bố cho thế giới bằng lời nói và bằng những việc làm tốt của những con cái mình rằng: “Chúa Giêsu Kitô là Chúa, để Thiên Chúa Cha được vinh hiển” (Phil 2,11). Phải, Chúa Giêsu Kitô là Chúa, Người là Chúa của thời gian và của lịch sử; là Ðấng Cứu Chuộc con người; Người là Ðấng Cứu Thế! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Hosanna!
Cùng với Mẹ Maria, chúng ta hãy xin với Mẹ là Ðấng đã theo Chúa Giêsu Con Mẹ trong suốt chặng đường dẫn tới Canvê trong đức tin, giúp con cái Mẹ vác thập giá với niềm thanh thản và yêu thương bước theo Chúa, để đạt được niềm vui của lễ Phục Sinh. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
SUY NIỆM 8:
Một trong những điểm nổi bật và làm rơi nước mắt của bao nhiêu người khi xem bộ phim về cuộc khổ nạn của Đức Giêsu đó là cảnh bạo lực.
Người Do Thái dùng bạo lực một cách khủng khiếp đối với Đức Giêsu. Họ bắt Ngài phải vác thập giá. Họ đánh đòn Ngài. Họ khạc nhổ vào mặt Ngài. Họ bắt Ngài đội mạo gai. Họ đóng đinh chân tay Ngài vào thập giá. Họ còn lấy lưỡi gươm đâm thấu cạnh sườn Ngài thấu cả trái tim. Người Do thái thời bấy giờ quả thật là quá tàn nhẫn với Đức Giêsu Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Xem cảnh bạo lực đó, có lẽ không ai không trách móc người Do thái sao họ lại làm như thế với Đức Giêsu? Nhưng nếu để ý thì chúng ta vẫn thấy những cảnh bảo lực người ta gây nên cho Đức Giêsu vẫn được tái diễn lại nơi các Tông đồ và các môn đệ của Ngài suốt hơn 2000 năm qua. Và ngày hôm nay, bạo lực vẫn còn tái diễn lại trong các gia đình, nơi học đường, nơi mỗi môi trường sống của xã hội hôm nay.
Thật vậy, trong số các Tông đồ, chỉ có Thánh Gioan bị bỏ vào vạt dầu sôi không chết, còn 11 vị khác đều chịu chết vì đạo, nghĩa là các Ngài đã phải chịu cảnh bạo lực trước khi chết. Rồi suốt 2000 năm qua, vô vàn vô số các kitô hữu đã phải chịu nhục hình vì Chúa. Chỉ riêng ở Việt Nam chúng ta, với gần 300 năm bách hại đạo, có khoảng 150 ngàn kitô hữu chịu chết tử vì đạo, trong số đó đã có 117 vị thánh đã được phong hiển thánh và 1 vị được phong chân phước. Sau đây là hình khổ mà các vị tử đạo Việt Nam phải chịu: 1 vị chịu bá đao, tức là bị lý hình dùng dao cắt xẻo từng miếng thịt trên thân thể cho đủ 100 miếng; 4 vị chịu lăng trì, tức là bị chặt chân chặt tay trước khi chém đầu; 6 vị chịu thiêu sinh, tức là bị thiêu sống; 75 vị chịu xử trảm, tức là bị chém đầu; 22 vị chịu xử giảo, tức là bị tròng dây vào cổ và bị lý hình kéo hai đầu dây cho đến chết; 9 vị chịu chết rủ tù, tức là bị tra tấn, hành hạ đủ cách đủ kiểu, rồi bị bỏ đói cho tới khi kiệt sức và chết gục trong tù.
Ngày hôm nay, người ta vẫn dùng bạo lực để bạch hại các kitô hữu đây đó trên thế giới. Người ta không chỉ dùng bạo lực đối với các kitô hữu mà người ta còn dùng bạo lực để giải quyết mọi vấn đề giữa con người với nhau trong gia đình, nơi trường học, nơi các cơ quan công quyền và nơi mọi môi trường sống.
Trước hết, bạo lực trong gia đình: Theo thống kê của Vụ Gia đình (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Việt Nam cho thấy trong 5 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình được ghi nhận khoảng 20.000 vụ/năm. Chỉ riêng trong năm 2015 có 31 phụ nữ, 7 trẻ em bị người thân giết hại. Số liệu báo cáo của các tổ chức phi chính phủ năm 2014 cũng cho thấy cứ 2-3 ngày lại có một người bị giết liên quan đến bạo lực gia đình, mà nạn nhân đa phần là phụ nữ và trẻ em (theo www.rfa.org). Xin nêu lên một số vụ nổi cộm như: Bố tẩm xăng đốt hai con gái tại Hải Phòng; con giết cha tại Đăk Nông; giết chồng để đi theo người tình tại Lâm Đồng; đâm chồng 18 nhát rồi vứt xác xuống sông tại Thái Nguyên; cha giết 2 con rồi tự sát tại Nam Định; chồng đánh vợ gẫy 8 xương sườn, chấn thương sọ não tại Hạ Long (Theo phununews.vn).
Thứ hai, bạo lực ở học đường: Theo số liệu thống kê đầu năm 2015 của Bộ GD&ĐT, trong một năm học, toàn quốc xảy ra khoảng 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở cả trong và ngoài phạm vi nhà trường, tương đương khoảng 5 vụ đánh nhau trong một ngày. Nguyên nhân xẩy ra bạo lực có đôi khi không đáng là gì. Chẳng hạn: Vì viết sai chính tả, một học sinh lớp 1 bị cô giáo đánh tím mặt; vì thiếu 5 nghìn đồng “nộp tô”, một nam sinh cấp 2 bị đánh hội đồng dã man; 6 nam sinh bị giáo viên đánh chỉ vì một cái ghế gãy; 6 nữ sinh lớp 9 Trường THCS Quỳnh Long đánh 2 nữ sinh Trường THCS Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu, Nghệ An bằng dép, tát và đối phương dùng chân đạp liên tiếp vào người đối phương như phim hành động (theo dantri.com).
Thứ ba, bạo lực tại các đồn công an: Những năm gần đây người ta thường đồng hóa công an với côn đồ. Bởi vì, công an giả dạng côn đồ hay côn đồ được công an bảo kê để đi đánh người dân. Mặt khác, nhiều người dân được mời đến trụ sở công an, rồi bị đánh cho đến trọng thương, thậm chí bị đánh cho đến chết: Vụ 5 công an dùng nhục hình gây chết người ở Phú Yên; Nam Sinh Tu Ngọc Thạch (14 tuổi, học sinh lớp 9) bị công an đánh chết tại trụ sở công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, Tỉnh Khánh Hòa…
Ngoài ra, bạo lực còn xảy ra nơi mọi môi trường chúng ta đang sống: trên đường đi, nơi làm việc, nơi quán ăn nhậu, nơi quán cà phê…Chẳng hạn như: Bảo vệ dân phố sát hại bé trai 6 tuổi ở Sài Gòn; nam thanh niên sát hại người tình tại Royal City - Hà Nội; bé trai 6 tuổi tử vong với nhiều vết thương trên người ở Quảng Bình; nam thanh niên bị đâm chết khi đi dự đám cưới tại Nghĩa Đàn, Nghệ An; nam thanh niên giết người vì đèn pha xe mấy dõi vào mặt ở Nghĩa đàn… (theo kenh14.vn).
Chúng ta phải có thái độ nào trước bạo lực? Chúng ta hãy học gương của các Tông đồ, các thánh Tử đạo và đặc biệt gương của Đức Giêsu, các Ngài không bao giờ chủ trương bạo lực, các Ngài còn lên án bạo lực và khi đứng trước bạo lực mà con người gây ra cho các Ngài, các Ngài vẫn bình tĩnh và chấp nhận theo thánh ý Thiên Chúa. Với Đức Giêsu, trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Ngài đã cầu nguyện rằng: “Lạy Cha, xin cất cho con khỏi chén đắng này, nhưng đừng theo ý con một làm theo ý Cha”. Thái độ của Đức Giêsu trước bạo lực cũng được diễn tả trong bài đọc I hôm nay: Người tôi tớ đau khổ ở đây chính là Ngài; Ngài chấp nhận sự bách hại, tra tấn, phỉ nhổ, cô đơn; Ngài nhịn nhục chịu đựng, không dùng bạo lực chống lại bạo lực; đặc biệt, Ngài tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa là Đấng sẽ đến giải thoát mình.
Còn chúng ta thì sao? Chúng ta có chủ trương bạo lực không? Hãy xét lại thái độ sống của chúng ta đối với những người thân trong gia đình, với bà con làng xóm láng giềng, với bạn bè và đồng nghiệp nơi chúng ta làm việc và với mọi người chúng ta gặp gỡ. Có khi nào chúng ta dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề không? Chồng có dùng bạo lực đối với vợ không? Vợ có dùng bạo lực đối với chồng không? Cha mẹ có dùng bạo lực với con cái không? Con cái có dùng bạo lực đối với cha mẹ không? Anh chị em có dùng bạo lực đối với nhau không?
Hãy quyết tâm: Không được gây ra bạo lực; không được dùng bạo lực để chống lại bạo lực; hãy xây dựng sự hòa thuận trong gia đình và các mối tương quan bằng cách sống hiền lành và khiêm nhường.
Thánh Phanxico Salesio có bẩm tính rất nóng nảy, họ hàng bè bạn ai cũng biết thế …
Một hôm, có người đến Toà Giám Mục Annecy để thăm thánh nhân. Trong câu chuyện trao đổi hai bên, ông ta nhiều lần lớn tiếng cãi vã, đấm bàn đấm ghế, chỉ trích phê bình và mắng nhiếc thánh nhân thậm tệ. Thế nhưng, thánh Phanxicô vẫn cứ ngồi nghe cách thinh lặng, thỉnh thoảng lại nhã nhặn mời ông khách xơi trà, hút thuốc. Trước những câu nói nặng nề xấc láo, thánh nhân vẫn đáp lại bằng những lời lẽ hết sức dịu dàng, khiến ông khách qúy bắt đầu cảm thấy thẹn thùng rồi từ từ rút lui.
Người anh của thánh nhân ngồi ở phòng sau chăm chú theo dõi câu chuyện hai bên. Khi người khách vừa ra khỏi cổng, ông phóng ngay ra phòng thánh nhân và lạ thay…. Phanxicô vẫn tươi cười bình tĩnh! Ông liền nói:
- Nè, chú Phanxicô, xưa nay chú tính nóng như lửa, sao độ này lại hiền từ nhịn nhục đến thế? Tôi ở phòng sau nghe lão ta nói mà sốt ruột lộn gan, muốn nhào ra đánh một trận cho vỡ mặt hắn ra. Ðồ lếu láo mất dạy!
- Anh à, ai cũng có máu Adong cả. Em cũng bực tức xung giận lắm, nhưng em cố gắng theo gương Chúa Giêsu, hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Cứ mỗi dịp như vừa rồi, em lại tập thêm được một chút ít bằng cách tự bảo: này hỡi Phanxicô, hãy đậy kỹ vung, đừng mở, đừng nói gì ráo! Cuối cùng em thấy rằng: lấy một giọt mật, bắt được cả bầy ruồi; chứ lấy cả thùng giấm, chẳng tóm được một con. (Trích: chuyện ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận kể)
Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường xin uốn lòng chúng con nên giống Chúa.
Lm. Anthony Trung Thành