CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM C Cv 14,20b-26; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35

Thứ sáu - 16/05/2025 10:20
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM C
Cv 14,20b-26; Kh 21,1-5a; Ga 13,31-33a.34-35

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
31 Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói: “Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người.
32 Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.
33a “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.
34 Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.
35 Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”

 
SUY NIỆM 1: YÊU THƯƠNG - DẤU CHỈ CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA
Lời Chúa: “Thầy ban cho các con điều răn mới là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật V Phục Sinh hôm nay cho chúng ta thấy, yêu thương là dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Vì, người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau:
Luật xưa cũng dạy yêu người,
Nhưng còn hạn chế từng người từng nơi.
Điều răn Chúa dạy sáng ngời,
Yêu thương hết thảy trọn đời hiếu trung.
Hy sinh phục vụ thủy chung,
Mọi người lành dữ đều cùng con Cha.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta xác tín rằng: cốt lõi của Đạo Kitô giáo là Đạo Tình yêu. Xin cho chúng ta biết thể hiện giới luật yêu thương nơi hết thảy mọi người, không phân biệt màu da sắc tộc, ngôn ngữ hay tôn giáo để tình yêu Chúa được lan tỏa khắp nơi hoàn cầu. Trong tâm tình đó, giờ đây, chúng ta thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là ánh sáng và ơn cứu độ của chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa mời gọi chúng con hãy yêu thương nhau để trở nên dấu chỉ của người môn đệ Chúa. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa đem tình yêu đến trần gian để xua đi bóng đêm của hận thù ghen ghét. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Con người sinh ra không phải chỉ để sống, mà là để yêu và được yêu. Tình yêu là một phần cốt yếu trong kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Ngay từ buổi đầu, Thiên Chúa đã dựng nên con người không chỉ “giống hình ảnh Ngài” mà còn đặt để trong họ khả năng yêu thương và khát vọng được yêu. Bởi vì chính Thiên Chúa là Tình Yêu. Tình yêu ấy không chỉ là cảm xúc nhất thời, mà là một động lực sống, là căn tính của những ai mang danh là người môn đệ Chúa. Thiên Chúa đã trao cho con người một giới răn cốt lõi: "Ngươi phải yêu mến Đức Chúa là Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn ngươi; và yêu tha nhân như chính mình ngươi."

Thưa anh chị em, suốt dòng lịch sử cứu độ, tình yêu ấy đã được diễn tả qua bao mối tương quan: Adam yêu Eva như chính thân mình. Gia-cóp yêu Rachel đến nỗi sẵn sàng phục vụ suốt 14 năm. Đa-vít và Giô-na-than yêu thương nhau chân thành như anh em ruột thịt… Thiên Chúa đã chọn dân Israel để thiết lập giao ước tình yêu, nhưng đáng tiếc là con người nhiều khi chỉ hiểu tình yêu như một nghĩa vụ, hay tệ hơn, như một điều kiện có đi có lại: yêu để được yêu, tha thứ để được thứ tha, chứ không phải là yêu đến tận cùng, tha thứ vô điều kiện.

Vì thế, trong bữa Tiệc Ly giây phút thân tình cuối cùng với các môn đệ, Chúa Giê-su đã ban một điều răn mới: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em." Tình yêu mà Chúa Giê-su dạy chúng ta vượt xa giới hạn của lề luật Cựu Ước. Đó không còn là yêu như chính mình, mà là yêu như Thầy đã yêu, một tình yêu không vị kỷ, không tính toán, không đổi chác. Đó là tình yêu Agapé, một tình yêu tự hiến, hy sinh, yêu đến độ thí mạng sống cho người mình yêu: “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người hy sinh mạng sống vì bạn hữu.” Và Thánh Giá chính là biểu tượng mạnh mẽ nhất cho thứ tình yêu này, một tình yêu biết hy sinh, tha thứ, cứu độ. Không phải đau khổ của Thập Giá làm chúng ta được cứu, nhưng là tình yêu trọn vẹn qua Thập Giá đã cứu chúng ta. “Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết anh em là môn đệ của Thầy, là nếu anh em yêu thương nhau”. Đây không phải là lời mời gọi nhẹ nhàng, mà là một lời xác định căn tính: Yêu thương là “căn cước công dân” của người môn đệ Chúa.

Chuyện kể rằng, một người mẹ hỏi đứa con trai 5 tuổi: “Nếu mẹ và con cùng khát nước, mà chỉ còn hai quả táo, con sẽ làm gì?”. Cậu bé ngẫm nghĩ rồi cắn mỗi quả một miếng. Người mẹ hơi hụt hẫng. Nhưng bé liền nói: “Con thử xem quả nào ngọt hơn để dành cho mẹ!” Câu trả lời ấy tuy ngây thơ nhưng ẩn chứa một chân lý sâu xa của tình yêu: dám hy sinh phần mình để mang lại điều tốt đẹp hơn cho người mình yêu. Một hành động tưởng chừng nhỏ bé, nhưng lại mang vóc dáng của tình yêu vị tha đích thực.

Kính thưa quý ông bà và anh chị em,
Hôm nay Chúa Giê-su mời gọi chúng ta không chỉ tin vào Chúa, mà còn phải sống như Chúa, yêu như Chúa, trở nên dấu chỉ của người môn đệ Chúa qua tình yêu cụ thể và hy sinh. Trong xã hội hôm nay, nơi mà sự thù oán, ghen ghét, loại trừ đang xâm lấn cả trong các gia đình, cộng đoàn và ngoài xã hội, thì tình yêu thương đích thực không chỉ là giải pháp, mà là sứ mạng khẩn thiết. Một nụ cười tha thứ, một lời nói cảm thông, một cử chỉ nhân ái những điều tưởng như đơn giản ấy có thể chữa lành những đổ vỡ, phá vỡ những ngăn cách và biến đổi gia đình xã hội thành dấu chỉ của Nước Trời giữa thế gian.

Lời mời gọi “hãy yêu như Thầy đã yêu” là một thách đố nhưng cũng là một cơ hội để chúng ta làm chứng cho Chúa giữa trần gian. Là cha mẹ, hãy yêu thương nhau bằng sự nhẫn nại và tha thứ. Là vợ chồng, hãy nâng đỡ nhau trong những lúc yếu đuối nhất. Là người trẻ, hãy sống tình bạn chân thành, không vụ lợi. Là người Kitô hữu, hãy dấn thân vào các công việc bác ái, để tình yêu Chúa lan tỏa đến từng góc phố, từng mái nhà, từng trái tim đang khô cứng vì thất vọng và tổn thương.

Nguyện xin Chúa Giê-su, Đấng đã yêu chúng ta đến tận cùng, xin cho chúng ta cũng biết yêu như Chúa yêu. Xin đừng để chúng ta chỉ là người Kitô hữu trên danh nghĩa, mà là người môn đệ thực sự qua đời sống yêu thương cụ thể: biết đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem hòa bình vào nơi chia rẽ. Xin cho chúng ta dám sống điều răn mới giữa một thế giới đầy hận thù và ích kỷ. Để tình yêu Chúa trở nên dấu chỉ của hy vọng và sự sống mới giữa lòng nhân loại hôm nay. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang


 
SUY NIỆM 2: YÊU NGƯỜI NHƯ CHÚA YÊU TA
Bài Tin mừng hôm nay tuy ngắn gọn, nhưng lại cô đọng tất cả nỗi lòng mà Chúa Giê-su muốn bày tỏ với các môn đệ năm xưa, và cả chúng ta hôm nay. Đây tựa như một lời trăng trối cuối cùng của Chúa Giê-su trước khi Ngài bước vào cuộc thương khó: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,14b).
Chúa Giê-su yêu thương chúng ta như thế nào thì chắc chắn ai cũng đã biết. Điều quan trọng là làm sao để chúng ta có thể sống yêu thương nhau như Ngài? Thiết nghĩ ít là phải có 2 hành động sau đây:
Thứ nhất, yêu thương như Chúa là phải biết đồng cảm với nhau.
Đối với người phụ nữ phạm tội ngoại tình cũng như nhiều người tội lỗi khác, tuy Chúa Giê-su không đồng tình với sai phạm của họ, nhưng Ngài đồng cảm với những con người ấy. Ngài không kết tội chị ta, nhưng mở ra 1 lối đi mới để chị ấy có thể sửa đổi cuộc đời.
Đồng cảm là vậy đó thưa cộng đoàn. Chúng ta được mời gọi sống giới răn yêu thương qua việc cảm thông và nâng đỡ lẫn nhau. Với những anh chị em khô khan nguội lạnh trong đời sống đạo, với những anh chị em đổ vỡ trong đời sống hôn nhân, cũng như với những anh chị em tuân giữ luật Chúa chưa tròn… chúng ta đừng khóa chặt tương lai của họ rồi soi mói xỉa xói, nhưng mỗi người hãy noi gương Chúa Giê-su, chúng ta không đồng tình với lỗi lầm của họ, nhưng hãy đồng cảm với những anh chị em ấy.
Thành thật mà nói, không một ai muốn điều xấu ấy xảy ra với chính bản thân và gia đình mình. Họ đang cần một điểm tựa, một sự cảm thông và nâng đỡ để sửa đổi và làm lại cuộc đời. Đừng loại trừ nhưng hãy đồng cảm với những anh chị em ấy thưa cộng đoàn. Rồi sẽ có lúc chúng ta cũng cần người khác đồng cảm với chính bản thân mình.

Thứ hai, yêu thương như Chúa là phải biết tha thứ cho nhau. Khi bị người ta vu oan kết án, thay vì oán trách hận thù như bao người khác, thì đừng loại trừ, lại cầu nguyện với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Rất đẹp phải không thưa cộng đoàn!
Yêu thương là thế đó, phải sẵn sàng tha thứ cho nhau. Vợ với chồng, cha mẹ với con cái, cũng như anh chị em ruột thịt, chắc chắn là những người chúng ta yêu thương nhất, mà đã là người mình yêu thương nhất thì hãy sẵn sàng tha thứ, khi họ vô tình hay hữu ý làm điều gì đó có lỗi với mình. Nếu như ngay cả những người thân yêu máu mủ mà mình còn không muốn yêu thương tha thứ, thì làm sao chúng ta có thể làm điều đó với những người quanh ta.

Về vấn này, Thánh Paul cho chúng ta những lời khuyên sâu sắc như sau: “Nếu trong anh em người này làm điều gì có lỗi với người kia. Chúa đã tha thứ cho chúng ta thì chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy tha thứ cho nhau” (Cl 3,13).

Tóm lại, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống lời di chúc của Chúa Giê-su, đó là:“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vì đó là dấu hiệu để mọi người nhận biết chúng ta là môn đệ của Ngài.

Phần chúng ta, mỗi người hãy quyết tâm sống giới luật yêu thương theo mẫu gương của Chúa Giê-su, qua việc đồng cảm với nhau và tha thứ cho nhau. Bởi sống yêu thương không gì khác hơn là làm những gì mà mình có thể để mang lại bình an và hạnh phúc cho người khác. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: DẤU HIỆU NHẬN BIẾT
Trong giờ phút linh thiêng khi sắp từ giã những người thân yêu để vĩnh viễn ra đi sang thế giới khác, người hấp hối gắng chút hơi tàn căn dặn người yêu dấu những điều mà họ cho là quan trọng nhất.
Khi sắp từ giã các môn đệ để bước vào khổ nạn, Chúa Giê-su trao cho họ những lời tâm huyết sau cùng: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau…

Vì là giới răn, là mệnh lệnh của Thầy, nên tình yêu thương huynh đệ của người môn đệ phải mang chiều kích của Thầy: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Vì là giới răn của Thầy, nên từ nay yêu thương sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh hiệu của người môn đệ: mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ Thầy khi anh em yêu thương nhau. Chúa Giê-su không muốn các môn đệ yêu thương nhau hời hợt bề ngoài, nhưng muốn họ yêu thương theo một mức độ lớn lao nên Người nhấn mạnh: “Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu này để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau.”. 

Chữ “như” ở đây thật quan trọng. Nói đến Công giáo là người ta nghĩ ngay đến hai từ “bác ái”. Bác ái không nguyên là yêu thương nhau theo kiểu cha ông truyền dạy là “thương người như thể thương thân” mà còn phải yêu thương nhau như Chúa Kitô đã yêu thương chúng ta. Chúa Giê-su đã so sánh: như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến anh em, anh em hãy yêu mến nhau như Thầy đã yêu mến anh em.
Như Cha đã yêu mến Thầy. Chúa Giê-su đã nhiều lần nói về tình yêu của Chúa Cha dành cho Người (x. Ga 3,35;5,20;17,24). Chúa Cha cũng nhiều lần xác nhận điều này (x. Mt 3,17;17,5). Tình yêu của Chúa Cha đối với Chúa Con là tình yêu chia sẻ và trao ban. Tình yêu của Chúa Con đối với Chúa Cha là tình yêu tôn kính và vâng phục. Chúa Con yêu các môn đệ như tình yêu Chúa Cha đối với Người.
Yêu như Thầy đã yêu có nghĩa là:
– Thầy chấp nhận cái chết thập hình để chuộc tội nhân loại: “Không có tình thương nào cao hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình”.
– “Thầy không coi anh em là tôi tớ, nhưng Thầy coi anh em là bạn hữu của Thầy”(Ga 15,15a). Người là Thầy, là Chúa, các môn đệ là người, là đệ tử. Nếu Chúa muốn coi các ông là tôi tớ cũng được, nhưng không, Chúa đã coi họ là bạn hữu ngang hàng với Người. Bạn hữu tri âm tri kỷ nên “tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết”(Ga 15,15b).
– Thầy hy sinh quên mình, Thầy hạ mình phục vụ anh em. Thầy yêu những người bé nhỏ nghèo hèn, yêu thương cả những người thù ghét mình, những người làm hại mình, những người khó thương khó ưa và Thầy không ngừng tha thứ, muốn mọi người làm hoà với nhau.
– Cả cuộc đời Chúa Giê-su đã sống tình yêu nhập thể và hiến dâng cho tất cả mọi người. Chúa không để ai về tay không khi đến với Người. Kẻ mù được sáng, người què đi được, kẻ điếc nghe được, người câm nói được, những kẻ tội lỗi, những cô gái điếm tìm được ơn thứ tha…
Yêu như Thầy đã yêu làm nên nét đẹp của Tin mừng. Nét đẹp ấy có sức lôi cuốn mọi người đến cùng Chúa. Tình yêu ấy thật cao đẹp nên Chúa mời gọi: “Anh em hãy yêu như Thầy đã yêu” (Ga 13,34). Vẫn biết rằng con người chẳng bao giờ yêu nhau tới mức “như Thầy đã yêu”, nhưng lời mời gọi của Chúa vẫn luôn giục giã chúng ta hướng theo đường Chúa đã đi, lấy tình yêu của Chúa làm tiêu chuẩn cho mọi hành động, làm khuôn vàng thước ngọc cho mọi suy nghĩ, lời nói việc làm của chúng ta.

Cội nguồn của dòng sông tình yêu phát xuất từ Chúa Cha qua Chúa Giê-su tuôn chảy đến nhân loại. Tình yêu là nguồn sự sống, là động lực chính yếu của cuộc đời và sau hết tình yêu cũng là cứu cánh của cuộc đời: “Vạn sự đã do tình yêu sáng tạo, vạn sự được Tình yêu nâng đỡ, vạn sự đi về tình yêu và đi vào trong tình yêu” ( R. Tagore).
Chính tình yêu Thiên Chúa đã gọi chúng ta vào trường đời để dạy chúng ta sống yêu thương, bác ái; chính tình yêu Thiên Chúa đã cứu sống chúng ta và chính nhờ tình yêu ấy mà chúng ta được sống, cũng như cành nho chỉ sống nhờ kết hợp với cây nho.
Trên thị trường ngày nay, có vô số đồ giả: vàng giả, tiền giả, thuốc giả, hàng giả, bằng cấp giả. Giả thật đen xen nhau như cỏ lùng và lúa tốt. Đối với phần đông dân chúng, thì việc phân biệt đâu là thật, đâu là giả quả là điều rất khó khăn.

Trong đạo cũng vậy. Có nhiều Kitô hữu giả trà trộn giữa các Kitô hữu thật, muốn phân biệt ai giả ai thật, cũng không phải là chuyện dễ dàng. Thế nên Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta dấu hiệu phân biệt rất chính xác. Dấu hiệu đó là lòng yêu thương. Chúa dạy: “người ta cứ dấu này mà nhận biết các con là môn đệ thật của Thầy, là các con yêu thương nhau”. Nếu có ai đó xưng mình là môn đệ Chúa Giê-su mà không tôn trọng, không yêu thương người khác, thì chắc chắn người đó là môn đệ giả.
Có người chiêm bao thấy mình từ giã cõi trần tiến đến cửa thiên đàng. Được biết thánh Phê-rô canh cửa thiên đàng rất nghiêm ngặt, xét hỏi kỹ càng trước khi cho vào, nên anh ta mang theo đầy đủ những giấy tờ cần thiết.

Trước hết, anh ta xuất trình chứng thư rửa tội, có chữ ký của cha sở và dấu đỏ của giáo xứ, nắm chắc hy vọng rằng với chứng thư này thì thánh Phê-rô sẽ mở cửa thiên đàng cho anh ngay. Nào ngờ, thánh nhân lại lắc đầu từ chối. Thế là anh ta lại xuất trình thêm chứng thư thêm sức, rồi chứng thư hôn phối, cả sổ gia đình công giáo nữa. Vậy mà thánh Phê-rô vẫn khước từ. “Ngài còn đòi gì nữa? Con còn cả tràng chuỗi đây, cả cuốn sách kinh hôm mai đây. Bấy nhiêu không đủ chứng tỏ con là người môn đệ Chúa Giê-su sao?”

Thánh Phê-rô trả lời: “Con phải mang phù hiệu của người Kitô hữu.”. “Phù hiệu nào nữa, thưa Ngài?”. “Thế con không nhớ lời Thầy chí thánh phán dạy sao: “người ta chỉ căn cứ vào dấu hiệu (phù hiệu) nầy mà nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con có lòng thương mến nhau. Chưa có lòng thương mến nhau thì con chỉ là Kitô hữu giả hiệu.”

Qua dụ ngôn phán xét chung, Chúa Giê-su cũng khẳng định điều này. Trong ngày ấy, muôn dân sẽ được tập họp lại và Chúa sai thiên thần tách biệt họ thành hai. Người lành đứng bên phải còn kẻ dữ bên trái. Bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những kẻ bên phải rằng: “Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa” vì … các người đã thương mến chăm sóc các anh em bé nhỏ của Ta. Rồi Chúa quay sang lên án những người bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”… vì các ngươi đã không yêu thương chăm sóc các anh em bé mọn của Ta. (Mt 25, 31-46)
Dưới ánh sáng của Lời Chúa hôm nay, chúng ta hãy xem xét lại bản thân mình. Biết đâu ngay cả bản thân tôi cũng là môn đệ giả của Chúa Giê-su mà tôi không hề hay biết!

Hãy rà soát lại xem mình đã tôn trọng, chân thành yêu thương và phục vụ những anh chị em chung quanh chưa? Nếu chưa thì chúng ta vẫn còn là những Kitô hữu giả hiệu, chúng ta không thuộc vào số những người môn đệ chân chính và vương quốc thiên đàng không có chỗ cho chúng ta.
Nguyện xin Chúa giúp chúng con tập sống yêu thương “như Thầy đã yêu” khi thực thi lời Chúa dạy “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất là làm cho chính Ta” (Mt 25,40).
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An 


SUY NIỆM 4:“ANH EM HÃY YÊU THƯƠNG NHAU NHƯ THẦY ĐÃ YÊU THƯƠNG ANH EM
Người ta kể lại một câu chuyện có thật xảy ra tại Thụy Sĩ.
Trong một tiệm ăn bình dân, một người phụ nữ sau khi mua thức ăn liền bưng khay của mình đến một dãy bàn trống. Nhưng vừa ngồi xuống, bà nhận ra rằng mình quên lấy muỗng nĩa. Bà để chiếc khay xuống bàn và đứng lên đi tìm muỗng nĩa. Khi trở lại bàn ăn, bà ngạc nhiên vô cùng khi thấy một người da đen ngồi trước khay của bà và đang ăn những món ăn mà bà đã mua.
Bà cho rằng chắc đây là một người ăn xin. Nhưng nhìn kỹ, bà thấy ông ta ăn mặc đàng hoàng và có dáng vẻ trí thức nữa. Bà liền ngồi xuống rồi nói với ông ta để mình ăn phần còn lại trong khay. Ông không nói gì, chỉ mỉm cười, rồi đưa thức ăn cho người phụ nữ một cách nhẹ nhàng và đầy tình thân thiện. Thỉnh thoảng ông nhìn bà rồi mỉm cười. Cứ thế, trong thinh lặng, bà dùng hết phần ăn trong khay.
Sau đó, người đàn ông ra hiệu cho bà ấy ngồi yên tại chỗ để đi mua thêm một gói khoai tây chiên. Hai người lặng lẽ chia nhau ăn hết gói khoai tây. Cuối bữa ăn, người đàn ông chào bà rồi ra đi với nụ cười luôn nở trên môi.
Khi ông vừa ra khỏi tiệm, người phụ nữ không thấy cái xắc tay của mình đâu. Bà lẩm bẩm: “Thì ra tên da đen này đã đánh cắp xắc tay của mình rồi.” Bà định tri hô để người ta chặn bắt kẻ gian. Nhưng khi vừa quay lại, bà chợt thấy cách đó hai bàn, chiếc xắc tay của bà ở đó và khay thức ăn còn nguyên vẹn nhưng không có muỗng nĩa.
Lúc này bà mới nhận ra rằng mình đã phạm một lầm lẫn rất lớn: không phải người da đen đã dùng phần ăn và đánh cắp cái xắc tay của bà, mà chính bà đã ngồi lộn bàn và đã ăn phần của ông ấy.
Cách xử sự của người da đen trên đây cho chúng ta thấy được một cách cụ thể và sâu sắc về lòng bác ái và tình vị tha. Đó là tình yêu thương mà Chúa Giê-su tha thiết mời gọi mỗi người chúng ta: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Yêu thương với tất cả con tim và đôi tay rộng mở. Yêu thương người khác và mong muốn họ hạnh phúc. Yêu thương người khác mặc dù bị họ hiểu lầm, chống đối hoặc vu vạ cáo gian cho mình. Vẫn tiếp tục yêu thương mặc dù điều đó không dễ dàng và đơn giản chút nào.

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Yêu thương là điều răn đã có từ thời Cựu Ước, các nhà hiền triết Ðông-Tây từ xưa cũng đã khuyên dạy người ta sống đạo lý yêu thương. Vậy tại sao khi dạy các môn đệ của Người sống yêu thương, Chúa Giê-su lại nói: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới?”
Ðây là điều răn mới vì Chúa Giê-su dạy chúng ta yêu thương như Chúa Giê-su đã yêu thương. Yêu thương theo ý muốn và theo cách của chúng ta thì dễ, nhưng yêu như Chúa và theo cách của Chúa thì chúng ta phải học mỗi ngày cho đến suốt đời.
Và suốt cuộc đời trần thế, Chúa Giê-su đã dạy cho các môn đệ biết thế nào là yêu thương nhau một cách cụ thể bằng chính cuộc sống của Người.

Khi chữa cho các bệnh nhân, Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng, yêu thương là không dửng dưng khi đối diện với những người đang đau khổ.
Khi tiếp xúc với những người tội lỗi trong xã hội, Chúa Giê-su cho chúng ta thấy rằng tình yêu thương không loại trừ ai cả, ngay cả kẻ thù. Trong tình yêu Thiên Chúa, mọi người đều là anh em với nhau vì đều là con cái của Chúa.
Khi mời gọi Lêvi là người thu thuế đi theo Người, Chúa Giê-su cho chúng ta biết rằng tình yêu thương không nhìn lại quá khứ của người nào đó nhưng nhìn về tương lai của họ.
Khi công khai lên tiếng bảo vệ người phụ nữ tội lỗi giữa những người được mời dùng bữa tại nhà ông Pharisiêu, Chúa Giê-su cho thấy rằng, tình yêu thương đích thực sẽ mở lòng chúng ta đón nhận người khác như họ là, và cho chúng ta can đảm để bảo vệ những người cô thế cô thân.
Khi chọn nhà của ông Gia-kêu ở Giê-ri-khô để ở lại, Chúa Giê-su nói với chúng ta rằng, tình yêu thương sẽ cho chúng ta sự nhạy cảm để nhận ra khát vọng yêu thương sâu thẳm nơi người khác, và thúc đẩy chúng ta đến với họ, mặc cho tiếng đời dị nghị.
Khi kể câu chuyện người Sa-ma-ri nhân lành, Chúa Giê-su nhấn mạnh rằng tình yêu thương chân thật sẽ giúp chúng ta nhận ra ai là người thân cận của mình, họ chính là những người đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Khi kể dụ ngôn người con hoang đàng, Chúa Giê-su nói cho chúng ta biết nguồn gốc của mọi tình yêu thương. Chúng ta có khả năng yêu thương là vì chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương chúng ta trước. Trái tim người cha của Thiên Chúa thì vượt trên mọi sự  ích kỷ, bội bạc và vô ơn của nhân loại, và Người mời gọi chúng ta cũng hãy yêu thương tha nhân bằng tình yêu mà Người đã yêu chúng ta.

Chúng ta phải nhìn nhận rằng, trong thực tế đời sống xã hội, con người thường đi ngược lại với điều răn yêu thương mà Chúa dạy. Ở đâu chúng ta cũng dễ dàng thấy những người muốn phô trương sức mạnh quyền bính, ước muốn chiếm hữu, tranh quyền đoạt lợi,... Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi sống và thực hành tình yêu vô vị lợi, một tình yêu được thể hiện cụ thể qua cách tiếp đón, phục vụ, tương trợ, tha thứ với hết mọi người, nhất là những người nghèo khổ và thấp kém trong xã hội.
Ước gì đời sống của những người Kitô hữu chúng ta họa lại được cách sống yêu thương của Chúa Giê-su, như cộng đoàn các Kitô hữu đầu tiên thời các Tông đồ, để khi người khác nhìn vào đời sống yêu thương của chúng ta, họ cũng có thể nói: Hãy nhìn xem, họ thương yêu nhau biết bao! Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM 5: THẤM NHUẦN TIN YÊU
Đứa trẻ thường ước mơ rất phong phú, nhưng lại đầy phức tạp, nhu cầu chúng cần được yêu thương, thao thức của chúng là gia đình được hạnh phúc hơn quà bánh, tiền mới, quần áo mới. Trải qua tháng ngày tuổi thơ, người trẻ mỗi lúc mỗi hình thành phong cách từ bầu khí gia đình: cây tốt, sinh trái tốt ; hoặc chúng sẽ phản ánh từ cộng đồng xã hội: gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Ngày xưa bậc sinh thành rất vui, khi con cháu biết đọc kinh “lạy cha, kính mừng, sáng danh” ; nay, cha mẹ lại hãnh diện khi con cháu sử dụng thành thạo chiếc điện thoại thông minh. Bài học hay và kinh nghiệm quí báu, nhiều người rất mạnh mẽ cho rằng: nguy hiểm nhất ở đời là đứng trước con bò, ở đằng sau con ngựa và bên cạnh đứa ngu. Thấm nhuần tình yêu thương của bậc sinh thành, có lưu lại được những nét tinh hoa, tuỳ thuộc tự do chọn lựa và quyết tâm sống của mỗi người.

Nếu năm xưa Thầy Giê-su hỏi các học trò, chúng con thích gì, rất có thể các ông sẽ nói, chúng con thích Thầy làm vua, thích được Thầy chia sẻ quyền lực, trong khi Đức Giê-su luôn mong các học trò thấm nhuần tình hiệp nhất yêu thương và nhiệt huyết tông đồ. Thời gian và tình Thầy đã lớn lên trong các môn đệ, hôm nay, đã và đang soi sáng, mở rộng tầm nhìn cho chúng ta: địa vị vật chất, sự thông thái, không thể lấp được khoảng trống cuộc đời, bao lâu giữa các tương quan của chúng ta chưa có tình yêu Chúa. Sở thích và lối sống của mỗi người mỗi khác nhau, nhưng ước muốn được sống yêu thương, được bình an và niềm vui, đều là thao thức chung.

“Xuân Diệu” đã thu hút nhiều đối tượng bằng lý lẽ riêng của ông: làm sao cắt nghĩa được tình yêu, có nghĩa gì đâu một buổi chiều, nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt, bằng mây nhè nhẹ nắng hiu hiu…Bằng ngôn ngữ và giai điệu thân thiện, Chúa Giê-su nói lên quan điểm rất thực tế: “Thầy ban cho các con một điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con hãy yêu thương nhau”. Rõ ràng, tình yêu ai bán mà mua, tình yêu không phải là sản phẩm mơ hồ, tình yêu bao giờ cũng cao đẹp giữa các tương quan gia đình xã hội, tính “keo sơn” đó liên đới, hoà hợp, làm nên đặc tính chung: cho và nhận, là không tính toán hơn thiệt, là chấp nhận sự khác biệt của nhau.

Trải qua những gian khó trong đời, tiền nhân chúng ta đã để lại nhiều bài học cao quí: ở chọn nơi, chơi chọn bạn ; tìm nơi có đức gởi thân, tìm nơi có nhân gởi của. Đức Giê-su không ý kiến việc chọn nơi hay chọn bạn, nhưng hãy để đức ái thấm nhuần vào cuộc sống của mình: “căn cứ vào điều này mà thiên hạ nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là các con hãy yêu thương nhau”. Nếu không đặt tình yêu vào việc chăm sóc nuôi dạy con cái, bậc cha mẹ dễ xem đó là “của nợ” mà họ phải trả. Nếu đặt để tình yêu vào việc giáo dục con cái, đấng sinh thành sẽ thấy “chúng” là hoa quả của niềm vui, là hạnh phúc được cộng tác xây dựng con người mới, trời đất mới. Hãy yêu thương nhau, hãy sống căn tính của người môn đệ Đức Giê-su, hãy sống xứng hợp với tình yêu của Đấng là Thầy là Chúa, Đấng cứu độ trần gian, Đấng cho chúng ta được gọi Thiên Chúa là Cha.

Tình yêu của Chúa phục sinh lúc này đang sống động trong các tương quan, Ngài vẫn nhắn hỏi chúng ta: các con có mơ ước được hưởng phúc vinh quang cùng Thầy không, các con có yêu thương nhau không, và có yêu như Thầy yêu không ? Yêu và được yêu, tin và sống niềm tin yêu, sẽ không phải là giao ước, là cảm nhận trên giấy, mà mỗi người bằng khả năng, bằng điều kiện riêng, phải minh chứng cách rõ ràng hơn nơi anh chị em của mình. Cha ông chúng ta có câu: người ta có thể bỏ qua một lời nói, nhưng không nên bỏ qua mười lời góp ý. Chúng ta có một ơn gọi theo Đấng là thầy là Chúa, nhưng chúng ta có cả đời để học hỏi, để khám phá nét đẹp của tình yêu Giê-su, để sống tin yêu, để thấm nhuần giáo huấn yêu thương Chúa truyền dạy.

Hãy yêu thương nhau, hãy nhớ mỗi người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa yêu thương, và cần xét xem chúng ta có thuộc về Đức Kitô trên lý thuyết, chúng ta có là đệ tử của “thần tài, thần lưu ly, hay thần đỏ đen” ? Đi theo Chúa, thấm nhuần niềm tin yêu Đức Kitô là Mục tử nhân lành, chúng ta đang sống tiến trình: có gieo có gặt, có vượt qua đau khổ để đến vinh quang không ? Thấm nhuần niềm tin yêu không phải là tìm danh lợi thú, mà là biết khiêm tốn để được nên một trong đại gia đình của Chúa, một gia đình yêu thương nhau không giới hạn là đồng hương hay đồng môn. Xin Đấng phục sinh hiện diện mãi nơi mỗi tâm hồn và gia đình chúng con như Chúa đã đồng hành với các môn đệ của Chúa, xin tiếp tục làm cho chúng con mãi mãi là con chiên ngoan hiền của Chúa, là chứng nhân tình yêu thương của Chúa. Amen.
Lm. Jos DĐH


SUY NIỆM 6: PHÙ HIỆU CỦA NGƯỜI MÔN ĐỆ CHÚA GIÊ-SU
Khi sắp từ giã cõi đời, người hấp hối cố tranh thủ chút thời gian vắn vỏi còn lại và tận dụng chút hơi tàn để căn dặn người thân yêu những điều mà họ cho là quan trọng nhất, đồng thời cũng để trối lại những gì được xem là gia bảo.
Tương tự như thế, khi sắp từ giã các môn đệ để chịu khổ nạn và chịu chết, Chúa Giê-su trao cho họ những lời tâm huyết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi.” Rồi Chúa Giê-su trối lại cho các môn đệ yêu dấu phần gia bảo quan trọng nhất, đó là Điều Răn mới: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau… ”

Tuy nhiên, Chúa Giê-su không muốn các môn đệ yêu thương nhau bằng thứ tình yêu hời hợt bề ngoài, nhưng muốn họ yêu thương nhau thật đậm đà nên Ngài nói thêm: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.” Như thế, tình yêu Chúa Giê-su dành cho các môn đệ phải trở thành chuẩn mực cho tình yêu của các môn đệ đối với nhau.
Rồi Đức Giê-su nhấn mạnh: “Người ta sẽ căn cứ vào dấu hiệu này để nhận ra anh em là môn đệ của Thầy, là anh em thương mến nhau.”
Như thế, nếu kẻ nào không thương mến tha nhân thực lòng, người đó chưa phải là môn đệ thật của Chúa Giê-su.
Muốn thử vàng, người ta phải dùng đến lửa; muốn biết ai là môn đệ thật của Chúa, người ta phải nại đến tình yêu, đúng như lời Chúa Giê-su dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ (thật) của Thầy, là anh em yêu thương nhau.” Thế thì, nếu ai đó xưng mình là môn đệ Chúa Giê-su mà không tôn trọng, không yêu thương người khác, thì chắc chắn người đó là môn đệ giả.
Người môn đệ giả
Có người nằm mơ thấy mình phải lìa bỏ đời này sang thế giới bên kia. Được biết thánh Phê-rô canh cửa thiên đàng rất nghiêm ngặt, xét hỏi kỹ càng trước khi cho vào, nên anh ta mang theo đầy đủ những giấy tờ cần thiết.
Vừa gặp thánh Phê-rô, anh liền xuất trình đủ thứ giấy tờ để chứng minh mình là người công giáo, từ chứng thư rửa tội, thêm sức cho đến hôn phối… Anh hy vọng với những chứng từ này thì thánh Phê-rô sẽ mở cửa thiên đàng cho anh ngay. Nào ngờ, thánh nhân lại lắc đầu từ chối.
Anh ngạc nhiên hỏi: “Ngài còn đòi gì nữa? Con cũng xin thưa là ngày nào con cũng có đọc kinh lần hạt; con không bỏ lễ chúa nhật bao giờ, không gian tham trộm cắp, không mê muốn vợ chồng người… Bấy nhiêu không đủ để được vào thiên đàng sao?”
Thánh Phê-rô trả lời:
“Thiên đàng chỉ đón nhận những môn đệ thật của Chúa Giê-su. Ai không mang phù hiệu người môn đệ Chúa Giê-su thì không được vào thiên đàng.”
“Phù hiệu nào vậy, thưa Ngài?”
“Thế con không nhớ lời Chúa phán dạy sao: “Người ta căn cứ vào dấu hiệu (phù hiệu) này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em có lòng thương mến nhau” (Ga 13, 35). Nếu chưa có lòng thương mến nhau thì con chưa phải là người môn đệ thật của Chúa.”
Qua dụ ngôn phán xét cuối cùng, Chúa Giê-su cũng khẳng định điều này: Ai có lòng yêu thương giúp đỡ người khác, kẻ ấy mới được đón nhận vào thiên đàng.

Tin mừng Mát-thêu thuật lại lời Chúa phán như sau: “Bấy giờ Đức Vua sẽ phán với những kẻ bên phải rằng: “Nào những kẻ được Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc đã dọn sẵn cho các ngươi từ thuở tạo thiên lập địa” vì các người đã thương mến chăm sóc các anh em bé nhỏ của Ta.
Rồi Chúa quay sang lên án những người bên trái: “Quân bị nguyền rủa kia! Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời, nơi dành sẵn cho tên Ác Quỷ và các sứ thần của nó”… vì các ngươi đã không yêu thương chăm sóc các anh em bé mọn của Ta  (Mt 25, 34-46).

Lạy Chúa Giê-su, Xin cho chúng con biết dựa vào Lời Chúa dạy để rà soát lại xem mình đã tôn trọng, yêu thương và phục vụ những anh chị em chung quanh chưa? Nếu chưa thì chúng con vẫn còn là những Ki-tô hữu giả hiệu, chúng con không thuộc vào số những người môn đệ thật của Chúa và trên vương quốc thiên đàng không có chỗ dành cho chúng con.
Lm. Inhaxiô Trần Ngà

SUY NIỆM 7: HÃY GIEO YÊU THƯƠNG 
Tục ngữ có câu “có gieo có gặt” nhưng thành quả gặt hái tùy thuộc vào loại giống mà chúng ta gieo trồng. Vì “gieo gì gặt ấy”. Gieo yêu thương sẽ gặt trong hân hoan và hạnh phúc. Gieo bất công và hận thù sẽ có ngày “gậy ông đập lưng ông”. Đó chính là quy luật của cuộc sống. Quy luật của tạo hoá luôn đòi sự công bằng cho con người trong cõi nhân sinh.

Có một người đàn ông cao niên, nhưng lại rất giàu có. Ông trao ban gia tài cho đứa con trai duy nhất, chỉ mong được sống an nhàn tuổi già bên con cháu cho đến hết cuộc đời. Thế nhưng, người con dâu lại không muốn bố chồng ở mãi trong nhà nên bảo chồng phải đưa bố đi nơi khác ở. Người con không muốn mất tình cảm với vợ, nên đã quyết định đưa cha vào viện dưỡng lão, nơi rẻ tiền nhất.
Một tuần sau đó, hai cha con đi bộ đến nơi mà người cha sẽ ở. Đi dược một lúc bỗng nhiên người cha già bật khóc. Lương tâm người con không chịu nỗi, anh nghẹn ngào nói lời xin lỗi cha già. Sau một vài phút, người cha bị hắt hủi nghẹn ngào nói: “con ơi, cha không khóc vì con đưa cha vào nhà dưỡng lão dành cho những người già nua tàn tạ. Cha khóc vì nhớ lại cách đây bốn mươi năm, Cha cũng bước đi trên lối này với ông nội của con, và cũng đưa ông nội con vào viện dưỡng lão tồi tàn này. Cha chỉ gieo gì gặt ấy thôi”.

Thực vậy, “Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đó”. Những gì chúng ta nhận được từ trong cuộc đời này hôm nay và mai sau, hoàn toàn tùy thuộc vào những điều chúng ta đã gieo vãi, vun trồng.
Cùng một môi trường nhưng có người có nhiều bạn bè, và ngược lại có người lại rất nhiều kẻ thù. Có người được yêu thương, giúp đỡ. Có người chỉ nhận được sự khinh bỉ, dửng dưng xem thường. Có người được hàng xóm làng giềng bao bọc. Có người bị anh em loại trừ. Tại sao lại có nghịch lý như vậy? Thưa, đó không phải là nghịch lý mà là lẽ công bằng mà nói theo ngôn ngữ nhà Phật là “quả báo”, là hậu quả do chính chúng ta đã gieo trồng trong cuộc sống của chúng ta.

Hôm nay Chúa Giê-su bảo chúng ta hãy ra đi gieo vãi yêu thương. Chúa cầu mong chúng ta sẽ sinh hoa kết trái. Chính Chúa đã gieo vào lòng chúng ta hạt giống yêu thương. Chúng ta được lớn lên trong tình thương của Chúa. Chúng ta được sống trong sự quan phòng đầy yêu thương của Chúa. Chúa còn tuyển chọn chúng ta nên bạn hữu của Chúa. Chúa còn làm tất cả để chúng ta được hạnh phúc. Chúa đã quên cả chính mình để chúng ta được sống. Chúng ta đã lãnh nhận tình yêu thương của Chúa. Dù rằng chúng ta chẳng có công lênh gì. Dù rằng chúng ta không xứng đáng. Thế mà Chúa vẫn cho chúng ta được ở mãi trong tình yêu của Chúa. Chúa chỉ cầu mong chúng ta: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Yêu như Thầy đã yêu là tiếp tục gieo vãi hạt giống yêu thương của Chúa đến cho muôn người. Hãy thực hành tình yêu của Chúa cho anh chị em chung quanh chúng ta.
Nhưng có mấy ai đã thực sự sống yêu thương mà không có toan tính, hay pha chút kỷ ích nhỏ nhoen? Có mấy ai đã yêu tha nhân như chính mình? Có mấy ai đã vì bạn hữu mà dám quên mình? Có lẽ có, nhưng rất ít.

Nhìn lại những gì đang diễn ra nơi các gia đình, nơi xứ đạo và trên thế giới, dường như những nghĩa cử yêu thương đang thiếu dần, mà thay vào đó là sự ích kỷ bởi chỉ lo cho bản thân. Nét nổi trội của xã hội hôm nay không phải là những nghĩa cử yêu thương cao đẹp mà là bạo lực từ gia đình đến học đường. Ở nơi đâu cũng có bạo lực. Thành phần nào cũng có thể là nạn nhân của bạo lực. Có mấy ai đã tự vấn lương tâm để xem mình đã sống yêu thương cho anh chị em mình như thế nào hay chưa? Có mấy ai đã dám nói lời xin lỗi với gia đình, với cộng đoàn, vì mình mà gia đình, cộng đoàn đang có những xào xáo, bất đồng ý kiến, đố kỵ, ghen tương? Có mấy ai đã thực sự dấn thân xây dựng hoà bình khởi đầu bằng những nghĩa cử bao dung, độ lương với tha nhân?

Nhân loại hôm nay, rất biết ơn những con người biết xây dựng hoà bình từ yêu thương. Năm 1963, tại Washington, 200,000 người lắng nghe Martin Luther King, vị mục sư da đen, người đoạt giải Nobel hòa bình nói chuyện: “Tôi ước mơ một ngày kia, trên những cánh đồng miền Georgia, con cháu của những người nô lệ và của những chủ nô sẽ ngồi chung với nhau trong một bàn tiệc huynh đệ. Tôi mơ ước một ngày kia, 4 người con của tôi về sống trong một nuớc mà chúng không còn bị xét xử vì màu da nữa, nhưng vì công lao…”. Ước mơ của ông đã thành hiện thực khi mà cả dân tộc Mỹ chọn một người da đen lên vị trí số 1 của nước Mỹ, đó chính là đương kim tổng thống Barach Obama.

Ước gì mỗi người chúng ta cũng gieo vãi những niềm mơ ước của yêu thương, của tình hiệp nhất cho anh em của mình. Ước gì những ước mơ hoà bình phải được thực hiện ngay từ chính bản thân mỗi người chúng ta khi chúng ta biết nói những lời yêu thương, biết sống trong tình yêu thương tha thứ và vì tha. Xin Chúa giúp chúng ta luôn học bài học yêu thương của Chúa để biết đem ra thực hành trong cuộc sống thường ngày, ngõ hầu góp phần kiến tạo niềm an vui và hạnh phúc cho trần thế hôm nay. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền


SUY NIỆM 8: VĂN MINH TÌNH THƯƠNG 
“Hỡi các con bé nhỏ, Ta chỉ còn ở với các ngươi một ít nữa… Ta ban cho các ngươi một điều răn mới: là hãy yêu thương nhau. Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau. Chính điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đồ Ta: ấy là nếu các ngươi có lòng yêu mến lẫn nhau”(Ga 13:33a-35).

Một câu nhắn nhủ biến thành một lệnh truyền, với bốn lần tiếng gọi yêu thương được nhắc đến, phải là một tâm tình quan yếu được ôm ấp qua bao tháng năm, nay được thổ lộ vì e rằng ngày giờ đã tận.
Một linh mục nhận xét: những gì được trăn trối trong giây phút cuối đời là những tâm tư sâu kín, tha thiết, và chân thành nhất của một con người. Những đứa con thảo hiếu, những môn đệ trung tín, hay các bạn bè tâm giao, không thể không ghi lòng và thi hành những lời nói sau cùng của người thân yêu sắp ra đi.

Đức Giê-su, trước tử nạn, ngay trong buổi biệt ly, đã thố lộ với các môn đệ nỗi niềm sâu kín nhất mà Ngài đã dành trót cuộc đời để phát hoạ và dẫn lối con người: Hãy yêu thương nhau.
Yêu thương chính là dấu chỉ thuộc về Đức Kitô. Mỗi tôn giáo đều có một số hình ảnh tiêu biểu giúp nhận diện tôn giáo mình. Ví dụ, với người Hồi giáo là việc cầu nguyện năm lần mỗi ngày. Với người Ấn giáo là hãm mình phạt xác và kiêng thịt bò. Với anh em Phật giáo có thể là diệt dục hay chay trường. Nhưng riêng những người tin Chúa Kitô, dấu tỏ mình theo Ngài phải là dấu yêu thương.
Yêu thương chính là Đạo Giê-su. Người có Đạo phải là người biết yêu thương. Ai sống yêu thương là đang bước đi trên lối đường của Đạo. Khi chân thành thực thi bác ái, người có Đạo phô diễn rõ nét chân dung vị Sư Phụ của mình: “Chính nơi điều này mà mọi người sẽ biết các ngươi là môn đệ Ta: ấy là các ngươi có lòng yêu mến nhau” (Ga 13:35).
Nhưng lòng yêu mến đó không chỉ dừng lại trên căn bản của cảm xúc, đam mê, hay ích lợi riêng tư. Vì yêu như thế chỉ là yêu như tôi muốn chứ không phải yêu như Chúa muốn. Điều mà Đức Giê-su trăn trối trong bữa tiệc ly là hãy yêu nhau như Ngài đã yêu thương. Yêu đến hy sinh, phục vụ, và quảng đại thứ tha như Ngài đã làm gương.

Kể là chuyện bất thường khi đường đường là một bậc thầy mà lại quì xuống rửa chân cho môn đệ. Đây hẳn là một hành động quên mình phục vụ tha nhân. Đức Giê-su muốn dùng chính hành động này để dạy bảo: “Như Ta đã yêu mến các ngươi, các ngươi cũng hãy yêu mến nhau” (Ga 13:34). Thế ra quên mình phục vụ tha nhân là dấu chỉ của tình yêu mà Đức Kitô mong muốn.

Yêu như Đức Kitô đã yêu còn là việc hy sinh tự hiến. William Barclay đã diễn tả trong một bài viết: “Nếu tình yêu là Thập giá thì Chúa Giêsu cũng sẵn sàng tiến tới đó. Lắm khi người ta lầm tưởng tình yêu là những thứ gì hạnh phúc. Phải, đích cùng sẽ là thế. Nhưng tình yêu cũng thường mang lại đau thương và đòi hỏi khổ giá”. Tình yêu đã thúc đẩy Đức Giêsu tiến lên khổ giá để mang lại hạnh phúc và sự sống cho con người.
Yêu như Đức Kitô đã yêu cũng còn đòi hỏi một tấm lòng quảng đại tha thứ. Từ trên thập giá, trong nỗi đau đớn tận cùng, trước bao tiếng la hét cuồng dại, cứ tưởng Đức Giêsu sẽ căm giận và ngăm đe một hình phạt tàn khốc. Thế nhưng người ta lại chỉ nghe được lời khẩn nài: “Lạy Cha, xin tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm” (Lc 23:34). Lại nữa, với những môn đệ đã từng bỏ rơi hay chối từ Ngài trong lúc cần kíp, Ngài cũng không chấp nhất. Đúng là không có lầm lỗi nào mà tình yêu của Đức Kitô không vươn tới và bao trùm.

Như vậy, để trở thành môn đệ chân chính của Đức Kitô, tôi phải thường xuyên tự vấn mình có đang sống yêu thương như Tin Mừng đòi hỏi chăng? Tình yêu của tôi có chứa đựng một cân lượng nào của phục vụ, hy sinh, hay tha thứ không? Nếu không thì dấu chỉ tôi có Đạo hẳn còn mờ mịt lắm thay! Chắc hẳn biến cố sau đây cũng đáng cho ta ghi nhận khi nói đến yêu thương như Đức Kitô:

Căn nhà của Frank Turner, trong thành phố Dallas bị phóng hoả. Một vài câu nói mang tính chất kỳ thị được viết trên cánh cửa ga-ra. Thiệt hại vật chất vượt quá 50 ngàn đô la. Những tổn thương tinh thần cũng không nhỏ lắm. Thế nhưng lời tâm sự của anh Frank đã làm cho nhiều người ngỡ ngàng: “Là con người, tự nhiên nghĩ đến việc trả thù. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng không phải mọi người da trắng đều xấu, cũng như không phải tất cả mọi người da đen đều tồi… Nếu tôi trả thù thì không chừng tôi lại xúc phạm đến các người lành. Điều tôi mong ước bây giờ là được Thiên Chúa dẫn lối đưa đường.” Frank nhìn nhận rằng chính niềm tin đã giúp anh tránh được thù hận.
Được biết Frank đang tu học để trở thành một thừa tác viên trong hội thánh Thanh Tẩy. Điều này đã khiến anh cương quyết hơn trong việc tha thứ và không nghĩ đến báo thù. Sự kiện bị đốt nhà và những tâm tình của Frank đã được báo chí địa phương Dallas nói đến.
Không biết sau này anh ta có trở thành một thừa tác viên để phục vụ hội thánh của mình không, nhưng tinh thần và thái độ hy sinh tha thứ, không gây hận thù tang thương cho bất cứ ai-vì anh tin vào Đức Giê-su- đã trở nên dấu chứng hùng hồn cho tình yêu và sự hiện hữu của Đức Kitô giữa lòng cuộc đời.
Có nhiều người tự cho mình là văn minh ưu chủng, đồng thời khinh miệt và huỷ diệt kẻ khác-không chỉ thể xác nhưng còn cả trí tuệ, không chỉ là sự sống thể lý nhưng còn cả phương diện tâm linh. Như thế là phản văn minh. Vì như một tác giả nhận định: “Loài người đã vượt qua những chặng đường văn minh: từ văn minh của lửa, của thời đồ đá, đồ đồng, đến văn minh nông nghiệp, công nghiệp, tin học. Thế nhưng chóp đỉnh của tất cả mọi nền văn minh mà con người đang không ngừng vươn tới từng ngày là văn minh tình yêu. Ai biết yêu thương, người ấy mới thật sự là người văn minh, có văn hoá thật, và là người có sự sống sung mãn.”

Có yêu thương là có sự sống. Càng thương yêu sự sống càng phong phú tràn đầy.
Trước khi bước lên thập giá như một dấu chỉ yêu thương tột đỉnh, Đức Giê-su đã truyền đạt cho con người nền văn minh tình yêu-văn minh sự sống. Nhưng thử hỏi hiện nay tôi đang đạt đến thứ văn minh nào? Đồ đá hay đồ đồng? Sự sống hay sự chết? Tha thứ hay hận thù? Trấn áp hay phục vụ?
Để đạt được cao điểm của văn minh, điều tôi phải thực thi là nhắm thẳng vào Đức Kitô mà tiến bước.
Lm Phêrô Bùi Quang Tuấn



 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây