CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM C Ga 8,1-11

Thứ sáu - 04/04/2025 19:59
cn v mc c 2 1 scaled

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY NĂM C

Is 43,16-21;  Pl 3,8-11; Ga 8,1-11

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo Thánh Gioan
1 Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.
2 Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ.
3 Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, 4 rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.
5 Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?”
6 Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất.
7 Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.”
8 Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất.
9 Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.
10 Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”
11 Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !”

SUY NIỆM 1: BẮT ĐẦU CUỘC SỐNG MỚI
Lời Chúa: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị” (Ga 8, 11).
Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật V mùa Chay hôm nay cho chúng ta thấy, Thiên Chúa là vị Thẩm Phán công minh, đầy yêu thương và khoan dung đối với các tội nhân. Người không lên án hay kết tội các tội nhân nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống:
Được ơn tha thứ trở về,
Bệnh nhân thay đổi thói lề trước đây.
Tội nhơ xa tránh hàng đầu,
Gia tăng bác ái yêu cầu tiếp theo.
Này ta hãy cố lắng nghe,
Lãnh ơn tha thứ kèm theo đổi đời.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta biết nhìn nhận mình là tội nhân trước mặt Chúa hơn là lên án kết tội người khác; cần được Chúa tỏ lòng khoan dung yêu thương tha thứ để trở về sống một đời sống mới trong Chúa Kitô. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta thành tâm sám hối.
Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa dạy chúng con đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa là vị Thẩm Phán công minh, chậm bất bình và rất mực khoan dung. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Mùa Chay là mùa sám hối để trở về với Thiên Chúa, Đấng luôn tỏ lòng khoan dung đối với tội nhân. Tinh thần sám hối của mùa Chay thánh không dừng lại ở vẻ âu sầu, buồn thảm, khóc than tội đã phạm nhưng mời gọi chúng ta hãy quên đi những ngày đã qua của tội lỗi, của u sầu, của đau khổ, của bất hạnh và của chết chóc, để bắt đầu lại cuộc sống mới trong ân sủng tình yêu của Chúa Kitô mà vươn tới tương lai huy hoàng sáng lạn. Điều đó cho chúng ta thấy ngang qua các bài đọc của phụng vụ Lời Chúa chúa nhật 5 mùa chay hôm nay.
Thưa anh chị em, ngôn sứ Isaia loan báo cho dân Do thái bị lưu đày ở Babilon rằng: thời lưu đày ở Babilon sắp chấm dứt, Thiên Chúa yêu thương họ và sẽ thực hiện một cuộc xuất hành mới. Ngài mở đường dưới biển, mở lối đi dưới dòng nước vượt qua Biển Đỏ lạ lùng, khai sông nơi đất khô cằn, làm cho nước vọt ra từ khối đá, và cho đất khô cằn có sông chảy. Như vậy, cuộc xuất hành mới này rất vinh quang đến nỗi nó sẽ đẩy lùi những sự việc vĩ đại của cuộc xuất hành đầu tiên vào bóng tối. Cuộc hồi hương sau lưu đày ở Babilon sẽ còn phi thường hơn cuộc xuất hành khỏi Ai cập; cuộc xuất hành mới sẽ còn tuyệt vời hơn lần đầu. Và tất cả những điều này sẽ xảy ra, bởi vì Thiên Chúa là Đấng trung thành với dân của Ngài. Thiên Chúa đã mở ra con đường mới, giúp họ nhìn về tương lai sáng lạn chứ không còn rầu rĩ với quá khứ. Thiên Chúa là người Cha nhân hậu. Một Thiên Chúa yêu thương, quảng đại và luôn tỏ lòng khoan dung với dân Ngài qua Người Con Chí Ái là Đức Giêsu Kitô.
Các luật sĩ và biệt phái biết Chúa Giêsu thương người tội lỗi, nên họ tìm cách gài bẫy Chúa Giêsu để Người mất uy tín với dân chúng. Họ dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Theo luật Môsê, ai bắt được người phạm tội quả tang, kẻ ấy có quyền xét xử tội nhân. Trước khi ném đá người phụ nữ này, họ hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?”. Người thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình đang run rẫy trước lời tố cáo và buộc tội của các luật sĩ và biệt phái. Cái chết thảm thương dưới trận mưa đá theo luật Môsê đang chờ chị! Nhưng không sao, người ta rút lui dần, bắt đầu từ người già là những người nhiều tuổi nhất, sau một lời đơn giản của Chúa Giêsu: “Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi”. Và rồi họ rút lui từng người một, còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Phút căng thẳng đối diện với vị quan tòa chí công và chí thánh: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị”. Cùng với lời tha thứ, Chúa Giêsu đòi hỏi chị: “Chị hãy đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Chúa Giêsu đã mở ra cho người thiếu phụ này một con đường mới và mời gọi chị bước vào bắt đầu lại cuộc sống mới trong ân sủng tình yêu của Chúa Kitô. Tất cả những ơn lành đó chỉ những ai dứt khoát được với dĩ vãng tội lỗi, trở về sống với Chúa mới cảm nghiệm được.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Con người “Nhân vô thập toàn”, “Ai nên khôn mà không dại một lần”. Vì thế, sống mùa Chay không chỉ là đi xưng tội, nhưng còn là bước vào cuộc sống mới: quyết từ bỏ tội lỗi, không đoán xét, không kết tội ai. Đừng kết án khỏi bị kết án. Hãy tha thứ để được thứ tha. Là người Kitô hữu, nhờ bí tích thánh tẩy và bí tích hòa giải, chúng ta đã được đón nhận ơn tha thứ của Chúa nhân từ để sống đời sống mới trong Chúa Kitô. Hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta hãy biết tha thứ và nâng đỡ mọi người như chính Chúa đã nâng đỡ và tha thứ cho chúng ta. Hãy quên hẳn đàng sau của quá khứ tội lỗi mà hướng về phía trước, hãy vươn tới tương lai huy hoàng sáng lạn trong ân sủng và tình của Chúa Kitô.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta biết yêu thương, lấy lòng từ bi, nhân hậu mà tha thứ cho nhau, để chính chúng ta cũng được Chúa bao dung và thứ tha. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
SUY NIỆM 2: TỪ NAY ĐỪNG PHẠM TỘI NỮA
Có thể nói, câu chuyện về “người phụ nữ phạm tội ngoại tình” được thuật lại trong bài Tin mừng hôm nay, là một trong hai áng văn tuyệt đẹp nói về lòng nhân từ của Thiên Chúa: đẹp cả về tình tiết lẫn ý nghĩa của nó. Tuy đây là câu chuyện có khởi đầu hết sức căng thẳng và kịch tính, nhưng lại kết thúc rất có hậu và đầy tính nhân văn.
Người ta đưa đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, và họ đã đặt vấn đề với Chúa Giêsu là: “Thưa Thầy, trước giờ Thầy dạy chúng tôi phải yêu thương tha thứ. Vậy còn trường hợp này thì sao? Cứ theo luật thì cô ta phải bị ném đá cho đến chết, còn Thầy, Thầy xử lý như thế nào”?
Giới lãnh đạo Do Thái thời ấy đã đặt Chúa Giêsu vào  tình thế hết sức éo le và gây cấn. Nếu Chúa Giêsu bảo hãy tha thứ cho chị ta, thì Ngài chống lại lề luật của Môsê. Còn nếu Chúa Giêsu nói hãy ném đá chị ta, thì Ngài không phải là người sống yêu thương tha thứ như trước giờ Ngài vẫn dạy. Nói kiểu nào cũng chết.
Nhưng Chúa chúng ta đã xử lý tình huấn này một cách đầy trí tuệ thưa anh chị em. Sự trí  tuệ ấy thể hiện qua 3 câu nói sau đây của Ngài.
Câu nói thứ nhất: “Ai trong các ngươi không có tội thì hãy ném đá người này trước đi!”.
Chúa Giêsu không trả lời những câu hỏi gài bẫy của người Do Thái, nhưng Ngài mời gọi họ nhìn lại bản thân mình, xem mình có đủ tư cách kết án người khác hay không. Tin mừng cho biết, sau lời chất vấn này của Chúa Giêsu, đám đông năm ấy đã lần lượt từng người một cúi mặt và bỏ đi, vì họ nhận ra rằng, không ai là người không có tội, và mình cũng là tội nhân.
Câu nói thứ hai: “Còn Ta, Ta cũng không kết tội chị đâu”.
Chúa Giêsu không kết tội, không phải Ngài không biết hay Ngài đồng tình với hành vi ngoại tình của người phụ nữ, nhưng đơn giản là, lòng thương xót của Chúa thì lớn hơn tội lỗi của chúng ta. Có lẽ đây là điều mà người phụ nữ năm ấy không hề dám nghĩ tới. Phải chăng thì chị chỉ ước mong được xét xử khoan hồng, chứ nào dám hy vọng được thứ tha. Thế nhưng đối với Chúa thì không có gì là không thể.
Câu nói thứ ba: “Chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Chúa dặn người phụ nữ “từ nay đừng phạm tội nữa”, nghĩa là phải biết ăn năn dốc lòng chừa. Đây là một câu nói tuy nhẹ nhàng, ấm áp, nhưng lại xoáy rất sâu vào tâm hồn của người phụ nữ năm ấy, và làm biến đổi cả một đời người thưa anh chị em. Người Do Thái năm xưa nghĩ rằng, cái bẫy họ lập ra sẽ đánh gục được Chúa Giêsu, nào ngờ chính họ và cả người phụ nữ năm ấy lại được Chúa Giêsu cảm hóa và hoàn lương.
Vậy câu chuyện trong bài Tin mừng này muốn nhắn gởi đến chúng ta sứ điệp gì?
Thứ nhất, Chúa Giêsu nhắc cho người Do Thái năm xưa và cả chúng ta hôm nay nhớ rằng, “Chỉ có Thiên Chúa là Đấng ra lề luật và có quyền xét xử”. Và Ngài mời gọi chúng ta: “Anh em đừng xét đoán lẫn nhau”.
Thứ hai, dù tội ta có đỏ như son Chúa cũng sẽ làm ra trắng như tuyết, có thẩm tựa vải điều Ngài cũng sẽ làm trở nên trắng như bông. Hãy tin tưởng vào tình thương tha thứ của Chúa thưa anh chị em.
Và thứ ba, mỗi khi rời khỏi tòa giải tội, anh chị em hãy khắc ghi thật sâu lời này của Chúa Giêsu: “Con hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”. Amen.
Lm. Antôn

SUY NIỆM 3: NHÌN VỀ TƯƠNG LAI
Cả ba bài đọc trong phụng vụ Lời Chúa của Chúa Nhật V Mùa Chay đều mời gọi chúng ta nhìn về phía trước, hướng đến tương lai. Trong bài đọc I trích trong sách tiên tri Isaia, Chúa phán: “Các ngươi đừng nhớ lại những chuyện ngày xưa, chớ quan tâm về những việc thuở trước. Này Ta sắp làm một việc mới...”. Trong bài đọc II, thánh Phaolô đã chia sẻ kinh nghiệm hoán cải của mình qua hình ảnh cuộc chạy đua thể thao: “Tôi chỉ chú ý đến một điều, là quên đi chặng đường đã qua, để lao mình về phía trước.” Và trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã cho người phụ nữ ngoại tình có cơ hội làm lại cuộc đời. Người không chỉ giải thoát chị khỏi án chết của luật mà còn giải thoát chị khỏi quá khứ tội lỗi bằng ơn tha thứ.
Theo Luật Do Thái, một người bị bắt quả tang đang ngoại tình thì sẽ bị ném đá chết. Người phụ nữ trong bài Tin Mừng hôm nay bị bắt quả tang đang ngoại tình, và theo luật thì chị phải bị ném đá đến chết. Ðối với các kinh sư và người Pharisêu, đây là một cơ hội rất tốt để gài bẫy Chúa Giêsu. Nếu tha cho người phụ nữ, Người sẽ bị lên án vì phạm luật. Nếu đồng ý để người phụ nữ bị ném đá chết, Người sẽ mâu thuẫn với chính mình với lời rao giảng về tình yêu, lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa, mà Người là hiện thân.
Với sự khôn ngoan tuyệt vời của Thiên Chúa, Người muốn những ai dùng luật phải áp dụng luật cho mình trước tiên: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Nghe vậy, họ bỏ đi hết, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Nhiều người nghĩ rằng càng lớn tuổi càng nhiều tội nên những người lớn tuổi bỏ đi trước. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu rằng có lẽ những người lớn tuổi thì khôn ngoan, sáng suốt và biết mình nhiều hơn.
Còn lại một mình người phụ nữ đối diện với Chúa Giêsu, chờ bị ném đá. Nhưng Chúa vượt trên mọi giới hạn của luật, Người nói chuyện với người phụ nữ và nhìn chị như một người tự do: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Với ơn tha thứ, Người giải thoát chị khỏi quá khứ tội lỗi, cho chị cơ hội làm lại cuộc đời và mở cho chị con đường hướng về tương lai. 
Thiên Chúa là Ðấng toàn thiện, luôn đối xử với con người bằng tấm lòng nhân hậu. Trong suốt ba năm đi rao giảng, Chúa Giêsu thẳng thắn vạch trần tội lỗi, nhưng không bao giờ kết án kẻ có tội. Người không muốn kẻ tội lỗi phải chết, nhưng muốn họ ăn năn sám hối và được sống. Ðối với Người, tình thương yêu phải được đặt trên hết mọi sự. Lề luật được lập ra trước tiên là để phục vụ và bảo vệ con người, giúp con người thăng tiến chứ không phải để kết án và hủy diệt con người. Luật chỉ có giá trị khi nó được thi hành với lòng nhân từ.
Khi bắt quả tang người phụ nữ phạm tội ngoại tình, các kinh sư và người Pharisiêu đã dựa vào luật để kết án tử chị. Nhưng họ quên rằng, trước mặt Thiên Chúa, họ cũng là những tội nhân. Nhiều lúc chúng ta cũng dễ dàng lên án khi nhìn vào lỗi lầm của người khác mà không biết rằng, có thể vì một lý do hay hoàn cảnh nào đó khiến họ phải làm như vậy. Chúa Giêsu đã khuyến cáo chúng ta rằng: “Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. (Lc 6,37). Thiên Chúa là Đấng duy nhất có quyền lên án, nhưng Người đã không lên án bất cứ ai, thì chúng ta là ai mà lại lên án người khác.
Mang thân phận con người yếu đuối, ai trong chúng ta cũng có những khuyết điểm, cũng có những lúc lầm lỗi. Vì thế, ta phải biết khiêm nhường để có thể tha thứ và thông cảm với những yếu đuối, lỗi lầm của người khác. Chúng ta hãy tin rằng, Thiên Chúa luôn đặt để trong tâm hồn mỗi người ước muốn hướng đến điều thiện, vì thế, một người dù có xấu xa, độc ác đến đâu cũng đều có khả năng phục thiện, vươn lên và làm điều tốt lành. Vì “không thánh nhân nào lại không có quá khứ, không tội nhân nào mà lại không có tương lai”. Đừng giam hãm ai trong quá khứ tội lỗi của họ, nhưng chúng ta hãy học với Chúa Giêsu, Đấng luôn yêu thương tha thứ và chữa lành để trao ban cho con người niềm hy vọng về con đường tương lai. Hôm qua đã chấm dứt. Hãy bắt đầu lại ngày hôm nay và hướng đến ngày mai.
Trong Mùa Chay này, Giáo Hội mời gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên khí cụ đem bình an của Chúa cho anh chị em của mình, “đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục...” Giáo Hội cũng mời gọi tất cả chúng ta ăn năn hoán cải và lãnh nhận ơn tha thứ để cùng hân hoan đón mừng Chúa Kitô Phục Sinh. Amen.
Lm. Giuse Vũ Thái Hòa

SUY NIỆM 4: KHIẾT TỊNH VÀ LÒNG NHÂN ÁI
Tôi biết là bài Tin Mừng không nói gì về đức khiết tịnh, ngược lại là đàng khác, nó đang thuật lại câu chuyện về người đàn bà ngoại tình, tức là người lỗi phạm một điều nghịch với sự khiết tịnh ngay trong bậc vợ chồng. Các kinh sư và Pha-ri-sêu rõ ràng đang nhân danh luật Mô-sê để bắt mọi người Do Thái phải sống trung thủy. Nhân danh luật lệ khắt khẽ thì, bất cứ ai không trung thủy nhất là phụ nữ, sẽ lập tức bị lên án; và trong trường hợp bị bắt quả tang có thể lãnh án phạt nặng nề là ném đá cho tới chết. Tạo nên một xã hội lành mạnh có nền luân lý vững chắc là mục tiêu của luật Do Thái, cũng như của luật pháp mọi tôn giáo hay quốc gia. Riêng về diện này thì luật Mô-sê rõ ràng rất cao đẹp, vượt trội so với luật pháp của các dân tộc cùng thời; và đã từng là niềm kiêu hãnh của Do Thái trước các dân tộc khác (xem Đệ Nhị Luật 26:16-19). Khiết tịnh trong đời sống vợ chồng quả là một giá trị lớn cần được bảo vệ trong bất cứ xã hội lành mạnh nào!
Nhưng đối với Tin Mừng mà Đức Giê-su đến để rao giảng, và còn minh chứng bằng chính mạng sống mình, thì giá trị của sự trung thủy vợ chồng, cũng như bất kỳ một giá trị luân lý nào, đều không thể nào sánh được với lòng nhân ái và xót thương. Sự khác biệt chính (thậm chí đối đầu) giữa Đức Giê-su và các kinh sư Pha-ri-sêu, giữa Cựu Ước và Tân Ước chính là hệ tại ở việc đặt giá trị nào lên trên, lòng nhân ái hay luân lý (khiết tịnh hôn nhân trong trường hợp cụ thể này)? Các kinh sư và Pha-ri-sêu thì đã dứt khoát: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó.” Đức Giê-su cũng dứt khoát không kém: “Tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ này đừng phạm tội nữa!”
Cựu Ước chọn giá trị luân lý và đặt nó lên hàng đầu, ngược lại Tân Ước thì đặt lòng nhân ái thương xót lên hàng đầu; sự khác biệt đối chọi như vải mới / áo cũ, rượu mới / bầu da cũ!
Đức Giê-su không hề có ý muốn phế bỏ các giá trị luân lý! Không đời nào! Người đã chẳng long trọng tuyên bố: “Thầy đến không phải là để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ… nhưng là để kiện toàn” (Mt 5:17-18) là gì? Điều duy nhất mà Người muốn loan truyền và khắc ghi vào tâm khảm các môn đệ chính là: ‘sự vĩ đại tuyệt đối của lòng nhân ái’, “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế” (Mt 9:13). Đúng thế, sự chết và phục sinh của Người đâu có mục đích bảo vệ một giá trị luân lý nào, nhưng là tiếng nói tuyệt đối của tình yêu nhân ái của Thiên Chúa!
Như vậy chúng ta mới nghiệm ra rằng: bao lâu mình còn đặt các giá trị luân lý lên thế thượng phong thì mình vẫn cứ luẩn quẩn trong Cựu Ước. Cựu Ước tất nhiên là không xấu, rất tốt nữa là đàng khác, có điều Ki-tô hữu phải là Tân ước của Tin Mừng Đức Ki-tô Giê-su; mà đã là Tân Ước thì giá trị của lòng nhân ái phải được đặt lên hàng đầu. Trước hết là đối với Thiên Chúa: nắm giữ các giới răn Chúa truyền là điều quan trọng, nhưng còn quan trọng hơn gấp bội khám phá và đi sâu vào lòng từ bi – thương xót của Người trong Đức Giê-su Ki-tô. Còn trong việc mục vụ (trong tư cách linh mục), tôi dành nhiều thời giờ và sức lực cho việc giáo huấn luân lý là điều cần thiết, nhưng còn quan trọng hơn nhiều, nỗ lực ghi khắc vào tâm khảm các tín hữu (nhất là người trẻ) nhận biết lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, và cũng đối sử như thế đối với tha nhân; nếu không làm điều này, ta sẽ không phải là một Ki-tô hữu đích thực, một môn đệ đích thực của Đức Ki-tô Giê-su. Riêng Linh Mục, trong tư cách là một ‘Ki-tô thứ hai’ – alter Christus, chứ không phải là ‘alter Mosis’, nếu tôi không trở thành ‘dấu chỉ và người mang tình yêu Chúa đến cho mọi người’ (như Don Bosco vẫn nhắc nhở các tu sĩ Sa-lê-diêng của người như thế) thì quả là một phản bội đấy: dạy dỗ và sửa bảo luân lý là điều cần làm… nhưng tỏ lòng nhân ái là điều còn cần thiết hơn. Giai thoại về người đàn bà ngoại tình cho thấy: theo gương Đức Giê-su, điều cần làm hơn hết khi phải giáp mặt với một lỗi phạm luân lý (đặc biệt trong lãnh vực khiết tịnh) là hãy tỏ lòng thương xót, từ nhân. Chắc chắn đó không phải là thái độ xuề xòa dễ dãi cho qua, vì phải là “từ nay đừng phạm tội nữa”, nhưng còn đi xa hơn thế, là thái độ thương cảm của chính Thiên Chúa được Đức Giê-su diễn tả: “Tôi không lên án chị đâu!” Bởi vì xét cho cùng, ai trong chúng ta cũng cần được Thiên Chúa xót thương và tha thứ cả, có lẽ mình cần hơn bất cứ ai khác: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ lấy đá mà ném trước đi.”
Tất cả chúng ta đều cần tới ơn cứu độ của Thập Giá và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa!
Lạy Thiên Chúa từ bi nhân hậu, xin cho con biết, mỗi khi giáp mặt với lỗi phạm nơi bản thân mình cũng như nơi tha nhân, quyết tâm không ngừng vun trồng nơi mình và nơi những người con phục vụ không những các giá trị luân lý cao đẹp, nhưng còn biết quyết liệt hơn sống lòng nhân ái và xót thương của Chúa. Xin giúp con không bao giờ kết án bất cứ ai chỉ vì các lỗi phạm của họ, nhưng luôn biết xót thương như Chúa hằng thương xót. A-men.
Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty
SUY NIỆM 5: HÃY NHỚ MÌNH LÀ BỤI TRO, NÊN HÃY CÓ LÒNG NHÂN TỪ
Lời Chúa của Chúa Nhật V Mùa Chay cho chúng ta một viễn cảnh thật tươi sáng không chỉ cho dân Do Thái trong thời lưu đày ở Babylon, hay dân Do Thái trong thời của Chúa Giêsu, mà nhất là cho chúng ta ngày hôm nay. Viễn cảnh tươi sáng này không đến từ việc chúng ta sẽ được ban cho tiền dưgạo thừa, nhưng đến từ việc chúng ta sẽđược giải phóng khỏi nô lệ của tội lỗi để sống một cuộc sống đồng hình đồng dạng với Đức Giêsu Kitô.
Trong bài đọc 1, Ngôn sứ Isaia sử dụng ngôn từ của kinh nghiệm xuất hành, kinh nghiệm vượtqua Biển Đỏđể nhắc cho dân Israel về uy quyền của Thiên Chúa. Chúng ta nhận ra điều này trong những hình ảnh như: “vạch một con đường giữa đại dương, một lối đi giữa sóng nước oai hùng,” “Đấng đã cho xuất trận nào chiến xa chiến mã, nào tướng mạnhbinh hùng: tất cả đã nằm xuống, và không còn trỗi dậy,đã bị dập đi, tắt ngấm như tim đèn” (Is 43:16-17). Từ kinh nghiệm được giải phóng khỏi ách nô lệ Ai Cập, qua lời tuyên sấm của mình, Isaia giúp dân Israel nhận ra những kỳ công mà Thiên Chúađang thựchiện cho họ, đó là đưa họ ra khỏi cảnh lưu đày Babylon. Và Isaia gọi đây là “một việc mới, việc đó manh nha rồi” mà dân Israel phải nhận thấy (x. Is 43:19). Tuy nhiên, lời sấm của Isaia không chỉ dừng lại ở việc Thiên Chúa sẽ đưa dân ra khỏi cảnh lưu đày ở Babylon, mà còn ám chỉ đến “những dòng sông tại vùng đất khô cằn,” đến “nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát” (Is 43:20). Đây chính là hình ảnh dòng nước của Bí Tích Rửa Tội, dòng nước mà sẽ rửa chúng ta sạch mọi tội lỗi và làm cho chúng ta chết đi cho tội để sống cho Thiên Chúa và anh chị em của mình. Đây chính là điều mà Thánh Phaolô trình bày cho tín hữu Philipphê trong bài đọc 2.
Chúng ta nhận ra hình ảnh và ý nghĩa của Bí Tích RửaTội qua lời của Thánh Phaolô gửi cho tín hữu Philipphê: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11).TrongBí Tích Rửa Tội, chúng ta cùng chết với Đức Kitô để cùng sống lại với Người trong một sự sống mới, một cuộc sống hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Đức Kitô. Đây chính là điều Thánh Phaolô đã sống và nhắc nhở tín hữu Philipphê và cả chúng ta phải cố gắng để coi “tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, đểđược Đức Kitôvà được kết hợp với Người” (Pl 3:8-9). Tuy nhiên, Thánh Phaolô khuyến cáo chúng ta rằng: việc chiếm lấy được Đức Kitô không phải “nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin” (Pl 3:11). Nói cách khác, việc chiếm được Đức Kitô là “phần thưởng từ trời cao Thiên Chúa dành cho kẻđược Người kêu gọi trong Đức Kitô Giêsu” (Pl 3:14). Chúng ta sẽ thấy rõ phần thưởng của Thiên Chúa này trong bài Tin Mừng hôm nay.
Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện đẹp nhất trong Kinh Thánh. Nó đẹp vì không chỉ giúp chúng ta nhận ra tình yêu tuyệt đối và vô điều kiện của Thiên Chúa được tỏ lộ qua Đức Giêsu Kitô, nhưng còn giúp chúng ta nhận ra nhân phẩm đáng quýcủa mình, nhân phẩm tuyệt đẹp đến nỗi tội lỗi chỉ làm lu mờ chứ không thể huỷ hoại. Chính nhân phẩm được tạo dựng theo hình ảnh và giống Thiên Chúa (x. St 1:26-27) này mà Chúa Giêsu đã đến để chết hầu phục hồi vẻ đẹp nguyên tuyền của nó. Thánh Luca đã trình bàysựphục hồi nhân phẩm đã bị lu mờ bởi tội lỗi này trong dụ ngôn “Người Cha Nhân Hậu” trong bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần trước, và hôm nay trong câu chuyệncủangười phụ nữ ngoại tình. Qua hai bài Tin Mừng của tuần trước và hôm nay–tuần trước là việc phục hồi nhân phẩm của người nam và tuần này là của người nữ–Giáo Hội muốn khẳng định rằng, nhân phẩm của người nam và người nữ giống nhau vì cả hai đều được sáng tạo theo hình ảnh và giống Thiên Chúa.
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, bạn cảm thấy thế nào? Tội nghiệp cho người phụ nữ ngoại tình? Lên án các kinh sư và người Pharisêu? Ngưỡng mộ cách đối xử của Chúa Giêsu? Trong cuộc sống thường ngày, nếu biết ai đóphạm tội ngoại tình, chúng ta phản ứng thế nào? Chắc chắn ai trong chúng ta cũng bỉu môi tắc lưỡi và bàn tán xôn xao về người đó. Thật vậy, khi đọc bài Tin Mừng, có thể chúng ta dễ dàng cảm thông cho người phụ nữ ngoại tình, nhưng trong đời sống thực tế, chúng ta lại trở nên như các kinh sư và người Pharisêu, chúng ta kết án anh chị em của mình. Tuy nhiên, điều chúng ta cần biết là trong Kinh Thánh, “ngoại tình” không ám chỉđến việc phản bội trong đời sống vợ chồng cho bằng ám chỉ việc “bất trung” với Thiên Chúa của dân Israel [và mỗi người chúng ta] trong việc bỏ Chúa để tôn thờ ngẫu tượng, và khi chúng ta phạm tội. Điều này giúp chúng ta hiểu lý do tại sao khi Chúa Giêsu nói ai không có tội thì ném đá người phụ nữ trước; và mọi người lần lượt nhận ra việc bất trung của họ khi phạm tội.  Điều này nhắc nhở chúng ta phải nhìn lại mình trước khi kết án người khác.
Chúng ta cùng nhau phân tích phản ứng và thái độ của các nhân vật trong bài Tin Mừng hôm nay để rút ra những bài học hữu ích giúp chúng ta đối xử với anh chị em của chúng ta cách cảm thông và yêu thương hơn. Tuy nhiên, trước khi đi vào chi tiết từng nhân vật, chúng ta lưu ý đến chi tiết sau: Hình ảnh núi Ôliu (x. Ga 8:1), nơi Chúa Giêsu sẽđến sau bữa tiệc ly với các môn đệ và bị bắt ở đó, tạo nên bối cảnh cho bài Tin Mừng hôm nay. Hành động của Chúa Giêsu trên núi Ôliu gợi cho chúng ta nhớ đến hình ảnh của Chúa Giêsu được Thánh Mátthêu trình bày khi Ngài giảng về tám mối phúc: “Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ” (Ga 8:2). Trong bối cảnh này, chúng ta có thể nói rằng: sự kiện xảy ra cho người phụnữ ngoại tình là bài giảng của Chúa Giêsu về mối phúc [và mối hoạ] trong Tin Mừng Thánh Gioan: phúc cho những ai được Thiên Chúa tha thứ và khốn cho những ai chỉ biết kết án người khác mà không ăn năn sám hối. Bây giờ, chúng ta phân tích phản ứng và thái độ của các nhân vật trong bài Tin Mừng.
Thứ nhất là Chúa Giêsu: Ngài đang giảng dạy thì bị cắt ngang bởi việc các kinh sư và người Pharisêu “dẫn đến trước mặt Đức Giêsu một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa,rồi nói với Người: ‘Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình.Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?’” (Ga 8:3-5). Đứng trước tố cáo và bản án viết sẵn bởi các kinh sư và người Pharisêu cho người phụ nữ ngoại tình, Chúa Giêsu bị đặt trong một tình huống “tiến thoái lưỡng nan”: Nếu nói không lên án [ném đá] người phụ nữ ngoại tình, Ngài bị xem là chống lại luật của Môsê, điều mà người Do Thái xem là cao trọng nhất trong Kinh Thánh; còn nếu Ngài lên án, thì việc giảng dạy về lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa trở nên vô hiệu và đồng
thời làm cho Ngài trở thành người chống lại luật của người Rôma, vì chỉ có luật của người Rôma mới có thể kết án tử cho người phạm tội, chứ luật của người Do Thái không được phép đó. Chúng ta sẽ chia phản ứng và thái độ của Chúa Giêsu làm hai phần: với các kinh sư và người Pharisêu, và với người phụ nữ ngoại tình.
Với các kinh sư và người Pharisêu: trước câu hỏi của họ, Chúa Giêsu không cho họ câu trả lời trắng hoặc đen. Câu trả lời của Ngài được tỏ lộ cách tiệm tiến qua các bước sau: (1) thinh lặng lắng nghevàcúi xuống lấy ngón tay viết trên đất; (2) thay vì trả lời thì đặt một câu hỏi; (3) thinh lặng và cúi xuống viết trên đất. Câu trả lời của Chúa Giêsu được trình bày theo kiểu “bánh mì kẹp”: hai miếng bánh mì giống nhau, đó là “hành động” thinh lặng và cúi xuống viết trên đất; và phần được kẹp bên trong [phần quan trọng] là “lời nói,” đó là một câu hỏi. Chính “lời” của Chúa Giêsu làm cho những người kết án thay đổi thái độ và lối sống của mình. Đây chính là sứđiệp chính của Tin Mừng Thánh Gioan: Chúa Giêsu là “Lời” của Chúa Cha, là “Lời nhập thể” để mang lại ơn cứu độcho muôn người. Chỉ những người lắng nghe Lời mới có khả năng biến đổi. Chúng ta có để Lời Chúa hôm nay biến đổi chúng ta không? Cách cụ thể hơn, chúng ta có để cho Lời Chúa Giêsu biến đổi thái độ “tìm lỗi” và “kết án” người khác không?
Với người phụ nữ ngoại tình: hành động đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi nghe lời kết án là không nhìn người phụ nữcách trực tiếp [nhưng với cõi lòng], mà cúi nhìn xuống đất. Hành vi này, theo một số học giả Kinh Thánh, là để tránh cho người phụ nữ một “cái nhìn kết án,” để bà không cảm thấy xấu hổ hơn trước cái nhìn của một người mà dựa vào lời nói của người đóbà sẽ bị kết án và giết chết. Khi mọi người đã bỏđi, Ngài mới ngẩng lên nhìn người phụ nữ và phá tan “bầu khí nặng nề của sự kết án” bằng một câu hỏi thật hiền dịu: “Này chị, họđâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”(Ga 8:10). Và Ngài tiếp với một lời tha thứ và khuyên răn hay đúng hơn là một lời mời gọi: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chịđâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”(Ga 8:11). Điều gì làm Chúa Giêsu đối xửnhân hậu với người phụ nữ ngoại tình? Đó chính là “cái nhìn.” Ngài không nhìn người phụ nữgiống như các kinh sự và người Pharisêu. Đối với họ, bà là một “người phạm tội ngoại tình,” còn đối với Chúa Giêsu, bà là “người con hoang đàng trởvề” [câu chuyện chúng ta nghe trong tuần trước]. Đó chính là lý do để mở tiệc ăn mừng.
Thứ hai là các kinh sư và người Pharisêu: chúng ta thấy Thánh Gioan trình bày thái độ bình thường của họđối với Chúa Giêsu là luôn “thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người” (Ga 8:6). Trong câu chuyện hôm nay, chúng ta có thể nhận ra rằng,người mà các kinh sư và người Pharisêu nhắm đến để tố cáo và kết án không phải là người phụ nữ ngoại tình, mà là Chúa Giêsu. Người phụ nữ ngoại tình có thểđược xem là “con vật thế thân.” Nói cách khác, người phụ nữ ngoại tình là “phương tiện” họ sử dụng đểđạt đến mục đích, đó là tố cáo Chúa Giêsu. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta đối xử với anh chị em của mình không như những nhân vị cần được tôn trọng. Chúng ta đối xử với họ như những phương tiện để thoả mãn những đam mê dục vọng của mình, để đạt đến mục đích của mình. Hãy tôn trọng người khác, nhất là những người thân của chúng ta như những nhân vị chứ không như những “đồ vật”!
Cuối cùng là người phụ nữ ngoại tình: bà không nói gì. Bà không tìm cách biện minh cho mình. Bà đón nhận mọi sự trong thinh lặng của một cõi lòng “tan nát khiêm cung.” Khi còn lại một mình với Chúa Giêsu, bà chỉ đơn sơ trả lời cách ngắn gọn những gì Chúa Giêsu hỏi bà với một cung giọng ngại ngùng. Từ hình ảnh của người phụ nữ ngoại tình, chúng ta cũng nhìn vào chính mình để có thái độ nào khi trở về với Chúa. Tuy nhiên, điều chúng ta quan tâm ở đây là: người phụ nữ ngoại tình sẽ như thế nào sau khi được Chúa Giêsu không kết án và khuyên đừng phạm tội nữa? Bà sẽ phạm tội lại hay không? Điều này chỉ mình chúng ta biết vì câu chuyện của người phụ nữ ngoại tình được tiếp tục viết trong cuộc đời của mỗi người chúng ta.
Tóm lại, Lời Chúa trong Chúa Nhật V Mùa Chay này mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc đờicủa mình để nhận ra những công việc vĩđại Thiên Chúa đã làm cho chúng ta. Những việc vĩđại đó không chỉ là được ban cho nhàcao cửa rộng hay an khang thịnh vượng, nhưng việc vĩđại nhất là Ngài đã yêu thương chúng ta ngay cả khi chúng ta là tội nhân, Ngài đã tha thứ tội lỗi cho chúng ta và phục hồi lại thân phận làm con Thiên Chúa, thân phận cao quý mà chúng ta đã đánh mất khi phạm tội vì bất phục tùng. Nhìn lại những việc vĩ đại Thiên Chúa đã làm cho mình, chúng ta cùng nhau mượn lời Thánh Vịnh Đáp Ca để diễn tả tâm tình của chúng ta: “Việc Chúa làm cho ta, ôi vĩ đại! Ta thấy mình chan chứa một niềm vui.”
Lm. Anthony Nguyễn Ngọc Dũng
SUY NIỆM 6: NGƯỜI PHỤ NỮ NGOẠI TÌNH
Chúa nhật V Mùa Chay, năm C có thể được gọi là Chúa Nhật của  Lòng Thương Xót Chúa. Chúa Nhật tuần trước nói về Lòng Cha Nhân Từ…Hình ảnh của người Cha hiền gây ấn tượng sâu xa trong tâm hồn của nhiều người. Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình trong đoạn Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay, cho thấy hình ảnh của Một Thiên Chúa không dùng đôi mắt nghiêm nghị để sửa phạt con người.Nhưng Ngài chạnh lòng thương và tạo cơ hội cho con người ăn năn trở về…
Thiên Chúa khi tạo dựng vũ trụ, tạo nên con người, Ngài đã dựng . nên người nam và người nữ. Nên, vợ chồng là sự kết hợp giữa một người nam và một người nữ. Chính Chúa Giêsu đã nâng hôn nhân lên hàng bí tích, Ngài nói :” Sự gì Thiên Chúa phối hợp, loài người không được phép phân ly “. Giáo lý Công giáo dạy :” Hôn nhân Công giáo : một vợ một chồng, sinh con cái và giúp nhau thăng tiến “. Do đó, sự chung thủy là việc bó buộc trong hôn nhân Kitô giáo. Gia đình là nền tảng của xã hội, là nền móng vững chắc của người nam và người nữ. Vợ chồng không chung thủy với nhau, đời sống gia đình sẽ tan vỡ và kéo theo sự băng hoại của xã hội. Nên, những người Pharisêu, Kinh sư và Biệt phái đem đến trước mặt Chúa  Giêsu một người phụ nữ phạm tội ngoại tình để xin Ngài xét xử là một điều phù hợp và hết sức hợp lý vì luật Môsê cũng đã quy định, tội bị bắt quả tang phạm tội không trung thành thì phải ném đá cho tới chết. Tuy nhiên, đối với những người hôm nay đưa người phụ nữ để xin Chúa xét xử chỉ là cái bẫy họ giăng để bắt bẻ, kết tội Chúa Giêsu.Câu chuyện trên đây thật dí dỏm,trớ trêu và đầy nham hiểm của bọn Pharisêu, Biệt phái…Bởi vì, nếu Chúa Giêsu nói đừng ném đá người phụ nữ này, Ngài sẽ bị ghép tội chống lại luật Môsê và nếu nói cứ ném đá, Ngài đã làm sai lời dạy của Ngài ‘Các con hãy yêu thương nhau,như Thầy yêu thương các con “.
Tin Mừng dí dỏm viết :” Đức Giêsu cui mặt xuống đất và liên tục viết trên đất. Ngài viết gì chúng ta không biết, nhưng chỉ có một điều Ngài đang suy nghĩ. Họ cứ đằng đằng sát khí gặng hỏi Chúa mãi…Cuối cùng Ngài ngẩng lên và nói :” Ai trong các ông vô tội thì hãy ném đá trước đi “ ( Ga 8, 7 ).
Vâng, chẳng một ai dám ném hòn đá đầu tiên và cũng chẳng có hòn đá cuối cùng. Tin Mừng chua chát viết :” Họ cứ lần lượt rút lui, đầu tiên là những người già và sau cùng là những người trẻ “.
Thật vậy, chẳng ai vô tội để có thể ném đá người khác có chăng những người đang cầm đá chắc trong tay cứ nới dần và để viên đá rơi một cách vô tội vạ xuống đất.
Sống ở trần gian này chẳng ai lại không có tội : có những người phạm tội nhiều, có những người lỗi lầm ít hơn. Người nào bị phát hiện phạm tội thường xem những tội bị bắt công khai mới là tội nặng. Còn những tội nhiều khi tày đình nhưng không ai hay ai biết thì những người phạm tội âm thầm, lén lút vẫn ung dung thoái mái. Tuy nhiên, khi có người phát hiện người nào đó phạm tội, thì người khác sẵn sàng ném đá, vung vít như để minh chứng mình vô tội. Họ không dung tha cho người phạm tội dù họ đầy tội lỗi…Tuy nhiên, Thiên Chúa là Đấng vô cùng thánh thiện, Đấng vô tội lại không lên án, không ném đá tội nhân mà lại hết lòng nhân từ :” Tôi cũng không lên án chị đâu! Chị hãy về đi và từ nay đừng phạm tội nữa “ ( Ga 8, 11 ). Thật là một lời tha tội đầy tình thương, đầy lòng thương xót…Thiên Chúa, Đấng chí công không giết chết, nhưng cứu sống. Thật an ủi cho mỗi người chúng ta vì tất cả chúng ta đều là tội nhân. Chúng ta tin vào Lòng Thương Xót và trái tim nhân từ của Chúa.
Lạy Chúa, Chúa biết rõ chúng con.Chúa biết mọi thầm kín, mọi việc làm thâm sâu của chúng con. Chúa biết khi chúng con đứng, khi chúng con ngồi. Chúa tỏ tường hết thảy. Xin cho chúng con biết nhận ra lỗi lầm của chúng con để xin Chúa tha thứ. Xin cho chúng con biết cảm thông với những lỗi lầm của anh chị em chúng con, để chúng con biết yêu như Chúa yêu. Amen.
GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :
1.Tội ngoại tình là gì ?
2.Luật của Môsê qui định về tội bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình như thế nào ?
3.Người ta đối xử với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình ra sao ?
4.Thái độ của Chúa Giêsu thế nào đối với người phụ nữ này ?
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi  

SUY NIỆM 7: KHUẤT TẤT TRONG MỘT VỤ ÁN “BẤT THƯỜNG”

Bài Tin Mừng Chúa Nhật V Mùa Chay hôm nay, trình thuật vụ án hy hữu và bất thường. Đó chính là phiên tòa xử người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình.
Các Kinh Sư và Pharisiêu mang đến cho Đức Giêsu để xin Ngài phân xử. Nếu đọc thoáng qua, chúng ta sẽ thấy họ tôn trọng Đức Giêsu và nhờ Ngài phán quyết một vụ án di động này. Thật bất ngờ, Đức Giêsu bỗng dưng trở thành thẩm phán. Bị cáo là người phụ nữ ngoại tình. Các người tố cáo chính là Kinh Sư và Pharisiêu.
Phiên tòa bắt đầu với lời tố cáo: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Môsê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao?” Họ hỏi câu hỏi đó không phải để chờ Đức Giêsu phán làm sao, mà đúng hơn, họ đã có sẵn bản án trong tay, bởi vì họ biết rõ luật!!! Nhưng điều đáng nói ở đây chính là cái tâm đen tối của họ, họ muốn gài bẫy Đức Giêsu. Nếu Đức Giêsu lên tiếng phán: “Phải ném đá”, thì ngay lập tức, Đức Giêsu không phải là một vị Thiên Chúa từ bi nhân hậu, bao dung với người nghèo và yêu thương người tội lỗi. Tất cả những gì Đức Giêsu rao giảng đều tự mâu thuẫn nội tại với Ngài. Bởi vì Ngài đã từng nói hãy tha thứ cho nhau không chỉ bảy lần mà đến bảy mươi lần bảy (x.Mt 18,21-22). Hơn thế nữa, Đức Giêsu phạm vào cái tội gọi là “tội khi quân” phản loạn và chống lại triều đình.
Còn nếu Đức Giêsu nói “không được ném đá”, thì ngay lập tức Ngài lãnh nhận án tử trong tay. Bởi vì luật Môsê truyền phải ném đá hạng người phụ nữ ngoại tình này. Những ai đi ngược lại với những điều khoản trong luật của Môsê thì kể như là vi phạm và phản bội với truyền thống của tiền nhân. Mặt khác, Đấng đã từng tuyên bố rằng “đến không phải để hủy bỏ lề luật và lời các ngôn sứ, nhưng để kiện toàn” (x.Mt 5,17) không lẽ giờ này lại phá luật?.
Quả thật họ đã quá nham hiểm, họ đã dùng phương pháp: nhất tiễn diệt song điêu. Một mũi tên giết hai con chim. Bầu không khí thật ngột ngạt ngay trong khoảng không trống trải giữa trời. Họ nín lặng chờ vị thẩm phán bất đắc dĩ tuyên án. Trong thinh lặng, thay vì nói lời tuyên án, Đức Giêsu đã âm thầm, tế nhị viết trên đất, hành động này theo một số nhà chú giải cho rằng Đức Giêsu viết tội của những người tố cáo chị phụ nữ trên đó. Sau đó Đức Giêsu lên tiếng: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”. Một câu nói tưởng chừng như êm đềm, trôi vào khoảng không vô tư của những người đang hung hăng tố cáo và thực hiện dã tâm… Không! Đức Giêsu đã lật ngược ván cờ. Bị cáo lại chính là những Kinh Sư và Pharisiêu, thẩm phám không phải là một ai hay một nhóm người hiện hữu nào, mà là một vị thẩm phán vượt lên trên thời gian và không gian, một vị thẩm phán có thể thấu suốt những những điều mà chỉ có họ biết họ. Vị thẩm phán đó là “Lương Tâm”. Chính vị thẩm phán “Lương Tâm” này đã lên tiếng kết tội của họ trong thinh lặng cõi lòng, đã xoáy sâu vào tận nội căn tâm hồn để vạch trần tội ác của họ. Quá bất ngờ, họ bị chưng hửng, không dám đứng đó, nên đã lần lượt ra về, bắt đầu từ những người lớn tuổi.

Khi mọi người đã ra về, chỉ còn lại mình Đức Giêsu và chị phụ nữ. Bấy giờ, Đức Giêsu mới hỏi: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao?”, và, giờ đã điểm, Đức Giêsu tuyên án: “Còn tôi, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa!”. Lời tuyên trắng án của Đức Giêsu đã phá tan màn đen của một vụ án khuất tất và những bất thường của nó.
Đây là một trong những câu nói tuyệt đẹp và rất nhân văn. Nhưng xét về chiều sâu đức tin, thì đây còn là một lời nói được phát xuất ra từ cung lòng Thiên Chúa, thể hiện một vị Thiên Chúa đầy lòng nhân hậu từ bi và hay thương xót. Sẵn sàng tha thứ cho những người tội lỗi. Một vị Thiên Chúa luôn đứng về phía người nghèo, bị bỏ rơi và thấp cổ bé họng để yêu thương, nâng đỡ và phục hồi nhân phẩm cho họ. Quả thật, Lời Chúa trong sách Khôn Ngoan thật sâu xa để cho mỗi người chúng ta suy niệm: “Lạy Chúa, Chúa xót thương hết mọi người, vì Chúa làm được hết mọi sự. Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tội lỗi loài người, để họ còn ăn năn hối cải.” (Kn 11,23).
Qua bài Tin Mừng hôm nay, sứ điệp Lời Chúa mời gọi mỗi người chúng ta hãy nắm lấy tay nhau để dìu nhau đứng dậy và ra khỏi vũng lầy êm ái của tội lỗi. Chứ không phải tìm cách nhấn chìm anh chị em chúng ta xuống tận bùn đen để làm bàn đạp cho ta tiến lên.
Nhưng có lẽ điều quan trọng hơn cả, đó là: Lời Chúa hôm nay muốn đi sâu vào tận nội tâm mỗi người, để mời gọi đương sự hãy tự cật vấn lương tâm của chính mình, nhằm thấy được những lỗ hổng tốt lành, thánh thiện để lấp cho đầy những bác ái, yêu thương và bình an, lo sám hối và quay trở về với Chúa và với nhau; đồng thời phải nhận ra những ứ đầy tội lỗi của tham lam, ích kỷ, ghen tỵ nơi chính mình, để có được sự cảm thông thay vì kết án, để yêu thương thay hận thù.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con mặc lấy tâm tư, hành động của Chúa. Xin cho chúng con biết gớm ghét tội, nhưng không ghét những người có tội. Ước gì, trong những ngày này, mỗi người chúng con biết sám hối chân thành, biết nhìn vào trong sâu thẳm đời sống nội tâm, hầu thấy được khuôn mặt thật của mình, để trở về với Chúa và với nhau. Xin tha thứ những lỗi lầm mà thời niên thiếu chúng con vươn lên trong dại khờ. Amen.
 Jos.Vinc. Ngọc Biển

SUY NIỆM 8: LÀM MỚI CON NGƯỜI 
Khi người Do Thái đang bị lưu đày tại Babylon, ai trong họ dám nghĩ rằng có ngày họ được trở về quê cha đất tổ? Ngay cả khi còn quyền lực và độc lập còn chưa giữ được đất nước quê hương, còn chưa bảo vệ được mình, thì làm sao một khi đã bị lưu đầy sang nơi đất khách quê người lại có thể nổi dậy và trở về quê hương, trừ phi Thiên Chúa can thiệp làm những việc kinh thiên động địa như Ngài đã làm cho dân Do Thái thời ở Aicập qua Môsê.
Sách tiên tri Isaya cho dân một niềm hy vọng. Thiên Chúa phán: “Ta sẽ cho nước chảy ngay giữa sa mạc, khơi những dòng sông tại vùng đất khô cằn, cho dân Ta tuyển chọn được giải khát”. Thiên Chúa thỏa mãn khao khát của dân Ngài. Ngài đã đưa dân Do Thái đang lưu đầy ở Babylon được trở về quê cha đất tổ qua vua Kyrô, một vua người Ba Tư đã chiến thắng và đang nắm quyền trên khắp vùng. Kyrô, một vua người ngoại, nhưng đã được coi là Đấng Kitô của Thiên Chúa (Is.45, 1). Một người ngoại được coi là Đấng Kitô, là một điều người Do Thái không bao giờ ngờ tới. Như vậy, hoặc Thiên Chúa đã dùng một người ngoại để giải phóng dân của Ngài, hoặc người ngoại không phải là người ngoại trước mặt Thiên Chúa. Người ngoại vẫn là con dân của Thiên Chúa như người Do Thái, và họ đã được Thiên Chúa yêu và dùng như Ngài đã yêu thương người Do Thái vậy.
Nơi Đức Giêsu, Thiên Chúa còn làm những điều kỳ diệu hơn tất cả những điều Ngài đã làm từ trước tới nay. Tin mừng Chúa Nhật thứ năm mùa chay cho thấy Đức Giêsu đã làm một điều đặc biệt: Ngài cứu người phụ nữ ngoại tình thoát chết và làm cho những người biệt phái cùng kinh sư trở nên khiêm tốn và nhận biết mình có tội. Khi những người biệt phái và kinh sư bỏ đi không ném đá chị phụ nữ ngoại tình nữa, hàm chứa họ đã được ơn nhận biết chính mình. Đức Giêsu nói với chị phụ nữ: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”. Một cuộc đời mới đã khai mở với chị phụ nữ phạm tội ngoại tình. Chị tạ ơn Thiên Chúa đã cứu sống chị qua Đức Giêsu; chị bắt đầu một đời sống mới trong niềm tin vào Thiên Chúa và vào con người. Một khi gặp gỡ được Thiên Chúa, người ta trở nên nhân hậu hơn, chấp nhận chính mình và tha nhân hơn, tha thứ cho người khác và tha thứ cho chính mình.
“Không ai có quyền tha tội trừ một Thiên Chúa” (Mc.2, 7). Thiên Chúa đã dùng Đức Giêsu để tha tội cho người bị bại liệt. Đức Giêsu đã tha tội cho chị phụ nữ ăn năn sám hối (Lc.7, 34). Đức Giêsu cũng không kết án chị phụ nữ ngoại tình (Ga.8, 11). Thiên Chúa không chỉ không kết án, mà còn tha tội cho con người qua Đức Giêsu Kitô. Không ai có thể giao hòa con người với Thiên Chúa, nếu không phải là chính Thiên Chúa muốn giao hòa với con người. Thiên Chúa đã giao hòa với con người, nhờ và qua Đức Giêsu Kitô. Tạ ơn Thiên Chúa đã làm những điều kỳ diệu cho con người. Thiên Chúa đang làm điều mới qua Đức Giêsu Kitô.
Con người ngày nay không thể gặp gỡ Đức Giêsu vì Ngài đã lên trời, tuy nhiên nhờ đức tin con người vẫn có thể gặp gỡ Đức Giêsu Phục Sinh. Thánh Phaolô đã được biến đổi hoàn toàn nhờ biết Đức Giêsu Phục Sinh. “Kể từ khi biết Đức Giêsu, tôi coi mọi sự như thua lỗ bất lợi trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Phục Sinh”. Phaolô sẵn sàng mất tất cả để chỉ được Ngài mà thôi. Phaolô đã có cái nhìn khác về vạn sự vạn vật. Ngày xưa, Phaolô miệt mài đi bắt bớ các Kitô hữu, tưởng rằng như thế là làm vinh danh Thiên Chúa, nhưng biến cố trên đường Đamát đã giúp Phaolô nhận ra sự thật. Niềm tin vào Đức Giêsu Phục Sinh, đã làm cho Phaolô thành con người mới, thành người công chính không cậy dựa vào sức riêng mình nhằm chu toàn lề luật nhưng nhờ đức tin vào Đức Giêsu Kitô.
Với Phaolô, Thiên Chúa là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã làm tất cả trong Đức Giêsu: Ngài tái tạo mọi sự, đưa mọi sự tới với Thiên Chúa. Lề luật không giúp người ta tới gần Thiên Chúa nhưng chỉ giúp con người nhận biết mình là tội nhân; chính niềm tin vào Đức Giêsu mới cho con người có nhận thức đúng đắn hơn về mọi sự, mới cho con người có sức sống, mới giúp con người thực hiện được điều mình thấy đúng, mới làm con người được hạnh phúc. Nhận thức rõ Thiên Chúa làm tất cả trong Đức Giêsu Phục Sinh, Phaolô đã miệt mài rao giảng tin mừng: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Đức Giêsu Phục Sinh thật sự là tin mừng cho tất cả mọi người. Tin nhận Đức Giêsu Phục Sinh, là tin Thiên Chúa đang hoạt động và yêu thương con người vô cùng, là có thể phó thác trọn vẹn đời mình trong tay Thiên Chúa tình yêu, là có thể sống an bình hạnh phúc.
Tâm tình của Kitô hữu, là tạ ơn Thiên Chúa đã cho được nhận biết Đức Giêsu Phục Sinh. Tín hữu nhìn lên Đức Giêsu để dõi bước theo Ngài. Ngài đã sống thế nào, Kitô hữu được mời gọi để sống như vậy. Trong mùa chay, Kitô hữu được mời gọi để sám hối. Sám hối, là nhận biết chính mình cách thật sự, là nhận biết mình có lỗi lầm và mong ước quay về với Thiên Chúa, làm hòa với anh chị em mình. Sám hối đòi người ta phải có cái nhìn mới về Thiên Chúa, về tha nhân, về chính mình và về sự vật. Thật không dễ để thay đổi chính mình, thay đổi cái nhìn của mình, quan điểm và chọn lựa của mình; nhưng Thiên Chúa là Đấng có thể làm mọi sự. Không gì mà Thiên Chúa không làm được. Ngài đã giúp những kinh sư và biệt phái muốn ném đá chị phụ nữ ngoại tình được nhận biết họ cũng là tội nhân, để họ thay đổi không còn kết án chị phụ nữ nữa. Thiên Chúa đã làm mới những người đến với Đức Giêsu, kể cả chị phụ nữ ngoại tình lẫn những kinh sư và biệt phái.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
  1. Niềm tin vào Đức Giêsu làm Kitô hữu có cái nhìn mới về tất cả. Bạn có đồng ý không? Tại sao?
  2. Mùa chay này, bạn có biết hơn về con người của bạn không? Xin chia sẻ nếu được.
 
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây