SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI - NĂM B

Thứ bảy - 25/05/2024 03:55


SUY  NIỆM
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI - NĂM B
Mt 28,16 - 20

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mat-thêu
16 Khi ấy, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Đức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".
CÁC BÀI SUY  NIỆM
  1. Suy niệm 1: Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi - Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang
  2. Suy niệm 2: Mầu nhiệm tình yêu - ĐTGM. Ngô Quang Kiệt
  3. Suy niệm 3: Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần - ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
  4. Suy niệm 4: Làm nghĩa tử của Thiên Chúa là một đặc ân - Lm. Gregorio, Đan viện Vĩnh Phước
  5. Suy niệm 5: Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời sống Kitô hữu -  Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy
  6. Suy niệm 6: Hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ - Hiền Lâm
  7. Suy niệm 7: - Đan viện Phước Hải

SUY NIỆM 1: THIÊN CHÚA DUY NHẤT CÓ BA NGÔI

Lời Chúa: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần" (Mt 28,19)

Nhập lễ:
Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Phụng vụ Lời Chúa Chúa nhật hôm nay cho chúng ta thấy trong quyền năng Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu đã đón nhận từ nơi Thiên Chúa Cha, trao ban và sai các môn đệ đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ trong cùng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Quyền năng dưới đất trên trời,
Giê - su đã nhận từ nơi Cha mình.
Người truyền cho các môn sinh,
Hãy đi loan báo tái sinh nhân trần.
Cha, Con cùng với Thánh Thần,
Và ban phép rửa thánh ân Chúa Trời.
Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, xin Chúa giúp chúng ta xác tín niềm tin của mình, chỉ tôn thờ một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi, vì Người đã yêu thương tạo dựng, cứu chuộc và thánh hoá chúng ta. Trong tâm tình đó, giờ đây chúng ta hãy thành tâm sám hối.

Sám hối:
X. Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa sáng tạo và đã yêu thương tạo dựng nên chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa Kitô, Chúa đến trần gian để cứu chuộc chúng con. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
X. Lạy Chúa, Chúa ban Thánh Thần soi sáng và thánh hoá chúng con. Xin Chúa thương xót chúng con.
Đ. Xin Chúa thương xót chúng con.
Kết: Xin Thiên Chúa toàn năng thương xót, tha tội và dẫn đưa chúng ta đến sự sống muôn đời.
CĐ: Amen.
Suy niệm:
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Lát nữa đây, trong kinh tin kính chúng ta tuyên xưng một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi: Ngôi thứ nhất là Cha, ngôi thứ hai là Con, ngôi thứ ba là Thánh Thần. Một Thiên Chúa duy nhất có Ba Ngôi không do trí óc tưởng tượng của con người, không bằng những lý luận trừu tượng nhưng bằng những sự kiện lịch sử mà phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn trình bày cho chúng ta.
Thưa anh chị em, bài đọc 1 hôm nay trích từ sách Đệ Nhị luật được viết vào thời hồi hương từ Babylon năm 538 trước công nguyên, tác giả dùng những tư liệu lịch sử để thuyết phục dân Do thái gột rửa khỏi não trạng đa thần của miền cận đông mà tin vào Thiên Chúa duy nhất, ngoài Thiên Chúa ra không còn có Chúa nào khác. Khi trình bày cho dân Do thái tin nhận vào Thiên Chúa duy nhất, tác giả sách Đệ Nhị luật đã đặt vào giáo huấn Môsê lời kêu gọi tuân giữ giới răn Thiên Chúa, Đấng duy nhất đã dẫn đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ Ai cập. Đấng đã ký kết tương giao với họ, và như thế họ sẽ được hạnh phúc trên phần đất mà Thiên Chúa sẽ ban cho họ. “Sống lâu và đông con cháu” là quan niệm hạnh phúc của dân Do thái thời Cựu ước. Dùng kiểu nói này, tác giả cho thấy hiệu quả của việc tuân giữ giới luật của Thiên Chúa mà trọng điểm của giới luật Cựu ước là tôn thờ Thiên Chúa, là Chúa duy nhất, ngoài Chúa ra không còn thần nào khác: Trên trời cao cũng như dưới đất thấp chỉ có Đức Chúa là Thiên Chúa. Trang Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu đã mặc khải Thiên Chúa Ba Ngôi. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi và các mầu nhiệm khác trong đạo đều dựa vào lời chứng của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu nói: Thầy đến trần gian để thi hành thánh ý Chúa Cha, và khi hoàn tất sứ mạng Chúa Cha trao phó, Thầy sẽ về trời và ban Thánh Thần đến thánh hóa thế gian trong ân sủng và tình yêu. Tình yêu đó được thể hiện qua mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Tình yêu của Ngôi Cha tựa như tình phụ tử sinh con ra, lo lắng, nuối nấng, dạy dỗ con. Cho dù con có đi sai đường lối, Ngài vẫn nhẹ nhàng, ân cần sửa lỗi và tiếp tục phủ lấp muôn vàn tình yêu xuống trên con người; Tình yêu của Ngôi Con tựa như tình yêu của một người tình. Tình yêu tự hiến, dám chết cho người mình yêu; Tình yêu của Ngôi Ba tựa như tình yêu của một người mẹ luôn bao bọc, chở che, nâng đỡ con. Tuy thầm lặng nhưng vẫn rì rào như gió chiều trên đồng lúa xanh tươi mang lại sự dịu mát lòng người. Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Rôma cho biết: nhờ Thần Khí và trong Thần Khí, mọi người được trở nên nghĩa tử hầu có thể lớn tiếng kêu lên: “Áp-ba! Lạy Cha!”.
Kính thưa quý ông bà anh chị em,
Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, là dịp để chúng ta tạ ơn tình thương của Chúa vẫn luôn bao phủ trên cuộc đời chúng ta. Chúa cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái Thiên Chúa. Chúa là người cha nhân ái, chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Chúa có giận thì giận trong giây lát, nhưng yêu thương thì yêu thương tới cùng. Cho dù chúng ta có yếu đuối bất toàn, Chúa vẫn yêu thương. Chúa không đoán phạt chúng ta theo như chúng ta đáng tội. Chúa như người cha luôn ngong ngóng chờ đợi đứa con tội lỗi trở về để được ôm con vào lòng và lại ban muôn ân huệ dư tràn.
Nguyện xin Chúa giúp chúng ta luôn sống xứng đáng với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa, và xứng nên Ðền Thờ cho Ba Ngôi Thiên Chúa ngự. Amen.
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Quang.

SUY NIỆM 2: MẦU NHIỆM TÌNH YÊU

Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm tình yêu thương.Từ đời đời, Chúa Cha yêu Chúa Con. Tình yêu ấy lớn lao đến nỗi Chúa Cha đã sinh ra Chúa Con giống hệt như mình. Con là hình ảnh hoàn hảo, nguyên tuyền của Cha. Con là chính Cha, nên Đức Giêsu nói: “Ai thấy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9). Cha có gì thì ban tất cả cho Con. Nên sau này Đức Giêsu đã nói: “Tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 16,15). Tình Cha yêu Con thật lớn lao, kỳ diệu. Tình Con đáp lại tình Cha cũng nồng nàn tha thiết không kém. Những gì Con nhận được do tình yêu của Cha thì Con dâng lại cho Cha tất cả. Đức Giêsu vì yêu mến Chúa Cha, nên đã vui lòng xuống thế làm người để cứu chuộc nhân loại. Trọn cuộc đời, Người luôn tìm thánh ý Chúa Cha để thi hành. Người luôn tâm niệm: “Lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng sai Thầy” (Ga 4,34). Người từ bỏ hết ý riêng mình để chỉ làm theo ý Chúa Cha. Người nên một với Đức Chúa Cha trong tâm tình, trong tư tưởng, trong hành động. “Cha ở trong Con và Con ở trong Cha” (Ga 14,10). Trong giờ hấp hối, dù sợ hãi cái chết đến độ mồ hôi máu tuôn ra, nhưng Đức Giêsu vẫn luôn vâng theo ý Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu có thể được, thì xin cho Con khỏi uống chén này. Xin đừng theo ý Con, nhưng theo ý Cha mà thôi” (Mt 26,39). Thánh Phaolô đã tóm tắt về cuộc đời Người: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2,6-8). Tất cả thái độ vâng phục nói lên sự dâng hiến trọn vẹn cho Chúa Cha. Tình yêu nối kết Chúa Cha và Chúa Con là Chúa Thánh Thần.
Ba Ngôi là lò lửa tình yêu lúc nào cũng ngùn ngụt cháy. Ba Ngôi là nguồn mạch tình yêu không bao giờ vơi cạn. Cuộc trao đổi cho đi và nhận lãnh làm cho tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa ngày càng sung mãn dồi dào. Tất cả mọi tình yêu đều bắt nguồn từ Chúa Ba Ngôi. Tất cả mọi tình yêu muốn trung thực và bền vững đều phải học theo khuôn mẫu tình yêu Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc là ta được tham dự vào bầu khí yêu đương của Chúa Ba Ngôi. Hạnh phúc sẽ đến khi mọi người biết yêu thương nhau trong tình yêu của Chúa Ba Ngôi.
Hôm nay, khi truyền cho ta đi rửa tội cho mọi người nhân danh Chúa Ba Ngôi, Đức Giêsu muốn ta đem tình yêu rửa sạch những oán ghét hận thù đang tàn phá thế giới. Người mong ta đem ngọn lửa tình yêu thắp sáng những gọc tối t8am chiến tranh, chia rẽ. Người mong ta đem mưa tình yêu tưới gội những vùng đất khô cằn vì thiếu vắng tình thương tha thứ. Người muốn cho tình yêu lên ngôi ngự trị trong hết mọi tâm hồn.
Phần ta, những môn đệ của Chúa, mỗi khi ta làm dấu Thánh giá nhân danh Chúa Ba Ngôi, ta hãy xin Ba Ngôi Thiên Chúa in tình yêu thánh thiện của Người vào tâm hồn ta. Xin cho ta được tham dự vào tình yêu vô cùng sung mãn của Người. Xin cho ta trở nên một đốm lửa trong lò lửa yêu thương của Người. Được cháy trong lò lửa tình yêu Chúa Ba Ngôi, ta sẽ trở nên giống như Người, luôn biết cho đi, luôn biết dâng hiến, luôn mưu tìm hạnh phúc cho tha nhân.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Khi cầu nguyện, Đức Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha. Bạn có cảm thấy Thiên Chúa là người Cha yêu thương và gần gũi không?
2- Bạn có mong muốn được tham dự vào luồng tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa không?
3- Thiên Chúa dựng nên bạn giống hình ảnh Người. Bạn đã thực sự là hình ảnh tình yêu thương của Chúa đối với những người chung quanh chưa?
4- Sau khi đã hiểu rõ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, bạn sẽ có thái độ nào đối với Chúa và đối với anh em?
ĐTGM. Ngô Quang Kiệt

SUY NIỆM 3: NHÂN DANH CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN.


Với người công giáo, còn gì gần gũi thân quen cho bằng làm dấu thánh giá trên mình cùng với lời đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”. Ấy thế mà mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dường như lại thật xa lạ và trừu tượng. Có chăng những từ ngữ “ngôi vị” và “bản tính”, vốn rất cần thiết để minh định tín điều, lại là bước cản cho sự gặp gỡ Đấng Thiên Chúa sống động? Có chăng những suy tư thần học về Ba Ngôi thật phong phú về tư duy nhưng lại thiếu tiếp cận mục vụ và linh đạo? Từ góc độ thực hành của đời sống đức tin, xin gợi ý về lời đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” như một cảm nghiệm gặp gỡ Đấng Thiên Chúa duy nhất và là Đấng ở trên, ở với và ở trong con người cũng như lịch sử.
Đấng Thiên Chúa ở trên, ở với và ở trong
Cảm nghiệm đầu tiên của con người về Thiên Chúa: Ngài là Đấng “ở trên”, “Ông Trời”, “Ông Thiên”. Thánh Phaolô tuyên xưng chỉ mình Thiên Chúa là “Đấng trường sinh bất tử, ngự trị trong ánh sáng siêu phàm, Đấng không một người nào đã thấy hay có thể thấy” (1Tim 6,16). Vì Thiên Chúa vượt lên trên vũ trụ và nhân loại nên “Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, đường lối của Ta không phải là đường lối của các ngươi” (Mt 16,23). Nếu ai nói rằng mình hiểu được Thiên Chúa thì chắc chắn vị Thiên Chúa ấy không còn là Thiên Chúa đích thực nữa.
Những khám phá khoa học ngày nay không những không làm tiêu hao niềm tin vào Thiên Chúa mà trái lại, càng làm cho chúng ta cảm nhận rõ hơn tính bất khả đạt thấu của Thiên Chúa. Ngân hà mà trái đất chúng ta là một thành phần đã là vĩ đại rồi, nhưng nó chìm nghỉm trong hằng tỉ giải ngân hà của vũ trụ. Chính sự vĩ đại ấy của vũ trụ lại càng làm nổi bật tính vô biên và bất khả đạt thấu nơi Thiên Chúa: “Chúng ta không thể khám phá Thiên Chúa đang điều khiển thế giới cách ngây ngô như trước. Chúng ta không thể làm thế, không phải vì Thiên Chúa đã chết, nhưng vì Ngài là Đấng vĩ đại hơn nhiều, Đấng không thể gọi tên, Đấng bất khả đạt thấu, Đấng là nền tảng mọi sự” (Karl Rahner, Science as a Confession, 389).
Cảm thức về tính bất khả đạt thấu nơi Thiên Chúa giúp các Kitô hữu tránh được nguy cơ rơi vào tình trạng mà một nhà tư tưởng phê phán: “Không phải Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh Ngài, nhưng chính con người đã làm nên Thiên Chúa theo hình ảnh của mình”. Một trong những điều răn đầu tiên Thiên Chúa ban bố là: “Ngươi không được tạc tượng, vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để mà thờ” (Xh 20,4). Dân Chúa trong thời Cựu Ước lại chẳng rơi vào tình trạng đó sao khi họ lấy vàng đúc thành con bê rồi sụp lạy tung hô: “Đây là vị thần đã đưa chúng ta ra khỏi đất Ai Cập” (Xh 32,7)? Và cơn cám dỗ ấy vẫn không ngừng tái diễn trong lịch sử dưới nhiều hình thức khác nhau.
Thiên Chúa là Đấng “ở trên” nhưng đồng thời lại là Đấng “ở với” loài người. Đây là mạc khải trung tâm và độc đáo của Kitô giáo. Kinh Thánh tràn ngập cụm từ “ở với”. Hầu như khi sai bất cứ ai đi thi hành sứ mạng, Thiên Chúa cũng chỉ hứa điều quan trọng nhất là: “Ta ở với ngươi”. Từ Môsê đến Đức Maria đều thế cả (Xh 3,12; Lc 1,28). Cho đến thời của Hội Thánh, lời hứa của Chúa Kitô Phục sinh dành cho các môn đệ vẫn là: “Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
Danh thánh Thiên Chúa mạc khải cho Môsê (Xh 3,14) được dịch nhiều cách: “Ta là Đấng hằng hữu”, “Ta là Đấng hiện hữu”, “Ta là Đấng Ta là”. Nhưng cũng có một cách dịch khác mang tính hiện sinh hơn: “Ta là Đấng hằng ở với anh em” (trong mọi hoàn cảnh, mọi bước đường, mọi biến cố). Lời hứa “ở với” ấy đã vươn đến cao điểm trong Đức Giêsu Kitô, Đấng được gọi là Emmanuel, Thiên Chúa-ở-với-chúng ta (Mt 1,23). Thiên Chúa ở với loài người không những bằng sự hiện diện mà còn chia sẻ phận người, kể cả những trạng huống bi thảm nhất, để trong mọi hoàn cảnh, kể cả sự chết, ta có thể cảm nhận được tiếng nói: Cha ở với con.
Ratzinger có trang sách đẹp về trải nghiệm sự chết khởi đi từ hình ảnh đứa bé bị lạc lối trong rừng sâu và màn đêm buông xuống. Cùng với bóng tối vây bủa chung quanh là nỗi hoang mang sợ hãi tràn ngập tâm hồn. Trong giây phút ấy, điều mà cậu bé mong chờ nhất không phải là bài học địa lý về cánh rừng hoặc bài hướng dẫn khoa học tìm tọa độ. Điều mong chờ nhất chỉ là có một bàn tay chạm lấy và tiếng nói bên tai: “Cha đây, nào chúng ta đi”. Không có giây phút nào con người cảm nhận nỗi cô đơn tột cùng cho bằng khi đối diện với sự chết. Kể cả những người thương yêu ta nhất cũng không thể đồng hành. Mọi lý thuyết về thế giới mai sau dường như vô nghĩa. Điều mong đợi duy nhất là sự hiện diện và đồng hành của một ai đó trên con đường tăm tối. Và Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người, Đấng đã kinh qua sự chết và đã sống lại, chính là Đấng duy nhất đáp trả nỗi ước mong sâu thẳm về một bàn tay nắm lấy và tiếng nói bên tai “Ta đây, nào chúng ta cùng đi”. Thiên Chúa ở với.
Thiên Chúa không chỉ ở với con người mà còn ở trong họ. Theo quan điểm công giáo, lương tâm là “tâm điểm sâu kín nhất và là cung thánh của con người, nơi đây con người chỉ hiện diện một mình với Thiên Chúa, và tiếng nói của Ngài vang dội trong lòng họ” (Hiến chế Vui Mừng và Hi Vọng, số 16).
Tin Mừng Gioan, Tin Mừng của đời sống chiêm niệm, tràn ngập cụm từ “ở trong”: “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình yêu của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình yêu của Ngài” (15,9-10); “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí Sự Thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Ngài. Còn anh em biết Ngài vì Ngài luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (14,16-17).
Có chuyện kể về một guru đánh mất chìa khóa vào nhà và quanh quẩn đi tìm chìa khóa ở bãi cỏ trước nhà. Đám học trò thấy thế bèn hỏi, “Thưa thầy, thầy tìm gì vậy?” “Thầy mất chìa khóa vào nhà rồi”. “Để chúng con tìm giúp”. Thế là ai nấy hăng hái bới từng gốc cây, lật từng ngọn cỏ để tìm. Tìm mãi không thấy, một học trò sốt ruột hỏi: “Thầy có nhớ loáng thoáng là đánh rơi ở đâu không?” “Có chứ, thầy nhớ rõ là mình để quên ở trong phòng rồi sập cửa lại”. Đám học trò la lên: “Trời ơi, sao bây giờ mới nói, mất chìa khóa trong nhà mà lại tìm ở ngoài này, làm sao thấy được!” Ông thầy có dịp cho học trò một bài học để đời: chúng ta đánh mất chìa khóa của ngôi nhà hạnh phúc. Chìa khóa ấy ở trong tâm hồn nhưng chúng ta lại mải tìm ở ngoài. Tìm đủ thứ, chiếm hữu đủ thứ, hưởng thụ đủ thứ… mà hạnh phúc vẫn biệt tăm. Thiên Chúa, nguồn hạnh phúc, ở thâm sâu lòng người, nhưng chúng ta mải tìm ở thế giới bên ngoài.
Đúng là “Chúa ở trong con sâu hơn chính con” và “Con đi tìm Chúa bên ngoài mà quên mất rằng Chúa ở trong con”. Không chỉ là cảm nghiệm của các nhà thần bí mà còn là trải nghiệm của mỗi người nếu chân thành nhìn lại chính mình.
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Hội Thánh có sứ vụ giới thiệu và loan báo cho con người Đấng Thiên Chúa ở trên, ở với và ở trong con người cũng như lịch sử. Nghĩa là phải loan báo Thiên Chúa trong tính toàn thể. Xem ra không dễ dàng giữ được sự quân bình và tính toàn thể ấy. Có khi người Kitô hữu nhấn mạnh đến Thiên Chúa ở trên (chiều kích siêu việt) và ở trong (chiều kích nội tại) mà không quan tâm đến Thiên Chúa ở với phận người, nên bị người ta chê trách là lãng quên những thực tại trần thế. Lại có khi nhấn mạnh đến Thiên Chúa ở với (chiều kích dấn thân xã hội) mà quên Thiên Chúa ở trên và ở trong, nên biến Hội Thánh thành cộng đoàn xã hội thuần túy với chân trời và đường lối hành động không khác gì những tập thể xã hội khác. Làm thế nào để giữ được sự quân bình và tính toàn thể của mầu nhiệm Thiên Chúa, để có thể “ở trong thế gian mà không thuộc về thế gian” (Ga 17,14-16), để là “muối cho đời và ánh sáng cho trần gian” (Mt 5,13-16). Sẽ mãi là một thách đố, nhưng ít ra ý thức được điều ấy cũng đã là lời nhắc nhở cần thiết cho sứ vụ, lời nhắc nhớ mỗi ngày khi làm dấu thánh giá trên mình và đọc “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
ĐGM. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

SUY NIỆM 4: LÀM NGHĨA TỬ CỦA THIÊN CHÚA LÀ MỘT ĐẶC ÂN

Khi xem những bộ phim về chế độ nô lệ, khán giả không thể quên hình ảnh của những điền chủ với những điền trang rộng thênh thang và một lực lượng lao động chính yếu là những nô lệ. Những nô lệ được sử dụng để phục vụ trong tất cả các công việc của điền trang, từ những việc nhỏ nhặt nhất đến những công việc nặng nhọc và nguy hiểm nhất. Những nộ lệ bị đối xử tàn nhẫn họ sẽ bị bị đánh đập dã man, thậm chí bị giết chết nếu làm sai điều gì, hay không hợp ý chủ. Khi cần, họ có thể bị bán, trao đổi như một món hàng. Trái lại, những người con của các điền chủ được thương yêu, dành cho những gì tốt đẹp nhất và được hứa hẹn một tương lai sáng lạn với những của hồi môn kếch xù. Trong bài đọc 2 hôm nay, thánh Phaolô mượn hình ảnh gia đình với những người con và những nô lệ trong xã hội đương thời của các tín hữu Rôma như một phép ẩn dụ về mối tương quan của con người đối với Thiên Chúa.
Quả thật, thánh Phaolô đã gửi đến cộng đoàn Rôma một tin vui. Tin vui vì nhờ phép rửa mà họ được gia nhập vào gia đình Thiên Chúa và trở thành nghĩa tử của Người. Trở thành nghĩa tử của Thiên Chúa có nghĩa là trở thành những “nghĩa đệ” của Đức Kitô (x. Rm 8,29). Hơn nữa họ còn là những người được quyền thừa kế gia sản của Thiên Chúa, là sự sống vĩnh cửu (x. Rm 8,17). Đó là đặc ân Chúa dành cho con người chúng ta.
Đặc ân này biểu lộ tình yêu nhưng không của Thiên Chúa đối với con người. Một Đấng Tạo Hóa, một Thiên Chúa Toàn Năng cho phép thọ tạo thấp hèn gọi mình là cha. Thánh Phaolô dùng chữ Abba (Cha ơi!) trong tiếng Aram như tiếng gọi thân thương của một đứa con nhỏ gọi cha mình để miêu tả sự gần gũi của Thiên Chúa đối với con người, giống như người Việt Nam ở các vùng miền khác nhau gọi cha mình là “Bố ơi!”, “Tía ơi!” hay “Thầy ơi!”. Abba cũng là cách xưng hô mà Chúa Giêsu dùng để gọi Chúa Cha (x. Mc 14,36). Được gia nhập vào gia đình của Thiên Chúa, con người cũng được chia sẻ thần tính với Người, bởi vì Thiên Chúa đã cúi xuống và nâng thân phận con người lên và tặng ban phẩm giá cao quý nhất trong các loài thọ tạo. Đó là Tình yêu của Thiên Chúa dành riêng cho con người. Tình yêu ấy được thể hiện trong sự hiệp nhất của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha hy sinh Con Một của mình để mang ơn cứu chuộc cho trần gian. Chúa Con hy sinh mạng sống mình để giải thoát nhân loại khỏi vòng tội lỗi (x. Ga 3,16-17) và ban Thần Khí của Người hướng dẫn nhân loại luôn ở trong tình yêu của Thiên Chúa (x. Rm 8,14).
Được Thiên Chúa ban đặc ân trở thành người con, các tín hữu nên đáp trả tình yêu ấy như thế nào? Thiết nghĩ, các tín hữu được mời gọi không nô lệ hóa chính mình và sống thánh thiện để đáp trả tình yêu bao la của Cha mình.
Là con cái của Thiên Chúa, các tín hữu có quyền tự do chọn lựa việc đáp trả tình yêu của Cha mình, nghĩa là tham gia hoàn thiện công trình sáng tạo của Ngài. Vì thế, các tín hữu chỉ tôn thờ một mình Thiên Chúa, không làm nô lệ cho danh vọng, tiền bạc, đam mê xác thịt. Hơn nữa, phạm tội và ở lì trong tội, con người sẽ tự dẫn mình trở về tình trạng cũ là nô lệ. Không nô lệ hóa chính mình cũng là thái độ buông bỏ những nỗi lo âu sợ hãi ví dụ lo sợ bị người khác phản bội, lo lắng về tương lai, sợ bị bệnh tật, sợ đau khổ v.v., vì sợ hãi là đặc tính của người nô lệ. Tội lỗi và sợ hãi giống như một nhà tù giam hãm tâm hồn của con người. Ngược lại, là nghĩa tử của Thiên Chúa, con người tín thác vào sự quan phòng, tình yêu của Ngài vì Ngài không bao giờ bỏ rơi con mình (x. Is 49,15) và tin lòng thương xót bao la của Ngài để không còn nghĩ rằng Thiên Chúa không tha thứ khi mình phạm tội. Khi phạm tội, trong tâm tình sám hối, các tín hữu nên xác tín rằng Thiên Chúa luôn là người cha nhân hậu giang tay đón những người con trở về và phục hồi phẩm giá cho mình (x. Lc 15,1-3.11-32).
Được thánh hóa và hướng dẫn bởi Thần Khí của Thiên Chúa, các tín hữu cũng được mời gọi nên thánh để thuộc trọn về Thiên Chúa (x. Lv 19,2; Mt 5,48). Vì vậy, các tín hữu hằng ngày tập lắng nghe tiếng Thần Khí hướng dẫn bằng cách sống theo gương Chúa Giêsu, người anh cả của mình. Bởi vì Ngài là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống (x. Ga 14,6).
Lạy Chúa, Chúa luôn mong muốn chúng con sống hạnh phúc và tự do nên đã ban cho chúng con được đặc ân làm con cái Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức về phẩm giá cao quý của mình để sống xứng đáng với ân nghĩa của Chúa. Xin Chúa cũng giải thoát những anh chị em của chúng con đang là những nô lệ cho tiền của, vật chất, của những cuộc chiến tàn sát đẫm máu. Amen.
M. Gregorio, Đan viện Vĩnh Phước

SUY NIỆM 5: BA NGÔI THIÊN CHÚA TRONG ĐỜI SỐNG KITÔ HỮU  

Người Đông Phương chúng ta thường thích giữ im lặng trước những mầu nhiệm của vũ trụ, của con người và nhất là của Thượng Đế. Thực vậy, người Trung Hoa rất ít nói về Trời, bởi vì họ cho rằng ngay cả những thực tại trần thế này, chúng ta còn chưa hiểu biết được cho thấu đáo, phương chi là những thực tại vô hình. Người Ấn Độ thì có lẽ thích nói về Thượng Đế thật đấy, nhưng họ luôn tự nhắc nhở cho mình rằng những điều chúng ta biết được về Thượng Đế, thì cũng chỉ là như một chiếc lá giữa rừng cây bao la. Trong khi đó, người Tây Phương, nhất là người Kitô hữu, khác với những người Ấn Độ và Trung Hoa, trong vấn đề này. Thực vậy, chúng ta có biết bao nhiêu sách vở viết về Thiên Chúa, biết bao nhiêu bài giảng bàn về Thiên Chúa và biết bao nhiêu định nghĩa về những tín điều. Chúng ta không thể giải nghiã một cách rành mạch mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Tuy nhiên, chúng ta có một số hình ảnh khai mở về mầu nhiệm cao cả này như Abraham Lincoln nói: “Tôi không hiểu làm sao người ta có thể là người vô thần được khi nhìn xuống mặt đất. Tôi cũng không thể hình dung được một người nào đó nhìn lên trời mà nói rằng không có Thiên Chúa” và Voltaire cũng đã từng nói: “Chỉ cần mở mắt ra là ta nhận biết sự hiện hữu của Thiên Chúa”.
Quả thật nhìn vào ngay cây cối chung quanh ta, chúng cho chúng ta thấy một hình ảnh rất sống động về Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta cảm nhiệm về Tình Yêu của Thiên Chúa qua cây cối thực vật chung quanh chúng ta. Đây là câu chuyện về tình yêu thương. Lá cây, thân cây, cành cây và rễ cây cùng yêu thương nhau. Tình yêu của chúng tiếp diễn không ngừng , lá non đâm chồi thay thế cho lá vàng, vỏ cây yêu rễ cây, rễ cây yêu cành cây. Thân cây ôm giữ chúng lại với nhau, và lá cây xõa bóng phủ hết cả thân cây.
Thân cây yêu mặt đất và yêu cả bầu trời. Ngay từ khoảnh khắc nó đâm chồi nhú lên khỏi mặt đất, nó luôn cắm sâu vào lòng đất và vươn thẳng lên trời cao.
Nó yêu lũ chim chóc xây tổ trên cành của mình, nó yêu bầy thú trú ẩn dưới gốc, nó yêu cả lũ côn trùng nương náu trong từng lớp vỏ cây. Tất cả là một gia đình.
Quả thật, cây cối cho chúng ta thấy một hình ảnh rất sống động về Chúa Ba ngôi:
– Chúa Cha là bộ rễ cắm sâu trong lòng đất.
– Chúa Con là thân cây và tất cả chúng ta là cành. Lá cây phải làm việc đêm ngày, ấy thế mà lá không bao giờ ganh tị với hoa khi được con người đến chiêm ngưỡng. Lá cũng không bao giờ ghen tương với những trái cây khi con người nâng niu những trái chín mọng. Thường thường con người chỉ quan tâm đến những nụ hoa và những trái cây trên cành mà hầu như chẳng bao giờ để ý đến lá cây gì cả, ấy thế mà lá vẫn cứ âm thầm làm việc. Quả thật đây là một hình ảnh rất ấn tượng để giới thiệu cho con người tình yêu thương bác ái mà Chúa Giêsu đã nhiều lần nhắc nhở chúng ta.
– Chúa Thánh Thần chính là nhựa cây lấy từ rễ cây để nuôi sống thân cây, cành cây và lá cây. Cây làm sao sống được nếu không có nhựa cây nuôi sống. Lá làm sao có thể xanh tươi được nếu không được bộ rễ chuyển nhựa cây lên. Cành cây làm sao có trái được nếu không được cung cấp đầy đủ nhựa sống. Như thế nhựa cây rất cần cho sự sống của cây, nhưng nhựa cây lại tùy thuộc vào bộ rễ là chính Chúa Cha.
– Chúa Cha là bộ rễ cắm sâu trong lòng đất. Nhờ Chúa Cha là bộ rễ cắm sâu trong lòng đất mà thân cây mới có thể đứng vững, nhờ đó mới chuyển nhựa lên để nuôi cây, nhờ đó cây mới có thể sinh hoa kết trái. Nhìn vào rừng cây chúng ta thấy rõ điều này. Quan sát rừng cây, chúng ta thấy có cả ngàn ngàn các loại cây chen nhau mọc trong rừng. Rừng xanh được tạo nên bởi cả rừng cây muôn loại và muôn mầu sắc. Các cây cùng chen nhau mọc vươn lên trong khoảng không, nhưng mỗi cây đều phải bám rễ sâu để giữ thân mình. Mỗi cây có sự sống và có các kết cấu riêng biệt. Mỗi cây tự mình hút chất bổ để nuôi dưỡng thân mình qua những cách thế được tạo hóa phú bẩm. Cây nào không bám rễ sâu sẽ dễ bị tróc gốc khi gặp mưa to gió lớn. Chúng ta hãy bám chắc vào Chúa Cha như thân cây bám vào bộ rễ cắm sâu trong lòng đất.
Bởi đó, ngày lễ Chúa Ba Ngôi phải là một ngày lễ giúp chúng ta tưởng nhớ đến Bí Tích Rửa Tội, vì nhờ Bí Tích Rửa Tội, chúng ta trở nên con của Chúa Cha, em của Chúa Giêsu và đền thờ của Chúa Thánh Thần.
Hơn nữa, Bí Tích Rửa Tội còn nói lên mối dây liên hệ giữa chúng ta và Chúa Ba Ngôi. Đây cũng là điều mà Dấu Thánh Giá nhắc nhở cho chúng ta. Thực vậy, khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta hãy nhủ thầm: Tôi đã được rửa tội nhân danh Chúa Cha Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Vì thế, tôi phải chu toàn thánh ý Chúa Cha, thực hiện những lời giảng dạy của Chúa Con và thánh hóa bản thân với sự giúp đỡ của Chúa Thánh Thần.
Đồng thời, ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay, còn đem lại cho chúng ta niềm an ủi và khích lệ. Chúa Cha luôn nhìn xem chúng ta, yêu mến và giúp đỡ chúng ta. Chúa Con luôn khuyên nhủ chúng ta noi gương bắt chước Ngài, quảng đại chấp nhận những hy sinh, những gian khổ. Chúa Thánh Thần thúc đẩy chúng ta làm lành lánh dữ, trao ban cho chúng ta ánh sáng và sức mạnh. Chúng ta hãy luôn nhớ đến Chúa Ba Ngôi và dâng lên Chúa Ba Ngôi tất cả những việc làm lớn nhỏ trong cuộc sống như Christophe Columbe:
Christophe Columbe, người đã khám phá ra Châu Mỹ vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ 15, có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi cách đặc biệt. Trước mọi hoạt động, ông đều kêu cầu Chúa Ba Ngôi cũng như ông luôn khởi đầu với những dòng chữ: “Nhân danh Chúa Ba Ngôi Cực Thánh”.
Lần kia, khi Columbe trình bày về thuyết “Trái Đất Tròn” trước một nhóm học giả được gọi là Hội Đồng Salamanca, một tổ chức quy tụ những nhà khoa học và thần học danh tiếng nhất thời bấy giờ, ông đã khởi đầu như sau: “Hôm nay tôi được hân hạnh đứng trước mặt các ngài nhân danh Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, vì hoàng đế đã truyền lệnh cho tôi đệ trình lên sự khôn ngoan của quý vị một dự án mà tôi xác tín là Thánh Thần Ba Ngôi Thiên Chúa đã gợi hứng cho tôi”.
Trong cuộc hành trình thứ ba của ông khởi hành năm 1948, Columbe đã thề hứa sẽ hiến dâng cho Chúa Ba Ngôi phần đất nào ông khám phá ra đầu tiên, vì thế hòn đảo ông đặt chân xuống đầu tiên trong cuộc hành trình thám hiểm Tân Thế Giới ấy cho đến nay vẫn được gọi là “Trinidad”, tức là Chúa Ba Ngôi. Amen.
Lm. Giuse Đỗ Văn Thụy

SUY NIỆM 6: HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ


Mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả nhất mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho nhân loại. Đã hơn hai ngàn năm, nhiều học giả đã cố gắng đưa ra những ví dụ để giải thích như: ngọn đèn, ánh sáng và sức nóng cùng trong một cái đèn; ba cạnh ba góc bằng nhau trong một tam giác đều; ba đốt trong một ngón tay… nhưng tất cả chỉ là loại suy khập khiễng. Bởi vì đi tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì cũng như một đứa trẻ dùng cái vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang con còng với hi vọng làm cạn nước biển (x. Giai thoại của thánh Augustino). Nghĩa là trí óc con người bé nhỏ không thể nào tri hiểu được mầu nhiệm bao la vô hạn. Con người chỉ biết rằng, từ đời đời Chúa Cha đã đản sinh ra Chúa Con và Tình Yêu giữa hai ngôi dành cho nhau đã nhiệm xuy ra Chúa Thánh Thần, sự yêu nhau và hướng về nhau này đến độ duy nhất (Một Chúa ba Ngôi). Và vì thiêng liêng nên không thuộc thời gian và không gian, nên không thể có một cột mốc thời gian có từ lúc nào, vì vậy mà Ba Ngôi có cùng một lúc hiện hữu.
Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống được chọn để mừng Lễ Chúa Ba Ngôi đã được cử hành vào thế kỷ thứ bảy. Lễ kính Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chiếm một chỗ xác định trong lịch phụng vụ, cuộc cử hành nầy dần dần được xem như một ngày lễ đặc biệt. Kể từ thế kỷ thứ X, có khá nhiều nhà thờ cử hành thánh lễ nầy một cách long trọng. Vào năm 1334, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII chuẩn nhận việc cử hành nầy ở Rô-ma và mở rộng đến Giáo Hội hoàn vũ.
 
Bài Tin Mừng về Lễ Chúa Ba Ngôi năm B là trích đoạn của thánh Mát-thêu về lệnh truyền của Chúa Giêsu:
  • Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
  • Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
  • Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
  • Lời hứa: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
 
* Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ.
Cũng như Chúa Giêsu đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x.GKPV).
Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ và cộng đoàn.
 
* Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Nếu đem đối chiếu các trình thuật về làm phép rửa trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 19,5…) và các thư thánh Phaolô, có thể chúng ta không dám chắc là đã có một công thức đầy đủ về việc làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi như tường thuật Tin Mừng Mát-thêu, bởi ban đầu các tông đồ và môn đệ vẫn làm phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, còn việc nhân danh Ba Ngôi là sự tiến triển của thần học do Chúa Thánh Thần linh hứng về sau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là khi muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (gia nhập đạo) thì phải lãnh phép rửa. Phép rửa trở thành một điều kiện bắt buộc để được hưởng ơn cứu độ, vì qua Phép Rửa, tín hữu được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.
Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). Tóm lại, phải qua phép rửa mới được cứu độ dù là minh nhiên hay mặc nhiên.
 
* Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Những huấn lệnh của Chúa Giêsu chiếm vị thế hàng đầu và trải dài trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ.
Và giờ đây, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều mà Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ biết.
Như thế, sau khi bước theo Chúa và chịu phép rửa rồi, Kitô hữu không phải nhận phép rửa gia nhập đạo rồi để đó, mà là phải tuân giữ lề luật của Chúa. Theo đạo thì phải giữ đạo và sống đạo, chứ không phải mang trên mình cái danh Kitô hữu vì đã chịu phép rửa tội, mà sống như kẻ xa lạ.
 
* Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Emmanuel diễn đạt (Mt 1,23). Nghĩa là khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì nay, lời Chúa Giêsu hứa và cũng làm cho ứng nghiệm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).
Thầy ở lại với anh em, nghĩa là sau khi Phục Sinh, trong một cách thế hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn bị giới hạn trong không gian hay thời gian nữa, mà ở trong niềm tin, lòng mến và sự trông cậy của các Tông Đồ: Rao giảng một niềm tin duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô, đặt tình yêu duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô và đặt tất cả niềm hi vọng vào Chúa Giê-su Ki-tô; bởi, “chính nhờ Người, với Người và trong Người, và mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Từ đây, mỗi khi làm dấu thánh giá, Ki-tô hữu tuyên xưng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chính mình.
 
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.
Hiền Lâm

SUY NIỆM 7:

Ngày nay, khoa học kỹ thuật phát triển, người ta đã khám phá ra những điều kỳ diệu trong vũ trụ, nào là đi lên mặt trăng, đến được các vì sao cách xa trái đất hàng triệu, hàng tỉ kilomet… Thế nhưng, dù con người có văn minh, có biết nhiều kỹ thuật tinh vi đến mấy, thì đứng trước những mầu nhiệm liên quan đến Thiên Chúa, họ vẫn phải ngã mũ thán phục, vì đụng chạm đến mầu nhiệm thì không thể dùng lý trí, kỹ thuật mà hiểu được, nhưng cần đến niềm tin. Đây là điều mà Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm một mầu nhiệm cao cả, mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo, đó là mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi.
Hôm nay, Tin mừng theo thánh Mátthêu chương 28, 16-20 cho biết, tại miền Galilê, diễn ra cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và các môn đệ. Theo Tin Mừng Nhất Lãm cho biết thì miền Galilê là nơi các môn đệ đầu tiên được  Thầy Giêsu kêu gọi, một lời mời gọi tình yêu đầu tiên, đã giúp các ông được gặp một vị Thầy vĩ đại, để rồi đã bỏ mọi sự mà đi theo Người. Hôm nay, trong lần gặp cuối cùng này, nhóm Mười Một thật vui mừng vì được gặp lại Thầy Giêsu, biết bao nhiều cảm xúc ùa về vì người Thầy đã hướng dẫn, dạy dỗ các ông suốt ba năm qua, nay Người đã từ cõi chết sống lại. Trong cuộc gặp gỡ ý nghĩa này, Đức Giêsu đã ban một lệnh truyền quan trọng cho các môn đệ: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần”. Lệnh truyền nay trở nên một công thức thức đức tin, một niềm tuyên xưng vào Thiên Chúa Ba Ngôi thực sự. Tín điều có giá trị vĩnh cửu vì được công bố từ chính môi miệng của Đức Giêsu, Con Một Thiên Chúa.
Ngay trong những trang đầu Tin mừng theo thánh Maccô, tác giả đã ghi lại những hình ảnh ám chỉ về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Khi bắt đầu sứ vụ công khai, Đức Giêsu đã đến chịu phép rửa tại sông Giođan, sau khi lên bờ thì có Thần Khí như chim bồ cầu ngự trên mình và lại có tiếng từ trời phán: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc1,10-11).
Quả thực, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất, hiệu hữu trong Ba ngôi vị: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là mầu nhiệm khôn dò, khôn thấu, bất khả hiểu thấu đối với con người, nhưng cũng là một cộng đồng yêu thương mà Thiên Chúa mời gọi chúng ta tham gia. Vì thế, tự sức mình, con người không thế hiểu được, nhưng con người lại rất may mắn khi có một Đấng mặc khải, soi đường, chỉ lối cho biết về mầu nhiệm cao vời này, là chính Đức Giêsu Ki-tô, Người đã sống lại từ cõi chết, và trước khi về trời, một lần nữa, Người lại khai mở cho chúng ta biết thêm về mầu nhiệm cao trọng này.
Lệnh truyền “làm phép rửa” nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, Đức Giêsu đã tin tưởng và trao trách nhiệm quan trọng này cho các môn đệ, để các ngài tiếp tục là chứng nhân cho niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Giờ đây, công thức niềm tin Ba Ngôi trở thành một căn tính mới cho nhân loại được biết đến. Căn tính mới của Thiên Chúa là căn tính Cha, Con và Thánh Thần, mà giờ đây người môn đệ và mỗi chúng ta thực sự đi sâu vào mầu nhiệm thánh, mầu nhiệm cao vời, mầu nhiệm bất khả hiểu thấu này.
Nói đến mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là trình bày căn tính Thiên Chúa, là một điều khó khăn vô cùng, khiến biết bao nhà tiến sĩ thần học phải đau đầu nhức óc. Một vị thánh tài giỏi xuất chúng như Augustinô, ngài đã từng suy tư, đã muốn hiểu thấu Mầu nhiệm Ba Ngôi: Có câu chuyện kể rằng, thánh nhân đang dạo bước trên bờ biển và suy nghĩ làm sao để hiểu về mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, thì ngài gặp một em bé đang ngồi trên bờ biển cầm vỏ sò để múc cạn nước biển đổ vào cái lỗ trên bờ biển, thánh nhân liền nói với em bé: “Làm sao em có thể làm được chuyện đó.”! Em bé đáp lại, chuyện này còn dễ hơn điều mà ngài đang suy nghĩ trong đầu. Đúng vậy, con người không thể hiểu rốt ráo về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chỉ nhờ Đức Giêsu mặc khải, khai sáng thì con người mới hiểu biết được phần nào đó về mầu nhiệm này.
Cũng theo Tin mừng Gioan, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu cũng thực hiện dấu lạ tại miền Galilê nơi mà Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ thứ nhất tại tiệc cưới Cana, thì giờ đây Galilê cũng chính là nơi Chúa Giêsu thực hiện dấu lạ cuối cùng sau khi Người từ cõi chết sống lại. Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ sau khi sống lại từ cõi chết, Người nói: Thầy sắp lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em… (Ga 20,17b). Đức Giêsu xác định Người có một Người Cha, mà giờ đây, Người chuẩn bị về với Cha, trở về nơi cùng lòng Cha, nơi mà Người từ đó mà đến thế gian. Thánh Gioan đã thốt lên rằng: Thiên Chúa là Tình Yêu (1Ga 4,8). Vì chỉ có một Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Tình Yêu đó tạo dựng nên vũ trụ này. Để có một nhân loại, Tình Yêu đó đã mang thân phận con người, đến với con người, chịu đau khổ, chịu chết và đã sống lại để cứu độ con người. Tình Yêu này được thể hiện qua sự thánh hoá con người, để hiệp nhất họ nên một. Cho nên, Ba Ngôi không tách biệt nhau trong mọi hành động sáng tạo, cứu chuộc và thánh hoá nhân loại, cả Ba ngôi đều tương tác, tương liên với nhau vì chỉ là Một Thiên Chúa. Chính vì thế, các môn đệ được diễm phúc trở nên anh em với Chúa Giêsu, được được gia nhập vào gia đình thiêng liêng, gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Đây là điều vô cùng quý giá cho các môn đệ và chúng ta. Hạnh phúc thay, con người cảm thấy gần với Thiên Chúa hơn, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi không còn chỉ là một công thức mầu nhiệm nữa, nhưng chính Thiên Chúa đã bày tỏ tình yêu, trao ban tình yêu, để con người được đụng chạm, được hiểu về Ngài hơn, nhất là sống mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống này, bằng cách ra đi loan truyền tin vui tình yêu cho nhân loại được biết về Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng đã yêu thương nhân loại, cứu độ nhân loại.
Qua đây, chúng ta được mời gọi hãy tin vào vào những gì Đức Giêsu đã dạy, đã truyền lại, trước khi về trời, Người đã trao sứ mệnh cho các môn đệ: Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thầndạy bảo họ mọi điều Thầy đã truyền dạy cho anh em, và đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20). Lệnh truyền của Đức Giê-su đã được các tông đồ đón nhận và truyền lại cho các thế hệ kế tiếp. Nhìn lại dòng lịch sử nước Việt nam thân yêu, chúng con tạ ơn Chúa đã đưa các vị thừa sai tới rao giảng Tin mừng cho đất nước hình chữ S. Giờ đây, đến lượt mình, chúng ta cũng phải trở thành nhà truyền giáo trên đường phố, nơi làng mạc và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Chúng ta được mời gọi sống trong sự đoàn kết và sự đa dạng, trong sự trao đổi và sự tham gia vào đời sống Hội Thánh bằng cách yêu thương và phục vụ; chúng ta còn được mời gọi sống trong sự vâng phục và sự tự do, trong sự khiêm nhường và tôn trọng, trọng sự hy sinh và vui mừng, để làm đẹp lòng Thiên Chúa Ba Ngôi và xây dựng Hội Thánh của Người ngày càng lan toả yêu thương thực sự cho nhân loại.
Lạy Chúa, hằng ngày chúng con đều làm dấu tuyên xưng Chúa Ba Ngôi, chúng con thuộc làu làu công thức: Một Thiên Chúa – Ba Ngôi. Thế nhưng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi vẫn là một mầu nhiệm xa vời trong đời sống thường ngày của chúng con, nếu chúng con không sống tương quan với Ba Ngôi Thiên Chúa cách thực sự. Chúng con thường nhân danh tình yêu Ba Ngôi, nhưng lại không sống chứng nhân tình yêu. Nhiều khi vô tình hay cố ý chúng con vẫn còn gây bất hoà, thiếu hiệp nhất trong gia đình, cộng đoàn… Xin Ba Ngôi Thiên Chúa giúp chúng con cảm nếm được mầu nhiệm tình yêu mà Ba Ngôi trong cuộc đời của chúng con, để rồi chúng con cũng biết sống hòa hợp trong khác biệt, yêu thương và nên một trong gia đình, trong cộng đoàn, cùng chung tay xây dựng gia đình Giáo hội ngày càng thăng tiến. Ước mong tất cả mọi người, mọi nơi sẽ chỉ tin có một Thiên Chúa Ba Ngôi, một đức tin, một phép rửa, một lòng mến và tất cả đều quy về mục đích chung là làm sáng danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ly Chúa Giêsu, Chúa đã dạy cho Giáo hội và chúng con biết đến mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm vô cùng ý nghĩa và quý giá. Vì thế, chúng con được mời gọi sống mầu nhiệm cao quý này ngay trong chính cuộc sống. Nhưng tiên vàn, chúng con cần hiểu biết và tôn kính Thiên Chúa Ba Ngôi là một Thiên Chúa duy nhất, toàn năng và vô biên, là một cộng đồng yêu thương, đồng nhất và đa dạng, một cộng đồng chia sẻ và đối thoại, một cộng đồng gần gũi và ấm áp. Vì thế, chúng con cần tôn kính, yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi bằng cách cầu nguyện, thờ phượng, tin nhận qua chứng tá phục vụ, chính khi nghiên cứu, học hiểu Kinh Thánh là cách để được Thánh Thần Thiên Chúa soi trí, mở lòng, đưa chúng ta đi vào sự kết hiệp thâm sâu với mầu nhiệm vĩ đại này. Nên mỗi ngày, chúng con được mời gọi dành nhiều thời giờ cầu nguyện cùng với Ba Ngôi Thiên Chúa, để cảm nếm được sự ngọt ngào từ suối nguồn tình yêu này. Xin Ba Ngôi Thiên Chúa ban cho chúng con có lòng tin, lòng mến và cậy trông thực sự. Và chỉ khi nào nơi cộng đoàn, gia đình, và môi trường sống của chúng con thực sự sống mầu nhiềm Ba Ngôi trong sự hiệp nhất, yêu thương, thì chúng con mới làm cho vẻ đẹp Ba Ngôi thấm nhập vào trong đời sống, tâm hồn chúng con được. Amen.
Đan viện Phước Hải





 

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây